7.12.11

Mỹ - "Trận chiến Los Angeles" hay "Trận chiến của Thuỷ quân lục chiến"

"Trận chiến Los Angeles" (Battle: LA) không phải là 1 bộ phim quá hoành tráng về mặt kỹ xảo, nhưng bù lại rất lôi cuốn với tiết tấu nhanh, cực kì sống động, hình ảnh và âm thanh được chăm chút tốt, cốt truyện khá hợp lý, rất ít cảnh thừa. Nói tóm lại khán giả gần như không thể rời mắt khỏi màn hình trong suốt cả bộ phim.

'Trận chiến Los Angeles' có cảm hứng dựa trên một sự kiện có thật vào đêm 24, rạng sáng ngày 25 tháng 2 năm 1942. Khi đó, thành phố Los Angeles được báo động vì có 1 cuộc không kích của phát xít Nhật sắp xảy ra. Lực lượng phòng không bắn lên hơn 1,400 phát đạn phòng không. Nhưng trên thực tế thì không hề có một cuộc tấn công nào. Cuộc điều tra sau đó cho rằng nguyên nhân của vụ báo động giả này là sự kết hợp giữa  tình trạng căng thẳng mà nước Mỹ đang trải qua chưa đầy 3 tháng sau vụ Trân Châu Cảng, một cảnh báo từ cục tình báo hải quân 1 ngày trước đó, và sự xuất hiện của 1 số khí cầu khí tượng. Tuy nhiên nhiều người tin rằng đã có các UFO xuất hiện trong đêm đó.

Trung tâm của bộ phim là một nhóm thuỷ quân lục chiến Mỹ chiến đấu chống lại cuộc tấn công của người ngoài hành tinh vào thành phố Los Angeles. Hiển nhiên là bộ phim đã PR rất tốt cho lực lượng TQLC Mỹ. Đây cũng chỉ là 1 trong rất nhiều bộ phim tương tự xoay quanh TQLC Mỹ. Có thể nói TQLC Mỹ không chỉ đơn thuần là 1 lực lượng quân sự mà đã trở thành 1 trong những biểu tượng của nước Mỹ, 1 hình tượng rất quen thuộc trong phim ảnh, luôn được Hollywood ưu ái hơn bất kì lực lượng nào khác. Vậy điều gì đã tạo nên sự nổi tiếng đó.

Trước tiên hãy điểm qua 1 số điều nên biết về thuỷ quân lục chiến nói chung và thuỷ quân lục chiến Mỹ nói riêng.

Nếu như lục quân, không quân, hải quân là một khái niệm quen thuộc với mọi người thì thuỷ quân lục chiến hơi phức tạp hơn. Có thể chia binh chủng này thành 2 loại: 'Naval Infantry' và 'Marines'. Naval Infantry có thể xem như phần của hải quân, trang bị nhẹ, nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo an ninh cho các cơ sở, căn cứ hải quân trên bờ, hoặc thực hiện 1 số chiến dịch có quy mô hạn chế trên cạn. Marines ngược lại có mức độ độc lập tác chiến cao hơn, có thể chiến đấu như 1 đơn vị bộ binh sâu bên trong đất liền. Tất nhiên sự phân loại và so sánh này chỉ mang tính tương đối, việc một nước quyết định chọn tên gì không phụ thuộc vào bất kì 1 tiêu chí nào.

TQLC Mỹ là 1 trong 4 quân chủng của quân đội Mỹ, ngang hàng với Hải lục không quân, và là quân chủng nhỏ nhất, chỉ chiếm khoảng 6%-7% tổng ngân sách quốc phòng. Tuy vậy quy mô của nó (hơn 200,000 người) cũng đã lớn toàn bộ quân đội của nhiều quốc gia.

TQLC Mỹ có thể xem như 1 quân đội nhỏ. Nó có đầy đủ các binh chủng thành phần để tác chiến độc lập trên bộ. Nó có bộ binh, không quân, pháo binh, thiết giáp, trực thăng…riêng. Không lực của TQLC Mỹ bao gồm chiến đấu cơ F-18 hoạt động trên các tàu sân bay cỡ lớn, và các chiến đấu cơ lên thẳng Harrier hoạt động trên các tàu hỗ trợ đổ bộ. TQLC Mỹ sử dụng xe tăng chủ lực Abram tương tự như của lục quân, xe bọc thép bánh hơi LAV, xe bọc thép lội nước AAV. Pháo binh bao gồm các giàn pháo hoả tiễn GMLRS dẫn đường bằng vệ tinh với tầm bắn 90km và dộ chính xác tương đương bom thông minh, pháo 155mm M777 siêu nhẹ với trọng lượng chỉ bằng 1 nửa so với pháo cùng loại, vào pháo cối các cỡ. Lực lượng trực thăng bao gồm trực thăng hạng nặng Super Stallion, Chinook, trực thăng đa dụng Black Hawk, Huey, trực thăng vũ trang Cobra, phi cơ chong chóng lật Osprey…Nói cách khác, trong số các lực lượng TQLC trên thế giới, TQLC Mỹ vượt xa về trang bị và khả năng tác chiến độc lập.

Sở dĩ như vậy là do TQLC Mỹ có tính chất giống như 1 lực lượng viễn chinh phản ứng nhanh toàn cầu của quân đội Mỹ. Trong chiến tranh nó sẽ đóng vai trò mở đường, chiếm giữ trước khi lực lượng chính được triển khai. TQLC Mỹ khi trực chiến được biên chế thành những đơn vị viễn chinh quy mô tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn đóng ngay trên các tàu hỗ trợ đổ bộ lênh đênh trên biển. Những đơn vị này có tính độc lập và cơ động cao, với đầy đủ các đơn vị trên không, trên bộ, và được trang bị đủ cho khoảng 30 ngày. Sau đó các đơn vị lục quân sẽ tiếp quản nhiệm vụ từ TQLC.

Trong nhiều bộ phim TQLC Mỹ thường được mô tả như một lực lượng tinh nhuệ, bản thân những người lính TQLC cũng thích nghĩ về mình như vậy. Nhưng thật sự thì về bản chất, TQLC Mỹ chỉ là 1 lực lượng quân sự chính quy thông thường, vì không ai có thể tạo và duy trì một lực lượng đặc biệt đông tới 200,000 người. Về mặt này, không thể không nhắc tới một lực lượng TQLC khác ít nổi tiếng hơn nhiều, đó là TQLC Hoàng gia Anh (Royal Marines). TQLC Hoàng gia có quy mô nhỏ, và mức độ tinh nhuệ cao hơn TQLC Mỹ nói chung.

Tuy vậy, bản thân TQLC Mỹ cũng có những đơn vị con rất tinh nhuệ, bao gồm trinh sát đặc nhiệm (Force Recon), lính bắn tỉa, và Lực lượng đặc nhiệm TQLC (MARSOC).

Mặc dù là quân chủng nhỏ nhất trong quân đội Mỹ, các thành viên của TQLC đặc biệt tự hào về lực lượng của mình. Một người sẽ luôn tự coi mình là línhTQLC ngay cả khi đã giải ngũ. Điều này cũng góp phần tạo nên sự nổi tiếng của TQLC trong phim ảnh. Có một số lí do góp phần tạo nên 'thương hiệu' cho TQLC Mỹ như sau:

Thứ nhất, TQLC Mỹ có nguồn gốc lâu đời, từ thời kì chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ khỏi Anh quốc, và đã tham gia nhiều cuộc chiến kể từ đó. Tuy vậy TQLC bắt đầu nổi tiếng trong công chúng kể từ trận đánh ở rừng Belleau trong Thế chiến thứ 1, trong đó TQLC chịu tổn thất nặng nề nhưng đã ngăn được đà tấn công của quân đội Đức về phía Paris. Để ghi nhớ công lao này, người Pháp đã đổi tên khu rừng thành "Rừng thuỷ quân lục chiến".

Về mặt chiến lược, trận chiến này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì trước Thế chiến thứ 1, về mặt sức mạnh quân sự, Mỹ vẫn chỉ được xem dưới các cường quốc châu Âu một bậc. Ngay cả khi Mỹ quyết định gửi quân đội trực tiếp tham chiến tại châu Âu, cùng phe Liên minh Anh-Pháp chống lại Đức, giới quân sự châu Âu vẫn còn nghi ngờ quyết tâm và khả năng chiến đấu thật sự của người Mỹ. Trận chiến tại rừng Belleau đã giúp dẹp bỏ sự nghi ngờ đó.

Khác với các quân chủng còn lại, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho TQLC tham chiến mà không cần sự cho phép của Quốc Hội trong 1 khoảng thời gian nhất định.

TQLC đặc biệt nổi tiếng nhờ vào Thế chiến thứ 2, từ  những trận đánh khốc liệt với quân đội Thiên hoàng trên các đảo ở Thái Bình Dương như Guadalcanal, Tarawa, Saipan, Peleliu, Iwo Jima hay Okinawa.

Trong Thế chiến thứ 2, mặc dù chính sách chung của chính phủ Mỹ luôn là 'Âu trước, Á sau", nghĩa là ưu tiên đánh bại phát xít Đức trước, nhưng với công chúng Mỹ, mặt trận Thái Bình Dương lại có ý nghĩa quan trọng hơn, do phát xít Nhật bị căm ghét nhiều hơn kể từ sau Trân Châu Cảng. Vì vậy mỗi trận đánh của TQLC tại mặt trận này đều được công chúng đặc biệt quan tâm.

Cũng phải nói thêm rằng sự nổi tiếng này còn có nguyên do từ khả năng PR tốt của TQLC. Trong các trận chiến tại Thái Bình Dương, thực sự số lượng TQLC tham chiến ít hơn các đơn vị của lục quân. Nhưng với đa số công chúng thì hầu như mọi chiến công đều liên quan đến TQLC.

Một khía cạnh nữa tạo nên sức hấp dẫn của TQLC trong công chúng là quân chủng này luôn duy trì được hình ảnh 'nam tính' truyền thống của mình. Tất cả quân nhân thuộc TQLC, cho dù chỉ làm công tác hậu cần, quản lý…đều được huấn luyện như 1 lính bộ binh chiến đấu. Khi tuyển quân, nếu như các quân chủng khác thường tìm cách thu hút tân binh bằng việc giới thiệu các vũ khí tối tân, các lợi ích khi nhập ngũ thì TQLC lại cảnh báo về sự gian khổ sẽ chờ đợi tân binh, và báo trước rằng chỉ có 1 số ít người đủ khả năng tham gia lực lượng này.

TQLC còn tự hào về tính hiệu quả của mình. Cụ thể chỉ với 6-7% ngân sách quốc phòng, TQLC cung cấp đến 20% sức mạnh tác chiến của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, điều này một phần là do mọi công tác hậu cần khi tham chiến của TQLC lại do hải quân Mỹ đảm nhiệm nên một phần kinh phí thực cho TQLC nằm trong số ngân sách được phân bổ cho hải quân.

Sức mạnh thương hiệu và sự tồn tại của TQLC

Trên thực tế, sức mạnh 'thương hiệu' rất quan trọng với lực lượng này vì trong suốt lịch sử của mình, TQLC thường đối mặt với nguy cơ bị giải tán hoặc sáp nhập vào các quân chủng lớn hơn.

Ví dụ sau Thế chiến thứ 2, nhiều ý kiến cho rằng TQLC gắn liền với các chiến dịch đổ bộ, nhưng trên thực tế đa số các chiến dịch đổ bộ lớn như ở Bắc Phi, Italia, và Normandy được thực hiện bởi các đơn vị lục quân thông thường. Ngay cả tại chiến trường Thái Bình Dương, số lượng lính lục quân tham chiến cũng đông hơn TQLC.

Khi đó TQLC phản bác rằng đó là do quy mô quân số của TQLC nhỏ hơn nhiều so với lục quân. Ngoài ra, chính TQLC là người đã phát triển các kỹ chiến thuật thiết yếu cho các chiến dịch đổ bộ. Chiến tranh Triều Tiên sau đó bùng nổ đã làm tạm dịu đi các tiếng nói đòi giải tán TQLC.

Thời gian gần đây, việc giải thể TQLC Mỹ lại được nhắc đến. Lí do là vì trong khi TQLC thường được gắn liền với các chiến dịch đổ bộ, thì các tiến bộ trong kỹ thuật quân sự đã làm cho những chiến dịch đổ bộ cổ điển kiểu như Normandy cực kì khó khăn. Sự phổ biến của tên lửa khiến cho việc triển khai các tàu chiến gần bờ lần rất nguy hiểm. Lần cuối cùng một chiến dịch như vậy diễn ra cách đây đã nửa thế kỷ, vào chiến tranh Triều Tiên, khi TQLC đổ bộ tại Inchon và đánh thọc sườn quân đội Bắc Triều Tiên, đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến. Kể từ đó đến nay không còn một cuộc đổ bộ cổ điển nào nữa nữa.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1, TQLC Mỹ triển khai ngoài khơi Kuwait với vai trò nghi binh, làm Saddam tin rằng Mỹ sẽ thực hiện một chiến dịch đổ bộ lớn vào bờ biển Kuwait. Trong đêm trước khi chiến dịch trên bộ bắt đầu, Force Recon của TQLC và đặc nhiệm SEAL bí mật bơi vào và đặt nhiều khối thuốc nổ trên bờ biển. Những vụ nổ làm phía Iraq lầm tưởng phía Mỹ đang bắn pháo mở đường và càng tin vào kế nghi binh đó. Vì vậy một lực lượng lớn quân Iraq bị trói chặt vào việc phòng thủ nơi không nằm trong hướng tấn công của quân Mỹ.

Trong các cuộc chiến lớn sau đó, bao gồm chiến tranh Vùng Vịnh 2, chiến tranh tại Afghanistan, TQLC cũng tham chiến giống như các đơn vị lục quân thông thường. Do đó, nhiều người cho rằng nên sáp nhập TQLC vào lục quân.

Về phần mình, TQLC lập luận rằng mình vẫn thực hiện các chiến dịch 'đổ bộ', nhưng bằng phương tiện khác, là trực thăng, thay vì các tàu đổ bộ như kiểu cổ điển. Ngoài ra, TQLC cũng phát triển học thuyết mới, phù hợp với tình hình hiện tại, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của mình mà 'chiến thắng trong những cuộc chiến nhỏ', những cuộc xung đột không cần thiết phải huy động một lực lượng quân sự hùng hậu mà cần khả năng phản ứng nhanh lẹ.

Có thể thấy trong bất cứ tình huồng nào, TQLC Mỹ luôn có một lợi thế khổng lồ trong việc tồn tại, đó chính là hình ảnh 'thương hiệu' của mình.

'Người hùng Nantz' và Hạ sĩ quan chuyên nghiệp

Một chi tiết trong bộ phim mà với nhiều người có thể là hơi khó hiểu, đó là nhân vật chính Michael Nantz mặc dù đã có kinh nghiệm chinh chiến dày dạn 20 năm, nhưng chỉ đeo lon trung sĩ, thấp đến 7 bậc so với thiếu uý William Martinez, một sĩ quan mới vừa ra trường, và được chỉ định chỉ huy trung đội TQLC trong phim. Trên thực tế Michael là người chịu trách nhiệm lãnh đạo chính nhờ vào kinh nghiệm chiến đấu lâu năm của mình.

Tuy nhiên đây là 1 điều rất bình thường trong quân đội một số nước phương tây. Trên thực tế, đây là một trong những trụ cột quan trọng nhất của sức mạnh quân sự các nước như Mỹ, Anh…mà ít người biến đến, đó là các hạ sĩ quan chuyên nghiệp như trung sĩ Michael Nantz trong phim.

Đối với đa số các quốc gia, chỉ có các cấp sĩ quan chuyên nghiệp (cấp uý trở lên). Chuyên nghiệp ở đây có nghĩa là chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính của mình, gắn bó 1 thời gian dài với nó. Các hạ sĩ quan (hạ, trung, thượng sĩ) cũng giống như binh lính thường, sau 1 thời gian sẽ giải ngũ trở lại cuộc sống dân sự. Những nước này thường có số lượng sĩ quan rất đông.

Nhưng quân đội nhiều nước phương tây có truyền thống phát triển một lực lượng hạ sĩ quan rất đông đảo, trong khi giữ số lượng sĩ quan ở mức thấp, theo đúng như mô hình kim tự tháp (cấp càng cao thì số lượng càng ít). Thường thì những hạ sĩ quan này ban đầu là binh lính, sau một thời gian phục vụ đã chứng tỏ được năng lực và tố chất chỉ huy của mình, nên được thuyết phục đi theo con đường binh nghiệp lâu dài, có thể đến hàng chục năm, nhưng không thăng cấp lên các cấp bậc sĩ quan. Những hạ sĩ quan này đóng vai trò là 'lớp đệm' giữa cấp sĩ quan và binh lính, là người trực tiếp chỉ huy và dẫn dắt binh lính trong chiến đấu, dựa vào kinh nghiệm và uy tín của mình.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là quân đội có sự được khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm ngay cả những cấp thấp nhất. Có nghĩa là ngay cả một tiểu đội, trung đội, một tổ lái xe tăng cũng có được sự dẫn dắt của những người đã có hàng chục năm kinh nghiệm chiến đấu.

Ngoài ra, trong cuộc sống và hoạt động hàng ngày, các hạ sĩ quan chuyên nghiệp này cùng trực tiếp ăn ở, sinh hoạt với binh lính nên đảm bảo tốt kỷ luật, giảm thiểu tình trạng 'ma cũ ma mới' đối với tân binh.

Một ưu điểm nữa của mô hình này là việc một phần trong số các hạ sĩ quan chuyên nghiệp này sẽ đóng vai trò là các chuyên viên kỹ thuật. Số lượng này trong quân đội nói chung càng ngày càng tăng và càng quan trọng do hàm lượng công nghệ kỹ thuật trong quân đội cũng tăng lên nhiều. Nếu không có lượng hạ sĩ quan chuyên nghiệp đông đảo, quân đội sẽ phải sử dụng các sĩ quan cho những vị trí này, gây ra sự lãng phí. Một ví dụ nhỏ là trên các tàu ngầm hạt nhân của LX/Nga, khoảng 50% thuỷ thủ đoàn là sĩ quan, trong khi con số này của tàu ngầm Mỹ chỉ khoảng 10%.

Năm 1988, Tổng tham mưu trưởng Hống quân Liên Xô, Nguyên soái Akhromeyev có chuyến thăm Mỹ. Trong lịch trình bao gồm căn cứ Hood, là căn cứ thiết giáp lớn nhất của Mỹ. Các sĩ quan Mỹ chuẩn bị để trình diễn cho Nguyên soái các thiết bị, vũ khí mới nhất của mình, trong đó có xe tăng M1 Abrams. Nhưng Akhromeyev không quan tâm nhiều đến vũ khí mà lại chủ yếu muốn tìm hiểu về đời sống của các lính tăng bình thường. Ông này rất ngạc nhiên khi gặp những trung sĩ, hạ sĩ có đến gần 20 năm thâm niên, trong lúc đa số lính tăng của LX chỉ có 18 tháng kinh nghiệm.


Hiện nay, Nga vẫn đang cố gắng cải tổ mô hình hiện tại, giảm số lượng sĩ quan và tăng số hạ sĩ quan chuyên nghiệp như mô hình các nước phương tây. Quân đội Nga hiện có 1,2 triệu người, nhưng có đến hơn 300,000 sĩ quan. Chính phủ Nga mong muốn cắt giảm 1 nửa số này. Ngoài ra, số lượng học viện đào tạo sĩ quan cũng sẽ bị cắt giảm từ 60 xuống 10 trường.

No comments: