2.5.09

"Thần hải dương" kế tục "Thần Nông"




Ngày 25/4 vừa qua, chiếc P-8A Poseidon (Hải vương) thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình. Sau 4 năm nữa, khi chính thức tham gia biên chế, nó sẽ là loại máy bay tuần tra và trinh sát trên biển tầm xa hiện đại nhất thế giới. P-8 ra đời để thay thế cho P-3 Orion (Thần nông).

Ban đầu, hải quân Mỹ muốn rằng P-8 cũng sẽ là một máy bay cánh quạt như P-3. Vì một trong những nhiệm vụ của nó là săn tìm tàu ngầm, khi đó máy bay thường bay rất thấp, chưa tới 100m, để tận dụng tối đa khả năng của các cảm biến. Máy bay cánh quạt hoạt động ở độ cao thấp tốt hơn máy bay phản lực. Nhưng Boeing đã thành công trong việc chuyển đổi mẫu máy bay thương mại thông dụng Boeing 737-800 thành một máy bay quân sự có thể hoạt động tôt ở cao độ thấp.

So với P-3, P-8 có diện tích sàn lớn hơn 23% do đó mang theo nhiều thiết bị hơn. Thời gian hoạt động là giống nhau, khoảng 10 tiếng. Tốc độ hành trình của P-8 là 910km/h, so với 590 km/h của P-3. P-8 chở theo ít vũ khí hơn P-3, 6 tấn so với 10 tấn, vì vũ khí hiện nay hiệu quả hơn nhiều so với trước kia. Boeing 737 là một máy bay thương mại rất phổ biến và đáng tin cậy. Xuất hiện từ 1965, cho tới nay đã có 5000 chiếc được chế tạo.

Các thông số chính của P-8A:

Sải cánh 37.7m, dài 39.5m, 2 động cơ phản lực với sức đẩy tổng cộng 27000kg. Trần bay 12.5km, phi hành đoàn 9 người, trọng lượng cất cánh tối đa 90 tấn. Bán kính hoạt động, nếu máy bay dành 4 giờ bay vòng quanh khu vực tuần tra, là 1200 hải lý.

Máy bay trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau, gồm phao sonar thả từ máy bay, cảm biến hình ảnh tầm xa, cảm biến từ trường, radar quét tầm xa và radar độ phân giải cao SAR cho phép 'chụp ảnh' mục tiêu ở khoảch cách xa trong mọi điều kiện thời tiết, các thiết bị trinh sát điện tử.

Bộ cảm biến quang điện tử-hồng ngoại chứa 7 thiết bị khác nhau như hồng ngoại, camera, khuyếch đại hình ảnh, đo khoảng cách và chỉ thị mục tiêu bằng laser. Radar trên máy bay có thể phát hiện tiềm vọng kính của tàu ngầm đưa lên khỏi mặt nước. P-8 trang bị GPS thế hệ mới có tính năng chống nhiễu và tích hợp khả năng phân biệt bạn thù.

P-8A được trang bị một khoang chứa bom và 4 điểm treo vũ khí ở 2 cánh. Nó có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí khác nhau, như tên lửa diệt hạm Harpoon, tên lửa hành trình, ngư lôi, bom, rocket, mìn chống tàu ngầm v.v…

Các hệ thống trên P-8 được thiết kế theo cấu trúc mở, cho phép dễ dàng nâng cấp, tích hợp những công nghệ mới trong tương lai.

Hải quân Mỹ dự tính sẽ đặt mua 108 P-8 để thay thế cho 169 P-3. Ngoài ra, hải quân nhiều nước khác cũng đang xem xét mua nó, ngoài một số thành viên NATO thì đáng chú ý nhất còn có Úc, Ấn độ, Hàn Quốc, Nhật, Đài loan...

Chi phí cho những hệ thống như vậy, cả giá mua và duy trì, chắc chắn không hề rẻ. Đối với những nước có tiềm lực hạn chế nhưng có nhu cầu tuần tra bảo vệ một vùng lãnh hải lớn thì việc sử dụng UAV cỡ lớn có vẻ là một lựa chọn tốt hơn. Những loại như Global Hawk hay Predator C, tuy mang được ít cảm biến hơn so với máy bay có người lái, nhưng bù lại chi phí mua và vận hành rẻ hơn. Ngoài ra, UAV có thời gian hoạt động lâu hơn nhiều so với máy bay có người lái.



UNITAS Gold


Một quả tên lửa từ trực thăng bắn trúng đài radar của chiếc USS Conolly, một tàu khu trục không còn sử dụng nữa của hải quân Mỹ trong khuôn khổ cuộc tập trận UNITAS Gold trên vùng biển Đại tây dương. Năm nay là năm thứ 50 của cuộc tập trận quốc tế này.

1.5.09

AIP

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến hợp đồng 1.8 tỷ dollar mua 6 tàu ngầm Kilo của hải quân VN là liệu chúng có được trang bị công nghệ AIP? Với mức giá 300 triệu dollar, và việc không có bất cứ thông tin nào xác nhận, có thể đoán rằng số tàu ngầm này sẽ không có loại công nghệ rất lợi hại này. Vậy thì AIP là gì?

Nhược điểm chính của các tàu ngầm diesel điện là chúng phải thường xuyên trồi lên để chạy động cơ diesel và sạc lại điện. Thật sự thì chúng không cần thiết phải nổi lên hoàn toàn mà chỉ cần sử dụng các ống thông hơi để dẫn không khí vào chạy động cơ và thoát khí thải. Tuy vậy, việc nổi lên gần sát mặt nước cũng khiến chúng dễ bị phát hiện và khó trốn thoát hơn. Ngoài ra, radar từ máy bay và tàu chiến có thể phát hiện được các ống thông hơi trồi lên khỏi mặt nước, chưa kể là lượng nhiệt từ số khí thải thoát ra cũng có thể bị các cảm biến nhiệt phát hiện. Hơn nữa, khi phải sử dụng động cơ đốt trong, ưu thế về sự yên lặng của tàu ngầm cũng mất đi.

AIP là công nghệ sức đẩy độc lập, không phụ thuộc vào nguồn khí từ bên ngoài. Công nghệ này không đòi hỏi tàu phải trồi lên và có thể lặn liên tục trong hàng tuần liền, trong khi những tàu chỉ chạy bằng diesl-điện chỉ có thể lặn trong 3-5 ngày (sử dụng pin) ở mức tốc độ thấp.

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, một kỹ sư Đức là Walter phát minh ra một công nghệ động cơ tàu ngầm sử dụng ôxy già (H2O2). Theo đó, oxy già được trữ trong tàu ngầm, và bằng một phản ứng hóa học, sẽ bị phân giải, tạo ra oxy nguyên chất và rất nhiều nhiệt. Diesel sẽ được bơm vào buồng phản ứng, trộn lẫn với oxy và dưới tác động của nhiệt sinh ra từ phản ứng tạo ra phản ứng nổ và làm chạy một turbin. Tuy vậy, công nghệ này có độ an toàn thấp và hầu như chỉ xuất hiện trong các mẫu thử nghiệm.

Động cơ diesel chu trình kín (CCD) cũng là một hướng của AIP. Nó gồm 1 động cơ diesel thông thường. Nhưng khi tàu đang lặn, động cơ này chạy bằng một hỗn hợp khí từ oxy tinh khiết và một khí trơ, thường là argon. Khí thải, chủ yếu là CO2, nito, hơi nước, được làm lạnh, lọc và phân tách. Khí trơ được tái sử dụng, số còn lại trộn với nước và thải ra ngoài tàu. Nguồn oxy thường lấy tứ oxy lỏng trữ trữ trong tàu. Tuy rằng có nguyên lý khá đơn giản, công nghệ này cũng ít được sử dụng trong thực tế.

Turbin khí chu trình kín. Trong công nghệ này, turbin được chạy bằng luồng hơi từ quá trình cháy nổ giữa ethanol và oxy ở áp suất 60 atmosphere. Bản thân áp suất của quá trình này là đủ để đẩy số khí thải ra ngoài tàu ở bất cứ độ sâu nào mà không cần bơm cao áp trợ lực. Công nghệ này tuy cung cấp công suất lớn, nhưng lại kém hiệu quả nhất, sử dụng rất nhiều oxy. Hiện chỉ có tàu ngầm Agosta của Pháp là sử dụng công nghệ này.

Chu trình Stirling có lẽ là công nghệ AIP thành công nhất cho tới nay. Theo đó, quá trình đốt cháy, có thể là giữa diesel và oxy tinh khiết, sẽ sinh ra nhiệt. Nhiệt này được chuyển tới một chu trình kín chứa một khí trơ. Khí này sẽ đi qua một quá trình trao đổi nhiệt khép kín, từ việc giãn nở và chuyển tới khoang làm lạnh để sau đó được nén trở lại. Quá trình chuyển đổi giữa nhiệt và thể tích này sẽ biến thành năng lượng cơ học làm chạy động cơ. Lợi thế của nó là sự tách bạch giữa 2 quá trình: tạo nhiệt và biến đổi nhiệt thành cơ.

Tuy nhiên, công nghệ AIP nhiều hứa hẹn nhất là công nghệ tế bào pin nhiên liệu. Nó được sử dụng rất thành công trong công nghệ không gian, và đang được ngành công nghiệp xe hơi chú ý phát triển. Điện được tạo ra từ phản ứng hóa học giữa oxy và hydro. Và nó chỉ thải ra nước tinh khiết. Nó là ngược của quá trình điện phân nước để tạo ra oxy và hydro. Lợi thế của nó là tạo ra điện năng từ phản ứng hóa học, không cần sử dụng bất cứ loại thiết bị cơ khí nào. Điện từ đó mới làm chạy động cơ điện. Do đó, độ ồn là cực thấp.

Khó khăn lớn nhất là việc mang theo nhiêu liệu cho quá trình phản ứng. Việc trữ oxy lỏng thì khá đơn giản, nhưng hydro lỏng lại cực kỳ nguy hiểm. Một giải pháp là lấy hydro từ các hợp chất hydrua với các kim loại, hoặc từ các hydrocacbon như methanol, diesel, dầu hỏa…


Trong tương lai gần, AIP vẫn chưa thể trở thành nguồn sức đẩy chính cho tàu ngầm, vì mức công suất quá thấp, chỉ khoảng 400 mã lực, trong khi nguồn diesel-điện cho khoảng 3000 mã lực, còn tàu ngầm hạt nhân có thể tới 20,000. Tuy vậy, nó vẫn giúp tăng tính hiệu quả của các tàu ngầm phi hạt nhân lên rất nhiều, đặc biệt là khả năng nằm ẩn mình trong một thời gian rất dài. Ngoài ra, trong tương lai xa, AIP hoàn toàn có thể trở thành sức đẩy chính và duy nhất cho tàu ngầm.

30.4.09

UAV lên thẳng


Mặc dù vai trò của UAV ngày càng được coi trọng thì đa số chúng vẫn là UAV cánh cố định, các loại trực thăng không người lái ít được coi trọng. Lí do chính có lẽ là vì độ tin cậy thấp. Ngay cả với máy bay có người lái, trực thăng luôn có tỷ lệ tai nạn cao hơn máy bay cánh bằng. Trong khi đó, UAV nói chung lại có tỷ lệ hỏng hóc cao hơn máy bay có người lái. Ngoài ra, tốc độ chậm khiến cho UAV lên thẳng dễ bị nhắm bắn hơn. Tuy vậy, vẫn có một số mẫu UAV lên thẳng đáng chú ý.

Fire Scout có thể bay liên tục trong 8h, trang bị camera ngày và đêm, GPS, bộ chỉ thị mục tiêu bằng laser, tốc độ tối đa 230km/h, tầm hoạt động tối đa 200km. Nó có thể cất, hạ cánh tự động. Nó có phiên bản chuyên dùng cho hải quân.

A160T Hummingbird có thể hoạt động liên tục 40h, tốc độ tối đa 255km/h, tải trọng 150kg, độ cao tối đa 10km. Đặc biệt, hệ thống điều khiển tự động cho phép nó hoạt động trong những điều kiện thời tiết mà sẽ buộc trực thăng có người lái phải tạm dừng hoạt động.

MAV, loại trực thăng không người lái mini, nặng 8kg, trần bay 150m, nó rất hữu dụng trong môi trường đô thị. Thời gian hoạt động từ 20-60 phút. Nó mang theo camera ngày và đêm.

Loại mới nhất là Vigilante, nặng nửa tấn, thời gian hoạt động 6h, tải trọng 150kg, tốc độ tối đa 170km/h. Nó được sử dụng cho hệ thống robot bắn tỉa ARSS.

ISIS - Siêu khinh khí cầu



ISIS là một dự án tham vọng, với mục tiêu tích hợp một radar quét điện tử chủ động (AESA) khổng lồ với diện tích 6000 mét vuông vào trong một khinh khí cầu lơ lửng ở độ cao 20km ở tầng bình lưu trong hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Nó sẽ cung cấp một khả năng thám sát cả trên không và trên bộ chưa từng có.

Được cung cấp năng lượng bằng các giàn pin mặt trời, radar trên ISIS có thể phát hiện tên lửa hành trình và UAV cỡ nhỏ từ 600km, và lính bộ binh trên mặt đất từ 300km.

Một thử thách lớn là làm sao bảo đảm được radar phải có trọng lượng nhẹ. Theo như lời của nhà sản xuất, Raytheon, radar này có bề mặt lớn như một sân bóng, nhưng lại nhẹ hơn trọng lượng nhỏ hơn của 22 cầu thủ chơi trên đó. Mặc dù chứa tới hàng triệu module độc lập, bề dày của nó chỉ khoảng 1cm.

Công nghệ radar băng tần kép



Hay DBR, là một trong những đột phá nổi bật nhất trên những chiến hạm mới của tương lai, như tàu sân bay Gerald R.Ford, khu trục hạm Zumwalt hay khinh hạm LCS.

Hiện tại, radar loại dùng để quét một khu vực rộng lớn và loại dùng để tập trung theo dõi và khóa mục tiêu là những thiết bị hoàn toàn riêng biệt. Chúng chỉ được tích hợp với nhau thông qua hệ thống tác chiến của tàu, ví dụ như Aegis. DBR sẽ kết hợp 2 giàn radar này thành một, bao gồm cả các thiết bị điện tử kèm theo và phần mềm. Hệ thống tác chiến của tàu chỉ nhận một nguồn thông tin duy nhất.

DBR cho phép giảm thiểu số lượng radar trên tàu chiến, và chúng sẽ được ẩn vào trong cấu trúc vỏ tàu, cho phép tăng tính 'tàng hình'. Như trong hình là tuần dương hạm Normandy, nó có rất nhiều hệ thống radar khác nhau cho từng mục đích cụ thể, như định hướng, radar trên biển, radar hàng không…DBR sẽ khắc phục sự phức tạp này.

Ngoài ra, nó cho phép giảm thời gian đáp ứng, sử dụng hiệu quả hơn nguồn điện năng, năng lực xử lý và băng thông của tàu chiền.

Trong hình trên, AN/SPS-49, radar xoay trên cột radar của tàu, cung cấp khả năng quét 2 chiều (hướng và khoảng cách) ở khoảng cách rất xa, hoạt động trên băng tần L.

SPY-1, hoạt động trên băng tần S, có dạng hình 8 cạnh gắn trên đài chỉ huy, sử dụng công nghệ quét điện tử. Nó có tầm ngắn hơn SPS-49, nhưng có thể quét và theo dõi cùng lúc hơn 200 mục tiêu và có thể cung cấp khả năng dẫn đường giai đoạn giữa cho tên lửa. Một số phiên bản có thể được cải tiến dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa.

SPG-62, là thành tố chính thứ 3 của hệ thống Aegis, nó có vai trò chỉ định và khóa mục tiêu, dẫn đường tên lửa giai đoạn cuối, sử dụng băng tần X. Khu trục hạm lớp Arleigh Burke có 3 giàn radar loại này, tuần dương hạm lớp Ticonderoga có 4. Nếu như tàu hứng chịu một cuộc tấn công đồng loạt với nhiều tên lửa cùng lao đến cùng lúc, Aegis sẽ phải thực hiện xoay vòng việc sử dụng SPG-62. Cách này tuy có thể giải quyết vấn đề số lượng mục tiêu nhiều hơn số giàn radar SPG-62 nhưng chưa phải là cách tối ưu.

DBR, bằng công nghệ quét điện tử chủ động và tạo tia kỹ thuật số, giải quyết vấn đề trên. Bên trong radar là hàng ngàn module thu phát nhỏ, nó có thể phân chia chúng thành từng cụm riêng biệt và chỉ định chúng cho những nhiệm vụ khác nhau. Nhờ đó, nó có thể dẫn đường cho tên lửa tấn công hàng chục mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, nó còn có thể đóng vai trò gây nhiễu, tác chiến điện tử hay tiếp sóng thông tin mã hóa băng thông rộng.

SPY-3 của hãng Raytheon, sử dụng băng tần X sẽ là DBR chính sử dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa. Nó có khả năng hoàn toàn vượt trội các hệ thống khác ở độ cao lớn và trung bình. Nó còn đóng vai trò là radar quét mặt biển, điều khiển hỏa lực pháo, thậm chí là phát hiện các kính tiềm vọng của tàu ngầm.

DBR thứ 2 của hải quân Mỹ là VSR, hay radar tìm kiếm trong không gian rộng. Nó sử dụng băng tần S, rất hiệu quả trong môi trường có độ ẩm cao như sương mù hay mưa và thích hợp cho việc quét một vùng không gian rộng lớn xung quanh tàu.

Các hải quân ở châu Âu cũng đang tích cực phát triển các hệ thống DBR của riêng mình.

29.4.09

Chào mừng vào câu lạc bộ


Sau quá trình đàm phán kéo dài khoảng một năm, Nga và Việt Nam đã ký một hợp đồng mua bán 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo trị giá 1.8 tỷ dollar. Số 6 chiếc tàu này đáng lẽ là dành cho Venezuela, nhưng đã bị hủy khi mà TT Chavez đột nhiên trở nên vồn vã với Mỹ.

Hợp đồng này chính thức đưa VN gia nhập 'câu lạc bộ' những nước trong khu vực Thái Bình Dương đã đang và sắp có đội tàu ngầm hiện đại, gồm: Nga, Hàn Quốc, Nhật, Đài loan, TQ, Singapore, Malaysia và Úc.

Kilo có lượng choán nước 2300 tấn khi nổi và 3950 khi lặn. Độ sâu tối đa là 350m, tầm hoạt động tối đa là 6000 dặm ở tốc độ 7 hải lý/h và sử dụng ống thông hơi. Nếu hoàn toàn lặn xuống thì tầm tối đa là 400 dặm ở vận tốc 3 hải lý/h.

Kilo có thể theo dõi 5 mục tiêu cùng lúc, và tấn công 2 mục tiêu cùng lúc. Nó có 6 ống phóng ngư lôi 533mm, với 18 ngư lôi hạng nặng hoặc 24 quả mìn. Ngoài ra còn có 8 tên lửa phòng không tầm ngắn loại Gremlin hoặc Gimlet, có tầm bắn 5-6km. Một số chiếc được trang bị tên lửa diệt hạm với tầm bắn 220km hoặc tên lửa hành trình đối đất tầm bắn 275km.

Các tàu ngầm diesel điện nếu lặn xuống và chạy bằng động cơ điện sẽ rất nguy hiểm vì cực kỳ yên lặng. Tuy vậy, nó không thể lặn quá lâu và phải thường xuyên trồi lên và sử dụng ống thông hơi, chạy động cơ diesel để sạc lại, khiến chúng dễ bị phát hiện. Ngoài ra tốc độ của chúng rất chậm. Chúng hiệu quả nhất khi được sử dụng cho vai trò phòng thủ, ẩn mình chờ sẵn ở một vị trí nào đó, đợi cho đối phương di chuyển qua gần đó.

Tuy vậy, như mọi khi, con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Trong hải quân thường thì lính tàu ngầm là những thành phần ưu tú nhất. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu với hợp đồng này, hải quân VN có thể đào tạo ra những thủy thủ xuất sắc để có thể tận dụng được toàn bộ khả năng của nó hay không.

27.4.09

UAV + Trực thăng + Xạ thủ



Và ta có ARSS, viết tắt của Hệ thống trực thăng xạ thủ tự động. Nó kết hợp một súng bắn tỉa, một hệ thống tự cân bằng và trực thăng không người lái Vigilante. Nó có thể bắn với tốc độ 7-10 viên/phút với độ chính xác gần như tuyệt đối.

ARSS sử dụng súng trường bắn tỉa dùng loại đạn magnum 8.6mm, hiệu quả ngay ở tầm lên đến 1.6km. Nó hiệu quả gấp đôi cỡ 7.62 và gọn nhẹ hơn loại 12.7mm. Chìa khóa của ARSS là bệ súng tự cân bằng được thu nhỏ đủ để gắn trên UAV. Kính ngắm truyền hình ảnh trực tiếp về cho người điều khiển, sử dụng một bộ điều khiển Xbox cải tiến.

Tai nạn của Su-35


Hôm 26/4, một mẫu thử nghiệm Su-35 gặp tai nạn và bốc cháy khi đang di chuyển ra vị trí cất cánh. Đây là chiếc Su-35 thử nghiệm thứ 3, số hiệu 904. Phi công thoát ra an toàn. Chiếc thử nghiệm đầu tiên bay vào tháng 2/2008, chiếc thứ 2 vào 10/2008. Dự kiến Su-35 sẽ chính thức hoạt động vào 2011.

Thời điểm quan trọng của Mig





Hồi đầu năm nay, Nga đã cho toàn bộ số máy bay Mig-29 của mình tạm thời ngừng hoạt động sau 2 vụ tai nạn liên tiếp năm ngoái và người ta phát hiện ra nhiều dấu hiệu của việc cấu trúc máy bay bị ăn mòn. Việc tạm dừng hoạt động như vậy là biện pháp an toàn cần thiết nếu như có dấu hiện cho thấy nguyê nhân tai nạn không phải là cá biệt và có thể lặp lại với những máy bay cùng loại. Không quân Mỹ cũng đã từng tạm dừng hoạt động của phi đội F-15C của mình vì lí do tương tự, chủ yếu vì đa số F-15C được sản xuất từ 20-30 năm trước và đã được sử dụng rất nhiều trong các cuộc chiến trước đây. Số giờ bay lớn như vậy tạo ra một số vết nứt Tuy vậy, đa số Mig-29 đều có số giờ bay rất ít, một số chỉ khoảng 150 giờ, chủ yếu vì sau khi LX sụp đổ, không quân Nga có rất ít tiền để thực hiện việc huấn luyện thường xuyên. Việc này càng làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng của nhà chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan trong những năm gần đây, trong khi mà người anh em Sukhoi rất thành công với dòng Su-27/30. Nếu không nhờ chính phủ Nga nhiều lần ra tay giúp đỡ thì Mig đã phá sản từ lâu.

Mig-29 chính thức vào biên chế từ 1983, như là một câu trả lời cho F-16. Cho tới nay, 1600 chiếc đã được chế tạo, 900 là cho xuất khẩu. Ban đầu nó được thiết kế với giới hạn 2500 giờ bay, hiện nay Nga đang chào hàng việc nâng cấp lên 4000 giờ bay. Tuy nhiên việc này sẽ không dễ dàng vì Mig-29 nổi tiếng kém tin cậy và hay hỏng hóc. Do đó, so sánh với F-16, Mig-29 có tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu bằng khoảng 2/3. Mig-29 có 2 nhược điểm lớn là tầm bay ngắn và động cơ sinh ra rất nhiều khói, rất bất lợi trong không chiến.

Trong thực tế chiến đấu, Mig-29 cũng có thành tích khá kém. Tuy vậy, đó một phần lớn là do nó phải chống lại đối phương mạnh hơn nhiều cả về trang bị và phi công. Sau khi LX sụp đổ, khối NATO có thực hiện những cuộc tập trận giữa Mig-29 của Đông Đức cũ với F-16 và một số chiến đấu cơ phương tây khác. Họ nhận thấy Mig-29 gần như không thể bị đánh bại trong không chiến ở tầm gần khi được trang bị tên lửa R-73 Archer Nga và hệ thống hiển thị - khóa mục tiêu trên ngay trên mũ phi công. Kết quả của những lần tập trận đó dẫn đến việc cả Mỹ và châu Âu phải đẩy mạnh việc nghiên cứu những tên lửa không-không tầm gần tương đương với Archer, gồm phiên bản X của Sidewinder (Mỹ), ASRAAM và IRTS-T của châu Âu. Ngoài ra, hệ thống hiển thị trực tiếp lên mũ phi công cũng trở thành trang bị tiêu chuẩn.

Các phiên bản cải tiến Mig-29M/M2 sử dụng hợp kim nhôm-lithium để giảm trọng lượng, tăng lượng nhiên liệu mang theo, cải tiến động cơ, radar và hệ thống điện tử. Đồng thời nó cũng được trang bị thêm khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất, biến Mig-29 trở thành 1 máy bay đa năng thực thụ. Ngoài ra còn có Mig-29K sử dụng trên tàu sân bay.

Hiện nay, niềm hy vọng lớn nhất cho sự hồi sinh của Mig là Mig-35, thực chất là Mig-29OVT. Nó hiện đang tham gia cạnh tranh ở MMRCA. Mig-35 có nhiều cải tiến về radar, điện tử cùng với việc được trang bị công nghệ lực đẩy vector, nghĩa là máy bay có thể điều khiển hướng của luồng phản lực từ động cơ, cho phép máy bay trở nên cực kỳ linh hoạt.

Mig-35 trang bị động cơ RD-33K, ít thải khói hơn, nó có thêm khả năng thực hiện tiếp nhiên liệu trên không. Đặc biệt, Mig-35 là mẫu máy bay đầu tiên của Nga được trang bị công nghệ radar quét điện tử chủ động (AESA) là công nghệ radar tiên tiến nhất hiện nay. Cơ bản, AESA gần giống một tập hợp hàng ngàn radar nhỏ, có thể hoạt động độc lập với nhau. Mig-35 còn giới thiệu thiết bị quang điện tử mới, kết hợp giữa cảm biến hồng ngoại, cảm biến bức xạ nhiệt, camera và bộ phát laser. Nó được sử dụng cho cả trong không chiến và tấn công mục tiêu trên mặt đất. Buồng lái gồm 3 màn hình LCD lớn. Toàn bộ hệ thống điện tử được số hóa, sử dụng cáp quang. Hệ thống tác chiến điện tử có thêm tùy chọn sử dụng thiết bị gây nhiễu của Ý.

Một số thông số chính: tốc độ tối đa 2550 km/h, tầm hoạt động 2000km, trần bay 19km, sức đẩy 2 x 10 tấn. Tải trọng tối đa 12 tấn.

Có thể nói tương lai của Mig-35 và của cả Mikoyan phụ thuộc vào MMRCA. Tuy vậy, vấn đề là bản thân Mig-35 chưa thật sự 'tồn tại', vì nó vẫn chưa được đưa vào quá trình sản xuất hàng loạt. Ngay cả không quân Nga cũng chưa chắc chắn liệu có nên mua Mig-35. Ngoài ra, dòng máy bay Mig có lịch sử hoạt động rất không tốt trong không quân Ấn độ. Kể từ năm 1963 tới nay, trong tổng số 793 chiếc Mig mà Ấn độ mua thì có tới hơn 330 chiếc bị mất vì tai nạn. Tỷ lệ lớn khủng khiếp này còn vượt cả trực thăng và những mẫu phản lực cơ lên thẳng như Harrier, tới mức mà Mig-21 được người Ấn gọi là quan tài bay.

Vấn đề của Mig là họ vẫn duy trì triết lý thiết kế máy bay tồn tại dưới thời LX, đó là chế tạo những mẫu máy bay giá rẻ, sử dụng cho những lực lượng không quân có trình độ phi công không quá cao, vì phương thức tác chiến trên không của LX và đồng minh dựa rất nhiều vào sự chỉ huy từ đài điều khiển mặt đất. Điều này có nghĩa là máy bay không cần có độ tin cậu quá cao, vì nó sẽ ít được dùng trong huấn luyện. Ví dụ như Mig-29 chỉ được thiết kế với mức 100 giờ bay mỗi năm. Nhưng một số khách hàng, ví dụ như Ấn độ, bay ở mức gấp đôi, điều này khiến cho Mig xuống cấp rất nhanh và gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật và hậu cần. Trong khi đó, Sukhoi, với Su-27, đã chuyển sang triết lý khác, họ thiết kế những máy bay với ý nghĩ trong đầu rằng nó sẽ được dành cho những phi công hạng nhất.

KTCNQS trích dịch lại 1 phần bài phỏng vấn của một tạp chí quân sự với ông Vladimir Barkovskiy, Phó tổng giám đốc, Tổng công trình sư của Mig, trước đó đã từng làm việc cho…Sukhoi trong 18 năm, là người đứng đầu nhóm phát triển Su-30Mk1.

Phóng viên (PV): Mig-35 khác Mig-29 ở điểm nào thưa ông?

Barkovskiy (BK): chúng tôi gọi Mig-29 SMT là máy bay thế hệ thứ tư với hệ thống điện tử của thế hệ 4+. Mig-29K và M có khung máy bay của thế hệ 4+ và điện tử 4++. Còn Mig-35 có khung thế hệ 4+, còn điện tử của thế hệ 5, hay 5-. AESA không chỉ được sử dụng trong radar mà còn trong hệ thống gây nhiễu. Hệ thống quang điện tử lấy từ công nghệ không gian, hiệu quả gấp 3-4 lần.

PV: công nghệ lực đẩy vector cho Mig-35 lợi thế như thế nào?

BK: nó cho phép tăng khả năng cơ động đồng thời duy trì sự an toàn. Nếu không có công nghệ này, khi thực hiện những động tác xoay vòng nhanh ở vận tốc thấp, phi công dễ mất điều khiển.
PV: Sukhoi đã được chọn cho dự án PAK-FA (dự án chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga - tương đương F-22), điều này ảnh hưởng thế nào tới Mig?

BK: đó là quyết định của không quân Nga. Về mặt nguyên tắc, tôi không nghĩa Mig sẽ bị đóng cửa. Dù sao thì tiềm năng của thế hệ thứ 5 vẫn còn rất nhiều. Thế hệ thứ 4 tồn tại trong hơn 30 năm. Tôi nghĩ thế hệ 5 sẽ tồn tại 40-50 năm. F-22 và F-35 mới chỉ là sự khởi đầu của thế hệ 5. Đôi khi việc đi theo sau người tiên phong cũng có những lợi thế riêng, nếu bạn không rớt lại quá xa. Nếu bạn vẫn còn nhìn thấy cái lưng của người đi trước, nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội.

Quá đủ cho ngày tận thế


Hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện đang tích cực làm việc với nhau về việc tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Mục tiêu mới là 1700 đầu đạn hạt nhân cho mỗi nước. Mục tiêu hiện nay, theo như quy định của hiệp ước cắt giảm ký hồi 2002, là 2200. Việc cắt giảm này giúp cả 2 tiết kiệm một khoảng chi phí không nhỏ, do mỗi đầu đạn đòi hỏi hàng trăm ngàn dollar mỗi năm để bảo trì, bảo vệ…Chưa kể số nguyên liệu hạt nhân có thể được tái chế để dùng cho các nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, Nga có khoảng 4100 đầu đạn, còn Mỹ là gần 6000. Chỉ cần khoảng 1000 đầu đạn hạt nhân là quá đủ để hủy diệt bất cứ đối thủ nào.

26.4.09

Công nghệ chống bắn tỉa


Tháng 1/2006, cao điểm bạo lực tại Iraq với Fallujah là một trong những trọng điểm nóng nhất, và người ta nói rằng có 1 'bóng ma' đang theo ám lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại đây. Tay xạ thủ bắn tỉa này đã giết chết 2 lính Mỹ. Ban đầu có nhiều lời khẳng định về thân thế của bóng ma này. Có người nói rằng hắn là một người hồi giáo từ Chesnia, có người tin rằng đó là một cựu vận động viên bắn súng Olympic của Iraq, cũng có tin đó là một tay súng Iraq được Syria đào tạo. Mặc dù cuối cùng tay súng này, một người Iraq, cũng bị bắn chết và không làm ảnh hưởng gì đến toàn bộ chiến dịch thì hiệu ứng tâm lý gây ra là không hề nhỏ.

Vi dụ trên không phải là ngoại lệ, từ hàng thế kỷ nay, các xạ thủ bắn tỉa luôn là một phần không thể thiếu trên chiến trường, và là một loại vũ khí cực kỳ hiệu quả. Với những công nghệ mới trong tương lai, hứa hẹn sẽ làm cho những xạ thủ càng nguy hiểm hơn. Do đó, những công nghệ chống bắn tỉa cũng phải được phát triển theo cho tương xứng. Những hệ thống này bao gồm việc xác định vị trí nơi phát súng được bắn ra cho tới phát hiện xạ thủ trước khi anh ta kịp khai hỏa.

Một trong những hệ thống như trên là Boomerang, xuất hiện từ 2005, và đến nay có hơn 5000 bộ được trang bị. Nó là thiết bị âm học gắn trên xe cơ giới, cảm nhận sóng xung lực gây ra bởi viên đạn di chuyển trong không khí và xác định vị trí của xạ thủ, thông báo kêt quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Vị trí được hiển thị cả trên màn hình LED và bằng giọng nói, bao gồm hướng, góc bắn và khoảng cách. Nó không chỉ là một hệ thống riêng biệt, mà được thiết kế để tích hợp với những hệ thống khác, có thể là tháp súng điều khiển từ xa hay hệ thống định vị đối phương và đồng đội.

Boomerang Warrior là một phiên bản gọn nhẹ đang được nghiên cứu, nó có thể được binh lính đeo theo người, thông tin được hiển thị bằng giọng nói qua tai nghe.

SWATS là một thiết bị tương tự, nhưng đã được sử dụng thực tế ở Iraq và Afghanistan. Nó cung cấp thông tin dưới dạng âm thanh và hình ảnh chỉ sau 0.1 giây.
Boomerang

SWATS

C-Sniper là một hệ thống đang trong quá trình phát triển dùng để phát hiện xạ thủ từ trước khi kịp khai hỏa. Khó khăn lớn nhất là loại bỏ thông tin 'nhiễu', như ánh mặt trời phản chiếu lên kính hay kim loại, 1 người đang cầm một ống dài, v.v…Hệ thống sử dụng cảm biến quang học. Nó có thể xác định nhiều mục tiêu cùng lúc và phân cấp độ ưu tiên.

Crosshairs kết hợp giữa việc phát hiện xạ thủ và RPG. Nó gồm 1 radar, cảm biến Boomerang, hệ thống bảo vệ chủ động Iron Curtain. Nó có khả năng phát hiện RPG bắn tới và phóng ra một đầu đạn nổ làm chệch hướng tên lửa.

Một số công ty Israel cung cấp những hệ thống tương tự dùng cảm biến quang điện như Spotlite M, SWIR, TED. SWIR là một thiết bị tự động dùng cảm biến quang điện hồng ngoại để phát hiện xạ thủ trong một khu vực rộng lớn xung quanh, nó có thể gắn trên xe hoặc do bộ binh mang theo.

Spotlite M xác định đa mục tiêu ở khoảng cách xa cả ngày và đêm, sử dụng cảm biến hồng ngoại, zoom liên tục, bộ đo khoảng cách laser, GPS. Nó không chỉ có thể xác định và thông báo vị trí mục tiêu mà còn có thể chiếu laser vào đó để dẫn đường cho bom hay tên lửa. Chúng có thể được nối với nhau thành một mạng lưới, chia sẻ thông tin cho nhau.