21.3.09

Nga - Cải tổ không bao giờ dễ dàng


Nga vừa sa thải tướng Valentin Korabelnikov, giám đốc Cục tình báo quân sự (GRU), chủ yếu vì ông này không đồng ý với chủ trương cắt giảm mạnh nhân sự của quân đội Nga. Cùng với đó là việc một số nhân viên GRU đã công khai biểu tình phản đối việc mình bị mất việc.

GRU là một trong 3 cơ quan tình báo chính của Nga. Nó có số nhân viên gần bằng Cục tình báo hải ngoại SVR, nhưng chưa bằng 1 nửa Cục An ninh Liên bang FSB, với gần 100,000 nhân viên. Ngoài ra, Nga còn có Cục Thông tin Liên bang, chuyên về tình báo, do thám bằng công nghệ.

Tất cả các tổ chức quân sự của Nga đang trải qua một đợt cắt giảm mạnh. Trong 18 năm qua, các lực lượng vũ trang Nga đã suy giảm 80% sức mạnh của mình, tuy vậy vấn đề một số lượng rất lớn các sĩ quan vẫn còn ở lại. Và đó là trọng tâm của đợt cải cách này. Và đó cũng là lí do vì sao đợt cải cách này sẽ không dễ dàng!

Hiện nay, quân đội Nga có khoảng 1 triệu người, nhưng có tới 355,000 trong số đó là sĩ quan, bao gồm 1107 tướng, 25665 đại tá, 90,000 đại úy, nhưng lại chỉ có 50,000 trung úy. Thậm chí với con số đó, vẫn còn 40,000 vị trí cho sĩ quan còn trống.

Theo như kế hoạch, cuộc cải tổ sẽ cắt giảm 20% số tướng, 65% số đại tá, 75% số thiếu tá, 55% số đại úy. Số lượng trung úy tăng 20%. Số lượng các tổ chức quân sự giảm 80% từ 2,500. Phần lớn là các đơn vị dự bị, mà biên chế chủ yếu là sĩ quan chỉ huy. Bộ tổng tham mưu, Stavka, giảm 61%, còn 8,500. Số tiền tiết kiệm được sẽ dùng cho việc tăng số hạ sĩ quan, và tăng số lính tình nguyện, như mô hình quân đội phương Tây. Sự bất mãn của các sĩ quan nằm trong số bị tinh giảm là không hề nhỏ.

Đối với trường hợp GRU, số bất mãn nhất có lẽ nằm ở lực lượng đặc nhiệm (spetsnaz). Các cơ quan an ninh Nga có các spetsnaz riêng của mình. Spetsnaz của GRU cảm thấy mình không được coi trọng vì họ được trả thấp hơn của FSB, trong khi phải thực hiện đa số các nhiệm vụ nguy hiểm như ở Chechnya. Tại đó, đa số giao tranh là giữa những nhóm khủng bố từ bên ngoài (a rập) vào và Spetsnaz của GRU. Lữ đoàn spetsnaz GRU thường chịu thương vong khoảng 10% trong mỗi lần triển khai ở đó.

Thiếu hiểu biết có thể chết người!



F-22 là chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới hiện nay, vượt trội cả về khả năng cơ động, tính năng tàng hình, cảm biến, tác chiến điện tử. Tuy vậy, còn một khía cạnh nữa tạo ra sự nguy hiểm của nó, đó là chiến thuật. Vì F-22 hoàn toàn khác biệt so với các thế hệ chiến đấu cơ trước đây, do đó nó cũng sẽ có chiến thuật, cách thức tác chiến khác hẳn, mà các nước khác không thể biết được.

Và sự khác biệt về chiến thuật này tạo ra một tình huống khá đặc biệt. Đó là các phi công nhiều kinh nghiệm, với hàng ngàn giờ bay, nhiều khi lép về so với các phi công trẻ hơn mình, do họ có thể tiếp thu và vận dụng các chiến thuật mới nhanh hơn so với những người có quá nhiều trải nghiệm với chiến thuật cũ.

Tất nhiên là không lực Mỹ chỉ sử dụng những phi công tốt nhất trên F-22, tuy vậy điều đó không nhất thiết phải là những người có thâm niên nhiều nhất. Những phi công đầu tiên được giao lái F-22 phải có trên 1,500h bay trên F-16 hay F-15. Nhưng hiện nay, một số với 600h bay cũng được tuyển vào quá trình huấn luyện sử dụng F-22. Và Không lực Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm việc giao F-22 cho tân binh, với 4 phi công vừa mới tốt nghiệp khóa huấn luyện bay cơ bản, với dưới 100h bay. Cả 4 hiển nhiên đầu là những người đứng đầu khóa, và họ không gặp khó khăn gì trong việc làm quen với F-22, mặc dù không như các máy bay khác, F-22 không có phiên bản 2 chỗ dùng cho huấn luyện. Nghĩa là những người này sẽ làm quen và bay ngay một mình. Một người hướng dẫn sẽ bay bằng 1 chiếc F-22 khác bên cạnh để hỗ trợ, cùng với 1 người khác dưới mặt đất.

Laser năng lượng điện vượt ngưỡng 100kW



Trong một cuộc thử nghiệm gần đây, các nhà nghiên cứu của Northrop Grumman đã thành công trong việc tạo ra một tia laser điện có năng lượng 105kW, vượt ngưỡng 100kW, được coi là ngưỡng tối thiểu để tia laser được coi là đã ở cấp độ 'vũ khí' có thể sử dụng trên chiến trường thật. Mức công suất này nhiều hơn mức cần thiết để tiêu diệt rocket và pháo cối trên không.

Đây chỉ là một bước tiến nữa trong những nỗ lực gần đây để hiện thực hóa việc đưa laser vào chiến trường, bao gồm việc tích hợp hệ thống trên xe tải, gắn trên tàu chiến, cũng như mục tiêu 150kW để có thể trang bị trên chiến đấu cơ.

Tuy vậy vẫn còn nhiều trở ngại kỹ thuật cần vượt qua, ví dụ như kiểm soát nhiệt lượng và thu nhỏ kích thước. Nhưng việc vượt ngưỡng 100kW vẫn là một thành tựu to lớn.

Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu thường tập trung vào công nghệ laser hóa học. Nó có khả năng tạo ra tia laser với năng lượng khổng lồ. Tuy vậy, nó cần một số lượng rất lớn các loại hóa chất độc hại, có thể lên đến 8 container cho một lần bắn. Vì vậy, BQP Mỹ chuyển hướng sang tia laser năng lượng điện, nhỏ gọn, hoạt động dễ hơn và có số lần bắn không giới hạn, miễn là vẫn có năng lượng cung cấp cho nó.

Tuy vậy, laser năng lượng điện không cho nhiều năng lượng như laser hóa học, khi chương trình được bắt đầu vào 2003, nó chỉ cho mức công suất 10kW. Giờ đây, người ta cho rằng vượt xa mức 100kW sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Northrop sử dụng 32 module tinh thể hồng ngọc để tạo thành một chuỗi khuyếch đại laser. Khi chiếu ánh sáng từ chùm đèn diode vào, phản ứng dây chuyền sẽ xảy ra, tạo ra tia laser có công suất 15kW, kết hợp nhiều tia lại cho ta một tia có năng lượng lớn. Thiết bị được thử nghiệm lần này có thể kết hợp tối đa 8 tia, nhưng người ta chỉ sử dụng 7 tia, tạo ra công suất tổng hợp 105 kW.

19.3.09

Đại bàng 'tàng hình'








Boeing vừa giới thiệu mẫu thử nghiệm của một phiên bản mới cho chiếc máy bay cường kich chiến đấu F-15E Strike Eagle. Phiên bản này, được gọi là Silent Eagle, áp dụng những công nghệ tàng hình và nhắm đến các thị trường ở chấu Á và Trung Đông.

Thay đổi lớn nhất trong thiết kế của Silent Eagle là việc thêm vào khoang chứa vũ khí bên trong thân máy bay, ở nơi trước kia là bình chứa nhiên liệu. Việc đưa vũ khí vào khoang kín bên trong thân máy bay thay vì đeo dưới cánh có tác dụng lớn giúp làm giảm tín hiệu radar phản xạ lại. 2 khoang chứa có thể chứa 4 tên lửa phòng không, Sidewinder hoặc AMRAAM, hoặc 4 quả bom dẫn đường bằng GPS 250kg hoặc 8 bom thông minh mini SDB, hoặc có thể là kết hợp giữa bom và tên lửa không đối không.

Ngoài ra, cánh đuôi thằng đứng sẽ được thay bằng đuôi hình chữ V, cũng có tác dụng giảm tín hiệu radar phản xạ.

Tốc độ tối đa vẫn là Mach 2.5, nhưng tầm bay của Silent so với F-15E giảm 180 - 200 hải lý vì thể tích khoang chứa nhiên liệu bị giảm để chừa chỗ cho khoang vũ khí.

Thiết kế mới còn bao gồm một hệ thống tác chiến điện tử kỹ thuật số, hoạt động đồng bộ với radar quét điện tử chủ động (AESA), công nghệ radar tiên tiến nhất hiện nay. Mẫu thử nghiệm này không được phủ lớp vật liệu hấp thụ radar, nhưng có thể được áp dụng sau nếu cần.

Bộ cản sóng radar gắn ở cửa hút gió, như trên chiếc F-18E, cũng có thể được thêm vào. Cửa hút gió, để cung cấp không khí cho động cơ phản lực, là một trong những điểm phản xạ tín hiệu radar nhiều nhất của một chiếc chiến đấu cơ.

Chỉ mất khoảng 2h để hoán chuyển 1 chiếc Silent Eagle trở lại cấu hình như một chiếc Strike Eagle thông thường, khi đó tính năng 'tàng hình' giảm nhưng bù lại tầm bay và sức chứa vũ khí tăng lên.

Các khách hàng mà Boeing nhắm tới là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel và Ả rập Saudi.

16.3.09

Chiến hạm tàng hình Stiletto








Chiến hạm tàng hình với thiết kế thân tàu hình chữ M Stiletto, một phần trong dự án WolfPac, vừa được giới thiệu. WolfPac, Bầy sói, là một dự án nhằm triển khai ý tưởng về việc tác chiến ở vùng nước nông và ven sông, sử dụng một nhóm nhiều tàu chiến nhỏ, giá rẻ, và được kết nối với nhau.

Stiletto, dài 26.5m, có thế lướt đi trên vùng nước nông, chở theo thuyền cao su và UAV. Ngoài ra, thiết kế của nó cho phép giảm thiểu tác động của sóng, khiến con tàu di chuyển êm hơn đồng thời giảm nguy cơ những chấn thương vùng lưng mà thủy thủ các con tàu thường phải gánh chịu. Giá thành mỗi chiếc khoảng 6 triệu dollar.

Hạm đội 4 của Hải quân Mỹ sẽ sử dụng Stiletto trong các hoạt động của mình ở quanh khu vực Caribe và Nam Mỹ.

Tháng 10 năm ngoái, con tàu đã trải qua một đợt triển khai thành công ngoài khơi Colombia, di chuyển tổng cộng 6000 hải lý, trong đó có một màn truy đuổi tốc độ cao với 1 chiếc xuồng cao tốc buôn lậu ma túy. Cuộc truy đuổi kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ với tốc độ từ 40 - 50 hải lý/h. Khi nhận thấy không thể thoát được, chúng cho thuyền chạy vào vùng nước nông gần các bãi san hô và doi cát ngầm, không may cho chúng là Stelitto có thể hoạt động tại các vùng nước nông và toàn bộ nhóm buôn lậu bị bắt.