10.12.08

Trực thăng không ngon ăn như vẫn nghĩ


Từ những năm 80, UH-60 Blackhawk bắt đầu thay thế cho UH-1 Huey và AH-64 Apache thay thế cho AH-1 Cobra. Những thiết kế mới không những hiệu quả mà còn an toàn hơn, và tất nhiên là đắt hơn. Kết quả là rất rõ ràng, khi mà số vụ tai nạn giảm từ hơn 1000 trong những năm 90 xuống còn dưới 200 một năm như hiện nay. Và trong trường hợp xảy ra tai nạn, khả năng sống sót của phi hành đoàn cũng cao hơn nhiều.

Trong chiến tranh, trực thăng hiện nay cũng an toàn hơn. Từ 2003, quân đội Mỹ tổn thất khoảng 70 trực thăng. Trong thời kì cao điểm, 2005-2007, bình quân mỗi tháng trực thăng bị nhắm bắn 100 lần, với khoảng 17 lần bắn trúng. Nhưng chỉ một số rất ít có thể bắn hạ. Trong chiến tranh Việt Nam, có 2076 trực thăng rơi trong chiến trận và 2566 vì tai nạn. Tại VN, trực thăng Mỹ thực hiện khoảng 36 triệu phi vụ với 20 triệu giờ bay. Nói chung, trong chiến tranh VN, khả năng một chiếc trực thăng bị bắn hạ cao gấp đôi tại Iraq hiện nay.

Có thể kể đến 2 nguyên nhân chính, kỹ thuật và chiến thuật. Trực thăng hiện nay có thiết kế vững chắc hơn, cho phép nó vẫn bay được khi bị bắn trúng, và nếu không thể bay được, nó vẫn sẽ có thể đáp xuống thay vì rơi. Một nhân tố quan trọng có lẽ là việc trực thăng ngày nay sử dụng động cơ kép thay vì một động cơ như các thế hệ trước. Về mặt chiến thuật, Việt Nam là chiến trường đầu tiên mà trực thăng được sử dụng với quy mô lớn, từ đó nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra và người ta đã phát triển nhiều chiến thuật mới cho phép giảm thiểu khả năng trực thăng bị bắn trúng. Những chiến thuật, kỹ thuật mới xuất hiện đặc biệt nhanh nếu đang trong thời chiến.

Ví dụ như ở Iraq, con số tổn thất giảm từng năm, kể từ 2003, trong khi số giờ bay lại tăng lên, từ 240,000 giờ năm 2005 lên 400,000 năm 2007.

8.12.08

Rắc rối của Mig

Nga vừa đồng ý mua ngay lập tức 28 chiến đấu cơ Mig-29 nhằm cứu cho nhà sản xuất MIG khỏi bị phá sản. Đầu năm nay, Algeri đã quyết định trả lại 28 chiếc Mig mà họ đã đặt mua vì lí do chất lượng.

Nhưng còn có thể có lí do là việc Algeri muốn quay sang mua máy bay Rafale của Pháp, là loại hiện đại hơn. Dù sao thì hành động này càng làm suy yếu thêm Mig, vốn trong những năm qua trở nên lép vế trước đồng hương Sukhoi.

Vụ cháy trong silo


Không quân Mỹ vừa phát hiện ra rằng đã có một vụ cháy bên trong một hầm chứa tên lửa hạt nhân mà không bị ai phát hiện sau 5 ngày.

Hầm ngầm này chứa tên lửa liên lục địa Minuteman III và không có người điều khiển. Vụ cháy xảy ra khi một bộ sạc pin trong phòng thiết bị cạnh khoang chứa tên lửa quá nóng và cháy. Ngọn lửa tự tắt sau 2h, nhưng không có thiết bị cảm ứng nào trong căn phòng khóa kín này để phát hiện vụ cháy.

5 ngày sau, một cảm biến gửi đi thông báo về một vấn đề ở hệ thống dây dẫn điện, một đội được cử đến và phát hiện vụ cháy. Không lực cho kiểm tra toàn bộ hầm ngầm và không thấy có thiệt hại nào ngoài gian phòng đó. Một cuộc điều tra đã chỉ trích thiết kế của hầm ngầm và kiến nghị thay đổi hệ thống thông gió và vài thứ khác. Tổng chi phí cho điều tra và sửa chữa là 1 triệu dollar.

Đột kích vào Syria


Vào ngày 26/10, 4 trực thăng Mỹ bay từ Iraq vào Syria. 2 chiếc đậu xuống gần làng Sukariyya, từ đó lính đặc nhiệm có một cuộc đọ súng ngắn với các tay súng của mạng lưới Abu Ghadiyahas, đang sử dụng ngôi làng như một phần của mạng lưới buôn lậu đưa tiền, vũ khí và những người đánh bom cảm tử vào Iraq. 8 tay súng bị giết, 2 bị bắt, lực lượng đặc nhiệm không có tổn thất.

Thời điểm của cuộc đột kích gây nhiều tranh cãi. TT Assad của Syria đang chuẩn bị đóng cửa biên giới với lực lượng khủng bố, cũng như có các cuộc nói chuyện với phía Mỹ và Iraq. Một cuộc đột kích như vậy chắc chắn phải được quyết định ở cấp lãnh đạo cao nhất. Và mục tiêu chắc chắn phải rất quan trọng. Dư âm là khá nghiêm trọng, hầu hết các nước A-rập, kể cà Iraq lên tiếng phản đối. Đặc biệt là Iran, vì nước này cũng thường xuyên ủng hộ khủng bố, cho phép chúng lập căn cứ trong lãnh thổ và tự do di chuyển qua lại biên giới với Iraq. Lãnh đạo cực đoan người Shia Mugtada Al Sadr đang ẩn náu tại Iran cùng các tín đồ của mình, tích cực huấn luyện chờ ngày về lại Iraq.

Các quan chức Mỹ viện dẫn luật quốc tế như lí do cho cuộc đột kích. Hiến chương LHQ cho phép một nước tự vệ và thực hiện các chiến dịch bên trong lãnh thổ nước khác nếu nước này không thể hoặc không muốn ngăn chặn những cuộc tấn công từ bên trong biên giới của mình.

Afghanistan và Iraq hiện đang thỏa mãn tốt các điều kiện trên. Với Afghanistan, Pakistan chưa bao giờ có được sự kiểm soát hoàn toàn với phần lãnh thổ giáp với Afghanistan, đó là lãnh địa của các bộ lạc địa phương mà một phần lớn trong số đó ủng hộ Taliban và Al-Qaeda. Do đó, các lực lượng Mỹ thường xuyên tấn công qua biên giới. Với Iraq, các nước láng giềng như Syria hay Iran là kẻ thù của Mỹ, do đó đã dung túng cho các nhóm vũ trang, khủng bố làm bàn đạp cho các hoạt động phá hoại bên trong Iraq.

Góc độ pháp lý này ít khi được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Các nước như Pakistan, Syria tuy có lên tiếng phản đối, nhưng chưa bao giờ có ý định kiện trước tòa án quốc tế vì họ thừa hiểu các bằng chứng chống lại mình.

Với trường hợp của Syria, ngoài những lời phản đối ngoại giao, hầu như không có bất cứ một động thái mạnh mẽ nào, như những cuộc tuẩn hành phản đối, tấn công các cơ sở Mỹ ở Syria, triệu hồi đại sứ. Và đó cũng có lí do. Syria hiện được cai trị bởi một đảng thế tục Shia. Trong khi đó Al Qaeda là một tổ chức Sunni cực đoan. Lí do duy nhất Al Qeada chưa tấn công Syria là do chính phủ nước này nhắm mắt làm ngơ cho mạng lưới Abu Ghadihayas. Al Qeada đã thất bại ở Iraq, giờ đây rất có thể nó sẽ quay sang Syria. Ngay cả khi không trực tiếp gây hấn với chính phủ Assad thì việc nuôi dưỡng một mạng lưới khủng bố như vậy luôn hứa hẹn một cuộc trả đũa lớn hơn nhiều cuộc tập kích vừa qua.

Mạng lưới của Khan


Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tin rằng mạng lưới buôn bán công nghệ vũ khí hạt nhân của tiến sĩ A.Q.Khan không những có quy mô lớn hơn ước tính mà vẫn còn đang hoạt động.

Bản thân Khan vừa thừa nhận rằng quân đội Pakistan đã biết việc bán công nghệ hạt nhân cho Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên nhưng không có hành động gì.

Trở lại thời điểm 2003, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên một công ty của Bắc Triều Tiên và 1 của Pakistan vì buôn bán bất hợp pháp công nghệ tên lửa mang vũ khí hạt nhân. Khan đã bị nghi ngờ tuồn công nghệ từ những năm 90. Đến năm 2004 thì ông thừa nhận. Ông bị quản thúc tại nhà riêng, nhưng vẫn là bất khả xâm phạm vì là anh hùng dân tộc của Pakistan do đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân cho nước này để đối trọng với Ấn Độ. Đầu năm nay, dưới áp lực của công chúng, Khan được thả.

Phần lớn tài liệu Khan cung cấp là dưới dạng tài liệu điện tử, do đó không thề biết được đã có bao nhiêu người có được bản sao của nó. Và có nhiều dấu hiện cho thấy chúng vẫn đang có mặt trên 'chợ đen'.

Sau các phân tích từ mẫu không khí, địa chấn, hình ảnh vệ tinh, CIA đã kết luận rằng vụ thử hạt nhân của BTT năm 2006 là một thất bại. Vụ nổ chỉ có năng lượng khoảng 1 kiloton ( quả bom ở Hiroshima là 20 kiloton). Đó là kết quả của một quả bom được chế tạo không đúng cách, ở cấp rất thấp. Phần lớn vật liệu hạt nhân 'bốc hơi' thay vì phát nổ. Loại vụ nổ này, gọi là fizzle, được nhìn thấy lần cuối năm 1998, trong một vụ thử của …Pakistan. Có vẻ như nhóm kỹ sư thuộc mạng lưới Khan đã bán cho BTT một thiết kế lỗi. Tuy vậy, có bằng chứng rằng nhóm của Khan bán đến vài thiết kế khác nhau.

Tuy nhiên, phần lý thú nhất chính là những thông tin được rò rỉ ra gần đây liên quan tới việc CIA đã xâm nhập và phá hoại mạng lưới này từ nhiều năm trước như thế nào. CIA đã sử dụng một trong những kỹ sư thuộc nhóm của Kha, là kỹ sư Thụy Sỹ Friedrich Tinner và 2 con trai, để đưa cho nhóm các bản thiết kể đã bị sửa chữa. Từ 2001 đền 2004, Tinner đã làm tay trong cho CIA. Và do đó mà chương trình hạt nhân của Lybia không thể tiến triển và nước này đã buộc phải tự nguyện từ bỏ và quay sang kết thân với phương tây, còn chương trình của Iran thì bị trì hoãn.

Trong khi đó, Tinner vẫn đang trong quá trình bị khởi tố ở Thụy Sỹ vì tham gia mạng lưới Khan. Tinner đã bắt đầu làm việc cho Khan từ những năm 70, giúp đánh cắp công nghệ hạt nhân châu âu cho chương trình hạt nhân Pakistan.

CIA trả Tinner 10 triệu dollar cho công việc làm tay trong, và vẫn đang cố gắng giúp ông này thoát khỏi vòng tù tội.

Stavka

Khi quân đội Nga xâm lăng Gruzia đầu tháng 8 vừa qua đã không có sự tham gia của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang, hay Stavka, trong việc hoạch định, vì nó hiện đang trải qua một đợt cải tổ lớn, với 40% số nhân viên bị cắt giảm.

Thông thường, các chiến dịch quân sự lớn luôn được lên kế hoạch bởi Stavka, do đó nhiều sĩ quan cao cấp thậm chí đã cảm thấy sốc khi biết rằng cơ quan này không đóng vai trò nào trong chiến dịch ở Gruzia.

Tháng 7 vừa rồi, TT Nga Medvedev đã yêu cầu một đợt cải tổ lớn trong Stavka, một việc mà nhiều người đã đề nghị từ lâu. Tuy vậy, một số người khác vẫn cảm thấy không ổn khi hàng ngàn chuyên gia dân sự và sĩ quan bị tinh giảm. Quy mô chính xác của Stavka là bí mật, nhưng được ước đoán có thể lên tới 10,000 người.

Thỏa thuận về UAV


Lục quân và Không lực Mỹ vừa đồng ý sửa đổi một thỏa thuận từ cách đây hơn nửa thế kỷ liên quan tới việc giới hạn chủng loại máy bay mà lục quân có thể sử dụng. Sau khi tách ra khỏi lục quân và trở thành một quân chủng độc lập năm 1947, không lực Mỹ đã tìm cách kiểm soát tất cả các loại máy bay. Hải quân và thủ quân lục chiến tìm được cách để giữ quyền kiểm soát. Lục quân thì không may mắn đến thế. Họ chỉ được kiểm soát trực thăng và một số ít máy bay cách bằng loại nhỏ và không có vũ trang. Nhưng thỏa thuận mới cho phép lục quân mở rộng quyền kiểm soát của mình sang máy bay cánh bằng có trang bị vũ trang, nhưng không chở người, kể cả phi công.

Ta đang nói tới UAV, nhất là UAV cỡ lớn, cụ thể là Predator và các hậu duệ của nó là Reaper và Sky Warrior. UAV đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt chiến tranh. Lục quân Mỹ hiện đang xây dựng một đội UAV hơn 1000 chiếc. Không lực không ủng hộ việc này, nhưng lục quân đã thành công trong việc giữ lại quyền kiểm soát với các máy bay vũ trang của mình.

MQ-1 Predator nặng 1 tấn, dài 9m và sải cánh 16m. Nó có 2 điểm treo vũ khí, mỗi cái có thể mang 1 tên lửa Hellfire hoặc tên lửa không đối không Stinger. Tốc độ tối đa 215 km/h. Độ cao tối đa khoảng gần 10km. Mỗi phi vụ kéo dài khoảng 12-20h. Predator được thiết kế với nhiệm vụ chính là trinh sát, do thám mặc dù nó cũng có khả năng mang vũ khí.

MQ-9 Reaper hay Predator B nặng 4.7 tấn, dài 12m, sải cánh 22m, 6 điểm treo, có thể mang 500 kg vũ khí, bao gồm cả tên lửa đối không AMRAAM, tên lửa đối đất Hellfire, Maverick, hay bom thông minh (laser hay gps). Tốc độ tối đa 400 km/h. Thời gian hoạt động 15h. Reaper được thiết kế như một máy bay tấn công thực thụ, thay thế cho F-16 hay A-10 trong một số loại nhiệm vụ.

MQ-1C Sky Warrior là sự thay thế cho Predator, nặng 1.5 tấn, có thể tải 400kg. Thời gian hoạt động là 36 tiếng, vận tốc tối đa 270 km/h. Dài 9m, sải cánh 19m. Sky Warrior có thể cất và hạ cánh hoàn toàn tự động, có thể mang 4 tên lửa Hellfire. Dự kiến sẽ có tất cả 500 Sky Warrior được sản xuất.

Hai quân chủng có cách sử dụng UAV khá khác nhau. Với lục quân thì UAV là một công cụ của các chỉ huy chiến trường. VD mỗi sư đoàn sẽ có một phi đoàn Sky Warrior kèm theo, mỗi trung đoàn sẽ có từ 2 đến 4 UAV.

Không quân sử dụng Predator hay Warrior như một vũ khí chiền lược, dưới sự chỉ huy của những sĩ quan cao cấp nhất.

Tất nhiên ở đây chỉ nói tới các UAV cỡ lớn. Đa phần trong số hàng ngàn UAV được sử dụng ở Iraq và Afghanistan là cỡ trung bình và nhỏ, thậm chí là micro-uav như Shadow hay Raven. Những loại này do lục quân nắm giữ và cũng được đưa trực tiếp dưới quyền chỉ huy của các chỉ huy chiến trường.

UAV giúp lục quân có nhiều lựa chọn hơn về hỏa lực chính xác. Sky Warrior có thể mang tên lửa Hellfire và bom thông minh Viper Strike. Hellfire chứa khoảng 5kg thuốc nổ, Viper strike là 1kg. Excalibur, loại đạn pháo đầu tiên điều khiển bằng GPS chứa 10kg, pháo phản lực MLRS chứa 75kg. Lục quân Mỹ cũng đang bàn về việc phát triển một loại JDAM mini, nặng khoảng 50kg, với khoảng 25kg thuốc nổ. Tất cả số vũ khí chính xác này khiến cho lục quân Mỹ ít phụ thuộc vào không quân hơn cho nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực.

Đưa Không quân Nga trở lại bầu trời


Trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau cuộc chiến ở Gruzia, chính phủ Nga nhiều lần nhắc tới việc sẽ đầu tư mạnh mẽ cho các lượng lực quy ước. Nhưng dường như các kế hoạch ngân sách của bộ quốc phòng trong hiện tại vẫn không khác mấy so với những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nghĩa là phần lớn vẫn giành cho việc duy trì sức chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Một trong những đối tượng cảm nhận rõ ràng nhất sự thiếu hụt có lẽ chính là những phi công của không quân Nga. Chỉ còn 1 số ít các phi công kỳ cựu sót lại từ những năm 80 là còn nhớ không quân Nga đã xuống cấp so với Không quân Liên Xô như thế nào. Trước khi LX sụp đổ, có hơn 20 trường huấn luyện phi công, bây giờ chỉ còn 1. Thời đó, mặc dù số giờ bay của phi công LX vẫn kém các đồng nghiệp NATO, trung bình có thể từ 10-20h, cá biệt như phi công Mỹ có thể hơn 30h, nhưng ít nhất họ vẫn bay thường xuyên hàng tháng. Trong những năm 90, rất phổ biến tình trạng phi công sau khi tốt nghiệp trường bay, được phân công về đơn vị, nhưng lại không bay trong hàng năm trời. Chỉ những phi công có kinh nghiệm mới được phân công bay. Điều này để lại một lỗ hổng trình độ rất lớn trong thế hệ phi công hiện tại của Nga, cho dù trong những năm gần đây giá dầu tăng khiến cho ngân sách quốc phòng tăng đáng kể.

Ấn Độ thuê chiếc tàu bị nguyền


Mặc dù cả Ấn độ và Nga từ chối xác nhận lời đồn đại bấy lâu về việc Ấn sẽ thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga, ngày càng có nhiều thông tin xác thực cho thỏa thuận này, mà theo đó ít nhất một tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) Akula II sẽ gia nhập hải quân Ấn Độ vào 2009. Chiếc này hiện đang trong quá trình chạy thử ở Thái Bình Dương. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp trong 2 tuần trước khi một tai nạn xảy ra làm chết 20 người do hệ thống cứu hỏa vô tình bị kích hoạt. Có hơn 200 người trên tàu lúc đó, đa số là thủy thủ và nhân viên xưởng đóng tàu có mặt để giám sát quá trình hoạt động của con tàu.

Hiện các thủy thủ tàu ngầm Ấn độ đang rời khỏi Vladivostok, thành phố ven Thái bình dương, gần căn cứ của chiếc tàu ngầm nói trên, nơi họ đã được huấn luyện trong thời gian vừa qua. Đó sẽ là thủy thủ đoàn của tàu ngầm mới, sẽ được đặt tên là INS Chakra. Đây cũng là tên mà Ấn độ đặt cho một tàu ngầm khác họ thuê của LX trong những năm 88-91. Hiện vẫn chưa rõ vì sao Nga lại kín tiếng về thỏa thuận lần này. Có thể vì có điều khoản cho phép Ấn độ rút lui nếu đợt chạy thử không diễn tiến tốt đẹp. Thông thường, khi một con tàu bị tai nạn ngay lần đầu ra biển, mọi người coi nó không may mắn và bị nguyền.

Những thông tin ngoài lề cho rằng Ấn độ ký một hợp đồng thuê 2 chiếc Akula II 3 năm trước, với giá vài triệu dollar một tháng. Người ta cũng cần chừng đó thời gian để huấn luyện thủy thủ đoàn.

Chiếc Akula II, 7000 tấn, mới được đóng xong, thủy thủ đoàn tối thiểu là 51 người. Tiền của Ấn độ cho phép Nga hoàn thành ít nhất 2 chiếc Akula II. Những con tàu này bị bị dở dang từ sau khi LX sụp đổ vì thiếu tiền.

Ấn độ cũng đang hy vọng sẽ đóng xong tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của mình trong 1 tới 2 năm tới, gọi là ATV.

ATV sẽ có tải trọng 5000 tấn, so với 6000 tấn của lớp Shang của TQ. Shang là lớp tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của TQ. Lớp đầu tiên, Han, là một thất bại.

Sau khi đã thành công với tàu ngấm tấn công, Ấn độ sẽ chuyển sang tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân (SSBN). Đó là hướng đi chung của các nước.

Hoàng hôn của tàu ngầm soviet


Hạm đội tàu ngầm Nga vẫn đang tiếp tục đà đi xuống cho dù ngân sách đã tăng. Tiền không đủ để đóng những con tàu mới kịp thay thế những con tàu từ thời chiến tranh lạnh. Không nhiều người có thể nhận thấy điều này, nếu không vì Nga vẫn đang cần sự trợ giúp tài chính từ cộng đồng quốc tế để tháo dỡ hàng trăm tàu ngầm hạt nhân đang mục nát của mình.

Hiện nay, Nga chỉ còn 14 SSBN, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa liên lục địa, và không phải tất cả có đầy đủ tên lửa. Một số khác lại thiếu thủy thủ đoàn, hoặc một số hệ thống quan trọng cần sửa chữa. Nga hiện có 14 tàu ngầm tấn công loại Akula, tương đương với lớp Los Angeles của Mỹ. Ngoài ra còn có 8 SSGN, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình và 20 tàu ngầm diesel điện.

Từ 1991 tới nay, phần lớn ngân sách đóng mới tàu là cho tàu ngầm. 6 chiếc Akula đã được đóng mới. Nhưng lớp SSBN mới, Borei, thì bị trì hoãn khá lâu vì loại tên lửa mới, Bulava, không hoạt động tốt.

Các đô đốc Nga mắc một sai lầm lớn ngay sau 1991. Thừa hưởng hải quân lớn thứ nhì thế giới nhưng chỉ với một phần nhỏ ngân sách như trước, thay vì cho giải ngũ một phần lớn trong số đó và tập trung nguồn lực cho phần còn lại thì người Nga lại ra sức giữ chúng lại. Kết quả là người ta có một đội tàu cũ kỹ vì không được bảo dưỡng, số lượng tàu thì lớn nhưng số thủy thủ có chất lượng lại ít.

Tàu ngầm hạt nhân của phương tây thường có tuổi thọ 30 năm, trong khi các mẫu của Nga hiếm khi quá 20 năm. Điều đó có nghĩa là 2 tàu ngầm mới phải được sản xuất mỗi năm nhằm duy trì một hạm đội 40 chiếc. Điều này chưa thể xảy ra trong tương lai gần. Hiện nay ưu tiên là dành cho SSBN, vì nó mang theo tên lửa hạt nhân liên lục địa, là thành phần cực kỳ quan trọng của sức mạnh răn đe hạt nhân, vì không như tên lửa trên bộ, đối phương rất khó biết vị trí chính xác của các SSBN. Trong khi đó, hạm đội SSBN của Nga đang thực sự gặp khủng hoảng. Lớp Typhoon, loại tàu ngầm lớn nhất thế giới, từng là niệm tự hào của Hải quân Nga và là trụ cột của hạm đội SSBN giờ đây đã nghỉ hưu cho dù 'tuổi đời' chưa phải quá lâu. Trong khi đó lớp Borei, như đã biết, mới chỉ có 1 chiếc đi vào hoạt động. Thực tế thì lớp tàu mới này quay lại thiết kế cũ của lớp Delta, trước Typhoon.

Dù sao thì lực lượng tàu ngầm vẫn là phần nhận được nhiều sự đầu tư nhất trong toàn bộ Hải quân Nga. Các lực lượng khác ở trong tình trạng bi đát không kém. Chiếc tuần dương hạm hạng nặng chạy bằng năng lượng hạt nhân Pie đại đế suýt mất lò phản ứng của mình và phải trải qua 2 năm sửa chữa trước khi có thể hoạt động lại. Nguyên nhân là do bảo trì kém được thực hiện bởi lính nghĩa vụ. Chiếc tàu sân bay duy nhất, chiếc Kuznetsov phải được tàu kéo ra biển để máy bay có thể luyện tập.

Những phi công hải quân đầu tiên của TQ

Trung Quốc vừa thông báo rằng lớp phi công hải quân (hoạt động trên tàu sân bay) đã được bắt đầu ở Học viện Hải quân Đại Liên. Những sĩ quan hải quân sẽ trải qua khóa 4 năm để trở thành những phi công có thể hoạt động trên tàu sân bay. Để có thể phát triển được những kiến thức và kỹ năng để có thể điều hành một tàu sân nhanh nhất cũng phải hơn một thập niên.

Trung Quốc đã tu sửa lại tàu sân bay Varyag, một trong 2 chiếc thuộc lớp Kuznetsov của Nga, từ vài năm nay, và vừa mới đổi tên lại thành Shi Lang, tên một vị tướng đã chiếm Đài Loan 1681, và mang số hiệu 83.

Ban đầu lớp Kuznetsov được dự tính sẽ ngang hàng với tàu sân bay của Mỹ, nghĩa là có tải trọng khoảng 90,000 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị máy phóng. Nhưng do sự phức tạp về kỹ thuật nên người Nga phải thu nhỏ mục tiêu của mình. Cuối cùng thì tàu sân bay của người Nga có tải trọng 65,000 tấn, chạy bằng diesel và không có máy phóng, thay vào đó là một dốc phóng. Vì vậy nên các máy bay phải bay với tải trọng thấp, ít vũ khí và nhiên liệu. Tàu có thể chở tối đa 36 Su-33 và 16 trực thăng.

Giới chức Trung Quốc hy vọng có thể đưa Shi Lang vào hoạt động vào khoảng 2010. Nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu này là quá lạc quan.

Gorshkov


Vụ scandal liên quan đến hợp đồng mua bán và đại tu chiếc tàu sân bay Đô đốc Gorshkov giữa Nga và Ấn độ tiếp tục leo thang. Nga giờ đây đang dọa sẽ lấy lại chiếc tàu nếu Ấn độ không chi thêm tiền. Tất cả là kết quả của lòng tham, tham nhũng, bất tài và những bản thiết kế thất lạc. Công việc đại tu Groshkov hiện đã đi được một nửa. Con tàu 44,000 tấn này đáng lẽ sẽ được giao trong năm nay, nhưng giờ dời đến tận 2012. Người Nga thừa nhận rằng dự án bị ảnh hưởng bởi việc hoạch định kém, tay nghề không đảm bảo và quản lý không hiệu quả.

Ban đầu, hợp đồng mua và đại tu con tàu tốn 1.5 tỷ dollar. Nếu đóng mới sẽ tốn 4 tỷ và mất 8 năm. Năm ngoái, Nga thừa nhận có vấn đề và yêu cầu thêm nửa tỷ, Ấn độ đồng ý. Nhưng năm nay Nga tăng giá lần nữa, lên mức 3.5 tỷ dollar và yêu cầu thêm 4 năm. Ấn độ từ chối và Nga dọa lấy lại con tàu.

Ấn độ là khách hàng lớn nhất của nền công nghiệp quốc phòng Nga, với 10 tỷ dollar mỗi năm, vụ Groshkov rõ ràng là một sai lầm lớn. Giám đốc nhà máy đóng tàu Sevmash đã bị sa thải và đang bị điều tra hình sự. Ấn độ tất nhiên không hài lòng và yêu cầu phía Nga phải chịu một phần chi phí đội lên này. Ấn độ cũng cử một đội chuyên gia sang để giám sát công việc.

Ấn độ cũng đang tự đóng một tàu sân bay 37,000 tấn, nhưng đến 2015 mới hoàn thành. Chiềc tàu sân bay duy nhất của họ, chiếc INS Viraat 29,000 tấn mua lại của Anh, hiện đang trong quá trình đại tu.

Hyuga

Tàu khu trục mới của Nhật Bản, chiếcHyuga 18000 tấn, dự tính sẽ đi vào hoạt động tháng 3/2009. Sự kiện này sẽ đánh dấu một thay đổi lớn về tầm hoạt động, khả năng phát động và hỗ trợ tác chiến của Hải quân Nhật.

Hyuga và những chiếc cùng loại trong tương lai sẽ đóng vai trò trung tâm trong 4 Hải đội Tàu khu trục chở trực thăng DDH. Trong quá khứ, hải quân Nhật được chia thành 4 hạm đội '8-8' chuyên về săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm Liên Xô. Hiện nay, nó được chia ra làm 4 đội DDH và 4 đội DDG, tàu khu trục chống tên lửa đạn đạo. Các đội DDG sẽ được triển khai giữa NB và bán đảo Triều tiên nhằm ngăn ngừa nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng tên lửa. 4 đội DDH sẽ có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển giữa Okinawa và Trung Quốc.

Mặc dù được thiết kế để chở trực thăng, Hyuga vẫn có thể mang theo phản lực cơ lên thẳng F-35B. Điều này là cần thiết để phòng thủ những hòn đảo nhỏ khỏi Trung Quốc, vì chúng cách sân bay gần nhất ở Okinawa 450km.

Hyuga có rất nhiều điểm tương đồng với tàu sân bay lớp Invincible của Anh. Invincible ban đầu cũng được thiết kế như tàu chở trực thăng, nhưng sau đó được thêm vào một dốc phóng để chiến đấu cơ Harrier có thể hoạt động. Cả thiết kế bên ngoài và tải trọng của Hyuga và Invincible là khá giống nhau. Tuy vậy Hyuga mạnh về chống tàu ngầm vì được trang bị sonar, tên lửa chống tàu ngầm Shinasroc và ống phóng ngư lôi, những trang bị chưa có trên các tàu sân bay khác. Nhưng Hyuga thiếu khả năng phòng không như của Invincible.

Hyuga dài 197m, rộng 33m, trên boong có 4 khu vực nơi mà 3 trực thăng chống tàu ngầm SH-60K và 1 trực thăng quét mìn MCH-101 có thể cất cánh cùng lúc. Có 2 thang máy chính, trong đó thang máy ở đuôi đủ lớn để nâng F-35B. Ngoài ra còn có 2 thang máy nâng vũ khí. Hyuga có thể chở tối đa 10 SH-60K. 4 turbin của GE cung cấp 100,000 mã lực, cho tàu vận tốc tối đa 30 hải lý/h.

Vật liệu tương tác


Đầu đạn BatteAxe của Không lực Mỹ được cho sẽ là vũ khí đầu tiên sử dụng vật liệu tương tác trong đầu đạn. Vũ khí khi nổ sẽ tạo ra những mảnh bom làm từ vật liệu tương tác, khi va chạm chúng se tạo ra nhiệt, xung lực hoặc cả 2, tùy vào công thức.

Vật liệu tương tác gồm 2 hay nhiều vật liệu không nổ, được gắn kết lại với nhau thành một chất rắn ổ định và an toàn trong điều kiện bình thường. Dưới điều kiện của sự va chạm mạnh, các thành phần vật liệu phản ứng với nhau, tạo thành hiệu ứng được quyết định bởi thành phần vật liệu vụ thể.

Vũ khí sử dụng BattleAxe sẽ có năng lượng phá hủy cao hơn vũ khí có đầu đạn thông thường. Và không như bom chùm, BattleAxe không gây ra nguy cơ cho thường dân và lính đồng minh.

BattleAxe có thể kết hợp cả 3 khả năng thường cần các loại đầu đạn riêng biệt là xuyên thép, sóng xung nhiệt và đạn mảnh, và dùng để chống loại nhiều loại mục tiêu.

Vật liệu tương tác không thay thế thuốc nổ, nó chỉ thay thế cho mảnh đạn. Được phát minh từ 1784 bởi Henry Shrapnel, mảnh đạn cho tới nay vẫn không thay đổi nhiều, vẫn dựa vào động năng để gây thiệt hại. Nay với vật liệu tương tác, năng lượng không chỉ đến từ động năng và còn từ phản ứng hóa học.

Một số loại vật liệu tương tác có thể tạo ra năng lượng lớn gấp đôi thuốc nổ có cùng khối lượng. Vì thuốc nổ được định nghĩa như một loại hợp chất không ổn định về mặt hóa học, do đó hỗn hợp vật liệu tương tác không được coi là thuốc nổ về mặt kỹ thuật, mà được coi là chất rắn dễ cháy.

Có nhiều cách đề kết hợp vật liệu tương tác. Ví dụ như giữa kim loại và polymer. Cụ thể là bột nhôm trong một ma trận polytetraflouroetylen. Ngoài ra là kim loại với kim loại như nhôm với boron. Hay một hỗn hợp nhiệt nhôm đặc biệt gồm bột nhôm và oxit kim loại, sự khác biệt với hỗn hợp nhiệt nhôm thường là năng lượng mà nó phóng thích chỉ xảy ra trong một phần nhỏ của 1 giây

Robot dạng côn trùng


Các nhà nghiên cứu cho biết các thiết bị bay siêu nhỏ (MAV) trong tương lai sẽ mang hình dạng của côn trùng. Chúng được dùng chủ yếu ở khoảng cách gần, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, theo dõi.

Mô phỏng côn trùng được coi là một trong những hướng chính trong việc chế tạo MAV. Lí do quan trọng nhất là đối với những vật thể kích thước nhỏ, các định luật khí động học thay đổi và do đó bạn không thể đơn giản là thu nhỏ kích thước thiết bị. Vd như một chiếc trực thăng có kích thước của một con ong sẽ không thể bay được. Côn trùng tạo ra lực nâng chủ yếu từ những xoáy không khí ở đầu cánh, ở kích thước lớn thì hiệu ứng này tạo lực không đáng kể.

Một trong những khái niệm quan trọng nhất của robot siêu nhỏ là khả năng hoạt động thành đàn. Nghĩa là một số lượng lớn robot hoạt động cùng nhau, có khả năng hợp tác, phân chia công việc với nhau mà không cần sự điều khiển từ bên ngoài. Mỗi robot sẽ có một công việc cụ thể khác nhau. Ví dụ như những robot dạng nhện sẽ bò quanh các bức tường, kẽ hở, trang bị các cảm biến âm thanh và địa chấn. Còn các MAV có dạng chuồn chuồn sẽ trang bị camera, hoặc đóng vai trò như trạm tiếp sóng, hay mang các cảm biến phát hiện vũ khí hóa sinh.

Phát triển những phần mềm cho việc điều khiển đàn sẽ là một thách thức rất lớn.

Iskander


Nga đang chuyển một số tên lửa đạn đạo SS-26 Iskander tới Kaliningrad như một cách để đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO đang xây dựng. Đó là vì Iskander có những đặc tính đặc biệt khác với các tên lửa đạn đạo thông thường. Nó không phóng thẳng lên, rời khỏi bầu khí quyển, rồi lao xuống lại mà nó vẫn bay trong khí quyền, theo một đường bay khá thẳng. Nó có khả năng bay tránh né và triển khai mục tiêu giả. Nga đang mua khoảng hơn mười giàn Iskander, với tầm bay (400km) xa hơn của phiên bản dùng cho xuất khẩu (280km)

Iskander nặng 3.8 tấn, đầu đạn 450kg, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Dẫn đường bằng GPS và đầu dò hồng ngoại và radar, nó có độ chính xác cao, khoảng 10m quanh mục tiêu. Iskander được phát triển để thay thế cho SS-23, vốn đã bị rút khỏi lực lượng theo hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung INF. Bản thân SS-23 là sự thay thế cho SCUD.

Nga tuyên bố rằng họ sẽ dừng tất cả các hợp đồng xuất khẩu để tập trung sản xuất khoảng 100 giàn Iskander để tập trung ở Kaliningrad. Nhưng bản thân SS-26 mới được đưa vào sản xuất, và cần vài năm mới có thể sản xuất được nhiều vậy. Tuy vậy, hành động của Nga nặng tính hình thức hơn, trừ khi họ thật sự có ý định bắt đầu chiến tranh hạt nhân.

Trung Quốc và ISS


Vào ngày 27/9, tàu không gian Thần Châu tiến gần trạm không gia quốc tế ISS ở khoảng cách 45km. 2 trong số 3 phi hành gia đã thực hiện chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên của TQ. Sau đó, một vệ tinh nhỏ. BX-1, nặng khoảng 40kg được thả ra từ Thầu Châu. Mặc dù được coi là một thí nghiệm khoa học, nhưng việc Thầu Châu đến quá gần ISS và thả ra một vật thể nhỏ, có thể tự cơ động, nhờ vào những động cơ phản lực nhỏ, xác nhận rằng đây là một cuộc thử nghiệm và khả năng chống vệ tinh của TQ. BX-1 có thể dễ dàng được sử dụng để tiêu diệt bất cứ vật nào nào trong không gian như ISS hay các vệ tinh quân sự.

Tất nhiên TQ phủ nhận điều này. Tuy vậy họ vẫn bị chỉ trích vì đến quá gần ISS, cũng như việc rốt cuộc thì họ cũng mất điều khiển BX-1.

Thần Châu, 7.8 tấn, gẩn như là một bản sao của tàu Soyuz của Nga, nhưng lớn hơn và hiện đại hơn. Cuộc đi bộ trong không gian đầu tiên được người Nga thực hiện tháng 3/1965. Người Mỹ sau đó 3 tháng. 4 năm sau, con người lần đầu thực hiện chuyến đi bộ trên bề mặt một thiên thể khác khi 2 phi hành gia tàu Apollo 11 đổ bộ xuống mặt trăng.

Màu sắc cho ảnh vệ tinh


Cục tình báo không gian Mỹ (NGA) hiện đang khá hài lòng với khoản góp vốn 237 triệu dollar của mình trong dự án nửa tỷ dollar chế tạo vệ tinh GeoEye nặng 2 tấn. Đây là một vệ tinh viễn thám thương mại, nhưng khách hàng lớn nhất là NGA, mỗi tháng mua 10 triệu dollar hình ảnh. Khách hàng lớn nữa chính là Google, sử dụng hình ảnh từ GeoEye cho Google Maps.

Điểm nổi trội của GeoEye là nó chụp được hình màu ở độ phân giải cao, 41cm. Mặc dù giới quân sự có những vệ tinh có độ phân giải gấp 10 lần (độ phân giải chính xác của vệ tinh KeyHole là bí mật) thì 41cm là đủ trong đa số trường hợp. Trong thực tế, Google Maps rất thông dụng với binh sĩ khi lên kế hoạch hoạt động vì nó có sẵn thay vì phải trải qua một quy trình dài để lấy được hình ảnh bảo mật từ giới tình báo.

Màu sắc là một lợi thế. Trong quá khứ, màu sắc bị hy sinh cho độ phân giải. Ngày nay, màu sắc lại được ưu tiên hơn. Giới quân sự cũng tin rằng những hình ảnh độ phân giải cao của Google Maps mang lại lợi ích cho mình ở khía cạnh khác. Bởi vì hàng ngàn người yêu thích quân sự trên thế giới thường xuyên mày mò trên Maps để truy tìm các địa điểm quân sự tại các nước như TQ, Bắc Hàn, Iran và tìm thấy nhiều điều thú vị. NGA và CIA không bình luận gì nhưng có vẻ như nhiều thứ mà các nhà nghiệp dư này tìm thấy đã bị bỏ sót trước kia.

NGA đầu tư một nửa GeoEye để có toàn quyền trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một thỏa thuận tương tự được ký với GeoEye 2, sẽ được phóng sau 2 năm nữa.

Nga mua Israel UAV


Nga đang tìm mua một loại UAV từ Israel. Nga đã chế tạo UAV từ vài thập kỷ nay nhưng chưa đạt được thành tựu như của Israel và Mỹ trong lĩnh vực này. Một mẫu mà người Nga có thể hứng thú là Heron TP. Được trang bị một động cơ cánh quạt mạnh, 1,200 mã lực, chiếc máy bay 4.6 tấn này có thể bay cao 15,000m. Heron có thể mang tải 1 tấn, thời gian hoạt động liên tục 36 tiếng. Heron là mẫu tương đương với Reaper (Predator B) của Mỹ.

Dòng Heron đã có mặt từ trước Predator và có uy tín rất cao. Ấn độ và vài nước châu âu cũng đang định mua Heron TP, có thể dùng để tuần tra vùng lãnh hải. Về mặt này, Heron TP là một đối thủ giá rẻ với Global Hawk, vốn có tầm bay xa hơn nhiều so với nhu cầu của đa số quốc gia.

Kể từ sau chiến tranh VN, người Mỹ không còn hứng thú với UAV nữa, trong khi đó Israel tiếp tục phát triển. Và trong chiến dịch ở thung lũng Bekaa, Lebanon, UAV đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiêu diện lực lượng Syria ở đó, bao gồm việc phát hiện các giàn radar phòng không và vị trí các đơn vị thiết giáp.

Ấn tượng bởi thành công này, người Mỹ quyết định mua UAV từ Israel. Một vài mẫu đã tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh, tiêu biểu là mẫu Pioneer, dùng để chỉ thị pháo kích cho hải quân Mỹ. Từ đó, người Mỹ bắt đầu tập trung đầu tư cho phát triển UAV.

Người Nga đang gặp vấn đề tương tự Nga trong những năm 70, với UAV có thời gian hoạt động rất ngắn và độ tin cậy thấp. Người ta tin rằng việc Israel xuất khẩu Heron TP là nhằm đổi lại việc Nga sẽ không xuất khẩu tên lửa phòng không S-300 sang Iran.

Israel Gulfstream


Eitam (Đại bàng biển) là hệ thống mới nhất trong kho vũ khí của Không quân Israel. Được cải biến từ mẫu máy bay Gulfstream G550, Eitam là một một trong những mẫu máy bay cảnh báo sớm (AEW) hiện đại nhất hiện nay. Không quân Israel (IAF)hiện có 5 chiếc và đang có kế hoạch mua thêm. IAF dự kiến sẽ duy trì một phi đoàn Eitam cùng 1 phi đoàn UAV Heron TP để đảm bảo AEW luôn hoạt động 24/24.

Thế hệ AEW trước Eitam, Shavit, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của cuộc không kích phá hủy một cơ sở hạt nhân sâu trong lãnh thổ Syria năm ngoái.

Những hệ thống AEW như Eitam, E-10 của Nato không chỉ đóng vai trò quyết định cho các chiến dịch trên không mà còn cực kỳ quan trọng cho các lực lượng trên bộ. Đó là nhờ công nghệ radar mới SAR, cho phép 'chụp ảnh' mặt đất bằng sóng radar, cung cấp hình ảnh rõ nét của một khu vực rộng lớn bất chấp mọi điều kiện thời tiết. Phân tích sơ bộ sẽ được thực hiện ngay trên máy bay. Các bước phân tích chi tiết sẽ được thực hiện trên mặt đất, thông quan đường truyền dữ liệu, cung cấp thông tin tình báo thời gian thực về các hoạt động của đối phương.

Trung tâm của Eitam là hệ thống radar AESA, hoạt động cùng lúc trên nhiều tần số khác nhau với góc quét 360 độ. Đặc biệt, hệ thống được trang bị công nghệ tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: radar, IFF (phân biệt bạn thù), hỗ trợ tác chiến điện tử, hệ thống phòng vệ...

LJDAM trên A-10


Máy bay A-10 vừa thả thành công loại bom LJDAM mới lần đầu tiên. LJDAM là sự kết hợp giữa bom điều khiển bằng laser và vệ tinh (JDAM), cho phép nó tấn công chính xác vào các mục tiêu di động. LJDAM có thể đánh trúng một chiếc xe đang chạy với vận tốc 60 km/h. Loại A-10 sử dụng LJDAM là A-10C, phiên bản mới nhất với các thiết bị điện tử được nâng cấp.

A-10C bắt đầu tham chiến ở Iraq và Afghanistan năm ngoái. A-10 là loại máy bay được thiết kế để bay thấp, chậm và có thể chịu được hỏa lực mạnh từ mặt đất. A-10C được trang bị các thiết bị định vị mục tiêu và điều khiển hỏa lực giống như trên các loại phản lực cơ hiện đại nhất. Ngoài ra là các thiết bị thông tin liên lạc cho phép A-10 chia sẻ hình ảnh và video cho binh lính bên dưới. Cấn khoảng 4 năm để nâng cấp toàn bộ 350 A-10 hiện có. Ngoài ra, động cơ và kết cấu của loại máy bay từ những năm 70 này cũng sẽ được nâng cấp.

Không quân Mỹ nhiều lần định cho về hưu chiếc máy bay đã 30 năm tuổi này. Nhưng nó chỉ đơn giản và quá hiệu quả và được binh lính tin tưởng hơn so với các loại máy bay khác.

SFW cho Ấn độ


Ấn Độ đang mua 510 bom gắn cảm biến (SFW) CBU-105. Giá trung bình là 735,000 dollar, bao gồm cả phụ tùng, bảo trì, thiết bị huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật. Được sử dụng lần đầu ở Iraq 2003, CBU-105 là một loại bom chùm mà mỗi quả bom con được trang bị radar và máy tính điều khiển để truy tìm xe tăng bên dưới và tiêu diệt chúng.

CBU-105 nặng nửa tấn, điều khiển bằng GPS và có 10 quả bom con. Mỗi quả sẽ dùng dù để giảm tốc độ sau khi được thả ra từ bom mẹ. Đồng thời radar sẽ hoạt động và tìm kiếm các mục tiêu thiết giáp bên dưới, và dùng một đầu nổ định hướng để xuyên thủng lớp giáp trên nóc xe tăng, là một trong những phần có lớp giáp mỏng nhất. Nếu không phát hiện được xe tăng, nó sẽ tấn công bất cứ phương tiên cơ giới nào trong bán kính 100m. Nếu vẫn không có, nó sẽ tự hủy trên mặt đất.

7.12.08

JDAM tròn một con giáp


Cho tới nay, Mỹ đã sản xuất hơn 200,000 bom JDAM (bom điều khiển bằng GPS). Khoảng 24,000 trái đã được sử dụng trong chiến đấu, và cũng chừng đó trong luyện tập. Chính xác thì JDAM gồm một bộ điều khiển được gắn một một quả bom thông thường. Có tất cả 5 model được sản xuất, trong đó loại mới nhất có trang bị thêm bộ dẫn đường bằng laser. Ngoài Không lực và Hải quân Mỹ, JDAM còn được xuất khẩu sang các nước đồng minh. Nga và TQ cũng sản xuất những mẫu của mình, nhưng không sản xuất và sử dụng nhiều.

JDAM mới bắt đầu được sản xuất 12 năm trước với quy mô 750 quả 1 tháng trước khi tăng lên 2,000. Tới năm 2003, Không lực mới có 17,000 và muốn có một lượng dự trữ ít nhất 40,000. Hiện nay mức dự trữ mới đang được xây dựng.

Các chỉ huy quân sự trên thế giới vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những ảnh hưởng sâu sắc của JDAM lên cách thức tác chiến. Nước Mỹ hiện đang sở hữu phần lớn các loại vũ khí dùng định vị vệ tinh và có khả năng ngăn chặn các nước khác sử dụng vì hiện GPS là hệ thống vệ tinh định vị duy nhất hoạt động đầy đủ, bao phủ toàn bộ bề mặt trái đất.

JDAM khiến cho hỏa lực của không quân chính xác hơn rất nhiều, cho phép giảm thiểu số bom cần thiết để tấn công một mục tiêu hàng chục lần, kéo theo đó là giảm số máy bay, số nhân lực cần thiết. Từ đó khiến cho lực lượng tác chiến trở nên gọn nhẹ, linh hoạt hơn. JDAM cũng làm giảm thương vong cho dân thường, và hỗ trợ tốt hơn cho bộ binh.

Bom có điều khiển đã bắt đầu xuất hiện từ cuồi Thế chiến thứ 2, chúng chưa thật sự có tác động lớn cho tới khi bom dẫn bằng laser xuất hiện vào những năm 60. Một thập kỷ sau, bom điều khiển bằng TV ra đời. Nhưng những loại này rất đắt, có thể tới $100,000. Cho đến Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, chỉ có 16% trong sồ 250,000 quả bom được thả là bom có điều khiển. Nhưng chúng lại chiếm tới 75% số thiệt hại gây ra cho đối phương. Nhưng vũ khí điều khiển bằng laser vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, môi trường (sương mù, khói, mưa, bão cát). Người ta vẫn cần một giải pháp toàn diện.

Vào năm 1991, hệ thống GPS mới bắt đầu hoạt động. Trước khi JDAM ra đời, đã có ý tưởng về loại vũ khí tương tự, nhưng không ai dám chắc nó có thể hoạt động không. Tới khi các kỹ sư thật sự bắt tay vào chế tạo, người ta mới thấy rằng nó không chỉ khả thi mà còn rẻ chưa bằng 1 nửa giá ước tính, $18,000 so với $40,000. Hiện nay giá là $26,000 do sử dụng công nghệ hiện đại hơn, độ tin cậy cao hơn.

Vậy là năm 1996, JDAM bắt đầu được sản xuất. Và nó được sử dụng lần đầu vào năm 1999 tại Kosovo. Thật ngạc nhiên là tới 98% trong số 652 JDAM đánh trúng mục tiêu.

Năm 2001, JDAM làn vũ khí lý tưởng để hỗ trợ cho vài trăm lính đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan. Tới tháng 1/2002, Mỹ đã thả một nửa, 10,000 JDAM, trong tổng số dự trữ của họ ở Afghanistan.

6500 JDAM được sử dụng trong chiến dịch xâm lăng Iraq năm 2003. Nhưng từ đó việc sử dụng JDAM không còn nhiều như trước, chủ yếu vì lục quân đã có những vũ khí định vị vệ tinh riêng của mình như pháo, rocket điều khiển.

Hiện Mỹ sản xuất 3,000 JDAM một tháng với mục tiêu xây dựng mức dự trữ 200,000 đơn vị. TQ, Nga, và châu Âu vẫn đang ráo riết hoàn thiện hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình.

Xung laser chống boongke


Sử dụng xung laser cực nhanh để đốt cháy và ion hóa không khí phía trước vũ khí tạo thành một vùng không khí mật độ thấp, một 'đường hầm' gần như không có sức cản là một trong số các ý tưởng mới cho một loại vũ khí lý tưởng để tiêu diệt các boongke ngầm và các mục tiêu kiên cố khác.

Phòng thí nghiệm AM&PM, Arizona, đã được sự đồng thuận của Không lực Mỹ tiếp tục theo đuổi ý tưởng dùng năng lượng định hướng để tạo ra một 'đường hầm' không có sức cản và do đó tăng tốc cho bom hay tên lửa. Các mô hình mô phỏng máy tính cho thấy sức cản có thể giảm đến 96% và mức năng lượng đẩy tương đương tiết kiệm được bằng 65 lần năng lượng bỏ ra.

Thông thường khi tia laser ion hóa không khí, plasma tạo ra sẽ làm phân tán tia laser. Nhưng sử dụng laser với xung cực nhanh, khoảng từ 1 phần ngàn triệu triệu (14 số 0 sau dấu chấm thập phân) đến 1 phần triệu triệu giây (11 số 0) sẽ tạo ra một sự giãn nở cực nhanh của không khí tạo thành một khoảng không khí mật độ thấp kéo dài khoảng 2-3m phía trước vũ khí, triệt tiêu sóng cản và khiến không khí bị cuộn về phía sau. Do đó đồng thời giảm sức cản và tạo thành 1 'bức tường' không khí phía sau đề tạo thêm sức đẩy.

Có rất nhiều minh chứng cho hạn chế của những vũ khí công phá boongke hiện có. Ngay tại Berlin, bạn vẫn có thể thấy phần còn lại của những boongke từ thời Thế chiến mặc dù người ta đã ra sức phá bỏ chúng. Ngay cả các boongke của Saddam ở Iraq vẫn gần như nguyên vẹn dù Không lực Mỹ đã dùng vũ khí chính xác đánh trúng. Được thiết kể bởi kỹ sư Đức Karl Esser, người ta cho rằng cần đến 16 tên lửa Tomahawk đánh trúng cùng 1 điểm để xuyên thủng nó, và đó là phải sau khi phá hủy được tòa dinh thự xây dựng phía trên.

Bom phá boongke là một ưu tiên của BQP Mỹ. Sử dụng vũ khí hạt nhân mini từng được xem xét, nhưng đã bị hủy vì lo ngại về mưa phóng xạ. Lockheed Martin và BAE cũng đã đề xuất các phương án của mình.

Phương án của LM sử dụng thiết kế đặc biệt của bom nhằm tận dụng các nguyên lý 'thổ động học' nhằm giảm thiểu sức cản và sóng xung lực khi quả bom xuyên qua đất đá. LM cho biết nó tăng khả năng xuyên phá lên 10 lần.

BAE thiết kế một quả bom với 7 nòng súng ở phía trước, và chúng sẽ bắn phá đất đá trước khi bom tiếp xúc mặt đất.

Một ý tưởng khác là dùng bọt kim loại để bao bọc cho đầu đạn khi nó xuyên qua lớp vỏ boongke. Hoặc một loại composite để sử dụng làm đầu xuyên trong đầu đạn nổ định hướng.

Trong khi đó, loại vũ khí tốt nhất hiện có để phá boongke có lẽ là quả siêu bom xuyên MOP, nặng gần 15 tấn.

Điều kì diệu trên sa mạc


Trong suốt thập kỷ qua, Israel đã đầu tư và hoàn thiện Trung tâm huấn luyện chiến thuật (TTC) của mình. Đó là một cơ sở rộng khoảng 25000 hecta, và được cài đặt cảm biến điện tử khắp nơi tại sa mạc Negev. Ngoài các khu vực rộng lớn cho bộ binh, pháo binh và thiết giáp tập luyện còn có những khu vực được xây như làng mạc, thành phố dùng cho thao diễn tác chiến đô thị, cận chiến.

TTC được xây dựng theo mô hình của Trung tâm huấn luyện quốc gia NTC của Mỹ. NTC rộng 90,000 hecta, tại căn cứ Irwin, sa mạc Mohave, California. Tại đây, từ những năm 80, lục quân Mỹ bắt đầu cách mạng hóa việc huấn luyện lục quân bằng việc sử dụng các thiết bị đánh dấu bằng laser cho cả bộ binh và phương tiện, cùng với việc cài đặt cảm biến điện tử nhằm theo dõi và ghi lại mọi hoạt động trong quá trình huấn luyện.

Từ mô hình đó, nhiều nước khác đã mô phỏng và xây dựng NTC cho riêng mình, trong đó có cả TQ. Bản thân căn cứ Irwin đang được mở rộng. Quá trình này đã bị trì hoãn 5 năm nhằm tìm giải pháp cho các loài động vật sống ở khu vực sẽ nằm trong khu căn cứ mới. Bên cạnh NTC, còn có nhiều căn cứ khác tương tự, với quy mô nhỏ hơn, cũng sử dụng thiết bị điện tử để hỗ trợ huấn luyện.

Các nhà sản xuất Mỹ và Israel đã thiết kế ra nhiều phiên bản NTC dã chiến, theo đó cho phép nhanh chóng thiết lập một NTC mini trên một khu vực nhỏ bất kỳ. Ngoài ra còn có một số cải tiến khác. Ví dụ như VPU, cho phép giả lập một chiếc Hummer trở thành một chiếc xe tăng đối với hệ thống theo dõi. Hoặc một hệ thống cho phép tạo ra những màu khói khác nhau khi một mục tiêu bị bắn trúng, cho biết mục tiêu bị hư hại hay hoàn toàn phá hủy. Trong 1 tới 2 năm tới, máy bay cũng sẽ được kết nối với hệ thống.

Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của loại huấn luyện này là khả năng playback. Người ta có thể xem xét lại toàn bộ các hoạt động nhiều lần, xem ai đã làm những điều sai sót nào.

Bệnh viện robot


Iraq là cuộc chiến đầu tiên mà một lượng lớn robot được sử dụng. Vào lúc cao điểm, 2007, có gần 2000 robot cỡ nhỏ được sử dụng. Chỉ khoảng 20% số thiệt hại là do chiến đấu, còn lại là do lỗi điều khiển. Tuy vậy, dù lí do gì thì chúng vẫn cần được sử chữa.

Những robot này thường nặng dưới 30kg, và là một mục tiêu thường xuyên của những tên khủng bố. Chúng thường được sử dụng nhiều nhất để kiểm tra các vật thể bị nghi ngờ là bom tự tạo. Bọn khủng bố sẽ kích nổ hay thậm chí bắn vào robot khi thấy chúng tới gần. Nhưng robot thường nhỏ và được chế tạo rất chắc chắn, không dễ có thể bị hạ. Tuy vậy các kỹ thuật viên thường thao tác nhầm, đặc biệt là lệnh cho cánh tay robot nhấc những vật nặng hơn thiết kế.

Binh lính ngày càng sử dụng robot nhiều hơn cho nhiều loại nhiệm vụ khác nhau, cũng như sẵn sàng bảo vệ chúng khỏi hỏa lực đối phương, đối xử với chúng như đồng đội. Họ bắn yểm trợ cho chúng và sẽ không gửi robot đi trong những tình huống nguy hiểm nếu không thật sự cần thiết.

Trước đây, từng có một bệnh viện dành cho robot được thiết lập ở Iraq, với tên gọi chính thức là Cơ sở liên hợp sửa chữa và tái triển khai robot. Nó đã sửa chữa khoảng 400 robot một tuần. Các nhân viên ở đó thường xuyên gặp những anh lính mắt đỏ hoe, tay ôm con robot 'bị thương' và hỏi rằng liệu anh bạn của mình có thể được cứu. Nhiều trong số robot này thậm chí được đặt tên riêng.

Cuối cùng người ta nhận ra rằng chuyển những con robot này về cơ sở sửa chữa ở Đức rồi chuyển trở lại sẽ kinh tế hơn. Tại đó có nhiều kỹ thuật viên kinh nghiệm hơn.

Cuộc chiến cân nặng


7 năm trôi qua kể từ sau khi nước Mỹ phát động cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, bộ binh vẫn gánh vác phần lớn trách nhiệm trong giao tranh, do đó nhiều tiền hơn được đầu tư cho các trang thiết bị của người lính bộ binh. Áo giáp mới an toàn hơn. Radio mới nhẹ và tin cậy hơn, và gần như mỗi người lính đều được trang bị. Cảm biến bức xạ nhiệt cá nhân cho phép người lính không chỉ nhìn thấy trong đêm mà cả xuyên qua bão cát. Khẩu phần ăn cũng được cải tiến, mới nhiều món mới, thiết bị lọc nước cá nhân mới thay cho hóa chất khử trùng nước, vốn có mùi vị rất khó chịu.

Nhưng đi với những thiết bị mới trên là mối lo về trọng lượng. Thêm một thiết bị mới nghĩa là người lính phải cõng thêm một khối lượng không nhỏ. Đặc biệt là trường hợp của áo giáp và pin. Khi ra trận, bộ binh Mỹ thường đem theo áo giáp, vũ khí, đạn dược, radio, pin dự phòng, bộ cấp cứu, nước, thức ăn, thiết bị nhìn đêm. Một số còn đem theo iPod hay máy chơi game. Tổng cộng có thể tới gần 50 kg.

Một vấn đề nữa là điện. Không chỉ là pin, mà còn là trọng lượng của máy phát điện cầm tay, hay pin năng lượng mặt trời dùng để sạc pin. Pin nhiêu liệu (sử dụng các phản ứng hóa học với một lượng rất nhỏ nhiên liệu để phát điện) được xem là giải pháp cho vấn đề.

Một thiết bị mới mà người lính rất ưa thích là cảm biến bức xạ nhiệt cá nhân. Không như các thiết bị nhìn đêm truyền thống chỉ khuyếch đại ánh sáng yếu, thiết bị này cảm nhận các nguồn nhiệt phát ra. Được sử dụng trên xe cơ giới từ 20 năm nay, đến giờ nó mới trở nên nhẹ đủ để bộ binh mang theo. Tuy vậy, nó vẫn nặng hơn, sử dụng nhiều năng lượng hơn và đắt hơn thiết bị nhìn đêm cũ.

Hậu duệ của Excalibur


Lục quân Mỹ đang nghiên cứu thế hệ thứ hai của Excalibur, loại đạn pháo 155mm điều khiển bằng GPS. Model mới này giảm giá thành từ 85,000 dollar xuống 50,000.

Excalibur 'B' sẽ có chế độ điều khiển bằng quán tính làm backup cho GPS. Khi tín hiệu GPS vì lí do gì đó không hoạt động thì Excalibur sẽ chuyển sang hệ thống dẫn bằng quán tính. Độ chính xác sẽ giảm đi so với khi dùng GPS, từ 5m lên 15m. Nhưng như vậy cũng là chính xác nhiều so với pháo truyền thống, vốn có thể rơi cách mục tiêu 100 đến 200m.

Excalibur cực kỳ hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố vì quân phiến loạn hồi giáo thường sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Do đó, sự chính xác là tuyệt đối cần thiết. Một tình huống thườn gặp là các tay súng cố thủ trong một ngôi nhà trong khu dân cư, sát cạnh là nhà của thường dân. Bom thông minh có đủ độ chính xác, vấn đề là sức công phá của nó quá lớn cho việc sử dụng trong khu vực có mật độ dân cư cao. Pháo 155mm chỉ chứa khoảng 10kg, tạo sức công phá vừa đủ.

Một lợi điểm của nữa là Excalibur có góc tới gần bằng 90 độ thay vì chỉ khoảng 45 độ so với đạn pháo thường. Có nghĩa là nó gần như lao thẳng từ góc xuống mục tiêu. Đặc tính này cho phép tiêu diệt các mục tiêu nấp sau các ngọn đồi hay nhà cửa. Ngoài ra, ngay cả khi bị bắn lệch với hướng bắn đúng, Excalibur vẫn có thể từ điều chỉnh đường bay.

Với lực lượng bộ binh, có sẵn một loại vũ khí chính xác trong tay tiện lợi hơn nhiều so với việc phải liên hệ và đợi không quân yểm trợ. Với nhiều nước, khuyết điểm lớn nhất của Excalibur là giá, vì đạn 155mm thường chỉ khoảng 300 dollar.

Tuy vậy, Excalibur nếu xét đến nhiều yếu tố thì vẫn đáng với cái giá của mình. Vì nó giúp hạn chế thương vong cho dân thường và cả quân của mình (do bị bắn nhầm). Ngoài ra, chính xác hơn nghĩa là cần ít đạn hơn. Một quả pháo Excalibur có thể đảm nhận công việc của 10 - 20 quả đạn pháo thường. Với pháo 155mm, 10 quả nặng khoảng 1 tấn. Do đó, chi phí hậu cần tiết kiệm được là rất lớn. Tại những chiến trường như Afghanistan, một chiếc trực thăng có thể đưa một khẩu pháo cùng 10 quả Excalibur lên một đỉnh đồi là có thể yểm trợ cho lực lượng mặt đất trong một khu vực hàng trăm km vuông quanh đó.

Công nghệ giáp siêu nhẹ


Lục quân Mỹ đang tập trung nghiên cứu công nghệ giáp liên hợp mới, nhẹ hơn cho thế hệ xe tăng mới của mình. Loại tăng này, là một phần của chương trình Hệ thống Chiến đấu tương lai FCS, sẽ nặng dưới 30 tấn. Thế hệ xe tăng hiện tại của Mỹ, M-1, nặng 70 tấn.

Giáp liên hợp được phát minh ở Anh những năm 80. Nó gồm những lớp kim loại và gốm đặt xen kẽ nhau, và giúp cho lớn giáp chắc chắn hơn trong khi lại giảm được trọng lượng. Người Mỹ thêm vào một lớp uranium làm nghèo, và tạo ra công nghệ giáp xe tăng vững chắc nhất từ trước tới giờ.

Công nghệ mới mà người Mỹ đang nhắm tới sẽ có độ chắc chắn tương đương nhưng nhẹ hơn 1 nửa. Thời gian ra đời dự tính của thế hệ xe tăng mới là 2015.

Những kinh nghiệm từ các cuộc xung đột gần đây cung cấp nhiều ý tưởng mới. Ví dụ như binh lính ở Iraq nhận thấy rằng mặc dù các loại bom chống tăng có thể xuyên qua kim loại, nó lại bị chặn đứng bởi kính chống đạn.

Kính chống đạn khiền cho luồng xuyên của đầu đạn chống tăng mất ổn định và phân tán năng lượng dọc theo những lớp kính. Đây cũng là nguyên lý của công nghệ bọc thép Chobham, những lớp gốm ceramic và thép được đặt xen kẽ nhau. Khi một đầu xuyên hay dòng kim loại nóng tạo ra từ đầu nổ định hướng đi qua, chúng sẽ mất ổn định. Nguồn năng lượng ban đầu bị phân tán khi những tấm ceramic vỡ vụn.

Kính chống đạn có giá thành cao. Một tấm kính chắn gió giá khoảng vài ngàn dollar. Quy trình chế tạo có tỷ lệ phế phẩm rất cao, cần làm khoảng vài lần mới có được một thành phẩm như ý.

Ngoài công nghệ giáp liên hợp siêu nhẹ, các nhà nghiên cứu còn tiếp tục cải tiến công nghệ Giáp tương tác dùng sức nổ (ERA). Được chế tạo bởi Israel vào những năm 70, nó gồm thuốc nổ chèn giữa những tấm kim loại. Khi dòng kim loại nóng chảy tạo ra từ đầu nổ định hướng xuyên qua, ERA sẽ phát nổ, vụ nồ sẽ triệt tiêu động năng của luồng xuyên.

Một trong những khuyến điểm của ERA là nó có thể gây hại cho đồng đội gần đó. Có những giải pháp cho vấn đề này, CLARA ERA sử dụng nhiều lớp nhựa tổng hợp thay vì kim loại. CLARA cũng nhẹ hơn nhiều so với ERA thường. Ngoài ra còn có SLERA, sử dụng ít chất nổ hơn.

Cuối cùng là hệ thống bảo vệ chủ động. Nó thường gồm radar để phát hiện tên lửa đang bay đến và một rocket nhỏ sẽ bay ra để vô hiệu tên lửa đó. Người Nga đi tiên phong với hệ thống Drozd, chủ yếu để đối phó với sự ra đời của tên lửa chống tăng TOW của Mỹ. Hệ thống Trophy của Israel dùng công nghệ mới và hiện đại hơn. Có thể bảo vệ khỏi cả tên lửa có điều khiển và RPG (B-40, 41) ở khoảng cách gần.

Ngoài ra còn có công nghệ hoàn toàn mới và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu như sử dụng trường điện từ.

Diesel điện


Lục quân Mỹ đã thử nghiệm thành công phiên bản diesel -điện của xe vận tải hạng nặng HEMTT. Giờ đây họ đang chuyển sang thế hệ kế tiếp của Humvee.

Humvee xuất hiện từ 1984 và là sự thay thế cho chiếc Jeep nổi tiếng từ Thế chiến thứ 2. Được dự tính sẽ tồn tại trong 30 năm hoặc hơn, nhưng cuộc chiến ở Iraq đã rút ngắn tuổi thọ của nó. Bởi vì trong chiến tranh, các loại vũ khí luôn xuống cấp nhanh hơn nhiều trong thời bình. 5 năm chiến tranh ở Iraq làm cho số Humvee hao mòn nhiều hơn 14 năm hòa bình trước đó. Vì vậy, lục quân và thủy quân lục chiến đang xúc tiến chương trình thay thế Humvee bằng JLTV, viết tắt của Xe quân sự hạng nhẹ liên hợp. Chương trình vẫn đang trong giai đoạn đấu thầu. Tuy vậy, có thể JLTV sẽ sử dụng cơ chế diesel điện. Nó cho phép mở rộng không gian trong xe, vì không cần sử dụng trục truyền động, mỗi bánh xe sẽ có một động cơ điện riêng. Ngoài ra, nó còn cho phép dễ dàng chuyển sang sử dụng pin nhiên liệu cho xe.

Một lợi thế khác của xe diesel - điện là bản thân nó có thể đóng vai trò của một máy phát điện trên chiến trường. Việc các thiết bị điện, điện tử ngày càng phổ biến làm tăng nhu cầu điện năng. Một chiến HEMTT có thể cung cấp 100 kw điện năng. Mức tiêu thụ nhiên liệu cũng tương đương với động cơ diesel truyền thống. Năm 2005, trong cơn bão Katrina, một chiếc HEMTT đã cung cấp điện năng cho cả một bệnh viện.

C-RAM trên 8 bánh xe

Lục quân Mỹ đang nâng cấp phiên bản cơ động trên bộ của hệ thống chống tên lửa Phalanx của hải quân. Phiên bản này ra đời 4 năm trước tại chiến trường Iraq và được gọi là C-RAM, tức là hệ thống chống rocket, đạn pháo và đạn cối. Phalanx về cơ bản là một hệ thống phòng thủ tầm gần gắn trên tàu chiến. Nó gồm một súng Gatling (súng máy đa nòng) 20mm được trang bị radar riêng và hoàn toàn tự động, và được sử dụng như lớp phòng thủ cuối cùng chống lại tên lửa diệt hạm.

C-RAM là Phalanx, với một số thay đổi về phần mềm cho phép nó sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn radar khác và bắn hạ gần như bất cứ loại hỏa lực pháo binh nào. Sau này hệ thống được đổi tên là Centurion. Nó sử dụng đạn 20mm chứa chất nổ, phát hỏa khi có mục tiêu ở gần và dùng mảnh đạn để hạ mục tiêu. Hệ thống gốc Phalanx, trên tàu chiến, sử dụng đạn làm từ uranium làm nghèo để xuyên phá tên lửa. Tốc độ bắn lên tới 75 viên/giây.

Centurion cơ động bao gồm hệ thống Centurion cơ bản cùng một máy phát điện. Hệ thống được gắn trên HEMTT, một loại xe vận tải quân sự hạng nặng 8x8 của Mỹ, còn được biết đến như là M-977. Thế hệ mới được trang bị động cơ diesel điện. Được thiết kế để vượt địa hình, nó là có thể theo kịp các đội hình xe tăng trong 2 cuộc chiến tranh vùng vịnh. Nó có thể chở 10 tấn hàng hóa. Centurion nặng 6 tấn. Lục quân Mỹ có 13000 HEMTT.

Hệ thống C-RAM đầu tiên được triển khai ở Iraq vào khoảng 2006 để bảo vệ Vùng Xanh, và nó đã bắn hạn khoảng 70-80% số đạn pháo bắn vào đó. Trong 2 năm qua, Centurion đã bắn chặn hơn 100 mục tiêu. Tầm bảo vệ của nó là 4km, giá một hệ thống là 15 triệu dollar. Hiện có 22 hệ thống, đa số sẽ được gắn trên HEMTT.

Ngoài ra, lục quân Mỹ cũng sẽ gắn 5 hệ thống kiểm soát đám đông bằng sóng viba ADS trên HEMTT. ADS dùng sóng viba ở một tần số nhất định khiến cho người trong vùng ảnh hưởng cảm thấy như da mình đang bị thiêu đốt. Thử nghiệm cho thấy không ai có thể đứng lâu hơn 5 giây trước khi bỏ chạy.

Việc đưa ADS vào sử dụng đã bị trì hoãn khá lâu vì các chỉ huy e sợ các phản ứng tiêu cực của báo chí và giới chính trị về những huyền thoại liên quan đến 'tia tử thần' mặc dù ADS không phải là vũ khí sát thương.