4.9.09

Internet hóa chiến trường (P.1)

Quân đội Mỹ vừa tổ chức cuộc tập trận mang tên Empire Challenge 09. Mục đích chính là tiếp tục kiểm tra và hoàn thiện khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống vũ khí trên chiến trường với nhau. Đồng thời, họ cũng muốn chứng minh và thuyết phục các đồng minh NATO về hiệu quả của việc áp dụng chúng.

Trọng tâm của EC09 là kiểm tra khả năng kết nối, chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa máy bay (cả có người lái và không người lái) của 3 quân chủng hải-lục-không quân với nhau, giống như cách mà Internet hoạt động. Trong quá trình tập trận, 1 máy bay JSTARS của không quân, 1 chiếc E-2 của hải quân đã chia sẻ dữ liệu với các UAV và các đơn vị mặt đất. JSTARS là loại máy bay thám sát mặt đất, nó sử dụng radar quét điện tử để theo dõi và phát hiện các mục tiêu trên bộ trên 1 khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, còn E-2 là một máy bay cảnh báo sớm trên không, sử dụng trên tàu sân bay. Năm ngoái, không quân Mỹ cũng từng thử nghiệm việc chia sẻ hình ảnh thu trực tiếp từ các cảm biến trên 1 chiếc AC-130 cho các máy bay khác.

Về cơ bản, mục tiêu lâu chính của khái niệm kết nối chiến trường là xây dựng một hệ thống hoạt động tương tự như mạng Internet hiện nay. Là một mạng phi tập trung, Internet cho phép 1 người dùng bất kỳ có thể chỉ bằng 1 cái click chuột kết nối với 1 máy tính khác ở bất cứ đâu trên thế giới. Và ngược lại, thông tin được 1 người dùng upload lên cũng có thể được tiếp cận bởi hàng triệu người khác từ khắp nơi. Áp dụng khái niệm tương tự trên chiến trường, có nghĩa là mỗi một máy bay, xe tăng, chiến hạm…thậm chí là từng cá nhân người lính, sẽ vừa đóng vai trò thu thập thông tin và chia sẻ nó, đồng thời cũng có thể nhận thông tin được chia sẻ từ những nguồn khác.

Trên thực tế thì khái niệm trên không còn chỉ là lý thuyết mà đã được áp dụng trên thực tế chiến trường trong nhiều hệ thống riêng biệt. Lấy ví dụ như ROVER. Chúng ta có 1 tình huống tiêu biểu, khi một đơn vị bộ binh đang tiếp cận mục tiêu và phía trên có 1 UAV đang hoạt động. Nếu theo cách cổ điển, thì hình ảnh mà UAV thu được sẽ được truyền về trạm điều khiển. Người điều khiển UAV từ đó sẽ cung cấp thông tin, thường chỉ dưới dạng lời nói, về tình hình chiến trường cho cấp chỉ huy của đơn vị bộ binh, để từ đó truyền đạt tới những người lính thông qua radio. Như vậy, mặc dù có UAV hoạt động ngay phía trên mình, người lính chỉ có thể tiếp cận thông tin theo đường vòng. Như vậy vừa mất thời gian, đồng thời chất lượng thông tin cũng suy giảm nhiều, do từ chỗ là hình ảnh trực tiếp đã trở thành những thông tin dạng lời nói qua radio. Đó là chưa kể nếu người lính trên thực địa muốn có một yêu cầu nào đó cho UAV, như lượn vòng quanh 1 điểm cụ thể, thì cũng sẽ phải thông qua nhiều cấp chỉ huy và hệ thống liên lạc khác nhau. Nhưng với ROVER, người lính sẽ được tiếp cận trực tiếp với hình ảnh từ UAV theo thời gian thực, và hơn nữa, cho cho phép việc thông tin 2 chiều, nghĩa là người lính cũng có thể thông qua ROVER để ra mệnh lệnh cho UAV. Một ví dụ khác là hệ thống BTF…Tuy vậy, cho đến nay, chúng mới dừng ở mức các hệ thống đơn lẻ. Tham vọng được đặt ra là 1 hệ thống chung duy nhất sử dụng cho tất cả các loại vũ khí trên chiến trường.

Ba năm trước, một cuộc thử nghiệm đã thành công trong việc kết nối 1 trực thăng Blackhawk của lục quân, 1 chiếc F-18 của hải quân và 1 chiếc F-15 của không quân, cùng 1 trạm mặt đất chung trong 1 mạng không dây kỹ thuật số. Những cuộc thử nghiệm tiếp theo tăng số lượng các hệ thống trong mạng, và cũng thử nghiệm việc phương tiện (máy bay, bộ binh…) phát hiện mục tiêu và 1 phương tiện khác khai hỏa.

Xương sống của công nghệ này là định dạng Link 16 của không lực Mỹ, dùng để truyền dữ liệu số qua các mạng không dây. Link 16 hiện đã trở nên rất phổ biến trong các nước NATO, một thuận lợi trong việc phổ biến công nghệ mới mẻ này.

Cho đến nay, người ta hầu như đã hoàn thiện cơ chế hoạt động của công nghệ này. Vấn đề còn lại chỉ là đảm bảo rằng nó sẽ hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt của chiến tranh. Một công nghệ dù có tiên tiến đến đâu, nhưng nếu thiếu độ tin cậy thì cũng trở nên vô dụng.

Link 16 còn cho phép 1 ứng dụng quan trọng khác, đó là tổng hợp thông tin. Nghĩa là thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ được 'trộn' với nhau và trình bày cho các sĩ quan chỉ huy dưới dạng 1 nguồn thông tin thống nhất và dễ hiểu. Trước kia, việc phối hợp thông tin như vậy thường ở dưới dạng lời nói, vừa không đầy đủ, vừa dễ gây nhầm lẫn.


Thực tế thì khái niệm và lợi ích của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên chiến trường không phải là điều quá mới mẻ. Ví dụ thành công nhất cho tới nay có lẽ là chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của phát xít Đức mà đã làm cả thế giới kinh sợ trong giai đoạn đầu thế chiến thứ 2. Trong đó, sự cơ động của lực lượng thiết giáp đóng vai trò trung tâm, về mặt kỹ thuật thì yếu tố quan trọng nhất không phải nằm ở công nghệ của bản thân những chiếc xe tăng mà chính là việc người Đức đã trang bị radio cho tất cả những chiếc xe tăng của mình, cho phép chúng liên lạc trực tiếp với nhau, một điều mà cho tới khi đó chưa có ai áp dụng.

(Còn tiếp)

Sentry gặp nạn

1 chiếc E-3 Sentry, "đài radar trên không", gặp tai nạn khi hạ cánh hôm 28/8. Đội bay 32 người kịp thời di tản.

Hạ cánh trên 2 bánh

1 chiếc Blackhawk thực hiện kỹ thuật đáp trên 2 bánh tại Kandahar, Afghanistan.

2.9.09

Khi người Nga mua tàu Pháp


Cuối cùng thì sau khá nhiều lời đồn đoán, Nga đã chính thức xác nhận việc họ đang đàm phán để mua một chiếc tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Mistral, với giá từ 300-400 triệu euro, và sau đó có thể ký tiếp hợp đồng mua quyền đóng 3-4 chiếc cùng loại tại Nga.


Bản thân hải quân hải quân Pháp đã nhận 2 chiếc cùng loại, tên là Mistral và Tonnerre, vào 2006 và 2007. Nói chung họ rất hài lòng với chất lượng của loại tàu mới này. Dài 200m, lượng choán nước 21,500 tấn, Mistral có thể chở theo 450 lính thủy đánh bộ, khoảng 17 máy bay trực thăng, gần 100 xe cơ giới hoặc 60 xe bọc thép. Nó có một bệnh viện với 69 giường. Con tàu có mức độ tự động hóa cao, với thủy thủ đoàn chỉ gồm 180 người. Tàu lớp San Antonio của Mỹ, có chức năng gần giống Mistral, lượng choán nước 25,000 tấn có thủy thủ đoàn gần 400 người. Vũ khí trên tàu chủ yếu để phòng vệ, gồm 2 giàn phóng tên lửa phòng không tầm gần, 2 đại liên 30mm và 4 súng máy hạng nặng. Nếu không được tiếp tế trên biển, nó có thể hoạt động trong 45 ngày.


Những tàu hỗ trợ đổ bộ như chiếc Mistral hiện nay đang có nhu cầu khá cao trên thị trường quốc phòng. Chủ yếu là do tính linh hoạt và hữu dụng của nó trong nhiều loại hoạt động quân sự khác nhau. Chúng nó thể đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh quy ước, bất quy ước, gìn giữ hòa bình, cứu trợ thiên tai…Chúng có thể là nơi xuất phát cho các chiến dịch đổ bộ, đồng thời là 1 tàu sân bay cho trực thăng, bệnh viện dã chiến nổi, sở chỉ huy trên biển…Nói chung, loại tàu này là 1 thành tố không thể thiếu đối với 1 lực lượng hải quân viễn dương. Và do đó mà việc quyết định mua Mistral đánh dấu 1 thay đổi lớn trong chiến lược của hải quân Nga.


Có thể nói rằng đế quốc Nga trước kia, LX sau này và bây giờ trở lại là nước Nga đều không có truyền thống mạnh về hải quân, hay ít nhất là không tương xứng với sức mạnh chung của đất nước. Lần cuối cùng người Nga tham gia một trận hải chiến lớn là đã cách đây hơn 1 thế kỷ, khi hạm đội Baltic giao chiến với hạm đội của cường quốc mới nổi Nhật Bản. Kết cục trận chiến là 1 thất bại thảm hại của người Nga.


Sau này ngay cả khi là siêu cường thứ 2 của thế giới, lực lượng hải quân LX vẫn chủ yếu mang tính phòng ngự chứ không phải là 1 lực lượng hải quân viễn chinh, có thể tác chiến và hỗ trợ các chiến dịch viễn chinh lâu dài ở một chiến trường cách xa chính quốc. Ngoại trừ đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược, phần còn lại của hải quân LX được xây dựng với mục đích chính là phòng thủ thành công trước hải quân Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trọng tâm khi đó là chống tàu ngầm, chủ yếu thông qua trực thăng, và phát triển những tên lửa diệt hạm lớn và tầm hoạt động xa để bù đắp cho việc không có tàu sân bay. Vấn đề phát triển khả năng viễn chinh rất ít được quan tâm, bản thân lực lượng lính thủy đánh bộ cũng có quy mô nhỏ, hoàn toàn phụ thuộc vào hải quân chứ không phải 1 quân chủng độc lập.


Song hiện nay, Nga đang cải tổ lại quân đội với học thuyết mới, với mục tiêu để không chỉ là 1 cường quốc lục địa. Theo đó, lục quân được cắt giảm, và tăng cường khả năng viễn chinh của quân đội. Những khu vực mà Nga đang muốn nhắm tới với tư cách như một cường quốc viễn dương là khu vực biển Đen, đông địa trung hải, bờ biển châu phi. Trên thực tế thì từ sau khi LX sụp đổ, tàu chiến Nga dành phần lớn thời gian neo ở cảng thay vì ra biển vì thiếu kinh phí, hầu như chỉ có lực lượng tàu ngầm chiến lược là còn có thể duy trì sự hoạt động thường xuyên, nhưng cũng ở quy mô giảm đi nhiều so với chiến tranh lạnh. Năm 2000, sau khi lên nắm quyền, một trong những việc làm đầu tiên của TT Putin là yêu cầu hải quân chuẩn bị cho đợt triển khai lớn đầu tiên từ sau 1991 đến khu vực địa trung hải. Không may là vụ tai nạn Kursk diễn ra ngay giữa quá trình chuẩn bị đó và hải quân Nga gần như phải dồn hết tâm trí cho thảm kịch này. Tiếp đến là vụ chiếc tuần dương hạm hạt nhân Pie Đại đế khi đang tập trận phải cấp tốc quay về cảng vì một hỏng hóc nào đó mà theo lời 1 đô đốc sau này thuật lại là đã có thể khiến nó nổ tung.

Những rắc rối khác lại xảy đến, lần này mang tên Bulava, rồi vụ tai nạn tàu ngầm mini, vụ tai nạn trong quá trình chạy thử của 1 chiếc Akula. Trên thực tế thì mặc dù gần 1 nửa ngân sách quốc phòng là dành cho hải quân thì đa số chúng vẫn được dùng cho lực lượng chiến lược (mang vũ khí hạt nhân) như việc phát triển loại tàu ngầm hạt nhân và tên lửa chiến lược mới. Hải quân Nga có vài lần triển khai tập trận ở vùng biển xa, nhưng cũng chỉ trong vài ngày, mang nhiều tính PR hơn là thực tế.


Cuộc chiến với Gruzia năm ngoái đã một lần nữa đặt ra yêu cầu hiện đại hóa lực lượng hải quân quy ước. Những chiếc Mistral mới cũng được dự đoán là nhằm chủ yếu triển khai ở khu vực biễn đen, là nơi sát sườn với nước Nga. Việc phát triển khả năng đột kích từ biển vào là rất quan trọng nếu như một cuộc chiến tương tự như cuộc chiến của Gruzia lại xảy ra, một phần vì địa hình ở khu vực đó rất hiểm trở.


Tuy nhiên, khi đứng trước yêu cầu đó, người Nga phải đối diện với 1 vấn đề nan giải. Đó là tình trạng cực kỳ bi đát của ngành công nghiệp đóng tàu hiện nay. Một thời gian dài hầu như không có việc gì để làm đã khiến cho ngành này chảy máu chất xám nghiêm trọng, công nghệ, phương pháp quản lý lạc hậu, không được cập nhật. Chưa kể là sau khi LX sụp đổ, Nga mất nhiều nhà máy ở các nước nay đã trở thành độc lập, chủ yếu là Ukraina, họ phải xây dựng lại những cơ sở tương tự với chi phí cao. Đó là lí do vì sao mà chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mới Borei có giá tới 2 tỷ dollar, tương đương với đơn giá của Mỹ, một điều hiếm khi xảy ra. Biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng bi đát này có lẽ không gì khác vụ scandal liên quan đến hợp đồng đại tu và bán lại tàu sân bay cho Ấn độ. Khi giám đốc một nhà máy đóng tàu tuyên bố rằng nhờ vào một hợp đồng mua tàu của Việt Nam mà công nhân nhà máy có việc làm thì đó không hẳn chỉ là những lời lẽ ngoại giao.


Trong tình trạng đó, người Nga không còn cách nào khác là phải đi mua lại của phương tây. Thật ra thì việc Nga, LX trước kia sử dụng công nghệ phương tây không phải là điều gì quá mới mẻ. Không chỉ dưới thời Sa hoàng, mà thậm chí là trong thời kì Stalin nắm quyền, đặc biệt là trong những năm 1930, Nga là 1 khách hàng thường xuyên của các nhà sản xuất vũ khí phương tây. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và trong thời kì chiến tranh lạnh, việc mua bán giảm đi nhiều, nhưng không phải là không có. Ví dụ như chính Pháp cũng đã cung cấp các thiết bị cảm biến nhiệt dùng trên những thế hệ tăng mới nhất của Nga. Ngoài ra, vũ khí Nga khi xuất khẩu, đặc biệt là máy bay, luôn có các tùy chọn (options) cho khách hàng để sử dụng các linh kiện, phụ kiện phương tây, đặc biệt là các thiết bị điện tử, thay cho thiết bị gốc của Nga. Tuy vậy, một hợp đồng lớn với cả một hệ thống vũ khí như vậy (1 con tàu hơn 2 vạn tấn) là chưa từng có tiền lệ, và rõ ràng thu hút rất nhiều sự chú ý. Nó chứng tỏ quyết tâm hiện đại hóa rất mạnh của quân đội Nga khi vượt qua vấn đề tự tôn của mình.


Thật ra nếu theo đúng như dự kiến thì người Nga cũng sẽ có rất nhiều lợi ích từ hợp đồng này. Vì theo đó những chiếc Mistral tiếp theo sẽ được cung cấp bản quyền để chế tạo ngay tại Nga. Đó sẽ là một cú hích rất lớn cho ngành đóng tàu Nga. Trong nhiều thập niên qua, chưa từng có con tàu nào lớn như vậy được chế tạo tại 1 nơi bên ngoài Mỹ hay châu Âu. Nga có thể tận dụng kinh nghiệm, công nghệ, cách quản lý mới nhất từ người Pháp.


Tuy vậy, đó vẫn ở thì tương lai khá xa, còn hiện tại, nó cho thấy một lần nữa thực trạng không lấy gì làm sáng sủa của ngành đóng tàu quốc phòng Nga, và liệu rằng việc phát triển hải quân dựa hoàn toàn vào các sản phẩm từ nền đóng tàu đó liệu có phải là 1 giải pháp tốt?

Trận chiến trên eo biển Tsushima

Giới thiệu
Trận chiến Tsushima diễn ra ngày 27-28/5/1905 giữa Hạm đội Baltic của Nga dưới quyền đô đốc Zinovi Rozhdestvensky và hạm đội Nhật dưới quyền Đô đốc Togo Heihachiro trên eo biển Triều Tiên. Nó đánh dấu một bước ngoặt về sự thay đổi quyền lực ở khu vực Thái Bình Dương đầu thế kỷ 20.
Căn nguyên sâu xa
Chiến tranh Nga-Nhật nổ ra như là kết quả của sự tranh giành phạm vi ảnh hưởng từ đống tro tàn của đế chế Trung Hoa giữa một cường quốc cũ (Nga) và cường quốc mới (Nhật). Trong cuộc chiến Trung-Nhật (1895-1896) mà chiến thắng thuộc về quân đội hiện đại hơn của Nhật, đã tạo cho đế quốc mặt trời mọc này một chỗ đứng trong châu Á đại lục, với cảng chiến lược Arthur tại Mãn Châu, cùng với Đài loan và một khoản tiền bồi thường lớn.

Nước Nga, sử dụng sức mạnh ngoại giao của mình giữa các cường quốc phương Tây, đã buộc Trung quốc ký một hợp đồng cho thuê, đưa cảng Arthur lại cho Nga. Phong trào Nghĩa hoà Đoàn nổ ra năm 1900 đã tạo điều kiện cho Nga để lại một đơn vị gìn giữ hoà bình ở TQ, và nước Nga đã sử dụng lực lượng đó để chiếm và củng cố cảng Arthur. Căng thẳng vẫn ở mức cao vào năm 1901 mặc dù quá trình đàm phán vẫn tiếp tục, Nhật Bản sắp xếp một hiệp ước với Anh theo đó bảo đảm sự trợ giúp của Anh nếu như có một cường quốc nào khác ngoài Nga liên quan đến vụ việc. Bộ Hải quân Nga đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng quyết tâm của người Nhật và khả năng tiến hành chiến tranh hiện đại của họ. Nhưng thật sự thì con đường dẫn đến chiến thắng của người Nhật đã bắt đầu từ rất lâu trước đó, khi mà họ mở cửa đối với phương Tây.
Phát triển Hải quân
Trong thế kỷ 16, tướng quân mạc phủ Tokugawa, lãnh chúa phong kiến của Nhật, đã tách rời nước Nhật khỏi phần còn lại của thế giới. Trong nhiều thế kỷ, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất ở đây là súng hoả mai. Cùng với sự tiếp xúc với phương Tây, sau khi hạm đội của đô đốc Perry (Mỹ) tới vịnh Tokyo, nước Nhật nhận ra rằng họ phải hiện đại hoá (không như TQ). Đến năm 1867, họ mua một thiết giáp của phe ly khai trong nội chiến Mỹ, chiếc CSS Stonewall, và bắt đầu xây dựng hải quân hiện đại. Năm 1877 đánh dấu sự thất bại của những samurai cũ trong nội chiến. Một triều đại mới, gọi là Meiji (Minh Trị), nắm quyền và ngay lập tức tái xây dựng nền kinh tế Nhật bằng cách cùng lúc công nghiệp hoá và quân sự hoá, với những thành công vang dội. Từ 1894 đến 1905, chi tiêu cho quốc phòng đạt đến 40% ngân sách. Nếu như năm 1880, tổng trọng tải hạm đội của Nhật chỉ là 15000 tấn thì đến năm 1905, con số này là 252000 tấn, cùng một hạm đội đầy kiêu hãnh với 31 tuần dương hạm và thiết giáp hạm hiện đại.
Hạt nhân của hải quân mới chính là sự huấn luyện, mà đã vượt quá mức yêu cầu. Một ví dụ sống động là về đô đốc Isoroku Yamamoto, người đã bị thương trong trận chiến Tsushima, sau này là kiến trúc sư trưởng của vụ tập kích Trân Châu Cảng lịch sử. Khi còn là một học viên trẻ của hải quân Nhật, cả lớp của ông ta đã được yêu cầu phải bơi qua giữa 2 hòn đảo ngoài khơi phía bắc Nhật Bản. Nơi đó đang có một luồng nước lạnh chảy rất xiết, cùng với những bầy cá mập. Nhiều tá học viên đã không thể chạm tới bờ.

Kỹ năng pháo binh và vận động cũng được tập luyện rất thường xuyên như thể họ đang chiến đấu thật. Các pháo thủ tập bắn với đạn thật, các chiến hạm tập di chuyển vận động với vận tốc như trong chiến đấu mà kết quả có thể khiến con tàu bị hỏng, thậm chí mất tàu. Các sĩ quan và thủy thủ luôn được đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu ở mức cao nhất, không có bất cứ sự kém cỏi nào được chấp nhận. Việc giáng chức, hay đuổi khỏi quân đội rất thường xuyên xảy ra, từ các sĩ quan cao cấp cho tới những lính mới.
Chú gấu già nua
Hải quân Nga, hoàn toàn trái ngược, đang ở trong tình trạng suy tàn. Mặc dù nhiều thủy thủ Nga rất có năng lực, Bộ hải quân lại toàn những kẻ thủ cựu, và ngân sách dùng để duy trì hạm đội Nga lại đặc biệt nhỏ. Tuy vậy, nước Nga, vì sức mạnh trên bộ, vẫn được các nước phương Tây vị nể. Nhưng ngày 10/1/1904, nước Nhật đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi tuyên chiến với Nga và tấn công cảng Arthur từ biển. Hải quân Nhật nhanh chóng chiếm ưu thế và tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong trận chiến Shantung ngày 10/8/1904. Các chiến dịch trên bộ cũng diễn ra quyết liệt mà đỉnh cao là trận chiến Mukden (hay Shenyang) từ 19/2/-10/3/1905 với sự tham gia của 330.000 quân Nga và 270.000 quân Nhật, được nhiều nhà sử học coi là trận chiến “hiện đại” đầu tiên trong lịch sử. Chiến thắng cuối cùng thuộc về người Nhật.

Yêu cầu cần phải tái thiết lập lại quyền lực trên bộ và trên biển đã dẫn tới việc Hạm đội Baltic được lệnh lên đường sang châu Á ngày 15/10/1904. Hạm đội khi đó được đổi tên là Hải đội Thái Bình Dương số 2. Hạm đội được đặt dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovy Petrvich Rozhestvensky, được tăng thêm bởi một số tuần dương hạm cũ kiểu những năm 1880 dưới quyền đô đốc Nebagatov cùng một số tàu vận tải. Rozhestvensky đã chỉ huy hạm đội của mình thực hiện một kỳ công là đi qua một quãng đường dài hơn 18000 hải lý (hơn 33.300 km) và đến châu Á nhiều tháng sau đó (trong số những nơi mà hạm đội này ghé qua có cảng Cam Ranh ở Việt nam). Đáng tiếc là thất bại thảm hại của hạm đội Nga sau đó đã làm lu mờ kỳ tích trên. Mục tiêu của hạm đội là đến được Vladivostok, cảng duy nhất của Nga trong khu vực. Đô đốc Togo biết điều đó, và ông ra lệnh cho tàu của mình tuần tra trên 3 tuyến đường mà hạm đội Nga có thể đi qua.
Diễn biến trận chiến
Trước khi bước vào cuộc chiến, người Nhật đang có những lợi thế mang tính quyết định: chiến trường gần quê nhà, một lực lượng gọn nhẹ hơn gồm toàn những chiến hạm kiểu mới và đồng bộ về tốc độ và hoả lực, thủy thủ được huấn luyện chu đáo và đang có nhuệ khí rất cao, việc lên kế hoạch và tập luyện kỹ lưỡng cho cả mục tiêu chiến lược và chiến thuật.

Ngày 27/5/1905, đô đốc Togo nói với toàn hạm đội “Vận mệnh của đế chế chúng ta phụ thuộc vào chỉ một trận chiến này, mọi người hãy chiến đấu với tất cả khả năng của mình”.

Hạm đội Nga bị phát hiện khi một đội tuần dương hạm của Nhật tìm ra 2 tàu bệnh viện của họ trong một khu vực đầy sương mù ở eo Tsushima tối ngày 26/5/1905. Chiều ngày 27/5, hai hạm đội giáp mặt nhau. Hạm đội Nga xếp thành đội hình hàng dọc từ Nam-Tây Nam sang Bắc-Đông Bắc, còn hạm đội Nhật là từ Tây sang Đông Bắc. Hạm đội Nga có 45 chiếc, gồm 12 thiết giáp hạm (tàu chủ lực), 8 tuần dương hạm, các khu trục hạm và tàu hỗ trợ khác. Phía Nhật có 4 thiết giáp hạm và một số tuần dương hạm, khu trục hạm. Đô đốc Togo có một quyết định táo bạo cho ra lệnh cho hạm đội của mình di chuyển chặn đầu hạm đội Nga và tập trung hoả lực vào chiếc kỳ hạm của hạm đội Baltic, chiếc Knyaz Suvorov, với đô đốc Rozhestvensky trên boong. Cách vận động táo bạo này làm hạm đội Nga bất ngờ, và chỉ có thể được thực hiện nhờ vào lợi thế tốc độ cũng như thủy thủ đoàn thiện nghệ của hạm đội Nhật.

Kỳ hạm Knyaz Suvorov khai hoả trước tiên, ba phút sau, chiếc kỳ hạm của đô đốc Togo, chiếc Mikasa, đáp trả. Đội hình hai hạm đội giữ một khoảng cách ổn định khoảng 6200m và xối hoả lực vào nhau. Nhịp bắn của quân Nhật rất ấn tượng, ước tính khoảng hơn 2000 phát đạn hạng nặng trong 1 giờ. Hơn nữa, người Nhật sử dụng một loại chất nổ có công thức mới trong đạn của mình, bắn vào những cấu trúc phía trên của tàu Nga và làm bùng lên những đám cháy dữ dội trên bất cứ con tàu nào bị bắn trúng. Mức độ chính xác của hoả lực Nhật làm người Nga phải sững sờ. Một sĩ quan Nga, thuyền trưởng Semenoff, đã viết “Tôi chưa bao giờ chứng kiến hoả lực nào như thế trước đây, tôi thậm chí không bao giờ dám tưởng tượng ra. Đạn dường như đang được rót xuống chúng tôi liên tục, cái này tiếp nối cái kia”. Thêm nữa, những chiến hạm của Nhật có thể đạt tốc độ 16 hải lý/h, trong khi của hạm đội Nga chỉ là 8 hải lý/h, chủ yếu vì phải chờ những chiếc tàu vận tải chậm chạp. Không những thế, người Nhật còn sử dụng một loại vũ khí mới là ngư lôi. Đã có lúc trong trận chiến, 30 khu trục hạm Nhật đồng loạt phóng ra 74 quả ngư lôi, đánh chìm ngay lập tức thiết giáp hạm Sisoy Veliky và 2 tuần dương hạm khác.

Trở lại với diễn biến của trận chiến, trong 40 phút đầu tiên, người Nhật xối mưa đạn xuống 2 thiết giáp hạm Nga là chiếc Knyaz Suvorov (tàu chỉ huy) và Oslyabya. Chiếc Oslyabya bị đánh đắm cùng với thuyền trưởng Vladimir Ber cùng phần lớn thủ thủ đoàn. Đô đốc Rozhestvensky bị thương nặng ở đầu, còn chiếc kỳ hạm của ông cũng bị hư hại nặng, hầu như không thể chỉ huy hạm đội được nữa. Chỉ huy 2 thiết giáp hạm Hoàng đế Alexander III và Borodino, thuyền trưởng Bukhvostov và Serebrenikov, cố gắng trong vô vọng để che chắn cho chiếc kỳ hạm và đưa hạm đội trở lại tuyến đường đến Vladivostok. Chiếc Borodino dẫn những thiết giáp hạm quay trở lại đội hình hàng dọc chính, nơi những tuần dương hạm đang chống cự để bảo vệ những chiếc tàu vận tải.
Bỏ lại chiếc kỳ hạm Knyaz Suvorov đang bốc cháy, chiếc Borodino chạy về phía nam, thuyền phó Makarov thay thế thuyền trưởng Serebrenikov, đang bị thương, chỉ huy tàu. Tuy nhiên, nó cùng những chiếc khác bị quân Nhật chặn lại. Chiếc Borodino và Hoàng đế Alexander III bị đánh chìm ngay trước khi màn đêm buông xuống. Và gần như cùng lúc, kỳ hạm Knyaz Suvorov bắt đầu chìm vì bị ngư lôi Nhật đánh trúng. Chiếc khu trục hạm Buyny do Kolomeitsov chỉ huy vội chạy đến để cứu tư lệnh Rozhestvensky và bộ tham mưu. Những sĩ quan của chiếc Kyaz Suvorov gồm đại uý Nikolay Bogdanov, Vyrbov, và thiếu uý Verner Kursel từ chối rời tàu và đã chịu chung số phận với chiếc kỳ hạm.

Tối hôm đó, từ trên boong chiếc Hoàng đế Nicholas I, chuẩn đô đốc Nebogatov tiếp nhận quyền chỉ huy hạm đội. Togo ra lệnh tạm ngừng bắn và cho những khu trục hạm áp sát và tấn công ở khoảng cách gần. 30 khu trục hạm Nhật phóng ra 74 quả ngư lôi Whitehead và đã đánh chìm thiết giáp hạm Sysoy Veliky cùng với tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov và Vladimir Monomakh.

Sang ngày hôm sau, 5 chiếc thiết giáp hạm dưới quyền Nebogatov buộc phải đầu hàng. Chuẩn đô đốc Enkwist cùng 3 tuần dương hạm Oleg, Aurora, Zhemchug chạy về được đến căn cứ hải quân Mỹ ở Manila và bị giam giữ ở đó. Chỉ có khoảng 3 chiến hạm bị hư hỏng nặng của Nga, 1 tuần dương hạm hạng nhẹ và 2 khu trục hạm, là tới được Vladivostok. Đô đốc Rozhestvensky và bộ tham mưu được chuyển từ chiếc Buyny, bị hỏng động cơ, sang chiếc Bedovy, và sau đó bị quân Nhật bắt làm tù binh.

Nói chung, một số chiến hạm Nga đã chiến đấu rất anh dũng, đôi lúc trước nhiều tàu địch. Nhưng trước một đối phương hơn hẳn về mọi mặt thì tinh thần thôi là chưa đủ, chưa kể là tinh thần chiến đấu của toàn hạm đội Nhật cũng rất cao. Tổng kết cuộc chiến đã phản ánh chiến thắng vang dội cho phía Nhật. Hạm đội Nga mất phần lớn số tàu chiến, 4380 người chết, 5917 bị thương, 4000 bị bắt làm tù binh, trong đó có 3 đô đốc. Hạm đội Thái Bình Dương, Baltic, và hạm đội dự bị của họ hầu như không còn tồn tại. Phía Nhật mất 117 người, 583 bị thương, mất 3 tàu phóng lôi.
Ảnh hưởng của trận Tsushima
“Người Nga không quá tệ như cái cách mà họ bị đánh bại, và họ bị thảm bại vì họ đã thờ ơ và không bị đẩy vào thế đường cùng như ở Crimea hay như ở cuộc kháng chiến chống Napoleon, trong khi mỗi binh sĩ và thủy thủ Nhật tin rằng, mà thật sự nó đúng như vậy, rằng vận mệnh dân tộc họ đang lâm nguy và mỗi cố gắng của từng cá nhân có thể quyết định đại cục” (theo tờ New York Sun).
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt chủ trì hội nghị hoà bình ở Portsmouth, New Hampshire, và một hiệp định được ký ngày 6/11/1905. Nước Nga rút khỏi Mãn Châu, công nhận Triều Tiên là “vùng ảnh hưởng” của Nhật, đồng ý cho Nhật thuê bán đảo Liêu Đông, cho Nhật quyền kiểm soát Tuyến đường sắt Nam Mãn Châu, từ bỏ chủ quyền của đảo Sakhalin nằm về phía nam vĩ tuyến 50, cho Nhật quyền đánh bắt cá.

TT Roosevelt đã nhận ra sự ra đời của một con hổ mới của phương Đông. Ông viết trong một bức thư cá nhân năm 1906: “Trong nhiều năm, người Anh, người Mỹ, người Đức, những người xem nhau như kẻ thù trong nền ngoại thương ở Thái Bình Dương, sẽ phải dè chứng Nhật Bản hơn bất cứ quốc gia nào khác trong quá khứ … Nếu chúng ta cố đối xử với họ như cách ta đối xử với người TQ, và cùng lúc chúng ta không thể giữ cho lực lượng hải quân ở mức cao nhất về trình độ và quy mô, thì chẳng khác nào chúng ta đã tự rước hoạ vào thân”.

Về phản ứng của công chúng Nhật trước hiệp định Portsmouth thì nói chung họ coi đó là một sự phản bội. Lời giáo huấn về fukoken kyohei ( một đất nước giàu có với một quân đội mạnh) và cơ sở cho những suy nghĩ của họ. Họ cảm thấy hiệp ước đã cướp đi những lợi ích chính đáng của họ, nước Nhật đã bị o ép. Và họ cho rằng chính quyền dân sự phải chịu trách nhiệm chính, còn giới quân sự là những anh hùng. Đó là nhân tố dẫn đến việc chính quyền Meiji cuối cùng bị phế truất và một chế độ độc tài quân sự được thiết lập và đã dẫn nước Nhật vào Thế chiến thứ hai.

Nước Nhật giờ đây đã có ưu thế trên biển để hỗ trợ cho những bước đi của nó ở Mãn châu, Triều tiên và nhiều nơi khác. Trong khi đó, trong hơn 3 thập niên tiếp theo, những nước phương Tây phải đối phó với chiến tranh thế giới thứ nhất, cách mạng Nga, sự tái sinh của nước Đức quốc xã, và dần rời xa khu vực châu Á. Còn Yamamoto thì lên chỉ huy hạm đội Nhật, và những bài học từ Tsushima, cảng Arthur đã trở thành triết lý quân sự của ông. Những nền tảng quân sự, chính trị, kinh tế cho một trận chiến mới ở Thái Bình Dương đã được thiết lập mà những diễn viên chính trong đó là nước Nhật và nước Mỹ.

30.8.09

Hải tặc nhắm bắn trực thăng Mỹ



Hỏa lực bắn lên từ Win Far, một con tàu được bọn hải tặc Somali sử dụng như tàu mẹ, nhằm vào 1 chiếc SH-60B của hải quân Mỹ. Chiếc trực thăng thuộc phi đội trực thăng hạng nhẹ chống tàu ngầm hạng sô 49 và đang đậu trên tuần dương hạm USS Chancellorsville.