27.8.09

Mỹ - Công nghệ trong Transformer (P.3)

Lực lượng hỗ trợ cho nhóm của thiếu tá Lennox ở Ai cập được đổ bộ vào, sử dụng tàu đệm hơi LCAC. So với những tàu đổ bộ cổ điển, như loại được dùng ở Normandy, tàu đệm hơi là 1 bước tiến lớn, ko chỉ về tốc độ, sức tải mà quan trọng nhất là sự linh hoạt. Tàu đổ bộ loại cũ chỉ có thể dùng được cho chưa tới 10% chiều dài bờ biển trên thế giới, với tàu đệm hơi, con số này là hơn 70%, nhờ đó mà người ta có nhiều lựa chọn hơn khi lên kế hoạch đổ bộ. LCAC không phải được thiết kế độc lập như một số loại tương tự, ví dụ như Zurb của Nga, vốn có kích thước lớn hơn. Nó được thiết kế để có thể được chứa bên trong các tàu hỗ trợ đổ bộ như Wasp hay San Antonio, và di chuyển binh lính và thiết bị từ tàu mẹ vào bờ biển. Tốc độ tối đa trên 40 hải lý/h và tầm hoạt động trên 200 hải lý. Sức tải tối đa là 75 tấn. Trong phim chỉ có 2 chiếc xuất hiện, và chỉ với 2 chiếc này thì có thể đổ bộ 1 lực lượng hùng hậu như trong phim, khi mà chỉ riêng 1 chiếc xe tăng Abram đã nặng tới 70 tấn.


Jetfire là một trong những nhân vật khác đặc biệt của bộ phim, là một Decepticon nhưng đã chuyển sang phe Autobot. Jetfire tồn tại dưới lốt của 1 chiếc SR-71 Blackbird, một trong những huyền thoại của công nghệ hàng không quân sự. Cho tới nay, nó vẫn là chiếc máy bay nhanh nhất từng trong biên chế chính thức của mọi lực lượng không quân trên thế giới. Những mẫu máy bay nhanh hơn nó đều chỉ ở mức mẫu thử nghiệm. Tiền thân của SR-71 là chiếc A-12, có hình dạng bên ngoài gần giống SR-71. A-12 được đặt hàng để thay thế cho U-2 sau khi chiếc này không còn miễn nhiễm với hệ thống phòng không của LX nữa. Điều đặc biệt nhất về chiếc A-12 có lẽ là sự bí mật tuyệt đối của dự án. Thậm chí ngay cả không lực Mỹ cũng không biết đến sự tồn tại của nó (vì dự án là của CIA chứ không phải của quân đội). Chính vì vậy mà khi những báo cáo từ các máy bay dân sự tình cờ nhìn thấy những 'vật thể bay không xác định' ngay giữa nước Mỹ xuất hiện ngày một nhiều thì có nhiều sĩ quan cao cấp trong không lực Mỹ lo ngại rằng đó có thể là 1 máy bay do thám của LX!

SR-71 được thiết kế như một máy bay do thám chiến lược siêu thanh, với đội bay 2 người. "Vũ khí" chính của nó để vượt qua các hàng rào phòng không tân tiến nhất là tốc độ và trần bay lớn của mình. Các thông số chính: trọng lượng tối đa 77 tấn, tốc độ tối đa 3530km/h, tương đương Mach 3.3 ở độ cao 24km (Mach thay đổi theo độ cao). Trần bay 26km, tầm bay tối đa 4800km, và nó có thể được tiếp nhiên liệu trên không. Không chỉ giữ kỷ lục về tốc độ, SR-71 cũng là máy bay có trần bay lớn nhất được sản xuất hàng loạt và chính thức nằm trong biên chế.


Phần thân và vỏ máy bay làm chủ yếu từ titan và hợp kim titan để chống lại nhiệt độ sinh ra do ma sát với không khí. Nó có khả năng do thám 100,000 dặm vuông trong 1 giờ. Các cảm biến nó có thể mang theo gồm radar ảnh ASARS-1 gắn ở mũi máy bay, có thể thay thế bằng cảm biến quang học góc rộng Litton Itek. Dữ liệu từ ASARS có thể được truyền về trạm mặt đất dể xử lý với tốc độ 274Mbs trong khoảng cách 300 dặm. Nếu ngoài tầm truyền dữ liệu, dữ liệu sẽ được lưu lại trên máy bay. Ngoài ra, 2 bên hông máy bay còn có 2 camera chụp dùng để chụp điểm mục tiêu.


Động cơ J-58 của nó là động cơ phản lực quân sự duy nhất cho tới nay có thể hoạt động liên tục ở chế độ đốt hậu, và ngược với các động cơ phản lực khác, ở tốc độ càng cao thì hiệu suất động cơ lại càng tăng. Điều này có được nhờ thiết kế đặc biệt của động cơ, lai giữa động cơ phản lực thông thường và động cơ ramjet. Nguyên tắc chung của động cơ phản lực là không khí được hút vào trong động cơ, nén lại và (do đó) nóng lên, được đẩy vào buồng đốt nơi nó được trộn với nhiên liệu vào thành hỗn hợp nổ. Sau khi được kích nổ, thể tích và nhiệt độ của hỗn hợp tăng đột ngột và tạo thành luồng phản lực thoát ra ngoài, tuy nhiên trước đó nó sẽ đi qua 1 turbin nữa, nơi mà 1 phần năng lượng được giữ lại để làm quay bộ turbin nén khí ở phần trước của động cơ. Với những động cơ phản lực quân sự thì trước khi thoát ra ngoài, luồng khí phản lực sẽ được trộn với nhiên liệu và đốt một lần nữa (đốt hậu) cho phép máy bay đạt tốc độ siêu âm. Tuy vậy quá trình này rất tốn nhiên liệu và bản thân động cơ cũng chỉ chịu được trong 1 thời gian ngắn trước khi tan chảy. Với động cơ ramjet, không khí được nén lại không phải bằng các cánh quạt và hoàn toàn bằng tốc độ của luồng khí vào kết hợp với hình dạng của cửa hút khí. Do đó nó chỉ thích hợp ổ tốc độ rất cao.


Điểm đặc biệt của J-58 là nó có 6 ống dẫn khí lớn bao bọc quanh lõi động cơ phản lực. Cơ chế hoạt động của nó như sau. Dòng khí vào được nén sơ cấp nhờ vào 2 đầu nén khí có hình dạng chóp nón và chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ở đầu 2 động cơ của Jetfire. Sau đó không khí được tách ra nhờ vào các van biến thiên. Một phần đi qua các tầng chong chóng nén, như với động cơ thường. Phần còn lại đi qua 6 ống khí đi thẳng đến tầng đốt hậu, giống như một động cơ ramjet. Tốc độ càng cao thì máy bay càng phụ thuộc nhiều vào luồng khí đi thẳng qua 6 ống dẫn. Lí do là vì khi đó, nhiệt độ tạo ra bởi tầng nén đầu tiên là đã đủ mà không cần phải đi qua các các tầng cách quạt nén khí nữa. (Nhiệt độ dòng khí trước khi vào buồng đốt sẽ quyết định hiệu suất mà động cơ có thể lấy được từ nhiên liệu, nhiệt độ càng cao thì càng hiệu quả, tuy nhiên phải tính đến giới hạn chịu đựng của vật liệu).


Do được thiết kế tối ưu cho mức vận tốc cực cao (Mach 3) nên SR-71 hoạt động rất khó khăn ở mức vận tốc thấp. Thậm chí để vượt bức tường âm thanh, nó phải thực hiện động tác bổ nhào. Nhưng sau khi đã đạt tốc độ siêu âm rồi thì không gì có thể cản được nó lao thẳng đến mốc Mach 3 và duy trì ở đó.


Với tốc độ và độ cao như thế, có thể nói SR-71 là máy bay 'bất khả xâm phạm'. Trong suốt thời gian hoạt động của mình, đối phương đã 4000 lần cố gắng ngăn chặn Blackbird, bằng máy bay hoặc tên lửa, nhưng không 1 lần thành công. Đơn giản là ví nó bay quá cao và quá nhanh.


Blackbird được thiết kế bởi Trung tâm Chồn hôi, một trung tâm thiết kế huyền thoại của Lockheed Martin, nơi ra đời của U-2, A-12, F-117A, F-22, F-35. Blackbird có 1 vị trí đặc biệt trong lịch sử công nghệ hàng không không chỉ vì những đặc tính có 1 không 2 của mình mà còn vì nó đánh dấu 1 bước chuyển lớn trong công nghệ đỉnh cao sử dụng trong các 'siêu máy bay'. Trước kia, mục tiêu của các kỹ sư là nhanh hơn, cao hơn, xa hơn. Các máy bay như U-2, SR-71 được thiết kế để vượt qua hàng rào phòng không bằng cách bay rất nhanh, rất cao. Tuy nhiên, sau Blackbird, ưu tiên được chuyển sang công nghệ tàng hình, với F-117A hay B-2. Đối với các chiến đấu cơ thông thường khác, ưu tiên cũng chuyển từ vấn đề sức mạnh của động cơ sang các thiết bị điện tử, đặc biệt là radar. Thực tế thì thế hệ 4 trở đi thì các chiến đấu cơ đều có giới hạn tốc độ tối đa từ Mach 2 - 2.5.

Bản thân Blackbird cũng là máy bay đầu tiên có tích hợp những công nghệ nhằm làm giảm bề mặt phản xạ radar, tuy rằng nó hoàn toàn không phải là 1 máy bay tàng hình. Việc ra đời của vệ tinh do thám đã khiến cho vai trò của những máy bay do thám chiến lược như U-2, SR-71 suy giảm nhiều. Khi vệ tinh Corona, vệ tinh do thám đầu tiên của thế giới, chuyển dữ liệu về (khi đó bằng cách thả cuộn phim trở lại bầu khí quyển và máy bay sẽ phải bắt lấy trước khi nó rơi xuống biển), lượng hình ảnh trong 1 lần còn lớn hơn toàn bộ số hình ảnh mà tất cả các chuyến bay của U-2 thu được. Dù sao thì với những thành tích, kỷ lục mà SR-71 nắm giữ cũng như vai trò bản lề trong công nghệ, nó xứng đáng là 1 tượng đài.


Một trong những công nghệ tương lai xuất hiện trong Transformer là pháo điện từ mà một khu trục hạm dùng để tiêu diệt một Decepticon trên đỉnh kim tự tháp. Hiển nhiên là một vũ khí như vậy không tồn tại trên thực tế, mặc dù hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công 1 nguyên mẫu pháo điện từ với sơ tốc đầu đạn Mach 7 (tương đương trong phim). Cùng với laser, pháo điện từ được xem là tương lai của vũ khí hải quân, được gọi chung là vũ khí năng lượng định hướng, thay cho các vũ khí sử dụng chất nổ thông thường như pháo, tên lửa. Tuy nhiên, một trở ngại lớn cho việc áp dụng trên thực tế là lượng điện năng khổng lồ mà những loại vũ khí này yêu cầu. Các loại chiến hạm hiện nay đều không được thiết kế để có thể một lượng điện năng lớn như vậy. Trong những năm qua, nhu cầu về năng lượng của các chiến hạm đã tăng khá nhiều và hầu như đã tới mức giới hạn. Nguồn gốc của nhu cầu tăng lên này là do sự phát triển của radar, đặc biệt là công nghệ radar quét điện tử. Radar mạnh hơn đồng nghĩa với cần nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, khi radar hiện đại hơn, nghĩa là ta thu được nhiều dữ liệu hơn, nhưng để chuyển dữ liệu từ radar thành thông tin có ích thì ta cũng cần các thiết bị xử lý mạnh tương ứng mới có thể tận dụng được sức mạnh của radar. Ví dụ như những máy tính mạnh hơn, cũng đồng nghĩa với nhiều điện năng tiêu thụ hơn. Do đó, để có thể có nguồn điện cần thiết cho các vũ khí năng lượng, cần có các thiết kế mới, tối ưu hóa năng lượng của tàu.


Một cách tiếp cận là hạt nhân hóa toàn bộ hạm đội. Một cách khác, như trong các thiết kế mới của hải quân Mỹ như khu trục hạm DDG-1000 Zumwalt, là chuyển toàn bộ năng lượng tàu có thể sản sinh ra sang dạng điện năng. Trước kia thì 1 phần lớn năng lượng của tàu sinh ra được chuyển thẳng từ động cơ (turbin phản lực) ra chân vịt dưới dạng năng lượng cơ. Theo các thiết kế mới thì toàn bộ năng lượng sản sinh ra sẽ dưới dạng điện năng và sẽ được phân phối tùy theo nhu cầu trong từng thời điểm.


Khi lực lượng NEST Team bị các Decepticon bao vây ở Ai cập, một trong những loại hỏa lực hỗ trợ mạnh nhất là họ có được là từ 1 chiếc B-1B Lancer thả hàng chục quả bom JDAM. Được thiết kế trong chiến tranh lạnh với vai trò chủ yếu là để phóng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, B-1B đã chứng tỏ vai trò trong các cuộc chiến quy ước tại Iraq cũng như tại Afghanistan. Chủ yếu nhờ vào sự hoàn thiện của công nghệ tìm mục tiêu và bom thông minh. Mặc dù không hiệu quả, về mặt chi phí, như B-52, B-1B có lợi thế về tốc độ, vì là một máy bay ném bom siêu âm. Do đó, nó có thể có mặt nhanh hơn khi lực lượng trên mặt đất cần hỗ trợ. Ngoài ra, sự xuất hiện của JDAM, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh, cho phép B-1B có thể hỗ trợ bộ binh một cách hiệu quả và chính xác hơn. Trong quá khứ, khi lực lượng 2 bên giao chiến gần nhau như trong cuộc chiến ở Ai cập thì chắc chắn không ai dám cho máy bay ném bom hạng nặng 'rải thảm' như vậy cả.


Tuy vậy, bom thông minh không phải là vũ khí duy nhất mà B-1B có thể sử dụng. Tại Afghanistan, khi gặp sức kháng cự mạnh của Taliban, bộ binh Mỹ có thể yêu cầu B-1B thực hiện hoạt động 'biểu dương sức mạnh', khi đó nó sẽ bay sát mặt đất với tốc độ siêu âm. Tiếng gầm rít từ 4 động cơ phản lực đốt hậu cỡ lớn cùng với tiếng nổ khi vượt tường âm thanh tạo thành một 'trận bom âm thanh' có thể làm lung lay tinh thần của lực lượng Taliban gần đó. B-1B có thể thực hiện động tác này là vì nó được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không bằng cách bay rất nhanh ở độ cao thấp, bám sát địa hình.


Trên thực tế, đó chỉ là 1 trong rất nhiều lần mà lực lượng trên mặt đất của thiếu tá Lennox phải yêu cầu yểm trợ từ trên không. Trong phần 1 là khi bị bao vây ở Qatar, và tại Mission City, trong phần 2 là tại Ai cập. Trên thực tế, trong những chiến dịch đặc biệt, các lực lượng đặc nhiệm (như NEST Team trong phim) thường sẽ có 1 điều phối viên của không quân đi cùng. Những người này không chỉ đóng vai trò gọi máy bay và chỉ định mục tiêu và còn kiểm soát không lưu, phối hợp hoạt động các mọi máy bay gần đó. Và vì đi theo các đơn vị đặc nhiệm, những người này cũng cần có những tố chất đặc biệt và phải trải qua những đợt kiểm tra cực kỳ khắt khe.


Đầu tiên, những ứng viên trải qua 2 tuần tuyển chọn ban đầu. Sau đó là 15 tuần huấn luyện ở trường kiểm soát không lưu. Tiếp đó là 3 tuần huấn luyện nhảy dù. 3 tuần tiếp theo là về cách tồn tại trong tự nhiên. Cuối cùng là 13 tuần huấn luyện về điều khiển hỏa lực đường không. Nếu vượt qua tất cả, họ có thể cùng đi theo các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ như Delta Force, Mũ nồi xanh, Biệt động, trừ lực lượng SEAL của hải quân. SEAL yêu cầu thêm 12 tháng rèn luyện thể lực. Bắt đầu là 5 tuần huấn luyện thế chất. Tiếp theo là 6 tuần học lặn, thêm 4 tuần rèn luyện nhảy dù. Tiếp đó là 12 tuần huấn luyện về kỹ năng cơ bản của SEAL và 8 tuần hoàn thiện các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.


(Còn tiếp - Phần cuối tập trung vào vũ khí cá nhân)