14.3.09

Hướng đi mới của vũ khí điện từ


Vũ khí điện từ đã được nói đến rất nhiều trong nhiều thập niên qua, nhưng gần như chưa bao giờ được triển khai trong thực tế. Khái niệm của nó là dùng xung điện từ để vô hiệu hóa các thiết bị điện điện tử của đối phương, từ hệ thống liên lạc, máy tính cho đến bộ đánh lửa trong xe cơ giới.

Hiện nay, lục quân Mỹ đang theo hướng kết hợp giữa vũ khí thông thường với vũ khí điện từ. Loại đầu đạn lai này khi nổ sẽ tạo ra đồng thời cả xung điện từ cùng lúc với sức ép và mảnh đạn như với đầu đạn thường. Chìa khóa ở đây là nam châm bị kích nổ và tự khử từ, phóng thích ra năng lượng.

Các thiết kế vũ khí điện từ trước đây dựa vào nguyên lý dùng sức nổ để tạo ra luồng từ trường nén. Nó dùng một loạt những lõi kim loại có dòng điện chạy qua, được cuộn chặt lại với nhau, và sẽ bị nén lại đột ngột khi một khối nổ mồi được kích hoạt.

Công nghệ mới gọn nhẹ hơn nhiều. Nó dựa trên phát hiện rằng nhiều loại nam châm sẽ tự khử từ tính khi bị tác động bởi sóng xung lực. Vấn đề hiện nay là cần chế tạo loại antenna để dẫn hướng cho năng lượng được phóng thích ra. Antenna này phải nằm vừa trong đầu đạn nhưng phải đủ lớn cho năng lượng tạo ra. Một trong những giải pháp có thể là dùng một loại antenna gấp được.

Nhưng theo hướng đi của lục quân Mỹ, họ sẽ tận dụng chính vụ nổ của đầu đạn như một antenna, hay chính xác hơn là sử dụng luồng plasma ion hóa từ vụ nổ.

Từ hàng thế kỷ nay, con người đã biết rằng ngọn lửa cũng có thể dẫn điện. Do đó, thay vì dùng kim loại, người ta có thể tạo ra antenna bằng khí bị ion hóa.

Loại đầu đạn lai này được áp dụng cho nhiều loại vũ khí khác nhau, gồm tên lửa chống tăng TOW, rocket 70mm của trực thăng hay pháo phản lực MLRS. Lí do thật sự khiến vũ khí điện từ vẫn chưa phổ biến hiện nay không phải ở khía cạnh kỹ thuật, mà là người Mỹ lo lắng rằng nếu công nghệ này được triển khai, nhiều khả năng nó sẽ lan rộng, và khi đó chính quân đội Mỹ lại dễ bị tổn thương nhất vì họ dựa rất nhiều vào các thiết bị điện tử.

13.3.09

Từ Lebanon đến Gaza

Robot Viper
Bom PB500A1

Super Dvora

Kể từ sau chiến dịch quân sự không thành công ở Lebanon năm 2006, quân đội Israel đã trải qua một đợt thay đổi lớn với việc phát triển các chiến thuật mới, bổ sung nhiều loại vũ khí, trang bị mới, phù hợp với hình thái chiến tranh bất đối xứng. Và những bài học từ cuộc chiến đó đã được áp dụng và giúp mang lại thành công cho chiến dịch 'Cast Lead' tại Gaza đầu năm nay.

Trong cuộc chiến kéo dài 22 ngày này, từ 27/12 đến 18/1, mục tiêu là Hamas, một tổ chức khủng bố cực đoan đang kiểm soát dải Gaza, và đã liên tục phóng hàng ngàn quả tên lửa và cối sang lãnh thổ Israel trong suốt nhiều năm qua.

Kể từ sau khi nắm quyền kiểm soát dải Gaza 2 năm trước bằng 1 chiến thắng đẫm máu trong cuộc chiến quyền lực với tổ chức Fatah ôn hòa, Hamas đã biến vùng đất với mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới này thành một trại lính. Vũ khí được cất giấu ở mọi nơi, trường học, bệnh viện, chung cư, thậm chí cả đền thờ. Tình báo Israel đã xác định ít nhất 6 đền thờ ở Gaza được sử dụng để cất giấu vũ khí, điều này được xác nhận khi những nơi này bị ném bom, tạo ra những vụ nổ thứ cấp rất lớn, do số vũ khí bên trong bị kích nổ. Hầu như mọi căn nhà đều có đặt bẫy hoặc mìn, nhiều con đường, ngõ ngách che giấu những mê cung của lô cốt, hầm ngầm, bẫy.

Israel kết hợp nhiều chiến thuật khác nhau để đánh bại Hamas ngay trên lãnh thổ của nó. Nó bao gồm việc hoạch định dài hạn, thu thập thông tin tình báo 1 cách chi tiết, và đánh lạc hướng. Vì vậy khi chiến sự nổ ra, phía Hamas hoàn toàn bị bất ngờ.

Chiến dịch Cast Lead mở màn bằng những cuộc oanh kích dữ dội bằng không quân. Mục tiêu chính là các đường hầm chạy qua biên giới Ai cập mà Hamas dùng để chuyển vũ khí và tiền bạc, đa số từ Iran qua. Trong số vũ khí được sử dụng có bom xuyên PB500A1, điều khiển bằng laser, được cho là có khả năng xuyên qua 2m bê tông gia cường, phi công có thể chọn lựa nhiều loại đường bay khác nhau cho nó, tùy vào loại mục tiêu. Ngoài ra, có thể còn có bom thông minh mini GBU-39. Nhiều loại vũ khí chính xác khác cũng được sử dụng rộng rãi, chủ yếu là các tên lửa dẫn bằng laser từ trực thăng vũ trang Apache, vì chúng có độ chính xác cao và sức công phá thấp hơn bom nên ít gây thương vong cho dân thường quanh mục tiêu.

Sau một tuần oanh tạc, chiến dịch trên bộ mở màn, với sự tham gia của 3 lữ đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn thiết giáp cùng tiến vào Gaza từ nhiều hướng. Cả 4 đại tá tư lệnh cùng ở sát tiền tuyến chỉ huy binh lính, sử dụng trạm chỉ huy di động trên IFV Nemer: Herzi Levy chỉ huy lữ đoàn lính dù, Avi Peled lữ đoàn Golani, Ilan Malka lữ đoàn Givani, và Yigal Slovick lữ đoàn thiết giáp 401.

Các đơn vị bộ binh tiến vào theo những hướng bất ngờ, tránh những con đường vẫn thường được sử dụng. Lữ đoàn 401, sử dụng loại tăng Merkava 4 mới nhất, không gặp khó khăn gì trong việc cắt đứt thành phố Gaza với Rafah và Khan Yunis.

Cast Lead là chiến dịch đầu tiên của quân đội Israel mà cả UAV, trực thăng, phản lực cơ đều được trực tiếp đặt dưới sự điều động của lực lượng trên bộ mà không cần thông qua Không quân.

Mỗi lữ đoàn được phân bổ một phi đội UAV cho việc trinh sát, xác định mục tiêu. Heron và Hermes, 2 loại UAV chính của Israel, đã cung cấp một khả năng hỗ trợ hỏa lực đường không theo thời gian thực chưa từng có tiền lệ. Cho phép tấn công mục tiêu trong thời gian nhanh nhất. Bất cứ lúc nào cũng có ít nhất 12 UAV bay trên bầu trời Gaza.

Đây cũng là lần đầu tiên có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa quân đội và Cục an ninh nội địa ISA. Các đặc vụ ISA được biệt phái theo sát các đơn vị chiến đấu và tham gia thu thập tin tức và chuyển chúng thành thông tin về mục tiêu để không quân tấn công.

Những sự phối hợp này, cùng với việc sử dụng UAV và các thiết bị điện tử hiện đại cho phép thực hiện việc tổng hợp và xử lý thông tin với tốc độ cao đã làm giảm đáng lể thời gian của chu trình từ lúc phát hiện mục tiêu tới lúc tiêu diệt nó, có lúc chỉ còn 30 giây.

Hải quân Israel cũng tham gia tấn công cá mục tiêu trên bờ biển và tàu của Hamas. Vũ khí được sử dụng chủ yếu là tên lửa Spike ER, điều khiển bằng quang điện tử, có tầm bắn 8km, trước kia chủ yếu trang bị trên trực thăng, xe cơ giới. Đây là lần đầu nó được vũ trang cho tàu chiến, chủ yếu là tàu cao tốc Super Dvora. Nó còn được trang bị pháo với bộ ổn định, cho phép bắn với độ chính xác cao bất chấp biển động.

Israel cũng đã giảm được thời gian tải thương bằng trực thăng xuống 50% so với Lebanon. Trong nhiều trường hợp, trực thăng đáp ngay xuống chiến trường giữa lúc giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Quân y cũng sử dụng nhiều thiết bị mới, một trong số đó là gạc QuikClot có hoạt chất làm đông máu mới cho phép cầm máu nhanh hơn.

Một yếu tố mới nữa là các đội kỹ thuật Yahalom (kim cương), có nhiệm vụ chống lại nỗ lực bắt cóc binh sĩ Israel của Hamas. Hamas đã cho đào nhiều đường hầm và đặt bẫy trong nhiều căn nhà. Đội Yahalom sử dụng những thiết bị mới nhất như robot Viper, và những loại thiết bị nổ phá tường như Simon và Matador.








11.3.09

Đừng đuổi theo người Úc



Lần đầu tiên trên thế giới, một chiếc F-18 của Không quân Hoàng gia Úc vừa thực hiện thành công việc dùng tên lửa không đối không bắn hạ một một tiêu đang bay phia sau của mình, trong một cuộc thử nghiệm. Loại vũ khí được sử dụng là ASRAAM, một loại tên lửa không đối không tầm gần dẫn đường bằng hồng ngoại.

Cuộc thử nghiệm mô phỏng tình huống chiến đấu cơ bị đối phương truy đuổi, hay nói như thuật ngữ quân sự là 'ở hướng 6h'. Thành công trong việc tiêu diệt một mục tiêu đang đuổi theo ở phía sau là sự kết hợp giữa tính năng 'khóa mục tiêu sau khi phóng' của tên lửa và khả năng chỉ định mục tiêu từ phía sau của chính bản thân chiến đấu cơ, chỉ một vài có khả năng này, như F-18, Eurofighter hay F-35.

ASRAAM là một dự án của người Anh. Nó có tầm bắn từ 300m đến 20km. Nó có khả năng cơ động cao, sử dụng chung bộ tầm nhiệt của AIM-9X, phiên bản mới nhất của tên lửa Sidewinder không quân Mỹ đang sử dụng. Nó có khả năng nhắm vào những điểm cụ thể của máy bay mục tiêu như động cơ, buồng lái. Ngoài ra, khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng rất thích hợp cho những máy bay sử dụng khoang vũ khí kín như F-35 vì nó không cần phải 'nhìn thấy' mục tiêu trước khi phi công quyết định khai hỏa.