18.4.09

Predator C Avenger





Thế hệ thứ 3 của một trong những loại UAV nổi tiếng nhất, Predator, vừa chính thức ra mắt công chúng sau nhiều năm được xếp vào hàng dự án bí mật. So với 2 thế hệ trước, Predator và Predator B (Reaper), điểm khác biệt lớn nhất của Predator C là nó sử dụng động cơ phản lực. Đa số UAV sử dụng động cơ cánh quạt, chỉ những loại rất lớn như Global Hawk mới sử dụng động cơ phản lực.

Thiết kế của Predator C lần này nhấn mạnh yếu tố 'tàng hình'. Tải trọng tối đa là 1500kg bao gồm trong khoang chứa kín và treo dưới cánh và thân. Nếu cần tăng khả năng giảm tín hiệu radar thì chỉ khoang chứa kín được sử dụng. Khoang này có thể chứa bom thông minh hoặc dùng để đặt các thiết bị trinh sát, do thám. Ngoài ra, nó còn có thể dùng để chứa thùng nhiên liệu phụ, cho phép tăng thời gian hoạt động từ 20h lên 22h.

Cánh đuôi dạng chữ V giúp giảm tín hiệu radar phản xạ lại và giúp che bớt bức xạ nhiệt từ động cơ phản lực có sức đẩy 2300kg. Cửa hút gió cũng được thiết kế theo các nguyên tắc tàng hình, không cho radar phản xạ vào động cơ bên trong. Tốc độ tối thiểu là 400 hải lý/h.

Avenger được thiết kế với cánh có thể gập được, và có trang bị móc hãm, với mục đích sử dụng trên tàu sân bay, nếu hải quân muốn sử dụng nó.

Thế hệ Predator đầu tiên sử dụng động cơ piston cho phép thời gian hoạt động lâu. Nặng 1 tấn, dài 9m và sải cánh 16m. Nó có 2 điểm treo vũ khí, mỗi cái có thể mang 1 tên lửa Hellfire hoặc tên lửa không đối không Stinger. Tốc độ tối đa 215 km/h. Độ cao tối đa khoảng gần 10km. Mỗi phi vụ kéo dài khoảng 12-20h. Predator được thiết kế với nhiệm vụ chính là trinh sát, do thám mặc dù nó cũng có khả năng mang vũ khí.

Reaper hay Predator B sử dụng động cơ turbine cho phép tăng tải trọng và độ cao hoạt động, nó nặng 4.7 tấn, dài 12m, sải cánh 22m, 6 điểm treo, có thể mang 500 kg vũ khí, bao gồm cả tên lửa đối không AMRAAM, tên lửa đối đất Hellfire, Maverick, hay bom thông minh (laser hay gps). Tốc độ tối đa 400 km/h. Thời gian hoạt động 15h. Reaper được thiết kế như một máy bay tấn công thực thụ, thay thế cho F-16 hay A-10 trong một số loại nhiệm vụ.

Avenger, với động cơ phản lực, được coi như một giải pháp giá rẻ cạnh tranh với Global Hawk. Nó được cho là có tính năng tương đương 85% nhưng giá chỉ bằng phân nửa, 20 triệu dollar so với 40 triệu.

Tuy vậy, chi phí chính của những loại UAV cỡ lớn không phải là bản thân chiếc máy bay. Những UAV loại này có thể được trang bị những thiết bị cảm biến, thông tin liên lạc tương đương với những loại dùng trên vệ tinh. Một bộ như vậy có thể có giá tới 60 triệu dollar. Khi đó, những UAV này sẽ trở thành những thiết bị trinh sát chiến lược.

17.4.09

Người Nga động binh


Nga vừa gửi một bức thư cho TTK Nato, Hoop Scheffer, đề nghị ngừng hay hủy những cuộc tập trận ở Gruzia. Tin này đến trong lúc Nga vừa thông báo cho chính quyền Ukraina về việc 22 chiến hạm của hạm đội biển Đen sẽ rời cảng Sevastopol co các hoạt động quân sự, trong đó toàn bộ số tàu đổ bộ sẽ rời đi trước tiên. Cùng với đó là những cuộc biểu tình phản đối tổng thống đương nhiệm Gruzia. Những điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về ý định thực sự của Nga đối với Gruzia.

Lực lượng trên bộ của Nga cũng được tăng cường tại các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, bao gồm cả tăng, thiết giáp chở quân, pháo binh và pháo hỏa tiễn. Quy mô chính xác của lực lượng này khó có thể đánh giá chính xác, nhưng lực lượng trên biển thì không có gì là bí mật, vì Nga phải thông báo cho nhà chức trách Ukraina trước khi có thể ra khơi. Lực lượng này còn lớn hơn hồi cuộc chiến Gruzia tháng 8 năm ngoái. Khi đó chỉ có 2 tàu đổ bộ, hiện giờ là 4. Hồi tháng 8, một tiểu đoàn bộ binh hải quân được đưa vào Abkhazia, rồi từ đó tiến đáng tây Gruzia.

Sau cuộc chiến, Gruzia đã giải thể hải quân của mình. Địa hình hiểm trở giữa giữa Nga và Gruzia khiến cho việc triển khai những đơn vị lớn rất tốn kém, do đó việc phối hợp tấn công từ hướng biển là rất cần thiết trong trường hợp có chiến tranh.

Không có nghi ngờ gì về việc Nga đã tài trợ cho các cuộc biểu tình chống tổng thống Saakashvili từ 9/4. Tuy vậy, quy mô của nó ngày càng nhỏ. Sau 1 tuần, khảo sát cho thấy công chúng đã không còn thái độ chống đối nữa, và Saakashvili vẫn là chính khách được lòng nhất ở Gruzia.

Liệu khi thất bại trong việc lật độ Saakashvili bằng chính trị, Nga sẽ chuyển sang biện pháp quân sự? Có vẻ như khả năng là rất nhỏ. Tuy vậy, trở lại tháng 8 năm ngoái, không ai đã có thể đoán rằng chiến tranh lại có thể xảy ra.

Hiện trường án mạng





Con thuyền cứu hộ nơi mà 4 tên cướp biển cầm giữ thuyền trưởng Richard Phillips đang được thu hồi để phục vụ việc điều tra, sau chiến dịch giải cứu thành công con tin.

Trong 2 bức ảnh, ta có thể thấy cửa sổ bên mạn phải và phía trước đã bị vỡ, rất có thể từ những phát đạn của xạ thủ SEAL.

Lắp ráp F-22



F-22 Raptor là chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất đang ở mức sản xuất tối đa. Và tất nhiên nó cũng được xếp vào hàng bảo mật tối đa. Những hình ảnh sau là chụp từ nhà máy Marietta, bang Georgia, là nơi lắp ráp cuối cùng. Có hơn 25,000 nhân công tại các nhà máy trên khắp 44 bang ở Mỹ tham gia vào các công đoạn chế tạo F-22.

Kịch bản về một cuộc không kích của Israel vào Iran?


Tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang nóng bỏng khi mà nước này vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Israel đã nhiều lần úp mở về khả năng sẽ thực hiện một cuộc đột kích bất ngờ vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong quá khứ, họ đã 2 lần thực hiện điều này và đã chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iraq và Syria. Gần đây nhất, Israel đã không kích tiêu diệt một đoàn xe chở tên lửa từ Iran qua cho Hamas trên lãnh thổ Sudan. Khoảng cách mà máy bay Israel phải bay qua trong chiến dịch này gần tương đương với khoảng cách đến các mục tiêu của Iran. Cho tới giờ, Mỹ vẫn tỏ ý phản đối ý định trên của Israel, trong khi sự hỗ trợ của Mỹ cho một chiến dịch như vậy là cực kỳ cần thiết, ví dụ như mở cửa không phận Iraq, hỗ trợ máy bay tiếp nhiên liệu, AWACS…

Tuy nhiên, với việc các đảng có đường lối cứng rắn, tiêu biểu là cựu thủ tướng Netanyahuh, giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Israel ngày càng tỏ ý sẵn sàng đơn phương hành động. Đặc biệt khả năng Iran nhận được hệ thống phòng không tầm xa S-300 ngày càng gần khiến cho Israel không còn nhiều thời gian.

Học thuyết an ninh quốc gia của Israel giả định rằng các quốc gia A-rập luôn có ý định tiêu diệt Israel, và rằng nước này không có bất cứ đồng minh nào đáng tin cậy và phải tự mình đối phó với mọi nguy cơ. Và có một sự bất cân bằng lớn về tài nguyên và nguồn lực giữa Israel và kẻ thù. Còn học thuyết quân sự của Israel quy định rằng quốc gia này phải có khả năng răn đe để kẻ thù không thể nghĩ tới việc tấn công Israel. Nếu sự răn đe này không có tác dụng và chiến tranh nổ ra, Israel phải giành chiến thắng một cách nhanh chóng và hoàn toàn. Chiến tranh phải được nhanh chóng đẩy sang lãnh thổ đối phương và dựa vào khả năng cơ động thần tốc. Chiến lược để ngọn lửa chiến tranh cháy trên đất kẻ thù đã được Israel áp dụng rất thành công trong chiến tranh 6 ngày khi mà họ chủ động ra tay trước khi biết rằng các nước a rập chuẩn bị tấn công mình, và đã giành chiến thắng tuyệt đối.

Bản thân Israel cũng có chương trình hạt nhân của riêng mình và người ta ước tính nước này có từ 100-200 đầu đạn hạt nhân. Chính sách hạt nhân của Israel là không thừa nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu hạt nhân và coi sự 'mập mờ' đó cũng là một dạng 'răn đe'. Israel coi việc các nước láng giềng có vũ khí hạt nhân và mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của mình.

Một khi Israel quyết định không kích Iran, sử dụng tên lửa đạn đạo có vẻ là giải pháp được xem xét đầu tiên, vì nó 'an toàn', không phải lo lắng về các phi công như khi sử dụng chiến đấu cơ. Hiện Israel đang sở hữu tên lửa đạn đạo Jericho với nhiều phiên bản khác nhau.

Jericho I là tên lửa tầm ngắn, có thể mang đầu đạn 450kg hay đầu đạn hạt nhân 20 kiloton (tương đương quả bom ở Hiroshima) đi xa 500km.

Jericho II là tên lửa tầm trung, tầm bắn 1500km và có thể mang đầu đạn hạt nhân 1 megaton (1000 kiloton).

Jericho III, tên lửa tầm xa, tầm bắn từ 4800-6500km. Với lực lượng trên, tên lửa Israel có thể bao phủ toàn bộ khu vực vùng Vịnh.

Những mục tiêu quan trọng nhất có thể được chọn để tấn công có thể là: Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Esfahan, nhà máy làm giàu uranium Natanz, nhà máy nước nặng và sản xuất plutonium Arak. Tiêu diệt những mục tiêu này có thể dừng hay trì hoãn chương trình hạt nhân Iran.

Sức ép tương đương 3 psi từ vụ nổ là đủ đển phá sập các công trình dân dụng. 5 psi sẽ phá sập hầu hết mọi tòa nhà. Mức 10 psi có thể phá hủy các công trình được bảo vệ bởi bê tông gia cường.

Nếu sử dụng chiến đấu cơ, có thể chúng sẽ dùng bom điều khiển bằng laset để đảm bảo tính chính xác.

GBU-27, nặng 1 tấn, có thể xuyên qua 3m bê tông, với 240kg thuốc nổ. GBU-28, 2.5 tấn, mang đầu đạn xuyên 2 tấn với 300kg thuốc nổ. Nó có thể xuyên qua 6m bê tông, 30m đất. GBU-10 mang đầu đạn chứa 500kg thuốc nổ.

Ngoài ra, người ta có thể dùng 2 quả bom đánh cùng 1 điểm để tăng khả năng xuyên thủng. Xác suất 2 quả bom laser được nhắm chính xác vào 1 điểm là 50%.

Lực lượng không quân Israel hiện có: 80 F-16I, 136 F-16C/D, 108 F-16 A/B, 25 F-15E, 34 F-15 A/B, 28 F-15 C/D. Tổng cộng 411.

Lực lượng tham gia không kích Iran sẽ là F15E và F-16I. F-15E là loại máy bay ném bom chiến đấu 2 chỗ ngồi, có khả năng xâm nhập tấn công lãnh thổ đối phương trong mọi điều kiện thời tiết và có khả năng đánh trả máy bay đối phương nếu bị phát hiện. F-16I là phiên bản hiện đại nhất của F-16, cũng là một máy bay ném bom chiến đấu.

Trang bị của mỗi chiếc F-15E có thể gồm 4 tên lửa phòng không, 2 GBU-28, mỗi chiếc F-16I có thể gồm 2 tên lửa không đối không, 2 GBU-27.

Ngoài ra, F-16C và F-15 C/D cũng có thể tham gia để chống lại máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không của Iran.

Tổng số chiến đấu cơ tham gia có thể vào khoảng 90 chiếc, cùng với khoảng 10 máy bay tiếp nhiên liệu. Nếu như 90 chiến đấu cơ chỉ tương đương 20% sức mạnh của không quân Israel thì 10 máy bay tiếp dầu lại tương đương toàn bộ số máy bay cùng loại mà Israel hiện có.

(còn tiếp).

Radar tầm xa ngoại biên

Như đã biết, giới hạn đường chân trời luôn là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến tầm hoạt động của radar. Bằng cách dựa vào cách thức mà sóng radar tương tác với bầu khí quyền, người ta có thể tạo ra những loại radar có khả năng 'nhìn' xa hơn giới hạn những loại radar thường. Những radar ngoại biên (OTH) này thường có độ chính xác kém, nên chỉ dùng trong vai trò cảnh báo sớm, tuy vậy hiện nay tính năng của chúng cũng đã được nâng cao rất nhiều.

Các hệ thống OTH được chia làm 2 loại chính, sóng mặt đất và sóng trên không. Hệ thống sử dụng cơ chế sóng trên không còn gọi là OTH-B, nó dùng tầng điện ly của bầu khí quyển để phản xạ lại các sóng rdadar, thường là ở tầng số 5-28 MHz, nhờ đó sóng radar sẽ đi xa hơn giới hạn đường chân trời của mình. Nhược điểm của hệ thống này là sự tồn tại của 'vùng tối', nơi mà radar không thể 'nhìn' thấy gì. Radar dùng cơ chế sóng mặt đất, còn gọi là OTH-SW, dựa vào việc làm cho sóng radar lan truyền theo bề mặt của đại dương, đi xa hơn 'đường chân trời'. Do đó, OTH-SW phải được đặt trên bờ biển, và nó không có vùng tối. Còn OTH-B có thể triển khai ở bất kỳ đâu. Những hệ thống radar ngoại biên thường có kích thước rất lớn so với các radar thường.

CHIẾN TRANH LẠNH

Trong thời chiến tranh lạnh, OTH chủ yếu được sử dụng trong việc phát hiện máy bay ném bom và tên lửa chiến lược. Cả Mỹ và LX đều sử dụng OTH-B, của Mỹ là AN/FPS-118, của LX là Duga-3. Mỗi hệ thống được triển khai tại 2 địa điểm. Hiện nay thì cả 2 đều đã ngừng hoạt động. Hình bên dưới là các giàn phát (trên) và thu (dưới) của AN/FPS-118 ở bờ tây của Mỹ (giáp với Thái Bình Dương).



HIỆN NAY

Hiện nay Mỹ sử dụng radar OTH-B AN/TPS-71, có khả năng tái triển khai tại nhiều vị trí khác nhau. Ban đầu nó được lắp đặt ở Alaska để theo dõi bờ biển Nga cho tới 1993. Hiện có 3 hệ thống được lắp ở bờ Đông (Đại tây dương) và quanh biển Carribe, để hỗ trợ việc chống buôn lậu ma túy. (Xem hình dưới).


Còn Nga đang ngả về hướng dùng công nghệ OTH-SW, bao gồm hệ thống di động IRIDA, có tầm 300km và một hệ thống lớn hơn ở vùng Viễn Đông, được cho là để giám sát vùng Biển Nhật Bản. Hình dưới là giàn thu của hệ thống này.



Nước Úc, với vùng đại dương khổng lồ bao quanh, đã triển khai một hệ thống OTH-B tên Jindalee. Được triển khai tại 3 địa điểm, chúng được kết nối thành mạng JORN, theo dõi vùng trời và vùng biển phía tây và bắc Úc. Nó có tầm từ 800-3000km và được cho là có độ chính xác rất cao.Bên dưới là hình các giàn phát và thu của Jindalee.









Pháp cũng đang phát triển OTH-B của riêng mình, Nostradamus, có tầm 700-2000km, điểm đặc biệt của nó là các giàn angten có dạng hình ngôi sao.

TQ được cho là đã phát triển OTH-B từ 2001, với tầm từ 800-3000km. Các giàn thu phát đặt cách nhau 100km. Tình trạng hoạt động cũng như tính năng của nó chưa được hiểu rõ, nhưng được cho là có tầm bao phủ như hình dưới.





Ngoài ra TQ còn nghiên cứu OTH-SW, với tầm hoạt động dự kiến như hình dưới.



Nhiệm vụ chính của các hệ thống trên có thể là để hỗ trợ cho ý định của TQ
dùng tên lửa đạn đạo chống lại tàu sân bay Mỹ. Theo đó, radar OTH sẽ đóng vai trò cảnh báo, phát hiện từ xa. Sau đó, các phương tiện khác như vệ tinh, UAV sẽ xác định vị trí chính xác của mục tiêu.






16.4.09

Allah cũng phải cười

Trong thời gian diễn ra chiến dịch quân sự Cast Lead của Israel tại dải Gaza đầu năm nay, nhóm Hamas đã sở hữu một số tên lửa phòng không vác vai Stinger được đưa lậu từ Iran qua và đã dự tính sử dụng chúng để hạ các máy bay của Israel, đặc biệt là trực thăng vũ trang Apache, loại máy bay được sử dụng nhiều nhất trong chiến dịch. Tuy nhiên, điều mà Hamas hoàn toàn không ngờ tới là mỗi khi chúng nhắm vào máy bay Israel, trên bộ điều khiển đếu hiển thị thông báo lỗi "Đồng đội - Không thể bắn". Cả Stinger và các máy bay của Israel đều do Mỹ sản xuất, nhà sản xuất Raytheon, đã cài chương trình nhận diện bạn - thù vào Stinger từ hơn 10 năm nay.

Trong lần duy nhất mà Hamas thành công trong việc phóng tên lửa đi, thì nó ngay lập tức chệch hướng và rơi trúng 1 đội xe của chính Hamas. Kể từ đó, Hamas không bao giờ thử sử dụng Stinger lại. Hiện chúng đang tìm cách mua các vũ khí cùng loại của Nga.

14.4.09

Siêu xạ thủ


Các xạ thủ luôn là một lực lượng rất hiệu quả trong cả chiến tranh quy mô lớn lẫn các chiến dịch đặc biệt. Mới đây nhất là trong vụ giải cứu con tin khỏi bọn hải tặc Somali, 3 phát đạn của đặc nhiệm SEAL kết liễu 3 tên cướp biển bất chấp sóng lớn khiến cho cả 2 con tàu không ổn định. Nhưng trong tương lai, công nghệ có thể khiến những xạ thủ càng nguy hiểm gấp nhiều lần.

Đầu tiên là những công nghệ mới về đạn. Dự án EXACTO có mục tiêu chế tạo 1 loại đạn 12.7mm có khả năng thay đổi đường bay. Các thông tin cụ thể vẫn trong vòng bí mật. Ngoài ra, còn có dự án chế tạo đạn dẫn đường bằng laser, thậm chí là radar.

Tiếp theo là ống ngắm. Dự án 'One shot' có mục tiêu chế tạo ra 1 ống ngắm có thể bù trừ cho những nhiễu loạn trong vùng không khí xung quanh. Bằng cách phát ra hàng ngàn xung laser, nó ghi nhận thông tin về các xoáy không khí quanh đó. Và sử dụng những thuật toán có sẵn, ống ngắm sẽ tự động bù trừ khi xạ thủ nhắm vào mục tiêu. Nó có thể cho phép xạ thủ nhắm bắn 1 mục tiêu cách mình 2km với tốc độ gió tới 64km/h. SRVS lại giúp cho xạ thủ trở nên vô hình. SRVS tận dụng hiện tượng ánh sáng bị khúc xạ khi qua những lớp không khí với nhiệt độ khác nhau, giống như các ảo giác về hồ nước trên sa mạc hoặc đường nhựa trong những ngày nóng bức. Bình thường hiện tượng này là trở ngại đối với xạ thủ vì ánh sáng không đi theo đường thẳng nữa. Nhưng SRVS lại tận dụng nó, vì những lớp không khí với nhiệt độ khác nhau đó trên nguyên tắc cũng giống như những thấu kính khổng lồ. Bằng cách tính toán sao cho những thấu kính này 'làm việc' cho mình, SRVS giúp giảm giới hạn nhiễu xạ, tăng tầm quan sát. 90% xạ thủ dùng SRVS có thể nhận diện chính xác khuôn mặt ở khoảng cách 1km, so với 30% của ống ngắm cũ. Và đặc biệt là ngay cả khi mục tiêu nhìn thẳng về phía xạ thủ, nó cũng không thể thấy kẻ đang nhắm bắn mình, vì hiện tượng khúc xạ trong không khí nói trên trong khi người xạ thủ thì lại có thể. Điều này khiến cho xạ thủ giống như 'vô hình'.

Cuối cùng, xạ thủ vẫn cần có khả năng tính toán, vì đường bay của viên đạn ở khoảng cách lớn bị ảnh hưởng với vô số yếu tố bên ngoài: tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng của khẩu súng, mục tiêu đứng yên hay di động, thậm chí là sự quay của trái đất. Một máy tính bỏ túi là cần thiết để có thể thực hiện được những tính toán phức tạp này. Loại mới nhất cho lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ là chiếc PDA Trimble. Chống bụi và nước, nó có giá 2000 dollar, với bluetooth và wifi, loa và micro. Nó được cài sẵn phần mềm Horus Vision cho tính toán.

Một giải pháp rẻ và đơn giản đến bất ngờ là sử dụng ngay chiếc iPod hoặc iTouch và tải chương trình BulletFlight về. Ngoài ra, còn có nhiều máy tính cầm tay chuyên dụng của dân sự.

Công nghệ trong vụ hải tặc giữ con tin





Trong suốt nhiều ngày liền khi 4 tên hải tặc Somali cầm giữ thuyền trưởng Richard Phillips, người Mỹ đầu tiên là nạn nhân của bọn hải tặc, trong 1 chiếc thuyền cứu hộ nhỏ thì khu trục hạm USS Bainbridge luôn luôn ở sát bên, và chiến dịch giải cứu con tin cũng xuất phát từ con tàu này.

Ban đầu, nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng trên Bainbrigde không có trực thăng, mặc dù đây là trang bị tiêu chuẩn của các tàu chiến lớn. Lí do là vì Hải quân Mỹ đã chuyển 6 chiếc khu trục hạm của mình sang chức năng hỗ trợ các phương tiện không người lái, 1 trong 6 chiếc đó là Bainbridge. Chỗ của trực thăng giờ được dùng cho các tàu ngầm robot và UAV. Đa số các nhiệm vụ sử dụng trực thăng xuất phát từ chiếc USS San Antonio, kỳ hạm của Hải đội 151, là hải đội quốc tế có nhiệm vụ tiễu trừ hải tặc trong khu vực.

Các robot được sử dụng chủ yếu gồm tàu ngầm mini RMS, chuyên dùng để rà mìn và ScanEagle, một UAV chuyên dùng của hải quân. Phía trên là 2 hình ảnh của USS Bainbridge và con thuyền cứu hộ chứa 4 tên hải tặc và Phillips được ScanEagle quay lại.

ScanEagle ban đầu được chế tạo cho tàu đánh cá, với những tính năng phù hợp như chống ăn mòn, có thể phóng đi và thu hồi trong không gian hẹp, kích thước nhỏ, bay tự động theo đường bay lập trình sẵn, thời gian hoạt động rất lâu, tới 20 tiềng. Và những tính năng này cũng phù hợp luôn với hải quân, và thế là ScanEagle bắt đầu con đường binh nghiệp của mình.

ScanEagle có trọng lượng 13kg, sải cánh 3m, trần bay 5000m. Nó cất cánh từ một giàn phóng và hạ cánh bằng cách móc vào 1 sợi dây cáp căng trên cao. Được trang bị từ 5 năm nay, ScanEagle được sử dụng rất thành công trên 15 loại tàu khác nhau, với tổng số 50,000 giờ bay.

Bản thân chiếc Bainbridge là một tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke, loại tàu khu trục mạnh nhất thế giới hiện nay. Với thủy thủ đoàn trên 300 người, lượng choán nước tối đa 9200 tấn, 4 động cơ turbin khí cung cấp 105,000 sức ngựa đưa con tàu đi với vận tốc tối đa trên 35 hải lý/h, tầm hoạt động 8100km. Nó có thể chở theo 2 trực thăng Sh-60, 1 pháo 127mm, 2 súng phòng không tự động 6 nòng 20mm, 90 ống phóng dạng đứng cho các tên lửa phòng không SM-3 và tên lửa hành trình Tomahawk, 2 giàn phóng tên lửa diệt hạm Harpoon, 2 giàn phóng ngư lôi. Arleigh Burke là loại tàu đầu tiên của hải quân Mỹ ứng dụng thiết kế tàng hình.

Có lẽ niềm tự hào lớn nhất của Arleigh Burke là hệ thống phòng không hợp nhất Aegis. Với những hệ thống cũ, mỗi khi radar xoay hết 360 độ, nó mới lại 'nhìn' thấy 1 mục tiêu, và cần dùng các radar riêng khác để theo dõi từng mục tiêu cụ thể. Aegis tích hợp tất cả vào trong một hệ thống, những luồng radar được quét liên tục theo mọi hướng trong cùng 1 lúc, và theo dõi hàng trăm mục tiêu riêng biệt. Có 57 chiếc được chế tạo.


13.4.09

Lễ Phục Sinh muộn cho thuyền trưởng


Thuyền trưởng Richard Phillips, con tin người Mỹ đầu tiên của hải tặc Somali, vừa được đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ giải thoát và hiện đang an toàn trên tàu hỗ trợ đổ bộ USS Boxer.

Quyết định giải cứu được đưa ra khi bọn hải tặc chĩa AK vào con tin. Các xạ thủ tiêu diệt 3 tên hải tặc với 3 phát đạn, đều nhắm vào đầu. Ngay sau đó các lính đặc nhiệm tràn vào qua dây buộc giữa thuyềt và tàu USS Bainbridge và kiểm soát tình hình.

Trước đó vài giờ, tên thứ 4 đã bơi khỏi thuyền qua khu trục hạm USS Bainbrigde để 'thương thuyết', nhưng sau đó đã tự nộp mình. Sau đó, 3 tên còn lại đồng ý để thuyền của mình được cột vào tàu chiến Mỹ vì khi đó sóng quá lớn.

Nhưng chỉ một lúc sau, người ta nghe tiếng súng nổ và thấy con tin bị chĩa súng vào lưng. Các xạ thủ lập tức vào vị trí và hạ gục hải tặc. Một tên bị nhắm bắn qua cửa sổ, 2 tên còn lại khi đang đưa đầu lên khỏi cửa sập của con thuyền, có lẽ để hít thở không khí trong lành.

Trong hình, thuyền trưởng Phillips, bên phải, đang bắt tay với trung tá hải quân David Fowler, sĩ quan chỉ huy tàu USS Bainbridge sau khi được giải cứu.

Ngay sau đó, bọn hải tặc tuyên bố sẽ trả thù người Mỹ và người Pháp vì đã giết đồng bọn của mình.

12.4.09

Sự kiên quyết của người Pháp


Khi mà nạn hải tặc ở Somali lại một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới khi một người Mỹ đầu tiên bị bắt cóc. Hiện giờ viên thuyềt trưởng vẫn đang bị những tên hải tặc cầm giữ trên một con thuyền cứu hộ giữa biển và đang bị một khu trục hạm của hải quân Mỹ canh chừng. Ít nhất trong lúc này thì người Mỹ nên học tập người Pháp trong cách thức giải quyết vấn đề. Trong tất cả những lần có công dân Pháp bị hải tặc bắt cóc, đặc nhiệm Pháp đều vào cuộc, giải cứu con tin, hạ vài tên hải tặc và bắt số còn lại về Pháp xét xử.

Trong lần mới đây nhất, đặc nhiệm Pháp đã đột kích một du thuyền, giải cứu 4 con tin. Một con tin thiệt mạng cùng với 2 tên hải tặc, 3 tên khác bị bắt.Một vụ tiêu biểu khác diễn ra vào tháng 4 năm ngoái. Lần đó, một khoản tiền chuộc được trả để 30 con tin từ một du thuyềt được thả tự do. Nhưng ngay khi các con tin được đưa đến nơi an toàn, đặc nhiệm Pháp thực hiện vụ đột kích bằng trực thăng, bắt sống 6 tên hải tặc.

Có 4 trực thăng tham gia vụ tấn công. Xạ thủ từ một trực thăng nhắm bắn vào động cơ chiếc xe 2 cầu của bọn hải tặc. Chiếc thứ 2 đạp xuống gần đó, khống chế bọn hải tặc trong khi 2 chiếc còn lại bay vòng phía trên yểm trợ hỏa lực. Những trực thăng này xuất phát từ tàu chở trực thăng Jeanne d'Arc.

Một chi tiết đáng chú ý là một đô đốc Pháp, tư lệnh lực lượng Đặc nhiệm hải quân Pháp đã nhảy dù xuống biển cùng với 50 lính đặc nhiệm khác trước khi được đưa lên tàu. Lí do có lẽ là do khoảng cách địa lý xa cùng với yêu cầu về thời gian không cho phép sử dụng trực thăng mà phải dùng máy bay cánh bằng. Trong quá khứ, người Pháp cũng hay thực hiện phương thức này, do họ không có nhiều căn cứ hải ngoại hay tàu sân bay cỡ lớn như của Mỹ.

BrahMos sẵn sàng nhận nhiệm vụ


Ba tháng trước, tên lửa hành trình siêu âm BrahMos thất bại trong vụ thử thực nghiệm đầu tiên trên bộ, khi mà nó lần đầu được điều khiển bởi binh lính, thay vì những kỹ sư thuộc dự án chế tạo. Nguyên nhân là do hư hỏng trong hệ thống dẫn đường. Sau khi được khắc phục, lần phóng lại đã thành công. Và lục quân Ấn độ đã sẵn sàng trang bị nó cho 3 tiểu đoàn, mỗi đơn vị từ 12-24 giàn phóng.

BrahMos, dài 9m, nặng 3.2 tấn là một sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ấn độ. Nó được Nga nghiên cứu từ trước khi chiến tranh lạnh kết thúc. Sau năm 1991, do thiếu tiền nên việc phát triển bị ngưng lại. Sau đó Ấn độ tham gia, đổ thêm 240 triệu dollar vào dự án để hoàn thành nó. Hiện chỉ có Ấn độ là đặt hàng, Nga thì vẫn chưa mua. Ngoài ra, nó còn được dự tính xuất khẩu, với 2000 đơn vị. Tuy nhiên, giá của nó khá cao, 2.3 triệu dollar nên đến giờ vẫn chưa có ai ngỏ ý mua.

BrahMos có tầm hoạt động 300km, mang đầu đạn 220kg. Tuy vậy, tính năng nổi bật nhất của nó là tốc độ lên tới 3000km/h, nhanh hơn cả đạn súng trường, trong khi đa số tên lửa hành trình có tốc độ thấp hơn tốc độ âm thanh. Do đó, mục tiêu có rất ít thời gian để phản ứng. Nó dẫn đường bằng GPS hoặc quán tính, và được trang bị một radar để dẫn đường trong giai đoạn cuối, cho phép độ chính xác cao. BrahMos được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, được bảo vệ chặt chẽ cả trên biển và trên bộ.

Hiện các phiên bản nhỏ hơn đang được nghiên cứu để phóng từ tàu ngầm và máy bay Su-30.

Thông tin mật trong xác máy bay


Cuối tháng 2 vừa qua, truyền thông trên thế giới đều đưa tin về vụ tai nạn của một chiếc máy bay của hãng Turkish Airlines tại Amsterdam làm 9 người thiệt mạng. Mới đây, người ta tiết lộ rằng trong số người chết có 4 nhân viên của hãng Boeing đang mang theo những thông tin tuyệt mật trong laptop của mình về một hệ thống radar cảnh báo sớm trên không mà Boeing chuẩn bị bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài tiếng sau vụ tai nạn, Boeing liên hệ với Tòa đại sứ Mỹ đề nghị can thiệp để lấy lại những laptop đó càng sớm càng tốt. Theo một số nguồn tin thì các đặc vụ FBI bay ngay từ Frankfurt sang Hà Lan bằng máy bay thuê để lấy lại laptop mặc dù theo phía Hà Lan thì không có nhân viên nào tham gia và việc tìm kiếm và bảo vệ laptop sau vụ tai nạn.

Hệ thống nói trên là Peace Eagle, còn gọi là Wedgetail, là một hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, dựa trên mẫu máy bay Boeing 737-700. Trần bay 11km, tầm bay tối đa 3000 hải lý.

Thiết bị trung tâm của hệ thống là radar quét bằng điện tử đa chức năng (MESA). Nó bao quát 360 độ và có tầm hoạt động 200 hải lý, có khả năng theo dõi 3000 mục tiêu cùng lúc, cả trên không và trên biển. Điều đặc biệt so với các hệ thống cũ là hình dạng của radar. Các hệ thống cảnh báo sớm trên không trước đó dùng 1 đĩa radar xoay lớn, vì công nghệ khi đó là quét bằng cơ học. Công nghệ quét bằng điện tử không đòi hỏi radar phải di chuyển. Radar trên Peace Eagle theo dạng hình hộp, nằm dọc thân máy bay do đó giảm sức cản hơn so với radar đĩa.