10.4.09

Shopping UAV

Searcher II
I-view

Bird-eye 400
Nga vừa đặt mua 50 chiếc UAV từ Israel, bao gồm các loại Bird-eye 400, I-view Mk150 và Searcher 2.

Bird-eye 400 là một UAV loại nhỏ, nặng 3kg, thời gian hoạt động 80 phút, độ cao tối đa 300m, khoảng cách tối đa với người điều khiển 15km. I-view nặng 180kg, thời gian hoạt động 7h, độ cao và khoảng cách tối đa là 6km và 150km. Tải trọng tối đa 15kg. Nó có thể cất cánh từ sân bay hoặc từ máy phóng gắn trên xe tải. Khi đáp xuống, nếu không có đường băng, nó có thể hạ cánh bằng dù. Search 2 nặng nửa tấn, hoạt động tối đa 20h, độ cao 8km, khoảng cách 300km. Tải trọng 88kg.

Nga đã chế tạo UAV từ nhiều năm nay, nhưng chưa đạt đến mức công nghệ như của Israel hay Mỹ, do đó hợp đồng 50 triệu dollar này được trông đợi sẽ giúp các kỹ sư của họ có nhiều kinh nghiệm hơn.

Nepal - Hối lộ hoàng gia

Năm 2001, thái tử Nepal Dipendra đã thực hiện một vụ thảm sát hoàng gia làm rúng động cả thế giới, giết chế vua và hoàng hậu cùng 7 thành viên khác trong gia đình trước khi tự sát. Lí do chính được cho là việc thái tử bị ngăn cấm kết hôn với một cô gái mình thích và đang say rượu và phê thuốc trong đêm đó. Mới đây, một người anh em họ của Dipendra vừa tiết lộ thêm một lí do là việc vua cha từ chối một thương vụ trang bị súng trường G36 cho quân đội mà sử dụng M16. Việc này khiến cho Dipendra mất trắng khoản lót tay 15 triệu dollar. Sau vụ thảm sát ít lâu, chế độ quân chủ ở Nepal cũng biến mất.

Thách thức cho công nghệ đánh chặn giai đoạn đầu





Theo như bản đề nghị ngân sách quân sự cho năm tài khóa 2010 mới đây của bộ trưởng BQP Mỹ Robert Gates, chương trình phòng thủ tên lửa có tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Theo đó, các hệ thống phụ trách việc đánh chặn trong giai đoạn giữa và giai đoạn cuối không bị ảnh hưởng. Nhưng các công nghệ thử nghiệm dùng trong việc tiêu diệt tên lửa trong giai đoạn đầu khi nó vừa phóng lên sẽ tạm dừng.

Trong phòng thủ tên lửa, có 3 giai đoạn để đánh chặn: khi nó vừa phóng lên, trong giai đoạn giữa khi nó đang ở trong không gian và giai đoạn cuối khi đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển. Hiện nay Mỹ đang có những hệ thống hiệu quả trong việc phòng ngự ở hai giai đoạn sau.

Đảm nhận việc chống tên lửa trong giai đoạn giữa là hệ thống GMD và Aegis. GMD là tên gọi mới của hệ thống NMD trước đây, các tên lửa được đặt tại Alaska và California, trong tương lai có thể có thêm ở châu Âu. Còn hệ thống phòng thủ trên biển kết hợp tên lửa SM-3 và hệ thống phòng không Aegis. Cả 2 hệ thống này đều sử dụng cơ chế tiêu diệt bằng động năng. Nghĩa là đầu đạn không mang theo thuốc nổ mà nó sẽ lao thẳng vào mục tiêu. Hệ thống này sẽ được mở rộng với thêm 6 tàu chiến được trang bị Aegis.

Phòng thủ giai đoạn cuối là công việc của tên lửa Patriot PAC-3 và THAAD, trong đó THAAD có tầm xa hơn, còn Patriot sẽ là lớp phòng thủ cuối cùng.

Tuy vậy, hiện có hệ thống chuyên dùng trong giai đoạn đầu vẫn dừng ở mức công nghệ thử nghiệm. Theo lý thuyết, ở giai đoạn này, tên lửa đang bay lên, tốc độ chậm hơn 2 giai đoạn sau nên sẽ dễ đánh chặn hơn, và khi đó nó vẫn ở trong lãnh thổ đối phương. Tuy vậy, vì khoảng cách xa nên việc phát hiện kịp thời và phản ứng đủ nhanh không phải là chuyện dễ. Hai chương trình thử nghiệm là Hệ thống laser trên không ABL và KEI.

ABL kết hợp một nguồn phát tia laser hóa học khổng lồ vào trong một máy bay Boeing 747. Tổ lái gồm 4 người, nó hoạt động ở độ cao khoảng 15km, 6 cảm biến hồng ngoại của nó, 1 ở phía trước, 1 phía sau và 2 cho mổi bên, sẽ tìm kiếm mục tiêu là các tên lửa khi nó vừa mới rời bệ phóng. Một khi mục tiêu bị phát hiện, ABL sẽ phát ra 3 tia laser để theo dầu mục tiêu, tính toán khoảng cách và hướng đi. Tia đầu tiên sẽ cung cấp thông tin để theo dấu tên lửa. Tia thứ 2 quyết định điểm nhắm bắn. Tia thứ 3 cung cấp thông tin về độ nhiễu loạn của vùng khí quyển quanh đó để máy tính xác định mức bù trừ.

Cuối cùng, ABL sẽ phát ra tia laser hóa học năng lượng cao oxy iot (COIL) từ mũi máy bay. Sau khoảng 3-5 giây, lớp vỏ tên lửa sẽ bị thủng và tên lửa nổ tung. Một trong những lí do khiến chương trình bị trễ hạn và vượt ngân sách là vấn đề rung động của chiếc 747. Những rung động nhỏ gây ra bởi động cơ máy bay này trong điều kiện bình thường thì không đáng kể, nhưng khi trên máy bay là một nguồn phát laser lớn với yêu cầu rất cao về độ chính xác thì đó là vấn đề lớn. Ngoài ra, công nghệ cốt lõi của nó, laser hóa học, tuy có thể tạo ra năng lượng rất lớn, nhưng có nhược điểm là cồng kềnh, nguy hiểm và tốn kém. Công nghệ laser năng lượng điện hứa hẹn sẽ có nhiều tiềm năng hơn.

KEI là bao gồm các tên lửa được trang bị trên các giàn phóng di động, giống như Patriot, có thể được chuyên chở bằng máy bay đến gần biên giới các quốc gia thù địch. Hoặc nó có thể gắn trên tàu chiến. Cần khoảng 3 giờ để triển khai một khẩu đội 5 giàn phóng với 10 tên lửa. KEI sử dụng tên lửa có sơ tốc rất lớn, 36,000km/h, gấp gần 3 lần các tên lửa thông thường. Đầu đạn của nó cũng kết hợp công nghệ của GMD và SM-3 dùng động năng của sự va chạm để tiêu diệt mục tiêu.

Việc ngừng các chương trình ABL và KEI không có nghĩa là việc bắn chặn tên lửa trong giai đoạn đầu không được xem trọng nữa, vấn đề chỉ là cần có những công nghệ mới đáng tin cậy hơn.

9.4.09

Mig-31 cho Syria và tác động tới cán cân quân sự Trung Đông

Mig-31
Mig-25


Tháng 6/2007, báo chí Nga đưa tin về hợp đồng mua 5 chiếc máy bay đánh chặn Mig-31 của Syria. Cho tới gần đây vẫn không có thông tin chính thức nào khẳng định vụ mua bán. Tuy vậy, một quan chức cấp cao của Cục tình báo quốc phòng Mỹ trong một cuộc điều trần ở QH đã xác nhận rằng việc Syria nhận Mig-31 chỉ là vấn đề thời gian. Ngoài ra, còn có thể có thêm Mig-29M/M2 với tính năng gần giống với mẫu mới nhất Mig-35.

Tổng giá trị của hợp đồng vào khoảng 1 tỷ dollar. Thực chất thì Syria chỉ được sử dụng như tấm bình phong, người chi tiền là Iran. Trong nhiều năm qua, Iran chịu lệnh cấm vận về vũ khí, trong khi Syria thì không. Do đó, Iran thường đi đường vòng. Họ chuyển tiền cho Syria mua vũ khí và ký các hiệp ước hợp tác quân sự với Syria. Vũ khí sau khi mua về mặc dù vẫn ở tại Syria nhưng Iran sẽ đưa người qua đó tham gia huấn luyện theo khuôn khổ các hiệp ước quân sự đã ký. Như vậy thì bản thân nước bán vũ khí cũng không bị 'khó xử' mặc dù họ cũng thừa biết tiền là từ đâu.

Mig-31 được phát triển lên từ Mig-25, loại máy bay đánh chặn nổi tiếng xuất hiện từ những năm 60. Bản thân Mig-25 được chế tạo với mục đích rất cụ thể là đánh chặn loại máy bay ném bom siêu thanh B-70 của Mỹ, lúc đó đang trong quá trình phát triển. B-70 được cho là có thể đạt tốc độ trên Mach 3 và có thể vượt qua các hệ thống phòng không của LX. Do đó chiếc Mig-25 được chế tạo với những khả năng mà các máy bay thời đó không có. Nó có khả năng đạt tốc độ tối đa gần Mach 3, có thể đạt đến độ cao tối đa gần 40km chỉ trong 4 phút. Dự án B-70 sau đó bị hủy bỏ nhưng Mig-25 thì được duy trì và được sử dụng trong vai trò của máy bay trinh sát và đánh chặn.

Khi mới xuất hiện, các thông số ấn tượng của nó đã gây sốc và kinh ngạc ở phương Tây. Đặc biệt là sau khi nó được sử dụng lần đầu ở Trung Đông đầu những năm 70. Khi đó LX gửi Mig-25 đến hỗ trợ cho Ai cập trong vai trò máy bay trinh sát. Nó có thể bay ngay trên thủ đô Tel Aviv của Israel mà các hệ thống phòng không và chiến đấu cơ F-4 Phantom của Mỹ mà không lực Israel đang sử dụng đều không thể ngăn chặn được.

Tuy vậy, vào tháng 9/1976, một phi công LX, Viktor Belenko, đào ngũ và lái 1 chiếc Mig-25 qua Nhật. Nhờ đó, ngườ Mỹ có cơ hội xem xét chiếc máy bay này một cách kỹ càng. Họ phát hiện ra rằng nó cũng có nhiều nhược điểm. Radar sử dụng công nghệ của những năm 50, với bóng đèn chân không thay vì chip bán dẫn. Nếu vượt quá Mach 2.5, động cơ của nó sẽ bắt đầu tan chảy. Tầm hoạt động rất ngắn. Và mặc dù LX nắm giữ phần lớn trữ lượng titan trên thế giới, Mig-25 lại được chế tạo chủ yếu bằng thép, và thậm chí sử dụng cả đinh rivet. Ngoài ra, mặc dù có tốc độ tối đa rất cao, nhưng khả năng cơ động của nó rất kém, chỉ chịu được gia tốc khoảng 2G. Để so sánh, đa số các chiến đấu cơ hiện nay đều có giới hạn là 9G.

Mig-25 được thiết kế như một máy bay 'đánh chặn' chứ không phải một máy bay tiêm kích. Nghĩa là vai trò chính của nó là bảo vệ vùng trời rộng lớn của LX khỏi các máy bay ném bom, máy bay trinh sát hay tên lửa hành trình của NATO chứ không phải để không chiến với các chiến đấu cơ khác. Thực tế chiến đấu cho thấy Mig-25 đều thất bại cho phải giao chiến với F-15. Không quân Israel sử dụng F-15 bắn hạ 2 Mig-25 của Syria năm 1981. Năm 1991, trong chiến dịch Bão táp sa mạc, F-15 của không lực Mỹ bắn hạ 2 Mig-25. Cả 4 đều bằng tên lửa Sparrow. Thêm 2 chiếc nữa bị hạ bởi F-16, sử dụng AMRAAM lần đầu tiên trên chiến trường.

Tuy vậy, vai trò và khả năng của Mig-25 là không thể phủ nhận. Trong vai trò đánh chặn của mình, tại những khu vực ở LX có triển khai Mig-25, các hoạt động xâm nhập của máy bay do thám NATO giảm đáng kể. Trong chiến tranh Iran-Iraq, Mig-25 của Iraq được sử dụng vài lần để ném bom Tehran và cũng có vài lần đụng độ kinh điển với F-14 mà Mỹ bán cho Iran trước cuộc cách mạng hồi giáo 1979. Trong một lần như vậy, F-14 phát hiện ra Mig-25 và khai hỏa trước. Mig-25 không nhận ra mình đang bị nhắm bắn cho đến khi F-14 liên lạc với tên lửa để cập nhật vị trí của mục tiêu. Tín hiệu chỉ mở trong 2 giây nhưng bị hệ thống cảnh báo của Mig-25 phát hiện. Phi công Iraq lập tức kích hoạt nhiễu và quay đầu tăng tốc bay thoát khỏi tầm tác chiến của tên lửa. Sau này, Mig-25 cũng vài lần thoát khỏi tên lửa của F-15 và F-14 của không quân và hải quân Mỹ nhờ vào tốc độ của mình.

Trong ngày thứ hai của chiến tranh vùng vịnh, 20/1/1991, một chiếc Mig-25 bắn hạ một chiếc F-18 của hải quân Mỹ. Đó là thành tích duy nhất của không quân Iraq trong cả cuộc chiến.

Mig-31 được phát triển lên từ Mig-25. Tốc độ tuy giảm xuống nhưng hệ thống điện tử được cải tiến rất nhiều. Tuy vậy, khả năng cơ động vẫn không ấn tượng, với mức giới hạn 5G. Mig-31 là mẫu máy bay đầu tiên trên thế giới sử dụng radar quét điện tử thay vì quét cơ như trước, có tầm hoạt động 200km và theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc. Nó còn có thể đóng vai trò như một mini AWACS, máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không, phối hợp hoạt động của các máy bay khác gần đó. Nếu như Mig-25 chỉ có thể hoạt động tốt ở độ cao lớn thì Mig-31 vẫn có thể hoạt động ở độ cao thấp, trung bình.

Câu hỏi đặt ra là liệu sự xuất hiện của Mig-31 có làm thay đổi cán cân quân sự hiện nay ở Trung Đông, đặc biệt là không lực?

Không quân Israel trong mọi cuộc xung đột trước đây đều chiếm ưu thế và là tiền đề cho chiến thắng chung của quân đội Do thái. Và kể từ sau khi nhận các máy bay thế hệ thứ tư, F-15, F-16, thì ưu thế này trở nên tuyệt đối. Trong chiến dịch 'Hòa binh cho Galilee' giữa Israel và Syria trên đất Lebanon, tỷ lệ không chiến là 80-0, không quân Israel tiêu diệt 80 máy bay đối phương và không mất chiếc nào trong không chiến.

Ngày 6/7/1981, F-16 và F-15 của Israel thực hiện một cuộc đột kích ngoạn mục và phá hủy lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Iraq và chấm dứt giấc mơ hạt nhân của Saddam. Năm ngoái, thêm một cuộc đột kích như vậy, và thêm một cơ sở hạt nhân của Syria hóa thành tro bụi. Và cũng như lần trước, các máy bay Israel ra vào như chỗ không người. Đầu năm nay, không quân Israel tấn công một đoàn xe chở tên lửa của Iran cho Hamas trên lãnh thổ Sudan.

5 chiếc Mig-31 rõ ràng không thể làm gì để chấm dứt sự thống trị của không quân Israel. Với tổng số 5 chiếc thì chỉ khoảng 3 chiếc là sẵn sàng chiến đấu tại một thời điểm bất kỳ, giả sử một tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu 60%. Với số lượng quá ít, lại không có được sự hỗ trợ từ các phương tiện khác tương ứng (AWACS, máy bay tiếp dầu v.v…) và chênh lệch trình độ giữa phi công Israel và Syria, Iran.

Tuy vậy, chắc chắn nó sẽ khiến cho Israel gặp khó khăn hơn trong việc lập kế hoạch. Syria/Iran có thể sử dụng Mig-31 trong vai trò AWACS mini, hoặc trong vai trò bảo vệ các cơ sở hạt nhân thay cho S-300 mà phía Nga vẫn chần chừ chưa giao cho Iran. Nhưng nói chung, mục đích chính có thể là nhằm ngăn chặn những cuộc đột kích như trên của không quân Israel, làm cho chúng khó khăn hơn. Số Mig-31 có thể được dùng để chặn đánh các máy bay Israel trên đường quay về sau khi đã thực hiện nhiệm vụ.

8.4.09

Đường chân trời của radar

Do bề mặt cong của trái đất, luôn có một giới hạn thị giác về những gì ta có thể nhìn thấy. Giới hạn đó là đường chân trời, và nó phụ thuộc vào vị trí quan sát. Tương tự, sóng radar cũng có giới hạn đường chân trời, nếu mục tiêu ở ngoài giới hạn đó thì tín hiệu radar không thể truyền tới đó. Tuy vậy, vì khả năng lan truyền của tín hiệu radar mà giới hạn chân trời của radar sẽ xa hơn giới hạn thị giác.

Công thức chung để xác định một cách tương đối khoảng cách từ radar đến 'đường chân trời' của mình là:

R = 1.23 * (H)^1/2

Trong đó R là khoảng cách từ bộ phát tín hiệu đến giới hạn chân trời, đơn vị là Hải lý. H là độ cao của bộ phát so với mực nước biển, đơn vị là ft (=0.305m)

Còn tính khoảng cách xa nhất của 1 mục tiêu mà radar có thể thấy được:

R = 1.23 * [(H)^1/2 + (H')^1/2]

Trong đó H' là chiều cao hay độ cao của mục tiêu so với mực nước biển.

Các công thức trên chỉ mang tính tham khảo.

Trong trường hợp xác định giới hạn thị giác ta thay thế hệ số 1.23 trong 2 công thức trên bằng 1.06.

Giới hạn đường chân trời của radar là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tầm hoạt động của một hệ thống phòng không. Kết hợp giữa giới hạn này và các chỉ số tối đa và tối thiểu của tầm và độ cao tác chiến cho ta một sự đánh giá rõ ràng hơn về khả năng của hệ thống đó.

Lấy ví dụ hệ thống phòng không S-300PM của Nga. Các thông số về khả năng tác chiến của nó như sau:

Tầm từ 3 - 200km
Độ cao (mục tiêu) từ 10 - 27,000m.

Tuy vậy ta phải kết hợp với tính toán về giới hạn đường chân trời để cho ra chính xác vùng không gian mà hệ thống có thể bao quát.

Giả sử radar được đặt ở sát mực nước biển, khi đó giới hạn chân trời tương ứng với một mục tiêu ở độ cao 10m, là độ cao tối thiểu mà hệ thống có thể tác chiến, là 13km. Còn để đạt được tầm bắn xa nhất, 200km, thì mục tiêu khi đó phải ở khoảng cách tối thiểu 2350m.

Khi ta đặt bộ phát radar lên bộ giá đỡ thì các con số sẽ thay đổi. Ví dụ nếu ta sử dụng bộ 40V6, độ cao 23.8m, thì hệ thống có thể nhắm bắn một mục tiêu ở độ cao 10m từ khoảng cách 33km, thay vì 13km. Nếu dùng 40V6M, cao 38.8m thì con số này là 39km.

Ngược lại, độ cao tối thiểu của mục tiêu để S-300 phát huy tầm bắn tối đa 200km của mình giảm từ 2350m xuống còn 1900 và 1800m.

Hình dưới đây mô tả giới hạn tác chiến thực tế của S-300, trong điều kiện radar đặt ngang mực nước biển. Nếu theo các chỉ số của hệ thống thì giới hạn này trong hình trên sẽ là toàn bộ phần hình chữ nhật giới hạn bởi các cạnh '0-200' (ngang) và '10-27,000' (dọc). Tuy vậy, do yếu tố giới hạn chân trời mà vùng không gian tác chiến thực tế sẽ là phần diện tích giới hạn bởi đường màu xanh lục.


Lấy ví dụ về hệ thống phòng không quanh Kalinigrad, sử dụng S-300PS, tầm bắn tối đa 90km. Theo đó có 5 vị trí đặt radar với độ cao so với mực nước biển khác nhau, một số có gắn trên cột.

Đông Bắc: 83m, 40V6
Tây Bắc: 42m, 40V6
Trung tâm: 11m, 40V6
Đông Nam: 38m, ngang mặt đất
Tây Nam: 1m, ngang mặt đất

Theo hình dưới, các vòng tròn đó biểu thị tầm bắn tối đa, các vòng tròn trắng, nhỏ hơn, biểu thị tầm hoạt động thực tế khi tính tới yếu tố giới hạn đường chân trời.





6.4.09

Giờ phán quyết

Trong vài tiếng nữa, vào lúc 13:30 giờ Washington, 00:30 giờ Hà Nội, Bộ trưởng BQP Mỹ Robert Gates sẽ tuyên bố về việc những chương trình vũ khí nào sẽ bị cắt giảm và giảm như thế nào.

F-22: có thể ngừng chương trình ở mức 183 chiếc, hoặc thêm 20 chiếc. Khả năng thứ 2 là lớn hơn.

F-35: gần như không cắt giảm ngân sách, thậm chí có thể là tăng tốc chương trình.

Hệ thống tác chiến tương lai (FCS) của lục quân, một chương trình tham vọng chế tạo 8 loại xe cơ giới mới gọn nhẹ và tự động hơn, cùng với việc tăng cường khả năng nối mạng giữa các đơn vị với nhau: chắc chắn sẽ có cắt giảm.

Máy bay tiếp nhiên liệu: Ban đầu liên danh Airbus - Lockheed Martin trúng thầu dự án hàng trăm tỷ dollar này. Nhưng do Boeing phản đối quyết liệt, hiện đang có khả năng cả 2 nhà thầu cùng tham gia.

Tàu sân bay: có thể giảm xuống 10 chiếc. Chiếc Enterprise, 'siêu hàng không mẫu hạm' đầu tiên, sắp tới hạn thay nhiên liệu, có thể tốn cả tỷ dollar. Thay vào đó, nó có thể được cho nghỉ hưu.

DDG-1000, dự án tàu khu trục tàng hình, trang bị những công nghệ cực kỳ tiên tiến, bao gồm cả vũ khí năng lượng (laser, pháo điện từ), nhưng do Hải quân đang có ưu tiên cao hơn cho hệ thống phòng thủ tên lửa, nên nó có thể bị hy sinh.

LCS, loại tàu chiến mới được thiết kế riêng cho tác chiến ở vùng duyên hải gần bờ: gần như sẽ có thay đổi. Hiện đang có 2 mẫu cạnh tranh nhau: loại thân đơn và 3 thân.

Phòng thủ tên lửa: sau vụ thử của Bắc Hàn, hệ thống này có thêm hy vọng sẽ không bị cắt giảm quá nhiều.

Cập nhật

Theo Bộ trưởng Gates, 3 mục tiêu chiến lược của lần cải tổ ngân sách (trong năm tài khóa 2010) này sẽ là:

Tiếp tục hỗ trợ lực lượng vũ trang chuyên nghiệp (hoàn toàn tình nguyện).
Cân bằng ngân sách
Cải tổ mạnh mẽ cách thức các hợp đồng quốc phòng được thực hiện.

Cụ thể:

Tiếp tục việc tăng quân số lục quân và thủy quân lục chiến, ngừng quá trình cắt giảm nhân sự của hải quân và không quân. Tiếp tục tăng ngân sách cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, nhà ở cho quân nhân và gia đình.

Tăng khả năng thu thập thông tin tình báo, trinh sát, thám sát. Lực lượng UAV tăng thêm.
Thêm nửa tỷ dollar để tăng cường lực lượng trực thăng. Tăng ngân sách cho việc hợp tác quốc tế.

Tiếp tục chương trình LCS, cam kết tổng số 55 chiếc. Giảm số lực đoàn lục quân từ 48 xuống 45.

F-22 chỉ tăng 4 chiếc, từ 183 lên 187. Chương trình F-35 không thay đổi, với tổng số hơn 2400 chiếc. Thêm 31 chiếc F-18E/F.

Về chương trình phòng thủ tên lửa, các hệ thống THAAD, SM-3, PAC-3 vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm. Thêm 6 tàu chiến được trang bị Aegis.

Tăng cường khả năng phòng thủ trong không gian điều khiển (cyber space) với 250 sinh viên mới/năm.

Số tàu sân bay sẽ giảm xuống 10 chiếc sau 2014. Hoãn chương trình tuần dương hạm CG-X. Hoàn tất việc sản xuất máy bay vận tải hạng nặng C-17 với 205 chiếc.

Bắt đầu việc thay thế tàu ngầm chiến lược Ohio. Hoãn việc ra quyết định về chương trình NGB. Trong đóng tối đa 3 chiếc DDG-1000, tái khởi động việc sản xuất DDG-51.

FCS: giữ lại các chương trình liên quan đến công nghệ kết nối. Nhưng hủy các chương trình xe cơ giới và thiết giáp mới.

Các con số trên áp dụng trong năm tài khóa 2010.

Al-Khalid, Type 98 và T-90 thống trị thị trường xe tăng mới

Theo một bản nghiên cứu mới đây, thị trường thế giới sẽ cần 6500 chiếc xe tăng chủ lực từ nay tới 2018, với tổng giá trị 26.8 tỷ dollar. Tuy vậy, nghiên cứu này không bao gồm giá trị các hợp đồng hiện đại hóa, nâng cấp các hệ thống hiện có. Con số này có thể rất đáng kể.

Ví dụ như chỉ riêng hợp đồng nâng cấp số tăng M1 trong năm 2008 của BQP Mỹ là 1.46 tỷ dollar, gần bằng 1 nửa tổng số tiền chi ra để mua xe tăng mới trong năm đó, 3.17 tỷ. Trong đó, mẫu xe tăng 98 của TQ là đơn hàng có số lượng lớn nhất với 116 xe, giá trị 395.79 triệu dollar.

Do đó, bản báo cáo cho rằng số hợp đồng mua các xe tăng thuộc hàng hi-end sẽ không nhiều, chủ yếu là nâng cấp số xe hiện có. Ngược lại, những mẫu tầm trung, giá rẻ sẽ chiếm ưu thế.

Theo đó, Al Khalid của Pakistan, kiểu 98 của TQ và T-90 của Nga (bao gồm T-90S của Ấn độ sản xuất theo nhượng quyền) sẽ chiếm tới 60.57% tổng số xe tăng mới, nhưng chỉ chiếm 52.28% tổng giá trị.

Thời mà sự thống trị của Mỹ và châu Âu với thị trường xe tăng mới đã qua từ lâu. Tuy vậy danh tiếng và uy tín của họ vẫn còn sức nặng. Những sản phẩm như Leo 2 của Đức với trình độ công nghệ vượt trội hay M1 Abrams của Mỹ với hiệu quả được kiểm chứng trên thực tế chiến trường vẫn đặt ra những tiêu chuẩn cho thị trường.

Chỉ quan trọng thứ nhì, sau bộ binh, trong các lực lượng trên bộ, xe tăng vẫn luôn chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình trên chiến trường cho dù trong lịch sử đã không ít lần sự tồn tại của nó bị đặt trên bàn cần. Nhưng rồi thực tế vẫn chứng minh rằng xe tăng là một phần không thể thiếu của lục quân. Những cuộc chiến gần đây càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng đó. Cuộc chiến vùng Vịnh lần 2 và các chiến dịch bình định Iraq những năm sau đó đã cho thấy xe tăng hóa ra lại rất thích hợp với chiến tranh đô thị. Điều này trái ngược với các học thuyết quân sự cũ khi cho rằng thiết giáp quá nặng nề và kém linh hoạt trong môi trường đô thị. Nhưng các chiến dịch của quân đội Israel và Mỹ đã cho thấy xe tăng không chỉ 'thích hợp' mà còn 'không thể thiếu' đối với tác chiến đô thị.

Kiểu 98 của TQ được trang bị pháo nòng trơn 125mm, cơ chế nạp đạn tự động, cả 2 đều copy từ T-72 của Nga. Tốc độ bắn tối đa 8 viên/phút, tổng số đạn 41 viên. Nó có khả năng phóng tên lửa chống tăng từ nòng súng, ví dụ như AT-11 của Nga mà TQ có bản quyền để sản xuất, nhưng chỉ dùng được khi xe tăng đứng yên. Nó có thể dùng để chống trực thăng. Tầm bắn 4-5km.

Thân và tháp pháo đều dùng hàn, không sử dụng đinh rivet. Xe được bảo vệ khỏi phóng xạ và sinh hóa, cùng với hệ thống dập lửa. Ngoài ra, nó có hệ thống bảo vệ chủ động bằng laser, dùng tia laser để làm 'lóa' cảm biến nhiệt của tên lửa, cũng như làm tổn thương mắt của đối phương nếu chiếu vào thiết bị quang học. Khung gầm của nó cũng gần như giống với T-72. Động cơ Diesel 1200 mã lực.

Xe nặng 48 tấn, tổ lái 3 người, tốc độ tối đa 65km/h, tầm hoạt động 450-600km. Vượt dốc 40%, chướng ngại vật cao 0.8m, hào rộng 3m, lội nước 1.2m, 5m nếu có trang bị ống thông khí.

Al-Khalid là sản phẩm hợp tác giữa Pakistan và TQ. Nó cũng có cơ chế nạp đạn tự động. Trang bị giáp liên hợp và phản ứng nổ. Hệ thống ngắm bắn có nguồn gốc phương tây, hoàn toàn vi tính hóa. Động cơ diesel 1200 mã lực do Ukraina cung cấp, giống với loại trang bị trên T-80UD. Al Khalid có bộ nguồn phụ trợ, cung cấp điện khi động cơ không hoạt động. Nó có hệ thống cảnh báo laser tiên tiến.

Al Khalid cũng được trang bị pháo 125mm, cơ số đạn 39 viên. Các thông số về khả năng cơ động gần giống 98.


T-90 được phát triển lên từ T-72, với khung gầm và tháp pháo. Nhưng được trang bị hệ thống vũ khí của T-80U. Thân xe được hàn từ nhiều lớp vật liệu, với giáp phản ứng nổ bên trong. Hệ thống áp chế Shtora-1 gây nhiễu cho tên lửa chống tăng có điều khiển.

Pháo nòng trơn 125mm, có thể phóng tên lửa chống tăng AT-11B, nạp đạn tự động. Tổ lái 3 người, động cơ diesel 840 mã lực, bộ nguồn dự phòng.

Xe nặng 46.5 tấn, tốc độ tối đa 60km/h, tầm 550km.



5.4.09

Bắc Hàn phóng tên lửa - Cập nhật




09:30h sáng nay, giờ VN, Bắc Hàn đã thực hiện vụ phóng tên lửa mà cộng đồng quốc tế đã lo ngại từ lâu. Không có cuộc đánh chặn nào từ Nhật Bản hay Mỹ.
Theo thông báo mới đây của Bộ tư lệnh Bắc Mỹ thì vụ thử nghiệm đã thất bại. Tầng 1 của tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản, tầng 2 cùng với khoang chứa hàng (vệ tinh-theo lời Bắc Hàn) rơi xuống Thái Bình Dương. Không có vật thể nào đi vào không gian, không có mảnh vụn nào rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.