7.3.09

UAV của lục quân với chiến tích đầu tiên

Warrior Alpha
Viper Strike

Hunter


Cuối tháng trước, một chiếc UAV Warrior-Alpha thuộc đội công tác đặc biệt ODIN đã bắn quả tên lửa đầu tiên trên chiến trường, mục tiêu là một nhóm phiến quân đang giao chiến với lực lượng liên quân ở Diyala, Afghanistan và đã tiêu diệt toàn bộ mục tiêu. Warrior là UAV đầu tiên của lục quân Mỹ được trang bị vũ khí, điều mà các UAV của không quân đã làm trước đó.

Warrior- Alpha được phát triển lên từ mẫu UAV nổi tiếng Predator. Được sử dụng lần đầu ở Iraq năm 2007, nó chủ yếu đóng vai trò trinh sát, thám sát. Với thời gian hoạt động liên tục đến 36 tiếng, Warrior rất thành công trong nhiệm vụ của mình. Một khi mục tiêu đã được xác định, trực thăng vũ trang hoặc phản lực cơ chiến đấu sẽ được gửi tới để tiêu diệt. Bây giờ thì nó có thể tự mình tấn công mục tiêu.

Warrior không phải là UAV duy nhất lục quân Mỹ trang bị vũ khí, họ đang trang bị lại cho Hunter, một loại UAV cũ hơn, để nó có thể mang theo bom lượn Viper Strike.

Viper Strike là một loại bom nhỏ, kết hợp giữa dẫn đường bằng vệ tinh và laser, có độ chính xác rất cao, dưới 1m. Được trang bị bộ cánh lớn, cứ mỗi 1m khi rơi xuống, nó sẽ lượn đi xa 10m.

Giả lập đánh bom tự sát



Khi quân đội Mỹ tập luyện, họ thường dùng tia laser để giả lập đường đạn hoặc pháo. Nhưng ngày nay, trong điều kiện thực tế, người lính còn phải đối phó với những nguy cơ ít tính quy ước hơn, ví dụ như những tên khủng bố đánh bom liều chết, do đó hải quân Mỹ vừa tài trợ cho một sáng chế giả lập một áo mang bom là các thành viên cảm tử hay sử dụng.

Trong những năm 70, đầu 80, quân đội Mỹ phát triển MILES, viết tắt của Hệ thống tác chiến laser tích hợp đa điểm, dùng cho huấn luyện. Mỗi khẩu súng sẽ được trang bị 1 đầu phát tia laser, tia laser đó sẽ chứa thông tin về người bắn, loại vũ khí, loại đạn sử dụng. Những người lính và phương tiện tham gia huấn luyện sẽ được gắn những cảm biến laser, cho phép nhận và phân tích thông tin về 'phát súng' nếu bị bắn trúng để quyết định mức độ thiệt hại.

Sáng chế này sử dụng một bộ quẩn áo được gắn nhiều nguồn phát sáng, vd như LED, có thể phát ra tín hiệu MILES thích hợp ra nhiều hướng trong không gian xung quanh. Những cảm biến quanh đó sẽ nhận những tín hiệu đó, đo khoảng cách và quyết định mức độ thiệt hại mà quả bom sẽ gây ra ở tại điểm đặt cảm biến. Những hệ thống giả lập trước kia chỉ tạo ra hiệu ứng khói và âm thanh.

Ngoài ra, nó còn có thể được sử dụng để huấn luyện cách vô hiệu hóa một tên khủng bố. Bản thân trên chiếc áo bom có gắn những cảm biến laser, do đó khi người lính nhắm bắn vào đó, họ sẽ biết rằng phát súng đó đã đủ để vô hiệu hóa kẻ đánh bom hay chưa.

6.3.09

Bộ định vị đồng đội


Người Anh vừa phát triển thành công một hệ thống theo dõi và định vị các đơn vị trên bộ của mình, GrATS. Hệ thống đầu tiên thuộc loại này là BFT, Blue Force Tracker, mà người Mỹ đem vào sử dụng tại Iraq vài năm trước đây. Hiện nay, BFT 2 đang chuẩn bị được triển khai.

Những hệ thống như vậy có 2 mục đích chính. Nó cung cấp cho người chỉ huy thông tin chính xác về vị trí quân của mình trên chiến trường. Thứ hai, nó giúp giảm thiểu nguy cơ bắn nhầm vào đồng đội, đặc biệt là hỏa lực không đối đất.

Trong những tháng đầu tiên của chiến dịch xâm lăng Iraq, 2003, BFT, lúc đó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, được cấp tốc đưa ra chiến trường. Bất cứ ai với laptop, bộ thu tín hiệu vệ tinh, phần mềm chuẩn và mã truy cập đều có thể nhìn thấy vị trí hiện tại của mọi người dưới dạng những biểu tượng nhấp nháy trên bản đồ.

BFT là một thành công lớn ngay khi vừa được giới thiệu, người Mỹ sản xuất thêm 50,000 đơn vị nữa. Tuy vậy, vẫn có 1 số vấn đề phát sinh. Lớn nhất là sự chậm trễ trong việc cập nhật thông tin, có thể đến 5 phút. Hoặc là những mục tiêu cố định của đối phương, ví dụ như bãi mìn, bom tự tạo, không được hiển thị một cách chính xác. Khi mà người lính phải đối phó với những quả bom cài bên đường không hề tồn tại cho dù BFT hiển thị là có thì niềm tin của họ vào hệ thống bị suy giảm.

Nay thì quân đội Mỹ tin rằng họ đã có thể khắc phục được những tồn tại trên. Ví dụ như thời gian cập nhật thông tin rút xuống còn 10 giây. BTF2 cho phép người dùng gửi thông tin cho nhau dễ dàng hơn, bao gồm cả file đính kèm. Nó cho phép BTF2 được sử dụng trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động.

Dự kiến sẽ có tối đa 120,000 thiết bị BTF2 được đặt hàng. GrATS sẽ có tính năng gần tương tự BTF2.

4.3.09

F-22 vs. EA-18 hay USAF vs. USN


Chiếc EA-18G với biểu tượng của F-22

Hình ảnh về chiếc F-22 bị đưa vào tầm ngắm (2006)

Ngày 25/2 vừa qua, tại căn cứ không quân Andrew, gần Washington DC, diễn ra một buổi trưng bày cho công chúng các công nghệ điện tử trong không quân. Một trong những ngôi sao của buổi trưng bày là chiếc EA-18G, máy bay tác chiến điện tử mới nhất của Hải quân Mỹ (USN). Tuy vậy, điều đặc biệt nhất là dưới buồng lái của nó có hình biểu tượng của một chiếc F-22. Đó là vị trí người ta thường để biểu tượng của những chiếc máy bay đối phương bị chiếc máy bay đó hạ trong chiến đấu, hoặc nếu biểu tượng là hình 1 quả bom thì nó tượng trưng cho 1 phi vụ oanh kích. Người ta chỉ được cho biết rằng đó là do chiếc EA-18G này vừa 'bắn hạ' một chiếc F-22 trong tập trận bằng một tên lửa AMRAAM tại căn cứ Nellis. Tuy vậy, không ai tiết lộ rằng liệu có phải nhờ vào khả năng gây nhiễu của các thiết bị tác chiến điện tử mà chiếc EA-18G có thể giành chiến thắng không.

Tất nhiên, bình thường thì không ai tính một 'kill' trong huấn luyện vào thành tích của máy bay. Nhưng F-22 là chiến đấu cơ tân tiến nhất hiện nay, với khả năng vượt trội các đối thủ cả về khả năng cơ động, radar, hệ thống điện tử, và đặc biệt là khả năng tàng hình. Hạ được một chiếc F-22, cho dù là trong tập trận, là mơ ước của mọi phi công. Mặc dù không có con số chính thức, người ta ước tính F-22 có thể giành những chiến thắng với tỷ lệ tổn thất từ 80-0 đến 188-1 khi tham gia huấn luyện với các máy bay khác của không lực Mỹ. Và cái biểu tượng kia có lẽ cũng chỉ để trưng bày và kỷ niệm một sự kiện đặc biệt này và sau đó sẽ được xóa.

Một trong những nguyên nhân khác có thể nằm trong sự 'cạnh tranh' ngầm giữa hải quân (USN) và không quân Mỹ (USAF) bấy lâu nay. Hải quân vẫn thường tự hào rằng các phi công của mình, vốn hoạt động từ tàu sân bay, có kỹ năng thậm chí còn tốt hơn chính các phi công không quân. Và rõ ràng họ rất muốn được chứng minh rằng máy bay của mình đã bắn hạ được đứa con cưng của không quân.

Một chi tiết nữa là cách đây gần 3 năm, cộng đồng quân sự cũng có một lần xôn xao khi một bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy một chiếc F-22 trong quá trình tập trận đã bị một chiếc F-18E của hải quân đưa vào tầm ngắm của súng đại liên gắn trên máy bay, hàm ý rằng chiếc F-22 này đã bị chiếc F-18E 'bắn hạ'. EA-18G là một phiên bản đặc biệt của F-18E.

1.3.09

Growler

EA-18G


F-18E


EA-6B






EA-18G 'Growler', một phiên bản đặc biệt của F-18E Super Hornet, là máy bay tác chiến điện tử mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ. 85 chiếc sẽ được giao trong vòng 4 năm tới. Trong khi đó, Boeing cũng đã phát triển xong bản dùng cho xuất khẩu, Growler Lite.

So với Growler, bản Lite có một số khác biệt. Hệ thống gây nhiễu radar ALQ-99 sẽ không kèm theo, vì công nghệ của nó là tối mật. Thay vào đó là bộ thu nhận tín hiệu ALQ-218 dùng để nghe trộm thông tin của đối phương và bộ gây nhiễu viễn thông ALQ- 227. Nghĩa là bản xuất khẩu sẽ giống với một máy bay do thám điện tử hơn là dùng để gây nhiễu radar như bản chính.

Ngoài ra, bản xuất khẩu vẫn sử dụng radar AESA, vốn cũng có khả năng gây nhiễu, nếu sử dụng phần mềm thích hợp.

EA-18G thay thế cho EA-6B, vốn được sử dụng trong cả hải quân và không quân Mỹ cho vai trò bảo vệ các máy bay khác khỏi radar và tên lửa đối phương. Một máy bay khác có vai trò tương tự là EF-111 đã được không quân cho nghỉ hưu từ 1994.

EA-6B, nặng 27 tấn, có phi hành đoàn 4 người, trong khi EA-18G nặng 29 tấn và phi hành đoàn 2 người. EA-18G có thể mang tới 5 khoang chứa thiết bị điện tử được đeo dưới cánh và thân máy bay thay vào chỗ những vũ khí thông thường. Chúng ta có thể phân biệt giữa F-18E và EA-18G dựa vào điểm này. Ngoài ra, nó còn mang 2 tên lửa chống radar HARM và 2 tên lửa không đối không AMRAAM.

Sau 85 chiếc đầu tiên, hải quân Mỹ sẽ nhận thêm 30 chiếc nữa. Ngay từ bây giờ, cả hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đang nghiên cứu việc chế tạo phiên bản tác chiến điện tử của F-35 hoặc sử dụng UAV.