30.5.09

Nga - Khi cơ hội trôi qua


Thế giớ đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ sau kì Đại suy thoái những năm 30. Hầu như mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, những nước như nước Nga phải chịu ảnh hưởng kép, không chỉ là ảnh hưởng dây chuyền mà còn là việc giá dầu giảm mạnh, trong khi đây là nguồn thu chính của Nga.

Sau 8 năm tăng trưởng với tốc độ trung bình 7%, năm nay dự kiến kinh tế Nga sẽ suy giảm 6%. Quý 1 năm nay, kinh tế giảm 9.5% so với cùng kỳ năm ngoái, và 23.2% so với quí trước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 10.2%. Việc này gần như sẽ làm gián đoạn quá trình tái trang bị quy mô lớn cho quân đội Nga. Mặc dù kinh tế thế giới nói chung đã thấy chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng giá dầu có lẽ sẽ khó mà đạt lại thời kì hoàng kim với 120-140 dollar/ thùng như trước kia. Và giờ đây khi nhìn lại, nhiều người Nga tự hỏi về hiệu quả của kế hoạch tái vũ trang này trong 8 năm trước đó.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là về không quân Nga, đặc biệt là dự án chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Sukhoi. Và điều kì lạ là mặc dù trong thời gian qua, Sukhoi rất thành công về mặt thương mại với dòng Su-27/30 của mình thì lại càng tạo nhiều chỉ trích và tâm trạng bi quan. Lí do chính nằm trong việc nền công nghiệp quốc phòng Nga hiện phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Sukhoi cũng không là ngoại lệ, và khi mà Pogosian (Chủ tịch Sukhoi Corporation) kiếm được lợi nhuận khổng lồ thì nhiều người trong giới quân sự Nga cho rằng Sukhoi và quân đội Nga đã quá lo cho các hợp đồng xuất khẩu (chủ yếu là các thiết kế có sẵn) thay vì tập trung vào các dự án thiết kế mới, trong khi người Mỹ đã đi trước, như chính sự xác nhận của nhiều chuyên gia, như tổng công trình sư của Mig.

Trong khi người Mỹ đã đưa vào hoạt động chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên cách đây nửa thập niên (2003) thì quá trình phát triển chiếc tương ứng của Nga, Pak-FA, vẫn mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, dự kiến đến cuối năm nay sẽ bay thử lần đầu. Thật ra, trước kia, LX cũng thường đi sau Mỹ như vậy. Ví dụ như với thế hệ thứ 4, trong khi F-15, F-16 tham gia biên chế vào khoảng năm 1976 thì Mig-29, Su-27 là 1984, 1986. Tuy vậy, lần này khoảng cách có vẻ sẽ lớn hơn. F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 1990, 13 năm trước khi nó chính thức hoạt động. Nếu lấy đó làm chuẩn thì phải đến 2022, Nga mới có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của mình.

Có ý kiến cho rằng Nga có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu PAK-FA so với F-22 trước kia nhờ vào lợi thế của người đi sau. Họ có thể học được những kinh nghiệm từ dự án F-22, hay nói cụ thể hơn là nhờ vào những thông tin tình báo mà họ thu được.

Tuy vậy, cũng có khả năng ngược lại. Vì cả F-22 và Pak-FA đều là máy bay tàng hình. Khi mà người Mỹ bắt tay vào chế tạo F-22 thì họ đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công nghệ tàng hình, với F-117A và B-2. Trong khi đó, đây mới là lần đầu tiên người Nga thật sự chế tạo một máy bay tàng hình. Ngoài ra, một số công nghệ khác hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Ví dụ như hiện nay Nga vẫn chưa thể hàng xuất hàng loạt radar quét điện tử chủ động (AESA).

Trong suốt 8 năm khi mà giá dầu ở mức cao, không quân Nga chỉ có thể tăng cường thêm 2 trung đoàn (48-50 chiếc) Su-27 SM. Trong khi đó, việc phát triển các loại máy bay mới gặp rất nhiều khó khăn. Su-35, được coi là mẫu máy bay lấp chỗ trống khi thế hệ thứ 5 chưa ra đời, hiện có 3 mẫu thử nghiệm (prototype), một chiếc bị cháy trong vì trục trặc động cơ. Nhưng trầm trọng hơn nhiều là việc họ vẫn chưa thể đưa mẫu radar quét điện tử chủ động (AESA) đầu tiên của mình vào sản xuất hàng loạt vì vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Su-35 thực chất chỉ là giải pháp chữa cháy. Nó vẫn chỉ là một bản nâng cấp của dòng Su-27, thuộc thế hệ thứ 4. Thậm chí 1 số chuyên gia hoài nghi còn cho rằng nếu xét về mặt điện tử, radar, hệ thống vũ khí thì nó vẫn chưa bằng F-15E Strike Eagle thời chiến tranh vùng Vịnh. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn thất vọng về việc, nói chung, cho đến nay Nga chưa thể tạo ra một máy bay có hiệu quả tải trọng cao, nghĩa là mang được nhiều vũ khí so với khối lượng của chính nó, tăng hiệu suất của radar vẫn phải dựa vào việc tăng kích thước của nó, dẫn đến kích thước của vòm radar cũng phải lớn theo (các máy bay của LX/Nga thường lớn hơn so với các mẫu tương ứng của Mỹ) kéo theo đó là tăng diện tích phản xạ radar, dễ bị phát hiện hơn.

Một vấn đề nữa là hiện không quân Nga đang thiếu tên lửa không đối không. Các cơ sở sản xuất nằm rải rác trong lãnh thổ LX trước kia, mà nay trở thành những nước độc lập, ví dụ như Yuzhmash ở Ukraina. Ngoài ra, những tên lửa của Nga thường có cánh quá lớn, làm tăng diện tích phản xạ radar của máy bay.

Gần một thập kỷ với nguồn tiền dồi dào từ giá dầu cao, nhưng người Nga dường như vẫn chưa kịp sửa chữa những vấn đề của mình. Khủng hoảng kinh tế rồi sẽ đi qua, nhưng giá dầu khó mà có thể đạt được mốc như trước kia, ít ra là trong tương lai gần. Có vẻ như cơ hội đã trôi qua.

No comments: