10.4.09

Thách thức cho công nghệ đánh chặn giai đoạn đầu





Theo như bản đề nghị ngân sách quân sự cho năm tài khóa 2010 mới đây của bộ trưởng BQP Mỹ Robert Gates, chương trình phòng thủ tên lửa có tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Theo đó, các hệ thống phụ trách việc đánh chặn trong giai đoạn giữa và giai đoạn cuối không bị ảnh hưởng. Nhưng các công nghệ thử nghiệm dùng trong việc tiêu diệt tên lửa trong giai đoạn đầu khi nó vừa phóng lên sẽ tạm dừng.

Trong phòng thủ tên lửa, có 3 giai đoạn để đánh chặn: khi nó vừa phóng lên, trong giai đoạn giữa khi nó đang ở trong không gian và giai đoạn cuối khi đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển. Hiện nay Mỹ đang có những hệ thống hiệu quả trong việc phòng ngự ở hai giai đoạn sau.

Đảm nhận việc chống tên lửa trong giai đoạn giữa là hệ thống GMD và Aegis. GMD là tên gọi mới của hệ thống NMD trước đây, các tên lửa được đặt tại Alaska và California, trong tương lai có thể có thêm ở châu Âu. Còn hệ thống phòng thủ trên biển kết hợp tên lửa SM-3 và hệ thống phòng không Aegis. Cả 2 hệ thống này đều sử dụng cơ chế tiêu diệt bằng động năng. Nghĩa là đầu đạn không mang theo thuốc nổ mà nó sẽ lao thẳng vào mục tiêu. Hệ thống này sẽ được mở rộng với thêm 6 tàu chiến được trang bị Aegis.

Phòng thủ giai đoạn cuối là công việc của tên lửa Patriot PAC-3 và THAAD, trong đó THAAD có tầm xa hơn, còn Patriot sẽ là lớp phòng thủ cuối cùng.

Tuy vậy, hiện có hệ thống chuyên dùng trong giai đoạn đầu vẫn dừng ở mức công nghệ thử nghiệm. Theo lý thuyết, ở giai đoạn này, tên lửa đang bay lên, tốc độ chậm hơn 2 giai đoạn sau nên sẽ dễ đánh chặn hơn, và khi đó nó vẫn ở trong lãnh thổ đối phương. Tuy vậy, vì khoảng cách xa nên việc phát hiện kịp thời và phản ứng đủ nhanh không phải là chuyện dễ. Hai chương trình thử nghiệm là Hệ thống laser trên không ABL và KEI.

ABL kết hợp một nguồn phát tia laser hóa học khổng lồ vào trong một máy bay Boeing 747. Tổ lái gồm 4 người, nó hoạt động ở độ cao khoảng 15km, 6 cảm biến hồng ngoại của nó, 1 ở phía trước, 1 phía sau và 2 cho mổi bên, sẽ tìm kiếm mục tiêu là các tên lửa khi nó vừa mới rời bệ phóng. Một khi mục tiêu bị phát hiện, ABL sẽ phát ra 3 tia laser để theo dầu mục tiêu, tính toán khoảng cách và hướng đi. Tia đầu tiên sẽ cung cấp thông tin để theo dấu tên lửa. Tia thứ 2 quyết định điểm nhắm bắn. Tia thứ 3 cung cấp thông tin về độ nhiễu loạn của vùng khí quyển quanh đó để máy tính xác định mức bù trừ.

Cuối cùng, ABL sẽ phát ra tia laser hóa học năng lượng cao oxy iot (COIL) từ mũi máy bay. Sau khoảng 3-5 giây, lớp vỏ tên lửa sẽ bị thủng và tên lửa nổ tung. Một trong những lí do khiến chương trình bị trễ hạn và vượt ngân sách là vấn đề rung động của chiếc 747. Những rung động nhỏ gây ra bởi động cơ máy bay này trong điều kiện bình thường thì không đáng kể, nhưng khi trên máy bay là một nguồn phát laser lớn với yêu cầu rất cao về độ chính xác thì đó là vấn đề lớn. Ngoài ra, công nghệ cốt lõi của nó, laser hóa học, tuy có thể tạo ra năng lượng rất lớn, nhưng có nhược điểm là cồng kềnh, nguy hiểm và tốn kém. Công nghệ laser năng lượng điện hứa hẹn sẽ có nhiều tiềm năng hơn.

KEI là bao gồm các tên lửa được trang bị trên các giàn phóng di động, giống như Patriot, có thể được chuyên chở bằng máy bay đến gần biên giới các quốc gia thù địch. Hoặc nó có thể gắn trên tàu chiến. Cần khoảng 3 giờ để triển khai một khẩu đội 5 giàn phóng với 10 tên lửa. KEI sử dụng tên lửa có sơ tốc rất lớn, 36,000km/h, gấp gần 3 lần các tên lửa thông thường. Đầu đạn của nó cũng kết hợp công nghệ của GMD và SM-3 dùng động năng của sự va chạm để tiêu diệt mục tiêu.

Việc ngừng các chương trình ABL và KEI không có nghĩa là việc bắn chặn tên lửa trong giai đoạn đầu không được xem trọng nữa, vấn đề chỉ là cần có những công nghệ mới đáng tin cậy hơn.

No comments: