3.8.09

Mỹ - Công nghệ trong Transformer (P.1)


Hai phần của bộ phim Transformer đều là những phim bom tấn, với doanh thu hàng trăm triệu dollar và thu hút một lượng fan đông đảo trên toàn thế giới. Về mặt nghệ thuật thì phim không có gì đặc biệt, nếu không nói là tệ. Kịch bản gượng ép, tiết tấu phim không chặt chẽ, nhân vật đa số không có chiều sâu. Tuy vậy với chức năng giải trí thì phim cũng rất đáng xem, đặc biệt về mặt kỹ xảo. Góp phần cho thành công đó không chỉ gồm những diễn viên chính robot (kết quả của CGI - đồ họa vi tính) mà còn do việc trong phim có sự xuất hiện của rất nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, với mật độ dày đặc mà ít phim nào có được.


Để có được sự ưu ái này từ phía quân đội Mỹ, tất nhiên đạo diễn Micheal Bay sẽ phải "trả ơn" bằng cách PR, đánh bóng hình ảnh cho quân đội. Mối 'lương duyên' kiểu như vậy không phải là hiếm và đã tồn tại từ lâu. Giới làm phim thì tất nhiên cần được tiếp cận với những thiết bị, vũ khí thật để bộ phim của mình trông thực tế và hoành tráng. Còn phía quân đội thì cần được xây dựng hình ảnh tích cực về mình. Sở dĩ như vậy vì kinh phí quốc phòng hàng năm do quốc hội quyết định, hay cụ thể hơn là những nghị sĩ. Quyết định của các nghị sĩ tất nhiên phụ thuộc vào các cử tri, những người sẽ giữ họ lại thêm 1 nhiệm kỳ nữa. Do đó, một trong những cách tác động vào các nghị sĩ là phải xây dựng được hình ảnh đẹp và chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của công chúng, để các nghị sĩ có nhiều động lực trong việc thông qua ngân sách có lợi cho bộ quốc phòng.


Việc thậm chí còn đi xa hơn thế, vì ngay bên trong bộ quốc phòng cũng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa 4 quân chủng: không quân, lục quân, hải quân, thủy quân lục chiến. Và mỗi quân chủng cũng có nhu cầu tự PR bản thân.


Đối với phim Transfomer thì có thể nói không quân đặc biệt được PR rất mạnh, nhất là trong phần 1. Rất nhiều lần trong phim các nhân vật nhắc đến không lực như một 'cứu tinh', đặc biệt là trường đoạn khi bộ trưởng bộ quốc phòng và các chuyên viên tin học của mình bị kẹt trong căn cứ ngầm ở đập Hoover và phải tìm cách liên lạc ra bên ngoài để tìm sự hỗ trợ cho các nhân vật chính. Nhờ đó mà đạo diễn có thể tiếp cận nhiều hệ thống vũ khí tân tiến nhất của không quân như F-22, C-17, AC-130, A-10…


Ngay trong cảnh mở đầu phim là 2 chiếc V-22, máy bay chong chóng xoay, sự kết hợp giữa trực thăng và máy bay cánh bằng. V-22 không phải là giải pháp thay thế cho trực thăng, vì tuy có tốc độ và tầm hoạt động lớn hơn, sức tải của nó không bằng một số loại trực thăng cỡ lớn. Chính xác thì V-22 giống như một hệ thống 2-trong-1 thích hợp trong một số nhiệm vụ cần thiết sự linh hoạt, và sẽ cùng tồn tại với trực thăng, cũng giống như những hệ máy AIO (All-in-one) cùng tồn tại với những loại máy in, máy photocopy, fax chuyên dụng. V-22 vừa mới bắt đầu được thủy quân lục chiến sử dụng trên chiến trường Iraq gần đây và sẽ được đưa đến Afghanistan. Quá trình sử dụng thực tế này sẽ giúp hoàn thiện V-22, không chỉ với tư cách là 1 hệ thống vũ khí đơn lẻ mà còn là kẻ tiên phong của một công nghệ hoàn toàn mới. Những bài học từ V-22 sẽ giúp hoàn thiện những thế hệ tiếp theo. Một trong số đó là vấn đề sức nóng từ luồng phản lực thoát ra từ 2 động cơ turbine. Khi cất cánh, V-22 luôn ở chế độ trực thăng, với động cơ quay lên trên (thực tế thì cánh chong chóng của V-22 dài hơn chiều cao của máy bay, do đó khi còn trên mặt đất thì động cơ luôn hướng lên trên). Khi đó, luồng phản lực sẽ hướng thẳng xuống dưới. Đã có một trường hợp nó tạo nên một đám cháy lớn trên đồng cỏ sau khi máy bay cất cánh, nhưng nghiêm trọng hơn là khi nó vận hành từ tàu sân bay, do nhiệt tỏa ra có thể ảnh hưởng đến lớp sơn phủ đường băng.


Transformer đầu tiên xuất hiện trong phim là Blackout, một Decepticon dưới hình dạng của 1 chiếc MH-53 Pave Low. Đây là một phiên bản của trực thăng H-53 Stallion, được phát triển lên từ phiên bản HH-53 vốn được dùng trong chiến tranh Việt Nam. Có thể coi là loại trực thăng hiện đại nhất thế giới hiện nay, Pave Low được thiết kế để có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể bay với độ cao rất thấp và định hướng vớ độ chính xác cao. Do đó, nó được dùng cho những nhiệm vụ nguy hiểm, đòi hỏi phải đột nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. Pave Low là loại trực thăng tiêu chuẩn dùng cho các chiến dịch đặc biệt. Nó có thể chở theo 38 lính, hoặc 9 tấn hàng hóa. Pave Low được trang bị những thiết bị như radar địa hình, cảm biến hồng ngoại, hệ thống phòng vệ, định hướng tiên tiến cho phép nó bay cách mặt đất chỉ 30m và bám sát theo địa hình.

Hệ thống phòng vệ tích hợp cung cấp cho phi hành đoàn cảnh báo tức thời về các mối nguy hiểm và đưa ra gợi ý hành động thích hợp. Phi hành đoàn còn được tiếp cận với thông tin thời gian thực về tình hình chiến trường xung quanh, về trạng thái hiện tại của chuyến bay, cũng như cảnh báo những nguy cơ phía trước để phi hành đoàn có thời gian chuẩn bị. Hệ thống định hướng tự động giúp giảm khối lượng công việc cho phi công. Các thông tin cập nhật đều được truyền trực tiếp từ vệ tinh và giải mã.


Trong chiến dịch bão táp sa mạc, 2 chiếc Pave Low đã dẫn 1 đoàn trực thăng Apache đột nhập sâu vào lãnh thổ Iraq, tấn công các trạm radar, tạo một lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Iraq để máy bay liên quân tràn vào, chính thức mở màn cho chiến tranh vùng vịnh lần 1. Nói chung, trong gia đình trực thăng của Mỹ thì tiền tố "Pave" thường được dùng cho những phiên bản có khả năng đột nhập vào lãnh thổ đối phương để thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm. Ngoài Pave Low còn có HH/MH-60 Pave Hawk, phiên bản của H-60 BlackHawk, chuyên dùng để cứu hộ phi công.



Một Decepticon khác là Bonecrusher, dưới hình dạng của một xe chống mìn (MRAP) Buffalo. Trong phim Bonecrusher là robot đã giao chiến với Optimus prime trên xa lộ liên bang và bị tiêu diệt. Khi quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch xâm lăng Iraq năm 2003, loại phương tiện cơ giới phổ biến nhất là những chiếc Humvee. Thường chúng được tháo bỏ cửa 2 bên, thậm chí không có cả nóc xe. Tuy nhiên, sau này khi mà các thiết bị nổ tự tạo (IED) được phiến quân sử dụng ngày một nhiều, nhằm vào các đoàn xe quân sự thì quân đội Mỹ buộc phải nâng cấp lớp giáo của Humvee. Nhưng vẫn không thể chống lại được sức công phá của IED, và nó trở thành loại vũ khí gây nhiều thương vong nhất cho quân đội Mỹ. Trước tình hình đó, hàng ngàn MRAP được cấp tốc đặt hàng.


MRAP được thiết kế đặc biệt chuyên để chống lại mìn và IED. Công nghệ này ra đời ở Nam phi và theo các kỹ sư di cư sang Mỹ và Anh. Ngoài những chi tiết hiển nhiên như kính chống đạn, thân xe bọc thép thì những điểm đặc trưng nhất của nó là gầm xe, thân xe dạng chữ V thay vì một bề mặt phẳng như xe thường. Hình dạng này cho phép sức ép của vụ nổ bị đẩy sang 2 bên và hướng ra khỏi chiếc xe. Ngoài ra xe có thiết kế dạng module sao cho khi nổ, phần động cơ, trục truyền động dễ dàng bị thổi bay đi, nhờ đó phân tán lực của vụ nổ và giữ cho module hành khách an toàn. Khi mới xuất hiện tại một hội chợ quốc phòng, các kỹ sư Nam phi đã đích thân ngồi trong 1 chiếc MRAP và lái vào một bãi mìn. Xe bị phá hủy nhưng các kỹ sư bước ra ngoài không hề hấn gì.


MRAP ở Iraq thường gôm 2 loại là Buffalo như của Bonecrusher và Cougar, nhỏ hơn. Ban đầu chúng chỉ được trang bị cho những đơn vị EOD (đội xử lý vật liệu nổ) chuyên tháo gỡ các IED. Nhưng sau đó được trang bị cho mọi đơn vị thay thế cho các phương tiện cơ giới thường. MRAP góp một phần rất lớn vào thành công chung của chiến dịch Sóng cồn (Operation Surge) bình định Iraq bằng việc tăng đáng kể khả năng sống sót của binh lính khi gặp IED. Tuy vậy, MRAP có nhược điểm là nặng nề, cồng kềnh, và dễ lật do có gầm xe cao và do đó khả năng vượt địa hình kém. Thực tế chứng minh nó hợp với chiến trường Iraq hơn là Afghanistan vì hệ thống đường xá ở Afgha kém hơn nhiều so với Iraq, do đó một loại mini-MRAP mới được phát triển với khả năng vượt địa hình tốt hơn.




Một Decepticon khác là Brawl hay Devastator, trong hình dạng 1 chiếc xe tăng. Trong phim thì loại xe tăng này thực tế là sản phẩm của trí tưởng tượng chứ không phải mô phỏng một loại tăng thật trong thực tế. Nó gần như là sự kết hợp giữa M1 Abram và Leopard. Đoàn làm phim chế tạo nó từ khung gầm của 1 chiếc xe tải, sử dụng động cơ diesel và xích cao su của xe công trường. Do đó nó rất nhẹ so với một chiếc xe tăng thật. Trong phim có đoạn Brawl cán lên xe hơi trong Mission City, ta có thể thấy chiếc xe hơi bị hư hại rất ít trong khi chiếc xe tăng bị nâng lên rất cao. So sánh với một bức ảnh thực tế khi một chiếc tăng thật cán ngang 1 chiếc xe hơi, ta có thể thấy sự khác biệt rất rõ về trọng lượng.


Starcream có lẽ là một trong những Decepticon được hâm mộ nhất vì nó trong hình dạng của 1 chiếc F-22, chiến đấu cơ thế hệ 5 duy nhất hiện nay. Trong hình dạng máy bay, Starcream có vài cảnh cận chiến với các F-22 khác, sử dụng súng máy 6 nòng xoay 20mm M61A2 vào cuối của phần 1. Tuy nhiên, cảnh lí thú nhất là ở đầu trận chiến quyết định ở phần 2. Khi đó đội NEST dưới sự chỉ huy của thiếu tá Lennox vừa nhảy dù xuống Ai cập cùng với xác của Optimus Prime. Starcream phát hiện vị trí của họ và ngay lập tức Lennox và đồng đội nhận thấy rằng tất cả hệ thống liên lạc của họ đều bị Starcream làm cho tê liệt bằng EMP, tức xung điện từ, một loại vũ khí thường được nhắc tới trong truyện giả tưởng chứ chưa hề được sử dụng trong thực tế và cũng chưa có nước nào chính thức xác nhận việc mình có vũ khí đó, tất nhiên là không tính EMP gây ra do một vụ nổ hạt nhân. Tuy vậy, tình tiết này trong phim không hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng, vì mặc dù bộ quốc phòng Mỹ không chính thức xác nhận nhưng nhiều chuyên gia tin rằng F-22 có khả năng tác chiến điện tử tương tự như cảnh trong phim. Đó là nhờ vào radar quét điện tử chủ động (AESA) của mình. AESA là công nghệ radar hiện đại nhất hiện nay, có thể được mô tả như là tập hợp của hàng ngàn radar nhỏ, hoạt động độc lập với nhau. Do đó nó có thể tập trung sóng radar thành 1 tia siêu hẹp với tốc độ quét cực nhanh. Khả năng tập trung năng lượng đó cho phép nó gây nhiễu thậm chí là làm mù các thiết bị điện tử của đối phương.


Ngay sau cảnh đó, từ cuộc đối thoại trong trung tâm chỉ huy, ta cũng được biết rằng các thiết bị liên lạc của nhóm Lennox sử dụng công nghệ lượng tử (quantum). Vậy quantum là gì? Nền tảng của điện toán cho tới nay dựa vào hệ nhị phân, mà trong đó chỉ có 2 trạng thái bật/tắt, có/không, tương ứng với 1/0, hay còn gọi là bit. 1 quantum bit, hay qubit, có thể cùng lúc vừa là 1, 0, hoặc cả 2. Nếu như 111 trong hệ nhị phân chỉ tương đương với 7 trong hệ thập phân thì 3 qubit có thể chứa cả 8 khả năng (0-7) và bạn có thể thực hiện việc tính toán cùng lúc trên cả 8 khả năng đó. 32 qubit trên lý thuyết tương đương với 2 lũy thừa 32 (4.3 tỷ) tính toán cùng lúc. Công nghệ lượng tử mở ra nhiều ứng dụng chưa từng có. Trong quân sự, một trong những ứng dụng đó là mã hóa và phá mã hóa. Thông tin được mã hóa bằng quantum là gần như không thể phá được. Tuy vậy thì công nghệ này cũng không giúp gì nhiều cho thiếu tá Lennox trước EMP của Starcream.(còn tiếp)