7.12.11

Mỹ - Công nghệ trong Transformers 3

Công nghệ trong Transformers 1 và 2

So với 2 phần trước, Transformers 3 ít có sự xuất hiện của các 'đồ chơi' quân sự hơn, và nếu có thì cũng là những loại đã xuất hiện trong 2 phần trước. Loại vũ khí cá nhân nổi bật nhất trong Transformers 3, chưa từng xuất hiện trong 2 phần trước, có lẽ là khẩu súng trường bán tự động LaRue OBR, đã được các xạ thủ dùng để bắn vỡ mắt các robot Decepticon ở cuối phim. Sử dụng đạn 7.62mm, LaRue OBR là mẫu súng trường dành cho xạ thủ mới được sử dụng gần đây, nhưng rất được các lực lượng đặc nhiệm tín nhiệm, do kết hợp được tính chính xác, độ tin cậy cao và trọng lượng nhẹ. Trong cuộc thi thường kì giữa các xạ thủ quốc tế gần đây nhất, 3 trong số 4 vị trí cao nhất là những người sử dụng LaRue.

Trong phần cuối của cuộc chiến trong thành phố, lính đặc nhiệm NEST và SEAL dẫn đường cho các tên lửa hành trình Tomahawk bắn hạ các chiến đấu cơ robot của phe Decepticon. Trên thực tế thì Tomahawk chỉ để tấn công các mục tiêu cố định trên bộ hoặc tàu chiến trên biển, chứ không phải là loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên không. Tuy vậy, nếu xét đến việc những chiến đấu cơ này bay với tốc độ rất chậm, gần như chỉ lơ lửng trên không, và ở độ cao thấp thì việc dùng Tomahawk cũng có thể xảy ra, ít nhất trên lý thuyết, vì Tomahawk thế hệ mới nhất hiện nay đã tiến hóa rất nhiều so với các thế hệ trước của mình.

Các tên lửa hành trình, như Tomahawk, về cơ bản có thể xem như những máy bay cảm tử kamikaze không người lái. Tuy gọi là ‘tên lửa’, nhưng nó sử dụng động cơ phản lực giống và có cánh giống như máy bay. Vì vậy, tên lửa hành trình nói chung có tốc độ khá chậm so với các tên lửa thông thường, thường là dưới tốc độ âm thanh. Tuy nhiên, cũng nhờ tốc độ chậm như vậy nên nó có thể bay rất thấp, và có thể luồn lách, bám sát theo địa hình. Điều này khiến nó rất khó bị phát hiện và ngăn chặn.

Ưu điểm lớn nhất của tên lửa hành trình là độ chính xác của nó. Thế hệ ban đầu của Tomahawk sử dụng 2 cơ chế dẫn đường khác nhau. Trong phần lớn quãng đường, nó dùng radar để quét địa hình bên dưới, so sánh với dữ liệu được lưu trong bộ nhớ, và do đó biết được vị trí hiện tại của mình. Vào giai đoạn cuối, khi tiếp cận mục tiêu, Tomahawk dùng camera để so sánh hình ảnh thu được và hình ảnh mục tiêu lưu trong bộ nhớ và đánh trúng mục tiêu đã được đánh dấu.

Phương pháp này có nhược điểm là nếu tên lửa bay qua vùng định hình hoàn toàn bằng phẳng, như sa mạc, thì nó sẽ không thể phân biệt được mình đang ở đâu và sẽ bị lạc đường. Vì lí do này trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991, hải quân Mỹ khi phóng Tomahawk vào thủ đô Baghdad, họ không phóng theo đường thẳng qua sa mạc mà đi đường vòng qua vùng đồi núi của nước láng giềng Iran. Ngoài ra, phương pháp này cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian lên kế hoạch trước mỗi cuộc tấn công.

Thế hệ tiếp theo chuyển sang cơ chế dẫn đường sử dụng định vị vệ tinh (GPS). Với phương pháp này, thời gian chuẩn bị tấn công được rút ngắn do chỉ cần nhập vào toạ độ của mục tiêu. Tuy nhiên, một khi đã được phóng đi, người ta không thể thay đổi mục tiêu cho tên lửa. Thế hệ Tomahawk mới nhất được bổ sung đường truyền vệ tinh 2 chiều, do đó cho phép cập nhập thay đổi mục tiêu trên đường bay, nó cũng có thể truyền hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên tên lửa về trung tâm chỉ huy, giống như cảnh trong Transformer 3. Thế hệ Tomahawk mới nhất cũng được trang bị cảm biến laser, do đó lực lượng trên mặt đất có thể dùng tia laser chiếu vào mục tiêu, và hướng Tomahawk vào chính xác mục tiêu đó, kể cả khi mục tiêu đang di chuyển, giống như những gì lính đặc nhiệm NEST và SEAL đã làm đối với các phi cơ Decepticon.

Chinh phục mặt trăng

Transformer 3 dựa trên sự kiện có thật là sứ mạng tàu Apollo 11 đưa Neil Amstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Và trong phần cuối hãy cùng nhắc đến sự kiện lịch sử này. Trước tiên là 1 số thú vị nhỏ về chương trình Apollo.

Để phòng ngừa trường hợp các phi hành gia bị nhiễm một loại vị khuẩn lạ khi trở về từ mặt trăng, NASA yêu cầu mọi phi hàng gia bị cách ly 21 ngày sau khi đặt chân trở lại Trái đất.

Nhiều người đã từng nghe câu chuyện vui về việc Mỹ chi hàng triệu dollar để chế tạo loại viết bi có thể viết được trong môi trường không trong lực. Còn Liên Xô chỉ đơn giản là dùng viết chì. Trong thực tế thì cũng có 1 chút liên quan đến câu chuyện trên. Đúng là có 1 loại viết bi được thiết kế đặc biệt cho môi trường không trọng lực. Tuy nhiên nó không phải do NASA thiết kế, mà do 1 công ty tư nhân. Và công ty này bán bản quyền cho cả Mỹ lẫn Liên Xô. Bản thân NASA cũng định đặt hàng 1 lô 34 cây viết chì với giá lên tới $4,400/cây, tương đương $30,000 hiện nay. Nhưng khi tin này lọt ra ngoài, NASA buộc phải chuyển sang nhà cung cấp rẻ hơn để xoa dịu cơn giận dữ của công chúng.

Chi tiết bất ngờ nhất liên quan đến chương trình thám hiểm mặt trăng là việc nó nhận được rất ít sự ủng hộ của công chúng vào thời điểm đó. Theo các khảo sát thì ít hơn 50% công chúng Mỹ ủng hộ chương trình này, thậm chí  ngay cả sau sự kiện Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng, tỷ lệ ủng hộ cũng chỉ tăng lên chút ít, 53%, trước khi giảm xuống trở lại.

Sau khi Neil Amstrong và Buzz Aldrin quay lại module đổ bộ sau chuyến đi dạo trên mặt trăng, họ phát hiện ra một cầu chì trên hệ thống điều khiển động cơ phản lực bị đứt, nghĩa là họ không thể khai hoả động cơ này và rời khỏi mặt trăng. Các phi hành gia đã thay vào đó 1 cây viết để nối mạch điện. Một chi tiết thú vị khác liên quan đến công nghệ của tàu Apollo là chiếc máy tính được trang bị cho tàu vào thời điểm đó chỉ có năng lực tính toán tương đương một máy tính cầm tay của học sinh trung học hiện nay.

Sự thật hay nguỵ tạo

Nổi tiếng không kém việc bản thân sự kiện chinh phục mặt trăng là giả thuyết rằng sự kiện này không có thật, và việc Neil Amstrong cùng Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng đã được dàn dựng, cho dù nó được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Giả thuyết này nhận được rất nhiều sự đồng tình từ những người tin vào 'thuyết âm mưu', những người không quen thuộc với tính chất 'thượng vàng hạ cám' của nền truyền thông phương Tây, hay những người đơn giản là thích những tin tức 'giật gân'. Vậy trên thực tế, liệu có phải việc con người đặt chân lên mặt trăng là nguỵ tạo?

Trước tiên phải thấy rằng nếu thật sự việc đổ bộ lên mặt trăng là do dàn dựng thì chính Liên Xô là những người đầu tiên có khả năng và động lực để lên tiếng. Thời điểm của chương trình Apollo là cao điểm của chiến tranh lạnh, với 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô ganh đua quyết liệt với nhau trên mọi lĩnh vực. Dĩ nhiên Liên Xô sẽ không bao giờ im lặng nếu phát hiện việc Mỹ đưa người lên mặt trăng chỉ là giả. Hơn nữa cả 2 siêu cường này đều luôn có thể theo dõi sát sao việc phóng các tàu không gian của nhau, do đây cũng là yêu cầu trong việc phòng thủ hạt nhân.

Trên thực tế các tên lửa hạt nhân chiến lược và tên lửa đẩy của tàu không gian khá tương đồng. Đối với tên lửa đạn đạo, tầm bắn càng xa thì nó càng cần phải đạt được độ cao lớn. Do đó các tên lửa chiến lược của 2 nước, với tầm bắn hàng ngàn km, cũng cần vượt ra ngoài tầng khí quyển. Do đó, có thể chuyển đổi các tên lửa chiến lược sang thành tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh. Ví dụ như mẫu tên lửa hạt nhân RS-20 của Liên Xô được chuyển thành tên lửa phóng vệ tinh Dnepr.

Trong khi đó tên lửa đẩy Saturn V dùng để đưa tàu Apollo vào không gian là tên lửa lớn nhất từng được chế tạo. Theo như 'giả thuyết' thì sau khi tách ra khỏi tên lửa, tàu Apollo 11 không bay đến mặt trăng mà quay trở lại Trái Đất và đáp xuống 1 địa điểm bí mật. Như đã phân tích ở trên, rất khó có thể tin rằng Liên Xô không thể theo dõi việc phóng tàu, và không biết gì về việc tàu Apollo đang đi đâu.

Thứ hai, những người hoài nghi thường tập trung vào việc chứng minh việc Neil Amstrong và Buzz Aldrin chưa từng đặt chân mặt trăng mà quên rằng việc chinh phục mặt trăng không chỉ gồm chuyến bay Apollo 11, mà còn nhiều chuyến bay khác sau đó. Trong số đó bao gồm cả sự cố của chuyến bay Apollo 13 nổi tiếng, đã làm cả thế giới nín thở theo dõi sự sống còn của 3 phi hành gia trong suốt nhiều ngày liền trong không gian. Và đằng sau những chuyến bay đó là toàn bộ chương trình thám hiểm mặt trăng, một dự án khổng lồ với sự tham gia của hàng ngàn người thuộc chính phủ lẫn các công ty tư nhân. Với một quy mô lớn như vậy, việc bảo đảm bí mật, nếu thật sự có việc dàn dựng ở đây, là rất khó.

Hơn nữa, có lẽ rất ít người biết rằng chương trình Apollo không chỉ bao gồm nỗ lực của người Mỹ mà còn có sự tham gia của các quốc gia khác. Lí do là vì mặt trăng luôn xoay quanh trái đất, do đó sẽ có những lúc tàu Apollo và nước Mỹ ở 2 phía khác nhau của Trái Đất. Khi đó sóng vô tuyến liên lạc từ tàu sẽ không thể đến được cái trạm liên lạc đặt tại Mỹ và ngược lại. Để bảo đảm liên lạc luôn thông suốt giữa tàu Apollo và Trung tâm điều hành sứ mệnh, NASA xây dựng 2 tổ hợp liên lạc tại Tây Ban Nha và Úc. Như vậy bất cứ lúc nào cũng có ít nhất 1 trạm liên lạc có thể nhận và truyền sóng vô tuyền từ và đến tàu Apollo. Các trạm này đều được vận hành bởi quốc gia sở tại. Tại Tây Ban Nha là bởi Viện công nghệ không gian quốc gia INSA và tại Úc là bởi Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung. Do đó có thể thấy không chỉ có người Mỹ mới biết vị trí tàu Apollo đang ở đâu, vì vậy việc nguỵ tạo là gần như không thể.

Một bí mật nữa ít người biết, đó là những chuyến đáp xuống mặt trăng của các tàu Apollo vẫn đang tiếp tục phục vụ cho khoa học ngày nay. Đó là vì những tàu đổ bộ mặt trăng đã để lại các tấm phản chiếu trên bề mặt của mặt trăng, và các nhà khoa học từTrái Đất sẽ chiếu tia laser vào các tấm phản chiếu này. Bằng việc đo thời gian từ lúc chiếu tia laser đến lúc nhận được tín hiệu phản xạ trở về, các nhà khoa học có thể tính được khoảng cách từ Trái Đất đến mặt trăng. Việc theo dõi khoảng cách này đã được thực hiện liên tục từ đó cho tới nay, với độ chính xác ngày càng tăng do sự phát triển của công nghệ. Hiện nay người ta đã có thể đo với sai lệch chỉ khoảng 1mm. Nhờ những đo đạc chính xác này, các nhà khoa học có những khám phá quan trọng, như mặt trăng đang bay xa dần Trái Đất, trung bình mỗi năm xa thêm 38mm, phần lõi của mặt trăng là chứa nhiều chất lỏng, và giúp chứng minh nhiều lý thuyết vật lý liên quan đến trọng lực.

Trên thực tế, việc đặt các tấm phản chiếu này có thể được thực hiện bằng các tàu thăm dò không người lái như Liên Xô đã làm. Tuy nhiên những tấm phản chiếu này có kích thước rất nhỏ, do tải trọng của các tàu không người lái nhỏ hơn nhiều tàu Apollo. Ngoài ra, nhờ việc có con người điều khiển, tàu Apollo có thể đặt các tấm phản chiếu ở gần các vị trí mong muốn.

Những tấm phản xạ này không phải là thứ duy nhất được còn lại trên mặt trăng từ các chuyến đổ bộ của tàu Apollo. Trên bề mặt mặt trăng hiện nay còn rất nhiều thiết bị bỏ lại từ các chuyến đổ bộ của tàu Apollo. Mọi khoang đổ bộ khi rời khỏi bề mặt mặt trăng đều để lại tầng dưới cùng. Ngoài ra trong 3 chuyến Apollo cuối (15, 16, 17) các phi hành gia còn đem lên các xe điện vượt địa hình để di chuyển. Những xe này vẫn còn được để lại trên mặt trăng. Ngoài ra còn có các ăng ten liên lạc, các bịch chứa rác, quần áo, chất thải của các phi hành gia. Số rác này được để lại nhằm giảm tối đa trọng lượng khi các phi hành gia rời mặt trăng. Ngày nay người ta vẫn có thể chụp hình và nhìn thấy các thiết bị này trên bề mặt mặt trăng. Thậm chí quanh các vị trí đổ bộ, các dấu chân và dấu bánh xe vẫn còn có thể được nhìn thấy rất rõ.


Từ đó có thể khẳng định rằng việc con người đặt chân lên mặt trăng là có thật, và đó là 1 thành tựu vĩ đại của cả loài người chứ không của riêng 1 quốc gia nào.

1 comment:

Anonymous said...

Welcome back! it has been 1,5 years since your last post.