11.12.09

A400M đã cất cánh

Chậm 4 năm so với kế hoạch, vượt kinh phí dự kiến, và bị bao phủ bởi rất nhiều sự hoài nghi và thất vọng; A400M, mẫu máy bay vận tải cánh quạt được phát triển chung bởi các nước châu Âu, đang thực hiện chuyến bay đầu tiên của nó vào thời điểm này.

Máy bay cất cánh lúc 10h16 giờ địa phương, tại Sevilla, TBN ngày hôm nay (4h16 chiều giờ VN). Cơ trưởng là Ed Strongman, phi công thử nghiệm chính của Airbus, cơ phó là Ignacio "Nacho" Lombo, kỹ sư trưởng là Eric Isorce, cùng 1 số nhân viên khác.

Chuyến bay này được hy vọng sẽ cứu chương trình khỏi nguy cơ bị hủy. Airbus hứa rằng khách hàng sẽ bắt đầu được nhận A400M sau 3 năm nữa.


Với sức tải khoảng 35 tấn, trên mức 20 tấn của C-130 nhưng dưới mức 70 tấn của C-17, máy bay vận tải phản lực, A400M được xem là có tiềm năng cạnh tranh ở cả 2 phân khúc máy bay vận tải chiến thuật và chiến lược. Đây là 1 dự án rất quan trọng và đầy tham vọng của tổ hợp quân sự châu Âu, tuy nhiên đã gặp rất nhiều trở ngại và nhiều lần tưởng như đã bị hủy

Lần đầu tiên sau 15 năm

Nga vừa phóng thử thành công 1 tên lửa liên lục địa Topol/SS-25 hôm 10.12, từ bãi thử Kasputin Yar. Mục tiêu là là bãi thử Sary-Shagan, Kazakhstan, nơi có một số đài radar có thể theo dõi và ghi nhận các thông số của tên lửa. Lần cuối có một cuộc phóng thử từ Kasputin Yar tới Sary-Shagan là 12/2007.

Lần phóng này có ý nghĩa khá đặc biệt, vì nó là lần đầu tiên sau 15 năm, Nga không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước START vừa hết hạn. Theo đó, 2 nước Nga, Mỹ phải thông báo cho nhau các thông số của các vụ thử tên lửa như vậy. Thật ra trên thực tế thì nó cũng không quá quan trọng, vì cũng theo START thì mỗi nước có thể thực hiện tối đa đến 11 lần thử bí mật mỗi năm, không cần thông báo thông tin cho nhau. Tuy vậy, dù sao thì đây cũng là 1 mốc khá đáng nhớ.

Nga chính thức xác nhận về vụ thử Bulava

Một ngày sau khi phủ nhận có bất kì vụ thử tên lửa nào, BQP Nga hôm nay đã chính thức xác nhận rằng họ đã thực hiện một vụ phóng thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm vào đúng thời điểm xuất hiện của quầng sáng xanh lạ trên bầu trời Nauy, và vụ thử đã thất bại. Mặc dù không đề cập đến sự kiện này nhưng việc xác nhận vụ phóng có thể coi như là bằng chứng xác thực nhất về mối liên hệ giữa quầng sáng xanh và Bulava đúng như KTCNQS đã dự đoán. Việc ban đầu BQP Nga phủ nhận việc thực hiện bất kì vụ phóng nào khiến cho các hãng tin lớn cả quốc tế và tại VN như CNN hay VnEXpress đều bác bỏ khả năng hiện tượng này là do hoạt động quân sự.

BQP Nga cũng đồng thời xác nhận việc đúng là vấn đề lần này nằm ở tầng tên lửa thứ 3, khi mà tên lửa đã ra khỏi tầng khi quyển, như KTCNQS đã dẫn lại sự phân tích của các chuyên gia.

Bulava là loại tên lửa hạt nhân chiến lược liên lục địa phóng từ tàu ngầm. Điều đặc biệt là nó sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, thay vì nhiên liệu lỏng như loại Nga đang dùng (Sineva). Theo kế hoạch thì Bulava và Topol-M, loại tên lửa liên lục địa dùng nhiên liệu rắn đầu tiên của LX/Nga, sẽ là trụ cột của sức mạnh hạt nhân Nga. Tầm bắn khoảng trên 8,000km. Tổng trọng lượng là 36.8 tấn. Nó có 3 tầng tên lửa và có thể mang theo từ 6-10 đầu đạn con tự hành, mỗi cái có sức công phá từ 100-150kt. 2 tầng đầu của tên lửa dùng để đẩy nó vào không gian, tầng thứ 3 để chỉnh hướng, trước khi các đầu đạn tự hành được thả ra và tự bay đến các mục tiêu một cách độc lập.

Việc phát triển Bulava bắt đầu từ 1998, và được giao cho Việc kỹ thuật nhiệt Moscow (MITT). Họ tuyên bố rằng có thể nhanh chóng phát triển Bulava dựa trên Topol-M. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp đơn giản hóa việc triển khai tên lửa cho hải quân và giảm chi phí bảo trì.

Tuy vậy, trong 12 lần thử thì có 7 lần thất bại, trong 5 lần còn lại thì chỉ có 3 lần được xem là thành công hoàn toàn, 2 lần là thành công 1 phần. Con số này chưa tính đến những lần tên lửa nhận lệnh phóng nhưng không đáp ứng. Vấn đề lớn nhất có lẽ nằm ở khâu sản xuất, lắp ráp, kiểm soát chất lượng. Chi phí không phải là 1 vấn đề, vì Bulava là 1 chương trình ưu tiên, chiếm đến 40% ngân sách mua sắm mới của BQP.

Theo một số chuyên gia Nga thì nước này nên bắt đầu 1 chương trình tên lửa mới, bao gồm nhiều viện nghiên cứu tham gia và chọn mẫu nào tốt nhất thay vì chỉ giao cho 1 mình MITT. Họ cũng yêu cầu đích thân TT Nga giám sát quá trình phát triển, và yêu cầu trừng phạt nặng các quan chức liên quan đến dự án Bulava, thay vì chỉ là từ chức như trước kia.


10.12.09

Người ngoài trái đất tấn công Nauy, từ một hành tinh tên "Bulava"

Hôm nay, người dân trên thế giới xôn xao về đoạn clip của một quầng sáng xanh lạ trên bầu trời Nauy, khiến hàng ngàn người dân nước này gọi điện đến Viện khí tượng Nauy để thông báo.

Tuy nhiên, theo những thông tin ban đầu thì đây là một cuộc thử nghiệm không báo trước của tên lửa Bulava. Nó được phóng đi từ tàu ngầm Dmitry Donskoy rạng sáng ngày 9.12 giờ địa phương. Không có bất kì thông tin chính thức nào về kết quả, thậm chí là việc xác nhận về cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên các nguồn tin từ Nga cho biết đây lại là một thất bại nữa, lần này là do tầng thứ 3 của tên lửa. Trên clip ta cũng có thể thấy quầng sáng chỉ tồn tại một thời gian ngắn trước khi biến mất.

Như vậy trong tổng số 12 lần phóng thử nghiệm thì Bulava đã có 7 lần thất bại. Lần này là lần thứ 3 liên tiếp.

Tàu Dmitry Donskoy đã ra khơi từ 26.10, mang theo tên lửa, tuy nhiên đã quay lại cảng 2 ngày sau đó. Theo thông báo chính thức thì lần đó chỉ nhằm kiểm tra một số bước trong quy trình phóng chứ không phải phóng thật. Tuy vậy, thực tế thì có đã có kế hoạch phóng thử vào hôm 26.10. Nhưng có ai đó nhớ ra rằng đó là ngày TT Nga đi thăm trung tâm thiết kế NPOmash. Và trung tâm thiết kế MITT, cha đẻ của Bulava, không muốn tạo điều kiện cho đối thủ của mình "thảo luận" về tình trạng của chương trình Bulava trước mặt TT. Do đó cuộc phóng được hoãn đến hôm sau, 27.10.

Nhưng lần đó, hệ thống điều khiển phóng có vấn đề, khiến cho tên lửa không nhận lệnh. Ít nhất thì tên lửa vẫn còn nguyên và ai đó có thể lập luận rằng đó là lỗi hệ thống chứ không phải lỗi do chính tên lửa.

Tuy nhiên với lần thử thất bại này thì rõ ràng khó có thể biện minh gì thêm.

(Cập nhật)

Theo lời của Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên thể tại Trung tâm thiên văn Havard-Smithsonia thì vòng xoắn ốc trên clip cho thấy đây chắc chắn là 1 vụ phóng tên lửa không thành. Theo ông, hình dạng xoắn ốc hoàn hảo trong clip cho thấy tên lửa khi đó đã ở ngoài bầu khí quyển. Nếu ở độ cao thấp hơn, sức cản không khí sẽ khiến tên lửa nhanh chóng lao xuống và vệt khói phía sau sẽ bị gió tạt đi theo nhiều hướng. Do đó, rất có thể 2 tầng tên lửa đầu đã hoạt động tốt, cho đến khi ra ngoài không gian và tầng tên lửa thứ 3 khởi động. Nguyên nhân nhiều khả năng là ở ống xả phản lực, khiến cho luồng phản lực bị đẩy ra bên cạnh thay vì thẳng về phía sau và khiến tên lửa xoay tròn.

7.12.09

Tổng quan về các vị trí có vũ khí hạt nhân hiện nay

Theo những ước tính tương đối thì vào thời điểm này, thế giới có khoảng 23.300 vũ khí hạt nhân, đặt tại 111 địa điểm tại 14 quốc gia trên thế giới. (Xem hình).

Gần phân nửa trong số đó đang ở trong tình trạng sẵn sàng, nghĩa là được triển khai cùng với các phương tiện dùng để phóng chúng đi (tên lửa, máy bay…) và có thể được đem ra sử dụng trong 1 thời gian ngắn.

Nga hiện có khoảng 48 vị trí chứa vũ khí hạt nhân thường xuyên, hơn 1 nửa là trong tình trạng sẵn sàng và khoảng 19 kho chứa. Trong số các kho chứa, một nửa là kho chứa cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có nhiều vị trí tạm thời, dùng để chứa vũ khí hạt nhân trên đường vận chuyển của chúng.

Con số này đã giảm nhiều từ 90 vị trí cách đây 10 năm và hơn 500 vào thời chiến tranh lạnh. Nhiều vị trí hiện nay của Nga ở khá gần nhau và gần các khu dân cư. Một ví dụ là tại thành phố Saratov, bao quanh là sư đoàn tên lửa liên lục địa Tarishchevo với tổng cộng gần 300 đầu đạn hạt nhân, căn cứ không quân Engels với khoảng 35 máy bay ném bom chiến lược, và một kho chứa cấp quốc gia. Tổng cộng là hơn 1000 đầu đạn hạt nhân. (Xem hình)

Mỹ có 21 vị trí, đặt tại 13 bang và 5 quốc gia ở Châu Âu (Bỉ, Đức, Ý, Hà lan, Thổ Nhĩ Kỳ). Vào 1985 thì con số này là 164 vị trí. Trong hình dưới là bên trong một hầm chứa tại căn cứ không quân Nellis, Nevada. Bên trong là khoảng 50 bom hạt nhân B61. Và tại Nellis có khoảng 75 hầm như vậy. Nơi đây là 1 trong 4 vị trí chứa vũ khí hạt nhân chính ở Mỹ. B61 là 1 trong những loại bom hạt nhân chính của Mỹ, có sức công phá tùy chọn, từ mức 0.3 kiloton (300 tấn TNT) cho tới 170 kt (quả bom ném xuống Hiroshima có sức công phá 20 kt).

Châu Âu có số địa điểm gần tương đương Mỹ, rải rác tại 7 quốc gia. 5 trong số đó là các nước có đặt các vũ khí của Mỹ như đã kể trên. 2 quốc gia còn lại là Anh và Pháp, với kho hạt nhân riêng của mình. Pháp có 7 và Anh là 4.

TQ có khoảng từ 8-14 vị trí. Tuy nhiên, đa số là các địa điểm lưu trữ tách biệt với các phương tiện phóng. Những vị trí này được kiểm soát trực tiếp từ quân ủy trung ương.

Về số lượng, Nga ước tính có tổng cộng 13,000 đơn vị vũ khí hạt nhân. 4850 trong đó trong lực lượng thường trực, 8150 còn lại trong lực lượng dự bị, hoặc đã bị thải hồi và chuẩn bị được phá hủy. Mỹ có 9400 đơn vị, 5200 trong đó vẫn còn được triển khai, 4200 còn lại đang chờ được phá hủy.

Pháp, TQ, Anh, Israel, Ấn độ và Pakistan có tổng số vũ khí lần lượt là 300, 240, 180, 80-100, 60-80 và 70-90.

GPS vẫn chưa có đối thủ

Một năm trước, Nga tin rằng GLONASS, hệ thống vệ tinh định vị tương tự GPS, đã sẵn sàng. 3 vệ tinh mới đã được phóng lên, nâng tổng số vệ tinh trong hệ thống lên 20. Nếu theo đúng kế hoạch thì đến 2010, GLONASS sẽ chính thức hoạt động. Tuy nhiên hiện nay đang có 1 số vấn đề.

Hiện nay chỉ còn 19 vệ tinh GLONASS trên quỹ đạo, và chỉ 15 trong số đó đang hoạt động. Trong khi đó, chỉ để hệ thống phủ sóng được trong phạm vi nước Nga đã cần 18 vệ tinh, còn trên phạm vi toàn cầu là 24. Ngoài ra, một lô 6 vệ tinh chuẩn bị được phóng lên cũng bị phát hiện có những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng.

Thật ra thì GLONASS từng đạt được mức 24 vệ tinh vào 1995. Tuy nhiên việc thiếu kinh phí trầm trọng của quân đội Nga sau 1991 đã khiến cho GLONASS không còn được cấp thêm kinh phí, trong khi đó cứ mỗi 5-7 năm thì cần phóng vệ tinh mới thay thế. Do đó đến cuối 2002 thì chỉ còn 7 vệ tinh GLONASS còn hoạt động.

Nhưng dù sao thì GLONASS vẫn còn hứ hẹn hơn nhiều so với Galileo, một dự án tương tự của châu Âu. Cho tới nay mới chỉ có 2 vệ tinh thuộc hệ thống Galileo được đưa lên quỹ đạo, nếu theo kế hoạch thì đáng lẽ con số này phải là 4, trong khi kinh phí hiện nay đã gấp 2 lần dự toán. Theo như dự kiến thì trong vòng 10 năm tới, hệ thống sẽ hoàn chỉnh với 30 vệ tinh, và sẽ có độ tin cậy cao hơn tại các vùng vĩ độ cao và trong các đô thị có mật độ xây dựng cao.

Ngoài ra còn có hệ thống Beidu của TQ, hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, với chỉ khoảng 4 vệ tinh đang hoạt động.


Lí do để các quốc gia tìm cách phát triển một hệ thống có thể cạnh tranh với GPS không chỉ là để độc lập trong các ứng dụng quân sự và còn vì lợi ích kinh tế. Theo ước tính giá trị kinh tế GPS đem lại mỗi năm lên tới 30 tỷ dollar. Đó là lí do mà GPS được mở cho mọi người có thể sử dụng với độ chính xác gần bằng với tín hiệu cho quân đội Mỹ. Việc các hệ thống như GLONASS, Galileo liên tục gặp chậm trễ trong việc triển khai càng khiến các nhà sản xuất thiết bị nản lòng và càng làm cho viễn cảnh những hệ thống này trong tương lai có thể cạnh tranh với GPS càng khó khăn. Đa số thiết bị có tích hợp bộ thu tín hiệu GLONASS hiện nay cũng đồng thời có thể nhận luôn tín hiệu của GPS. Đây có lẽ cũng là xu hướng trong tương lai, nếu như có nhiều hệ thống định vị vệ tinh cùng hoạt động vì chi phí sản xuất một bộ thu kép không đắt hơn bộ thu đơn nhiều trong khi việc sử dụng đồng thời 2 tín hiệu độc lập cho phép tăng độ chính xác và tin cậy.

Đánh giá lại tình trạng hợp tác quân sự giữa Nga và TQ hiện nay

Vừa qua, phó chủ tịch Quân ủy trung ương, tướng Guo Boxiong, đã có chuyến thăm quan trọng tới Nga nhằm thúc đẩy mối quan hệ quân sự giữa 2 nước. Tuy nhiên, nó chủ yếu cho thấy những vấn đề hơn là những giải pháp.

Phái đoàn TQ được TT Nga Medvedev tiếp đón, và có 1 cuộc họp kín kéo dài với bộ trưởng BQP Anatoliy Serdyukov và giám đốc Cơ quan hợp tác quân sự liên bang Mikhail Dmitriyev. Ngày 24/11, phái đoàn TQ thăm quan bãi thử nghiệm vũ khí mới Kapustin Yar. Ngày hôm sau là Cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban liên hợp Nga- TQ về hợp tác trong công nghệ quân sự. Theo như người phát ngôn của BQP Nga thì 2 bên đã bày tỏ sự hài lòng với tình hình hợp tác hiện nay.

Tuy nhiên, cả 2 phía cũng đồng thời không mong đợi việc ký kết của bất cứ một hợp đồng mới nào. Điều này cũng dễ hiểu. TQ đã mua hầu như mọi thứ vũ khí có thể từ Nga, và Nga cũng đã bán cho TQ mọi loại vũ khí của mình, chỉ thiếu mỗi vũ khí hạt nhân! Bản thân TQ hiện nay cũng đang tăng cường việc tự sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội mình. Những loại vũ khí mà TQ chưa có và đang muốn mua thì lại hoặc trong quá trình nghiên cứu hoặc đang gặp vấn đề ở khâu sản xuất.

Bản hợp đồng lớn gần đây nhất giữa 2 nước được ký cách đây đã 4 năm, từ 2005 tại Sochi. Theo đó Nga sẽ cung cấp vào 2010 cho TQ 34 máy bay vận tải IL-76 và 4 máy bay tiếp liệu trên không IL-78. Tuy vậy, nhà sản xuất của những loại máy bay này, Liên hợp hàng không Chkalov Taskent, Uzbekistan, đã phá sản. Và do đó hợp đồng bị hủy. Vấn đề mua máy bay vận tải phản lực hạng nặng tiếp tục được đặt ra trong chuyến thăm lần này, nhưng phía TQ không đạt được kết quả cụ thể nào.

Tuy vậy, cũng trong thời gian trên, TT Medvedev đã có chuyến thăm Ulyanovsk. Báo giới Nga tập trung vào việc TT đến có liên quan đến 2 vụ nổ liên tục ở Kho vũ khí hải quân số 31 vừa qua. Tuy nhiên, ngay khi đến phi trường, TT Medvedev đi ngay đến nhà máy của công ty liên doanh Aviastar SP, là nơi tiếp quản việc sản xuất IL-76 từ nhà sản xuất cũ đã phá sản. Tại đó, TT đã được nghe trình bày về một dự án máy bay mới IL-476, dựa trên mẫu IL-76. Dự kiến nó sẽ được bắt đầu bay thử nghiệm vào 2011. Như vậy ít nhất thì phía TQ cũng có gì đó để hy vọng.

Một vấn đề lớn nữa là việc bản thân quân đội Nga cũng đang rất cần hiện đại hóa, thay thế số vũ khí đã quá cũ của mình. Và năng lực sản xuất của Nga có thể không đủ để đáp ứng cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ví dụ như trong chuyến thăm bãi thử Kapustin Yar, phái đoàn TQ rất ấn tượng với hệ thống phòng không S-400 mới. Tuy nhiên, phía Nga cũng báo trước là TQ chưa thể mua ngay được. Thứ nhất vì họ muốn trang bị trong nước trước. Thứ 2, phía Nga cũng cần giải quyết những thiếu sót của S-400 trước. Theo tướng Zelin, tư lệnh không quân Nga thì những đặc điểm kỹ thuật-chiến thuật của S-400 vẫn chưa hoàn toàn đạt được, và vẫn còn rất nhiếu việc cần làm trước khi đạt được kết quả như mong muốn.


Phái đoàn TQ còn được cho xem nhiều loại vũ khí mới khác, nhưng phía Nga chưa muốn bán chúng. Vấn đề quan tâm lớn của Nga hiện nay là việc TQ liên tục copy công nghệ của họ, không chỉ để sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu để cạnh tranh với chính vũ khí của Nga. Trước đây không phải là Nga chưa biết đến điều này, nhưng khi đó họ quá cần tiền nên đành làm ngơ. Nhưng hiện giờ thì họ muốn có những đảm bảo rõ ràng từ phía TQ. Thật ra thì từ năm ngoái Nga và TQ đã ký một hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm về những lời hứa hẹn tương tự của TQ khi xin gia nhập WTO và tình hình bảo vệ bản quyền thực tế sau đó, rõ ràng không nên kỳ vọng quá nhiều.