9.5.09

ABL


Thấu kính gắn ở mũi máy bay của hệ thống laser không lực ABL

Chống tàu ngầm kiểu Ý


Hiện nay ngày càng có nhiều nước xem tàu ngầm điện-diesel là một lựa chọn tốt để phòng thủ. Tuy vậy, bản thân nó cũng là một vũ khí tấn công rất nguy hiểm, chủ yếu vì nó cực kỳ yên lặng, nhất là khi được trang bị AIP. Do đó, khi mà số nước sở hữu tàu ngầm diesel-điện ngày càng tăng thì việc phát triển khả năng chống lại nó cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Một trong những ví dụ tiêu biểu trên thế giới hiện nay là hải quân Ý.

Lí do đầu tiên khiến cho hải quân Ý có nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại tàu ngầm diesel-điện là họ chủ yếu hoạt động ở biển Địa trung hải, là nơi đặc trưng cho môi trường hoạt động chính của tàu ngầm diesel-điện. Và trong CT Lạnh, hải quân Ý được NATO giao cho đảm nhận trách nhiệm chính trong tác chiến chống tàu ngầm ở Địa trung hải. Ngoài ra, không như các cường quốc Nato khác, Ý không có tàu ngầm hạt nhân. Tất cả tàu ngầm của họ là diesel điện, nên họ rất quen thuộc với loại tàu này.

Ý có truyền thống sử dụng những tàu ngầm loại nhỏ, yên lặng. Thế hệ mới nhất là U-212A, cùng hợp tác với Đức. Nặng 1800 tấn, nó được trang bị công nghệ AIP mới nhất, pin nhiên liệu, nên cực kỳ yên lặng.

Giữa tháng 3 và 12 năm ngoái, chiếc U-212A đầu tiên của Ý, Todaro, vượt Đại tây dương trong một hải trình 13000 hải lý tham gia cuộc tập trận Conus-08. Nó tham gia rất nhiều bài tập với hải quân Mỹ. Trong đó bao gồm cả các bài huấn luyện trong quy trình kiểm chứng khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải đội hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và hải đội viễn chinh Iowa Jima. Ngoài ra, nó còn tham gia các bài tập chống lại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles. Kết quả cụ thể của những chiến dịch trên được giữ bí mật, nhưng trong nhiều trường hợp, thủy thủ đoàn Torado lên bờ với những 'nụ cười mãn nguyện'. Đang có kế hoạch tiếp tục lặp lại những bài tập tương tự, một dấu hiệu nữa cho thấy sự thành công của U-212A.

Với kinh nghiệm bản thân về tàu ngầm diesel-điện, Ý phát triển phương thức tác chiến chống lại nó dựa vào sự kết hợp giữa các phương tiện trên không và trên biển.

Chìa khóa ở đây là các hệ thống nhị nguyên và đa nguyên, phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa tàu chiến nổi, trực thăng và máy bay tuần tra hàng hải.

Các cảm biến như radar hay sonar thường theo nguyên tắc đơn nguyên, nghĩa là giàn phát và thu (tín hiệu phản xạ lại từ mục tiêu) nằm chung trong 1 thiết bị. Trong hệ thống nhị nguyên, giàn thu và phát nằm tách biệt nhau trong 2 thiết bị, phương tiện khác nhau. Một ví dụ chính là các hệ thống radar tầm xa OTH.

Đối với hệ thống nhị nguyên dưới nước, giàn sonar chủ động gắn trên tàu hay máy bay phát ra tín hiệu, sóng âm khi phản xạ lại từ mục tiêu được nhận và xử lý bởi một giàn sonar thụ động trên 1 tàu hay máy bay khác.

Phương thức đa nguyên là bước cao hơn của nhị nguyên, sử dụng nhiều giàn thu và phát khác nhau. Nó cho phép áp dụng phép đo tam giác và xem xét mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau, nhờ đó xác định chính xác hơn bản chất, vị trí, độ sâu, tốc độ, hướng đi của tàu ngầm.

Trực thăng đóng vai trò chính trong tác chiến chống tàu ngầm của hải quân Ý là AW101, được mệnh danh là 'tàu chiến bay' vì khả năng hoạt động trong thời gian dài và tính đa năng. Nó được trang bị radar, hệ thống thám sát điện tử và quang học, nhưng quan trọng nhất là Helras, hệ thống sonar chủ động tần số thấp, 1.5Khz. Sonar trên tàu chiến chủ yếu là loại được kéo thả theo sau tàu, thay vì loại gắn trên thân tàu. Hoạt động ở tần số 0.95 - 2.1 Khz.

Phương thức tác chiến đa nguyên mà người Ý đang phát triển chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa Helras và các phao nổi gắn cảm biến thả từ máy bay tuần tra hàng hải.

Nhật Bản - Phòng thủ ở Senkaku

F-15J

Tranh chấp giữa Nhật Bản và TQ về quần đảo Senkaku đang khiến Nhật xem xét việc mua máy bay vận tải lên thẳng và tên lửa đạn đạo tầm 300km. Bên cạnh đó, họ còn triển khai một phi đoàn chiến đấu cơ F-15J đến Okinawa, gần Senkaku, một máy bay tiếp dầu trên không KC-767J, để bảo đảm duy trì được 2 chuyến tuần tra liên tục bên trên quần đảo. Cùng với đó là việc xây dựng một trung đoàn biệt động đổ bộ.

Quần đảo không người ở này nằm trong một khu vực có trữ lượng dầu khí rất lớn. Nhật tuyên bố chủ quyền quần đảo vào 1895, trong cuộc chiến Trung - Nhật còn TQ tuyên bố chủ quyền từ khoảng thế kỷ 15.

Học thuyết phòng thủ những vùng lãnh thổ xa của NB dựa vào khả năng có thể tái chiếm quần đảo nếu nó bị tấn công, thay vì tăng cường phòng thủ tại đó. Có 2 kịch bản được 2 cựu tướng lĩnh Nhật đưa ra.

Kịch bản đầu tiên của thiếu tướng đã về hưu Masahiro Shigemura. Theo đó, TQ sẽ cho 300 'ngư dân' có vũ trang đổ bộ lên đảo với lí do tránh bão và sau đó gửi thêm binh lính đến với lí do "cứu hộ".

Nhật Bản khi đó sẽ gửi 2 tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Osumi, được hộ tống bởi tàu khu trục. Mỗi chiếc Osumi sẽ chở theo 2 tàu đổ bộ đệm hơi LCAC. Hải đội này sẽ triển khai tới Okinawa, đồng thời chuẩn bị sân bay Shimojishima, cách Senkuka 175km, như một căn cứ tiền phương cho máy bay chiến đấu và triển khai những khẩu đội tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.

Với lực lượng Mỹ hỗ trợ trong trường hợp chiến tranh leo thang, Nhật sẽ oanh tạc quần đảo bằng ATACMS và bom định vị bằng vệ tinh JDAMS từ chiến đấu cơ F-2A. Tuy vậy, kịch bản này sẽ khiến cho TQ được xem như 'nạn nhân' vì sự bất tương xứng trong hỏa lực đáp trả của phía Nhật.
MLRS & ATACMS

Một kịch bản khác của Mutsuyoshi Gomi, phó đô đốc về hưu, từng là tư lệnh hạm đội cơ động của hải quân Nhật. Theo đó, vào 2020, TQ sẽ chính thức ép buộc Nhật từ bỏ chủ quyền bằng lời đe dọa chiến tranh hạt nhân. Do đó, ông này kêu gọi Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Akiji Yoshida thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cũng ủng hộ việc sử dụng tên lửa ATACMS, được kết hợp với UAV để tạo thành 'tổ hợp trinh sát - tấn công'. 36 giàn phóng tại 7 vị trí khác nhau có thể bao phủ cho toàn bộ vùng lãnh thổ và lãnh hải Nhật, có thể tấn công cả mục tiêu 'cứng' và mục tiêu 'mềm' với nhiều loại đầu đạn.

Bên cạnh đó, yêu cầu về việc triển khai nhanh binh lính tới các đảo ở xa đòi hỏi phải có máy bay vận tải lên thẳng. Hiện chỉ có duy nhất chiếc máy bay chong chóng xoay V-22 là đáp ứng được các yêu cầu kết hợp giữa sức chở, tốc độ và sự linh hoạt. Chúng sẽ hoạt động trên 3 chiếc Osumi, 14000 tấn hoặc 2 chiếc Hyuga mới.

Còn trung đoàn biệt động đổ bộ được thành lập năm 2002, huấn luyện chung với thủy quân lục chiến Mỹ để học các chiến thuật đổ bộ bí mật. Trong tương lai, đơn vị này có thể chính thức trở thành một đơn vị thủy quân lục chiến chính quy.

Osumi

ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật của lục quân Mỹ. ATACMS-1 chứa 950 đạn con, tầm bắn 165km. Loại 1A giảm lượng đầu đạn và tăng tầm 300km, có gắn thêm dẫn đường vệ tinh. ATACMS có thể được bắn từ hệ thống pháo hỏa tiễn MLRS hoặc HIMARS.

Osumi là một tàu chở trực thăng của hải quân Nhật, hoạt động từ 1998. Nó được thiết kế để chở theo 1 tiểu đoàn 330 người cùng 1 đại đội xe tăng 10 chiếc. Thủy thủ đoàn 135 người, tốc độ tối đa 22 hải lý/h. Nó có thể chở theo 2 trực thăng Chinook CH-47J và 2 SH-60J. Vũ khí phòng vệ gồm 2 súng phòng không Phalanx.

7.5.09

Hải tặc tấn công



Đoạn video mô tả cảnh tàu chở hàng Liberty Sun của Mỹ bị hải tặc Somali tấn công hồi tháng trước khi đang chở hàng cứu trợ tới Kenya. Con tàu đã thoát được thành công nhưng bị hư hại do RPG và súng máy của hải tặc.

Đoạn clip được công bố bởi công ty Liberty Maritime, chủ sở hữu con tàu. Chủ tịch của hãng vừa yêu cầu QH thông qua luật cho phép các hãng tàu trang bị vũ khí và thuê nhân viên an ninh theo tàu.

Cha và con và người TQ


Lại một cuộc đụng độ nữa giữa tàu khảo sát đại dương của hải quân Mỹ và 'tàu đánh cá' của TQ. Những tàu này đã di chuyển áp sát ở khoảng cách nguy hiểm với tàu USNS Victorious trên vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải. Con tàu khi đó đang thực hiện một 'công tác thường lệ' cách bờ biển TQ 170 dặm. Chiếc Victorious đã thực hiện các biện pháp phòng vệ: di chuyển né tránh, kéo còi báo động và phun vòi rồng về phía tàu TQ, nhưng không phun trực tiếp vào tàu.

Tuy nhiên, khác với lần đụng độ trước liên quan tới tàu Impeccable hồi tháng 3, lần này tàu Victorious đã liên lạc các tàu của chính quyền TQ gần đó yêu cầu hỗ trợ. Nó cho thấy sau vụ tàu Impeccable đã có một số thỏa thuận về cách giải quyết những vấn đề tương tự, ít nhất là từ cấp cao.

Điều đặc biệt là chiếc Impeccable là hậu duệ của Victorious. Chiếc USNS Victorious là chiến tàu đầu tiên của lớp tàu khảo sát đại dương cùng tên. Sau đó, lớp Impeccable ra đời, dựa trên Victorious.


Lớp Victorious gồm 4 chiếc: Victorious, Able, Effective và Loyal. Chiếc đầu tiên chính thức hoạt động vào 1991. Những tàu khảo sát đại dương này được dùng để thu thập tín hiệu âm thanh, phát hiện và theo dõi tàu ngầm. Thông tin sau đó được truyền về qua vệ tinh. Tàu có thiết kế thân đôi, tạo sự ổn định cao khi di chuyển với tốc độ chậm ngay cả khi biển động. Nó cũng giảm nguy cơ tàu bị lật khi có sóng lớn và tăng diện tích sàn tàu.

Tàu có 2 thiết bị cảm biến âm, kết hợp cả chủ động và thụ động. Thủy thủ đoàn 24-27 người, đa số là dân sự. Tàu không được vũ trang. Sức đẩy đến từ hệ thống diesel-điện, công suất 1600 mã lực. Tốc độ tối đa dưới 10 hải lý/h. Nếu tàu kéo theo giàn sonar thì giảm còn 3 hải lý. Thời gian hoạt động cho 1 chuyến tuần tra là 60 ngày. Tàu dài 72m, rộng 29m, lượng choán nước tối đa 3384 tân.


Lớp Impeccable được phát triển dựa trên Victoriuos nhưng lớn hơn và nhanh hơn. Chỉ có một con tàu của lớp này được đóng, chiếc USNS Impeccable. (Thường thì chiếc tàu đầu tiên của 1 lớp sẽ mang tên của lớp đó). Nó còn được trang bị những thiết bị thông tin liên lạc, định hướng, chỉ huy tiên tiến hơn so với Victorious. Thủy thủ đoàn gồm 25 nhân viên dân sự và 20 thủy thủ hải quân. Nó cũng không được vũ trang. Dài 85.8m, rộng 29.2m, lượng choán nước tối đa 5370 tấn. Công suất động cơ 5000 mã lực, tốc độ tối đa 13 hải lý/h.

6.5.09

Không chiến Nga vs. Nato



Một đoạn clip giả tưởng về một trận không chiến giữa Su-35 của Nga và một phi đội hỗn hợp của Nato gồm B-52, Typhoon và E-3C (AWACS). (B-1, B-2 và F-22 khi đó có lẽ đang bận tấn công Bắc Kinh !?). Phần thắng thuộc về Su-35, mẫu máy bay thuộc họ Su-27/30, được coi là thế hệ 4.5, giải pháp tạm thời trong thời gian người Nga phát triển chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên cạnh tranh với F-22.

Tuy chỉ là kịch bản giả tưởng nhưng nó mô tả khá đầy đủ những yếu tố cơ bản của không chiến hiện đại, bao gồm việc phát hiện ra đối phương bằng radar sớm nhất có thể, chia sẻ thông tin giữa các máy bay, gây nhiễu và tên lửa không đối không tầm xa. Cuối cùng là cận chiến (dogfight).

5.5.09

1 Cadillac = 4 Volvo

SA-11
NASAMS


Phần lan đang bỏ ra 700 triệu dollar để thay thế hệ thống phòng không SA-11 (Buk) của Nga bằng NASAMS của Nauy. 3 năm trước, Phần lan nhận hệ thống SA-11 như cách trừ khoản nợ 300 triệu dollar từ thời LX. Có tầm bắn 35km, đây là hậu duệ của SA-6 nổi tiếng trong những trận chiến ở Trung Đông trước kia. Trong cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia năm ngoái, cả 2 phía đều sử dụng hệ thống này. Nga bắn hạ 1 số UAV của Gruzia, và cũng mất ít nhất 4 Su-25 và 1 máy bay ném Tu-22 vì SA-11 của Gruzia.

NASAMS sử dụng tên lửa AMRAAM, loại tên lửa không đối không tầm xa của Nato. Tầm bắn 30km, trần hoạt động 20km, có thể dùng để chống tên lửa hành trình. Radar của hệ thống có tầm 50-70km. Phiên bản gắn trên máy bay của AMRAAM có tầm khoảng 70km. Cùng cạnh tranh với NASAMS là SAMP/T, với tầm bắn gần 100km, và có khả năng nâng cấp lên thành hệ thống chống tên lửa đạn đạo.

So với SA-11 và SAMP/T, NASAMS có các chỉ số không bằng, nhưng bù lại nó có giá rẻ hơn, và do đó, có thể mua nhiều hơn. Như lời Bộ trưởng BQP Phần lan là: "thay vì 1 chiếc Cadillac, chúng tôi mua 4 chiếc Volvo".

Việc mua NASAMS phản ánh sự thay đổi về chiến thuật phòng không của Phần lan, chuyển từ hệ thống phòng thủ tập trung sang hệ thống phân tán, có tầm bao phủ rộng hơn, và được kết nối với nhau. Ngoài ra, tên lửa AMRAAM có hệ thống dẫn đường chủ động rất tiên tiến, cho phép trong giai đoạn cuối nó tự tìm đến mục tiêu và không cần radar của hệ thống phòng không dẫn đường. Điều này giảm khả năng đối phương dùng tên lửa diệt radar tấn công vào hệ thống. Thậm chí, trong toàn bộ quá trình tác chiến, có thể không cần đến radar, tên lửa có thể nhân thông tin từ các nguồn khác.

Việc sử dụng các tên lửa không đối không cho vai trò đất đối không ngày càng thông dụng. Nguyên nhân vì các tên lửa này thường có bộ tự dẫn đường rất mạnh, cả về cảm biến và khả năng xử lý thông tin, do đó ít phụ thuộc vào radar của hệ thống hơn. Do đó, đối phương it có cơ hội dò ra vị trí của radar.

Chạy đua vũ trang trên biển đỏ


Hải tặc ở Somali lần một lần nữa 'cướp' nhầm một tàu hải quân. Đây là lần thứ ba, hai lần trước là khi chúng tấn công một tàu tiếp tế của hải quân Mỹ, và một tàu nhiên liệu của hải quân Đức. Lần này, 2 thuyền cao tốc áp sát tàu FS Nivose của hải quân Pháp. Trực thăng Pháp đã nổ súng cảnh cáo. 11 tên cướp biển trên 2 thuyền cao tốc và tàu mẹ bị bắt giữ và thẩm vấn.

Lí do chúng tấn công nhầm tàu hải quân có thể là do các cuộc tấn công thường diễn ra vào thời điểm có ánh sáng yếu, trong khi các tàu hải quân thường thực hiện các biện pháp ngụy trang ánh sáng khiến chúng rất khó bị phân biệt với các tàu thương mại. Còn trong trường hợp này, sự việc diễn ra lúc 8h30 sáng, nhưng do tàu Nivose nằm giữa mặt trời và thuyền của hải tặc, nên chúng không có tầm quan sát tốt nhất. Ngoài ra, dân số Somali phần đông có trình độ dân trí rất thấp.

Trong khi đó, giới thủy thủ viễn dương tiếp tục nghĩ ra những cách thức hiệu quả hơn để đối phó với hải tặc. Thông thường, khi phát hiện bị hải tặc áp sát, cách tốt nhất là báo động cho các tàu hải quân gần đó càng nhanh càng tốt, đồng thời tăng hết tốc độ và di chuyển theo hình chữ chi. Đa số các tàu hàng có vận tốc tối đa nhanh hơn các thuyền nhỏ của bọn hải tặc. Tuy vậy, chúng mất nhiều thời gian để tăng tốc, nên vấn đề là tùy các thuyền trưởng có quyết định để tàu chạy với tốc độ cao, sẽ tốn nhiên liệu, khi đi qua vùng biển Somali hay không.

Tuy nhiên, một khi nguy cơ bị bọn hải tặc tràn lên tàu trở nên rõ ràng thì cách tốt nhất là tắt mọi động cơ, và làm sao để chúng không thể được khởi động trở lại, và rút hết vào một phòng an toàn. Phòng an toàn là nơi mà bọn hải tặc không thể vào được, và bên trong có sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết. Bị kẹt lại trên tàu trong khi lực lượng ứng cứu đang tới, bọn chúng chỉ có 1 cách là bỏ lại miếng mồi. Để thực hiện được chiến thuật này đòi hỏi đội thủy thủ phải luyện tập thành thục.

Bọn hải tặc tất nhiên không chịu ngồi yên. Một tàu hải quân Bồ đào nha vừa bắt giữ 19 tên hải tặc, và phát hiện 4 khối thuốc nổ, có lẽ là dùng để phá cửa phòng an toàn.

4.5.09

Cuộc chiến Falkland - P2

Cuộc tấn công của người Anh:
Ngày 25/4, một lực lượng gồm trực thăng vũ trang và những đơn vị chiến đấu Anh tấn công lực lượng Argentina ở South Georgia. Tại cảng Grytviken, trực thăng Anh tấn công tàu ngầm Santa Fe, lúc đó đang thả lính tăng viện trong vịnh. Một phi công Anh đã đánh đắm con tàu ngầm bằng 3 quả tên lửa. Trên cạn, sau một cuộc đọ súng ngắn, quân Anh bắt giữ 194 tù binh Argentina, bao gồm 38 công nhân xây dựng trước đó, và người Anh giành lại quyền kiểm soát South Georgia.
Trận chiến đầu tiên trên 2 đảo chính Đông và Tây Falkland diễn ra ngày 1/5, khi những chiến đấu cơ Harrier và máy bay ném bom Vulcan (được tiếp dầu trên không trong hành trình từ đảo Ascension, một kỷ lục với một chuyến ném bom) của Anh oanh tạc dữ dội sân bay tại Stanley và Goose Green.
Trận không chiến đầu tiên cũng diễn ra ngày 1/5, khi một nhóm máy bay Mirage và máy bay ném bom Canberra của Argentina tấn công và làm hư hại nhẹ 2 tàu chiến Anh. Một phi công Anh lái phi cơ Harrier được gửi đến để giao chiến với Mirage sau này kể lại anh ta đã phóng một tên lửa không đối không Sidewinder của Mỹ vào một máy bay Argentina như thế nào “ Sau khoảng 3 đến 4 giây, tên lửa súng mục tiêu. Có một tiếng nổ khủng khiếp, và tôi cảm thấy muốn bệnh”. Trong suốt cuộc chiến, phía Argentina chịu thiệt hại rất lớn về số máy bay vì sự vượt trội về tên lửa phòng không, cả không đối không và đất đối không, trong kho vũ khí của Anh.
Sự kiện đẫm máu nhất cuộc chiến diễn ra ngày 2/5, khi một tàu ngầm Anh, chiếc Conqueror, phóng 2 quả ngư lôi điều khiển bằng dây vào thân tàu của tuần dương hạm Tướng Belgrano. Trong hơn 1000 người đang ở trên tàu, hơn 320 người chết trong nước biển lạnh cóng, số còn lại được những tàu gần đó cứu.
Sự kiện đó đã làm Argentina choáng váng, nhưng chỉ 2 ngày sau, người Anh cũng phải nếm trải sự khủng khiếp của chiến tranh. Ngày 4/5, một phi công Argentina bay trên chiếc máy bay lỗi thời Super Etendard phóng một tên lửa điều khiển bằng radar Exocet(Pháp) từ khoảng cách 20 dặm trúng và làm hư hại rất nặng khu trục hạm Sheffield của hải quân Anh. 20 người chết, 24 người khác bị phỏng nặng. Theo một số báo cáo sau này, tàu Sheffield bị hỏng nặng là do tên lửa đã bắt cháy vào phần cấu trúc bên trên bằng nhôm của tàu. Sực việc này sau đó đã dẫn đến những tranh cãi lớn giữa những nhà quân sự liệu việc sử dụng nhôm thay cho thép ở một phần cấu trúc trong những con tàu chiến hiện đại có khiến nó trở nên dễ tổn thương hơn không ? Chính phủ Anh sau đó tuyên bố Sheffield được chế tạo từ nhôm và thép, nhưng không chứa nhiều nhôm như báo chí ban đầu đã nói. Cùng ngày, không quân Anh tiếp tục oanh tạc sân bay ở Stanley. Một máy bay Harrier bị bắn rơi, phi công bị thiệt mạng.Cùng lúc, một số tàu chiến Anh tiến gần Falkland và pháo kích bờ biển gần Stanley với pháo 4,5 inch. Trong vài tuần kế tiếp , lực lượng Anh và Argentina còn nhiều lần giao chiến trên không và trên biển, và quân Anh tấn công một kho quân sự nhỏ tại Pebble Island, phá hủy 11 máy bay, loại có khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn và đầy cỏ trên đảo. Cả 2 bên đều chịu những tổn thất nhất định.

(còn tiếp)

B-1B và Tu-160 Blackjack


Một đoạn clip khá hay, cả về hình ảnh và nhạc nền, về 2 mẫu máy bay ném bom chiến lược rất giống nhau là B-1B Lancer (hay The Bone) của Mỹ và Tu-160 Blackjack của Nga. Tu-160 ra đời sau. Ban đầu cả 2 được thiết kế với mục đích mang theo tên lửa hành trình hạt nhân.

So sánh chung thì Tu-160 lớn hơn. Còn B-1B được trang bị hiện đại hơn, chủ yếu là các cải tiến để nó phù hợp hơn với chiến tranh quy ước, sử dụng bom thông minh thay vì các vũ khí hạt nhân tầm xa như thời chiến tranh lạnh. B-1B cũng được sử dụng trong thực tế chiến tranh nhiều hơn.