28.3.09

Tấn công ở bất cứ nơi đâu


Thêm một phi vụ bí mật nữa của không quân Israel được tiết lộ. Thủ tướng Olmert vừa xác nhận rằng đầu năm nay, không quân Israel đã tấn công một đoàn xe bên trong lãnh thổ Sudan. Đoàn xe này chở theo tên lửa của Iran cung cấp cho Hamas. Chúng được chuyển bằng đường biển từ Iran qua Sudan, rồi đi đường bộ qua Ai cập để từ đó vào Gaza. 17 chiếc trong đoàn xe bị tiêu diệt cùng 39 người áp tải. Thủ tướng Olmert còn xác nhận rằng Israel sẽ tấn công bất cứ đâu nó có thể, dù xa hay gần, để tiêu diệt khủng bố.

Đăng ký bản quyền B-3

Hãng Northrop Grumman, nơi chế tạo ra B-2, vừa đăng ký bằng sáng chế cho thiết kế cho máy bay ném bom thế hệ kế tiếp (NGB) mà họ hy vọng sẽ được chấp thuận. Bản đăng ký chỉ mang tính ý tưởng sơ khai và vẫn còn xa mới đến được một thiết kế hoàn chỉnh, khi đó chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Tuy vậy, ta cũng có thể có một vài nhận xét sơ bộ về thế hệ máy bay ném bom kế tiếp của Mỹ.

Một điều chắn chắn là NGB sẽ thừa hưởng rất nhiều từ các thế hệ trước, đặc biệt là B-2, nhằm tiết kiệm chi phí phát triển. Người Mỹ thường phát triển các dự án máy bay mới của mình hoàn toàn mới so với các thế hệ trước, sử dụng những công nghệ mà thậm chí chưa xuất hiện tại thời điểm lên kế hoạch. Tuy vậy, việc thắt chặt chi phí quốc phòng cùng với việc lực lượng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ hiện vẫn chưa có đối thủ cả về công nghệ, số lượng và kinh nghiệm đã khiến không quân Mỹ chọn cách tiếp cận tiết kiệm và ít rủi ro hơn.

Hình dạng của NGB gần giống với B-2, bởi vì nó vẫn theo mô hình 'cánh bay', nghĩa là toàn bộ máy bay có hình dạng của 1 cánh lớn, thay vì chia ra thân máy bay, cánh máy bay như các máy bay thông thường. Điểm khác biệt là phần rìa không xuôi dài từ mũi xuống hết như B-2 mà được bẻ ra tạo thành 2 phần nhỏ. Trên thực tế, nó rất giống với mẫu máy bay ném bom không người lái X-47B mà Hải quân đang theo đuổi. Trên hình, X-47B bên trái, lưu ý là 2 hình không cùng tỷ lệ, X-47B nhỏ hơn NGB nhiều vì nó được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay.

Một điều nữa là NGB sẽ nhỏ hơn so với các thế hệ máy bay ném bom trước đó. Tải trọng của nó sẽ vào khoảng 80 - 100 tấn, 1 nửa so với B-2. Sở dĩ như vậy là vì NGB sẽ là máy bay ném bom đầu tiên được thiết kế sau sự ra đời và phổ biến của bom thông minh. Bom thông minh như JDAM hay SDB hiệu quả gấp nhiều chục lần so với bom không có điều khiển, do đó số lượng bom mang theo cũng giảm xuống. NGB sẽ thừa hưởng thiết kế khoang bom của B-2, nhưng chỉ có 1, thay vì 2 như B-2. Bản thân B-2 cũng đang trải qua một đợt nâng cấp ở thiết bị phóng trục xoay, cho phép nó mang theo cùng lúc nhiều loại vũ khí khác nhau.

Việc chỉ sử dụng 1 khoang bom và tạo ra 2 phần 'cánh' riêng biệt có 1 số lợi ích, nó cho phép kéo dài và mở rộng phần trung tâm dễ dàng hơn, vì việc điều chỉnh lại trọng tâm khí động học có thể được làm bằng việc thay đổi chiều dài và góc nghiêng của 2 phần 'cánh'. Thiết kế liền 1 mảnh như của B-2 không có được sự linh hoạt này. Kết quả cuối cùng có thể là một thiết kế dài hơn B-2, nhưng với sải cánh ngắn hơn, 40m thay vì 60m.

Tầm hoạt động có lẽ từ 2000 hải lý trở lên (không tính tiếp nhiên liệu trên không). NGB tiếp tục nhấn mạnh về khả năng tàng hình, đặc biệt là trước các radar sử dụng sóng dài, vốn vẫn được coi là vấn đề lớn nhất với máy bay tàng hình.

Ngoài ra, còn hàng loạt công nghệ khác mà NGB sẽ thừa hưởng và nâng cao từ B-2 như: radar AESA, liên lạc bảo mật vệ tinh, tự động phát hiện nguy hiểm và tránh né, cấu trúc sử dụng đa số là vật liệu composite. Nó sẽ không chỉ là một máy bay ném bom, mà còn có thể đóng vai trò trinh sát, tác chiến điện tử, trạm chuyển phát tín hiệu, hay thậm chí là một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Ngoài ra, trong tương lai, khi các loại vũ khí laser, sóng điện từ được chính thức sử dụng, NGB là ứng viên được trang bị đầu tiên.

Điều đặc biệt là 1 tuần sau, Grumman tiếp tục đăng ký một bằng sáng chế mới, với một thiết kế giống như thiết kế trước nhưng có thêm 2 cánh phụ ở mũi máy bay. Việc thêm vào này có thể ảnh hưởng nhiều đến khí động học cũng như khả năng tàng hình, do đó có thể đoán rằng chúng có thể cụp lại và xếp gọn vào trong thân máy bay.

Nhưng tại sao lại cần 2 cánh phụ này? Lí do có thể là vì đối với thiết kế 'cánh bay', tải trọng tối đa khi cất cánh nhỏ hơn tải trọng tối đa mà nó có thể mang theo. B-2, sau khi cất cánh và được tiếp nhiên liệu trên không, có thể đạt trọng lượng đến 122 tấn, 15 tấn nhiều hơn tải trọng cất cánh. Đó là vì nó không có đuôi, do đó khi cất cánh nó không thể có đủ lực để nâng mũi máy bay lên góc đủ để máy bay bay lên. Cánh phụ có thể cung cấp thêm lực nâng khi cất cánh, cho phép tăng tải trọng cất cánh tối đa.

Hiện nay, B-52 vẫn là máy bay ném bom hiệu quả nhất, vì nó có chi phí vận hành rẻ nhất. Tuy vậy, khi phải đối phó với những đối thủ có hệ thống phòng không hiện đại, B-1, B-2 hay NGB vẫn là sự lựa chọn. Hiện số giờ bay trung bình của B-52 là 16,000h, và nó được cho là vẫn có thể hoạt động tốt đến mức 28,000h, trong hơn 20 năm tới. Kể từ sau thế chiến, Mỹ đã phát triển 6 loại máy bay ném bom hạng nặng khác nhau: B-52, 240 tấn, năm 1955; B-58, 74 tấn, 1960; FB-111, 47 tấn, 1969; B-70, 260 tấn, 1960; B-1, 236 tấn, 1985; B-2, 181 tấn, 1992. Chương trình B-70 bị hủy giữa chừng.

Lực lượng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ hiện có 19 B-2, 67 B-1, 76 B-52.

26.3.09

Xung quanh là kẻ thù


Al Qaeda đang gặp khó khăn lớn tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, nơi trước kia từng là 'thiên đường' vì không có sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Trong 7 tháng qua, có 38 cuộc tấn công bằng tên lửa Hellfire từ các UAV, trong 3 năm trước đó, chỉ có khoảng hơn 1 chục lần. Nó khiến cho lãnh đạo Al Qeada mất ăn mất ngủ để tìm ra ai là kẻ chỉ điểm. Cho tới nay, 9 trong số 20 lãnh đạo cao cấp và hàng chục lãnh đạo cấp trung đã bị tiêu diệt.

Trước hết, Mỹ trong vài năm qua đã xây dựng được một mạng lưới đặc tình rộng trong khu vực. Bắt đầu từ cuối những năm 90, tình báo Mỹ quay lại Afghanistan xây dựng mạng lưới và từ đó mở rộng sang Pakistan nhờ vào các mối quan hệ bộ tộc. Sau 11/9, công tác này càng được đẩy mạnh. Cùng với đó là sự lớn mạnh của các phi đội Predator và sau này là Reaper. Trở ngại chủ yếu lúc đó là việc TT Musharaff thường phản đối việc Mỹ dùng UAV tấn công sang lãnh thổ Pakistan. Sau khi ông này từ chức, chính phủ dân sự mới của Pakistan dễ dãi hơn trong vấn đề này, miễn là phía Mỹ giữ càng bí mật càng tốt, vì những kẻ bị tiêu diệt cũng là những phần tử khủng bố đối với bản thân Pakistan.

Ngay cả những bộ lạc ủng hộ Taliban cũng sẵn sàng cung cấp tin để nhận tiền thưởng, vì với họ Al Qeada, với thành viên là dân a-rập, bị coi là 'ngoại bang'. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Al Qeada cố gắng áp đặt tư tưởng bảo thủ của mình lên các bộ tộc Pushtun, và khiến mâu thuẫn càng sâu rộng. Bản thân giới lãnh đạo Al Qeda coi các bộ tộc này như một lũ vô giáo dục, vì thật sự là rất nhiều lãnh đạo của Al Qeada có học thức rất cao, nhưng vấn đề là chúng không biết cách che giấu suy nghĩ của mình.

Nhỏ mới hiện đại!


Talon

Packbot



Hiện có khoảng 6000 robot loại nhỏ trong biên chế của BQP Mỹ, và hiện họ đang hủy hợp đồng chế tạo thêm hàng ngàn Packbot và Talon, 2 loại robot phổ biến nhất. Nguyên nhân chủ yếu vì các loại này được sử dụng chủ yếu để đối phó với bom tự tạo tại Iraq, nhưng khi mà hiện nay tình hình Iraq đã ổn định hơn nhiều thì nhu cầu không không còn nữa. Hiện người ta cần những loại nhỏ, hiện đại hơn, để bộ binh có thể mang chúng đi theo dễ dàng và sử dụng cho nhiều nhiệm vụ hơn.

PackBot nặng 14kg, Talon nặng 33kg, đều quá nặng đối với bộ binh có thể mang vác theo thường xuyên. Thế hệ robot kế tiếp, SUGV, có bề ngoài giống PackBot nặng 10kg, có thể mang tải trọng 2.2kg với 7 cấu hình khác nhau tùy nhiệm vụ như các loại cảm biến hay cánh tay robot. SUGV không thấm nước, chịu sốc, điều khiển từ xa hay qua cáp quang. Nó đủ chắc chắn để người lính có thể ném vào trong nhà qua cửa sổ để trinh sát bên trong trước khi bộ binh tiến vào. Nó còn có thể đóng vai trò cảnh giới, hoặc đặt mìn, bộc phá.

Hiện nay PackBot có pin đủ cho từ 2-12 giờ, tùy nhiệm vụ, nó cũng có thể được ném vào phòng và vẫn hoạt động được. Cảnh sát cũng sử dụng loại này khá rộng rãi.

Talon có thể được vũ trang bằng súng máy, và đóng vai trò như lính gác. Nó có thể được trang bị với súng máy 5.56mm, 7.62mm, 12.7mm hay thậm chí là súng phóng lựu 40mm.

Xu hướng tương lai là các robot có cảm biến ngày càng nhạy hơn, gần với các giác quan của con người, khả năng tự phân tích và ra quyết định cao hơn, không cần người điều khiển mà chỉ cần nghe mệnh lệnh bằng lời nói.

Pháo binh + Phòng không

MLRS


HIMARS


Spyder




Hãng Lockheed Martin vừa thử nghiệm thành công việc sử dụng giàn phóng hỏa tiễn cơ động (HIMARS) để phóng 2 tên lửa phòng không cải tiến AMRAAM.

HIMARS là một phiên bản thu nhỏ hệ thống pháo hỏa tiễn MLRS, từng được mệnh danh là "Mưa thép" ở Chiến tranh vùng Vịnh 1991. HIMARS ra đời để đáp ứng yêu cầu về một hệ thống gọn nhẹ, cơ động hơn, vì nó có thể được chuyên chở bởi máy bay vận tải C-130.

Cuộc thử nghiệm nằm trong một dự án nhằm biến HIMARS thành một hệ thống phóng chung cho cả hỏa tiễn đất đối đất và đất đối không. Hiện nay, HIMARS có thể chở theo 6 tên lửa GMLRS hoặc 1 ATACMS. GMLRS là tên lửa đối đất có tầm bắn hơn 70km và định vị bằng vệ tinh, cho nó độ chính xác không thua gì bom thông minh. Nó có nhiều chế độ kích nổ, như nổ trên không, nổ khi va chạm, hoặc nổ chậm. ATACMS có tầm bắn 165km nếu mang theo 950 quả đạn con, hoặc 300km với 300 đạn con, và có dẫn đường bằng vệ tinh. HIMARS có tầm hoạt động 480km, tốc độ tối đa 85km/h, trọng lượng 8 tấn, so với 15 tấn của MLRS. MLRS có thể mang theo gấp đôi số vũ khí của HIMARS.

Một điểm đặc biệt nữa của cuộc thử nghiệm này là việc sử dụng AMRAAM, một tên lửa không đối không, cho vai trò tên lửa không đối đất. Mặc dù chưa thật sự phổ biến, nhưng việc sử dụng các tên lửa không đối không, gắn trên chiến đấu cơ, cho các hệ thống phòng không có thể sẽ là một xu hướng nổi bật trong tương lai. Một ví dụ tiêu biểu là Spyder của Israel, hệ thống đầu tiên sử dụng cùng lúc 2 loại tên lửa khác nhau: Derby, dẫn bằng radar và Python, dẫn bằng đầu dò hồng ngoại. Cả 2 đều là tên lửa không đối không.

Kho bom di động


Không lực Mỹ, giống như lục quân và thủ quân lục chiến, dùng tàu chứa đạn dược triển khai sẵn tại các khu vực có khả năng nổ ra xung đột. Một trong số này là con tàu chở container MV Tech. Sgt. John A. Chapman, nặng 41,000 tấn, chứa bom thông minh và tên lửa. Nó có thể chở theo 1063 container loại 20 ft. Một số được chứa trong khoang có điều hòa không khí. Chapman di chuyển quanh khu vực Thái Bình Dương, và có thể triển khai tại những nơi như Đài loan, Triều tiên hay thậm chí tới vịnh Ba tư. Không lực Mỹ trả 1 triệu dollar một tháng để thuê và vận hành con tàu.

Tai nạn



Một chiếc máy bay cường kích Tornado của không quân Đức gặp tai nạn đi đang hạ cánh và bị lật ngửa cạnh đường băng hôm 23, hai phi công may mắn thoát ra kịp.

Chiếc máy bay thuộc Phi đoàn cường kích 33 và đang thực hiện một phi vụ huấn luyện đêm. Không quân Đức có 170 chiếc Tornado trong vai trò phi cơ ném bom chiến đấu, và 33 chiếc trong vai trò tác chiến điện tử, trinh sát. Con số này sẽ thay thế dần bằng Eurofighter. Ít nhất 85 chiếc vẫn sẽ được giữ lại tới 2020.

Một chiếc F-22 bị rơi gần căn cứ Edwards, Cali hôm 25 trong một chuyến bay thử. Phi công trên chiếc máy bay, David Cooley, tử nạn. Cooley là phi công thử nghiệm của Lockheed Martin và có 21 năm kinh nghiệm.

25.3.09

Tàu sân bay đầu tiên của NB từ sau CTTG II



Theo đúng kế hoạch, Nhật Bản vừa mới chính thức biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình sau thế chiến, chiếc Hyuga. Tuy vậy, chính thức thì nó được gọi là tàu khu trục chở trực thăng vì hiến pháp Nhật cấm nước này có tàu sân bay. Chức năng chính của nó chống tàu ngầm, tuy vậy, nó cũng cung cấp cho Nhật khả năng triển khai sức mạnh tầm xa lần đầu tiên kể từ thế chiến.

Hyuga có 16 ống phóng tên lửa Mk41 cho tên lửa phòng không và diệt hạm, 2 súng phòng không 6 nòng 20mm Phalanx, 6 ống phóng ngư lôi. Chiếc thứ hai thuộc loại này đang trong quá trình chế tạo và chiếc thứ 3 đã được lên kế hoạch.

24.3.09

Tiết lộ tình báo liên quan đến cơ sở hạt nhân Syria



Tháng 9/2007, không quân Israel thực hiện một cuộc đột kích ngoạn mục vào sâu trong lãnh thổ Syria và ném bom phá hủy một cơ sở nghiên cứu hạt nhân của nước này, lúc đó vẫn đang trong quá trình xây dựng. Những tiết lộ gần đây cho biết vì sao Israel biết được dự án này.

Nó bắt đầu khi một tướng Ali Reza Asghari, cựu thứ trưởng quốc phòng Iran, trốn sang Israel tháng 2/2007 và cho biết Iran đang tài trợ để Bắc Triều tiên xây dựng một cơ sở hạt nhân cho Syria. Vị trí này đã bị tình báo Mỹ để ý, nhưng họ chưa rõ nó nhằm mục đích gì.

Đến tháng 8/2007, Israel cử một đội biệt kích 12 người đổ bộ bằng trực thăng xuống khu vực đó, chụp ảnh và lấy mẫu đất. Phân tích sau đó xác nhận rằng có hoạt động hạt nhân trong khu vực. Tháng sau, Israel thực hiện cuộc oach tạc nhà máy. Theo ước tính, hơn một tỷ dollar đã được Iran đổ vào đây.

Sau một ném bom, Syria nhanh chóng dỡ bỏ toàn bộ khu vực, kể cả các phần không bị phá hủy, và xây dựng nó lại thành một trung tâm phóng và điều khiền tên lửa. Sau đó, các thanh sát viên LHQ cũng thanh tra và xác nhận sự tồn tại của uranium và graphite trong khu vực đó. Việc xóa bỏ hoàn toàn dấu vết của các hoạt động nghiên cứu hạt nhân là gần như không thể.

Một điều chắc chắn nữa là BTT có tham gia vào dự án này. Các chuyên gia BTT được thấy ra vào khu vực này thường xuyên. Và điều lý thú ở đây là khoảng 1 tuần sau cuộc ném bom, cả 2 phía Israel và Syria đều giữa im lặng và chỉ đến khi BTT phàn nàn về số chuyên gia của mình bị thiệt mạng thì công chúng mới biết đến cuộc không kích đó.

23.3.09

Hình ảnh tàu Hartford và New Orleans





Sau vụ va chạm vừa qua tại eo Hormuz, cả 2 hiện đang ở Bahrain, nơi đặt Bộ tư lệnh Hạm đội 5.

Nga hiện có 60 tàu ngầm

Delta IV
Typhoon

Akula



Một quan chức cao cấp của Hải quân Nga vừa xác nhận rằng hiện Nga đang duy trì một lực lượng tàu ngầm gồm 60 chiếc, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân và diesel-điện. Trong đó gồm 10 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa liên lục địa (SSBN), hơn 30 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và tàu ngầm diesel điện cùng một số tàu ngầm cho mục đích đặc biệt khác.

Việc Typhoon, loại tàu ngầm lớn nhất thế giới, bị nghỉ hưu sớm nhiều năm trước đã tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong hạm đội SSBN của Nga. Vì cần ít nhất 12 SSBN mới bảo đảm được khả năng răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm. Hiện xương sống của lực lượng SSBN Nga là các tàu lớp Delta III và IV, với khả năng mang 16 tên lửa. Do đó, Nga đang ưu tiên cho việc đóng các tàu ngầm chiến lược mới thuộc lớp Borey, mà chiếc đầu tiên là Yury Dolgoruky.

Lớp Borey dài 170m, rộng 13m, thủy thủ đoàn 107, độ sâu tối đa 450m, tốc độ tối đa 29 hải lý, có thể mang theo 16 tên lửa. Theo kế hoạch, đến 2015, Nga sẽ đóng xong 8 chiếc. Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là tàu ngầm mà là tên lửa mang theo, vì Bulava, loại tên lửa liên lục địa mớ dự định sẽ trang bị trên Borey hiện gặp nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, với tỷ lệ phóng không thành công tới 50%.

Nga hiện vẫn còn giữ lại 1 chiếc Typhoon để làm bệ phóng cho tên lửa Bulava trong các lần bắn thử. Hai chiếc nữa được giữ lại làm dự trữ.

Lực lượng tàu ngầm tấn công gồm các tàu loại Oscar II và Akula, được trang bị 24 tên lửa diệt hạm tầm xa Shipwreck. Chúng sẽ được bổ sung bằng những tàu ngầm mới thuộc lớp Graney trong khoảng 3 năm tới. Loại mới có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm xa tới 3100 dặm.

Tàu ngầm diesel điện chủ yếu là lớp Kilo, và sẽ dần được thay thế bằng lớp Lada, với lớp phủ chống sonar và tầm hoạt động xa hơn.
(Thêm)

So sánh J-10 và J-10B



J-10 là dự án chế tạo chiến đấu cơ hiện đại đầu tiên của TQ, bắt đầu cách đây 20 năm. Nó được dự tính sẽ là một máy bay đa năng cùng loại với Mig-29 hay F-16. Nó có 1 động cơ và có bề ngoài rất giống F-16. Quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn. TQ chỉ chính thức công bố thông tin về J-10 vào đầu năm 2007. Chỉ có một liên đội J-10 được triển khai gần eo biển Đài loan. Cả về tính năng của bản thân máy bay và khả năng của phi công thì J-10 chưa thể là đối thủ của F-16 của Đài loan. Hơn nữa, J-10 còn rất tốn kém để bảo trì.

Do đó, TQ tiếp tục cải tiến J-10 để cho ra J-10B, người ta cho rằng nó đã bay lần đầu vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng đến tuần rồi mới có những hình ảnh đầu tiên được lan truyền trong giới quân sự thế giới. Qua đó ta có thể thấy một vài thay đổi lớn từ J-10 (trên) qua J-10B (dưới).

Mũi máy bay dài hơn, và dạng oval, thay vì tròn. Gần như là một bản sao chính xác của mũi máy bay F-16, có thể do TQ dự tính sẽ trang bị radar AESA cho J-10B trong tương lai. Hiện nay chỉ có không lực Mỹ đã trang bị AESA cho các máy bay của mình.

Cửa hút gió mới, sử dụng công nghệ cũng đã được sử dụng tiên phong trên F-16 nhiều năm trước, cho phép giảm vận tốc và ổn định luồng khí vào động cơ mà không cần sử dụng nhiều cơ cấu phức tạp và nặng nề.

Cảm biến hồng ngoại gắn phía trước buồng lái.

Ảnh nổi (3 chiều) trên kính hiển thị thông tin.

Cánh đuôi dài hơn, có gắn thêm thiết bị chế áp điện tử.

Loại bỏ một ang-ten trên thân máy bay, ngay sau buồng lái.

Ống xả cũng có thay đổi nhỏ.

Khi nói về không quân TQ, người ta thường đề cập đến số máy bay mua của Nga. Hiển nhiên là những máy bay do TQ sản xuất không thể bì kịp máy bay của Nga. Nhưng về mặt chiến lược, những chiếc như họ J-10 quan trọng hơn, khi mà Nga đã quá mệt mỏi với việc thường xuyên bị TQ ăn cắp công nghệ, thậm chí để sản xuất những bản copy giá rẻ cạnh tranh với chính vũ khí Nga trên thị trường. Trong tương lai chắc chắn Nga sẽ không bán vũ khí cho TQ một cách thoải mái như trước đây, khi họ còn đang rất cần tiền. Việc Nga từ chối bán Su-33, phiên bản Su-27 dùng cho hải quân, là một ví dụ.

22.3.09

Chú ý - Khu vực thường xảy ra tai nạn!


Trong 5 năm qua, đã có 3 vụ va chạm liên quan đến các tàu ngầm tấn công của hải quân Mỹ tại vùng Vịnh. Gần đây nhất, ngày 20/3, tàu đổ bộ 24,000 tấn USS New Orleans va chạm với tàu ngầm 7000 tấn USS Hartford tại eo biển Hormuz. 15 thủ thủ trên Hartford bị thương nhẹ, tàu New Orleans bị thủng một khoang nhiên liệu, làm tràn ra gần 100,000 lít dầu. Cả 2 sau đó đều có thể tự trở về cảng.

Tháng 1/2007, tàu ngầm USS Newport News va chạm với tàu chở dầu Mogamigawa 300,000 tấn. Tàu chở dầu bị một vết thủng dài 35m, một thiết bị sonar của tàu ngầm bị hỏng nặng. Cuộc điều tra cho thấy tàu dầu khi đi qua phía trên tàu ngầm với tốc độ cao đã tạo ra hiện tượng hút, kéo con tàu ngầm nặng 6,300 tấn lên phía trên.

Cuối năm 2005, tàu ngầm USS Philadelphia va chạm với một tàu chở hàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực vùng Vịnh nói chung và eo Hormuz là những khu vực có hoạt động đi lại trên biển rất nhộn nhịp. Hải quân Mỹ thường xuyên triển khai từ 1 đền 2 tàu ngầm tấn công ở đây. Độ sâu trung bình ở đây là 50m, trong khi một tàu ngầm tấn công thường có độ cao khoảng 18m. Khu vực eo biển Hormuz lại càng nông hơn và không có nhiều không gian cho tàu ngầm.

Máy bay Nga 'hạ' 3 chiếc F-16


Tại Afghanistan, một chiếc máy bay vận tải của Nga khi lăn bánh ra vị trí cất cánh đã di chuyển quá gần 4 chiếc F-16 của Bỉ. Đất đá do luồng phản lực từ động cơ của máy bay Nga thổi lên bay vào cửa hút gió của những chiếc F-16 và phá hủy động cơ của 3 chiếc đến mức không thể sửa chữa được tại chỗ và người ta phải chở các động cơ khác đến thay thế.

Sản xuất hàng loạt V-22





BQP Mỹ vừa đặt mua thêm 172 máy bay chong chóng xoay V-22. Trong số đó, 141 cho thủy quân lục chiến, 31 cho Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM).

Phiên bản cho TQLC, MV-22, có thể chở 24 lính với tầm hoạt động 700km với tốc độ 400km/h. Ngoài ra, nó còn có thể tải theo 5 tấn hàng treo dưới thân đi xa 135km. Phiên bản cho SOCOM, CV-22, được trang bị rất nhiều thiết bị điện tử để có thể đột nhập sâu vào lãnh thổ đối phương, ví dụ như radar quét địa hình cho phép máy bay bay rất thấp, các thiết bị cảnh báo, gây nhiễu v.v…Ngoài ra, dung tích nhiên liệu của nó lớn hơn MV-22 khoảng 3500 lít, nâng tầm hoạt động lên 1000km.

SOCOM đang thử nghiệm việc vũ trang cho V-22 bằng việc trang bị một súng máy GAU-2B gắn dưới bụng máy bay. Nó là một súng máy 6 nòng cỡ 7.62mm (cùng cỡ nòng AK) và được điều khiển từ xa. Nhịp bắn là 3000 viên một phút, tầm bắn 1500m. Một nhân viên phi hành đoàn sẽ điều khiển nó bằng một trình điều khiển giống trò chơi điện tử. Ban đầu người ta dự định trang bị 1 súng máy nòng đơn 12.7mm, có tầm bắn xa hơn. Nhưng từ thực tế, người ta cho rằng nhịp bắn cao của súng máy đa nòng có ích hơn.

Trung Quốc - Cầm cự trong 1 tuần



Bên kia bờ eo biển, Đài loan đã cắt giảm quy mô lực lượng vũ trang của mình trong 5 năm qua, từ 350,000 xuống 275,000 và mục tiêu là 215,000 năm 2014. Tới đó, toàn bộ quân đội sẽ là lính tình nguyện. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng cho việc trang bị vũ khí. Trong liên minh quân sự với Mỹ, Đài loan cần phải có khả năng cầm cự được 1 tuần trong trường hợp bị TQ tấn công trước khi Mỹ có thể tới ứng cứu, chủ yếu là khả năng giữ cho các sân bay quân sự hoạt động được trong thời gian đó. Đây chắc chắn là mục tiêu chính của hàng trăm tên lửa đạn đạo mà TQ đang sở hữu.

Việc Mỹ từ chối bán 60 chiến đấu cơ F-16 khiến cho Đài loan càng quyết tâm trong việc tự chế tạo vũ khí cho mình. Họ vừa nối lại việc nghiên cứu tên lửa hành trình Hsiung Feng 2E, cũng như tiếp tục nghiên cứu chế tạo bom thông minh cho riêng mình.

Hsiung Feng 2E nặng 1 tấn, với đầu đạn 200kg, tầm bay 600km. Nó được phát triển lên từ tên lửa diệt hạm Hsiung Feng 2, năng 685kg, tầm bắn 160km.

Trung Quốc trong thời gian dài qua đã cố gắng thuyết phục Bắc Triều Tiên giảm chi tiêu cho quân sự mà giành bớt một phần cho phát triển kinh tế nhưng không thành công. TQ lo sợ rằng việc BTT sụp đổ sẽ khiến hàng triệu người tị nạn tràn sang đất của họ.

Quân đội TQ vừa cho tốt nghiệp khóa sĩ quan quan hệ công chúng đầu tiên của mình để có thể tự thực hiện công tác PR cho riêng mình.