Showing posts with label Chiến đấu cơ. Show all posts
Showing posts with label Chiến đấu cơ. Show all posts

22.2.12

Rafale hồi sinh từ chiến thắng ở Ấn Độ

Vừa qua nước Pháp vừa giành được một hợp đồng quân sự MMRCA khổng lồ trị giá hơn 10 tỷ dollar của Ấn Độ với chiến đấu cơ Rafale. Chiến thắng này là một bước ngoặt lớn đối với loại máy bay ấn tượng nhưng kém may mắn này. 


MMRCA


MMRCA là gói thầu của Ấn Độ mua 126 chiến đấu cơ đa năng hạng trung. Trong cơ cấu của không quân Ấn Độ chúng sẽ nằm giữa chiến đấu cơ  chủ lực Su-30MKI và chiến đấu cơ hạng nhẹ LCA do Ấn Độ tự phát triển. Có trị giá hơn 10 tỷ dollar, và có thể được ký tiếp với tổng giá trị lên đến 20 tỷ dollar, đây là một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới thời gian qua. Trước đây Ấn Độ hầu như chỉ mua vũ khí của Liên Xô-Nga, nhưng gần đây nước này đã đa dạng hoá nguồn cung của mình, và mua rất nhiều vũ khí của phương Tây.


Ban đầu có tất cả 6 đối thủ cạnh tranh với nhau: Mig-35 của Nga, F-16 và F-18E/F của Mỹ, Typhoon của liên doanh Anh-Đức-Ý-Tây Ban Nha, Rafale của Pháp, và Gripen của Thuỵ Điển. Điều kỳ lạ là vào năm 2009, Ấn Độ từng tuyên bố loại Rafale ra khỏi danh sách này, cho dù khi đó quá trình đánh giá vẫn chưa hoàn tất. Thế nhưng sau đó Rafale lại được đưa trở lại cuộc đấu thầu, trở thành 1 trong 2 lựa chọn trong danh sách rút gọn, cùng với Typhoon, và trở thành người chiến thắng. MMRCA có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho sự lộn xộn và hay thay đổi trong các hợp đồng quốc phòng của Ấn Độ, vốn thường là nạn nhân của nạn tham nhũng và quản lý kém. Ngay cả ‘chiến thắng’ của Rafale vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn, ít nhất là trên giấy tờ, vì chưa có hợp đồng nào chính thức được ký. Quá trình đàm phán để chốt lại hợp đồng có thể kéo dài vài tháng nữa. 



Hình 1 - Cơ cấu hiện tại của không quân Ấn Độ, từ trái qua là Jaguar, Mirage 2000, Su-30, Mig-27, Mig-21.


Dù sao người Pháp vẫn có quyền mở sâm banh khi mà hợp đồng béo bở này đã cứu cho Rafale khỏi nguy cơ bị ngừng sản xuất vì thiếu đơn hàng. Cho đến nay Rafale vẫn là loại chiến đấu cơ duy nhất của các nước phương Tây không nhận được đơn hàng xuất khẩu nào, ngoại trừ F-22 bị chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu. 


Sau đây là tóm lược về các bại tướng của Rafale, và các điểm mạnh, điểm yếu của chúng. 


Mig-35


Lợi thế của Mig-35 là Ấn Độ đang sử dụng Mig-29, trong khi trên thực tế Mig-35 là một phiên bản nâng cao của Mig-29, được nhà sản xuất xem như một chiến đấu cơ thuộc thế hệ 4+. Ngoài ra Ấn Độ cũng vừa chọn Mig-29K, phiên bản hải quân của Mig-29, để sử dụng trên tàu sân bay của mình. Như vậy nếu chọn Mig-35, Ấn Độ có thể đơn giản hoá được các yêu cầu về hậu cần, trang thiết bị, huấn luyện. Ngoài ra, Nga (Liên Xô) vẫn luôn là nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ. 


Điểm yếu lớn nhất của Mig-35 là nó vẫn ở trong giai đoạn phát triển, chưa từng được đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngay cả Nga cũng không quan tâm lắm đến mẫu máy bay này. Bên cạnh đó, những năm gần đây tình hình của Mikoyan, nhà sản xuất dòng Mig huyền thoại, không được sáng sủa lắm. Trong khi người anh em Sukhoi kiếm được rất nhiều hợp đồng xuất khẩu với dòng Su-27/30 thì Mikoyan phải nhờ sự trợ giúp của chính phủ Nga để thoát cảnh phá sản. Thậm chí một số lãnh đạo của hãng này đã bị truy tố hình sự vì tham nhũng. Do đó chọn Mig-35 là một canh bạc lớn cả về phương diện công nghệ và kinh tế.

Hình 2 - Mig-35


F-16 và F-18 E/F


2 ứng viên của Mỹ, F-16 và F-18 E/F, có chung một điểm bất lợi lớn là  Mỹ rất hạn chế việc chuyển giao công nghệ, trong khi đây lại là một trong những yêu cầu chính của Ấn Độ. MMRCA không chỉ đơn thuần là một hợp đồng mua máy bay mà Ấn Độ còn muốn nhân đó để phát triển năng lực chế tạo máy bay của riêng đó. 


Đó là lí do vì sao trong số 126 máy bay mà phía Pháp trúng thầu, chỉ có 18 chiếc là được nhập nguyên chiếc. 108 chiếc còn lại sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ. Thậm chí phía Pháp sẽ phải tái đầu tư 50% giá trị hợp đồng trở lại vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ. Mỹ hiếm khi đồng ý với những điều kiện như vậy.


F-18E/F Super Hornet được xếp vào thế hệ 4+, và là một máy bay đa năng thực thụ, có sự cân bằng khá tốt giữa khả năng tác chiến trên không và đối đất. Nó còn có thể hoạt động từ tàu sân bay. Super Hornet cũng được trang bị một số công nghệ ‘tàng hình’ để giảm thiểu tín hiệu radar phản xạ. 


Điểm mạnh của nó nằm ở các hệ thống điện tử cực kỳ tinh vi. Nó là một trong số ít các chiến đấu cơ hiện nay được trang bị công nghệ radar quét điện tử chủ động AESA, cùng với khả năng chia sẻ thông tin vượt trội, cho phép nó có thể tự mình tấn công mục tiêu hoặc chỉ điểm cho các máy bay khác tiêu diệt mục tiêu. Một trong những điểm yếu của nó là khả năng cơ động trên không hạn chế so với một số các đối thủ khác.

Hình 3 - F-18 E/F Super Hornet


F-16 là loại chiến đấu cơ được sử dụng rộng rãi nhất tính từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, với hơn 4,000 chiếc. Điểm mạnh nhất của F-16 là nó đã được sử dụng trong một thời gian dài, cả trong thời bình lẫn chiến tranh, nên có độ tin cậy cao. Phiên bản mà Mỹ đề nghị bán cho Ấn Độ cũng được trang bị công nghệ radar quét điện tử chủ động AESA. Tuy vậy thiết kế ban đầu của F-16 đã có tuổi đời hơn 40 năm. Cho dù đã trải qua nhiều phiên bản nâng cấp thì nó vẫn có những hạn chế không thể khắc phục được so với những thiết kế mới hơn. 

Hình 4 - F-16 phiên bản Desert Falcon của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, phiên bản mới nhất của loại máy bay này
Gripen


Giá thành là điểm mạnh nhất của Gripen, ứng viên đến từ Thuỵ Điển. Song kích thước của nó quá nhỏ, gần giống một chiến đấu cơ hạng nhẹ hơn. Ngoài ra, tầm bay và sức tải của nó cũng khá thấp. Nói chung Gripen phù hợp với những quốc gia có diện tích nhỏ, trung bình như Thụy Điển hơn là 1 quốc gia rộng lớn như Ấn Độ. Hơn nữa, so với các quốc gia còn lại có máy bay tham gia đấu thầu MMRCA, Thụy Điển là nước có ít ảnh hưởng chính trị nhất, một yếu tố quan trọng với mọi hợp đồng quốc phòng. 

Hình 5 - Gripen 


Typhoon


Typhoon nằm trong số những chiến đấu cơ được xếp vào thế hệ 4+. Nếu tính về khả năng tác chiến không đối không thì Typhoon được xem như ngang ngửa với với Su-30 và chỉ đứng dưới F-22. Typhoon cũng được xem là 1 máy bay ‘bán tàng hình’, nghĩa là nó được thiết kế để giảm thiểu tối đa khả năng bị radar phát hiện, mặc dù chưa được đến mức như các máy bay ‘tàng hình’ thực thụ. Diện tích phản xạ radar của Typhoon tương đương 0.05 mét vuông, chỉ bằng 1 nửa của Rafale, nhưng vẫn gấp 5 lần so với F-117A. 


Khả năng cơ động của Typhoon cũng rất đáng nể, nó có thể thực hiện ở tốc độ siêu âm những động tác vận động phức tạp mà các máy bay khác chỉ có thể thực hiện ổ vận tốc thấp. Đặc biệt, Typhoon là máy bay thứ 2, sau F-22, có vận tốc hành trình siêu âm. Thông thường, khi các chiến đấu cơ muốn đạt vận tốc siêu âm sẽ phải sử dụng chế độ đốt hậu. Khi đó luồng phản lực  sẽ được hòa trộn với nhiên liệu và đốt thêm 1 lần nữa. Chế độ này rất tiêu tốn nhiên liệu, và tỏa nhiệt lượng rất lớn, có thể làm tan chảy động cơ. Vì vậy các chiến đấu cơ chỉ có thể duy trì chế độ đốt hậu trong vài phút.


Một máy bay có vận tốc hành trình siêu âm có thể bay nhanh hơn vận tốc âm thanh mà không cần phải đốt hậu. Typhoon khi đang ở vận tốc gần vận tốc âm thanh chỉ cần đốt hậu trong 1 thời gian ngắn để tạo đà khi vượt bức tường âm thanh, sau đó nó có thể duy trì vận tốc siêu âm ở chế độ hoạt động bình thường. Khả năng này tuy chưa bằng F-22, có thể vượt tường âm thanh và duy trì vận tốc siêu âm hoàn toàn không cần đốt hậu, nhưng đã vượt hơn so với các chiến đấu cơ khác trên thế giới.


Điểm yếu lớn nhất của Typhoon là nó được thiết kế chủ yếu cho vai trò không đối không, thay vì một máy bay đa năng. Những gói nâng cấp mới cũng có thể bổ sung cho nó khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên quá trình phát triển và thực hiện những gói nâng cấp này không được suôn sẻ lắm, chủ yếu do vấn đề tài chính. Ngoài ra giá thành cao cũng là 1 bất lợi cho Typhoon. 



Hình 6 - Hai chiếc Typhoon của không quân Đức


Rafale


Rafale là đỉnh cao của công nghệ hàng không Pháp khi thay thế cho các thế hệ Mirage nổi tiếng từ những năm 90 của thế kỷ trước. So với các đồng minh châu Âu khác của Mỹ, Pháp duy trì một chính sách quân sự khá độc lập, do đó Rafale được thiết kế để không quân Pháp có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau mà không phải phụ thuộc vào người Mỹ. Được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất thời điểm ra đời, Rafale được xem là một chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 4+. 


Từ khi xuất hiện vào những năm 90, Rafale đã trở thành một mốc son của công nghệ hàng không Pháp, thay thế cho dòng Mirage nổi tiếng. Rafale tích hợp những công nghệ mới nhất thời đó về radar quét điện tử, vật liệu composite, khí động học, tác chiến điện tử…Rafale trở thành một máy bay đa năng thế hệ 4+ với rất nhiều tính năng ưu việt.


Thế hệ 4 gồm những chiến đấu cơ ra đời trong những năm cuối của Chiến tranh lạnh như F-15, F-16, Mig-29, Su-27. Thế hệ 4+ ra đời sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hiện đại hơn thế hệ 4, tuy chưa bằng được thế hệ thứ 5, như F-22. Rafale cũng được xếp vào loại máy bay bán tàng hình, với diện tích phản xạ radar tương đương 0.1 mét vuông. Bề mặt máy bay được phủ hỗn hợp sợi carbon và sợi Kevlar (vật liệu trong áo chống đạn). Hợp kim titan và nhôm-lithium cũng được sử dụng nhiều trong cấu trúc máy bay để giảm trọng lượng. 


Rafale có 3 phiên bản chính: C là loại chuyên dùng không đối không, B là máy bay ném bom chiến đấu, M là loại dùng trên tàu sân bay. Rafale là một máy bay khá nhỏ nhưng sức chở đáng nể, với khoảng 10 tấn. Khi không có nhiên liệu hay vũ khí, nó nặng hơn F-16C 1.5 tấn, nhưng trọng lượng cất cánh tối đa của nó thì hơn tới 5 tấn. Nó có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Các loại trang bị chính của nó gồm:

- Tên lửa không-không MICA, phiên bản trang bị đầu dẫn hồng ngoại, nó có khả năng nhận thông tin cập nhật về mục tiêu từ máy bay mẹ và tính năng cơ động rất tốt.

- Bom bay AASM, tầm tối đa 50km, dẫn đường bằng GPS, kết hợp cảm biến hồng ngoại.

- Tên lửa hành trình Storm Shadow, tầm 250km, dẫn đường bằng GPS, radar địa hình, hồng ngoại.

Ngoài ra nó còn có thể được trang bị hầu hết các loại vũ khí của các thành viên NATO khác.

Hình 7 - Một chiếc Rafale M của hải quân Pháp hạ cánh xuống tàu sân bay USS Eisenhower 


Rafale có thiết kế cánh tam giác, chi tiết tiêu biểu cho các dòng máy bay của hãng Dassault, với 2 cánh phụ phía trước cánh chính. Đây là thiết kế tiêu biểu cho các dòng chiến đấu cơ mới của châu Âu. Cả 2 Typhoon và Gripen cũng sử dụng thiết kế cánh phụ để tăng khả năng cơ động. Rafale có thể thực hiện những động tác vận động trên không đạt đến giới hạn gấp 11 lần gia tốc trọng trường. Tốc độ tối đa của nó 2125km/h, tầm hoạt động 1850 km, trần bay 17km. 


Rafale có một hệ thống điện tử khá ấn tượng. Radar quét điện tử thụ động của Rafale có thể theo dõi 8 mục tiêu cùng lúc. Máy tính sẽ tự động phân tích, xác định mức độ ưu tiên của từng mục tiêu. Radar cũng có thể được dùng để quét và tái tạo hình ảnh 3 chiều của địa hình mặt đất bên dưới, cho phép Rafale bay ở độ cao thấp, bám sát địa hình mặt đất. Bay sát mặt đất là chiến thuật chính của không quân Pháp để xuyên thủng hệ thống phòng không của Liên Xô trong trường hợp có chiến tranh xảy ra tại châu Âu. Radar của Rafale có thể đồng thời hoạt động ở cả chế độ quét tìm mục tiêu trên không và quét mặt đất. 

Hình 8 - Hiện nay Pháp là quốc gia duy nhất sử dụng Rafale


Mũi máy bay có gắn thiết bị cảm biến hồng ngoại OSF, dùng để phát hiện bức xạ nhiệt từ các máy bay khác, nếu như radar bị vô hiệu hóa. Thực tế, nó gồm 2 cảm biến: cảm biến nhiệt tầm xa, dùng để xác định nguồn phát nhiệt. Và cảm biến hình ảnh tầm gần, cho phép phóng lớn hình ảnh của mục tiêu lên màn hình để phi công có thể xác định mục tiêu bằng mắt thường, giúp giảm nguy cơ bắn nhầm đồng đội.

Hình 9 - OSF được gắn ngay trước buồng lái của Rafale. Bên trái là cảm biến tầm xa, bên phải là cảm biến tầm gần


Hệ thống tác chiến điện tử Spectra là niềm tự hào của Rafale, nó là một phần trong tính năng 'bán tàng hình' của Rafale. Nó bao gồm các bộ phát hiện tín hiệu vô tuyến, cảm biến phát hiện tên lửa, cảm biến cảnh báo laser, và bao phủ 360 độ quanh máy bay. Các bộ phát hiện tín hiệu có thể xác định góc tới của tia radar với độ chính xác chưa tới 1 độ. Spectra còn có tính năng gây nhiễu chủ động với độ chính xác cao nhắm vào nguồn phát radar.


Tuy vậy, tính năng độc đáo nhất của Spectra là 'triệt tiêu tín hiệu chủ động". Theo đó, khi máy bay bị đối phương chiếu radar vào, nó sẽ phát ra một tín hiệu mô phỏng tín hiệu radar đối phương bị phản xạ lại, nhưng lệch 1 nửa bước sóng, do đó nó sẽ triệt tiêu với tính hiệu thật và radar đối phương không nhận được gì. Cơ chế này cũng tạo ra rất ít năng lượng, giúp máy bay khó bị phát hiện hơn.

Một đặc tính nữa của Rafale là khả năng tổng hợp cảm biến. Theo đó, thông tin từ tất cả các nguồn cảm biến: radar, OSF, Spectra…sẽ được tổng hợp, trộn chung lại và hiển thị ra một màn hình duy nhất, cung cấp một góc nhìn toàn cảnh 360 độ với tất cả thông tin cần thiết. Buồng lái được trang bị các màn hình cảm ứng lớn, với diện tích hiển thị 160 inch vuông, chỉ thua 180 inch vuông của F-22. Nó còn có điều khiển bằng giọng nói. Thông tin có thể được hiển thị ngay trên kính của mũ bảo hiểm, cho phép phi công có thể theo dõi và khóa mục tiêu chỉ bằng cách xoay đầu.

7.12.11

Mig-29 vs. F-16 trong chiến tranh lạnh

Phần đầu trong bài (phần trong "…") được trích từ một một đề tài nghiên cứu của một cựu phi công, người có 2000 giờ bay trong F-16, 500 giờ bay trên Mig-29, ngoài ra còn có F-15 và F-5E. Nội dung là so sánh các phiên bản của Mig-29 và F-16 thời kì chiến tranh lạnh.

"…Bản Mig-29 chính được sử dụng để so sánh là Mig-29A vì đây là phiên bản được dùng nhiều nhất. Bản Mig-29C mới hơn thật sự không phải là sự cải tiến của bản A vì nó chỉ chứa nhiều hơn 200kg nhiên liệu và trang bị thiết gị gây nhiễu tích hợp. Phiên bản F-16 được dùng là bản F-16C thuộc lô cải tiến 40, vốn ra đời trong thời gian Mig-29 được sản xuất với tốc độ cao nhất.

Khi được trang bị cho tác chiến không đối không, Mig-29A có khối lượng tối đa 17,325kg, bao gồm nhiêu liệu tối đa của bình nhiên liệu chính bên trong, 2 tên lửa tầm xa AA-10A (R-27), 4 tên lửa tầm gần AA-11 (R-73), 150 viên đạn 30mm, cùng 1 bình nhiên liệu phụ gắn ngoài 1500 lít. Mig-29 có 2 động cơ, mỗi cái cho 8370kg lực đẩy. Tổng cộng Mig-29 có tỷ số lực đẩy trên khối lượng lúc cất cánh là 0.97:1.

Tỷ số này trên F-16C là 0.92:1 với trang bị gồm 4 tên lửa tầm xa AIM-120 AMRAAM, 2 tên lửa tầm gần AIM-9M Sidewinder, 510 viên đạn 20mm, đầy bình nhiên liệu chính và 1 bình nhiên liệu phụ 1130 lít. Tổng khối lượng là 14,328kg. F-16C có 1 động cơ với sức đẩy 13,050kg.

Tốc độ

Cả 2 thiết kế đều có khả năng cơ động tốt. Mig-29 có tốc độ tối đa ở độ cao lớn cao hơn, với giới hạn ở Mach 2.3. Của F-16 là Mach 2.05. Sự khác biệt là do khác biệt trong thiết kế cửa hút gió. Mig-29 sử dụng cửa hút gió biến thiên còn F-16 dùng loại cố định. (Chú thích: với tất cả các chiến đấu cơ phản lực, cho dù bay ở vận tốc siêu âm hay hạ âm, phải bảo đảm rằng vận tốc dòng khí trước khi đi vào động cơ phải dưới vận tốc âm thanh nếu không động cơ sẽ không thể vận hành tối ưu. Do đó, cửa hút gió phải được thiết kế để khi máy bay ở vận tốc siêu âm sẽ tạo ra một sóng chấn động và ngăn không cho dòng khí sau khi đi qua cửa hút gió có vận tốc siêu âm. Cửa hút gió biến thiên cho phép kiểm soát sóng chấn động này tốt hơn do đó cho phép giới hạn vận tốc cao hơn, tuy vậy nó phức tạp, tốn kém và nặng hơn so với cửa hút gió cố định).

Ở độ cao thấp, giới hạn tốc độ của cả 2 là khoảng 1,500km/h, nếu không có bình nhiên liệu gắn ngoài. Nếu có thì giới hạn là 1100km/h hoặc Mach 1.6 cho F-16 và Mach 1.5 cho Mig-29, tùy cái nào nhỏ hơn (vận tốc âm thanh không phải một đại lượng cố định). Thường giới hạn này không phải do động cơ mà là do các yếu tố khác, vì F-16 từng được thử nghiệm bay ở độ cao thấp với vận tốc trên 1700km/h. Một trong những lí do quan trọng là sự quá nhiệt của nắp buồng lái do ma sát với không khí, ở độ cao thấp, mật độ không khí cao do đó ma sát sẽ sinh ra nhiều nhiệt hơn.

Khả năng vận động

F-16 là máy bay đầu tiên được thiết kế với giới hạn gia tốc 9G. Mig-29 cũng có giới hạn tương tự. Nếu đeo thêm bình nhiên liệu phụ, giới hạn của F-16 là 7G, của Mig-29 là 4G. Tuy nhiên, nếu vận tốc vượt quá mức Mach 0.85, giới hạn gia tốc của Mig-29 là 7G, còn F-16 vẫn có thể duy trì 9G ở bất kì tốc độ nào. Hạn chế của Mig-29 ở tốc độ cao chủ yếu nằm ở cánh đuôi đứng. Không quân Đức, vốn sử dụng Mig-29 một cách khắc nghiệt hơn bất kì không quân nào khác, nhận thấy sự xuất hiện của các vết nứt tại đế của cánh đuôi đứng.

Khả năng điều khiển

Trong số 4 máy bay mà tác giả từng sử dụng, Mig-29 có khả năng điều khiển kém nhất. Trong khi F-16 là máy bay đầu tiên sử dụng hệ thống điều khiển điện tử ('bay bằng dây') thì Mig-29 vẫn sử dụng các cơ chế điều khiển cơ học. Mig-29 sử dụng một bộ trợ lực lái nhằm giúp điều khiển nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng đồng thời khiến máy bay phản ứng chậm với lệnh từ phi công. Theo kinh nghiệm của tác giả thì nếu tắt cơ chế trợ lực đi sẽ giúp việc điều khiển nhạy hơn, nhưng điều này chỉ được phép khi bay biểu diễn vì nếu tắt nó đi thì cũng đồng thời tắt luôn bộ giới hạn góc tấn. Cần điều khiển nhẹ nhưng phải được di chuyển nhiều mới đạt được hiệu quả mong muốn. Khi đang bay, nếu không chú ý, cần điều khiển sẽ tự di chuyển tùy ý khoảng gần 4 cm theo bất kì hướng nào, và gây ra sự thay đổi tương ứng của máy bay. Tương tự, nếu phi công bỏ tay khỏi cần ga động cơ, nó cũng thường di chuyển ngược về vị trí nghỉ. Điều khiển Mig-29A khá dễ trong đa số các giai đoạn của một nhiệm vụ như cất cánh, tăng độ cao, bay hành trình và hạ cánh. Tuy nhiên người phi công phải cố gắng khá nhiều để điều khiển máy bay theo ý mình trong những tình huống vận động khó, khi bay theo đội hình hoặc khi sử dụng súng để giao chiến. Nói chung, người phi công có thể thực hiện tốt các yêu cầu vận động với Mig-29, nhưng với điều kiện phải giữ sự tập trung cao độ trong suốt thời gian bay.

Hệ thống điều khiển kỹ thuật số tứ trùng của F-16 cho phép điều khiển nó một cách chính xác, đáp ứng nhanh. Và quan trọng hơn là giảm tải rất nhiều cho phi công, cho phép anh ta tập trung vào các tác vụ chiến thuật khác thay vì phải lo điều khiển máy bay.
(Chú thích thêm: do loại bỏ được các cơ chế điều khiển cơ khí mà thay vào đó truyền lệnh điều khiển bằng tìn hiệu điện, F-16 có thể sử dụng buồng lái bất đối xứng. Nghĩa là di chuyển cần điều khiển từ giữa 2 chân của phi công sang hẳn 1 phía, thay bằng loại cần điều khiển nhỏ. Cho phép điều khiển chỉ bằng cách di chuyển cổ tay thay vì cả cánh tay, và nhờ đó tăng độ chính xác và giảm tải cho phi công. Đồng thời do vị trí này tự nhiên và ít gò bó hơn, nó cho phép phi công thao tác chính xác hơn ở điều kiện gia tốc cao.)

Mig-29 không có hệ thống tự cân bằng như F-16. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào, như nâng và hạ bánh đáp, đều có thể gây ra những sự thay đổi góc nâng của Mig-29.

Mig-29 có cơ chế giới hạn góc tấn ở 26 độ (góc tấn là góc giữa trục dọc của máy bay, trục từ mũi đến đuôi máy bay, và hướng di chuyển của máy bay). Khi máy bay đạt giới hạn này, một piston ở đế của cần điều khiển sẽ đẩy cần lái về phía trước để giảm góc tấn xuống khoảng 5 độ. Piston này áp một lực tương đương 17kg, do đó nếu muốn duy trì góc tấn mở mức giới hạn này hoặc vượt hơn, phi công cần kéo cần về phía sau với lực kéo lớn hơn 17kg. F-16 cũng có giới hạn góc tấn 26 độ, và hệ thống điều khiển điện tử cho phép nó tự động giới hạn máy bay ở mức này cho dù phi công có tác động như thế nào vào cần điều khiền. Nếu muốn đạt góc tấn cao hơn, phi công phải vượt quyền máy tính, tuy nhiên như vậy sẽ khá nguy hiểm vì F-16 có thiết kế phi ổn định theo trục dọc. Góc tấn giới hạn khi lực nâng mất tác dụng là 35 độ cho cả 2 máy bay.

Tác chiến

Nếu F-16C và Mig-29A đối mặt nhau trong một trận không chiến, cả 2 có thể phát hiện lẫn nhau ở khoảng cách gần như tương đương. F-16C, được trang bị AMRAAM, sẽ có cơ hội khai hỏa trước ở khoảng cách gấp đôi so với Mig-29. Một chiếc F-16 có thể phân biệt từng chiếc Mig-29 trong một nhóm nhiều chiếc và nhắm bắn nhiều chiếc cùng lúc. Radar trên Mig-29A không cho phép phân biệt nhiều mục tiêu cùng lúc. Nếu có nhiều hơn 1 chiếc F-16, phi công của Mig-29 sẽ không biết radar của mình đang 'khóa' (dẫn bắn) mục tiêu nào và chỉ có thể tấn công một mục tiêu cùng lúc. AMRAAM là tên lửa trang bị đầu dẫn radar chủ động. Phi công F-16 có thể phóng đi nhiều AMRAAM tấn công các mục tiêu khác nhau, cập nhật tọa độ mục tiêu cho các tên lửa trước khi chúng đến đủ gần để radar gắn trên tên lửa có thể dẫn tự động. Phi công F-16 có thể lựa chọn giữa quay đầu thoát khỏi vòng giao chiến hoặc tiếp tục áp sát. Ngược lại, AA-10A là tên lửa bán chủ động, nghĩa là radar của nó không có bộ phát mà chỉ nhận tín hiệu radar từ máy bay mẹ phản xạ lại từ mục tiêu. Do đó, phi công của Mig-29 phải liên tục dẫn bắn cho tên lửa cho tới khi nó tìm đến mục tiêu, nghĩa là phi công của Mig-29A chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là tiếp tục lao về phía đối phương. Trong thực tế, một khi Mig-29A đến đủ gần để có thể phóng AA-10A thì nó chỉ còn cách AMRAAM vài giây.

Trong trường hợp cả 2 đều tránh được tên lửa tầm xa và không bên nào rút lui thì sẽ phải cận chiến. Mig-29A trong trường hợp này có một điểm yếu lớn là động cơ tỏa rất nhiều khói. Vệt khói mà nó tạo ra khiến cho phi công đối phương dễ dành định vị hơn. Ngoài ra, buồng lái của F-16 (cũng như của máy bay cùng thế hệ F-15) được thiết kế từ những kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam, với mục đích cho phi công một góc nhìn rộng nhất có thể. Buồng lái được đặt lên cao, nắp buồng lái trong suốt phủ chụp toàn bộ xung quanh buồng lái cho phi công một góc nhìn toàn cảnh xung quanh máy bay. F-16 cũng có kích thước nhỏ, đặc biệt nếu nhìn trực diện từ phía trước (vì nó chỉ có 1 động cơ, 1 cửa hút gió) và động cơ không khói. Ngược lại, buồng lái của Mig-29A được đặt sâu bên trong, góc nhìn giữa hướng 4h và 7h hầu như không tồn tại.

Tốc độ xoay vòng ban đầu của 2 máy bay là gần như tương đương. Mig-29A có tốc độ tiêu hao năng lượng khi xoay vòng nhanh hơn do thiết kế có sức cản trong điều kiện gia tốc cao lớn hơn F-16. Do đó, F-16 có thể duy trì tình trạng vận động với gia tốc lớn trong thời gian dài hơn.

Tốc độ lật cánh tối đa của Mig-29A là 160 độ/giây, ở vận tốc thấp tốc độ này giảm còn 20 độ/giây, thông số này ở F-16 là khoảng 80 độ/ giây.

Công chúng biết đến Mig-29A nhiều thông qua bài vận động trên không "Rắn hổ mang", một trong những ngôi sao của các buổi trình diễn hàng không. Nhà sản xuất MAPO-MIG khẳng định rằng 'Rắn hổ mang' cho phép Mig-29 tránh bị phi cơ đối phương dẫn bắn vì tốc độ chậm của động tác này triệt tiêu hiệu ứng Doppler và do đó radar của đối phương không thể theo dấu Mig-29A được, ngoài ra nó cũng có thể được dùng để hướng mũi máy bay về phía đối phương nhanh và dễ dàng hơn. Phản ứng của các phi công phương Tây trước những tuyên bố đó thường là giữ im lặng và hy vọng rằng trong thực tế chiến đấu Mig-29A sẽ sử dụng "Rắn hổ mang" và chịu mất toàn bộ vận tốc của mình. Trong thực tế chính các phi công Mig-29A cũng thừa nhận rằng bài vận động này bị cấm tại các đơn vị thông thường và chỉ được thực hiện như một bài biểu diễn bởi những máy bay đặc biệt cùng các phi công lão luyện nhất.

Ưu điểm của Mig-29A là ở chỗ nó cho phép phi công vượt quyền bộ giới hạn góc tấn. Điều này đặc biệt hữu ích trong các tình huống vận động thẳng đứng hoặc như là giải pháp cuối cùng để tránh tên lửa của đối phương. Tuy nhiên, điểm mạnh nhất của nó có lẽ nằm ở sự kết hợp giữa tên lửa tầm gần AA-11 và nón bay tích hợp kính chuẩn trực (HMS). AA-11 hoàn toàn vượt trội so với tên lửa cùng loại khi đó của NATO là AIM-9M. Bên cạnh đó, nhờ vào nón bay tích hợp kính chuẩn trực, phi công của Mig-29A có thể chỉ thị mục tiêu cho AA-11 chỉ bằng cách xoay đầu. Tuy nhiên, phi công sẽ không biết được cảm biến nhiệt của AA-11 khi đó đang thực sự hướng vào đâu (mục tiêu, pháo mồi hay một điểm phát nhiệt nào đó).

Mig-29A giành lợi thế tối đa trong những tình huống huấn luyện giả định một chọi một tầm gần. Khi đó 2 máy bay chỉ bắt đầu giao chiến khi nằm trong tầm quan sát của nhau. Không phải vì Mig-29A có khả năng vận động linh hoạt hơn mà là do sự kết hợp giữa AA-11 và HMS. Tác giả từng bay trên F-16 chống lại Mig-29A (của không quân Đức)  trong thao diễn và nhận thấy F-16 luôn tỏ ra cơ động và mạnh mẽ hơn Mig-29A.

Súng của Mig-29A là loại 30mm, của F-16 là 20mm. Loại của Mig-29A có sức công phá tốt hơn nhưng bù lại tầm bắn hiệu quả không bằng của F-16 vì sơ tốc đầu nòng là tương đương trong khi đạn 20mm của F-16 có tính chất khí động học tốt hơn. Cơ chế ngắm bắn trên Mig-29A không thật sự chính xác đối với những mục tiêu có khả năng cơ động cao.

Một trong những hạn chế lớn nhất của Mig-29A là tầm hoạt động ngắn. Do đó nêu giao chiến kéo dài, Mig-29A sẽ ở thế bất lợi. Mig-29A có tới 2 động cơ so với 1 của F-16 nhưng chứa nhiều hơn 150kg nhiên liệu (không tính thùng nhiên liệu phụ gắn ngoài), ở chế độ đốt hậu tối đa, tốc độ tiêu thụ nhiên liệu của Mig-29A gấp 3.5 - 4 lần của F-16. Chuyến bay ngắn nhất của tác giả trên Mig-29A chỉ có 16 phút, từ lúc thả phanh cho đến khi chạm đất.

Một điếu quan trọng cần ghi nhớ là không chiến không tự nhiên xuất hiện. So sánh một-chọi-một là một chuyện, nhưng khi xét đến toàn bối cảnh mà một trận không chiến xuất hiện và diễn ra thì khả năng nắm bắt và nhận định tình hình trở nên cực kỳ quan trọng. Hiệu năng thấp của radar cùng với thiết kế không tốt của buồng lái làm hạn chế nhiều khả năng này của phi công Mig-29A, đặc biệt là khi phải đối đầu với nhiều máy bay.

Trong các tình huống diễn tập gồm nhiều máy bay tham gia cùng lúc, thông thường là 4-chọi-4, ưu thế nghiêng hoàn toàn về phía có khả năng nhận định tình hình tốt hơn. Đối đầu với F-15 và F-16 trong các tình huống như trên, Mig-29A luôn bị thất thế. Nó gần như không thể tận dụng được sức mạnh của bộ đôi HMS/AA-11 do phi công không thể cùng lúc đối phó được nhiều đối phương.

Nguyên nhân trực tiếp là từ quan điểm về tác chiến không quân chiến thuật  và trình độ công nghệ sẵn có của Liên Xô khi đó. Trọng tâm ở đài điều khiển mặt đất thay vì ở phi công, do đó phi công không (cần) được cung cấp nhiều thông tin. Nhiệm vụ của phi công chủ yếu là tuân theo chỉ thị từ mặt đất chứ không phải ra quyết định độc lập. Nếu bị cô lập khỏi điều khiển mặt đất, khả năng tác chiến độc lập của phi công trên Mig-29 là rất hạn chế. Chuẩn đường truyền dữ liệu trên Mig-29A không nhằm để chia sẻ thông tin giữa các máy bay với nhau mà chỉ để đài chỉ huy mặt đất dẫn phi cơ đến vị trí cần đến. Ngược lại, phi công của không quân các nước phương Tây được cung cấp mọi phương tiện cần thiết để có thể độc lập ra quyết định. Người chỉ huy của chiến dịch cũng thường là phi công trực tiếp tham chiến thay vì ở trên mặt đất. Các phương tiện khác đóng vai trò hỗ trợ thay vì ra chỉ thị. Nếu một phi công F-16 mất liên lạc với một trong các phương tiện trên, ví dụ như máy bay AWACS E-3, anh ta vẫn có nhiều khả năng để hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập.

Thành tích trong thực tế tác chiến của Mig-29A cũng không mấy ấn tượng. 'Chiến công' duy nhất xảy ra khi một Mig-29 của không quân Iraq bắn rơi chính đồng đội của mình vào đêm đầu tiên của chiến tranh Vùng Vịnh và một Mig-29 của Cuba bắn rơi 2 máy bay thể thao hạng nhẹ Cessna.

Trung tá Johane Koeck, tư lệnh Phi đoàn Mig-29 của nước Đức thống nhất từ 9/1995 đến 9/1997 rất thẳng thắn khi đề cập đến Mig-29 'Tầm hoạt động quá ngắn, hệ thống định vị kém tin cậy và radar thường xuyên gặp trục trặc…", ông còn nói thêm rằng nhiệm vụ thích hợp nhất của Mig-29 tại những nước NATO là tham gia những buổi diễn tập trong vai trò máy bay đối địch ('quân xanh') hơn là trong lực lượng tác chiến thường trực..."

Phân tích

Hiển nhiên là bài viết trên có phần thiên vị do được viết bởi một người Mỹ, tuy vậy cũng không thể phủ nhận sự hiểu biết và trải nghiệm thực tế phong phú của tác giả. Có thể nói Mig-29 là một trường hợp khá đặc biệt khi một hệ thống vũ khí hiện đại của Nga (LX) có thể được tiếp cận, nghiên cứu kỹ càng và so sánh với các hệ thống tương tự của phương Tây. Được ra đời như là đối trọng với thế hệ chiến đấu cơ thứ 4 của Mỹ (F-16, F-18, F-15, F-14…), Mig-29 chính thức tham gia biên chế không quân LX từ 1983. Trong thời gian đầu sau khi được đưa vào hoạt động, nó nhận được nhiều sự nể sợ từ phương Tây, với nhiều 'huyền thoại' được thêu dệt về sự ưu việt và vượt trội của nó. Tuy nhiên, sự kiện nước Đức thống nhất  đã tạo điều kiện để giới quân sự phương Tây có thể tìm hiểu, tiếp cận trực tiếp Mig-29 do nước Đức thống nhất tiếp quản toàn bộ lực lượng không quân Đông Đức cũ. Tiếp đó là sự sụp đổ của LX và kéo theo đó là sự tan rã của khối Warsaw. Những cựu thành viên của khối này, những nước Đông Âu cũ, trở thành những đồng minh của phương Tây và thành viên mới của NATO. Đây cũng là những nước có sử dụng Mig-29 một cách rộng rãi. Do đó người ta càng có điều kiện để so sánh giữa Mig-29 và các chiến đấu cơ của khối NATO. Những năm ngay sau Chiến tranh lạnh kết thúc, không quân Mỹ thực hiện rất nhiều chương trình huấn luyện, tập trận chung với các không quân đồng minh có sử dụng Mig-29, đặc biệt là không quân Đức, vốn thừa hưởng Mig-29 từ không quân Đông Đức cũ.

Bài viết này sẽ làm rõ hơn những phân tích về Mig-29. Như tựa bài viết đã chỉ rõ, nội dung giới hạn trong thời gian trước và ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đồng thời dự đoán, với một chừng mực nào đó, điều gì đã có thể xảy ra nếu xảy ra chiến tranh giữa 2 khối NATO-Warsaw và Mig-29 được xung trận với các chiến đấu cơ của phương Tây. Ngoài ra, nó cũng cho thấy, một cách sơ lược, những sự khác nhau về học thuyết, triết lí quân sự, cũng như trình độ công nghệ, sản xuất của LX và phương Tây.

Một điều quan trọng cần ghi nhớ đó là không có sự tương ứng một cách tuyệt đối giữa các hệ thống vũ khí của các quốc gia khác nhau. Mỗi quân đội có cách thức tác chiến, triết lý quân sự, chiến thuật…không giống nhau, và do đó cách họ sử dụng vũ khí cũng khác nhau. Và từ đó dẫn đến những khác biệt về các ưu tiên trong thiết kế. Vì vậy không thể chỉ so sánh các loại vũ khí khác nhau về mặt kỹ thuật mà bỏ qua việc xem xét các yêu cầu tác chiến của chúng.

Mig-29A được thiết kế như một chiến đấu cơ để giành và duy trì quyền kiểm soát bầu trời trong mọi điều kiện thời tiết bằng cách tấn công và tiêu diệt các loại chiến đấu cơ của đối phương, và bảo vệ các máy bay cường kích khi chúng tấn công các mục tiêu mặt đất của đối phương. Nó sẽ xuất kích từ những sân bay dã chiến nhỏ, ở sát tiền tuyến. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ đóng vai trò hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất sau khi ưu thế trên không đã đạt được. Những nhiệm vụ này cũng không khác lắm so với các nhiệm vụ của Mig-21 hay Mig-23 trước kia. Thiết kế của Mig-29A được quyết định dựa trên các yêu cầu chính sau (tầm quan trọng theo thứ tự giảm dần): khả năng vận động cao, sức tải vũ khí (bao gồm cả không đối không và không đối đất), độ tin cậy và khả năng bảo trì.

Những yêu cầu trên dẫn tới những đặc điểm thiết kế nổi bật của Mig-29A. Tiêu biểu là thiết kế phần thân máy bay cung cấp đến 40% của toàn bộ lực nâng, nhờ vào phần diện tích rìa cánh mở rộng có kích thước lớn, đây là phần tiếp giáp giữa thân và cánh máy bay. Do đó khi nhìn vào Mig-29, đặc biệt từ góc nhìn trực diện, ta có thể thấy sự chuyển tiếp đều đặn và trơn tru từ phần thân sang phần cánh, thay vì sự khác biệt rõ ràng giữa 2 bộ phận này như ở các thiết kế trước. Thông thường thì cánh máy bay là bộ phận tạo ra phần lớn lực nâng, phần thân máy bay cũng tạo ra lực nâng, nhưng không lớn lắm. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là cửa hút gió (của động cơ phản lực) đặt nằm dưới thân máy bay, nhờ đó luồng khí đi vào không bị cản trở ở góc tấn lớn. Ngoài ra, 2 động cơ được đặt trong 2 khoang động cơ nằm cách xa nhau và tách biệt hẳn khỏi thân máy bay. Do đó toàn bộ bề mặt động cơ được đối diện với của hút gió, luồng khí có thể đi thẳng từ của hút gió vào động cơ mà không bị gì cản trở. Đây cũng là một trong những đặc tính giúp Mig-29A có thể vận hành tốt ở góc tấn lớn, nơi mà động cơ củanhững máy bay khác có thể không thể hoạt động được.

Cửa hút gió sẽ tự động đóng lại khi máy bay đang cất cánh hay hạ cánh để ngăn đất đá hoặc các vật thể khác bị hút vào và làm hỏng động cơ, tính năng này phản ánh yêu cầu đặt ra cho Mig-29A là có thể hoạt động từ những đường băng dã chiến ở sát tiền phương. Không khí cung cấp cho động cơ khi đó sẽ được lấy từ các cửa sập mở ra ở mặt trên các các phần diện tích rìa cánh mở rộng.

Các đặc điểm bên ngoài của Mig-29 dẫn đến nhiều cáo buộc rằng nó là một phiên bản copy từ các thiết kế trước đó của phương Tây. Ví dụ như sự có mặt của phần diện tích rìa cánh mở rộng giống như trên F-18 và F16. Phần thân tạo lực nâng lớn, 2 khoang động cơ được đặt cách xa nhau và 'treo' bên dưới thân máy bay giống thiết kế của F-14. Hình dạng của cánh máy bay gần giống của F-15. Có thể đây chỉ đơn giản là một trường hợp khi mà những yêu cầu giống nhau dẫn đến những thiết kế giống nhau. Tuy vậy có một điều chắc chắn là Mig-29 được ra đời sau các mẫu máy bay thế hệ thứ 4 tương ứng của Mỹ gần một thập niên và do đó chắc chắn các kỹ sư thiết kế của nó, cho dù vô tình hay cố ý, chịu ảnh hưởng lớn từ những thiết kế trước đó và cũng như có được những bài học quý giá từ đó, và không có lí do gì lại không áp dụng chúng vào thiết kế của mình.

Như trong bản báo cáo ở phần đầu của bài đã chỉ rõ, so với không quân các nước phương Tây, chiến thuật của không quân LX khá cứng nhắc đối với phi công, những người phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ đài điều khiển. Tuy vậy, không quân LX cũng dần ý thức được sự cần thiết để cho phép các phi công của mình có nhiều quyền tự quyết hơn. Trên thực tế thì thiết kế của Mig-29 đánh dấu một bước chuyển lớn trong triết lí của không quân LX, khi mà quyền chủ động của phi công được nhấn mạnh hơn. Tuy nhiên đó chỉ là nếu so với chính các thế hệ Mig trước đó, còn so với các máy bay phương Tây thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Ngay chính các phi công LX cũng tự trào phúng về sự cứng nhắc này. VD như câu chuyện sau "Một phi công Mỹ vừa leo vào buồng lái chuẩn bị xuất kích bỗng nhảy dựng lên vì có ai đó đã để một cái đinh ghim trên ghế phi công. Viên phi công chửi thề rồi ném cái đinh ra ngoài. Việc tương tự xảy ra với 1 phi công Do Thái, người này bỏ cái đinh vào túi và nghĩ "có thể nó sẽ có ích sau này". Còn với phi công LX, sau khi gỡ cái đinh ra và chuẩn bị vứt đi, anh ta nghĩ "…nhưng lỡ như cái đinh được đặt ở đó là có lí do nào đó thì sao?", vì vậy để cho chắc chắn, anh ta ngồi lại lên cái đinh".

Tất cả các phiên bản của Mig-29 được trang bị cảm biến hồng ngoại ở phía trước kính buồng lái và bộ đo khoảng cách bằng laser ở phía dưới mũi máy bay, kết hợp với chỉ dẫn từ đài điều khiển mặt đất, chúng cho phép Mig-29A sử dụng cách tiếp cận 'yên lặng' (vì không sử dụng radar nên bộ cảnh báo radar của đối phương sẽ không có tác dụng).

Khi nhìn vào trong buồng lái, cảm giác đầu tiên là sự thất vọng. Nó rất nhỏ và phi công gần như không có không gian trống nào để cử động. Cách sắp xếp các thiết bị cũng khá rắc rối và thiếu trực quan. Phi công ngồi rất sâu và thấp phía trong buồng lái do đó góc quan sát bị che khuất nhiều. Góc nhìn phía nửa sau chỉ có thể đạt được nhờ vào gương chiếu hậu đặt trên khung kính buồng lái. Khi nhìn từ bên ngoài vào thường chỉ có thể thấy phần đầu và phần vai trên của phi công Mig-29. Ngược lại phi công F-16 ngồi ở vị trí rất cao, gần như có thể thấy từ khuỷu tay trở lên. Do đó phi công F-16 có tầm bao quát rất tốt.

Sự tương tác giữa phi công và thiết bị cũng là 1 điểm khác biệt lớn trong thiết kế của F-16 và Mig-29. Trong buồng lái F-16 mọi thiết bị được sắp xếp theo một trình tự hợp lý sao cho phi công chỉ cần đảo mắt 1 lần, từ trái qua phải, trên xuống dưới khi thực hiện việc kiểm tra các thông số kỹ thuật cần thiết. Ngoài ra, mọi thông số cần thiết cũng được hiển thị trên kính chuẩn trực bay gắn ngay trước mặt phi công, do đó phi công không cần phải cúi xuống nhìn bảng điều khiển thường xuyên.

Các thiết bị hiển thị trong buồng lái Mig-29 được đặt khá lộn xộn nên phi công phải di chuyển mắt khá nhiều theo đường zig-zag khi muốn kiểm tra các thông số. Các thông tin hiển thị trên kính chuẩn trực của Mig-29 cũng khá đơn sơ, nó không thể hiện độ cao và khoảng cách của mục tiêu mà máy bay đang ngắm bắn.

Một đặc điểm nổi bật trong thiết kế buồng lái của F-16 là tính năng điều khiển rảnh tay, nghĩa là các nút điều khiển cần thiết cho tác chiến đều được gắn trên cần điều khiển bay và cần chỉnh công suất. Phi công không cần rời tay khỏi 2 cần này mà vẫn có thể chọn, kích hoạt và phóng vũ khí, điều chỉnh chế độ radar…Với Mig-29, với các thao tác trên, phi công sẽ phải rời tay khỏi cần điều khiển, nhìn xuống bảng điều khiển để chỉnh các công tắc khác nhau.

Những khác biệt một lần nữa cho thấy sự khác biệt cơ bản về triết lý tác chiến giữa không quân phương Tây và không quân LX, trong đó phương Tây nhấn mạnh tầm quan trọng của người phi công và luôn đảm bảo rằng người phi công luôn được ưu tiên ở mức cao nhất trong thiết kế của các máy bay.  

Mig-29 sử dụng radar N-019, nó có hiệu năng thấp hơn so với những hệ thống tương tự của phương Tây như APG-65 của F-18 và APG-70 của F-15. N-019 có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu, tuy nhiên phi công phải điều chỉnh bằng tay trước  vùng quét của radar. Nếu máy bay đối phương không tiếp cận ở khu vực mà phi công đã chọn thì radar không thể theo dõi được. Nó cũng không có tính năng vừa dẫn bắn vừa quét, nghĩa là một khi máy bay khóa 1 mục tiêu thì tất cả các mục tiêu khác sẽ biến mất khỏi màn hình radar.  Hệ thống áp chế điện tử SROZ của Mig-29 tương đối đơn giản và không tương xứng với các tình huống không chiến hiện đại, vì nó chỉ cho biết một cách tương đối hướng tiếp cận của đối phương khi nó bị ngắm bắn từ phía trước. Nếu đối phương đến từ phía sau, SROZ không có tác dụng. Ngoài ra nó cũng không cung cấp thông tin về khoảng cách của đối phương. Thiết bị đáng chú ý nhất trong buồng lái Mig-29 là nón bay tích hợp kính chuẩn trực, cho phép phi công ngắm bắn và phóng tên lửa tầm nhiệt tầm gần AA-11 (R-73) chỉ bằng cách xoay đầu, cộng với cảm biến góc rộng trên tên lửa cho phép phi công Mig-29 đạt được góc bắn rất rộng: theo mặt phẳng nằm ngang là 60 độ về 2 phía của mũi máy bay (theo hướng nhìn thẳng), theo mặt phẳng thẳng đứng là 60 độ (nhìn lên) và 15 độ (nhìn xuống), một lợi thế cực lớn trong cận chiến. Hệ thống này được kết nối trực tiếp với cảm biến tên lửa, do đó tên lửa có thể tự động bắt mục tiêu nào mà phi công đang nhìn thấy.Cơ chế hoạt động của thiết bị này như sau: 2 lăng kính trong buồng lái phát ra 2 tia laser chiếu vào 2 cảm biến gắn trên nón bay, khi phi công di chuyển đầu của mình, máy tính sẽ ghi nhận lại những thay đổi của tia laser và điều chỉnh radar hoặc cảm biến trên tên lửa một cách thích hợp. (Các hệ thống tương tự hiện nay tạo ra một vùng từ trường bên trong buồng lái và cảm nhận sự thay đổi của vùng từ trường đó khi vị trí của nón bay di chuyển.)

Do đó, các phi công Nato trong những lần đầu tiên tham gia thao diễn với Mig-29 đều rất bất ngờ khi thường xuyên bị ngắm bắn trong những tình huống không ngờ. Thông thường, phi công chỉ có thể ngắm bắn các mục tiêu ở ngay trước mũi máy bay mình. Vì vậy trong cận chiến các phi công nhìn hướng mũi máy bay đối phương để phán đoán khả năng mình bị nhắm bắn. Tuy nhiên phi công Mig-29 hướng máy bay theo 1 hướng và nhắm bắn một mục tiêu ở hướng hoàn toàn khác, khiến cho đối phương thường không kịp phòng bị trước.

Một át chủ bài nữa của Mig-29A, đặc biệt trong cận chiến, là hệ thống cảm biến hồng ngoại KOLS 29 gắn ngay phía trước buồng lái. Nó đóng vai trò như một loại 'radar' thụ động, cho phép phát hiện và theo dõi mục tiêu nhờ vào nguồn nhiệt tỏa ra từ mục tiêu đó. Hệ thống này cũng được kết nối vào đầu dò nhiệt trên tên lửa. Trong thực tế, khi cận chiến, phi công Mig-29 sẽ nhấn giữ nút điều khiển phóng tên lửa. Do đó ngay khi KOLS hay phi công bắt được mục tiêu, tên lửa sẽ lập tức tự động được phóng đi. R-73 có thể xem như là loại tốt nhất trong số các tên lửa tầm nhiệt tầm gần giai đoạn đó. Cực kỳ nhanh, linh hoạt, với phần mềm tiên tiến cho phép phân biệt tín hiệu nhiệt thực của máy bay và của pháo sáng. Rất khó có thể chạy thoát khỏi nó.

Trong các tình huống khẩn cấp, hệ thống cảnh báo AEKRAN sẽ hiển thị danh sách kiểm tra, kích hoạt các đèn báo lỗi. Hệ thống này sử dụng cơ chế báo lỗi bằng giọng nói (một giọng nữ, thường được gọi là Natasha) thông báo cho phi công biết vấn đề nằm ở đâu và cách thức xử trí. Hệ thống truyền dữ liệu LASUR được thiết kế để cho phép đài điều khiển mặt đất chuyển thông tin và lệnh điều khiển vào máy bay mà không cần kích hoạt liên lạc bằng vô tuyến. Cộng với việc sử dụng cảm biến hồng ngoại (là loại cảm biến thụ động), LASUR cho phép Mig-29 sử dụng chiến thuật áp sát đối phương một cách bí mật do không phát ra nguồn radar hay radio liên lạc.

Động cơ của Mig-29 (RD-33) là một thiết kế gọn nhẹ, nhưng cung cấp sức đẩy cao. Ưu điểm lớn nhất của nó là sự ổn định, có thể vận hành bình thường dưới những điều kiện dòng khí vào bị xáo trộn mạnh, hoặc những yêu cầu thay đổi đột ngột của phi công. Ví dụ nó có thể thực hiện động tác rơi tự do bằng đuôi. Theo đó, máy bay sẽ bay thẳng lên trên theo phương vuông góc với mặt đất, cho tới khi vận tốc giảm còn bằng 0, và máy bay bắt đầu rơi tự do, đuôi đi trước, cho tới khi mũi máy bay hạ xuống và máy bay nằm ngang trở lại và tiếp tục bay bình thường. Một số máy bay của phương Tây, ví dụ như F-15, có thể thực hiện động tác này. Một số khác, như F-16, nếu thực hiện động tác tương tự sẽ khiến động cơ ngừng hoạt động. Điểm yếu của loại động cơ này là tỏa nhiều khói, và tuổi thọ ngắn. Trong thực tế, nhiều khách hàng của Mig-29 đã quyết định chỉnh lại động cơ, chấp nhận mất khoảng 10% lực đẩy để tăng thời gian hoạt động lên (nghĩa là 'độ xuống' thay vì 'độ lên').  Do có tầm hoạt động quá ngắn, thường Mig-29A sẽ bay với thùng xăng phụ trung tâm, gắn ở khoảng trống giữa 2 khoang động cơ. Tuy nhiên, khi đó máy bay lại không thể dùng súng của mình. Trong thiết kế ban đầu của Mig-29 cũng không bao gồm khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Giả sử máy bay không sử dụng thùng nhiên liệu phụ, sức chứa tiêu chuẩn của nó trong các bình xăng chính là 4400 kg. Trong đó, chỉ riêng việc khởi động động cơ, di chuyển ra đường băng, và cất cánh đã tốn 400 kg. Thường phi công sẽ phải để dành ra 1000 kg phòng trường hợp máy bay gặp trục trặc và phải đáp xuống một sân bay gần đó. Ngoài ra còn phải chừa ra khoảng 500 kg dùng trong trường hợp có giao chiến, bao gồm khoảng 1 phút sử dụng đốt hậu. Như vậy còn lại 2500 kg. Giả sử Mig-29 được giao nhiệm vụ bay tuần tra tại một điểm cụ thể trong 15 phút, nó sẽ cần 1000 kg. Vậy là còn 1500 kg dùng cho việc di chuyển từ căn cứ ra vị trí tuần tra. Với mức này, nó chỉ có bán kính hoạt động từ 180 km đến 270 km.

Trong biên chế các nước thuộc khối Warsaw, Mig-29 hầu như chỉ được sử dụng trong vai trò phòng thủ, cảnh giới trên không, bỏ qua chức năng không đối đất. Trong tình huống chiến tranh, Mig-29 sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng bên trong các nhà chứa  máy bay kiên cố dạng boongke, được thiết kế để chống lại được sóng xung kích của vụ nổ hạt nhân. Khi có máy bay đối phương xâm nhập khu vực phòng thủ, Mig-29 sẽ được khẩn trương xuất kích để chặn đánh máy bay xâm nhập. Hoặc nó cũng có thể được dùng để thực hiện các nhiệm vụ bay tuần tra, tuy nhiên khá hạn chế do tầm bay ngắn nên thời gian duy trì trên không rất ngắn.

Trong các nhiệm vụ này, Mig-29 nằm dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đài kiểm soát mặt đất hoặc AWACS A-50. Phi công có rất ít quyền tự quyết. Sử dụng hệ thống LASUR, đài điều khiển sẽ hướng dẫn máy bay đến vị trí thích hợp để khai hỏa. Nói cách khác, các kiểm soát viên sẽ phụ trách chiến thuật còn phi công chỉ có nhiệm vụ điều khiển máy bay và thực thi các chỉ thị từ mặt đất. Phương thức tác chiến cứng nhắc này có nguồn gốc từ chiến thuật được sử dụng từ Thế chiến thứ 2. Hệ quả của nó là gây hạn chế việc phát triển các chiến thuật mới, hiệu quả hơn, và tiêu chuẩn thấp trong việc lựa chọn và đào tạo phi công.

Một ví dụ là với không quân Iraq (trước chiến tranh Vùng Vịnh 1991). Một số phi công của họ được cử sang Pháp học lái Mirage F1. Nhiều người trong số đó không đủ điều kiện hoàn thành khóa huấn luyện và bị trả về. Số này cộng với một số phi công loại hai lại được gửi đến Liên Xô để học lái Mig-29 và đều đạt yêu cầu.

Một ví dụ nữa là với không quân Đông Đức. Sau khi nước Đức thống nhất, không quân Tây Đức tiếp quản toàn bộ không quân Đông Đức cũ. Phần lớn phi công Mig-29 của Đông Đức đều không đủ điều kiện để tiếp tục phục vụ trong không quân Đức. Một số ít những phi công tốt nhất được phép ở lại với điều kiện phải trải qua lại khóa huấn luyện bay cơ bản tại Mỹ. Chỉ khoảng hơn 20 người hoàn thành được khóa học. Trong đó, một số trở về tiếp tục bay Mig-29 trong biên chế Không quân Đức (thống nhất). Một số phi công kinh nghiệm từng bay F-4F trong không quân Tây Đức cũng được chuyển qua bay Mig-29. Khi chất lượng phi công được nâng lên, cùng với việc áp dụng những chiến thuật linh hoạt và hiệu quả hơn, Mig-29 mới bắt đầu tận dụng được hết các điểm mạnh và hạn chế các điểm yếu của mình. Mig-29 của không quân Đức gây rất nhiều khó khăn cho các máy bay phương Tây khác trong những cuộc diễn tập chung bằng cách tránh bị tấn công ở tầm xa và tìm cách áp sát để cận chiến. Tất nhiên điều này cũng một phần do nhiều phi công Đức lái Mig-29 đã quá quen thuộc và hiểu rõ những đặc tích của AMRAAM, loại tên lửa chủ động dùng trong tấn công tầm xa của NATO. Có thể nói trong thời gian khoảng hơn một thập niên kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, những đơn vị Mig-29 thiện chiến nhất trên thế giới thuộc về không quân Đức. Những phi công Mig của Đức mỗi năm có thể có từ 150 - 200 giờ bay, trong khi nhiều đồng nghiệp Nga chỉ có thể vật lộn với vài chục giờ bay do khó khăn chung của nền quốc phòng Nga sau chiến tranh Lạnh.

Ngược lại, việc tập trận chung với Mig-29 cũng cung cấp cho các phi công NATO những kinh nghiệm thực tế khi giao chiến với loại máy bay này. Những sự chuẩn bị đó đã góp một phần vào việc không quân khối NATO bắn rơi 5 Mig-29 của Nam Tư trong chiến dịch Lực Lượng Đồng Minh, 1999.

Tên lửa dùng để tác chiến tẩm xa trên Mig-29, R-27 (còn gọi là AA-10) là loại dẫn bằng radar bán chủ động. Nghĩa là máy bay phải liên tục chiếu luồng radar vào mục tiêu để đầu dò trên tên lửa nhận được tín hiệu phản xạ lại. Do đó nó hoàn toàn thua kém so với loại tên lửa loại của NATO là AMRAAM AIM-120, chỉ tương đương với loại tên lửa thế hệ trước là Sparrow AIM-7, được sử dụng từ thời chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên tên lửa không phải là nhân tố duy nhất làm hạn chế khả năng không chiến tầm xa của Mig-29, mà còn nằm ở lượng thông tin mà phi công nhận được. Mặc dù được trang bị một radar khá mạnh, nhưng khả năng xử lý thông tin của Mig-29 lại không đủ để tận dụng tất cả các dữ liệu từ radar. Do đó phi công Mig-29 không có được một bức tranh toàn cảnh về tình hình xung quanh như các phi công phương tây. Nguyên nhân này bắt nguồn từ sự thua kém của ngành khoa học máy tính nói chung của LX so với phương tây.

Khi một phi công phương tây, vd trên F-16, phóng đi 1 tên lửa tầm xa, toàn bộ thông tin cần thiết được hiển thị trên kính chuẩn trực trước mặt phi công. Nó hiển thị đường giới hạn của radar, cho phi công thấy anh ta có thể cơ động máy bay đến đâu mà radar vẫn còn bắt được mục tiêu. Nó còn hiển thị một đồng hồ đếm ngược tự động cho thấy còn bao lâu nữa thì tên lửa AMRAAM có thể chuyển sang chế độ tự dẫn, nghĩa là phi công thoát ra.

Còn trên Mig-29, phi công chỉ được trang bị một đồng hồ đếm ngược cơ học, chạy bằng lên dây cót. Phi công phải tự tính thời gian từ khi tên lửa phóng đi cho đến khi va chạm với mục tiêu, và đặt thời gian cho đồng hồ đếm ngược bằng tay. Và tất nhiên là phi công Mig-29 phải đợi cho đến khi tên lửa đánh trúng mục tiêu mới có thể thoát ra do tên lửa trang bị trên Mig-29 thời Chiến tranh lạnh là loại không có khả năng tự dẫn.


Nói chung, khi tác chiến tầm xa (ngoài tầm quan sát) Mig-29 thua kém so với hầu hết chiến đấu cơ của NATO. Khi tác chiến tầm gần, Mig-29 có lợi thế vượt trội so với các đối thủ của mình. Trong các cuộc tập trận giữa F-16 của không quân Mỹ và Mig-29 của không quân Đức, Mig-29 có thể đạt được tỷ lệ bắn trúng tới 18:1. Sự chênh lệch lớn đến mức trong những buổi báo cáo tổng kết sau diễn tập, các phi công Mỹ không chấp nhận kết quả này và bỏ ra ngoài phòng họp.

4.2.10

Vấn đề che giấu động cơ của T-50


Trở lại với  T-50. Dưới đây là một số những phỏng đoán về vị trí và kích thước của các khoang vũ khí kín. Vũ khí treo dưới cánh là một nguồn phản xạ radar lớn cần phải được loại trừ, do đó các máy bay tàng hình đều cần có các khoang chứa vũ khí kín đặt bên trong thân máy bay. Xin lưu ý lần nữa là các con số và hình ảnh này đều là phỏng đoán và không phải là thông tin chính thức.


Theo đó, T-50 có 2 khoang vũ khí chính nằm giữa 2 khoang động cơ, có thể chứa khoảng 4 tên lửa không đối không tầm xa, và 2 khoang vũ khí phụ nằm ở 2 chi tiết dạng hình nêm ở rìa phần mở rộng của gốc cánh dùng cho các tên lửa tầm gần. 

So sánh với F-22, một điều đáng chú ý là cửa khoang vũ khí của T-50 không có dạng răng cưa, có thể sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar đáng kể khi mở cửa khoang.



Một vấn đề lớn khi xét đến khả năng tàng hình của máy bay là khả năng 'giấu' đi bề mặt động cơ phản lực. Một trong những nguồn gốc chính của việc các máy bay thuộc thế hệ thứ 4 có diện tích phản xạ radar lên đến 2 con số (như F-15, Su-27) là do các động cơ nằm trực diện với các cửa hút gió lớn. Để ngăn chặn sóng radar phản xạ vào bề mặt kim loại của động cơ, có 2 phương pháp chính là dùng một bộ chặn radar đặt ở cửa hút gió, hoặc thiết kế ống dẫn không khí (từ cửa hút gió tới động cơ) dạng cong sao cho từ cửa hút gió không thể nhìn thấy động cơ. Hoặc có thể kết hợp cả 2 cách trên. 

SR-71, F-117A, X-32 (mẫu đã cạnh tranh và thất bại trước mẫu X-35 mà sau này thành F-35), F-18E/F Super Hornet tiêu biểu cho việc sử dụng bộ chặn radar đặt ở cửa hút gió. Bộ chặn của F-117A gồm một tấm che dạng lưới bao phủ toàn bộ bề mặt của cửa hút gió. Khi được kết hợp với các bề mặt phẳng của thân máy bay, sẽ tạo thành một bề mặt dẫn điện đồng nhất cho phép sóng radar 'chảy' quanh bề mặt máy bay và thoát ra phía sau. Thiết bị chặn của X-32 được thiết kế thành 1 phần của bề mặt động cơ, còn của F-18E/F là một bộ phận tách rời đặt trước động cơ, và có kết hợp với ống dẫn khí hơi cong. 

Nhược điểm của việc dùng bộ chặn là nó ảnh hưởng đến dòng không khí vào động cơ và do đó làm giảm hiệu năng của động cơ. Nó cũng tốn kém trong việc chế tạo, bảo trì. Và nếu vì một lí do nào đó như va chạm với chim chóc, đất đá trong quá trình cất hạ cánh, và thiết bị hư hỏng, cũng có thể làm giảm đáng kể tính năng tàng hình. Ngoài ra, nó cũng chỉ được dùng khi không thể che giấu toàn bộ động cơ. 

Cách triệt để hơn là thiết kế ống dẫn không khí dạng cong sao cho toàn bộ động cơ được che kín từ bên ngoài. Ví dụ tiêu biểu nhất là F-22. Khi nhìn vào hình chụp phần bụng máy bay, ta có thể thấy động cơ và cửa hút gió dường như thẳng hàng với nhau.


Tuy nhiên khi nhìn kỹ vào bên trong cửa hút gió, có thể thấy rõ ống dẫn khí cong hẳn vào phía trong (đồng thời nó cũng nhường chỗ cho khoang vũ khí phụ mà ta cũng có thể thấy rõ trong hình). Sau đó ống dẫn khí sẽ cong lại ra ngoài và nối vào động cơ. 


Hình dạng của ống dẫn khí trong F-22 sẽ tương tự như hình sau


F-22 có thể áp dụng cách này là do, như đã trình bày ở bài trước, nó có một thiết kế hoàn toàn hợp nhất giữa thân, cánh, phần diện tích mở rộng…do đó có đủ không gian bên trong để gắn ống dẫn cong (theo chiều ngang). Một ví dụ khác là YF-23, như trong hình dưới (so sánh với T-50 phía trên). YF-23 giấu động cơ theo chiều dọc (Typhoon cũng áp dụng cách này). Có thể thấy rõ trong khi cửa hút gió nằm dưới cách thì toàn bộ động cơ nằm phía bên trên.



Bản thân T-50 do vẫn dựa vào thiết kế của Su-27, với 2 khoang động cơ tách biệt và gắn dướ cánh thay vì hợp nhất với thân, do đó không có đủ không gian để thực hiện việc giấu theo chiều ngang như F-22. Động cơ của nó cũng không đặt đủ cao (ít nhất 1 nửa nằm bên dưới cánh cùng với cửa hút gió) để che theo chiều dọc. Có lẽ vẫn còn 1 phần diện tích bề mặt động cơ sẽ đối diện với cửa hút gió. Khi đó Sukhoi sẽ phải sử dụng bộ chặn sóng radar. 


30.1.10

Cái khó ló (hay bó) cái khôn?

Thêm một hình ảnh nữa về T-50, lần này là chụp trực diện từ dưới lên. Nó cho thấy rõ hơn đặc trưng không thể nhầm lẫn của dòng Su-27 với cách bố trí các khoang động cơ và phần thân trung tâm, phần đuôi 'hải ly'…Ngoài ra, nó còn cho thấy rõ hơn phần cuối của khoang động cơ vẫn giữ hình dạng trụ tròn, một điểm trừ lớn khi xét đến tính năng tàng hình. Cấu trúc thẳng nối từ cửa hút gió đến động cơ thực sự là một thách thức không nhỏ trong việc tối thiểu diện tích phản xạ radar. Trong các thiết kế tàng hình như F-22, F-35, cửa hút gió và động cơ không bao giờ thẳng hàng. Cộng với một số chi tiết thiết kế có hại cho tính năng tàng hình khác, có thể nói T-50 không phải là một thiết kế tàng hình. Nó có thỏa mãn yêu cầu về giảm thiểu diện tích phản xạ radar, nhưng tàng hình không phải là yêu cầu tiên quyết. Điều này ngược với F-22 hay F-35, với tàng hình là yếu tố quan trọng nhất, mà các yếu tố khác có thể phải hy sinh để bảo đảm sự hoàn hảo về tính năng tàng hình.

Hiện nay vừa mới xuất hiện thêm thông tin từ các nguồn của Nga cho biết diện tích phản xạ radar của T-50 là 0.05m2 thay vì 0.5m2 như trước kia. Tuy có giảm 10 lần nhưng thực tế thì mức này vẫn chỉ nằm trong khoảng 'bán tàng hình' tương đương các máy bay thế hệ 4.5 của châu Âu như Typhoon và Rafale. Với con số 0.05m2 thì T-50 vẫn là một mục tiêu lớn hơn F-22 đến 500 lần, đối với radar.


Nếu nhìn vào 2 hình trên, có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về thiết kế giữa F-22 và T-50. Với F-22, cửa hút gió không 'gắn' vào thân (như F-16, F-15) hay cánh (như Su-27) mà hoàn toàn được hợp nhất vào thân. Do đó F-22 có phần bụng rất phẳng. Trong khi đó, thiết kế của T-50 vẫn theo kiểu Su-27, với cửa hút gió gắn vào cánh.

Một nhận xét nữa là vòm radar của T-50 có kích thước khá nhỏ, ngược hẳn với các mẫu máy bay trước kia của Nga/LX.  

Tuy nhiên, không thể không đề cập đến sự khác biệt về triết lý thiết kế giữa F-22 và T-50. Rõ ràng là người Nga không xem tàng hình là mục tiêu tối thượng. Họ thừa hiểu mình không thể đuổi kịp người Mỹ với kinh nghiệm của 4 thế hệ máy bay tàng hình khác nhau. Thay vào đó, họ lấy lại những gì tinh túy nhất của dòng Su-27 và làm mọi cách để làm giảm diện tích phản xạ radar của nó mà không hy sinh điểm mạnh truyền thống của dòng Su-27. Có thể thấy rằng khả năng vận động linh hoạt vẫn là trọng tâm thiết kế T-50. Các cánh đuôi di động, chúng không sử dụng các tấm liệng vì bản thân đã là một tấm liệng lớn. Phần diện tích mở rộng của gốc cánh cũng di động. Ống xả phản lực định hướng 3 chiều. Có thể thấy rõ ràng các cánh đuôi của T-50 có kích thước khá nhỏ so với kính thước tổng thể của máy bay, cho thấy người Nga rất tự tin với khả năng của ống xả định hướng có thể thay thế một phần các chức năng của cánh đuôi. Tóm lại, T-50 chắc chắn sẽ hứa hẹn thực hiện những màn vận động trên khônh cực kỳ ngoạn mục đúng như truyền thống của dòng Su-27.



Ngoài ra, còn phải kể đến sự khác nhau về yêu cầu tác chiến. F-22 được thiết kế để tác chiến trong môi trường thù địch, phải đồng thời chiến đấu với phi cơ đối phương mà còn phải đột nhập sâu vào bên mạng lưới phòng không liên hợp của kẻ địch. T-50 ngược lại có yêu cầu tác chiến chính là phòng thủ trong lãnh thổ Nga, nơi nó được sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không, thay vì phải chống lại.


Và cũng không thề không nhắc đến hạn chế về nguồn lực mà dự án này gặp phải. Lần cuối cùng Nga có một dự án máy bay lớn như vậy là khi LX vẫn còn tồn tại. Tình hình nay hoàn toàn khác. Mỹ có thể chi 150 tỷ dollar cho dự án F-22. Nga có thể chi khoảng 1/10 con số đó. Một điều mà không phải ai cũng nhớ ra, đó là ưu tiên cao nhất của ngân sách quốc phòng Nga vẫn là cho các hệ thống vũ khí chiến lược, tiêu biểu như tên lửa Bulava, tàu ngầm lớp Borei. Trong hoàn cảnh đó, buộc Nga không thể mạo hiểm với một thiết kế hoàn toàn mới, hoàn toàn đột phá như họ đã từng làm với T-10 (nguyên mẫu của Su-27). Thay vào đó họ vẫn lấy một xuất phát điểm có sẵn là dòng Su-27 nhằm giảm thiều rủi ro.

Một vài suy nghĩ về Raptorov

Đầu tiên, có vẻ đa số họ trong tiếng Nga kết thúc bằng ov/ev thay vì ski, do đó Raptorov có lẽ là một cái tên thích hợp hơn cho PAK-FA. Tuy vậy, nói chung về hình dạng bên ngoài thì PAK-FA trông giống như một sự kết hợp giữa cả Su-27, F-22, YF-23 và một ít Su-47. YF-23 là nguyên mẫu từng cạnh tranh với F-22 để chọn ra mẫu thiết kế cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, tất nhiên là nó đã thất bại, nguyên nhân chủ yếu là tính năng tàng hình của nó không được như mẫu YF-22.

Cũng phải lưu ý rằng vẫn còn một đoạn đường rất dài từ khi bay chuyến bay đầu tiên cho tới khi máy bay thực sự được đưa vào sử dụng rộng rãi. Và từ nay đến đó, bất cứ thay đổi lớn nào cũng có thể xảy ra. Nguyên mẫu bay ngày hôm nay sử dụng động cơ của mẫu Su-35, và hiển nhiên là cũng chưa lắp radar cùng nhiều thiết bị điện tử khác, vốn vẫn chưa tồn tại vào thời điểm này. Tất cả những gì có thể được phân tích vào thời điểm này chỉ là thiết kế hình dạng bên ngoài của nó, vốn cũng không có gì bảm đảm sẽ giữ được giữ nguyên.

Như đã nêu trong phần nhận xét sơ bộ, PAK-FA là mẫu máy bay đầu tiên Nga hướng đến việc giảm thiểu tối đa diện tích phản xạ radar. Tuy nhiên, việc nó có giảm đến mức có thể được gọi là 'tàng hình' hay không thì lại là một vấn đề khác. Một số nguồn tin cho biết diện tích phản xạ của nó là 0.5m2. Đây là một bước tiến rất lớn nếu so với các Su-27/30, vốn có con số này từ 10-20m2. Tuy nhiên, nó vẫn còn cách quá xa để được gọi là một máy bay tàng hình. Để so sánh, diện tích phản xạ radar của F-22 là khoảng 0.0001m2, của F-35 là 0.001m2. Không có định nghĩa chính xác thế nào một máy bay 'tàng hình'. Tuy nhiên theo logic thì nó phải có diện tích phản xạ radar tương đương với F-117A, thế hệ máy bay tàng hình đầu tiên, trở xuống, nghĩa là dưới 0.01m2. Con số 0.5m2 thậm chí nếu so sánh với các máy bay thế hệ thứ 4 thì cũng chỉ tương đương với Gripen của Thụy điển, nhưng không bằng Rafale của Pháp (0.1m2), hay Typhoon của châu âu (0.05m2). Cả Rafale và Typhoon đều chỉ được coi là máy bay 'bán tàng hình'.

Thật ra điều này cũng dễ hiểu khi mà người Mỹ đã phát triển đến thế hệ máy bay tàng hình thứ 4, trong khi đây mới là thế hệ đầu tiên của Nga. Trên nguyên mẫu bay thử hôm nay vẫn còn nhiều chi tiết thiết kế bất lợi cho việc giảm tín hiệu radar phản xạ. Ví dụ như thiết bị cảm biến hồng ngoại nổi lên rất rõ phía trước buồng lái. Một mặt cầu nổi bật lên như vậy hoàn toàn không tốt cho tính năng tàng hình. Bản thân buồng lái vẫn sử dụng khung kim loại thay vì hoàn toàn trong suốt như F-22, tuy nhiên nhiều khả năng điều này sẽ thay đổi trong quá trình phát triển. Toàn bộ phần mũi máy bay vẫn còn hơi tròn, không mang thiết kế dạng kim cương một cách rõ nét. Thiết kế dạng gờ hình nêm nối giữa phần mũi và cánh máy bay, một đặc trưng của máy bay tàng hình, cũng không thật sự rõ. Ngoài ra, như trong phần nhận xét sơ bộ, phần đuôi máy bay, đặc biệt là 2 ống xả, vẫn là thiết kế cổ điển, đậm chất "Su", không phải thiết kế cho tàng hình. Điểm yếu nhất có lẽ là phần bụng máy bay, thay vì chỉ là một mặt phẳng duy nhất thì nó lại khá 'gồ ghề, khoang động cơ và thân máy bay vẫn tách biệt thành 3 phần rất rõ, vẫn đậm chất "Su-27",c hứ không tích hợp hoàn toàn với nhau.

Một chi tiết thiết kế cực kỳ quan trọng nữa khi xét tới tính năng tàng hình là vị trí tương đối giữa cửa hút gió và động cơ. Nhìn bên ngoài thì chưa thể kết luận chúng có thẳng hàng hay không (vốn sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar rất đáng kể), mặc dù trông thì có vẻ thế. Tuy nhiên có lẽ các nhà thiết kế Nga sẽ không bỏ qua một vấn đề cơ bản như vậy trong thiết kế.


Tổng hợp chung, nếu chỉ nhìn vào thiết kế bên ngoài, thì thật sự mẫu thiết kế này vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của dòng Su-27/30 danh tiếng. Các đặc điểm của Flanker vẫn phảng phất rất rõ trong thiết kế này như phần thân với cái 'bướu' rất đặc trưng, 2 khoang động cơ lớn, đuôi... Đó cũng là lí do vì sao vẫn còn 1 số dè dặt nhất định trong cộng đồng quân sự khi nhận xét về mẫu này. Khi YF-22, YF-23 xuất hiện, người ta có thể cảm thấy nó đến từ 1 thế giới khác so với F-15, F-16. Hay T-10S (nguyên mẫu của Su-27) thực sự là một cuộc cách mạng so với Mig-23, Su-17. Dù sao, như đã nói, đây mới chỉ là một nguyên mẫu khá sơ khai, và vẫn có thể vẫn còn nhiều điều bất ngờ phía trước.

Cũng phải nói thêm là nguyên mẫu này có 1 vài đặc điểm độc nhất, đó là phần cánh đuôi và phần diện tích mở rộng của cánh máy bay có thể di chuyển được.

11.12.09

A400M đã cất cánh

Chậm 4 năm so với kế hoạch, vượt kinh phí dự kiến, và bị bao phủ bởi rất nhiều sự hoài nghi và thất vọng; A400M, mẫu máy bay vận tải cánh quạt được phát triển chung bởi các nước châu Âu, đang thực hiện chuyến bay đầu tiên của nó vào thời điểm này.

Máy bay cất cánh lúc 10h16 giờ địa phương, tại Sevilla, TBN ngày hôm nay (4h16 chiều giờ VN). Cơ trưởng là Ed Strongman, phi công thử nghiệm chính của Airbus, cơ phó là Ignacio "Nacho" Lombo, kỹ sư trưởng là Eric Isorce, cùng 1 số nhân viên khác.

Chuyến bay này được hy vọng sẽ cứu chương trình khỏi nguy cơ bị hủy. Airbus hứa rằng khách hàng sẽ bắt đầu được nhận A400M sau 3 năm nữa.


Với sức tải khoảng 35 tấn, trên mức 20 tấn của C-130 nhưng dưới mức 70 tấn của C-17, máy bay vận tải phản lực, A400M được xem là có tiềm năng cạnh tranh ở cả 2 phân khúc máy bay vận tải chiến thuật và chiến lược. Đây là 1 dự án rất quan trọng và đầy tham vọng của tổ hợp quân sự châu Âu, tuy nhiên đã gặp rất nhiều trở ngại và nhiều lần tưởng như đã bị hủy

30.11.09

Mã nguồn đóng

Mỹ vừa khẳng định lại rằng sẽ không có bất kì nước nào, cho dù là đồng minh thân cận nhất, được cho phép tiếp cận vào mã nguồn sử dụng trên chiếc F-35. Anh và Israel từng đe dọa rằng sẽ không mua F-35 nữa nếu họ không được tiếp cận mã nguồn của nó để có thể thực hiện 1 số thay đổi tùy theo nhu cầu riêng của mình. Tuy nhiên, Mỹ dường như không quá lo lắng về điều này, vì các nước trên còn có thể tìm mua một máy bay thế hệ 5 ở đâu khác?

Lí do chính là sự lo ngại số mã nguồn này có thể bị rò rỉ ra ngoài. Bên cạnh đó, Mỹ cũng lo rằng các nước đồng minh của mình có thể sử dụng mã nguồn này để phát triển các loại công nghệ, thiết bị phụ trợ kèm theo máy bay và bán ra ngoài, cạnh tranh trực tiếp với các công ty Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ thành lập các đội dịch vụ phản ứng nhanh cho các khách hàng nước ngoài. Các đội này sẽ thực hiện các thay đổi về phần mềm theo yêu cầu nhanh và rẻ bằng với nếu chúng được chính khách hàng thực hiện. Hoặc các khách hàng cũng có thể đưa ra các phần mềm của mình trước cho Mỹ để họ tích hợp vào gói phần mềm chung.

Mã nguồn của F-35 có khoảng 8 triệu dòng, file dùng để lưu trữ số dòng lệnh này dưới dạng văn bản có kích thước 2G. F-35 là thế hệ máy bay tàng hình thứ 4 của Mỹ, có chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó.

24.11.09

TQ sắp có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5?

Gần đây, các quan chức cao cấp của TQ đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ sớm sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tương tự như F-22 hay F-35 của Mỹ. Theo đó, chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra trong vòng 1 năm tới, và trong vòng từ 8-10 năm tới, mẫu máy bay này (thường được gọi là J-XX) sẽ chính thức gia nhập lực lượng, với những tính năng tiêu biểu như tốc siêu hành trình (duy trì tốc độ siêu âm trong thời gian dài không cần sử dụng đốt hậu), tàng hình, công nghệ radar và điện tử tân tiến, cất cánh thẳng đứng. Trước đó, các đáng giá của giới tình báo Mỹ cho rằng TQ vẫn còn cách rất xa việc sở hữu công nghệ chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Những tuyên bố trên đã gây khá nhiều tranh cãi trong giới quân sự thế giới gần đây. Một số hoài nghi cho rằng không thể trong một thời gian ngắn mà TQ có thể đạt được bước nhảy vọt như vậy. Một số khác cho rằng trước đây TQ ít khi công khai về các dự án của mình, thì nay chắc hẳn họ phải có gì đó trong tay mới mạnh miệng như vậy.

Những người hoài nghi nhìn lại dự án chiến đấu cơ gần đây nhất của TQ như J-10, JF-17 mà cho rằng trong hiện tại, TQ mới chỉ có thể copy một mẫu gần tương đương với 1 chiếc F-16 đời đầu thì không thể nào trong 10 năm tới có thể lại có thể 'đại nhảy vọt' lên thế hệ thứ 5 ngay được. Một trong những trở ngại lớn nhất là động cơ phản lực, một thành phần chủ chốt của mọi chiến đấu cơ. Cho tới nay, TQ vẫn phụ thuộc vào Nga để có các động cơ phản lực. VD như loại RD93 (dùng cho Mig29), cho tới nay TQ đã nhập hơn một ngàn chiếc. Bản copy của RD93 là WS13, được phát triển với sự trợ giúp của chính Nga. TQ cho biết WS13 đã gần như sẵn sàng, nhưng mới đây họ mới đặt hàng thêm khoảng 100 RD93 nữa.

Ngoài RD93, TQ cũng copy một loại động cơ nữa của Nga là AL31F, với tên gọi WS10A. Loại WS10A được dùng trên J-10 từ 2 năm trước, nhưng sau đó không quân không hài lòng với nó và TQ lại phải nhập thêm 100 AL31F nữa từ Nga. Câu hỏi đặt ra là cho tới nay TQ vẫn chưa thể copy thành công các mẫu động cơ của Nga, vốn đã chưa bằng công nghệ động cơ của phương tây, thì làm sao trong thời gian ngắn TQ có thể tự chế tạo một loại động cơ tương đương với lại dùng trên F-22.

Ngoài ra còn phải kể đến việc làm chủ công nghệ tàng hình, việc mà cho tới nay mới chỉ có Mỹ làm được. Nó không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, mà còn 1 chút nghệ thuật trong đó, khi mà ta cần có một sự kết hợp hoàn hảo giữa hình dạng, cấu trúc, vật liệu, khí động học và hệ thống điều khiển. Các kỹ sư Nga từ các trung tâm thiết kế tên lửa phòng không Antey và Almaz từng xem xét cẩn thận các mảnh vỡ các chiếc F117 bị rơi ở Serbia, nhưng vẫn không thể tường tận được cơ chế chung của thế hệ máy bay tàng hình thứ nhất này.

Tuy vậy, theo lời một quan chức tình báo Mỹ và là chuyên gia phân tích về TQ thì cũng không hẳn là không có cơ sở để tin rằng TQ đã nắm được công nghệ ở một mức độ nào đó.

"Thông qua việc chuyển giao công nghệ hợp pháp, bán hợp pháp và cả phi pháp, tôi tin rằng TQ đã thu thập được hầu như mọi thông tin hiện có về cách chúng ta chế tạo cấu trúc và vật liệu cho máy bay tàng hình. Họ cũng tận dụng tối đa hệ thống bằng sáng chế mở của chúng ta, hệ thống trường đại học kỹ thuật mở của chúng ta, và cả cơ chế buộc các giáo sư tiến sĩ xuất bản thường xuyên các nghiên cứu của mình. Với những gì mà họ có được từ chúng ta (Mỹ), Nhật, HQ, Nga và châu Âu, họ đã có mọi dự liệu cần thiết. Hạn chế cuối cùng là ngân sách và khả năng của quy trình sản xuất và tích hợp, những điều mà chúng ta vẫn làm tốt hơn bất kì ai. Bởi vì chúng phản ánh văn hóa doanh nghiệp và kinh nghiệm mà không dễ gì có thể copy được".

"Cho tới nay, cuộc chạy đua vũ trang duy nhất mà TQ đang đối mặt là với Ấn độ, và họ đang thắng thế".

16.10.09

Su-27 cho mọi người

Công ty TacAir đang rao bán 2 chiếc Su-27 đã được phi quân sự hóa với giá 5 triệu dollar mỗi chiếc. Những chiếc này đã được đại tu lại, và từ đó tới nay, nó mới chỉ bay 16 giờ. Đây là 2 chiếc được đặt mua từ Ukraina và được không quân Mỹ dùng để tìm hiểu rõ hơn về tính năng của loại máy bay này. Công việc này giờ đã xong và TacAir sẽ bán nó lại cho bất cứ cá nhân nào có đủ tiền.

11.7.09

5 và 6


Việc phát triển các chiến đấu cơ, đặc biệt là những mẫu hoàn toàn mới, mất rất nhiều thời gian. Do đó, chúng được phát triển theo chu kỳ khép kín. Ngay sau khi một thiết kế mới bắt đầu được chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt thì việc phát triển cho thế hệ tiếp theo cũng sẽ bắt đầu. Việc chuyển tiếp từ thế hệ 5 sang 6 cũng không phải là ngoại lệ.

Hiện nay, khi mà F-22 vẫn còn đang trong dây chuyền sản xuất và F-35 ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển thì việc phát triển thế hệ thứ 6 cũng đi những bước đầu tiên, hiện chủ yếu ở dạng phác thảo ý tưởng.

Boeing vừa giới thiệu một ý tưởng của mình về một chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, sử dụng cho hải quân. Nó vẫn chưa được đặt tên chính thức mà chỉ được gọi là F/A -XX. Những công nghệ dự tính cho thế hệ 6 có thể bao gồm tùy chọn có người lái hoặc bay tự động (UAV), động cơ kép (kết hợp giữa động cơ turbo và ramjet hoặc scramjet), tàng hình với mắt thường, sử dụng nhiều hơn vật liệu tổng hợp và khả năng tấn công sử dụng vũ khí điện từ…

Thực ra mẫu ý tưởng này là kết quả chỉnh sửa thì một mẫu ý tưởng hồi tháng 6/2008. Mẫu trước có thiết kế hoàn toàn dạng cánh bay. Những mẫu này cho thấy rằng không chiến là lãnh địa cuối cùng mà giới quân sự vẫn còn chưa có sự tin tưởng hoàn toàn vào công nghệ máy bay không người lái. Trong phần lớn các nhiệm vụ khác, việc UAV thay thế máy bay không người lái gần như đã là một xu hướng. Tuy nhiên, trong việc chiến đấu chống lại máy bay đối phương, UAV vẫn chưa được hoàn toàn tin tưởng sẽ thay thế con người. Do đó, yêu cầu đưa ra là tính năng tùy chọn giữa 2 chế độ có và không có người lái.

Trong khi đó, việc phát triển PAK-FA hay T-50, máy bay thế hệ 5 đầu tiên của Nga vẫn hoàn toàn trong vòng bí mật. Chưa ai có bất kì thông tin gì, ít nhất là trông nó như thế nào. Những mẫu phác họa trên được công bố đều là những phỏng đoán. Tuy vậy, đa số đều trông khá giống…F-22, cũng là một việc dễ hiểu vì T-50 cũng được dự tính là một máy bay tàng hình. Và Nga dù sao cũng có lợi thế của người đi sau.

Theo những công bố trước kia của Sukhoi thì T-50 sẽ bay chuyến đầu tiên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tại hội chợ hàng không Paris vừa qua, giám đốc Sukhoi là Pogosyan cho biết mốc này nhiều khả năng không thể đạt được. Ngoài ra, ông này cũng cho biết rằng sẽ không có một dự án JSK-ski, tức là mẫu tương ứng của F-35 như dự đoán trước đây. Thay vào đó, Su-35 và T-50 sẽ cùng tồn tại, trong ít nhất là một thập kỷ.

Có thể nói thông tin này gây khá nhiều bối rối. Vì cả Su-35 và T-50 là những máy bay cùng loại, không được thiết kế để bổ sung cho nhau. Nhìn lại thế hệ thứ 4, cả Mỹ và LX có cơ cấu chiến đấu cơ tương đối giống nhau. Mỹ sử dụng cơ cấu 'hi-low', gồm một máy bay cỡ lớn, tính năng cao, giá thành đắt, số lượng ít, và chuyên về không chiến là F-15 và một mẫu đa năng hạng nhẹ, giá rẻ, số lượng nhiều là F-16. Sau này F-15 được nâng cấp để có thể đóng vai trò một máy bay ném bom (F-15E). LX đi sau 10 năm và cũng với cơ chế tương tự, với Su-27 tương ứng với F-15 và Mig-29 tương ứng với F-16. Những mẫu Su-30, 33, 35 thực chất vẫn thuộc dòng Su-27 nâng cấp lên.

Khi lên thế hệ thứ 5, F-22 thay thế cho F-15 và F-35 thay thế cho F-16 (cùng một số mẫu khác nữa). Tương ứng, T-50 thay thế cho dòng Su-27 và là đối thủ trực tiếp của F-22. Như vậy Nga cần thêm một mẫu thế hệ thứ 5 đa năng, với tính năng và giá thấp hơn T-50 để bổ sung cho nó. Bản thân Su-35 trước giờ luôn được coi là giải pháp tạm thời, nhằm lấp khoảng trống khi mà T-50 chưa ra đời chứ không phải là sự bổ sung cho T-50 trong tương lai.

Điều này có thể là do một số lí do sau. Bản thân việc phát triển Su-35 đến giờ vẫn chưa xong, và không quân Nga cũng không tỏ ra quyết tâm trong việc sẽ đặt mua nó. Vì nếu đúng với vai trò là giải pháp tạm thời, đáng lẽ Su-35 đã phải được sản xuất hàng loạt từ lâu. Tình hình hiện nay có thể đẩy không quân Nga vào tình thế khó xử là liệu có nên đổ tiền vào mua Su-35 khi mà họ cần tập trung cho T-50. Và nếu mua Su-35 với tư cách là một 'giải pháp tình thế' thì liệu có phải là một sự phí phạm khi mà có thể chúng sẽ được đưa vào sử dụng trước T-50 không đáng là bao vì đến nay chưa ai chắc chắn là bao giờ quá trình phát triển Su-35 sẽ hoàn tất. Do đó, giải pháp tốt nhất là gỡ cái mác 'giải pháp tình thế' và chấp nhận rằng cả 2 sẽ được sản xuất đồng thời.

Ngoài ra, Pogosyan cũng cho biết rằng Sukhoi đang rất nóng lòng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi, vốn là một điểm yếu cố hữu từ thời Liên Xô. Việc này cũng có nghĩa là Sukhoi sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài, cũng đồng nghĩa với việc những dự án nghiên cứu mới sẽ bị rút bớt ngân sách. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, rõ ràng Sukhoi cũng như mọi công ty khác phải dùng cách tiếp cận ít rủi ro nhất.

Tuy vậy, nó minh họa rõ hơn một lần nữa một mối lo lớn của giới quân sự Nga. Đó là việc ngành công nghiệp quốc phòng nước này phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu. Sukhoi là ví dụ điển hình nhất. Điều này đặc biệt khó khăn cho không quân vì Sukhoi giờ đây đã nắm độc quyền trong việc chế tạo chiến đấu cơ, Mig trên thực tế hầu như đã bị Sukhoi thôn tính.