20.2.09

IFV hay APC nặng nhất thế giới tham chiến

Merkava I

Nemer


Trong cuộc chiến ở Gaza cuối năm ngoài, Israel đã sử dụng Nemer, loại IFV mới của mình. IFV là viết tắt của Infantry Fighting Vehicle, một loại xe bọc thép chở quân có lớp giáp và hỏa lực mạnh, chỉ sau xe tăng. Đây là lần tham chiến thực tế đầu tiên của Nemer, và nó chứng tỏ được khả năng của mình.

Một trong số đó được sử dụng như trạm chỉ huy tiền phương, cho phép sĩ quan chỉ huy ở gần mặt trận và nhanh chóng điều động lực lượng. Nemer dựa trên khung gầm của xe tăng Merkava I và II, vốn đã được rút khỏi biên chế lục quân. Do đó, Nemer được thừa hưởng lớp giáp dày của Merkava. Tháp pháo của Merkava được tháo ra và thay bằng một tháp súng điều khiển từ xa.

Merkava rất thích hợp để chuyển đổi sang IFV vì nó là một chiếc xe tăng có cấu tạo độc nhất. Đa số xe tăng có động cơ đặt sau, nhưng Merkava có động cơ đặt trước, và phía sau có một cửa thoát hiểm cho tổ lái.

Nemer có thể chở 11 người, gồm 1 chỉ huy, 1 lái xe, 1 pháo thủ và 8 lính bộ binh. Nó còn được trang bị 1 cáng cứu thương cho phép cho thêm 1 thương binh mà không làm ảnh hưởng đến sức chở tối đa. Tháp súng được điều khiển từ bên trong xe, gắn một súng máy 12.7mm với camera hồng ngoại. Một tháp súng nhỏ khác cho chỉ huy xe với súng máy 7.62mm. Nemer còn được thừa hưởng hệ thống quản lý tác chiến từ Merkava cùng 4 camera cho phép quan sát 360 độ. Nemer thậm chí có cả 1 toilet, một cải tiến có được từ những phản hồi của người lính, vì trong nhiều nhiệm vụ, họ phải ở trong xe tới 24h.

Israel có hơn 200 xe tăng Merkava I cũ, cái cũ nhất đã 25 năm tuổi. Tháo bỏ tháp pháo, bạn còn 1 chiếc xe 44 tấn. Trước đó, Israel đã thử nghiệm dùng T-55 và Centurion làm IFV, nhưng không thích hợp lắm, vì cả 2 đều có động cơ đặt phía sau, lính bộ binh phải vào và ra từ cửa sập trên nóc. Hiện đã có 40 Nemer xuất xưởng, Israel hy vọng sẽ sản xuất thêm hơn 100 chiếc nữa, trang bị cho 2 lữ đoàn.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc nên gọi Nemer là IFV hay APC. APC hay xe thiết giáp chở quân, được xem như một loại 'xe bus bọc thép' trong quân đội, có lớp giáp và hỏa lực yếu hơn IFV. Người ta thường giả định rằng 1 IFV phải có hỏa lực đủ mạnh để tiêu diệt 1 xe tăng hay IFV khác. Trong khi đó, Nemer mặc dù có rất giáp rất ấn tượng nhưng hỏa lực từ khẩu 12.7mm chỉ đủ để chống bộ binh. Do vậy, chính xác nhất thì Nemer có lẽ nên được gọi là HAPC, hay APC hạng nặng.

Israel đã từng có ý định mua Stryker, xe bọc thép bánh hơi mới của Mỹ, vì họ rất thích khả năng cơ động của nó. Nhưng họ cho rằng trong tương lai, họ vẫn phải chiến đấu nhiều trong đô thị, nơi mà lớp giáp dày của Nemer là lợi thế. Còn tác chiến ngoài chiến trưởng mở thì Stryker có ưu thế. Nếu không đủ tiền chế tạo đủ Nemer, Israel có thể chọn cách nâng cấp M-113. Dù sao, Nemer vẫn tốt hơn.








Thông tin thêm về vụ va chạm tàu ngầm Anh và Pháp


Trong khi người Anh vẫn giữ im lặng thì người Pháp dưới áp lực của giới truyền thông đã tiết lộ thêm một số thông tin nữa.

Việc Hải quân Pháp ban đầu tuyên bố tàu ngầm của họ va chạm với một vật thể lạ dưới nước, có thể là một container, không phải để giữ bí mật mà thật sự là ngay sau vụ va chạm không ai biết rằng mình đã đâm phải cái gì. Mãi đến 10 ngày sau, khi Hải quân Anh cũng công bố việc tàu ngầm của mình va phải một vật thể dưới nước thì 2 quốc gia mới bắt đầu đối chiếu số liệu và kết luận rằng cả 2 đã đâm vào nhau. Không ai cho biết liệu có việc phân tích về dấu tích vật liệu còn lại trên thân 2 con tàu, đó sẽ là bằng chứng tuyệt đối của vụ va chạm.

Mũi tàu Le Triomphant đã đâm vào sườn chiếc Vanguard. Bên trong tàu Pháp, người ta nghe thấy một tiếng va đập lớn, sau đó là tiếng va quẹt rồi im lặng. Le Triomphant sau đó tiếp tục đi theo lộ trình của mình về cảng Brest.

Pháp cũng tiết lộ rằng họ có chia sẻ thông tin với NATO về vị trí các tàu ngầm tấn công của mình. Nhưng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân như Le Triomphant được xem là có tầm tối quan trọng chiến lược nên cần được giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả khi Pháp có tham gia lại NATO.

19.2.09

Gigapixel trên không




Tự hào về camera kỹ thuật số 10 megapixel mới của mình? Đó là khi bạn chưa so sánh nó với con quái vật 1.8 gigapixel dành riêng cho Lầu năm góc. Camera này được thiết kế để gắn trên trực thăng không người lái Hummingbird trang bị cho các lực lượng đặc biệt. Nó sẽ cung cấp khả năng chưa từng có để theo dõi mọi vật di chuyển trên mặt đất theo thời gian thực. Dự kiến nó sẽ bắt đầu bay thử đầu năm sau.

Là một phần của ARGUS-IS, tức là Hệ thống thám sát hình ảnh trên không và mặt đất tự động, camera trên gồm 4 tổ hợp, mà trong đó mỗi cái chứa 92 cảm biến hình ảnh 5 megapixel. Những phần khác của ARGUS là một hệ thống xử lý hình ảnh cực mạnh để xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ, cùng các thành phần trên mặt đất. Toàn bộ các thiết bị trên không gắn vừa một khoang chứa 250kg.

Một vài con số để cho thấy khả năng của hệ thống. Camera trên sẽ tạo ra 27 gigapixel / giây, với tốc độ quét 15Hz. Bộ xử lý có khả năng thực hiện 12 nghìn tỷ tác vụ / giây.

Trực thăng không người lái Hummingbird đặc biệt ở khả năng lơ lửng ở độ cao lớn, trên 5km, và thời gian hoạt động hơn 20 tiếng liên tục. Với hệ thống này, nó có thể bao quát một khu vực 250km vuông.

Lượng thông tin mà hệ thống này tạo ra là quá lớn để có thể truyền đi toàn bộ. Thay vào đó, người điều khiển có thể chọn 1 trong 65 cửa sổ độc lập trên màn hình để thực hiện các tạc vụ trên khu vực đó, như là zoom. Những cửa sổ này tự động theo dấu các mục tiêu di động, cho dù đó là 1 người đang đi bộ hay xe đang chạy.

Nói chung, trong toàn bộ khu vực quét của mình, bất cứ mục tiêu di động nào đều bị tự động phát hiện, khi đó, người điều khiển sẽ quyết định có phóng to hình ảnh lên để quan sát không, và sau đó có cần theo dấu tự động mục tiêu không.

Việc chia ra thành nhiều cửa sổ nhỏ cho phép tăng tốc độ hình ảnh lên một cách đáng kinh ngạc, thậm chí có thể tới mức cho phép theo dõi một viên đạn đang bay.

Arugs là tên một người khổng lồ trong thần thoại Hy lạp, không bao giờ ngủ và có 100 con mắt gắn khắp người. Argus bị thần Hermes giết và những con mắt được gắn vào đuôi công.

18.2.09

Ai chưa nhận được thông báo?


Đài loan tin rằng hiện có hơn 1,500 tên lửa đạn đạo từ TQ chĩa vào mình. Nó tăng từ 200 vào năm 2000, 800 vào 2004 và 1,300 năm ngoái. Chủ yếu là DF-11 và DF-15. DF-11 có tầm bay 300km với đầu đạn 1 tấn. DF-15 có tầm bay 600km với đầu đạn nửa tấn. Chiều rộng eo biền Đài loan khoảng 200-300km.

Còn có khoảng 1000 máy bay chiến đấu và 100,000 lính (trong đó có vài lữ đoàn lính dù) TQ sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào hòn đảo. Tên lửa sử dụng đầu đạn thông thường hoặc đạn chùm. Trên thực tế, có thể khoảng 75% số tên lửa sẽ đánh trúng mục tiêu. Mỗi tên lửa có thể coi như tương ứng với 1 quả bom 1 tấn hay nửa tấn. Tuy vậy, đa số sẽ có độ chính xác không cao.

Bị khiêu khích vì sự tăng cường binh lực của TQ, Đài loan đã tăng ngân sách quốc phòng lên 15% năm ngoái, đạt mức 10.5 tỷ dollar. Ngân sách của TQ gấp 5 lần như vậy, nhưng phải chi cho một lực lượng 2 triệu người. Quân đội Đài loan có 350,000 người. GDP của Đài là 650 tỷ với dân số 23 triệu, của TQ là 2,700 tỷ với dân số 1,3 tỷ . Như vậy, thu nhập đầu người của Đài gấp 10 lần TQ.

Quân đội Đài loan theo mô hình Mỹ, nhấn mạnh chất lượng, còn của TQ theo mô hình LX, theo đó số lượng là quan trọng nhất. Tuy vậy, hiện nay TQ cũng đang thay đổi dần theo hướng phương tây.

Mặc dù Đài loan vẫn tin rằng Mỹ sẽ đảm bảo cho nền độc lập của mình, họ cho rằng ít nhất nên có khả năng kiềm chân TQ cho tới khi hạm đội Mỹ tới kịp. Gần đây, TQ thường xuyên lên tiếng rằng họ sẽ không dùng vũ lực lấy lại đài loan và có thể sẽ giảm số tên lửa chĩa vào đảo này. Nhưng xem ra có vài người chưa nhận được thông báo nội bộ này và tiếp tục đưa thêm tên lửa tới bờ biển.

17.2.09

Vì sao tàu ngầm lại có thể va chạm với nhau?


Ngày 16 vừa qua, cả hải quân Pháp và Anh cùng xác nhận việc 2 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân (SSBN) của họ đã va vào nhau ngày 4/2. Chiếc Vanguard đang trong chuyến tuần tra còn Le Triomphant đang trở về cảng nhà Brest. Cả Anh và Pháp đều có hạm đội SSBN 4 chiếc.

Làm thế nào mà 2 tàu ngầm lại có thể va vào nhau giữa đại tây dương rộng lớn như vậy? Có một vài khả năng như sau.

Đầu tiên, cả Anh và Pháp cùng cho tàu ngầm tuần tra ở cùng một khu vực, vì cả 2 đều có cùng 1 mục tiêu, Nga, và tên lửa của 2 nước có tầm bắn gần như nhau. Do đó, không phải toàn bộ đại tây dương, mà chỉ có một phần nhỏ khu vực phía đông là nơi hoạt động thường xuyên của tàu ngầm.

Thứ hai, mục tiêu của SSBN là yên lặng nhất có thể. Chúng sử dụng sonar thụ động và di chuyển rất chậm. Trong một số điều kiện tự nhiên đặc biệt, khi mà có sự chênh lệch nhiệt độ hoặc độ mặn giữa các tầng nước, âm thanh có thể bị bẻ theo những hướng nhất định và khiến cho 2 tàu ngầm hoàn toàn 'vô hình' đối với nhau.

Thứ ba, NATO có quy tắc quy định việc các thành viên chia sẻ thông tin về khu vực hoạt động của tàu ngầm với nhau. Nhưng Pháp đã ra khỏi NATO từ 1966.

Cũng có thể là hệ thống sonar trên một trong 2 tàu gặp vấn đề, không phát hiện hay phát hiện quá trễ.

Cho dù là nguyên nhân gì, cuộc điều tra có thể mất nhiều thời gian, và chắc chắn là chỉ một phần kết quả sẽ được công bố rộng rãi.

Hải quân Pháp tuyên bố họ luôn có 2 SSBN sẵn sàng cho nhiệm vụ, do đó nếu một gặp vấn đề, họ vẫn duy trì được khả năng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm.

Lớp Le Triomphant nặng 12,600 tấn, thủy thủ đoàn 101 người. Nó mang theo 16 tên lửa M51 với tầm bay 10,000km và có 6 đầu đạn. 3 chiếc trước đó mang tên lửa M45, tầm bay 6,000km.

Vanguard lớn hơn một chút, với thủ thủ đoàn 135 người, mang theo 16 tên lửa Trident II, mỗi cái có 8 đầu đạn, tầm bắn 11,300km.

Giả sử vụ va chạm vừa qua có kết quả tồi tệ hơn và 1 trong 2 hoặc cả 2 chiếc bị chìm thì chúng cũng chỉ nối dài thêm danh sách tàu ngầm hạt nhân bị chìm từ những năm 60. Cả lò phản ứng và đầu đạn hạt nhân đều được thiết kế để chìm trong nước và vẫn bảo quản được vật liệu phóng xạ trong thời gian dài. Ước tính có khoảng một chục tàu ngầm hạt nhân bị chìm. Tuy vậy, con số này không tính đến việc trong những năm 80 và 90, người Nga đã cho đánh chìm hàng loạt tàu ngầm ở Bắc Băng Dương vì thiếu kinh phí duy trì. Đến giữa những năm 90, các nước phương tây bắt đầu cung cấp kinh phí để Nga có thể tháo dỡ an toàn các tàu ngầm cũ của mình và dừng việc đánh chìm này lại.

Va chạm tàu ngầm - Có quá đặc biệt?


Trên thực tế là không, vì chúng đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ. Và không như nhiều viễn cảnh khủng khiếp được vẽ ra về sự rò rỉ phóng xạ, hậu quả của những vụ tai nạn, không tính tới bản thân thủy thủ đoàn, là không đáng kể.

Trong suốt chiến tranh lạnh, các cường quốc NATO, đặc biệt là Anh và Mỹ thường xuyên chơi trò mèo chuột đầy mạo hiểm với các tàu ngầm của Hạm đội Cờ đỏ phương bắc của Hải quân Xô Viết.

Mục tiêu của 'trò chơi' này là tìm và theo dấu các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô. Khi đó, nếu tàu ngầm LX chuẩn bị phóng tên lửa thì tàu ngầm NATO sẽ tấn công bằng ngư lôi.

Trong những năm 70 và 80, phương Tây có ưu thế trong công nghệ sonar và giảm thiểu tiếng ồn của tàu ngầm. Do đó, Anh và Mỹ thường có thể định vị được các tàu ngầm LX khi chúng rời căn cứ ở Bắc Băng Dương bằng cách dùng sonar thụ động.

Các hệ thống sonar thụ động này có thể được kéo đi bằng tàu chiến, được đặt dưới đáy biển hoặc ngay trên tàu ngầm Anh Mỹ. Dù bằng phương tiện gì, một khi đã định vị được, tàu ngầm NATO có thể lặng lẽ bám theo đuôi tàu ngầm LX. Điều này càng dễ dàng nếu tàu ngầm LX đi với tốc độ cao và gây ra nhiều tiếng ồn.

Nhưng một khi đã ra đại tây dương và vào khu vực tuần tra thì tàu ngầm LX sẽ đi chậm lại và trở nên yên lặng hơn. Do đó, tàu ngầm NATO phải tiến sát hơn để không mất dấu. Trong một số trường hợp, tàu ngầm Mỹ thậm chí gần đến mức có thể thực sự 'nhìn thấy' tàu ngầm LX. Và do đó, khả năng va chạm là lớn, và thật sự là chúng xảy ra khá thường xuyên.

Vấn đề là LX bắt đầu nhận ra việc mình thường xuyên bị theo dấu. Họ thỉnh thoảng 'xoay đầu' rất đột ngột ra phía sau để phát hiện tàu ngầm NATO, vì khi đó tàu ngầm NATO không còn ở phía sau chân vịt tàu ngầm LX nữa mà ngay phía trước vòm sonar chính ở mũi tàu, hơn nữa sự xáo động mạnh tạo ra bởi chân vịt tàu LX khi đỗi hướng đột ngột sẽ phản xạ bởi tàu ngầm NATO và khiến tàu ngầm LX càng dễ định vị kẻ theo dấu hơn. Động tác này được hải quân Mỹ gọi là "Ivan điên" và thuyền trưởng tàu ngầm NATO không còn cách nào khác là chuyển hướng gấp để tránh va chạm và chấp nhận để bị phát hiện.

Ngoài ra, tàu ngầm còn thường xuyên va vào đáy của các tảng băng, hay đáy biển. Trường hợp sau thường xuyên hơn vì tàu ngầm, so với tàu nổi, không tốt lắm trong việc xác định vị trí của chính mình.

Còn vấn đề ảnh hưởng đến môi sinh và con người gây ra bởi các vụ tai nạn? LX và Nga hiện nay mất tổng cộng 8 tàu ngầm hạt nhân, Mỹ là 2, trong suốt 50 năm qua, và không có dấu hiệu gì cho thấy môi trường bị ảnh hưởng nhiều vì chúng. Và thực tế thì một vụ tai nạn tàu ngầm có ảnh hưởng đến môi sinh bé hơn nhiều một vụ tràn dầu, vốn xảy ra thường xuyên hơn nhiều.

Đại Tây Dương chưa đủ lớn?


Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) Le Triomphant của Pháp, chiếc đầu tiên của lớp tàu ngầm cùng tên, vừa có một vụ tai nan hy hữu ngoài khơi cảng Brest khi nó va chạm với một SSBN của Anh, chiếc HMS Vanguard.

Ban đầu, hải quân cho rằng tàu ngầm của họ va vào một container bị rơi xuống biển vì bão. Chiếc Le Triomphant phải nổi lên và trở về cảng. Khoang chứa sonar phía mũi tàu bị hư hại nhẹ. Chiếc HMS Vanguard cũng bị hư hại và phải được kéo về. Không có báo cáo về thiệt hại nhân mạng.

Năm ngoái, Pháp hạ thủy chiếc thứ tư, cũng là cuối cùng, trong lớp SSBN Le Triomphantmới của mình, chiếc Le Terrible. Lớp Le Triomphant nặng 12,600 tấn, thủy thủ đoàn 101 người. Nó mang theo 16 tên lửa M51 với tầm bay 10,000km và có 6 đầu đạn. 3 chiếc trước đó mang tên lửa M45, tầm bay 6,000km. Cả 3 chiếc này đều sẽ được trang bị lại tên lửa M51 mới.

Le Triomphant thay thế cho 6 chiếc SSBN thuộc lớp Redoubtable, nặng 9,000 tấn, trang bị 16 tên lửa M4 với tầm bay 5,000km.

16.2.09

FAB-T


Không lực Mỹ vừa gắn một thiết bị viễn thông qua vệ tinh tốc độ cao lên các máy bay ném bom hạng nặng của mình. FAB-T, tên của thiết bị, cho phép các máy bay sử dụng đường truyền với băng thông của internet tốc độ cao, 8 megabit / giây. Nó có thể liên lạc với tất cả các thiết bị thu phát trên không và trên bộ khác có khả năng chia sẻ dữ liệu dưới dạng video, hình ảnh, âm thanh v.v…Việc chia sẻ dữ liệu này cho phép việc sử dụng bom thông minh nhanh và chính xác hơn.

Đạn thông minh


Quân đội Mỹ vừa thử nghiệm thành công loại đạn thông minh 120mm dành cho xe tăng. Nó có thể sử dụng chỉ thị bằng laser hoặc nhận diện hình ảnh bằng radar để dẫn đường. Trong cuộc thử nghiệm, mục tiêu được bắn trúng ở khoảng cách 8km. Nhưng khoảng cách tối đa được thiết kế cho loại đạn này, XM-111 MRM, là 12km.

XM-111 sẽ tiếp cận mục tiêu ở tốc độ chậm, khi đã xác định được mục tiêu, nó sẽ khai hỏa một quả tên lửa nhỏ để xuyên thủng mục tiêu bằng một đầu xuyên làm bằng kim loại có khối lượng riêng lớn, như uranium làm nghèo, với tốc độ của một viên đạn.

Còn có một phiên bản khác của XM-111, sử dụng đầu nổ định hướng thay vì động năng để xuyên thép. Tầm bắn khoảng 6km, phiên bản này được bắn đi với góc bắn cao và tiếp cận mục tiêu từ trên xuống, sử dụng radar để xác định mục tiêu.

Loại vũ khí tương tự xuất hiện lần đầu khoảng 50 năm trước. Đó là MGM-51
Shillelagh, một loại tên lửa bắn ra từ nòng ngắn cỡ 152mm của xe tăng hạng nhẹ Sheridan và một số M-60. Tầm bắn 2km. Cơ chế dẫn đường khi ấy còn rất nguyên thủy, sử dụng tia hồng ngoại, và pháo thủ phải liên tục giữ cho tia hồng ngoại đó chiếu vào mục tiêu cho tới khi tên lửa chạm đích.

Sau đó, khi nhận thấy loại đạn thông thường với tốc độ cao cỡ 105mm và 120mm hiệu quả hơn, người Mỹ đã loại bỏ Shillelagh. Tuy vậy, người Nga thì tiếp tục. Đến những năm 80, họ có loại tên lửa bắn từ nòng súng xe tăng (xe tăng Nga dùng cỡ nòng 125mm) với tầm 4km. Loại vũ khí này rất đắt, khoảng 3 quả là đã gần tương đương một chiếc xe tăng. Tuy vậy họ cũng xuất khẩu được một số, chủ yếu qua Trung Quốc, và bị nước này copy lại.

Hiện Nga sử dụng 9M119M Reflek-M (AT-11), tầm bắn 5km, có thể xuyên thủng 75cm thép và sử dụng đầu đạn nổ định hướng và dẫn đường bằng laser.

Israel sử dụng Lahat, tầm bắn 8km, và có khả năng tấn công từ trên xuống, đánh vào nóc xe tăng, nơi giáp mỏng nhất. Lahat còn có 1 phiên bản cho UAV, tầm bắn 13km.

15.2.09

Tiết lộ về F-22


Không lực Mỹ vừa chính thức tiết lộ một số thông số kỹ thuật của F-22, chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Về tính năng tàng hình, đối với radar, F-22 chỉ tương đương với một viên bi thép. F-35, loại chiến đấu cơ đa năng ra đời sau F-22, tương đương với một quả bóng golf thép. Những thông số này thật ra đã được đồn đoán nhiều trong thời gian qua một cách không chính thức trong giới quân sự, một số người đã có cách so sánh gần giồng với cách không lực Mỹ công bố. Một số phi công tham gia huấn luyện với F-22 mô tả nó chỉ như một 'con chim sẻ' đối với radar. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên có một công bố chính thức.

Thông số của radar AESA được công bố là 210km, so vớ 200km trong bản thông số chính thức trước. Nó có thể phát hiện tính hiệu của radar đối phương từ 300km.

Có thể coi sự công bố này là một bước nữa trong một chiến dịch của Không lực nhằm thuyết phục Quốc Hội đồng ý cho sản xuất thêm F-22, nhiều hơn mức 183 chiếc hiện tại. Hiện nay, giá thành sản xuất mỗi chiếc F-22 là 145 triệu dollar.

Tuy vậy, cũng như mọi thông số vũ khí khác, không ai biết chắc liệu đây có phải đã là thông số chính xác hay chưa. Vì giới quân sự luôn công bố ở mức thấp hơn thực tế, vì những lí do mà ai cũng hiểu.

Bài học từ Anbar


Tỉnh Anbar cho tới gần đây vẫn được coi là 'miền tây hoang dã' của Iraq. Cách đây 2 năm, trung bình một tuần có 500 vụ tấn công và các lực lượng Mỹ và Iraq tại đây, cách đây một năm là 40. Còn hiện là từ 3 - 4 vụ. Lí do chính là vì các phần tử khủng bố Hồi giáo, những người Sunni cực đoan đều đã bị tiêu diệt, bỏ chạy hoặc phải chấp nhận hòa bình với chính quyền.

Dân cử của khu vực rộng lớn ở miền tây Iraq này chủ yếu là của hơn một chục bộ tộc A-rập Sunni, khoản 1.2 triệu. Dưới thời Saddam, như mọi người Sunni khác, dân cư ở đây cũng được coi là đồng minh của chính quyền. Tuy vậy, dân ở đây vẫn nằm trong số nghèo và ít học nhất. Dân Sunni ở Baghdad chỉ coi dân ở đây như những đám dân du mục nghèo rớt ở sa mạc.

Al Qaeda, và một số tổ chức khác, bắt đầu hoạt động ở Anbar từ 2003, và dẫn tới vài chiến dịch quy mô lớn của quân đội Mỹ ở Falluja và Ramadi. Những chiến dịch này khiến các tổ chức khủng bố co lại, nhưng vẫn còn trong bóng tối. Tuy vậy, đến 2004, chúng bắt đầu gặp vấn đề với dân địa phương, những người đã quá mệt mỏi với việc phải sống trong bạo lực.

Đến 2005, một số bộ tộc ở Anbar bắt đầu công khai chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố. 2 năm trước, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu chứng kiến những trận chiến giữa người A-rập Sunni với nhau (Al Qaeda cũng theo hệ Sunni). Những trận chiến ngày càng thường xuyên cho tới khi Al Qeada biến mất.

Hiện quân Mỹ bắt đầu triệt thoái khỏi đây, nhường lại quyền kiểm soát an ninh cho quân đội (chủ yếu là người Shia) và cảnh sát (chủ yếu là người Sunni địa phương). 3 năm bạo lực để lại cho người dân ở đây nhiều kỷ ức mà họ không muốn lặp lại.