16.5.09

Xài tạm hàng tàu


Mặc dù hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-300 giữa Iran và Nga từng được coi là chắn chắn, nhưng cho tới nay Nga vẫn chưa chuyển hàng cho Iran. Có nhiều lí do, trong đó Nga một mặt chịu sức ép của phương Tây, mặt khác lại cũng muốn dùng nó như một con bài để mặc cả với Mỹ. Ngoài ra, Israel chắc chắn không muốn kẻ thù của mình có được một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới hiện nay, mà Nga thì lại rất cần công nghệ UAV của Israel.

Do đó, cạn dần hy vọng với Nga, Iran đang xoay sang TQ, với hệ thống HQ9. Nó được xem như là một bản sao, kết hợp công nghệ chôm chỉa được từ cả S-300 và Patriot của Mỹ. Tầm hoạt động của nó với mục tiêu máy bay khoảng 120km, so với 150km của S-300, và chắc chắn hiệu quả cũng không thể bằng được. Tầm bắn của HQ9 nếu mục tiêu là tên lửa không đối đất là 7-50km, độ cao 1-18km. Mục tiêu là tên lửa hành trình thì tầm bắn là 7-15km, độ cao tối thiểu 25m. Nếu là tên lửa đạn đạo thì tầm từ 7-25km, độ cao 2-15km.

S-300 được coi là hệ thống có khả năng chống nhiễu cao và có thể tác chiến cùng lúc với 100 mục tiêu khác nhau.

Việc TQ copy công nghệ của Nga không còn là điều gì mới mẻ, bản thân Nga biết rõ điều đó, nhưng vì quá cần những đồng dollar của TQ nên họ đành làm ngơ. Tuy vậy, mâu thuẫn càng ngày càng lớn, khi mà những TQ dùng những sản phẩm copy giá rẻ đó, từ tên lửa cho tới máy bay chiến đấu, để cạnh tranh với chính hàng của Nga trên thị trường thế giới. Do đó, gần đây Nga trở nên chặt chẽ hơn với vị khách hàng lớn nhất của mình, tiêu biểu là việc từ chối bán Su-33, phiên bản của Su-27 dùng cho tàu sân bay.

Trong khi đó, tiếp tục có tin đồn về việc Israel đang ở trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho việc oanh kích các cơ sở hạt nhân của Iran.

Châu Á - Chạy đua hải quân


Một công ty tư vấn vừa đưa ra dự đoán rằng trong 5 năm tới, các nước châu Á sẽ chi tổng cộng 60 tỷ dollar để hiện đại hóa hải quân. Nó còn lớn hơn cả con số của các nước NATO, trừ Mỹ. Theo đó, trọng tâm sẽ là tàu ngầm, khu trục hạm hạng nhẹ và tàu sân bay. TQ, Nhật, Hàn quốc sẽ là 3 nước dẫn đầu. Ấn độ cũng sẽ đầu tư mạnh tay, Singapore tiếp tục duy trì hạm đội vốn đã hiện đại của mình. Úc thì vừa công bố sách trắng trong đó tuyên bố sẽ đầu tư mạnh cho hải quân, đặc biệt là tàu ngầm. Malaysia, Indo, Thái lan cũng sẽ hiện đại hóa hải quân. Có thể nói, các nước châu Á ngày càng ý thức được ý nghĩa sống còn của biển đối với an ninh và sự thịnh vượng của mình.

Tàu ngầm của Iran


Bức không ảnh chụp quân cảng của Iran tại Bandar Abbas. Phía tay trái là chiếc Kilo, còn phía phải là 4 chiếc tàu ngầm mini, có lẽ là loại Yugo. Chúng có thể được dùng để chuyên chở biệt kích, rải mìn, do thám…Iran còn 2 chiếc Kilo nữa, nhưng không có mặt ở đây.

Khách sộp


Năm nay có vẻ sẽ là một năm rất thành công của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nếu như những phỏng đoán về một loạt hợp đồng quân sự với Algieri là sự thật. Giá trị của số hợp đồng này có thể lên đến 7.5 tỷ dollar. Để so sánh, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga trong 2 năm 2004, 2005 chỉ khoảng 8-10 tỷ dollar. Theo lời một quan chức Nga thì số hợp đồng này bao gồm hầu như mọi loại vũ khí mà Nga xuất khẩu. Một trong những động lực khiến Algieri chịu chi như vậy, mặc dù trước đó họ đã trả lại 28 chiếc Mig-29 vì lí do chất lượng, là việc Nga sẽ đầu tư phát triển tiềm năng dầu khí của nước này.

15.5.09

Pháo thông minh


Công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh không chỉ áp dụng cho không quân, bom thông minh, mà còn cho pháo binh. GMLRS là tên lửa của lục quân được trang bị công nghệ dẫn đường bằng GPS do đó có độ chính xác cao tương đương bom thông minh. Nó có thể được phóng đi bằng giàn phóng MLRS hoặc HIMARS. Trong đó HIMARS hiện được ưa chuộng hơn mặc dù chỉ mang được 6 rocket thay vì 12 của MLRS, do nó gọn nhẹ hơn, có thể được chở đi trong 1 chiếc C-130.

GMLRS dựa trên mẫu rocket cỡ 227mm, tầm bắn tối đa được công bố trước đây là 70km, nhưng năm ngoái nó đã đạt tới tầm 85km. Tuy vậy, điểm mạnh nhất của nó nằm ở độ chính xác, cho phép chỉ cần dùng 1 tên lửa để đạt được hiệu quả của hơn 1 chục tên lửa thông thường. Tại những nơi như Afghanistan, chỉ cần một xe HIMARS là đủ để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh trong một khu vực rộng hơn 20 ngàn km vuông.

GMLRS đã xuất hiện từ 5 năm trước, trong khi đó, nỗ lực để trang bị GPS cho đạn pháo gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu vì gia tốc của đạn pháo lớn hơn rất nhiều so với hỏa tiễn, có thể tới 16000G, 1 G = gia tốc trọng trường, một thách thức rất lớn cho các thiết bị điện tử tinh vi. Mãi gần đây, người ta mới thành công với Excalibur. Và cũng như GMLRS, nó tạo nên một cuộc cách mạng nhỏ trong tác chiến trên bộ.

Vũ trang cho V-22


Khi được triển khai tới Afghanistan, V-22 sẽ được trang bị một súng máy đa nòng cỡ 7.62mm. Súng được điều khiển từ xa thông qua 1 camera. Nó chủ yếu được dùng để phòng thủ, tự bảo vệ chứ không phải nhằm biền V-22 thành một máy bay tấn công.

Súng nước chống hải tặc



Khi mà nạn hải tặc ở Somali vẫn đang nóng bỏng, các chuyến tàu hàng phải tìm cách bảo vệ mình. Việc đem theo vũ khí vẫn được xem là không khả thi, vì đa số các cảng có quy định rất chặt chẽ cấm các tàu hàng mang theo vũ khí. Do đó, họ phải xoay xở với những gì mình có. Một trong những cách thức hữu dụng nhất là dùng những vòi chữa lữa có sẵn trên mọi con tàu để đẩy lùi những xuồng cao tốc của hải tặc.

Từ đó, Unifire, một hãng chuyên sản xuất thiết bị chữa lửa của Thụy điển và Raytheon, một đại gia quốc phòng, đã hợp tác cho ra đời một hệ thống vòi rồng chuyên dùng để chống lại hải tặc. Nó có thể làm chìm một xuồng hơi ở khoảng cách 100m. Sức mạnh của luồng nước đủ để đẩy một vật 85kg đi xa 75m. Ngoài ra, nó còn có thể phun bột tiêu đi xa 200m. Lượng nước nó đẩy đi trong 1 phút là 5000 lít.

Đặc biệt, nó có thể được điều khiển từ xa, do đó thủy thủ không cần phải lộ diện trước làn đạn của hải tặc. Hệ thống có một bộ theo dõi vật thể nhỏ trên mặt nước. Chủ yếu gồm một bộ vi xử lý đặc biệt nối với radar định hướng có sẵn trên tàu, cho phép nó phát hiện và theo dõi những mục tiêu di động nhỏ trên mặt biển. Khi đó, một camera sẽ được hướng về phía mục tiêu tình nghi để xác định lại chính xác hơn.

Nga xây dựng lại trường đào tạo phi công hải quân


Nga sẽ chi 730 triệu dollar để xây dựng một trung tâm đào tạo phi công hải quân, hoạt động trên tàu sân bay, ở Eisk, trên bờ biển Azov. Dưới thời LX, trung tâm duy nhất thuộc loại này nằm ở Ukraina, do đó, sau 1991, Nga không có nơi để đào tạo các phi công hải quân của mình. Trong khi đó, Ukraina lại không có nhu cầu đó nên đang đề nghị cho các nước khác thuê lại, đặc biệt là TQ.

Một năm trước, hải quân Nga thông báo rằng họ đã nhận được sự đồng ý về kế hoạch xây dựng một đội tàu sân bay lớn. Việc chế tạo chiếc đầu tiên dự kiến bắt đầu trong 3-4 năm nữa. Nga hy vọng sẽ có 5-6 chiếc trong vòng nửa thế kỷ tới.

14.5.09

Quái vật ở Kandahar


Một bức ảnh vừa được đăng trên một tạp chí hàng không của Pháp, nó được gửi đến từ 2007 nhưng mãi đến bây giờ mới được công bố. Vật thể trong bức ảnh được cho là một mẫu UAV bí mật đang hoạt động ở sân bay Kandahar, Afghanistan. Nếu đúng vậy thì đây là mẫu UAV đầu tiên sử dụng thiết kế 'cánh bay', nghĩa là toàn bộ chiếc máy bay là 1 cái cánh lớn. Những lời đồn đại về một máy bay không người lái bí mật ở Kandahar đã xuất hiện từ khá lâu, thậm chí người ta đã phác thảo lại hình dạng của nó theo lời các nhân chứng, và nó được gọi là quái vật ở Kandahar. Đối chiếu với ảnh thực thì độ tương đồng là rất lớn, và nó gần như đã khẳng định sự tồn tại của chiếc UAV này. Thiết kế 'cánh bay' có diện tích cung cấp lực nâng lớn, do đó tăng thời gian hoạt động, đồng thời nó cũng là một thiết kế có tính 'tàng hình'.



13.5.09

Phi đoàn 1 máy bay


Không quân Mỹ đang thực hiện một đợt nâng cấp lớn cho những chiếc B-2 của mình. Chiếc đầu tiên vừa mới được hoàn thành và bàn giao lại. Đợt nâng cấp này gồm một radar quét điện tử chủ động (AESA) mới và nâng cấp đường truyền vệ tinh.

AESA là công nghệ radar hiện đại nhất hiện nay, nó gồm hàng ngàn radar nhỏ hoạt động độc lập với nhau. Radar trên B-2 đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm bám địa hình, cảnh báo trên không, xác định điều kiện thời tiết, nhưng quan trọng nhất là phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên mặt đất. Do đặc tính như trên của AESA, B-2 có thể phát hiện và theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu cùng 1 lúc với độ chính xác cao.

B-2, ban đầu được thiết kế với nhiệm vụ xâm nhập lãnh thổ Liên Xô, truy tìm và tiêu diệt các giàn phóng tên lửa liên lục địa di động, sau này được chuyển sang vai trò mang vũ khí thông thường. B-2 có thể mang theo 80 quả bom thông minh JDAM loại 250kg. Do dẫn đường bằng vệ tinh nên chúng có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập cùng lúc. Trên thực tế, với 80 JDAM, 1 chiếc B-2 có thể tấn công 80 mục tiêu khác nhau. Như trong đoạn clip dưới đây, thực hiện 2003, một chiếc B-2, chỉ với 1 lần bay qua, tấn công 80 vị trí khác nhau của 1 sân bay quân sự giả lập, gồm nhiều loại mục tiêu khác nhau, như đài chỉ huy, kho xăng, nhà chứa máy bay, hệ thống phòng không, đường băng, một khẩu độ Scud…Các mục tiêu đều bị đánh trúng với độ chính xác cao, thậm chí là bị trúng từ nhiều góc độ khác nhau.


Nay, với đợt nâng cấp này, B-2 có thể tự mình tìm kiếm các mục tiêu đó và tấn công chúng cùng lúc. Trước kia, B-2 cũng có radar để tìm mục tiêu trên mặt đất, nhưng không có được độ chính xác và khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu như của AESA.

Và nếu theo JDAM bằng LJDAM thì B-2 có thể tấn công 80 mục tiêu bất kể đó là mục tiêu di động hay cố định. Ngoài ra, có thể thay bằng bom SFW CBU-105 nếu phải tấn công một đội hình cơ giới lớn. CBU-105 nặng nửa tấn, điều khiển bằng GPS và có 10 quả bom con. Mỗi quả sẽ dùng dù để giảm tốc độ sau khi được thả ra từ bom mẹ. Mỗi quả bom con sau đó lại bung ra thành 4 đầu đạn, mỗi cái trang bị cảm biến hồng ngoại riêng và dùng một đầu nổ định hướng để xuyên thủng lớp giáp trên nóc xe tăng, là một trong những phần có lớp giáp mỏng nhất. Nếu không phát hiện được xe tăng, nó sẽ tấn công bất cứ phương tiên cơ giới nào trong bán kính 100m. Nếu vẫn không có, nó sẽ tự hủy trên mặt đất. Một B-2 có thể mang theo 20 SFW, mỗi SFW có thể tấn công 40 mục tiêu di động khác nhau. Người ta gọi B-2 khi đó là sát thủ của các sư đoàn thiết giáp.

Ngoài ra, đường truyền vệ tinh mới cho phép B-2 nhanh chóng chia sẻ thông tin về vị trí mục tiêu với nhiều phương tiện khác, bao gồm cả UAV.

Với tính năng tàng hình của mình, cộng với khả năng tác chiến độc lập, tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với độ chính xác cao, một chiếc B-2 có thể hoàn thành nhiệm vụ mà thông thường phải cần cả một phi đoàn.

SDB - Thế hệ 2 của bom dẫn đường bằng vệ tinh




Sự xuất hiện của JDAM, loại bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh đầu tiên, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong tác chiến. Mặc dù trước đó đã có một số công nghệ chính xác cho vũ khí không lực khác, như dẫn bằng camera gắn ở đầu quả bom, dẫn bằng hồng ngoại, và đặc biệt là bằng laser; nhưng chúng có nhiều nhược điểm làm hạn chế việc sử dụng rộng rãi mà chỉ trong một số ít nhiệm vụ đặc biệt. Giá thành đắt, phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài (mây, sương mù, khói, bão cát…) là những lí do quan trọng nhất. Ngoài ra, chúng còn bị hạn chế về tầm hoạt động vì cơ chế dẫn đường đòi hỏi nó phải 'nhìn thấy' mục tiêu.

Dẫn đường bằng vệ tinh khắc phục những nhược điểm trên, tất cả gì cần thiết là tọa độ của mục tiêu. Do đó, nó không phụ thuộc vào điều kiện môi trường bên ngoài. Và máy bay cũng không cần phải 'nhìn thấy' mục tiêu nên không ảnh hưởng đến tầm hoạt động. Tùy vào độ cao khi thả bom, JDAM có thể lướt đi 40-70km đến mục tiêu nếu được trang bị những cánh lái lớn hay thậm chí là động cơ rocket nhỏ thì JDAM có thể trở thành một loại tên lửa hành trình mini. Bên cạnh đó, khi sử dụng công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh, một máy bay có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu.Ngoài ra, giá thành của nó cũng rẻ hơn.

Thực chất, JDAM không phải là một loại bom được thiết kế riêng biệt mà gồm những bộ thiết bị gắn thêm vào những quả bom thông thường. Và đó là điểm khác biệt lớn giữa JDAM và hậu sinh của mình, SDB.

SDB là một loại bom dẫn đường bằng vệ tinh (GPS) được thiết kế hoàn chỉnh như một loại vũ khí riêng biệt. Nó trông giống một tên lửa hơn là một quả bom, với một bộ cánh xếp, cho phép nó lướt đi gần 100km, hình dạng thuôn dài tạo khả năng xuyên tương đương với loại bom 1 tấn mặc dù nó chỉ nặng 120kg.

SDB có kích thước nhỏ, chỉ 120kg, so với 250kg của loại JDAM nhỏ nhất. Lí do vì khi mà độ chính xác của vũ khí ngày càng cao thì yêu cầu về sức công phá cũng giảm xuống. Điều đó cho phép một chiếc máy bay mang nhiều bom hơn, đồng thời giảm thiệt hại phụ, đặc biệt nếu nó được sử dụng trong thành thị.

SDB được thiết kế để cho một lốc 4 bom có thể được treo trên cùng 1 điểm treo vũ khí, thay vì chỉ 1 như loại bom thường. Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn cũng thích hợp cho việc trang bị trong các máy bay tàng hình có khoang chứa vũ khí kín như F-22 và F-35. Như trong đoạn video đầu tiên là F-22. Bên cạnh đó, công nghệ dẫn đường trên SDB hiện đại hơn JDAM, dù cùng một cơ chế, cho phép tăng độ chính xác. Với SDB, một chiếc máy bay có thể tấn công nhiều mục tiêu hơn với mức độ hiệu quả không đổi.

Trong đoạn clip dưới là SDB được không quân Israel sử dụng trong chiến dịch Cast Lead tại Gaza. Đó là nơi rất thích hợp cho SDB, vì Hamas luôn tìm cách chen lẫn các cơ sở của mình vào khu vực dân cư. Do đó, cần một loại bom không quá lớn, đồng thời vẫn phải có độ chính xác và sức xuyên để phá sập các đường hầm dùng để chuyển lậu vũ khí từ Ai cập qua Gaza.

Hiện nay, hệ thống vệ tinh định vị duy nhất đang hoạt động đầy đủ, nghĩa là phủ sóng toàn bộ trái đất 24/24, là GPS của quân đội Mỹ. Trong tương lai có thể có thêm Glonass của Nga, Baidu của TQ và Galilleo của Châu Âu

Bộ đôi từ Thụy Điển



Không quân Thái lan hiện tại gồm các máy bay F-5 của những năm 60-70, máy bay phản lực lên thẳng Harrier II và F-16A/B. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã được trang bị những máy bay của dòng Su27/30 hiện đại hơn nhiều. Do đó, họ vừa bỏ ra 1.1 tỷ dollar để mua 12 chiếc chiến đấu cơ đa năng Gripen và 2 máy bay cảnh báo sớm (AWACS) Erieye. Số Gripen sẽ thay thế cho loại F-5 B/E đã quá cũ, trừ một số F-5 đã được Israel nâng cấp lên F-5T, trang bị hệ thống hiển thị thông tin trực tiếp, tên lửa không đối không tầm gần Python.

Gripen là một mẫu chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ, có thể hạ và cất cánh trên đường bộ bình thường, trang bị những công nghệ mới nhất, giá rẻ và chi phí vận hành thấp.

Erieye AWACS sử dụng một radar quét điện tử chủ động với 200 module. Góc quét ở mỗi bên là 160 độ, tầm hoạt động tối đa của radar là 450km, tầm hiệu quả với máy bay hay tàu chiến là 300-330km. Nó có thể tập trung quét một vài khu vực trong khi theo dõi các khu vực còn lại, hoặc quét 1 khu vực bằng nhiều chế độ cùng lúc.

12.5.09

Hệ thống phòng không của Đài loan

Đảo quốc Đài loan nằm cách bờ biển TQ chưa đầy 200km và luôn phải đối mặt với nguy cơ từ hàng ngàn tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu. Do đó, hệ thống phòng không đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng thủ ở đây.

Lịch sử ra đời

Hệ thống phòng không chiến lược của DL ra đời từ những năm 50 thông qua một đợt triển khai bí mật của Mỹ tại đây. Nhân lực và thiết bị từ Mỹ được chuyển qua để thành lập 4 khẩu đội tên lửa phòng không Nike-Hercules dọc bờ biển tây bắc. Sau 1 năm, DL tiếp quản 4 khẩu đội này và đến những năm 70 mua thêm khẩu đội nữa. Hệ thống này được về hưu 1996.

Tổng quan

Phần lớn của hệ thống phòng không được đặt ở phía tây và bắc của hòn đảo, bao phủ phần không gian ở eo biển DL ngăn cách với TQ. 11 cơ sở radar cảnh báo sớm giám sát vùng trời, tấn công mục tiêu là nhiệm vụ của 22 khẩu đội cố định, gồm Hawk, Patriot và Tien Kung. Tầm hoạt động của các hệ thống này lần lượt và 40km, 160km và 200km. Ngoài ra, còn có 22 hệ thống phòng không tầm gần Skyguard bảo vệ các trung tâm dân cư lớn và căn cứ quân sự, một số được trang bị Sparrow, tầm 18km. Hình dưới đây là sơ đồ tổng quan hệ thống phòng không DL.

Các radar cảnh báo sớm được ký hiệu hình kim cương màu xanh lam. Căn cứ thử tên lửa là hình vuông màu nâu. Các vị trí tên lửa được ký hiệu hình tam giác, với các mã màu:

Cam: Hawk
Vàng: Patriot
Đỏ: Tien Kung
Xanh lục: Sparrow
Trắng: không hoạt động




Hawk

DL mua Hawk từ những năm 60. Hiện có tổng cộng 13 vị trí có triển khai các khẩu đội Hawk. Vị trí của chúng được thể hiện trong hình dưới, cùng với tầm bao phủ của chúng.

Tien Kung

Được phát triển từ những năm 80, gồm 2 phiên bản TK-1 và TK-2, TK-3 chuyên dùng để chống tên lửa đạn đạo đang trong quá trình phát triển.

TK-1 có thể được bố trí di động hay cố định. Tầm hoạt động 100km. TK-2 bố trí cố định, tầm 200km, có bổ sung một đầu dò radar chủ động, còn TK-1 sử dụng đầu dò thụ động, nhận tín hiệu từ radar chính của hệ thống phản xạ vào mục tiêu.

Có 6 vị trí tên lửa cố định, tên lửa được chứa trong những hầm chứa (silo) giống như tên lửa đạn đạo hạt nhân. Không có hệ thống phòng không nào khác dùng hầm chứa như TK.

Mỗi vị trí gồm 5 khu phức hợp hần ngầm, mỗi cái lại chứa 4 ống phóng, mỗi ống phóng có 4 tên lửa. Tổng cộng là 80 tên lửa. Hình dưới là không ảnh của một vị trí tên lửa TK được cải tạo từ căn cứ cũ của Nike (MIM-14).

Ngoài ra còn có 2 hệ thống radar. Mỗi cái cách nhau 1-4km.

Vị trí và tầm bao phủ của các vị trí trên được hiển thị trong hình dưới đây.




Patriot

DL mua 3 khẩu đội Patriot vào 1993, được sử dụng chủ yếu trong vai trò chống tên lửa đạn đạo và bảo vệ thủ đô. Vị trí của chúng được thể hiện trong hình dưới.





Skyguard - Sparrow

Đóng vai trò phòng thủ bảo vệ điểm.




Tổng kết

Với 1300-1500 tên lửa và hàng trăm máy bay mà TQ triển khai nhắm vào DL, rất khó để đảo quốc này có thể triển khai được một hệ thống phòng không tương xứng. Tuy vậy, họ có thể ngăn việc TQ tiêu diệt các cơ sở quân sự quan trọng một cách chớp nhoáng bằng việc kết hợp giữa tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu.

TK sẽ đóng vai trò đánh chặn đội hình máy bay đối phương từ xa trong khi các máy bay chiến đấu giữ nguyên vị trí, chờ để tiêu diệt số còn lại. Số tên lửa hành trình hay máy bay lọt qua sẽ được đảm trách bởi Hawk hay Skyguard. Tên lửa từ tàu chiến cũng có thể hỗ trợ việc phòng thủ.

Hệ thống phòng không của DL được bố trí tương đối tốt, với nhiều hệ thống có tầm hoạt động chồng lấn nhau, tăng khả năng đánh trúng.










10.5.09

Bản chất con người


Giới quân sự thường xuyên áp dụng những phát kiến của giới kinh doanh vào hoạt động của mình. Một ví dụ tiêu biểu là sự ra đời của các Đội nghiên cứu con người (HTT). Nhiệm vụ của nó là tìm hiểu, ghi nhận các đặc điểm về tâm lý, thái độ, giá trị sống, cấu trúc quyền lực tại những khu vực khác tại nhau tại Iraq và Afghanistan cho lục quân Mỹ. Sử dụng những chuyên gia về nhân chủng học và các ngành xã hội khác, nó cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cư dân tại 1 địa phương nào đó.

Những hoạt động như vậy đã rất quen thuộc trong ngành marketing, nghiên cứu thị trường. Muốn mở một quán ăn? Thuê một công ty nghiên cứu thị trường và họ sẽ cho bạn biết những ai đang sống trong khu vực đó, khẩu vị, thói quen ăn uống của họ như thế nào, và đã có những quán ăn nào đã ở đó. Giới quân sự thì quan tâm nhiều nhất đến việc tìm ra những người có quyền lực ngầm, có ảnh hưởng lớn nhất đến với dân cư trong một khu vực nhất định.
Một đội HTT thường có từ 5-8 người, trong đó ít nhất 1 người thông thạo ngôn ngữ địa phương. Những người khác thường là những quân nhân dự bị có trình độ về lĩnh vực mà HTT yêu cầu. Một số có thể là những người hoàn toàn có xuất xứ dân sự, họ thường tham gia vì lí do yêu nước hoặc có cơ hội nghiên cứu trong môi trường chiến tranh.

Một trong những lí do chính khiến HTT trở nên quan trọng trong chiến lược bình định ở Iraq hay Afghanistan là nó được xem là một trong những phương pháp phi bạo lực. Tuy vậy, chiến tranh thì vẫn là chiến tranh, và không ai có thể thoát khỏi sự tàn bạo của nó.

Ngày 4/11 năm ngoái, Don Ayala, một nhân viên hợp đồng cho một HTT, có một chuyến tuần tra cùng Paula Loyd gần làng Chehel Ghazni, Afghanistan. Trong hình Ayala bên trái và Loyd bên tay phải. Loyd là một nhà khoa học xã hội và không mang vũ khí, khi đó tới bắt chuyện với Abdul Salam, đang vác theo một bình xăng. Họ bắt đầu tán gẫu về chuyện giá xăng dầu thì bất ngờ Salam tưới xăng lên Loyd và bật lửa. Ngọn lửa bùng lên khiến mọi người gần đó phải lùi lại. Bọn trẻ đứng quanh đó hoảng sợ bỏ chạy. Trong vài giây sau đó, không ai có thể tới gần cô để giúp dập lửa, trước khi những người ở gần có thể đẩy cô xuống đất. Quân y của trung đội cố gắng dập lửa bằng cát và kéo cô vào một rãnh nước nông gần đó. Toàn bộ quần áo của cô bị cháy rụi, chỉ còn lại nón sắt và áo giáp. Người ta sau đó xác định cô bị bỏng độ 2 và 3 trên 60% diện tích cơ thể. Đến tháng 1, cô qua đời vì những vết bỏng.

Ayala đuổi theo Salam, vật ngã hắn và trói 2 tay lại. 10 phút sau, một người lính tới đó và kể với Ayala rằng Loyd trong tình trạng rất nguy kịch. Ayala rút khẩu súng lục của mình ra, kề vào đầu Salam và nổ súng, giết chết người này ngay lập tức- theo lời của Cục điều tra hình sự quân đội.

Ayala bị bắt và chở về Mỹ xét xử theo tội danh giết người. Sau đó, ông bị tuyên tội ngộ sát. Công tố viên liên bang cho rằng Ayala xứng đáng bị trừng phạt nặng vì hành động của ông tạo ra một tiền lệ xấu cho những binh lính khác, khiến họ quên đi một trong những luật lệ cơ bản nhất là 'không bắn tù binh'. Còn luật sư biện hộ cho rằng hành động của Salam nhắm vào một phụ nữ không có vũ trang và đang cố gắng giúp đỡ người dân địa phương đã khiến Ayala hoàn toàn mất sự kiểm soát bản thân. Gia đình của Loyd cũng đề nghị tòa khoan hồng cho Ayala. Phán quyết cuối cùng là Ayala bị 5 năm tù treo và 12500 dollar tiền phạt.

Lỗi của Ayala không phải là việc đã giết chết Salam, mà là giết chết người này sau khi đã bắt và trói anh ta lại. Như lời của công tố viên: "Vì những gì đã làm với Loyd, Salam có thể đáng phải chết, nhưng không phải ở thời điểm đó, theo cách đó. Ayala không có quyền quyết định điều đó".

HTT được lập ra để tìm hiểu bản tính con người, nhưng trong sự tàn bạo của chiến tranh, chính họ, cả Loyd và Ayala, lại trở thành nạn nhân của những bản tính đó.