7.12.11

Chiến trường Thái Bình Dương

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ trong thời gian gần đây đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới. Mặc dù cho đến nay cả 2 nước vẫn đang là đối tác kinh tế lớn của nhau và cả 2 chính quyền đều chưa bao giờ công khai xem nhau là kẻ thù, nhưng nhiều người cho rằng khi TQ phát triển đến 1 mức nào đó, sự xung đột về lợi ích có thể đẩy 2 nước đến xung đột.

Giới quân sự Mỹ nhận định nếu có xung đột xảy ra giữa Mỹ và TQ, nhiều khả năng nó sẽ diễn ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Thứ nhất bởi vì đây là khu vực chiến lược ở ngay 'mặt tiền' của TQ, Thứ hai khu vực này tập trung các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và cả 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này đều là những khúc mắc với TQ. Nhật và Hàn Quốc có các tranh chấp về lãnh hải với TQ, trong khi đó TQ vẫn thường xuyên nhấn mạnh việc sẵn sàng dùng vũ lực với Đài Loan trong vấn đề độc lập. Giới quân sự Mỹ cũng giả định rằng TQ sẽ là phía ra tay trước trong cuộc xung đột đó.  

CHIẾN LƯỢC CỦA TQ

Trong một cuộc xung đột với Mỹ, hiển nhiên TQ sẽ ở thế 'chiếu dưới', do đó TQ sẽ phải xây dựng chiến lược của mình dựa trên cách thức tiến hành chiến tranh của Mỹ, sao cho ít nhất là có thể kiềm chế được sức mạnh của Mỹ.

Một trong những trụ cột quan trọng nhất cho vị thế siêu cường của Mỹ là khả năng triển khai sức mạnh quân sự đến mọi nơi trên thế giới, cho dù là cách xa hàng ngàn km. Lí do thứ nhất là do sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ đối với các nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, do đó Mỹ phải bảo vệ các tuyến hàng hải của mình. Thứ hai là với vai trò siêu cường, các lợi ích của Mỹ trải dài trên quy mô toàn cầu, do đó Mỹ cần có khả năng bảo vệ các lợi ích đó. Và cuối cùng, Mỹ có nhiều đồng minh rải rác khắp nơi trên thế giới và cũng cần có thể bảo vệ những nước này khi cần.

Khả năng này được xây dựng dựa vào 2 yếu tố chính. Đầu tiên là một mạng lưới rộng lớn các căn cứ  quân sự hải ngoại, đóng vai trò như những trạm trung chuyển nhân lực và hậu cần, là nơi để Mỹ tập trung quân trước khi phát động chiến tranh, và để duy trì hoạt động trong thời gian chiến tranh. Thứ 2 là sức mạnh vượt trội của hải quân Mỹ so với các nước khác. Ngay cả Liên Xô trong thời kì đỉnh cao của mình cũng không thể cạnh tranh với Mỹ về lực lượng hải quân viễn chinh. Kể từ sau Thế chiến thứ 2 cho đến nay, hải quân Mỹ liên tục duy trì sự hiện diện của mình tại mọi vùng biển chính trên thế giới. Nhờ vào ưu thế này, hải quân Mỹ có thể trực tiếp tham chiến nhờ vào nguồn hoả lực khổng lồ của mình, gồm các chiến đầu cơ từ tàu sân bay, tên lửa hành trình từ các tàu nổi và tàu ngầm, hoặc hỗ trợ lực lượng thuỷ quân lục chiến đổ bộ. Ngoài ra, Mỹ có thể tự do di chuyển nhân lực và vật lực của mình từ chính quốc đến các chiến trường ở hải ngoại bằng đường biển.

Dựa trên 2 yếu tố trên, cách thức tiến hành chiến tranh hiện đại của Mỹ về cơ bản là giống nhau trong mọi cuộc xung đột lớn mà Mỹ tham gia kể từ sau thế chiến thứ 2 đến nay:

-Nhanh chóng triển khai một lực lượng quân sự lớn cả trên bộ, trên không, trên biển đến các căn cứ tiền phương và vùng biển gần điểm nóng xung đột.

-Thiết lập và đảm bảo một vùng hậu phương an toàn cho việc tiếp tục tập trung nhân lực và vật lực.

-Thường xuyên thu thập thông tin trinh sát, tình báo về đối phương; đồng thời ngăn đối phương làm điều tương tự.

-Chủ động bắt đầu chiến tranh tại thời gian và địa điểm mà Mỹ chọn.

-Luôn duy trì thế thượng phong trên không.

Do đó, để đối phó với sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, chiến lược của Trung Quốc nhắm vào việc vô hiệu hoá 2 yếu tố sức mạnh này của Mỹ. Chiến lược này bao gồm 2 mục tiêu chính: vô hiệu hoá các căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực thông qua một đợt tấn công phủ đầu chớp nhoáng, và thứ hai là ngăn chặn sự hoạt động tự do của hải quân Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương, đẩy các hạm đội Mỹ ra xa hơn khỏi tầm tác chiến của mình. Mục đích cuối cùng là nhằm ngăn Mỹ không thể triển khai sức mạnh quân sự tại khu vực này trong trường hợp có xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực này, như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.

Căn cứ tiền phương ở hải ngoại, như đã phân tích ở trên, cho đến nay là một điểm mạnh của sức mạnh quân sự Mỹ. Nhưng nó cũng đồng thời là 'gót chân Achilles' người Mỹ. Điểm yếu này đã được chính người Mỹ cũng như các nước khác nhìn thấy kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, do sự phát triển và phổ biến của các loại vũ khí tấm xa. Đặc biệt là hiện nay Trung Quốc đang sở hữu một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, có sức vươn xa đến hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, hải quân là nguồn sức mạnh chính của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương khi có xung đột xảy ra, đặc biệt là các tàu sân bay, vì diện tích rất lớn của khu vực này nên các chiến đấu cơ của không quân hoạt động từ các sân bay trên đất liền sẽ không tầm bay để hoạt động hiệu quả.

TQ hiểu rõ rằng trong hiện tại và tương lai gần, họ chưa đủ sức để có thể hoàn toàn đánh bại Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, do đó mục tiêu chiến lược của TQ là khiến cho Mỹ phải trả một chi phí rất cao khi quyết định tham chiến, như vậy sẽ tạo một sự răn đe cho chính phủ và người dân Mỹ không nên dính vào một cuộc xung đột quân sự với TQ.

Kế hoạch tổng thể của TQ trong trường hợp có xung đột vũ trang với Mỹ như sau. 

Trong giai đoạn đầu, TQ sẽ tấn công vô hiệu hoá các vệ tinh quân sự của Mỹ ở quỹ đạo tầm thấp, đặc biệt là các vệ tinh trinh sát và liên lạc.

Tiếp theo là những đợt tấn công phủ đầu các căn cứ chính của Mỹ tại các nước đồng minh trong khu vực như căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Andersen ở Guam bằng các tên lửa đạn đạo tầm xa. Làm tê liệt toàn bộ hoặc 1 phần các căn cứ này.

Khi  Mỹ đưa các đội tàu sân bay của mình vào khu vực, TQ sẽ đáp trả các hạm đội này bằng tên lửa đạn đạo diệt hạm, tên lửa hành trình diệt hạm được phóng đi từ đất liền, máy bay, và tàu ngầm. Mục đích là ép hạm đội Mỹ ra cách xa bờ biển  TQ ít nhất 1000 hải lý, vì khoảng cách đó lớn hơn tầm hoạt động (nếu không được tiếp nhiên liệu trên không) của các máy bay từ tàu sân bay, và cũng lớn hơn tầm bay của tên lửa hành trình phóng đi từ các tàu chiến khác.

Tiếp đó, các tên lửa phòng không tầm xa và tiêm kích cơ của TQ sẽ tập trung giành giật quyền kiểm soát bầu trời, đẩy lùi các máy bay Mỹ, đặc biệt là trên vùng trời của eo biển Đài Loan và gần nội địa TQ.

Cùng lúc với các đòn tấn công 'cứng' là các đòn tấn công 'mềm' trên không gian mạng và tác chiến điện tử nhằm làm triệt tiêu hơn nữa năng lực tác chiến của Mỹ.

Chống vệ tinh

Mỹ sở hữu một hệ thống vệ tinh quân sự hiện đại và dày đặc nhất hiện nay, tạo cho quân đội Mỹ một lợi thế khổng lồ. Các vệ tinh này đóng rất nhiều vai trò khác nhau, bao gồm do thám, thông tin liên lạc, dẫn đường, và cung cấp toạ độ cho các loại vũ khí thông minh. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc lớn của quân đội Mỹ vào các vệ tinh này cũng là 1 điểm yếu mà TQ có thể khai thác.

Năm 2001, tình báo Mỹ dự đoán rằng đền 2015, TQ sẽ có được khả năng chống vệ tinh. Sau đó dự đoán này được sửa lại thành 2010, nhưng trên thực tế đến ngày 11/1/2007 thì TQ đã thử nghiệm thành công việc dùng tên lửa từ mặt đất phá huỷ 1 vệ tinh khí tượng cũ cách Trái đất 850 km. Ngoài ra, nhiều người còn tin rằng TQ từng thử nghiệm việc dùng tia laser để làm loá cảm biến trên một vệ tinh của Mỹ, mặc dù cả Mỹ và TQ đều ko chính thức tuyên bố gì về việc này.

Nếu TQ có khả năng bắn hạ các vệ tinh của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột, nó có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả của cuộc chiến. Đa số các loại vũ khí chính xác của Mỹ hiện nay dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS. GPS cũng giúp định hướng các loại phương tiện trên biển và trên không. Từ ngày 8/2/2010, hải quân Mỹ đã cho ngừng hoạt động hệ thống dẫn đường dựa vào các đài phát đặt ở bờ biển, do đó hiện nay việc định hướng trên biển hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống GPS. GPS còn giúp việc tinh chỉnh thời gian chính xác để các hệ thống mạng có thể làm việc với nhau.

Một số loại UAV, máy bay không người lái, của Mỹ cũng phụ thuộc vào các đường truyền vệ tinh để nhận chỉ thị từ trạm điều khiển. Quân đội Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào vệ tinh cho việc thông tin liên lạc. Nhu cầu truyền dữ liệu qua vệ tinh của quân đội Mỹ đã tăng với tốc độ chóng mặt trong 2 thập niên qua. Nếu như chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), tổng băng thông qua vệ tinh là 12 megabit/giây, thì hiện nay con số này cho 2 chiến trường Iraq và Afghanistan cộng lại lên tới 10 gigabit/giây, gấp gần 1,000 lần.

Tất nhiên ngay cả TQ cũng sử dụng vệ tinh trong quân sự, và nếu TQ bắn hạ các vệ tinh Mỹ trước thì Mỹ cũng có thể trả đũa tương tự. Nhưng mức độ phụ thuộc của TQ vào vệ tinh thấp hơn Mỹ, hơn nữa nếu chiến tranh xảy ra thì nó ở ngay cạnh TQ, trong khi Mỹ phải tác chiến từ cách nửa vòng Trái đất, do đó TQ có nhiều lựa chọn khác để thay thế vệ tinh hơn.

Chiến tranh mạng

Hiện nay, không gian mạng (hay không gian điều khiển) đã trở thành 1 không gian chiến tranh mới bên cạnh các không gian chiến tranh cổ điển (trên bộ, trên không và trên biển). Những cuộc tấn công ảo hiện nay đã có thể gây ra những thiệt hại vật chất to lớn không khác gì bom đạn thật. TQ nằm trong số những nước có năng lực chiến tranh mạng đáng kể nhất hiện nay, và thường xuyên sử dụng nó để tấn công các mạng máy tính của các quốc gia khác, trong đó Mỹ là mục tiêu chủ yếu. Trong thời bình, mục tiêu chính của những cuộc tấn công này chủ yếu là để đánh cắp thông tin mật. Tuy nhiên trong thời chiến, TQ có thể sử dụng khả năng này nhằm làm gián đoạn các mạng thông tin chỉ huy tác chiến của quân đội Mỹ.

Căn cứ tiền phương

Các lực lượng Mỹ đã quen với việc được hỗ trợ và tiếp tế từ các căn cứ lớn xung quanh khu vực chiến sự mà đối phương hầu như không thể tấn công. Ví dụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh, Iraq chỉ có thể bắn 1 số tên lửa Scud sang các căn cứ Mỹ ở A rập Saudi, nhưng đa số là không chính xác, và chỉ gây tác dụng về tinh thần hơn là vật chất. TQ giờ đây muốn đánh vào yếu huyệt này. Con bài chính của TQ trong kế hoạch dùng đòn tấn công phủ đầu vào các căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực là tên lửa đạn đạo. Đối diện với Đài Loan là hơn 1 nghìn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, từ 300-600km. Trong khi đó các tên lửa tầm trung và tầm xa mới, với tầm bắn từ 1,000 - 3,000km, có thể vươn xa đến tận Guam, là tiền đồn chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Hạm đội trên biển

Trong nhiệm vụ hoá giải sức mạnh hải quân Mỹ TQ đặt trọng tâm vào việc tiêu diệt các tàu sân bay. Trước tiên họ dựa vào các loại vũ khí và chiến thuật của Liên Xô, do trong Chiến tranh lạnh Hải quân LX cũng xem tàu sân bay là mục tiêu ưu tiên cao, trong đó chủ yếu dựa vào các tên lửa diệt hạm phóng từ tàu ngầm hoặc máy bay. Phương thức này có nhược điểm là cần các phương tiện trung gian để chuyên chở các tên lửa diệt hạm như máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm. Trong khi đó, TQ hiện nay chưa thật sự mạnh tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa, vì vật TQ đặt cược nhiều vào việc dùng các tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm trung. Với loại vũ khí này, TQ có thể nhắm bắn tàu sân bay Mỹ khi chúng còn cách Trung hoa đại lục từ 1,000 đến 1,600 hải lý chỉ bằng cách phóng tên lửa từ đất liền ra, thay vì phải dùng các phương tiện chuyên chở khác như máy bay, tàu ngầm để phóng tên lửa.

Cho đến nay chưa có nước nào thực sự triển khai việc sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung cho vai trò chống tàu chiến. TQ được cho là đã cải tiến tên lửa Đông Phong 21, vốn là tên lửa đất đối đất tầm trung, cho vai trò này. Đông Phong 21 được cho là có tầm bắn trên 1,000 hải lý, mang bên trong các đầu đạn con tự hành. Mỗi đầu đạn con này có mang theo cảm biến riêng (radar hoặc cảm biến hồng ngoại) để tự phát hiện và tấn công mục tiêu. Chúng có thể được trang bị chất nổ thông thường, hoặc phóng ra những chùm mũi xuyên để gây hư hại cho tàu sân bay, hay thậm chí là đầu đạn xung điện từ để vô hiệu hoá radar và các thiết bị điện tử khác.

Đông Phong 21 có thể được phóng đi từ các xe cơ giới, do đó tăng tính cơ động và bí mật của nó. Cho đến nay, TQ chưa thực hiện bất kì cuộc thử nghiệm hoàn chỉnh nào của hệ thống này, có lẽ là do không muốn tạo căng thẳng, tuy nhiên nhiều người tin rằng TQ đã hoàn thành việc thử nghiệm từng phần của nó.

Tuy nhiên, trước khi TQ có thể sử dụng loại tên lửa này thì điều kiện tiên quyết là họ phải có khả năng phát hiện ra hạm đội Mỹ từ xa, theo dõi, và dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu. Đây là 1 nhiệm vụ không đơn giản, nếu TQ muốn tấn công từ khoảng cách trên 1,000 hải lý. Do đó TQ cũng đang dồn sức vào việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm và dẫn đường tầm xa, trọng tâm bao gồm các radar ngoại biên tầm xa, và vệ tinh viễn thám. Hiện nay TQ đang tăng tốc việc thiết kế và phóng các vệ tinh viễn thám, thông tin, dẫn đường, thời tiết, tất cả nhằm hoàn thiện chuỗi trình tự từ lúc phát hiện đến lúc tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Lực lượng máy bay tầm xa của TQ tuy còn ở quy mô nhỏ và ít kinh nghiệm tác chiến nhưng cũng không phải là hoàn toàn vô hại. Loại máy bay tấn công hàng hải chủ lực của TQ là H-6K, với tầm hoạt động 1,600 hải lý, nó có thể mang theo 6 tên lửa diệt hạm. TQ có thể dùng các chiến đấu cơ Su-30 MMK để  hộ tống H-6K. Su-30MMK nếu được tiếp nhiên liệu trên không có thể có tầm hoạt động tương đương H-6K.

Lực lượng tàu ngầm của TQ hiện nay chủ yếu vẫn là các tàu ngầm diesel điện. Loại tàu ngầm này có thể rất yên lặng khi chạy bằng động cơ điện, nhưng bù lại nó phải thường xuyên trồi lên để nạp lại pin, tầm hoạt động ngắn, và tốc độ rất thấp, do đó tàu ngầm diesel điện chủ yếu được dùng trong vai trò phòng thủ, 'phục kích' các hạm đội Mỹ tại 1 khu vực nào đó. Chủ lực của lực lượng này là 12 tàu ngầm Kilo mà TQ đặt mua của Nga, một trong những loại tàu ngầm diesel điện hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Nguy hiểm hơn chính bản thân Kilo là những loại ngư lôi và tên lửa diệt hạm đi kèm với loại tàu ngầm này, vốn hiện đại hơn nhiều so với những gì TQ có trước đó.

Công nghệ chế tạo tàu ngầm của TQ hiện nay tuy vẫn còn rất khiêm tốn nhưng có tốc độ phát triển khá cao. Đặc biệt TQ đã tự phát triển công nghệ tàu ngầm chu trình kín. Với các tàu ngầm diesel điện thông thường, sau khoảng vài ngày, khi pin đã cạn, tàu sẽ phải chạy động cơ diesel để nạp lại điện. Khi đó nó sẽ phải trồi lên sát mặt nước, và dùng các ống thông hơi để hút khí và động cơ và thoát khí thải. Với công nghệ chu trình kín, tàu có thể hoạt động liên tục hàng tuần.

Ngoài ra, TQ còn sở hữu hàng chục ngàn mìn hải quân hiện đại. Trên thực tế, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, mìn là loại vũ khí gây ra nhiều thiệt hại nhất cho hải quân Mỹ, chứ không phải các loại vũ khí khác như máy bay, tên lửa...

Phòng không

Mục tiêu chính của lực lượng phòng không TQ là ngăn chặn việc máy bay Mỹ có thể hoạt động tự do trong vùng trời trên eo biển Đài Loan. Át chủ bài là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 PMU2 mua của Nga, với tầm hoạt động tối đa 400km, nghĩa là trên lý thuyết có thể bao trùm gần như toàn bộ eo biển Đài Loan. Hiện nay TQ cũng đang thuyết phục Nga bán thế hệ mới hơn S-400. Dọc bờ biển đối diện với Đài Loan, TQ đã xây dựng một hệ thống dày đặc các radar, trận địa tên lửa, chúng được kết nối với nhau bằng hệ thống thông tin cáp quang để chống việc gây nhiễu.

Yếu tố địa lý

Trong chiến tranh lạnh, chiến trường chính là lục địa châu Âu, nơi mà khối NATO và khối Warsaw chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực giữa 2 bên. Trong khi đó, chiến trường Tây Thái Bình Dương có 2 đặc điểm chính, thứ nhất nó chủ yếu là chiến trường trên biển và trên không, khác với chiến trường châu Âu chủ yếu trên không và trên bộ. Thứ hai, khu vực Tây Thái Bình Dương có một diện tích khổng lồ, lớn hơn cả lục địa châu Âu, và lớn gấp nhiều lần khu vực Trung Đông.

Trong khu vực này, TQ xác định có 2 cột mốc địa lý chiến lược quan trọng, là 'Chuỗi đảo thứ nhất' và 'Chuỗi đảo thứ hai'. Chuỗi đảo thứ 1 chạy từ phía nam Nhật Bản, qua đảo Okinawa, đến Đài Loan, và chạy xuống đến Phillipines và đảo Borneo (Indonesia). 'Chuỗi đảo' này ôm trọn Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông. Chuỗi đảo thứ 2 chạy từ miền trung Nhật Bản, quan quần đảo Marinas, đảo Guam, quần đảo Caroline, ôm trọn Biển Phillipines.

Diện tích khổng lồ của khu vực này đặt ra cho Mỹ một bất lợi lớn, khi phải di chuyển nhân lực và vật lực qua một quãng đường lớn trong khi chiến trường này lại nằm ngay cạnh TQ. Ví dụ từ San Diego, California, quân cảng chính của Mỹ trên bờ Thái Bình Dương, đến đảo Guam, là hơn 10,300 km. Từ căn cứ không quân Elmendorf, Alaska, một trong những nơi đóng quân của chiến đấu cơ tàng hình F-22, đến căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản, là hơn 5,500km.

Không những vậy, Mỹ còn có 1 bất lợi nữa là chỉ có 1 số ít các cơ sở quân sự trong khu vực, do đó TQ có thể tập trung hoả lực với mật độ lớn nhằm vô hiệu hoá chúng. Những căn cứ này lại cách xa nhau và bị ngăn cách bởi biển.Trong khi đó, TQ có thể rải đều lực lượng ra nhiều căn cứ khác nhau ở chính quốc, và đều nằm trong đất liền.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy sự hỗ trợ của các đồng minh trong khu vực có tầm quan trọng đặc biệt nếu Mỹ phải tham chiến tại đây. Đặc biệt là Nhật Bản, vì đây là nước có tiềm lực lớn nhất, có diện tích lớn nhất, và nằm xa TQ nhất,  trong số các đồng minh.

CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ

Chiến lược đối phó của Mỹ với TQ gồm các bước sau:

-Chống chọi với đợt tấn công phủ đầu của TQ, hạn chế tối đa thiệt hại cho các căn cứ quân sự hải ngoại
-Làm tê liệt các hệ thống thông tin chỉ huy của TQ
-Duy trì thế hoạt động trên của các vệ tinh và trên không gian mạng
-Tiêu diệt các hệ thống trinh sát và tấn công tầm xa của TQ
-Thực hiện các hoạt động phong toả hàng hải từ xa
-Duy trì hoạt động cung cấp hậu cần từ nội địa Mỹ đến chiến trường
-Động viên ngành công nghiệp trong nước để sản xuất bù vào trang thiết bị tiêu hao do chiến tranh, đặc biệt là các loại vũ khí chính xác.


Theo đó, Mỹ sẽ cần những bước chuẩn bị sau:

-Kiên cố hoá các công trình phòng thủ tại những căn cứ hải ngoại trong khu vực
-Tiếp tục hoàn thiện công nghệ phòng thủ tên lửa
-Phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ mật độ cao
-Tăng cường khả năng tác chiến tàu ngầm
-Phát triển các phương án có thể thay thế vệ tinh
-Tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ trên không gian mạng
-Phát triển công nghệ vũ khí năng lượng định hướng (laser, pháo điện từ)

Kiên cố hoá các căn cứ

Từ 2010, Mỹ bắt đầu đầu tư bổ sung nhiều boong-ke, hầm ngầm kiên cố tại Guam, điểm tập kết quân sự quan trọng nhất trong khu vực. Một mặt là để tiếp nhận 8,000 lính thuỷ đánh bộ chuyển từ Okinawa đến, một mặt là để chuẩn bị cho trường hợp bị TQ tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo. Toàn bộ dự án này tiêu tốn 8 tỷ dollar và sẽ kéo dài trong 3 năm.

Phòng thủ tên lửa

Át chủ bài trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa là các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng không AEGIS cải tiến và tên lửa Standard. Chúng có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung (loại có tầm bắn từ 3,500 - 5,500 km) khi chúng còn đang ở ngoại tầng khí quyển. Hệ thống này còn có ưu điểm ở tính linh hoạt, do được đặt trên tàu nên có thể được di chuyển đến những điểm nóng tuỳ theo tình hình thực tế.

Hiện nay hải quân Mỹ có tổng cộng 18 tàu chiến trang bị AEGIS cải tiến có thể bắn hạ tên lửa, và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong tương lai, bằng việc đóng thêm tàu mới hoặc cải tiến các tàu có sẵn. Đây sẽ là lớp phòng thủ đầu tiên của các căn cứ của Mỹ tại Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc,  cũng như bảo vệ các đội tàu sân bay. Cho đến nay hệ thống này đạt tỷ lệ thành công 84% trong các lần thử nghiệm, với tổng cộng 21 lần. Nó có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao trên 200km, với khoảng cách 500km. Hải quân Mỹ cũng từng dùng hệ thống này để bắn trúng 1 vệ tinh đang rơi. Ngoài ra, hệ thống này còn có nhiệm vụ bảo vệ các đội tàu sân bay trước các tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa (ASBM) của TQ.

Lớp bảo vệ tiếp theo là của các tên lửa THAAD và Patriot PAC-3 đặt trên đất liền. THAAD có  tầm bắn tối đa 200km, độ cao tối đa 150km. Đây lá chắn thứ 2 nếu tên lửa đạn đạo của TQ lọt qua được AEGIS. Cuối cùng là Patriot PAC-3, với tầm bắn 20km. Nó được dùng để bảo vệ những mục tiêu cụ thể, thay vì bảo vệ một khu vực lớn như AEGIS hay THAAD.

Bằng việc kết hợp giữa phòng thủ thụ động (kiên cố hoá các công trình) và chủ động (bắn hạ tên lửa) Mỹ có thể giảm thiểu được thiệt hại nếu bị TQ tấn công bất ngờ kiểu 'Trân Châu Cảng'. Đồng thời buộc TQ phải tiêu tốn nhiều tên lửa hơn.

Trên thực tế, cách chống tên lửa hiệu quả nhất là theo nguyên tắc 'giết cung thủ thay vì tìm cách chặn mũi tên', hay nói cách khác là tìm diệt các giàn phóng tên lửa. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, vì các giàn phóng tên lửa của TQ đa số là có khả năng cơ động. Ngoài ra, máy bay Mỹ sẽ còn phải đối phó với hệ thống phòng không dày đặc của TQ.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, mặc dù hoàn toàn làm chủ bầu trời, không quân Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu diệt các giàn phóng tên lửa Scud di động của Iraq. Trong báo cáo tổng kết sau cuộc chiến, đây được xem là một trong những thất bại lớn nhất của không quân Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến.

Để bảo vệ hạm đội Mỹ, các chiến đấu cơ của hải quân và không quân Mỹ sẽ có 2 nhiệm vụ chính là quét sạch vùng trời trên eo biển Đài Loan (nếu xung đột giữa Mỹ và TQ có liên quan đến Đài Loan), và ngăn máy bay TQ trước khi chúng lại đủ gần hạm đội Mỹ để phóng tên lửa diệt hạm.

Lớp bảo vệ cuối cùng cho các hạm đội Mỹ là các hệ thống phòng không tầm gần. Những hệ thống này không nhằm vào các máy bay mà để bắn hạ chính các tên lửa khi chúng đến gần tàu chiến.

Hiện nay hải quân Mỹ đang tập trung phát triển công nghệ laser để thay thế tên lửa dùng trong nhiệm vụ bảo vệ tầm gần. Các thử nghiệm cho thấy một tương lai khá hứa hẹn, tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế và áp lực cắt giảm ngân sách quân sự khiến cho chương trình này có nguy cơ không thể hoàn thành trong tương lai gần.

ISR

Cách triệt để nhất để ngăn chặn hoả lực tầm xa của TQ là vô hiệu hoá hệ thống thông tin trinh sát (ISR) của TQ. Hệ thống này có vai trò như tai mắt cho các vũ khí khác. Để làm điều này, Mỹ sẽ đồng thời sử dụng 2 phương thức tấn công bằng hỏa lực và tấn công gián tiếp.

Tấn công bằng hỏa lực nghĩa là Mỹ sẽ sử dụng các loại vũ khí thông minh có độ chính xác cao để tấn công các điểm nút quan trọng trong hệ thống ISR của TQ. Trong đó ưu tiên cao nhất là vô hiệu hoá các hệ thống cảnh báo tầm xa của TQ, bao gồm các trung tâm phóng vệ tinh, trạm điều khiển vệ tinh mặt đất, các radar tầm xa.

Cũng như Mỹ, TQ phụ thuộc vào các vệ tinh viễn thám trong việc cảnh báo sớm từ xa. Nếu Mỹ có thể tiêu diệt các trạm điều khiển, tiếp nhận tín hiệu mặt đất, sẽ giảm được đáng kể hiệu quả của các vệ tinh này. Ngoài ra, tấn công các trung tâm phóng vệ tinh cũng giúp ngăn TQ phóng bổ sung những vệ tinh mới trong trường hợp có chiến tranh.

Các radar tầm xa ngoại biên (OTH) có khả năng 'nhìn' xa hơn giới hạn những loại radar thường, tuy vậy thường có độ chính xác kém, nên chỉ dùng trong vai trò cảnh báo sớm. Những hệ thống OTH mà TQ đang triển khai được cho là có tầm hoạt động từ 800km cho đến 3,000km, cho phép TQ phát hiện được hạm đội Mỹ trước khi các hạm đội này có thể tấn công nội địa TQ. Tuy vậy, chúng có nhược điểm là kích thước rất lớn, được đặt cố định trên một diện tích lớn, do đó có thể trở thành những mục tiêu ngon ăn.

Để vượt qua được mạng lưới phòng thủ dày đặc của TQ và tấn công các mục tiêu chiến lược này, Mỹ có 2 lựa chọn: hoặc dùng các máy bay tàng hình đột nhập sâu vào lãnh thổ TQ hoặc dùng các loại vũ khí tấn công tầm xa.

Đối với lựa chọn thứ 1, hiện nay Mỹ chỉ có 1 loại máy bay tàng hình phù hợp là B-2. B-2 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, đủ sức bay từ các sân bay quân sự Mỹ tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ TQ, tuy nhiên số lượng có hạn, tổng cộng chỉ khoảng 20 chiếc. Một loại máy bay tàng hình nữa là F-22, tuy nhiên loại này chủ yếu có vai trò tấn công trên không. Trong tương lai gần, Mỹ có thể có thêm loại máy bay tàng hình thứ 3 là F-35. Tuy vậy, tầm hoạt động của nó không đủ để có thể xâm nhập sâu bên trong TQ, ngoài ra khả năng tàng hình của nó cũng không bằng F-22 và B-2.

Do đó, với phương án này, có thể Mỹ chỉ sử dụng máy bay tàng hình B-2 cho 1 số ít mục tiêu quan trọng, đặc biệt là những mục tiêu nằm sâu dưới mặt đất, vì B-2 có khả năng mang theo MOP, loại bom xuyên mạnh nhất thế giới hiện nay. MOP nặng gần 15 tấn và có khả năng xuyên sâu hơn 60m dưới mặt đất.

Ngoài ra, B-2 nếu được trang bị bom thông minh cũng có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu. Không quân Mỹ đã thử nghiệm việc dùng 1 chiếc B-2 để ném bom chính xác 80 mục tiêu khác nhau chỉ với 1 lần thả bom. Với khả năng này B-2 có thể được dùng để tấn công các mục tiêu có diện tích lớn, ví dụ sân bay quân sự, trong đó 1 chiếc B-2 có thể đồng thời tấn công đường băng, đài chỉ huy, kho xăng, kho vũ khí, nhà để máy bay...

Xét đến số lượng hạn chế các máy bay tàng hình mà Mỹ đang có, việc dùng các loại vũ khí tấn công từ xa sẽ là phương án chính mà Mỹ sẽ sử dụng. Khi đó các phương tiện mang vũ khí (máy bay, tàu chiến...) sẽ không cần phải xâm nhập bên trong mạng lưới phòng thủ dày đặc của TQ mà có thể phóng vũ khí từ xa.

Loại vũ khí chủ đạo là tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ các tàu nổi và tàu ngầm. Mặc dù đã hơn 20 năm tuổi, Tomahawk vẫn là một loại vũ khí rất hiệu quả nhờ vào việc được cải tiến thường xuyên. Thế hệ tên lửa mới nhất được bổ sung đường truyền vệ tinh 2 chiều, do đó cho phép cập nhập thay đổi mục tiêu trên đường bay, nó cũng có thể truyền hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên tên lửa về trung tâm chỉ huy. Thế hệ Tomahawk mới nhất cũng được trang bị cảm biến laser, do đó lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất hoặc UAV có thể dùng tia laser chiếu vào mục tiêu, và hướng Tomahawk vào chính xác mục tiêu đó, kể cả khi mục tiêu đang di chuyển. Tomahawk càng nguy hiểm hơn nếu được phóng đi từ tàu ngầm, do TQ rất khó có thể dò ra được vị trí hiện tại của các tàu ngầm Mỹ, cho phép chúng có thể lặng lẽ áp sát bờ biển TQ trước khi khai hỏa.

Bổ sung cho Tomahawk là 2 loại vũ khí tầm xa phóng từ máy bay chiến đấu, JSOW và JASSM. JSOW trên thực tế là một loại 'bom bay', bom thông minh có gắn thêm cánh để lướt trong không trung, nhờ đó có tầm xa hơn. Tầm hoạt động tối đa là 130km, và sử dụng cơ chế dẫn đường bằng GPS. JSOW có nhiều loại đầu đạn khác nhau. Nó có thể mang 6 đầu đạn con chống tăng, mỗi đầu đạn này có thể tự tìm kiếm và đánh trúng các phương tiện cơ giới trong bán kính 600m sau khi được thả ra từ bom mẹ. Hoặc nó cũng có thể mang đầu đạn đơn có khả năng xuyên phá bêtông, đầu đạn này còn được trang bị 1 cảm biến hình ảnh ở đầu để có thể đánh trúng những mục tiêu nhỏ hoặc những mục tiêu di động.

JASSM gần giống JSOW, nhưng được trang bị thêm 1 động cơ tên lửa nên có tầm hoạt động xa hơn, từ 400km-900km. JASSM sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp giữa GPS và cảm biến hình ảnh. Ngoài ra, cả JSOW và JASSM còn có 1 điểm đặc biệt nữa là hình dáng bên ngoài của chúng được thiết kế dựa trên các nguyên tắc tàng hình, giúp tránh bị phát hiện khi đang trên đường di chuyển tới mục tiêu. Các loại bom, tên lửa thông thường hầu như đều có dạng hình trụ tròn và phản xạ sóng radar rất tốt, do vậy rất dễ bị phát hiện từ xa.

JASSM mới vừa hoàn tất quá trình phát triển, chưa được sử dụng trong thực tế. Còn JSOW đã từng được sử dụng tại Iraq và Afghanistan, tuy nhiên số lượng rất hạn chế. Vấn đề là vì cả JSOW và JASSM đều có giá thành cao hơn so với bom thông minh thông thường (JDAM). JDAM là loại bom rơi tự do, tầm hoạt động khoảng dưới 100km, nhưng do tại cả Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ hoàn toàn làm chủ bầu trời do đó máy bay của họ có thể di chuyển đến bất cứ đâu và thả bom vào mục tiêu.

Ngược lại, nếu có xung đột với TQ, máy bay Mỹ sẽ phải đối mặt với lưới phòng không dày đặc, do đó tốt nhất là giữ một khoảng cách an toàn với mục tiêu và tấn công từ xa, khi đó JSOW và JASSM sẽ có vai trò không thể thiếu.

Bên cạnh việc tấn công bằng hỏa lực, Mỹ còn có thể dùng tác chiến điện tử để làm tê liệt hệ thống ISR của TQ. Tác chiến điện tử cũng là 1 trong những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế lớn so với TQ. Mỹ là quốc gia tiên phong trong công nghệ tác chiến điện tử và hiện nay vẫn duy trì một khoảng cách lớn so với các đối thủ. Trước kia tác chiến điện tử chủ yếu xoay quanh việc gây nhiễu cho hệ thống radar hoặc thông tin liên lạc của đối phương. Hiện nay nó đã phát triển lên 1 mức độ cao hơn, bao gồm khả năng tạo ra mục tiêu giả, bằng cách thu nhận tín hiệu radar của đối phương, số hoá và tái tạo lại tín hiệu đó, tạo ra 1 phiên bản copy của tín hiệu radar đối phương. Khi radar nhận được tín hiệu copy này, nó sẽ không thể phân biệt được đây chỉ là tín hiệu giả, và do đó sẽ hiển thị 1 mục tiêu giả trên màn hình radar. Mỹ có thể tạo ra những tàu sân bay giả hiển thị trên màn hình radar của TQ để đóng vai trò chim mồi thu hút tên lửa TQ vào đó, thay vì các tàu sân bay thật.
 
Đối phó với các tàu chiến của TQ trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông

Lực lượng tàu chiến mặt biển của TQ không phải là điểm mạnh của nước này. Mặc dù đa số tàu chiến TQ có sức tấn công lớn do được trang bị tên lửa diệt hạm, nhưng lại yếu về khả năng phòng thủ trước máy bay và tàu ngầm, mà đây lại là những thế mạnh của hải quân Mỹ. Các tàu chiến TQ thường có kích thước từ nhỏ đến trung bình, do đó không đủ không gian cho các radar và tên lửa phòng không cỡ lớn. Hạn chế về kích thước cũng đồng thời không cho phép lắp đặt các giàn sonar lớn, làm giảm khả năng phát hiện tàu ngầm. Công với hạn chế và mức độ tinh vi của công nghệ và thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, TQ nhiều khả năng sẽ tự hạn chế việc sử dụng tàu chiến trong xung đột nếu không muốn hứng chịu thiệt hại lớn. Trong chiến tranh Falklands 1982, Argentina cũng không đưa lực lượng tàu chiến của mình tham chiến, đặc biệt sau khi 1 chiến hạm của họ bị tàu ngầm Anh đánh chìm.

Tác chiến tàu ngầm

Không như các tàu chiến mặt biển, các tàu ngầm TQ là mối đe dọa thực sự cho hạm đội Mỹ, vì chúng không dễ để bị phát hiện và tiêu diệt. Một trong những ưu tiên lớn nhất của hải quân Mỹ bảo vệ các tàu sân bay hoạt động ở Tây Thái Bình Dương khỏi tàu ngầm TQ, đặc biệt là các tàu ngầm diesel-điện, vì chúng cực kỳ yên lặng khi sử dụng động cơ điện. Được trang bị ngư lôi hạng nặng và tên lửa diệt hạm, các tàu ngầm này có thể là những sát thủ giấu mặt đối với tàu sân bay Mỹ. Do đó chống tàu ngầm được xem là một trong những thách thức

Đặc điểm địa lý khu vực này tạo ra một số lợi thế nghiêng về phía Mỹ và đồng minh, do các đảo của Phillipnes, Đài Loan, và các đảo của Nhật Bản tạo thành một bức tường ngăn tàu ngầm di chuyển từ vùng biển nội địa ra Thái Bình Dương. Tàu ngầm TQ sẽ phải di chuyển qua các nút cổ chai, cho phép Mỹ và đồng minh có thể tập trung lực lượng đối phó. Chiến thuật chính sẽ là ‘phục kích’ các tàu ngầm TQ khi chúng qua lại các nút cổ chai này.

Tại khu vực nằm giữa chuỗi đảo thứ 1 và thứ 2, đảm nhiệm việc săn tàu ngầm sẽ chủ yếu là máy bay và tàu chiến. Các máy bay tuần tra hàng hải như P-3 (máy bay cánh quạt), P-8 (máy bay phản lực) có ưu thế và tốc độ, và có thể bao quát một khu vực lớn bằng cách thả các phao sonar. Các phao này sẽ phát hiện tín hiệu âm thanh từ tàu ngầm quanh đó và gửi về cho máy bay mẹ.

Bên cạnh đó, trực thăng săn tàu ngầm cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Vì trực thăng có thể di chuyên nhanh hơn nhiều so với tàu chiến hay tàu ngầm. Và mặc dù chậm hơn máy bay tuần tra hàng hải, trực thăng lại có thể lơ lửng bên trên mặt nước trong khi thả phao sonar xuống để dò tìm tàu ngầm.

Nhật Bản sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ Mỹ chống tàu ngầm, không chỉ bởi vì vị trí địa lý của Nhật giống như bức hàng rào ngăn giữa vùng biển nội địa TQ và Thái Bình Dương mà còn vì năng lực của hải quân Nhật Bản. Hiện nay hải quân Nhật đang trong quá trình trang bị 4 tàu sân bay hạng nhẹ lớp Hyuga. Những tàu này, có thể chở theo các trực thăng săn tàu ngầm. Trong thời kì Chiến tranh lạnh, trong phân công nhiệm vụ giữa các thành viên NATO, hải quân Anh cũng được giao nhiệm vụ chống tàu ngầm Liên Xô, bảo vệ cho các hạm đội Mỹ. Do đó Anh cũng phát triển lớp tàu sân bay hạng nhẹ Invincible chuyên mục tiêu chống tàu ngầm.

Bên trong chuỗi đảo thứ 1, chủ yếu là do các tàu ngầm hạt nhân, vì khu vực này gần với nội địa TQ do đó khá nguy hiểm cho sự hoạt động của máy bay và tàu chiến. Riêng khu vực Biển đông, do nằm khá xa so với nội địa TQ, cũng có thể có sự phối hợp hoạt động giữa tàu ngầm, máy bay và tàu chiến Mỹ và đồng minh.

Điểm yếu lớn nhất đối với các tàu ngầm diesel-điện là thời gian hoạt động ngắn, chúng phải thường xuyên quay về cảng nhà để tiếp tế. Ngoài ra, vận tốc của chúng cũng rất thấp. Do đó, thời gian hành quân từ cảng ra chiến trường và ngược lại là thời điểm mà tàu ngầm diesel-điện dễ bị tấn công nhất. Mỹ có thể dùng máy bay để rải mìn thông minh tự hành phong toả các hướng ra vào cảng của tàu ngầm. Loại mìn này nằm ở đáy biển, và được trang bị cảm biến riêng. Khi phát hiện tàu ngầm đối phương di chuyển gần đó, nó sẽ phóng ra 1 ngư lôi mini tự động bám theo mục tiêu.

Mỹ có thể dùng các máy bay ném bom tầm xa của mình để rải mìn  chống tàu ngầm, hoặc dùng chính tàu ngầm của mình. Thông thường các tàu ngầm hạt nhân, như của Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, được thiết kế để tác chiến ở những vùng biển sâu. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới của Mỹ cũng được thiết kế để hoạt động tốt trong vùng duyên hải, do đó có thể tham gia săn lùng các tàu ngầm TQ ra nó ra vào cảng hoặc dùng để rải mìn.

Song song với việc đánh bại lực lượng tàu ngầm TQ, hải quân Mỹ cũng đặt ưu tiên tận dụng tối đa sức mạnh lực lượng tàu ngầm của mình. Có thể nói dưới mặt biển là nơi Mỹ có ưu thế khá rõ rệt, do sự vượt trội về công nghệ và kinh nghiệm tác chiến thực tế. Cho tới nay Mỹ vẫn luôn dẫn đầu về công nghệ tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt là về mức độ yên lặng, sonar, xử lý tín hiệu, và mức độ an toàn (tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng gần nhất của Mỹ xảy ra cách đây hơn 40 năm). Kể từ sau Chiến tranh lạnh, do thiếu kinh phí Nga phải cắt giảm nhiều số các chuyến tuần tra dài ngày bằng tàu ngầm trong khi đó Mỹ vẫn duy trì mức độ hoạt động cao cho lực lượng tàu ngầm của mình, và do đó sở hữu những đội thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm.

Tàu ngầm sẽ đóng 1 vai trò quan trọng khi Mỹ thực hiện việc phong toả đường biển từ xa với TQ, ngăn chặn các tuyến vận tải hàng hải đến TQ, đặc biệt là các tàu chở nguyên nhiên liệu. Trên thực tế, đây chính là cách người Mỹ đã làm trong thế chiến thứ 2, dùng tàu ngầm để đánh chìm hơn 5 triệu tấn tải trọng, 60% của tổng tải trọng đội tàu vận tải của Nhật Bản, qua đó ngăn không cho người Nhật chuyển tài nguyên từ các thuộc địa ở châu Á-Thái Bình Dương về chính quốc, và dần dần, Nhật Bản trở nên kiệt quệ.

Cũng giống như Nhật Bản trước đây, TQ hiện nay cũng phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên chủ chốt từ nước ngoài. Mỹ có thể phong toả những điểm nút giao thông hàng hải quan trọng, nằm cách xa TQ. Tiêu biểu như eo Malacca, nơi phần lớn nguồn dầu thô cung cấp choTQ đi qua. Trong khi đó, hải quân TQ, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, lại chưa đủ trình độ công nghệ và kinh nghiệm để tác chiến ở những nơi xa chính quốc như vậy, do đó khó có thể bảo vệ các tàu hàng của mình trước tàu ngầm Mỹ. Về lâu dài, phong toả từ xa có thể sẽ là nhân tố quyết định chiến thắng cho người Mỹ.

Các tuyến vận tải đường biển quan trọng với TQ bao gồm các tuyến liên Thái Binh Dương nối TQ với Mỹ, Nhật Bản, các tuyến vận chuyển quặng, khoáng sản từ Úc sang TQ, và các tuyến qua vùng nam Biển Đông. Nếu Mỹ và đồng minh có xung đột với TQ thì đương nhiên việc vận chuyển thương mại đường biển giữa những nước này với TQ sẽ dừng lại, do đó khu vực nam Biển Đông sẽ là điểm nóng trong chiến lược phong toả đường biển từ xa mà Mỹ áp dụng với TQ.

Ngoài các nhiệm vụ trên, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ còn có thể được dùng để săn các tàu chiến nổi, phóng tên lửa hành trình, thu thập thông tin tình báo, di chuyển các nhóm đặc nhiệm đột nhập vào nội địa TQ. Có thể nói tàu ngầm sẽ là át chủ bài của Mỹ nếu có xung đột nổ ra tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tầm ảnh hưởng của nó sẽ tương đương, thậm chí có thể cao hơn cả tàu sân bay.

Không gian

Để giành ưu thế trong không gian, chiến lược của Mỹ gồm những bước sau:

-Nhanh chóng các phương án thay thế cho các vệ tinh bị TQ bắn hạ

-Vô hiệu hoá hệ thống diệt vệ tinh của TQ

-Tấn công các vệ tinh TQ

Các công nghệ thay thế cho vệ tinh co thế bao gồm những UAV (máy bay không người lái) có thời gian hoạt động siêu dài, có thể lên tới hàng năm. Những UAV này được làm từ vật liệu siêu nhẹ, có sải cánh lớn, và sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động. Chúng sẽ lượn vòng liên tục trong thời gian dài, ở độ cao lớn, khoảng 20 km, vì ở độ cao này bầu khí quyền ổn định, không có các hiện tượng thời tiết, và tín hiệu có thể bao phủ một khu vực rộng lớn. Hiện nay chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên dự kiến trong tương lai gần chúng sẽ sẵn sàng được sử dụng chính thức.

Tương tự, các khí cầu dự báo thời tiết cũng có thể được sử dụng trong vai trò này, vì chúng hoạt động ở độ cao lớn trong thời gian dài. Thay cho các thiết bị quan trắc thời tiết sẽ là các thiết bị chuyển tiếp tín hiệu, thiết bị định vị thay cho GPS, hoặc thiết bị trinh sát. Những khí cầu như vậy, khi hoạt động ở độ cao trên 30km, có thể cung cấp tín hiệu cho một khu vực có bán kính lên tới 1,000km. Tuy nhiên chúng thường chỉ ở trên không khoảng nửa ngày trước khi khí cầu bắt đầu xẹp bớt và từ từ hạ cánh.

Ngoài ra cũng có thể sử dụng những máy bay cỡ lớn như B-52 hay KC-135 cho vai trò này, tuy rằng chúng bao phủ một khu vực nhỏ hơn, và phải thường xuyên hạ cánh để tiếp nhiên liệu và đổi phi hành đoàn.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo các vệ tinh mini có kích thước nhỏ, giá rẻ, để có thể nhanh chóng phóng lên thay thế các vệ tinh chính khi chúng bị TQ tiêu diệt.

Một mặt khác, Mỹ cũng cần tăng cường huấn luyện chiến đấu trong điều kiện không có hoặc có giới hạn băng thông vệ tinh. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng từng thường xuyên huấn luyện như vậy. Nhưn sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng bị lãng quên do Mỹ mặc định rằng các vệ tinh quân sự của mình là bất khả xâm phạm.

Song song với việc đối phó, Mỹ cũng có thể chủ động tấn công lại các vệ tinh và chính hệ thống diệt vệ tinh của TQ . Khả năng chống vệ tinh của TQ có 1 điểm yếu là tên lửa diệt vệ tinh được phóng đi từ các giàn phóng cố định lớn, xây dựng sẵn, do đó Mỹ luôn có thể biết chính xác vị trí các mục tiêu quan trọng này.

Trên thực tế khả năng tiêu diệt vệ tinh của TQ không có gì mới, vì cả Mỹ và Liên Xô đã thực hiện điều này trong Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên 2 nước sau đó không tiếp tục theo đuổi nó nữa như một phần của nỗ lực giảm chạy đua vũ trang, cũng như tránh việc quân sự hóa không gian. Ngoài ra, việc thử nghiệm bắn hạ các vệ tinh sẽ tạo ra vô số các mảnh vỡ nhỏ bay lang thang trong quỹ đạo và có thể gây thiệt hại cho các vệ tinh quân sự của cả 2 bên.

Do đó, nếu cần Mỹ vẫn có thể phát triển một hệ thống chống vệ tinh của riêng  mình. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ từng thử nghiệm thành công phóng tên lửa diệt vệ tinh từ chiến đấu cơ, thay vì phải từ các giàn phóng cố định như của TQ hiện nay. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa để tiêu diệt các vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Mỹ từng dùng hệ thống này để bắn hạ 1 vệ tinh hỏng của mình ở độ cao hơn 220km.

Phân chia nhiệm vụ giữa Hải và không quân

Do đặc điểm địa lý, trong trường hợp một cuộc xung đột với TQ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, nhiệm vụ tác chiến sẽ chủ yếu do hải quân và không quân phối hợp thực hiện.

Không quân và hải quân cùng phối hợp vô hiệu hoá các vệ tinh viễn thám hàng hải của TQ, nhằm ngăn chặn TQ có thể phát hiện sớm và theo dõi hạm đội Mỹ từ không gian.

Hải quân, với hệ thống phòng không AEGIS và tên lửa Standard, đóng vai trò chính trong việc phòng thủ chống tên lửa đạn đạo từ TQ.

Hoả lực tầm xa từ tàu ngầm và tàu sân bay tấn công hệ thống phòng không của TQ, làm giảm hiệu năng của nó và mở đường cho các máy bay ném bom của không quân có thể hoạt động với độ an toàn cao hơn. Lúc này nhiệm vụ của các máy bay này là tấn công và hệ thống trinh sát, các giàn phóng tên lửa được dùng để tấn công các tàu chiến và căn cứ trên bộ của Mỹ.

Các chiến đấu cơ từ tàu sân bay của hải quân bảo vệ các máy bay hỗ trợ của không quân như máy bay tiếp nhiên liệu trên không, cảnh báo sớm trên không, trinh sát…

Không quân hỗ trợ hải quân trong việc chống tàu ngầm và phong toả đường biển bằng việc dùng máy bay để rải mìn và dùng máy bay không người lái để tuần tra liên tục.

Cùng nhìn lại sự kiện Bin Laden bị tiêu diệt

10 năm truy lùng

Mỹ đáng lẽ đã có thể bắt được Bin Laden không lâu sau vụ 11/09, khi Bin Laden bị bao vây trong vùng núi Tora Bora, tháng 12 năm 2001. Khi đó khoảng hơn 2,000 lính Afghanistan được hỗ trợ của một nhóm nhỏ các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ, Anh, Đức bao gồm Delta Force, SBS, KSK, lực lượng bán vũ trang của CIA tấn công vào khu vực đồi núi hiểm trở với nhiều hang động này. Người Mỹ khi đó có nhiều bằng chứng về việc Bin Laden đang có mặt trong khu vực, thậm chí đã xác định được vị trí tương đối nơi Bin Laden đang ẩn náu. Tình báo Mỹ khi đó bắt được giọng của Bin Laden qua sóng vô tuyến, trong đó Bin Laden tỏ vẻ tuyệt vọng, xin lỗi các thuộc hạ của mình vì để tình hình đến mức này, và cho phép các thuộc hạ của mình đầu hàng nếu không còn cách nào khác.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Bin Laden vẫn thoát được sang Pakistan. Nguyên nhân chính là do lực lượng của Mỹ và đồng minh quá mỏng, chỉ gồm 1 số ít lính đặc nhiệm, những người tuy tinh nhuệ đến đâu cũng không thể theo dõi một khu vực đồi núi rộng lớn. Đa số lực lượng có mặt khi đó là lính Afghanistan, vốn có sức chiến đấu kém. Các chỉ huy chiến trường Mỹ khi đó liên tục yêu cầu cấp trên cho tăng cường thêm lực lượng, nhưng đều bị từ chối. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân chính nằm ở chiến lược chung của Bộ trưởng BQP Mỹ khi đó là Ronald Rumsfeld. Ông này có chủ trương hạn chế tối đa số lượng lính Mỹ trên bộ, vì không muốn tạo cảm tưởng rằng Afghanistan đang bị nước Mỹ xâm lược. Trong vai trò BT BQP, Ronald Rumsfeld nổi tiếng với cách điều hành quân đội Mỹ giống như một doanh nghiệp. Ông luôn đề cao hiệu quả, làm sao đạt được mục tiêu với nguồn lực ít nhất. Khi lên kế hoạch cho chiến tranh Vùng Vịnh lần 2, các tướng lĩnh Mỹ đề nghị một chiến dịch gồm nửa triệu quân, Rumsfeld cương quyết chỉ sử dụng 1/3 con số này, và đã thành công.

Tương tự tại Afghanistan, cách thức tiến hành chiến tranh của người Mỹ từ đầu cuộc chiến cho tới lúc đó là đặc nhiệm Mỹ + hoả lực chính xác từ trên không + lực lượng mặt đất của các đồng minh người Afghanistan. Lực lượng đặc nhiệm đóng vai trò cầu nối, phối hợp hành động của Mỹ và các đồng minh Afghanistan (cụ thể là Liên minh phương Bắc). Lực lượng đặc nhiệm còn có nhiệm vụ chỉ điểm mục tiêu cho các vũ khí chính xác của không quân và hải quân Mỹ. Công thức này tỏ ra rất hiệu quả khi chỉ trong vòng 1 tháng chế độ Taliban đã sụp đổ. Tuy nhiên tại vùng đồi núi Tora Bora hiểm trở, công thức này đã không còn phù hợp và khiến người Mỹ vuột mất Bin Laden.

Sau khi thoát khỏi Tora Bora, Bin Laden vượt biên giới sang Pakistan, ẩn náu tại vùng đất của các bộ lạc Pashtun và biến mất. Người Mỹ từ đó mất dấu Bin Laden. Sau đó, Mỹ ưu tiên lực lượng sang cho cuộc chiến Iraq, một số nhân sự thuộc bộ phận chuyên trách truy lùng Bin Laden được chuyển sang công tác khác. Trên thực tế, trong nhiệm kì của TT Bush, mức độ ưu tiên của việc truy tìm cá nhân Bin Laden càng ngày càng giảm.  Chính sách này dựa trên nhận định rằng do Al Qaeda càng lúc càng bị phân tán nên tầm quan trọng trên thực tế của Bin Laden cũng giảm theo.

Sự suy yếu của Al Qaeda

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tổ chức Al Qaeda bị phân tán trên phạm vi thế giới là do nó bị săn lùng tại mọi quốc gia mà nó có mặt. Afghanistan là quốc gia duy nhất mà Al Qaeda và chế độ cầm quyền, Taliban, là đồng minh của nhau, nhờ đó Al Qaeda có một hậu phương rộng lớn và an toàn. Tuy nhiên, chế độ Taliban nhanh chóng bị Mỹ đánh đổ sau vụ 11/9. Đối với các nước Hồi giáo khác, thì đa số là đồng minh của Mỹ (A rập Xê Út, Ai cập)  Ngay cả các nước xem Mỹ là kẻ thù cũng chống lại Al Qaeda vì nhiều lí do. Ví dụ, Iran là nước theo hệ phái Shia, đối nghịch với phái Sunni của Al Qaeda. Syria thì có chế độ cầm quyền theo tư tưởng thế tục và xem chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nói chung là 1 trong những kẻ thù chính của chế độ mình. Trước vụ 11/9, Al Qaeda là một lực lượng thống nhất, có tính tổ chức cao, có khả năng thực hiện những chiến dịch lớn, phức tạp, như vụ tấn công tàu USS Cole, vụ đánh bom kép các toà đại sứ Mỹ tại Châu Phi và vụ 11/9. Tuy nhiên, sau khi TT Bush chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố, mà Al Qaeda là mục tiêu chính, thì tổ chức này bị săn lùng tại mọi quốc gia mà nó có mặt. Tổ chức này phải dành thời gian hơn cho việc tự bảo vệ mình thay vì phối hợp lên kế hoạch các vụ khủng bố quy mô. Do đó, có 2 sự thay đổi lớn trong cách thức Al Qaeda hoạt động. Thứ nhất, tại các nước phương Tây, Al Qaeda đóng vai trò thúc đẩy, truyền cảm hứng và cung cấp các chỉ dẫn cho các phần tử hoặc nhóm phần tử cực đoan nhỏ thực hiện những vụ tấn công riêng rẽ. Mặc dù những âm mưu này có ưu điểm là khó bị phát hiện nhưng lại mang tính nghiệp dư nên khả năng thành công rất thấp. Tiêu biểu là âm mưu đặt bom xe tại Quảng trường Thời đại, vụ bom giấu trong giày, trong đồ lót trên máy bay. Đặc điểm chung của những vụ này là những kẻ thực hiện có thừa nhiệt tình và quyết tâm nhưng lại thiếu kinh nghiệm và kiến thức cần thiết. Trong khi đó bản thân Al Qaeda càng ngày mang tính địa phương, hoạt động riêng lẻ tại những khu vực như tại Afghanistan, Iraq, Bắc Phi…Tiêu biểu nhất cho các nhánh Al Qaeda địa phương là Al Qaeda tại Iraq và Afghanistan.

Al Qaeda tại Afghanistan

Tại Afghanistan, sau khi bị lật đổ, tàn quân Taliban và Al Qaeda nhanh chóng tìm được hậu phương mới. Đó là vùng Warizistan thuộc Pakistan, tiếp giáp với Afghanistan. Vùng đồi núi hiểm trở này là lãnh địa của các bộ tộc Pashtun, và gần như là khu vực tự trị, ít chịu sự kiểm soát từ chính quyền trung ương Pakistan. Chúng ta sẽ nói chi tiết hơn về lịch sử phức tạp của khu vực này cũng như mối liên hệ giữa nhà nước Pakistan và chủ nghĩa khủng bố trong phần sau. Nhưng nói chung thì tại đây Al Qaeda có thể an toàn trước cả Mỹ lẫn chính quyền Pakistan. Từ đó, Al Qaeda có thể cùng Taliban thực hiện các vụ tấn công cả tại Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đều thuận lợi cho Al Qaeda.

Sai lầm lớn nhất của Al Qaeda là việc nó đã gây chiến với chính Pakistan. Theo ước tính, kể từ sau khi Pakistan trở thành đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đã có hơn 30,000 người Pakistan, bao gồm cả dân thường và nhân viên an ninh, thiệt mạng do bạo lực gây ra bởi Al Qaeda hay Taliban. Việc này chỉ càng làm Al Qaeda bị xem là kẻ thù tại Pakistan, cho dù nước này có một lịch sử ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và đa số dân chúng không ưa gì Mỹ.

Và để trả đũa, chính quyền Pakistan thường tổ chức các chiến dịch quân sự lớn nhắm vào khu vực thung lũng Warizistan, cho dù trước kia chính quyền trung ương Pakistan nói chung luôn tôn trọng quyền tự trị của các bộ tộc tại đây. Điều này khiến nhiều bộ tộc quay ra chống lại Al Qaeda. Al Qaeda và Taliban trả đũa bằng việc ám sát các thủ lĩnh các bộ tộc có dấu hiện chống đối. Ngoài ra, việc Mỹ phát triển 1 mạng lưới tình báo rộng dày đặc tại đây khiến Al Qaeda luôn cảm thấy bất an và thường hành quyết nhiều dân địa phương mà Al Qaeda cho là người chỉ điểm cho Mỹ, nhưng trên thực tế đa số trường hợp nạn nhân bị giết nhầm. Những lối hành xử bạo lực vô tội vạ như vậy của AL Qaeda chỉ càng tạo thêm nhiều kẻ thù cho tổ chức này.    

Bên cạnh đó, động lực của Al Qaeda là ý thức hệ, với mục tiêu tiêu diệt những kẻ 'ngoại đạo'. Trong khi đó động lực của Taliban là quyền lực (lấy lại quyền kiểm soát Afghanistan). Còn đối với các bộ tộc Pashtun, mục tiêu chính của họ là duy trì được sự độc lập tương đối của khu vực này khỏi sự ảnh hưởng của chính quyền Pakistan. Chưa kể những khoản tiền thưởng khổng lồ mà Mỹ treo cho các lãnh đạo của Al Qaeda cũng biến tổ chức này trở thành 1 mục tiêu ngay trong vùng hậu phương của mình.

Ngoài ra không thể không kể đến những xung đột về văn hoá, sắc tộc. Các thành viên của Al Qaeda đa số là dân A rập, trong đó các lãnh đạo thường là những người thuộc tầng lớp có học thức, khá giả. Những người này xem dân địa phương, những bộ tộc Pashtun, như những kẻ thô lỗ, nghèo rớt và vô học. Thêm nữa, Al Qaeda tiêu biểu cho dòng tư tưởng Hồi giáo cực đoan, không chỉ với những 'kẻ ngoại đạo' mà còn với chính những người Hồi giáo khác. Al Qaeda tìm cách áp đặt các giá trị, lối sống hà khắc lên các bộ tộc Pashtun.

Người Pashtun có tính độc lập cao, trong lịch sử họ đã từng mong muốn có một quốc gia cho riêng mình, và không muốn chịu sự kiểm soát của bất cứ ai và luôn phản kháng rất mạnh với các thế lực 'ngoại bang'. Al Qaeda lợi dụng điều đó để biến các bộ tộc thành đồng minh của mình chống lại kẻ ngoại xâm là người Mỹ. Tuy nhiên, chính Al Qaeda cũng tự biến mình thành những kẻ 'ngoại bang'. Do đó, khu vực thung lũng Warizistan không còn là vùng hậu cứ an toàn tuyệt đối cho Al Qaeda nữa, nhiều bộ tộc Pashtun quay sang chống lại Al Qaeda. Hiện nay tại Afghanistan, Al Qaeda thậm chí được Mỹ xem là ít nguy hiểm hơn so với tổ chức khủng bố của Haqqani, một thế lực mới tại khu vực này.

Al Qaeda tại Iraq

Giống như tại Afghanistan, quân đội Mỹ không gặp nhiều khó khăn trong việc lật đổ chế độ Saddam Hussein. Tuy nhiên tình hình an ninh sau đó trở nên cực kỳ tồi tệ, đỉnh điểm là vào khoảng thời gian 2007-2008. Phần lớn bạo lực đến từ việc Al Qaeda cấu kết với các phần tử của đảng Baath (đảng cầm quyền của Saddam Hussein trước đây). Ngoài việc có kẻ thù chung là nước Mỹ, cả Al Qeada và Baath đều thuộc hệ phái Sunni. Có thể nói, Iraq đã trở thành chiến trường chính giữa Al Qeada và Mỹ. Ban đầu, có vẻ như Al Qeada giành được ưu thế, khi làn sóng bạo lực đã gây ra hàng ngàn thương vong cho quân đội Mỹ, và biến Iraq thành một đất nước trên bờ vực nội chiến. Phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ dâng cao, trong lúc nhiều chính trị gia đảng Dân chủ tuyên bố rằng nước Mỹ đã thua trong cuộc chiến này và yêu cầu TT Bush nhanh chóng rút quân. Tuy nhiên Bin Laden không thể ngờ rằng tình thế này lại giúp đẩy nhanh quá trình tan rã của Al Qeada như 1 tổ chức thống nhất.

Cả Al Qaeda và các phần tử của đảng Baath đều không có khả năng giao chiến trực tiếp với quân đội Mỹ, do đó, vũ khí chính được chọn là các thiết bị nổ tự tạo (IED) đặt ở vệ đường, các vụ đánh bom xe, bom liều chết nhằm vào nhằm gây thương vong cho quân đội Mỹ cũng như nhằm gây bất ổn cho Iraq. Ngoài ra, cả Al Qaeda và Baath đều xem những người Iraq theo hệ phái Shia là kẻ thù giống như người Mỹ. Do đó có rất nhiều vụ khủng bố nhắm trực tiếp vào thường dân Shia, thậm chí các đền thờ, nơi hành hương cũng là mục tiêu.

Do đó đa số thương vong là dân thường, những người Hồi giáo thay vì lính Mỹ. Hậu quả là sự ủng hộ dành cho tổ chức này càng ít đi tại Iraq nói riêng và trong thế giới A rập nói chung. Theo thời gian, khi mà quân đội Mỹ phát triển và hoàn thiện các công nghệ và chiến thuật để giảm thiểu hiệu quả của các thiết bị nổ tự tạo, thì càng ngày tỷ lệ người Iraq là nạn nhân của Al Qaeda càng tăng. Kết quả là đa số người Iraq xem Al Qaeda là kẻ thù, kẻ cả cộng đồng người A rập Sunni. Al Qaeda chỉ còn có thể trông cậy vào một số ít những phần tử cực đoan nhất của đảng Baath.

Al Qaeda còn chịu nhiều tổn thất từ phía các lực lượng Mỹ. Năm 2007, TT Bush thể hiện quyết tâm ổn định tình hình tại Iraq bằng quyết định tăng viện thêm 20,000 quân và kéo dài thời gian đồn trú của lực lượng có sẵn. Người Mỹ áp dụng lại kinh nghiệm của Israel khi chống lại các tổ chức khủng bố Palestine. Đó tập trung vào đánh vào 'bộ não' của các tổ chức khủng bố. Đó không chỉ là các lãnh đạo, mà còn là những phần tử có kiến thức, chuyên môn về một lĩnh vực nào đó, như chế tạo bom, điện tử (chế tạo thiết bị kích nổ từ xa), thông tin, tài chính (như mọi hoạt động khác, khủng bố cũng cần có tiền để hoạt động), liên lạc…Việc tìm 1 người sẵn sàng 'tử vì đạo' không khó, tuy nhiên con số những người có học thức để vận hành các hoạt động thiết yếu trong tổ chức khủng bố là không nhiều. Các phần tử này giống như những bánh răng giúp tổ chức vận hành 1 cách trơn tru. Tiêu diệt các bánh răng này, tổ chức sẽ trở nên rối loạn. Mục tiêu đáng giá nhất bị tiêu diệt chính là Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh của Al Qaeda tại Iraq.

Ngay bản thân Bin Laden cũng nhận thấy 'danh tiếng' của Al Qaeda trong thế giới Hồi giáo bị tổn hại nghiêm trọng khi đa số nạn nhân chính là người theo đạo Hồi, đặc biệt là tại Iraq. Tuy nhiên, ngay cả  Bin Laden cũng không thể kiểm soát hoàn toàn Musab al-Zarqawi và các chiến dịch đẫm máu của tên này tại Iraq. Điều này cũng minh chứng cho sự phân rã trong hoạt động của Al Qaeda trên phạm vi thế giới. Trong số các thông tin tình báo thu nhận được từ vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden cũng cho thấy Bin Laden từng có ý tưởng về việc đặt 1 tên mới cho tổ chức của mình vì cái tên Al Qaeda đã gắn với quá nhiều hình ảnh tiêu cực. Chỉ khoảng 2 tháng trước khi bị tiêu diệt, Bin Laden và phó tướng của mình, Zawahiri, đã kêu gọi các thành viên Al Qaeda kiềm chế trong việc giết chóc người Hồi giáo.

Chính vì những lí do trên, trong những năm cuối nhiệm kỳ của TT Bush, Bin Laden không còn nằm ở vị trí ưu tiên sô 1 nữa, do nhận định rằng Bin Laden giờ đây có ý nghĩa về biểu tượng hơn là 1 mối đe doạ thực tế với Mỹ. Các mục tiêu cấp bách hơn là ổn định tình hình an ninh Iraq, sau đó là đối phó với sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan. Các nguồn lực của bộ phận chuyên trách săn lùng Bin Laden tại CIA dần được chuyển sang các nhiệm vụ khác.

Mục tiêu Bin Laden

Đến thời TT Obama, mục tiêu truy lùng Bin Laden lại được đặt lên hàng đầu. Để lần ra dấu vết của Bin Laden, giới tình báo Mỹ tiếp tục tập trung vào các 'bánh răng'. Trong trường hợp này là người giao liên tin cẩn của Bin Laden. Đối với các thủ lĩnh khủng bố bị truy lùng như Bin Laden, giao liên là 1 vị trí không thể thiếu, vì việc sử dụng bất kì thiết bị điện tử nào cũng sẽ rất dễ bị người Mỹ phát hiện. Thế nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, khi mà bản thân việc sử dụng giao liên cũng có rủi ro riêng của nó.

Trong quá trình thẩm vấn các phần từ Al Qaeda đang bị giam giữ, tình báo Mỹ bắt đầu biết đến sự tồn tại của người giao liên mà Bin Laden tuyệt đối tin tưởng trong việc truyền đạt các chỉ thị của mình. Năm 2004, Hassan Ghul, một thành viên cao cấp của Al Qaeda, bị bắt tại Iraq. Ghul cung cấp thêm thông tin về nhân thân của Kuwaiti, đặc biệt là việc Kuwaiti rất thân cận với Faraj al-Libi, chỉ huy trưởng tác chiến của Al Qaeda.

Tháng 5/2005, đến lượt al-Libi bị bắt. Khi bị thẩm vấn, al-Libi tuy thừa nhận sự tồn tại của người giao liên, nhưng lại bịa ra 1 cái tên khác. Tuy vậy, CIA biết chắc rằng al-Libi đang nói dối, và điều này càng khẳng định tầm quan trọng của Kuwaiti.

Phải mất vài năm trước khi CIA xác định được tên thật của Kuwaiti, Sheikh Abu Ahmed, 1 người Pakistan sinh ra tại Kuwait. Tuy vậy CIA vẫn không có bất kì manh mối nào về việc Ahmed đang ở đâu. Thậm chí một số nguồn tin còn cho biết Ahmed đã chết trong một cuộc giao tranh với quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Đến giữa năm 2010, Ahmed mắc một sai lầm chết người khi liên lạc bằng điện thoại cho 1 đồng đảng. CIA có thể nghe trộm cuộc điện đàm này và lần đầu tiên có thể lần ra nơi ở của Ahmed. Tháng 8, 2010, Giám đốc CIA Panetta báo cho TT Obama biết CIA đã xác định được Abu Ahmed al-Kuwaiti. CIA bắt đầu theo dõi gắt gao mọi hoạt động của người này. Vệ tinh do thám Mỹ sau đó phát hiện chiếc xe của Kuwaiti ra vào khu nhà tại Abbottabad. CIA quyết định tập trung theo dõi chặt chẽ khu nhà này, sử dụng cả các đặc vụ tại chỗ và theo dõi trên không bằng máy bay không người lái tàng hình Sentinent.

Sau khi các quan chức tình báo xác nhận vị trí Bin Laden đang ẩn náu với độ tin cậy đến 80%, TT Obama quyết định bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Hai phương án chính là 1 cuộc không kích bằng vũ khí chính xác hoặc 1 cuộc đột kích bằng lực lượng đặc nhiệm. Phương án đầu bị loại bỏ vì TT Obama muốn có bằng chứng rõ ràng về việc Bin Laden đã chết. TT Obama cũng chỉ thị rằng Mỹ sẽ phải hành động 1 mình, không cho đồng minh Pakistan biết về kề hoạch.

Sau khi phương án dùng lực lượng đặc nhiệm được thông qua, một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm DevGru của hải quân Mỹ được biệt phái sang CIA để lên kế hoạch tấn công. Đến ngày 29 tháng 3, kế hoạch được đệ trình lên cho TT Obama cùng các quan chức cao cấp. Lúc này vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau trong nội các của TT Obama. Đặc biệt phản đối mạnh mẽ kế hoạch là Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates, do ông này từng được nghe trình bày về 1 chiến dịch tương tự, chiến dịch Eagle Claw giải cứu các con tin Mỹ tại Iran năm 1980, mà sau này đã thất bại. Gates ủng hộ việc dùng máy bay tàng hình B-2 ném bom vào khu nhà.

Tuy nhiên phía Mỹ không chắc rằng bên dưới toà nhà đó có boong-ke bí mật nào không. Không quân Mỹ tính toán rằng để chắc chắn xoá sổ toàn bộ khu nhà cũng như bất kì công trình ngầm nào, nếu có, nằm bên dưới sẽ cần đến 32 quả bom loại 1 tấn. Hoả lực ở quy mô như vậy sẽ san bằng toàn bộ khu dân cư xung quanh. Do đó TT Obama kiên quyết loại bỏ phương án này và chỉ thị DevGru bắt đầu luyện tập trên thực địa cho kế hoạch.

Việc tập luyện được bắt đầu từ ngày 10/4 và kéo dài trong 5 ngày tại Bắc Carolina. Đến ngày 18/4, đội đột kích di chuyển tới 1 địa điểm tập luyện mới ở Nevada trong 1 tuần. Lúc này việc tập luyện có sự tham gia của các trực thăng. Ngày 26/4, đội đột kích rời nước Mỹ trên 1 chiếc C-17 và đáp xuống sân bay Bagram, Afghanistan. Một ngày sau đó họ chi chuyển tới Jalalabad. Vào thời điểm này, khu vực Abbotabad gần như không có trăng vào ban đêm, rất thích hợp cho cuộc đột kích. Tuy nhiên điều kiện thuận lợi này chỉ kéo dài trong vài ngày nữa. Nếu không thể thực hiện cuộc tấn công trong khoảng thời gian này, người Mỹ sẽ phải đợi  thêm 1 tháng nữa trước khi chu kỳ mặt trăng trở lại. Do đó, sau khi tham vấn với các quan chức cao cấp 1 lần cuối, TT Obama chính thức cho phép chiến dịch diễn ra, phó đô đốc McRaven sẽ chọn thời điểm cụ thể. McRaven, giữ vị trí tư lệnh Bộ chỉ huy liên hợp các chiến dịch đặc biệt, thông báo rằng thời điểm đó sẽ là tối chủ nhật, ngày 1/5.

Sáng ngày 1/5, lúc 11h, nội các an ninh của TT Obama bắt đầu tập trung, đường truyền video trực tiếp nối giữa Nhà Trắng, trụ sở CIA, sở chỉ huy của phó đô đốc McRaven tại Afghanistan, Lầu Năm Góc và Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan được thiết lập. Lúc 2 giờ chiều, TT Obama trở lại Nhà Trắng sau buổi chơi golf của mình.  

Chiến dịch 'Ngọn giáo thần Hải dương' 

Ngày 1/5/2011, vào lúc 11h đêm giờ địa phương, một đơn vị đặc nhiệm xuất kích từ sân bay Jalalabad, đông Afghanistan, hướng về phía biên giới Pakistan với sứ mệnh tiêu diệt Bin Laden. Trong đêm tối, đội đột kích di chuyển trên 2 trực thăng Black Hawk phiên bản đặc biệt tàng hình, bên trong là 23 lính đặc nhiệm DevGru, hay còn gọi là SEAL Team 6, của hải quân Mỹ, một người Mỹ gốc Pakistan làm phiên dịch viên, và 1 quân khuyển tên Cairo. Trên mỗi trực thăng còn bao gồm 2 phi công và 1 nhân viên phi hành.

Những thành viên đội đột kích đều là những người có kinh nghiệm dày dạn trong những chiến dịch chống khủng bố từ sau vụ 11/9/2001. Ít nhất 3 trong số đó từng tham gia vụ giải cứu thuyền trưởng tàu Maersk Alabame khỏi bọn cưới biển Somali. DevGru cũng từng thực hiện khoảng hơn 10 nhiệm vụ tối mật sâu bên trong lãnh thổ Pakistan. Tuy nhiên, đây là lần đột nhập sâu nhất, và cũng là nhiệm vụ có tầm quan trọng lớn nhất.

45 phút sau khi đội đột kích xuất phát, 4 trực thăng Chinook MH-47 khác cũng rời Jalalabad. 2 trong số đó bay lượn vòng trong không phận Afghanistan, sát với biên giới Pakistan, bên trong là 25 lính DevGru. Đây là lực lượng phản ứng nhanh, hỗ trợ đội đột kích chính khi bị tấn công. 2 chiếc khác bay vào bên trong lãnh thổ Pakistan, đáp xuống một khu vực hoang vắng, với động cơ vẫn hoạt động, sẵn sàng di chuyển khi cần thiết. Một trong 2 chiếc đóng vai trò là máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Chiếc còn lại chở theo các đơn vị y tế, thông tin...

Theo kế hoạch, cuộc đột kích sẽ diễn ra theo 2 hướng. Một trực thăng sẽ treo lơ lửng phía trên toà nhà để lính đặc nhiệm thả dẩy xuống tầng thượng và tấn công từ trên xuống. Trực thăng thứ 2 sẽ thả một đội khác xuống sân trong và đội này sẽ tấn công từ dưới lên. Một chiến thuật đột kích cổ điển và hiệu quả. Tuy nhiên, một trực thăng Black Hawk khi tiếp cận khu nhà đã va phải bức tường rào, và phải hạ cánh khẩn cấp bên ngoài khu nhà. Nguyên nhân có thể là do nhiệt độ cao trong đêm đó hơn dự báo. Nhiệt độ càng cao, mật độ không khí càng giảm, và do đó lực nâng tạo ra từ chong chóng máy bay càng giảm.

Để tránh 1 tai nạn tương tự, trực thăng thứ 2 cũng đáp bên ngoài khu nhà, và liên lạc yêu cầu 1 trong số các trực thăng Chinook dự phòng đến để hỗ trợ. Như vậy toàn bộ đội đột kích phải dùng chất nổ để phá bức tường bao quanh khu nhà để tiến vào bên trong. Nhóm thứ 1 gồm 12 lính đặc nhiệm trong chiếc trực thăng bị rơi, là những người đầu tiên tiến vào khu nhà. 3 trong số đó tách ra và tấn công vào nhà khách, nằm cách biệt khỏi khu nhà chính. Bên trong là người giao liên của Bin Laden, Abu Ahmed al-Kuwaiti cùng với vợ và 4 đứa con.  Tên này nhanh chóng bị tiêu diệt. 9 người còn lại tiếp tục phá 1 lớp cửa nữa để vào khu sân trong và tiến vào ngôi nhà chính. Ngay tại ngưỡng cửa, lính đặc nhiệm chạm trán với Abrar, em của Kuwaiti, đang cầm 1 khẩu AK-47. Abrar nhanh chóng bị hạ gục, cùng với vợ của mình, lúc này đang đứng cạnh chồng.

Nhóm lính từ trực thăng thứ 2 cũng vừa phá bức tường rào và tiến vào trong nhà, nhập chung với nhóm 9 người vào trước đó để lục soát toà nhà. Một cánh cửa thép lớn được lắp ở chân cầu thang dẫn lên tầng 2. Sau khi dùng chất nổ C4 để phá cửa, đội đột kích di chuyển lên cầu thang và thấy Khalid, một trong những con trai của Bin Laden, đang ở đầu kia của cầu thang, được trang bị AK-47 và bắn xuống. Lính đặc nhiệm bắn trả và tiêu diệt Khalid.

Cầu thang dẫn lên tầng 3 cũng được ngăn bằng 1 cửa thép. Sau khi phá lớp cửa này và di chuyển lên tầng 3, lính đặc nhiệm phát hiện Bin Laden đang thò đầu nhìn ra từ bên trong 1 căn phòng. Lính đặc nhiệm nổ súng nhưng Bin Laden kịp rút vào bên trong. Khi lính đặc nhiệm ập vào trong phòng, 2 người vợ của Bin Laden đứng chắn phía trước để che cho chồng mình. Một trong 2 người, Amal al-Fatah, hét lên và lao về phía cửa. Một lính đặc nhiệm nổ súng vào chân Amal, sau đó chồm đến ôm lấy cả 2 và đẩy ngã xuống đất, do lo ngại rằng 2 người vợ này có thể mang bom trong người. Nêu bom kích nổ thì cơ thể của người lính này có thể hấp thụ vụ nổ và bảo vệ cho những đồng đội phía sau.

Một lính đặc nhiệm khác tiến vào phòng và hạ gục Bin Laden bằng 2 phát súng, nhiều khả năng là từ 1 khẩu M4, hoặc HK 416. Phát súng đầu tiên nhắm vào ngực và phát thứ 2 vào ngay phía trên mắt trái Bin Laden. Qua radio, người lính đặc nhiệm này báo cáo về "Vì Chúa và đất nước - Geronimo, Geronimo, Geronimo, Geronimo, Geronimo EKIA, mục tiêu đã bị hạ".

Hai người vợ của được trói và dẫn xuống dưới nhà, trong lúc thi thể của Bin Laden được bỏ vào túi đựng xác. Lúc này chiến dịch đã diễn ra được 18 phút.  Trong 20 phút tiếp theo, đội đặc nhiệm sục sạo quanh căn nhà, thu thập tất cả các tài liệu, thiết bị nào có thể chứa thông tin hữu ích. Trong số đó có cả phim ảnh 'người lớn', một thứ thường được tìm thấy trong mọi cuộc đột kích tương tự.

Trong lúc đó, ở bên ngoài, người phiên dịch Pakistan đóng vai 1 cảnh sát địa phương và yêu cầu những người sống gần đó ở yên trong nhà và tắt đèn do 'một chiến dịch an ninh đang diễn ra'. Chi tiết này khiến cho trong thời gian đầu sau khi cuộc tấn công xảy ra, có giả thiết cho rằng chính quyền Pakistan đã được báo trước và cùng tham gia vào chiến dịch này. Nhưng thực tế thì điều này không đúng. Ngoài ra, bảo đảm an ninh vòng ngoài còn có chú chó Cairo và 4 đặc nhiệm trong nhóm ở trên chiếc trực thăng thứ 2. Theo kế hoạch, trong trường hợp đội đột kích gặp khó khăn trong việc tìm Bin Laden, Cairo sẽ được đưa vào trong để phát hiện các nơi ẩn nấp bí mật trong khu nhà.

Tất cả phụ nữ và trẻ em trong khu nhà được đưa ra ngoài sân để thẩm vấn nhanh, nhưng không có nhiều thông tin hữu ích. Lúc này 1 chiếc Chinook dự phòng cũng vừa đến, một lính đặc nhiệm từ chiếc Chinook này trích xuất mẫu tuỷ xương từ thi thể của Bin Laden để thực hiện phân tích AND. Sau đó xác Bin Laden được đưa lên chiếc Chinook.

Việc cuối cùng trước khi đội đột kích rời đi là phá huỷ chiếc trực thăng bị rơi. Lính đặc nhiệm dùng rìu phá huỷ các thiết bị trong buồng lái, sau đó đặt thuốc nổ tại những vị trí quan trọng như hệ thống điện tử, động cơ và cánh quạt chính. Sau một tiếng nổ lớn, phần lớn chiếc trực thăng bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại 1 phần đuôi máy bay.

Đội đột kích rời đi trên chiếc Black Hawk còn lại và chiếc Chinook dự phòng. Trước khi bay về Afghanistan, chiếc Black Hawk còn phải tiếp thêm dầu tại điểm hẹn bên trong lãnh thổ Pakistan. Toàn bộ trực thăng trở lại Jalalabad lúc 3 giờ sáng. Việc xác nhận sơ bộ danh tính của Bin Laden cũng được thực hiện tại chỗ bằng cách chụp ảnh, và một lính đặc nhiệm nằm cạnh xác Bin Laden để so sánh chiều cao. Phó đô đốc McRaven, Tư lệnh Bộ chỉ huy liên hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC), và giám đốc CIA tại Afghanistan đích thân chờ ngay tại đường băng để kiểm tra tại chỗ xác của Bin Laden. Sau đó nó được chuyển đến Bagram.

Ban đầu Mỹ hỏi ý A rập Saudi có muốn tiếp nhận xác Bin Laden không. Sau khi nước này từ chối, Mỹ quyết định sẽ thuỷ táng. Thi thể Bin Laden được 1 chiếc máy bay chong chóng lật V-22 chở từ Bagram ra tàu sân bay Carl Vinson và được thả xuống biển.

Ngày 6/5, vào cùng ngày mà Al Qaeda chính thức thừa nhận cái chết của Bin Laden, TT Obama và Phó TT Biden đến thăm và trao huân chương cho toàn bộ thành viên của chiến dịch, bao gồm cả chú chó Cairo, tại căn cứ Campbell, Kentucky.

Về tổng thể, ngoại trừ việc mất 1 máy bay, chiến dịch 'Ngọn giáo thần Hải dương' là 1 thành công lớn. Tuy vậy, ít người biết rằng bên cạnh đó, Mỹ cũng đã chuẩn bị một lực lượng quân sự khổng lồ, gồm 3 tàu sân bay, hàng trăm chiến đấu cơ, cùng hàng nghìn binh lính, tại Afghanistan và vịnh A rập sẵn sàng tham chiến nếu như đội đột kích phải đương đầu với quân đội Pakistan.

Trên thực tế Pakistan cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động bên trong lãnh thổ của mình trong trường hợp đang truy đuổi các mục tiêu từ Afghanistan vượt biên sang Pakistan hay tiêu diệt các đầu não khủng bố đang ẩn náu trong lãnh thổ Pakistan với điều kiện Mỹ phải thông báo trước cho quân đội Pakistan về các hoạt động này. Việc Pakistan không được Mỹ báo trước trong vụ Bin Laden là minh chứng cho thấy sự dính líu sâu rộng của chính quyền Pakistan đối với các tổ chức khủng bố. Trong quá khứ, đã rất nhiều lần thông tin về các chiến dịch tương tự bị rò rỉ từ các nguồn cao cấp trong chính quyền Pakistan cho các tổ chức khủng bố. Điều này khiến Mỹ không thể tin tưởng vào chính đồng minh này. Vậy làm cách nào chủ nghĩa khủng bố lại có thể 'len lỏi' vào trong bộ máy chính quyền của Pakistan và mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào?

Pakistan và 1 lịch sử của chủ nghĩa cực đoan

Tầm ảnh hưởng sâu rộng chủ nghĩa khủng bố trong lòng Pakistan có lịch sử lâu đời, thậm chí từ trước khi nhà nước Pakistan ra đời, và chịu ảnh hưởng lớn từ mối quan hệ giữa Pakistan và 2 nước láng giềng Ấn Độ và Afghanistan.

Như đã nói ở phần trên, các bộ tộc Pashtun là những chiến binh có truyền thống độc lập và kháng ngoại bang rất mạnh. Tuy vậy, người Pashtun không có tính cố kết cao. Một khi hiểm hoạ xâm lăng bị đẩy lùi, các bộ tộc lại quay ra kình chống lẫn nhau. Do đó họ không bao giờ thành lập được 1 nhà nước riêng.

Năm 1839, đế quốc Anh xân lược vùng đất của người Pashtun để mở rộng lãnh thổ thuộc địa Ấn Độ (bao gồm Ấn Độ và Pakistan ngày nay). Tuy vậy họ cũng không thể khuất phục hoàn toàn người Pashtun và chỉ chiếm được 1 phần, và phần đất đó cũng thường xuyên chứng kiến các cuộc nổ dậy, bạo loạn. Trong khi đó, phần đất còn lại của người Pashtun trở thành 1 phần của Afghanistan. Năm 1893, người Anh lập ra 1 đường biên gọi là Đường biên Durand để ngăn cách giữa Afghanistan và thuộc địa Ấn Độ (bao gồm phần lãnh thổ của người Pashtun mà Anh vừa chiếm được). Người Pashtun tuy vậy không công nhận đường biên này.

Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho thuộc địa Ấn Độ, và cùng lúc phân chia nó thành 2 nước Ấn Độ và Pakistan. Phần đất của người Pashtun trước kia bị người Anh chiếm được giờ thuộc lãnh thổ của Pakistan. Tuy nhiên người Pashtun tại đây ngay từ đầu chưa bao giờ công nhận quyền cai trị của người Anh nên giờ họ cũng không công nhận mình là 1 phần của Pakistan và luôn có xu hướng li khai. Pakistan cũng gặp sự chống đối của người Pashtun đang cai trị Afghanistan vì vấn đế đường biên Durand. Khi Pakistan gửi đơn gia nhập LHQ vào 1947, nước duy nhất bỏ phiếu chống không phải là Ấn Độ, mà là Afghanistan.

Năm 1948, các lãnh đạo Hindu và Hồi giáo tại vùng Kashmir đạt được thoả thuận cùng đưa vùng đất này thành 1 nhà nước độc lập, thay vì sáp nhận vào Ấn Độ hoặc Pakistan. Giới lãnh đạo Pakistan, lo sợ trước xu hướng li khai của người Pashtun, không muốn Kashmir trở thành một tiền lệ. Do đó, Pakistan đã tạo nên một chiến dịch tuyên truyền về việc người Hindu hãm hại người Hồi giáo tại Kashmir, và khuyến khích chính những người Pashtun sang Kashmir để 'bảo vệ những người anh em Hồi giáo'. Bằng cách đó, Pakistan có thể đồng thời đạt được mục tiêu ngăn Kashmir độc lập và làm người Pashtun xao nhãng với mục tiêu ly khai của mình. Những lãnh đạo Kashmir phải chạy sang cầu cứu Ấn Độ và hứa rằng sẽ sáp nhận Kashmir vào Ấn Độ nếu nước này giúp đẩy lùi các chiến binh Pashtun.

Ấn Độ đồng ý và gửi quân vào Kashmir, Pakistan cũng phản ứng lại và gửi quân đội của mình, kết quả là cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ 1 nổ ra. Tổng cộng 2 bên đã có 4 cuộc chiến, cùng vô số lần giao tranh nhỏ khác. Nhìn chung, Pakistan thường là bên thua cuộc, đặc biệt nặng nề là cuộc chiến năm 1971, khi mà gần 90,000 quân và dân thường Pakistan phải đầu hàng và bị bắt. Ấn Độ cũng là nước sở hữu vũ khí hạt nhân trước. Về mặt kinh tế, Ấn Độ cũng ngày càng bỏ xa Pakistan.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, giới lãnh đạo Pakistan nhận ra rằng không thể chiến thắng Ấn Độ bằng các phương thức chính thống, mà chỉ có thể dựa vào cách 'phi chính quy', tức là chủ nghĩa khủng bố. Pakistan tích cực hậu thuẫn và nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố và tung vào quấy phá Ấn Độ.

Ngoài ra, việc này còn có ý nghĩa đối nội. Bản thân xã hội Pakistan luôn trong tình trạng bất ổn, trì trệ gây ra bởi nạn tham nhũng, bất tài của giới lãnh đạo. Tư tưởng Hồi giáo cực đoan được xem là phương thuốc để chống lại những sự 'suy thoái về đạo đức' này.

Cùng lúc đó tại Afghanistan, cuộc cách mạng do Liên Xô hậu thuẫn nổ ra và đưa 1 chính thể 'phi Hồi giáo' lên nắm quyền. Thế giới Hồi giáo cùng hợp lực để đánh đuổi những kẻ 'ngoại đạo' này, đặc biệt là sau khi Liên Xô đích thân gửi quân sang. Khi nhắc đến cuộc chiến này, người ta thường nghĩ rằng Mỹ là người ủng hộ chính cho các chiến binh mujahideen chống Liên Xô tại Afghanistan. Nhưng trên thực tế Pakistan mới là đạo diễn chính cho toàn bộ cuộc chiến, còn các nước A rập là những nước tài trợ tài chính chủ yếu.

Sau khi Liên Xô rút quân đã tạo ra một khoảng trống quyền lực tại Afghanistan. Đất nước này lại chìm vào nạn sứ quân, nội chiến. Pakistan để duy trì ảnh hưởng của mình tại đây đã dựng nên Taliban. Hạt nhân của Taliban chính là những hậu duệ của những người Pashtun trước kia được gửi sang chiến đấu ở Kashmir. Pakistan cũng hy vọng bằng cách dẹp tan các phe phái khác và chấm dứt nội chiến có thể đẩy nhanh quá trình hồi hương của hàng triệu người tị nạn Afghanistan tại Pakistan. Được tuyển chọn từ các trường dòng Hồi giáo tại Pakistan, những thành viên của Taliban đều có tư tưởng Hồi giáo rất cực đoan. Được sự ủng hộ của Pakistan, Taliban đánh bại các lực lượng khác và giành quyền kiểm soát phần lớn Afghanistan.

Sau vụ 11/09, Mỹ cho Pakistan 2 lựa chọn: hoặc Mỹ, hoặc Taliban. Pakistan, hay cụ thể là TT Musaraf đã chọn hỗ trợ Mỹ trong việc tiêu diệt Taliban. Tuy nhiên, mối liên minh này không hề êm ả.

Một mặt, cả Mỹ và Pakistan đều cần lẫn nhau. Đối với Mỹ, Pakistan là con đường vận chuyển hậu cần chính cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Mỹ cũng cần sự đồng ý và hỗ trợ của Pakistan trong việc truy lùng và tiêu diệt Al Qaeda và Taliban tại vùng biên giới Pakistan - Afghanistan. Đối với Pakistan, việc từ chối hợp tác sẽ tương ứng với việc bị Mỹ xem là kẻ thù. Bên cạnh đó, viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ là rất cần thiết cho Pakistan, đặc biệt là đối với (cựu) TT Musaraf. Ông này lên nắm quyền do 1 cuộc đảo chính. Tại Pakistan, việc quân đội đảo chính chính quyền dân sự là điều không có gì mới. Tuy nhiên vấn đề là ông Musaraf lại tìm cách ở lại quá lâu, và do đó càng ngày càng bị phản đối. Vì vậy ông này cần những khoản viện trợ của Mỹ để duy trì sự ủng hộ của dân chúng. Bản thân quân đội Pakistan cũng rất cần viện trợ quân sự từ Mỹ để không bị Ấn Độ bỏ lại quá xa, hiện ngân sách quốc phòng của Pakistan chỉ bằng 1/3 của Ấn Độ.

Do đó, Pakistan âm thầm đồng ý cho Mỹ thực hiện các chiến dịch ám sát bằng máy bay không người lái (UAV) trong lãnh thổ Pakistan. Pakistan còn cho phép Mỹ thiết lập các cơ sở bí mật trong các căn cứ của quân đội Pakistan. Hoạt động tại các cơ sở đó chủ yếu là các đơn vị tình báo, đặc nhiệm, UAV. Nhiều đặc vụ CIA cũng được cho phép vào hoạt động bên trong nội địa Pakistan. Đặc nhiệm Mỹ và Pakistan đã cùng thực hiện một số nhiệm vụ tối mật bên trong lãnh thổ Pakistan để truy lùng các thủ lĩnh khủng bố. Quân đội Pakistan còn mở các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhắm vào vùng bán tự trị của người Pashtun giáp với Afghanistan, một điều mà chính quyền Pakistan ít khi làm trước đây, vì không muốn đối đầu với các bộ tộc Pashtun tại đây. Khu vực này từ lâu đã trở thành 'thiên đường' của tàn quân Taliban và Al Qaeda. Mỹ do vậy thường xuyên yêu cầu Pakistan triển khai quân tại đây, kết hợp với lực lượng liên quân tấn công từ phía Afghanistan, để dồn ép Taliban và Al Qaeda từ cả 2 phía.

Một trong những nguyên nhân nữa đằng sau tính 2 mặt của Pakistan đối với chủ nghĩa khủng bố còn nằm ngay trong bản chất nền chính trị của nước này, đó là sự phân tán và cạnh tranh quyền lực giữa các thế lực chính trị: chính quyền dân sự và phe quân đội - tình báo. Trong quá khứ, các chính quyền dân sự tồn tại 1 thời gian sẽ bị quân đội đảo chính, khi mà sự tham nhũng và bất tài đã vượt quá mức chịu đựng, mực dù bản thân quân đội Pakistan cũng không hơn gì. Chính quyền dân sự nói chung ít có xu hướng cực đoan. Tương tự, hiện nay chính quyền dân sự Pakistan cũng là thế lực mà Mỹ có thể tin cậy nhất. Tuy vậy, như đã nói ở trên, chính quyền dân sự đôi lúc vẫn bị phe quân sự lấn át.

Căn bệnh ung thư trong lòng Pakistan

Như đã nói ở trên, từ những năm 70 của thế kỷ 20, Pakistan quyết định sử dụng chủ nghĩa cực đoan như một công cụ để giải quyết các vấn đề đối ngoại (Ấn Độ) và đối nội (chính phủ tham nhũng, năng lực kém…). Từ chỗ là 1 công cụ, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố dần trở thành 1 căn bệnh mãn tính ở Pakistan, ăn sâu vào cả bộ máy nước lẫn trong dân chúng.

Trong gần như suốt lịch sử của mình, chính quyền Pakistan còn thường xuyên tuyên truyền cho người dân rằng các 'kẻ thù' Ấn Độ và phương Tây là nguồn gốc của mọi vấn đề, bất ổn của Pakistan. Nó giúp hướng sự giận dữ của người dân ra khỏi chính quyền, nhưng về lâu dài, nó chỉ càng làm tồi tệ thêm chủ nghĩa cực đoan trong đại bộ phận công chúng. Theo một cuộc thăm dò hồi năm 2007, chỉ có 2% người dân Pakistan tin rằng Al Qaeda gây ra vụ 11/09, trong khi có đến 27% tin rằng chính phủ Mỹ đã dựng lên sự kiện này. Tương tự, trong một cuộc thăm dò khác, có đến 66% người Pakistan không tin rằng Bin Laden đã chết.

Đặc biệt nghiêm trọng là việc các thành phần có tư tưởng cực đoan hiện diện rất nhiều trong lực lượng quân đội, an ninh và tình báo Pakistan. Rất nhiều thành viên chủ chốt của các cơ quan nhà nước Pakistan, đặc biệt là quân đội và tình báo, lại có quan hệ mật thiết, hay ít nhất là có cảm tình với các tổ chức khủng bố. Do đó Pakistan cũng thường xuyên có những hành động bất hợp tác, thậm chí phá hoại các nỗ lực của Mỹ. Quân đội Pakistan từ chối tiến vào 1 số khu vực bộ tộc Pashtun. Có một số khu vực mà thậm chí UAV của Mỹ cũng không được hoạt động. Tại đó các thủ lĩnh Taliban có thể di chuyển gần như công khai. Trên thực tế, Pakistan chỉ nhiệt tình săn lùng các tổ chức khủng bố gây bạo lực bên trong Pakistan. Các tổ chức chỉ chuyên tấn công Ấn Độ, hoặc các nước phương Tây thường được để yên. Đặc biệt nổi bật trong số này là mạng lưới khủng bố của Haqqani, một lãnh chúa Pashtun lâu năm. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng Haqqani hiện nay còn nguy hiểm hơn Al Qaeda. Cũng chính mạng lưới này chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi 1 trực thăng Chinook làm 30 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng. Không ít lần phía Pakistan để lộ thông tin các chiến dịch mật của phía Mỹ và tạo điều kiện cho mục tiêu trốn thoát.

Có liên hệ chặt chẽ nhất với chủ nghĩa cực đoan là Cục tình báo liên ngành ISI. Cơ quan được thành lập năm 1948, với nhiệm vụ tổng hợp thông tin từ Cục tình báo đối ngoại IB và Cục tình báo quân đội MI. Tuy nhiên không lâu sau đó nó được dùng như một cơ quan an ninh đối nội, chuyên truy tìm và đàn áp những ai chống đối chính phủ.

ISI thực sự nổi lên thành 1 quyền lực lớn từ những năm 80 khi nó có nhiệm vụ điều phối các hoạt động hỗ trợ cho các chiến binh Hồi giáo chống lại Liên Xô ở Afghanistan. Sau đó, cũng chính ISI là những người đã dựng lên Taliban. Sau khi Pakistan trở thành đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, ISI được giao nhiệm vụ truy lùng các phần tử khủng bố trong nội địa Pakistan, nhưng lại thường để yên cho các nhóm 'trung lập', nghĩa là những nhóm chuyên tấn công các mục tiêu phương Tây và Ấn độ.

Công nghệ và lực lượng

Lực lượng chính tham gia cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden là DevGru, hay thường được biết với cái tên SEAL Team 6. Trên giấy tờ thì SEAL Team 6 đã bị giải thể từ nhiều năm trước, DevGru là 1 đơn vị mới được thành lập sau này. Nhưng trên thực tế thì 2 đơn vị này là 1, việc thay tên chỉ nhằm mục đích bảo mật.

SEAL là lực lượng đặc nhiệm chính của Hải quân Mỹ, được tổ chức thành các 'Team', mỗi Team có quy mô bằng khoảng 1 đại đội. Trong đó Team 6 là đơn vị chuyên trách chống khủng bố. Một đơn vị nổi tiếng khác có nhiệm vụ tương tự với Team 6 là Delta Force của Lục quân Mỹ. Cả 2 đơn vị này tạo thành xương sống của Bộ chỉ huy liên hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC). JSOC là đầu não tổ chức, phối hợp các chiến dịch an ninh, chống khủng bố của quan đội Mỹ.

Trong số các lực lượng đặc biệt của Mỹ, những đơn vị những DevGru hay Delta Force thường được gọi là những 'đơn vị đen', ngược với các đơn vị còn lại, tức là những 'đơn vị trắng'. Cách gọi như vậy là để nhấn mạnh tính bí mật của chính các đơn vị này cũng như các nhiệm vụ của nó, mặc dù bản thân các lực lượng đặc nhiệm nói chung cũng đã có tính bí mật rất cao.

Chiến dịch tiêu diệt Bin Laden chắc chắn là một trong những chiến dịch quan trọng nhất trong lịch sử các chiến dịch đặc biệt. Tại sao DevGru lại được chọn để thực hiện chiến dịch này thay vì một đơn vị nào khác, ví dụ Delta Force? Bản thân tên của chiến dịch này ("Ngọn giáo của thần Hải dương") cũng mang hơi hướng hải quân. Lí do có thể là do tư lệnh của JSOC là 1 sĩ quan hải quân, phó đô đốc Bill McRaven.JSOC lại trực thuộc SOCOM, Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt , và người đứng đầu SOCOM lúc này là đô đốc Eric Olson, người từng là chỉ huy của DevGru.

Một thành viên đặc biệt của đội đột kích là chú chó Cairo. Những người lính 4 chân này đã được được sử dụng từ rất lâu tại nhiều nước trên thế giới, chủ yếu trong các vai trò cảnh giới, dò tìm chất nổ, phát hiện kẻ đột nhập…Riêng trong Thế chiến thứ 2, Hồng quân Liên Xô còn thử nghiệm sử dụng quân khuyển trong vai trò 1 'cảm tử quân' diệt tăng. Những chú chó này được huấn luyện để luôn chạy đến các xe tăng, khi đó người điều khiển sẽ kích nổ khối thuốc nổ gắn trên người nó. Tuy vậy trong thực tế đôi lúc chúng nhầm mục tiêu vì những chú chó này được huấn luyện với xe tăng của Liên Xô.

Quân đội Mỹ có tổng cộng hơn 600 quân khuyển tại Iraq và Afghanistan. Là 1 thành viên của lực lượng đặc nhiệm, những chú quân khuyển này cũng được huấn luyện và trang bị một cách đặc biệt. Chúng có cả kính bảo vệ mắt riêng, để chống chói nắng và đặc biệt là ngăn bụi và cát, vốn có rất nhiều tại Afghanistan và Iraq. Chúng cũng được mặc áo giáp bằng sợi Kevlar, có thể chống lại dao hoặc đạn súng lục cỡ nhỏ. Trong áo giáp này có những ngăn đặc biệt để chứa có gói hoá chất làm mát, vì chó không có tuyến mồ hôi nên khả năng thoát nhiệt kém hơn con người.  Những áo giáp này còn có những quai đeo đặc biệt để người điều khiển có thể mang vác quân khuyển của mình dễ dàng khi chúng bị thương, ví dụ có thể đeo nó sau lưng như 1 chiếc balô. Giá có mỗi áo giáp như vậy có thể có giá tới 1,000 dollar. Tuy vậy mức giá này cũng hợp lý nếu biết rằng 1 quân khuyển cần tới hơn 1 năm và 60,000 dollar để huấn luyện.

Thiết bị đặc biệt nhất được trang bị cho những quân khuyển là một loại camera để truyền hình ảnh mà chúng quan sát được trực tiếp về người điều khiển. Camera này có chức năng hoạt động trong đêm tối. Khoảng cách truyền tín hiệu giữa camera và người điều khiển là từ 200m, nếu trong nhà, và 1000m, nếu ngoài trời. Hình ảnh được hiển thị trên 1 thiết bị cầm tay của người điều khiển. Ngoài ra còn có hệ thống microphone để người điều khiển có thể ra lệnh cho chú chó của mình từ xa. Người này còn có thể hướng dẫn cho quân khuyển di chuyển theo ý mình bằng cách dùng tia laser. Nhiều người tin rằng những chú chó này thậm chí còn được bọc răng bằng titan. Một số chú chó còn được huấn luyện để cùng nhảy dù với lính đặc nhiệm. Khi đó quân khuyển sẽ được đeo vào trước ngực người điều khiển.

Khi cuộc đột kích đang diễn ra, TT Obama và các quan chức cao cấp khác có thể theo dõi trực tiếp diễn biến từ Nhà Trắng nhờ vào một máy bay không người lái (UAV) RQ-170 Sentinent đang lượn vòng phía trên. Sentinent là 1 mẫu UAV tàng hình dạng 'cánh bay', tức là hình dạng của nó gần giống với 1 chiếc B-2. Nhờ tính năng tàng hình của mình, Sentinent đã được sử dụng trong quá trình theo dõi khu nhà của Bin Laden và lập kế hoạch tấn công trong nhiều tháng liền mà phía Pakistan không thể phát hiện được. Ngoài ra, trong quá trình chiến dịch đang diễn ra, Sentinent cũng theo dõi liên lạc qua sóng vô tuyến của quân đội Pakistan trong khu vực đó, để có thể báo động cho đội đột kích trong trường hợp phía Pakistan phát hiện ra và điều động lực lượng đến. Ngoài ra còn có 2 UAV cỡ lớn Global Hawk bay gần đó làm nhiệm vụ như những trạm chuyển tiếp dữ liệu từ chiếc Sentinent trong toàn bộ quá trình theo dõi khu nhà cũng như khi chiến dịch đang diễn ra.

Một 'ngôi sao' nữa của chiến dịch này là 2 chiếc trực thăng tàng hình được dùng để chuyên chở đội đột kích. Nhờ việc 1 chiếc bị rơi và không bị phá huỷ hoàn toàn nên thế giới mới biết đến sự tồn tại của nó. Cho tới nay quân đội Mỹ vẫn chưa công khai bất kì thông tin về loại trực thăng này. Giới phân tích quân sự đặt cho nó biệt danh 'Airwolf', hoặc "Silent Hawk". Nó được cho là 1 phiên bản được nâng cấp đặc biệt của mẫu trực thăng đa dụng Black Hawk, vốn được sử dụng rất rộng rãi trong quân đội Mỹ.

Nhu cầu có các loại trực thăng đặc biệt có thể đưa các đơn vị đặc nhiệm đột nhập sâu vào lãnh thổ đối phương được đặt ra từ sau thất bại của chiến dịch Eagle Claw năm 1980. Mục tiêu của chiến dịch là giải cứu hơn 50 con tin Mỹ bị giam giữ tại Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo. Đây là chiến dịch đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm Delta Force. Tuy nhiên đơn vị này được chuyên chở bằng các trực thăng thông thường, với các phi công thông thường. Do khoảng cách từ tàu sân bay đến mục tiêu quá xa, các trực thăng phải hạ cánh xuống một điểm bí mật trong sa mạc để được tiếp nhiên liệu và sau đó bay tiếp. Trong quá trình này một trực thăng đã va chạm với 1 máy bay vận tải C-130 làm cả 2 chiếc bốc cháy, 8 thành viên của chiến dịch thiệt mạng. Chiến dịch bị huỷ ngay lập tức. Nếu các trực thăng khi đó có khả năng tiếp nhiên liệu trên không thì đã không cần phải hạ cánh và sẽ không xảy ra va chạm.

Sau đó, những đơn vị trực thăng đặc biệt được thành lập, chuyên thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm như vậy, tập hợp những phi công xuất sắc nhất cùng những phiên bản nâng cấp từ những mẫu trực thăng thông thường. Ví dụ phiên bản MH-60 là bản cải tiến của Black Hawk, hoặc MH-47, bản cải tiến của trực thăng Chinook, cũng là loại được dùng để chuyên chở đội hỗ trợ và phản ứng nhanh trong chiến dịch này. Những phiên bản đặc biệt này được trang bị các thiết bị định vị hiện đại, radar địa hình, cảm biến hồng ngoại để cho phép nó bay ở độ cao cực thấp trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra nó còn được nâng cấp khả năng phòng vệ, bao gồm các thiết bị cảnh báo sớm, gây nhiễu radar đối phương, thiết bị laser dùng để làm 'mù' các cảm biến tầm nhiệt trên các tên lửa phòng không. Máy bay còn được trang bị các hệ thống liên lạc vệ tinh mã hoá, khả năng tiếp nhiên liệu trên không…Tuy nhiên, trực thăng có thiết kế tàng hình như Airwolf thì chưa từng được công chúng biết đến.

Mặc dù cho tới này chưa có loại trực thăng tàng hình nào chính thức có trong biên chế quân đội các nước, nhưng các dự án phát triển đã có từ khá lâu. Nhà chế tạo trực thăng Sikorsky Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này từ cuối những năm 1970. Cũng trong thời gian đó, một công ty Mỹ khác là Hughes Aircraft tham gia một dự án của CIA nhằm chế tạo một mẫu trực thăng dùng cho các chiến dịch tuyệt mật trong chiến tranh Việt Nam, gọi là OH-6A .Trong những năm 80,  tiến hành dự án MH-X nhằm chế tạo một trực thăng vận tải tàng hình. Những mẫu thử nghiệm của dự án được cho là đã được thử nghiệm chung với các mẫu máy bay tàng hình khác là F-117A và B-2.

Chương trình trực thăng tàng hình được biết đến nhiều nhất là mẫu Commanche RAH-66, trực thăng trinh sát vũ trang tàng hình của lục quân Mỹ. Chương trình này bị huỷ bỏ khi đã gần hoàn thành, do kinh phí đội lên quá cao. Giá thành trung bình 1 chiếc là 60 triệu dollar so với 12 triệu như dự tính. Commanche là mẫu đầu tiên tích hợp công nghệ 'tàng hình' đối với cả radar, âm thanh, bức xạ nhiệt và mắt thường.

Đối với các máy bay chiến đấu phản lực tàng hình như F-22, F-117, B-2…việc triệt tiêu tín hiệu radar là ưu tiên số 1. Tuy nhiên đối với trực thăng, yêu cầu này không quá quan trọng nhờ vào khả năng bay rất thấp và chậm. Đối với radar mặt đất, mục tiêu bay càng thấp thì tầm hoạt động của radar càng giảm, do tín hiệu radar bị cản lại bởi địa hình, công trình, cây cối…Các máy bay chiến đấu bay trên cao cũng khó phát hiện được trực thăng bay chậm và sát mặt đất, vì khi đó tín hiệu radar phản xạ lại từ trực thăng sẽ bị lẫn với tín hiệu phản xạ từ nhà cửa, cây cối, phương tiện…

Một minh chứng cho khả năng tàng hình 'tự nhiên' trước radar này là trong đêm mở màn cho Chiến dịch bão táp sa mạc (Chiến tranh Vùng Vịnh lần I), một tốp trực thăng vũ trang Apache, được 1 trực thăng Pave Low dẫn đường, luồn sâu vào lãnh thổ Iraq, tấn công tiêu diệt 2 trạm radar cảnh báo sớm, cùng lúc đó máy bay ném bom tàng hình F-117A tấn công các trạm chỉ huy, vị trí đặt tên lửa. 2 cuộc tấn công này tạo ra 1 lỗ thủng trong hệ thống phòng không Iraq để hàng trăm chiến đấu cơ của liên quân tràn qua. Như vậy tuy chỉ là những trực thăng bình thường, Apache vẫn có thể thực hiện những vụ nguy hiểm tương tự như của máy bay tàng hình, chỉ nhờ vào khả năng bay bám sát địa hình của mình.

Tất nhiên như vậy không có nghĩa là khả năng 'tàng hình' trước radar là không cần thiết đối với trực thăng. Commanche là mẫu trực thăng đầu tiên ứng dụng các đặc tính kỹ thuật của các máy bay phản lực tàng hình. Toàn bộ hình dạng bên ngoài máy bay được cấu tạo từ một số rất ít các bề mặt phẳng, trơn láng, mọi cấu trúc có góc vuông hoặc dạng hình trụ được loại bỏ, không có sự chuyển tiếp đột ngột ('gấp khúc') từ bề mặt này sang bề mặt khác, toàn bộ bề mặt ngoài của máy bay rất 'trơn láng' và rất ít có các chi tiết nhỏ nhô lên, được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar. Bánh xe và vũ khí có thể được thu gọn vào bên trong thân máy bay.

Đối với trực thăng, kẻ thù lớn nhất khiến nó có thể bị phát hiện từ xa chính là tiếng ồn. Những dự án trực thăng tàng hình đầu tiên cũng chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu tiếng ồn. Nguồn gây tiếng ồn lớn nhất của trực thăng là từ cánh quạt đuôi, cánh quạt chính và tiếng ồn từ chính bản thân động cơ. Khi trực thăng đang hoạt động, đầu của các cánh quạt di chuyển với vận tốc rất nhanh trong không khí, và tạo ra những lốc xoáy nhỏ. Những lốc xoáy này khi va chạm với đầu cánh quạt kế tiếp tạo ra tiếng ồn đặc trưng của trực thăng, mà có thể được nghe thấy từ cách xa hơn 3km. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách giảm vận tốc quay của cánh quạt. Làm như vậy đồng thời cũng sẽ làm giảm lực nâng từ các cánh quạt. Để bù lại, số cánh quạt sẽ phải tăng lên. Trong hình chụp phần còn lại của Airwolf tại hiện trường, có thể thấy phần cánh quạt đuôi có đến 5 cánh, trong khi các phiên bản Black Hawk thông thường chỉ có 4 cánh. Ngoài ra, đầu cánh quạt cũng có thể được cải tiến để giảm cường độ các lốc xoáy nhỏ.

Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng với mẫu trực thăng OH-6A mà CIA sử dụng tại Việt Nam. Loại này được nâng cấp từ trực thăng dân sự Hughes 269. Cánh quạt đuôi của 269 có 2 cánh, và được tăng lên thành 4 ở OH-6A. Cánh quạt chính được tăng thêm 1 cánh. Hộp số cũng được chuyển đổi để giảm tốc độ quay của cánh quạt. Ống xả động cơ được gắn thêm ống giảm thanh. Nhờ vậy, OH-6A là một trong những chiếc trực thăng yên lặng nhất từng được chế tạo. Một người thường không thể xác định được nó đang đến từ hướng nào ngay cả khi nó chỉ còn cách 100 - 200m.

Ngoài ra còn có 1 số phương pháp phụ khác để giảm tiếng ồn cho trực thăng. Trong những bức ảnh chụp phần còn lại của chiếc trực thăng bị rơi tại hiện trường, có thể thấy rõ một chi tiết hình tròn lớn chụp lên trên đỉnh của cánh quạt đuôi, nó cũng giúp triệt tiêu các nhiễu loạn không khí gây ra bởi cánh quạt, một trong những nguồn gốc tiếng ồn.

Việc giảm tiếng ồn của trực thăng cũng tương tự việc giảm thanh cho súng ở chỗ mục tiêu của nó không chỉ nhằm giảm độ ồn mà còn làm biến dạng tiếng ồn để làm mất âm thanh đặc trưng của trực thăng. Khi đó, ngay cả khi nghe thấy âm thanh, một người thường cũng khó nhận ra đó là 1 chiếc trực thăng đang bay đến.

Kẻ thù nguy hiểm thứ 2 của trực thăng là tín hiệu bức xạ nhiệt. Nếu như âm thanh báo trước sự xuất hiện của trực thăng từ xa thì nguồn nhiệt toả ra từ động cơ có thể khiến nó bị tiêu diệt. Đa số các tên lửa phòng không vác vai hiện nay dùng cảm biến nhiệt để lần theo mục tiêu. Do đó các trực thăng quân sự thường được trang bị hệ thống phòng vệ trước những tên lửa này. Một hệ thống như vậy gồm từ 4 - 6 cảm biến tia cực tím gắn xung quanh máy bay, khi phát hiện ra có tên lửa, hệ thống sẽ phóng ra các mục tiêu giả để đánh lạc hướng tên lửa. Chi phí cho hệ thống này không hề rẻ, khoảng 2 triệu dollar. Tất nhiên nó cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trực thăng. Do đó việc giảm bức xạ nhiệt thoát ra từ trực thăng vẫn luôn là 1 ưu tiên hàng đầu.

Commanche là mẫu trực thăng có thiết kế toàn diện nhất trong việc hạn chế nhiệt toả ra. Commanche được thiết kế để dòng khí nóng từ động cơ không thải trực tiếp ra bên ngoài mà được dẫn đi dọc theo đuôi máy bay đến tận cánh quạt đuôi. Khi đó cánh quạt đuôi sẽ đảm nhận luôn nhiệm vụ làm mát dòng khí nóng này. Ngoài ra, do phải di chuyển 1 đoạn đường dài gần hết chiều dài của máy bay, nên dòng khí này cũng nguội đi bớt.

Tàng hình đối với mắt thường là yêu cầu khó nhất, nhưng cũng ít quan trọng nhất vì đa số những chiến dịch đặc biệt như vậy được thực hiện vào ban đêm. Ngoài ra, người ta cũng có thể thiết kế hình dạng bên ngoài sao cho trực thăng khó bị nhận dạng từ xa. Mẫu Commanche được thiết kế với bề ngang nhỏ nhất có thể, cánh mang vũ khí và bánh xe đều có thể được thu gọn vào bên trong. Do đó khi nhìn trực diện từ phía trước, người ta sẽ khó nhận thấy Commanche đang bay đến hơn so với các loại trực thăng khác.

Tóm lại, mặc dù chưa có thông tin chính cụ thể nào được tiết lộ, nhưng dựa vào các công nghệ sẵn có và các chương trình phát triển trước đây,  có thể cho rằng Airwolf kết hợp các công nghệ 'tàng hình' về âm thanh, tín hiệu radar, bức xạ nhiệt, cùng với các thiết bị điện tử, cảm biến hiện đại cho phép nó bay bám sát địa hình trong mọi điều kiện thời tiết, cùng các phương tiện liên lạc vệ tinh mã hoá. Tất cả nhằm cho phép nó đột nhập sâu vào lãnh thổ đối phương và thoát ra an toàn.

Ý nghĩa của việc tiêu diệt Bin Laden

Thứ nhất, việc giết Bin Laden giúp nước Mỹ trả được món nợ tinh thần với gần 3,000 người thiệt mạng trong vụ 11/9. Món nợ đã kéo nước Mỹ vào cái gọi là Cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố. Cho đến nay đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thứ hai, sự kiện này giúp dọn đường cho TT Obama thay đổi toàn diện chiến lược tại Afghanistan, rút dần lực lượng Mỹ tại đây về nước. Bởi vì Bin Laden là lí do trực tiếp đưa người Mỹ đến Afghanistan, nay lí do đó đã không còn, người Mỹ có thể rút đi mà không phải quá lo lắng về vấn đề thắng-thua.

Có nhiều ý kiến cho rằng giết một Bin Laden này, sẽ có nhiều Bin Laden khác thay thế. Vậy liệu Apple có thể tìm được bao nhiêu Steve Job mới? Và đến bao giờ nước Pháp mới sản sinh ra một thiên tài quân sự như Napoleon? Hiển nhiên là có thể dễ dàng tìm được 1 người sẵn sàng tự cho nổ tung mình cho sự nghiệp 'tử vì đạo', nhưng rất khó để tìm được 1 người hội đủ được tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, tổ chức, cũng như sức hút với người khác, và đặc biệt là tiềm lực tài chính cá nhân như Bin Laden. Những cá nhân đặc biệt, cho dù theo nghĩa tích cực hay tiêu cực, không thường xuyên xuất hiện.

Thứ tư, trong mọi cuộc đột kích tương tự, bên cạnh việc tiêu diệt hay bắt sống các thủ lĩnh khủng bố, thu thập thông tin tình báo luôn là ưu tiên thứ 2. Những thông tin này có thể dưới dạng giấy, máy tính, điện thoại di động, ổ lưu trữ ngoài, CD…Vị trí của mục tiêu càng cao trong tổ chức, thông tin thu được càng có giá trị. Đối với Bin Laden, lượng tin tức tình báo tịch thu trong cuộc đột kích cũng tương ứng với vị thế 'trùm khủng bố', và được đánh giá là kho thông tin quan trọng nhất mà tình báo Mỹ từng thu được. Trong đó cho thấy Bin Laden đang đích thân lên những kế hoạch đầy tham vọng, như tấn công vào lễ tưởng niệm vụ 11/9, tấn công mạng lưới đường sắt của Mỹ, ám sát TT Obama và tướng Petraeus, người từng đứng đầu Bộ tư lệnh Trung tâm, chịu trách nhiệm tại cả chiến trường Iraq và Afghanistan.

Lượng thông tin khổng lồ thu được từ cuộc đột kích cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Bin Laden hiện nay không đóng vai trò thực tế nào trong hoạt động của Al Qaeda. Mặc dù đúng là mạng lưới khủng bố này không còn là một tổ chức mang tính tổ chức và tập trung cao như trước (sẽ nói rõ hơn ở phần sau), do đó Bin Laden cũng không can dự nhiều vào việc điều hành trực tiếp, nhưng Bin Laden vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thuộc hạ, đóng vai trò là người truyền cảm hứng, vạch ra chiến lược cũng như lên ý tưởng cho những cuộc tấn công mới.

Việc giết Bin Laden cũng giúp tăng uy tín của nước Mỹ và răn đe các mục tiêu khác khi nó khẳng định với thế giới rằng cho dù phải tốn bao nhiêu thời gian và công sức, Mỹ cũng sẽ truy lùng cho được kẻ thù của mình.


Một câu hỏi cuối cùng về lợi ích của việc tiêu diệt Bin Laden đối với bản thân TT Mỹ trong việc tái đắc cử trong kì bầu cử 2012. Sự kiện này tất nhiên có ảnh hưởng tích cực đến TT Obama, tuy nhiên hiệu quả thật sự của nó có thể chỉ ở mức tối thiểu. Đó là vì nền chính trị Mỹ rất phức tạp và đầy biến động, mà người ta thường ví rằng ở đó 3 tháng tương đương với 1 'đời người', cho thấy sự thay đổi khôn lường của chính trị Mỹ. Như vậy từ khi Bin Laden bị hạ cho đến kì bầu cử dài tương đương với 6 'đời người'. Cộng với việc nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ thứ 2 trong lịch sử, có thể nhận định rằng việc tiêu diệt Bin Laden sẽ có rất ít ảnh hưởng lên cơ may chiến thắng của TT Obama trong kì bầu cử 2012.

Mỹ - Công nghệ trong Transformers 3

Công nghệ trong Transformers 1 và 2

So với 2 phần trước, Transformers 3 ít có sự xuất hiện của các 'đồ chơi' quân sự hơn, và nếu có thì cũng là những loại đã xuất hiện trong 2 phần trước. Loại vũ khí cá nhân nổi bật nhất trong Transformers 3, chưa từng xuất hiện trong 2 phần trước, có lẽ là khẩu súng trường bán tự động LaRue OBR, đã được các xạ thủ dùng để bắn vỡ mắt các robot Decepticon ở cuối phim. Sử dụng đạn 7.62mm, LaRue OBR là mẫu súng trường dành cho xạ thủ mới được sử dụng gần đây, nhưng rất được các lực lượng đặc nhiệm tín nhiệm, do kết hợp được tính chính xác, độ tin cậy cao và trọng lượng nhẹ. Trong cuộc thi thường kì giữa các xạ thủ quốc tế gần đây nhất, 3 trong số 4 vị trí cao nhất là những người sử dụng LaRue.

Trong phần cuối của cuộc chiến trong thành phố, lính đặc nhiệm NEST và SEAL dẫn đường cho các tên lửa hành trình Tomahawk bắn hạ các chiến đấu cơ robot của phe Decepticon. Trên thực tế thì Tomahawk chỉ để tấn công các mục tiêu cố định trên bộ hoặc tàu chiến trên biển, chứ không phải là loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên không. Tuy vậy, nếu xét đến việc những chiến đấu cơ này bay với tốc độ rất chậm, gần như chỉ lơ lửng trên không, và ở độ cao thấp thì việc dùng Tomahawk cũng có thể xảy ra, ít nhất trên lý thuyết, vì Tomahawk thế hệ mới nhất hiện nay đã tiến hóa rất nhiều so với các thế hệ trước của mình.

Các tên lửa hành trình, như Tomahawk, về cơ bản có thể xem như những máy bay cảm tử kamikaze không người lái. Tuy gọi là ‘tên lửa’, nhưng nó sử dụng động cơ phản lực giống và có cánh giống như máy bay. Vì vậy, tên lửa hành trình nói chung có tốc độ khá chậm so với các tên lửa thông thường, thường là dưới tốc độ âm thanh. Tuy nhiên, cũng nhờ tốc độ chậm như vậy nên nó có thể bay rất thấp, và có thể luồn lách, bám sát theo địa hình. Điều này khiến nó rất khó bị phát hiện và ngăn chặn.

Ưu điểm lớn nhất của tên lửa hành trình là độ chính xác của nó. Thế hệ ban đầu của Tomahawk sử dụng 2 cơ chế dẫn đường khác nhau. Trong phần lớn quãng đường, nó dùng radar để quét địa hình bên dưới, so sánh với dữ liệu được lưu trong bộ nhớ, và do đó biết được vị trí hiện tại của mình. Vào giai đoạn cuối, khi tiếp cận mục tiêu, Tomahawk dùng camera để so sánh hình ảnh thu được và hình ảnh mục tiêu lưu trong bộ nhớ và đánh trúng mục tiêu đã được đánh dấu.

Phương pháp này có nhược điểm là nếu tên lửa bay qua vùng định hình hoàn toàn bằng phẳng, như sa mạc, thì nó sẽ không thể phân biệt được mình đang ở đâu và sẽ bị lạc đường. Vì lí do này trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991, hải quân Mỹ khi phóng Tomahawk vào thủ đô Baghdad, họ không phóng theo đường thẳng qua sa mạc mà đi đường vòng qua vùng đồi núi của nước láng giềng Iran. Ngoài ra, phương pháp này cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian lên kế hoạch trước mỗi cuộc tấn công.

Thế hệ tiếp theo chuyển sang cơ chế dẫn đường sử dụng định vị vệ tinh (GPS). Với phương pháp này, thời gian chuẩn bị tấn công được rút ngắn do chỉ cần nhập vào toạ độ của mục tiêu. Tuy nhiên, một khi đã được phóng đi, người ta không thể thay đổi mục tiêu cho tên lửa. Thế hệ Tomahawk mới nhất được bổ sung đường truyền vệ tinh 2 chiều, do đó cho phép cập nhập thay đổi mục tiêu trên đường bay, nó cũng có thể truyền hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên tên lửa về trung tâm chỉ huy, giống như cảnh trong Transformer 3. Thế hệ Tomahawk mới nhất cũng được trang bị cảm biến laser, do đó lực lượng trên mặt đất có thể dùng tia laser chiếu vào mục tiêu, và hướng Tomahawk vào chính xác mục tiêu đó, kể cả khi mục tiêu đang di chuyển, giống như những gì lính đặc nhiệm NEST và SEAL đã làm đối với các phi cơ Decepticon.

Chinh phục mặt trăng

Transformer 3 dựa trên sự kiện có thật là sứ mạng tàu Apollo 11 đưa Neil Amstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Và trong phần cuối hãy cùng nhắc đến sự kiện lịch sử này. Trước tiên là 1 số thú vị nhỏ về chương trình Apollo.

Để phòng ngừa trường hợp các phi hành gia bị nhiễm một loại vị khuẩn lạ khi trở về từ mặt trăng, NASA yêu cầu mọi phi hàng gia bị cách ly 21 ngày sau khi đặt chân trở lại Trái đất.

Nhiều người đã từng nghe câu chuyện vui về việc Mỹ chi hàng triệu dollar để chế tạo loại viết bi có thể viết được trong môi trường không trong lực. Còn Liên Xô chỉ đơn giản là dùng viết chì. Trong thực tế thì cũng có 1 chút liên quan đến câu chuyện trên. Đúng là có 1 loại viết bi được thiết kế đặc biệt cho môi trường không trọng lực. Tuy nhiên nó không phải do NASA thiết kế, mà do 1 công ty tư nhân. Và công ty này bán bản quyền cho cả Mỹ lẫn Liên Xô. Bản thân NASA cũng định đặt hàng 1 lô 34 cây viết chì với giá lên tới $4,400/cây, tương đương $30,000 hiện nay. Nhưng khi tin này lọt ra ngoài, NASA buộc phải chuyển sang nhà cung cấp rẻ hơn để xoa dịu cơn giận dữ của công chúng.

Chi tiết bất ngờ nhất liên quan đến chương trình thám hiểm mặt trăng là việc nó nhận được rất ít sự ủng hộ của công chúng vào thời điểm đó. Theo các khảo sát thì ít hơn 50% công chúng Mỹ ủng hộ chương trình này, thậm chí  ngay cả sau sự kiện Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng, tỷ lệ ủng hộ cũng chỉ tăng lên chút ít, 53%, trước khi giảm xuống trở lại.

Sau khi Neil Amstrong và Buzz Aldrin quay lại module đổ bộ sau chuyến đi dạo trên mặt trăng, họ phát hiện ra một cầu chì trên hệ thống điều khiển động cơ phản lực bị đứt, nghĩa là họ không thể khai hoả động cơ này và rời khỏi mặt trăng. Các phi hành gia đã thay vào đó 1 cây viết để nối mạch điện. Một chi tiết thú vị khác liên quan đến công nghệ của tàu Apollo là chiếc máy tính được trang bị cho tàu vào thời điểm đó chỉ có năng lực tính toán tương đương một máy tính cầm tay của học sinh trung học hiện nay.

Sự thật hay nguỵ tạo

Nổi tiếng không kém việc bản thân sự kiện chinh phục mặt trăng là giả thuyết rằng sự kiện này không có thật, và việc Neil Amstrong cùng Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng đã được dàn dựng, cho dù nó được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Giả thuyết này nhận được rất nhiều sự đồng tình từ những người tin vào 'thuyết âm mưu', những người không quen thuộc với tính chất 'thượng vàng hạ cám' của nền truyền thông phương Tây, hay những người đơn giản là thích những tin tức 'giật gân'. Vậy trên thực tế, liệu có phải việc con người đặt chân lên mặt trăng là nguỵ tạo?

Trước tiên phải thấy rằng nếu thật sự việc đổ bộ lên mặt trăng là do dàn dựng thì chính Liên Xô là những người đầu tiên có khả năng và động lực để lên tiếng. Thời điểm của chương trình Apollo là cao điểm của chiến tranh lạnh, với 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô ganh đua quyết liệt với nhau trên mọi lĩnh vực. Dĩ nhiên Liên Xô sẽ không bao giờ im lặng nếu phát hiện việc Mỹ đưa người lên mặt trăng chỉ là giả. Hơn nữa cả 2 siêu cường này đều luôn có thể theo dõi sát sao việc phóng các tàu không gian của nhau, do đây cũng là yêu cầu trong việc phòng thủ hạt nhân.

Trên thực tế các tên lửa hạt nhân chiến lược và tên lửa đẩy của tàu không gian khá tương đồng. Đối với tên lửa đạn đạo, tầm bắn càng xa thì nó càng cần phải đạt được độ cao lớn. Do đó các tên lửa chiến lược của 2 nước, với tầm bắn hàng ngàn km, cũng cần vượt ra ngoài tầng khí quyển. Do đó, có thể chuyển đổi các tên lửa chiến lược sang thành tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh. Ví dụ như mẫu tên lửa hạt nhân RS-20 của Liên Xô được chuyển thành tên lửa phóng vệ tinh Dnepr.

Trong khi đó tên lửa đẩy Saturn V dùng để đưa tàu Apollo vào không gian là tên lửa lớn nhất từng được chế tạo. Theo như 'giả thuyết' thì sau khi tách ra khỏi tên lửa, tàu Apollo 11 không bay đến mặt trăng mà quay trở lại Trái Đất và đáp xuống 1 địa điểm bí mật. Như đã phân tích ở trên, rất khó có thể tin rằng Liên Xô không thể theo dõi việc phóng tàu, và không biết gì về việc tàu Apollo đang đi đâu.

Thứ hai, những người hoài nghi thường tập trung vào việc chứng minh việc Neil Amstrong và Buzz Aldrin chưa từng đặt chân mặt trăng mà quên rằng việc chinh phục mặt trăng không chỉ gồm chuyến bay Apollo 11, mà còn nhiều chuyến bay khác sau đó. Trong số đó bao gồm cả sự cố của chuyến bay Apollo 13 nổi tiếng, đã làm cả thế giới nín thở theo dõi sự sống còn của 3 phi hành gia trong suốt nhiều ngày liền trong không gian. Và đằng sau những chuyến bay đó là toàn bộ chương trình thám hiểm mặt trăng, một dự án khổng lồ với sự tham gia của hàng ngàn người thuộc chính phủ lẫn các công ty tư nhân. Với một quy mô lớn như vậy, việc bảo đảm bí mật, nếu thật sự có việc dàn dựng ở đây, là rất khó.

Hơn nữa, có lẽ rất ít người biết rằng chương trình Apollo không chỉ bao gồm nỗ lực của người Mỹ mà còn có sự tham gia của các quốc gia khác. Lí do là vì mặt trăng luôn xoay quanh trái đất, do đó sẽ có những lúc tàu Apollo và nước Mỹ ở 2 phía khác nhau của Trái Đất. Khi đó sóng vô tuyến liên lạc từ tàu sẽ không thể đến được cái trạm liên lạc đặt tại Mỹ và ngược lại. Để bảo đảm liên lạc luôn thông suốt giữa tàu Apollo và Trung tâm điều hành sứ mệnh, NASA xây dựng 2 tổ hợp liên lạc tại Tây Ban Nha và Úc. Như vậy bất cứ lúc nào cũng có ít nhất 1 trạm liên lạc có thể nhận và truyền sóng vô tuyền từ và đến tàu Apollo. Các trạm này đều được vận hành bởi quốc gia sở tại. Tại Tây Ban Nha là bởi Viện công nghệ không gian quốc gia INSA và tại Úc là bởi Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung. Do đó có thể thấy không chỉ có người Mỹ mới biết vị trí tàu Apollo đang ở đâu, vì vậy việc nguỵ tạo là gần như không thể.

Một bí mật nữa ít người biết, đó là những chuyến đáp xuống mặt trăng của các tàu Apollo vẫn đang tiếp tục phục vụ cho khoa học ngày nay. Đó là vì những tàu đổ bộ mặt trăng đã để lại các tấm phản chiếu trên bề mặt của mặt trăng, và các nhà khoa học từTrái Đất sẽ chiếu tia laser vào các tấm phản chiếu này. Bằng việc đo thời gian từ lúc chiếu tia laser đến lúc nhận được tín hiệu phản xạ trở về, các nhà khoa học có thể tính được khoảng cách từ Trái Đất đến mặt trăng. Việc theo dõi khoảng cách này đã được thực hiện liên tục từ đó cho tới nay, với độ chính xác ngày càng tăng do sự phát triển của công nghệ. Hiện nay người ta đã có thể đo với sai lệch chỉ khoảng 1mm. Nhờ những đo đạc chính xác này, các nhà khoa học có những khám phá quan trọng, như mặt trăng đang bay xa dần Trái Đất, trung bình mỗi năm xa thêm 38mm, phần lõi của mặt trăng là chứa nhiều chất lỏng, và giúp chứng minh nhiều lý thuyết vật lý liên quan đến trọng lực.

Trên thực tế, việc đặt các tấm phản chiếu này có thể được thực hiện bằng các tàu thăm dò không người lái như Liên Xô đã làm. Tuy nhiên những tấm phản chiếu này có kích thước rất nhỏ, do tải trọng của các tàu không người lái nhỏ hơn nhiều tàu Apollo. Ngoài ra, nhờ việc có con người điều khiển, tàu Apollo có thể đặt các tấm phản chiếu ở gần các vị trí mong muốn.

Những tấm phản xạ này không phải là thứ duy nhất được còn lại trên mặt trăng từ các chuyến đổ bộ của tàu Apollo. Trên bề mặt mặt trăng hiện nay còn rất nhiều thiết bị bỏ lại từ các chuyến đổ bộ của tàu Apollo. Mọi khoang đổ bộ khi rời khỏi bề mặt mặt trăng đều để lại tầng dưới cùng. Ngoài ra trong 3 chuyến Apollo cuối (15, 16, 17) các phi hành gia còn đem lên các xe điện vượt địa hình để di chuyển. Những xe này vẫn còn được để lại trên mặt trăng. Ngoài ra còn có các ăng ten liên lạc, các bịch chứa rác, quần áo, chất thải của các phi hành gia. Số rác này được để lại nhằm giảm tối đa trọng lượng khi các phi hành gia rời mặt trăng. Ngày nay người ta vẫn có thể chụp hình và nhìn thấy các thiết bị này trên bề mặt mặt trăng. Thậm chí quanh các vị trí đổ bộ, các dấu chân và dấu bánh xe vẫn còn có thể được nhìn thấy rất rõ.


Từ đó có thể khẳng định rằng việc con người đặt chân lên mặt trăng là có thật, và đó là 1 thành tựu vĩ đại của cả loài người chứ không của riêng 1 quốc gia nào.