27.4.09

Thời điểm quan trọng của Mig





Hồi đầu năm nay, Nga đã cho toàn bộ số máy bay Mig-29 của mình tạm thời ngừng hoạt động sau 2 vụ tai nạn liên tiếp năm ngoái và người ta phát hiện ra nhiều dấu hiệu của việc cấu trúc máy bay bị ăn mòn. Việc tạm dừng hoạt động như vậy là biện pháp an toàn cần thiết nếu như có dấu hiện cho thấy nguyê nhân tai nạn không phải là cá biệt và có thể lặp lại với những máy bay cùng loại. Không quân Mỹ cũng đã từng tạm dừng hoạt động của phi đội F-15C của mình vì lí do tương tự, chủ yếu vì đa số F-15C được sản xuất từ 20-30 năm trước và đã được sử dụng rất nhiều trong các cuộc chiến trước đây. Số giờ bay lớn như vậy tạo ra một số vết nứt Tuy vậy, đa số Mig-29 đều có số giờ bay rất ít, một số chỉ khoảng 150 giờ, chủ yếu vì sau khi LX sụp đổ, không quân Nga có rất ít tiền để thực hiện việc huấn luyện thường xuyên. Việc này càng làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng của nhà chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan trong những năm gần đây, trong khi mà người anh em Sukhoi rất thành công với dòng Su-27/30. Nếu không nhờ chính phủ Nga nhiều lần ra tay giúp đỡ thì Mig đã phá sản từ lâu.

Mig-29 chính thức vào biên chế từ 1983, như là một câu trả lời cho F-16. Cho tới nay, 1600 chiếc đã được chế tạo, 900 là cho xuất khẩu. Ban đầu nó được thiết kế với giới hạn 2500 giờ bay, hiện nay Nga đang chào hàng việc nâng cấp lên 4000 giờ bay. Tuy nhiên việc này sẽ không dễ dàng vì Mig-29 nổi tiếng kém tin cậy và hay hỏng hóc. Do đó, so sánh với F-16, Mig-29 có tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu bằng khoảng 2/3. Mig-29 có 2 nhược điểm lớn là tầm bay ngắn và động cơ sinh ra rất nhiều khói, rất bất lợi trong không chiến.

Trong thực tế chiến đấu, Mig-29 cũng có thành tích khá kém. Tuy vậy, đó một phần lớn là do nó phải chống lại đối phương mạnh hơn nhiều cả về trang bị và phi công. Sau khi LX sụp đổ, khối NATO có thực hiện những cuộc tập trận giữa Mig-29 của Đông Đức cũ với F-16 và một số chiến đấu cơ phương tây khác. Họ nhận thấy Mig-29 gần như không thể bị đánh bại trong không chiến ở tầm gần khi được trang bị tên lửa R-73 Archer Nga và hệ thống hiển thị - khóa mục tiêu trên ngay trên mũ phi công. Kết quả của những lần tập trận đó dẫn đến việc cả Mỹ và châu Âu phải đẩy mạnh việc nghiên cứu những tên lửa không-không tầm gần tương đương với Archer, gồm phiên bản X của Sidewinder (Mỹ), ASRAAM và IRTS-T của châu Âu. Ngoài ra, hệ thống hiển thị trực tiếp lên mũ phi công cũng trở thành trang bị tiêu chuẩn.

Các phiên bản cải tiến Mig-29M/M2 sử dụng hợp kim nhôm-lithium để giảm trọng lượng, tăng lượng nhiên liệu mang theo, cải tiến động cơ, radar và hệ thống điện tử. Đồng thời nó cũng được trang bị thêm khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất, biến Mig-29 trở thành 1 máy bay đa năng thực thụ. Ngoài ra còn có Mig-29K sử dụng trên tàu sân bay.

Hiện nay, niềm hy vọng lớn nhất cho sự hồi sinh của Mig là Mig-35, thực chất là Mig-29OVT. Nó hiện đang tham gia cạnh tranh ở MMRCA. Mig-35 có nhiều cải tiến về radar, điện tử cùng với việc được trang bị công nghệ lực đẩy vector, nghĩa là máy bay có thể điều khiển hướng của luồng phản lực từ động cơ, cho phép máy bay trở nên cực kỳ linh hoạt.

Mig-35 trang bị động cơ RD-33K, ít thải khói hơn, nó có thêm khả năng thực hiện tiếp nhiên liệu trên không. Đặc biệt, Mig-35 là mẫu máy bay đầu tiên của Nga được trang bị công nghệ radar quét điện tử chủ động (AESA) là công nghệ radar tiên tiến nhất hiện nay. Cơ bản, AESA gần giống một tập hợp hàng ngàn radar nhỏ, có thể hoạt động độc lập với nhau. Mig-35 còn giới thiệu thiết bị quang điện tử mới, kết hợp giữa cảm biến hồng ngoại, cảm biến bức xạ nhiệt, camera và bộ phát laser. Nó được sử dụng cho cả trong không chiến và tấn công mục tiêu trên mặt đất. Buồng lái gồm 3 màn hình LCD lớn. Toàn bộ hệ thống điện tử được số hóa, sử dụng cáp quang. Hệ thống tác chiến điện tử có thêm tùy chọn sử dụng thiết bị gây nhiễu của Ý.

Một số thông số chính: tốc độ tối đa 2550 km/h, tầm hoạt động 2000km, trần bay 19km, sức đẩy 2 x 10 tấn. Tải trọng tối đa 12 tấn.

Có thể nói tương lai của Mig-35 và của cả Mikoyan phụ thuộc vào MMRCA. Tuy vậy, vấn đề là bản thân Mig-35 chưa thật sự 'tồn tại', vì nó vẫn chưa được đưa vào quá trình sản xuất hàng loạt. Ngay cả không quân Nga cũng chưa chắc chắn liệu có nên mua Mig-35. Ngoài ra, dòng máy bay Mig có lịch sử hoạt động rất không tốt trong không quân Ấn độ. Kể từ năm 1963 tới nay, trong tổng số 793 chiếc Mig mà Ấn độ mua thì có tới hơn 330 chiếc bị mất vì tai nạn. Tỷ lệ lớn khủng khiếp này còn vượt cả trực thăng và những mẫu phản lực cơ lên thẳng như Harrier, tới mức mà Mig-21 được người Ấn gọi là quan tài bay.

Vấn đề của Mig là họ vẫn duy trì triết lý thiết kế máy bay tồn tại dưới thời LX, đó là chế tạo những mẫu máy bay giá rẻ, sử dụng cho những lực lượng không quân có trình độ phi công không quá cao, vì phương thức tác chiến trên không của LX và đồng minh dựa rất nhiều vào sự chỉ huy từ đài điều khiển mặt đất. Điều này có nghĩa là máy bay không cần có độ tin cậu quá cao, vì nó sẽ ít được dùng trong huấn luyện. Ví dụ như Mig-29 chỉ được thiết kế với mức 100 giờ bay mỗi năm. Nhưng một số khách hàng, ví dụ như Ấn độ, bay ở mức gấp đôi, điều này khiến cho Mig xuống cấp rất nhanh và gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật và hậu cần. Trong khi đó, Sukhoi, với Su-27, đã chuyển sang triết lý khác, họ thiết kế những máy bay với ý nghĩ trong đầu rằng nó sẽ được dành cho những phi công hạng nhất.

KTCNQS trích dịch lại 1 phần bài phỏng vấn của một tạp chí quân sự với ông Vladimir Barkovskiy, Phó tổng giám đốc, Tổng công trình sư của Mig, trước đó đã từng làm việc cho…Sukhoi trong 18 năm, là người đứng đầu nhóm phát triển Su-30Mk1.

Phóng viên (PV): Mig-35 khác Mig-29 ở điểm nào thưa ông?

Barkovskiy (BK): chúng tôi gọi Mig-29 SMT là máy bay thế hệ thứ tư với hệ thống điện tử của thế hệ 4+. Mig-29K và M có khung máy bay của thế hệ 4+ và điện tử 4++. Còn Mig-35 có khung thế hệ 4+, còn điện tử của thế hệ 5, hay 5-. AESA không chỉ được sử dụng trong radar mà còn trong hệ thống gây nhiễu. Hệ thống quang điện tử lấy từ công nghệ không gian, hiệu quả gấp 3-4 lần.

PV: công nghệ lực đẩy vector cho Mig-35 lợi thế như thế nào?

BK: nó cho phép tăng khả năng cơ động đồng thời duy trì sự an toàn. Nếu không có công nghệ này, khi thực hiện những động tác xoay vòng nhanh ở vận tốc thấp, phi công dễ mất điều khiển.
PV: Sukhoi đã được chọn cho dự án PAK-FA (dự án chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga - tương đương F-22), điều này ảnh hưởng thế nào tới Mig?

BK: đó là quyết định của không quân Nga. Về mặt nguyên tắc, tôi không nghĩa Mig sẽ bị đóng cửa. Dù sao thì tiềm năng của thế hệ thứ 5 vẫn còn rất nhiều. Thế hệ thứ 4 tồn tại trong hơn 30 năm. Tôi nghĩ thế hệ 5 sẽ tồn tại 40-50 năm. F-22 và F-35 mới chỉ là sự khởi đầu của thế hệ 5. Đôi khi việc đi theo sau người tiên phong cũng có những lợi thế riêng, nếu bạn không rớt lại quá xa. Nếu bạn vẫn còn nhìn thấy cái lưng của người đi trước, nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội.

No comments: