30.5.09

Nga - Khi cơ hội trôi qua


Thế giớ đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ sau kì Đại suy thoái những năm 30. Hầu như mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, những nước như nước Nga phải chịu ảnh hưởng kép, không chỉ là ảnh hưởng dây chuyền mà còn là việc giá dầu giảm mạnh, trong khi đây là nguồn thu chính của Nga.

Sau 8 năm tăng trưởng với tốc độ trung bình 7%, năm nay dự kiến kinh tế Nga sẽ suy giảm 6%. Quý 1 năm nay, kinh tế giảm 9.5% so với cùng kỳ năm ngoái, và 23.2% so với quí trước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 10.2%. Việc này gần như sẽ làm gián đoạn quá trình tái trang bị quy mô lớn cho quân đội Nga. Mặc dù kinh tế thế giới nói chung đã thấy chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng giá dầu có lẽ sẽ khó mà đạt lại thời kì hoàng kim với 120-140 dollar/ thùng như trước kia. Và giờ đây khi nhìn lại, nhiều người Nga tự hỏi về hiệu quả của kế hoạch tái vũ trang này trong 8 năm trước đó.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là về không quân Nga, đặc biệt là dự án chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Sukhoi. Và điều kì lạ là mặc dù trong thời gian qua, Sukhoi rất thành công về mặt thương mại với dòng Su-27/30 của mình thì lại càng tạo nhiều chỉ trích và tâm trạng bi quan. Lí do chính nằm trong việc nền công nghiệp quốc phòng Nga hiện phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Sukhoi cũng không là ngoại lệ, và khi mà Pogosian (Chủ tịch Sukhoi Corporation) kiếm được lợi nhuận khổng lồ thì nhiều người trong giới quân sự Nga cho rằng Sukhoi và quân đội Nga đã quá lo cho các hợp đồng xuất khẩu (chủ yếu là các thiết kế có sẵn) thay vì tập trung vào các dự án thiết kế mới, trong khi người Mỹ đã đi trước, như chính sự xác nhận của nhiều chuyên gia, như tổng công trình sư của Mig.

Trong khi người Mỹ đã đưa vào hoạt động chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên cách đây nửa thập niên (2003) thì quá trình phát triển chiếc tương ứng của Nga, Pak-FA, vẫn mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, dự kiến đến cuối năm nay sẽ bay thử lần đầu. Thật ra, trước kia, LX cũng thường đi sau Mỹ như vậy. Ví dụ như với thế hệ thứ 4, trong khi F-15, F-16 tham gia biên chế vào khoảng năm 1976 thì Mig-29, Su-27 là 1984, 1986. Tuy vậy, lần này khoảng cách có vẻ sẽ lớn hơn. F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 1990, 13 năm trước khi nó chính thức hoạt động. Nếu lấy đó làm chuẩn thì phải đến 2022, Nga mới có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của mình.

Có ý kiến cho rằng Nga có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu PAK-FA so với F-22 trước kia nhờ vào lợi thế của người đi sau. Họ có thể học được những kinh nghiệm từ dự án F-22, hay nói cụ thể hơn là nhờ vào những thông tin tình báo mà họ thu được.

Tuy vậy, cũng có khả năng ngược lại. Vì cả F-22 và Pak-FA đều là máy bay tàng hình. Khi mà người Mỹ bắt tay vào chế tạo F-22 thì họ đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công nghệ tàng hình, với F-117A và B-2. Trong khi đó, đây mới là lần đầu tiên người Nga thật sự chế tạo một máy bay tàng hình. Ngoài ra, một số công nghệ khác hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Ví dụ như hiện nay Nga vẫn chưa thể hàng xuất hàng loạt radar quét điện tử chủ động (AESA).

Trong suốt 8 năm khi mà giá dầu ở mức cao, không quân Nga chỉ có thể tăng cường thêm 2 trung đoàn (48-50 chiếc) Su-27 SM. Trong khi đó, việc phát triển các loại máy bay mới gặp rất nhiều khó khăn. Su-35, được coi là mẫu máy bay lấp chỗ trống khi thế hệ thứ 5 chưa ra đời, hiện có 3 mẫu thử nghiệm (prototype), một chiếc bị cháy trong vì trục trặc động cơ. Nhưng trầm trọng hơn nhiều là việc họ vẫn chưa thể đưa mẫu radar quét điện tử chủ động (AESA) đầu tiên của mình vào sản xuất hàng loạt vì vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Su-35 thực chất chỉ là giải pháp chữa cháy. Nó vẫn chỉ là một bản nâng cấp của dòng Su-27, thuộc thế hệ thứ 4. Thậm chí 1 số chuyên gia hoài nghi còn cho rằng nếu xét về mặt điện tử, radar, hệ thống vũ khí thì nó vẫn chưa bằng F-15E Strike Eagle thời chiến tranh vùng Vịnh. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn thất vọng về việc, nói chung, cho đến nay Nga chưa thể tạo ra một máy bay có hiệu quả tải trọng cao, nghĩa là mang được nhiều vũ khí so với khối lượng của chính nó, tăng hiệu suất của radar vẫn phải dựa vào việc tăng kích thước của nó, dẫn đến kích thước của vòm radar cũng phải lớn theo (các máy bay của LX/Nga thường lớn hơn so với các mẫu tương ứng của Mỹ) kéo theo đó là tăng diện tích phản xạ radar, dễ bị phát hiện hơn.

Một vấn đề nữa là hiện không quân Nga đang thiếu tên lửa không đối không. Các cơ sở sản xuất nằm rải rác trong lãnh thổ LX trước kia, mà nay trở thành những nước độc lập, ví dụ như Yuzhmash ở Ukraina. Ngoài ra, những tên lửa của Nga thường có cánh quá lớn, làm tăng diện tích phản xạ radar của máy bay.

Gần một thập kỷ với nguồn tiền dồi dào từ giá dầu cao, nhưng người Nga dường như vẫn chưa kịp sửa chữa những vấn đề của mình. Khủng hoảng kinh tế rồi sẽ đi qua, nhưng giá dầu khó mà có thể đạt được mốc như trước kia, ít ra là trong tương lai gần. Có vẻ như cơ hội đã trôi qua.

28.5.09

Tổng diễn tập cho các sư đoàn cơ giới TQ


Cuối năm nay, TQ sẽ tiến hành một cuộc tập trận lớn với các sư đoàn từ 4 trong 7 quân khu sẽ di chuyển một đoạn đường dài, có thể đến 2400km bằng phương tiện riêng của đơn vị, và tham gia tác chiến cùng nhau. Không quân cũng sẽ tham gia, cùng với các phương tiện truyền thông hiện đại, tác chiến điện tử lần đầu được sử dụng ở quy mô lớn…

Đây là một trải nghiệm mới của TQ, chuyển từ phương thức cũ là dùng xe lửa để di chuyển các đơn vị đến một địa điểm tập kết gần chiến trường. Sau thế chiến thứ 2, các nước phương tây đã hoàn toàn cơ giới hóa quân đội của họ, để các đơn vị có thể tự di chuyển hàng ngàn km. Và TQ đang đi theo hướng đó.

Hiện 70% trong tổng số 60 sư đoàn của TQ được cơ giới hóa. Những sư đoàn bộ binh cơ giới thường có khoảng 600 xe bọc thép và vài ngàn xe tải. Một số đơn vị được tổ chức thành những sư đoàn phản ứng nhanh, luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao. Những sư đoàn này dùng xe bọc thép bánh hơi thay thế một phần các xe bọc thép bánh xích. Vì xe bánh hơi thích hợp hơn khi di chuyển trên đường nhựa.

Một sư đoàn cơ giới nặng khoảng 15,000 tấn. Và cần gần 2 ngày để di chuyển nó bằng xe lửa đi xa hàng ngàn km mà không làm hao mòn trang thiết bị nhiều. Tuy vậy, khi chiến tranh nổ ra, đường sắt là mục tiêu đánh phá quan trọng. Do đó các đơn vị phải có khả năng tự di chuyển.

Làm sao đo được sức mạnh của một vụ thử hạt nhân?


Trong khi thế giới tiếp tục theo dõi diễn biến ở Triều tiên sau vụ thử hạt nhân của BTT thì người ta cũng đặt câu hỏi về việc làm sao để xác định được sức mạnh của vụ thử trong lòng đất đó.

Quan trọng nhất là dựa vào rung động địa chấn gây ra bởi vụ nổ. Nó được đo giống một đo các trận động đất, dựa trên thang Richter. Vụ thử lần này tại ra một chấn động tương đương 4.7 Richter. Tất nhiên là không có công thức nào tính chính xác được sức mạnh của vụ nổ chỉ từ độ Richter, vì nó còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất. Công thức gần đúng của nó là:

Mb = 4.262 + .973LogW

Mb là năng lượng của sóng chấn động và W là sức công phá của vụ nổ.

Làm sao phân biệt được một rung động địa chất thông thường và rung động do vụ nổ? Nếu là động đất thì rung động ban đầu sẽ yếu sau đó mạnh dần lên. Còn vụ nổ thì ngược lại.

Ngoài ra Mỹ còn dùng 'Constant Phoenix', một máy bay chuyên dụng để thu thập các mẫu không khí để tìm ra dấu hiệu của phóng xạ. Thời chiến tranh lạnh, Mỹ duy trì cả một đội bay lớn loại máy bay này, nhưng hiện chỉ còn 1 chiếc hoạt động. Ngoài ra còn có không ảnh từ vệ tinh hoặc máy bay do thám.

Hành trình dài của Su-27









Hôm 5/5 vừa qua, hãng Pride Aircraft vừa chính thức xác nhận việc 2 chiếc Su-27 đã được chở tới Mỹ trên máy bay vận tải An-124 từ vài tháng trước đó. Về nguyên tắc thì chúng thuộc sở hữu tư nhân, do công ty Pride Aircraft mua từ Ukraina. Nhưng sau khi được sửa chữa và nâng cấp, chúng sẽ được chuyển cho không lực Mỹ để dùng trong các phi đội aggressor. Aggressor là tên gọi những đơn vị đặc biệt trong không quân Mỹ được dùng để đóng vai không quân LX/Nga trong huấn luyện. Chỉ những phi công đặc biệt xuất sắc mới được chọn vào đây. Trong hình dưới là F-15 và F-16 trong vai trò aggressor. Những aggressor sẽ mô phỏng tối đa các trang thiết bị, chiến thuật mà không quân Nga sử dụng. Ví dụ như qua bức hình trên, một chi tiết nhỏ mà ta có thể nhận thấy là màu sơn của máy bay. Máy bay Mỹ thường dùng màu đơn sắc, ví dụ như xám, trắng hay xanh đậm. Máy bay Nga thường được sơn theo hoa văn ngụy trang.


Su-27 là mẫu máy bay thế hệ thứ tư, được ra đời với yêu cầu về một máy bay tiêm kích có tầm hoạt động rộng, đủ sức đương đầu với những chiến đấu cơ thế hệ 4 của Mỹ như F-15, F-16, F-14 và F-18. Có thể nói ít có dự án phát triển vũ khí nào trải qua nhiều thăng trầm như Su-27. Chương trình bắt đầu từ 1970, với tên gọi khi đó là dự án T-10. Mẫu thử nghiệm đầu tiên T-10-1 bay chuyến đầu tiên 7 năm sau đó. Dự án gặp rất nhiều khó khăn, và sau một vụ tai nạn chết người vào 7/5/1978 thì nó bị buộc phải thay máu hoàn toàn.

Mikhail Somonov được đưa về làm tổng công trình sư ở Sukhoi, và thiết kế T-10 lại hoàn toàn. Theo Mikhail thì ông chỉ giữ lại 2 thứ từ thiết kế trước, là bộ bánh đáp và ghế phi công! Mẫu mới được gọi là T-10S. T-10S-1 bay chuyến đầu tiên vào 1981. Tuy vậy, việc nghiên cứu vẫn rất trắc trở về đến 23/11/1983 thì vụ tai nạn chết người thứ 2 xảy ra. Cho đến 1983, vấn đề vẫn không được cải thiện. Nhưng điều bất ngờ là một sai lệch thông số nhỏ khi chuyển từ mẫu thu nhỏ sang máy bay thật khiến cho máy bay đạt được những khả năng tốt hơn mong đợi. Những phi công thử nghiệm khi đó đã tưởng rằng mình đọc sai các chỉ số trên bảng điều khiển. Su-27 bắt đầu tham gia biên chế không quân LX vào 1984. Sự xuất hiện của Su-27 đánh dấu thời kì hoàng kim của Sukhoi trong khi Mig, từ chỗ là biểu tượng của của hàng không LX rơi vào cảnh nợ nần.

Thiết kế của Su-27 có rất nhiều điểm tương đồng với F-14 và F-16, hay có thể nói là kết hợp của cả 2. Một số người cho rằng LX đã tiếp cận được số F-14 của Iran sau cuộc cách mạng hồi giáo 1979, tuy vậy không có bằng chứng xác thực cho việc này.

Su-27 được thiết kế với tính bất ổn định theo cả trục dọc và ngang. F-16, ra đời trước đó, là thiết kế tiên phong với nguyên lý bất ổn định. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, vì tại sao lại thiết kế một chiếc máy bay luôn có xu hướng không ổn định. Bởi vì như vậy thì nó sẽ linh hoạt, dễ xoay trở hơn. Một máy bay có tính ổn định cao, như máy bay chở khách, rất khó xoay trở. Tuy vậy, trước kia người ta không thể thiết kế theo nguyên lý này là vì phi công sẽ phải giành toàn bộ thời gian, sức lực của mình chỉ để giữ cho chiếc máy bay không bồ nhào xuống đất. Và khả năng của phi công cũng có hạn, khi thiết kế của máy bay vượt 1 ngưỡng nào đó thì nó chỉ đơn giản là không thể điều khiển được.

Do đó, F-16 cũng đồng thời tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ điều khiển qua máy tính, hay còn gọi là 'bay bằng dây dẫn'. Gọi là vậy bởi vì nó thay thế những cơ cấu điều khiển cơ học trước kia bằng dây dẫn tín hiệu. Trước kia, máy bay sử dụng các thiết bị cơ học như dây cáp, hệ thống thủy lực để truyền lệnh điều khiển từ phi công. Nay các cơ cấu nặng nề này được thay thế bằng cách dây truyền dẫn tín hiệu điện gọn nhẹ và đáng tin cậy hơn. Tuy vậy, ý nghĩa thật sự của hệ thống này là việc thêm máy tính vào giữa phi công và các bề mặt điều khiển. Giờ đây lệnh của phi công sẽ được đưa vào máy tính trước, máy tính sẽ xử lý yêu cầu và truyền lệnh cụ thể đến các bề mặt điều khiển trên cánh máy bay. Như vậy, thật sự điều khiển trực tiếp máy bay là máy tính chứ không phải phi công. Do đó, những máy bay có thiết kế không ổn định giờ đây vẫn có thể bay được bình thường, vì máy tính sẽ liên tục đưa ra những lệnh, thực hiện những điều chỉnh nhỏ để giữ cho máy bay cân bằng. Mỗi giây có thể có tới hàng ngàn lần điều chỉnh nhỏ như vậy, và đối với phi công thì đơn giản là họ không cảm nhận được những thay đổi đó. Ngoài ra, máy tính sẽ giữ cho máy bay hoạt động trong giới hạn của mình, cho dù phi công có điều khiển hơi 'quá tay'. Vì mỗi máy bay có một giới hạn lực mà cấu trúc của nó có thể chịu được, chưa kể bản thân phi công cũng chỉ chịu được gia tốc đến 1 mức nào đó.

F-16 được thiết kế bất cân bằng theo trục xoay dọc (giúp nó lật cánh dễ dàng hơn), còn Su-27 sau này còn bất ổn định theo phương xoay ngang (góc nâng của mũi máy bay). Do đó Su-27 có thể thực hiện những động tác nhào lộn trên không rất ấn tượng. Nổi tiếng nhất là động tác 'Rắn hổ mang' nổi tiếng của Pugachev. Khi được trình diễn lần đầu ở hội chợ hàng không Paris, nhiều người đã mô tả cảm giác của mình khi đó như đang trong một 'thời khắc thần thánh'.

Tuy vậy, đối thủ trực tiếp của Su-27 là F-15. Kích thước của Su-27 hơi lớn hơn (dài 21m, sải cánh 14m) so với F-15 (19m-13m). Hai loại này chưa từng đối đầu nhau trong thực tế. F-15 hiện giữ kỷ lục về không chiến, với 104 lần bắn hạ đối phương mà chưa thua lần nào. Còn Su-27 chưa có nhiều dịp tham chiến.

Quay lại việc 2 chiếc Su-27 đến Mỹ. Một trong những thắc mắc lớn hiện nay là liệu người Mỹ có được cung cấp đủ phụ tùng để duy trì hoạt động của chúng trong thời gian dài. Theo như Pride Aircraft thì họ nhận được hỗ trợ kỹ thuật và phụ tùng đầy đủ. Còn nếu không thì người Mỹ sẽ phải cải biến thiết bị của mình. Trong đó khó nhất là động cơ. Su-27 dùng động cơ AL-31F (sức đẩy tối đa 12510kg) còn F-15 dùng F100PW229 (13211kg). Cả 2 có kích thước gần giống nhau. Nhưng AL-31F có hộp số phía trên, còn F100 có hộp số phía dưới, như trong hình. Do đó việc gắn động cơ F100 vào Su-27 là rất khó.

AL-31F

F100PW229








27.5.09

F-15K và T-50




Đoạn clip giới thiệu về không quân Hàn quốc, với F-15K là chủ lực. F-15K là phiên bản hiện đại nhất của dòng F-15 hiện nay. Ngoài ra đoạn clip còn giới thiệu T-50, máy bay huấn luyện siêu âm mới.

25.5.09

Rung động ở Triều tiên


Vào khoảng 1h sáng thứ 2, giờ GMT, 8h giờ sáng giờ HN, Bắc triều tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai của mình. Rung động do vụ nổ gây ra khoảng 4.5 độ Richter, tương ứng với sức nổ khoảng 2-6 kiloton, quả bom thả xuống Hiroshima có sức công phá 20 kiloton. Lần thử trước của BTT gây ra rung động 4.2R. Cho thấy BTT vẫn chưa thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân thật sự. Ngay cả khi họ làm được điều đó, thì vẫn còn một đoạn đường dài khi đi từ một 'thiết bị hạt nhân' sang một 'vũ khí hạt nhân'. Nghĩa là họ phải có khả năng thu nhỏ nó vừa đủ để mang trên máy bay hay đầu đạn tên lửa, và phải có độ tin cậy cao cũng như khả năng kiểm soát nó. Trong những năm 50, các đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa của LX phải được kích hoạt trước khi tên lửa rời bệ phóng, nghĩa là nó có thể phát nổ ngay trên lãnh thổ LX nếu có trục trặc gì đó xảy ra.

Rung động của vụ thử làm nhiều người dân ở biên giới TQ-BTT lo sợ một vụ động đất và nhiều trường học bị sơ tán. TQ cũng đã báo động cho tập đoàn quân 39 đóng sát biên giới.

Cũng liên quan tới BTT, người ta vừa xác nhận được rằng Choe Sung Chol, quan chức phụ trách quan hệ với HQ đã bị xử tử năm ngoái. Lí do chính thức là tham nhũng. Nhưng cũng có thể là do việc chính phủ mới ở HQ ngày càng cứng rắn với BTT.

Mi-38 và chính trị


Các nước phương tây vẫn luôn gây áp lực với Nga nhằm ngăn cản các hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang Iran, nhất là hệ thống S-300, cũng như các vấn đề liên quan đến các quốc gia làng giếng của Nga, như Gruzia. Đa số những áp lực này diễn ra một cách âm thầm và ít người biết đến. Một ví dụ mới nhất là việc hãng Pratt & Whitney của Mỹ, chi nhánh Canada, trì hoãn việc cung cấp bản quyền chế tạo động cơ PW127 cho phía Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ 2 mà Nga mua công nghệ động cơ của phương tây. Trước đó, ngay sau khi thế chiến kết thúc, Anh có cung cấp bản quyền cho LX chế tạo động cơ phản lực Rolls Royce. Tuy vậy, chiến tranh lạnh sau đó đã biến những hợp đồng tương tự trở nên không tưởng.

Nga muốn có PW127 cho loại trực thăng Mi-38 mới của mình. Nếu không, họ sẽ phải dùng loại nội địa TV-7-117, kém hiệu quả hơn, và sẽ trì hoãn việc ra mắt thêm 1 năm nữa, tới 2012.

Hiện Nga từng gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng cho Mi-38. Điều trớ trêu là vì họ quá thành công trong việc bán những mẫu thuộc dòng Mi-8/171/17 cũ hơn. Mi-38 là hậu duệ của những mẫu này. Một điểm mạnh của trực thăng Nga là, với cùng 1 sức tải, thì trực thăng Nga có không gian rộng hơn, cho phép chở nhiều người hơn. (sức tải tối đa của trực thăng không phải ở số người bên trong mà ở lượng hàng hóa có thể treo dưới bụng máy bay). May mắn là Mi-38 có nhiều đơn hàng từ các dự án dầu khí mới ở miền đông nước Nga.

Mi-171 được phát triển dựa trên Mi-17, Mi-17 là tên gọi phiên bản xuất khẩu của Mi-8. Mi-171 nặng 12 tấn, sức tải tối đa 4 tấn, tầm hoạt động 590km.

Mi-38 nặng 15 tấn và sức tải 6 tấn, có thể hoạt động liên tục 6 giờ.