25.12.09

Kopitnari


Bức không ảnh chụp sân bay Kopitnari của Gruzia sau khi hứng chịu không kích trong cuộc chiến giữa nước này và Nga vào năm ngoái. Đường băng trong ảnh khi đó đã được sửa chữa, nhưng ta vẫn có thể thấy rõ 3 vệt bom kéo dài. Sân bay bị không kích 2 lần, vào lúc 10h và 12h40 ngày 9/8/2008. Đây là căn cứ của các máy bay Su-25 của không quân Gruzia.


Bức ảnh cũng cho thấy hạn chế của không quân Nga, khi họ vẫn phải dựa vào cách ném bom rải thảm truyền thống thay vì sử dụng các loại vũ khí chính xác. Chỉ trong bức ảnh ta có thể đếm được vài chục hố bom khác nhau, nhưng chỉ có vài quả bom rơi trúng mục tiêu.

24.12.09

Sinh nhật lần thứ 50

Ngày 17 tháng 12 vừa qua đánh dấu 50 năm ngày ra đời của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga/LX

Những chiến hạm vượt thời gian

Chiếc tàu hải quân lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay là chiếc VMS Kommuna của hải quân Nga, trong vai trò là tàu dịch vụ, hỗ trợ cho hoạt động của các tàu ngầm loại nhỏ. Con tàu 2 thân nặng 2500 tấn này được đóng tại Hà lan và chính thức tham gia biên chế trong hải quân của Sa hoàng từ 1915, nghĩa là nó đã trải quan gần 1 thế kỷ thăng trầm của nước Nga, với 3 chế độ chính trị khác nhau.


Trên danh nghĩa thì chiếc tàu cổ nhất vẫn còn trong biên chế hải quân là chiếc USS Constitution của hải quân Mỹ. Nó là 1 chiếc tàu buồm và đã thuộc hải quân Mỹ từ 1797 cho tới nay. Hiện nay nó vẫn được coi là 1 chiến hạm chính thức thuộc biên chế, với 1 thủy thủ đoàn cũng thuộc lực lượng thường trực của hải quân Mỹ. Sở dĩ con tàu hơn 200 tuổi này được giữ lại là do danh tiếng của nó trong lịch sử, đặc biệt là trong Chiến tranh 1812 với hải quân Anh. Khi đó nó đã chiếm được rất nhiều tàu hàng của Anh và đã đánh bại 5 chiến hạm khác nhau của hải quân Hoàng gia Anh. Nổi tiếng nhất là trận chiến với chiến hạm HMS Guerriere. Khi đó những phát đạn đại bác từ tàu Anh bắn vào thân tàu Constitution đều bị nảy ra. Một thủy thủ khi đó đã thốt lên rằng thân tàu của nó giống như được làm bằng thép vậy.

 
Hải quân Anh cũng có 1 chiếc tàu buồm vẫn còn trong biên chế, đó là chiếc HMS Victory. Đây là chiếc kỳ hạm mà đô đốc Horatio Nelson đã dùng trong trận chiến Trafalgar năm 1805. Đây là trận hải chiến quan trọng nhất trong lịch sử thế giới cận đại, và là 1 trong những trận quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Trong trận chiến đó, hạm đội của Nelson dù có số lượng ít hơn đã đánh bại hoàn toàn hạm đội của Napoleon, tiếp tục khẳng định sự thống trị tuyệt đối của hải quân Anh trước hải quân của Hoàng đế Pháp, do đó bảo vệ được nước Anh trước tham vọng của thiên tài quân sự này. Đô đốc Nelson hy sinh trong quá trình diễn ra trận chiến và được tàu Victory chở về Anh, nơi ông được tôn vinh là người anh hùng vĩ đại nhất của Anh cho tới ngày nay. Bản thân chiếc Victory đã nằm trong biên chế từ 1778, nghĩa là còn lâu đời hơn chiếc USS Constitution, tuy nhiên nó mất danh hiệu chiếc tàu chiến cổ nhất trong biên chế chính thức vì nó chủ yếu được giữ trên cạn, trong khi chiếc Constitution vẫn còn có thể di chuyển được. Tuy vậy nếu tính đến yếu tố vẫn còn được sử dụng cho nhiệm vụ thật sự thì chiếc VMS Kommuna là chiếc lâu đời nhất.


Phi đội F-22


USS Independence





 Hay còn được gọi là LCS 2, sẽ chính thức được đưa vào biên chế chính thức tháng 1 tới. Đây là một trong 2 mẫu thiết kế đang cạnh tranh cho một hợp đồng đóng 55 chiếc chiến hạm vùng duyên hải (LCS) của hải quân Mỹ. Mẫu đầu tiên, LCS 1, đã được đưa vào biên chế vài tháng trước với tên gọi USS Freedom.


Trong khi chiếc Freedom (3000 tấn) có thiết kế thông thường thì Independence (2800 tấn) sử dụng thiết kế 3 thân, tương tự như chiếc Stiletto. Thiết kế này có ưu thế là tạo ra diện tích sử dụng rất, và giúp tàu ổn định trong điều kiện biển động.  Trong khi đó Freedom có đáy phẳng để có thể hoạt động tại những vùng nước nông do đó không có được sự ổn định như những con tàu cùng kích thước.

LCS là một dự án ra đời nhằm đáp ứng những thay đổi về yêu cầu tác chiến của hải quân Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, trọng tâm của họ tập trung chủ yếu vào tác chiến viễn dương, sử dụng những chiến hạm cỡ lớn, với giá trị cả tỷ dollar. Hiện nay, hải quân Mỹ ngày càng được yêu cầu tác chiến tại những vùng duyên hải, gần bờ, không thích hợp cho những chiến hạm loại lớn. LCS được yêu cầu có tốc độ lớn, trên 80km/h (gần 50 hải lý/h), tầm hoạt động 6,300km, thời gian hoạt động khoảng 21 ngày. Mớn nước ở tải trọng tối đa khoảng dưới 3m.

Trang bị tiêu chuẩn của LCS 2 gồm 1 pháo 57mm, 4 súng máy 12.7mm, và 1 giàn phóng tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRam. Đây là một hệ thống phòng thủ chống lại máy bay và tên lửa diệt hạm, thay thế cho hệ thống cũ Phalanx, vốn sử dụng súng máy đa nòng 20mm. Nó có tầm xa hơn, 7.5km so với 2km.


Việc đưa LCS vào sử dụng dự kiến sẽ đặt ra một số thách thức mới về vấn đề vận hành. Những tàu chiến cỡ nhỏ tương đương với LCS được sử dụng bởi các hải quân khác chủ yếu là để phòng thủ, bảo vệ vùng biển nội địa, gần bờ. Còn LCS phải theo truyền thống của hải quân Mỹ từ trước đến giờ là tác chiến ở các vùng biển hải ngoại, xa căn cứ. Cộng với thời gian hoạt động ngắn ( do kích thước nhỏ), nó sẽ phải được tiếp tế trên biển rất thường xuyên, một công việc nhiều nguy hiểm và khó khăn.

Khi thực hiện việc tiếp tế trên biển, tàu tiếp tế sẽ chạy song song với tàu nhận tiếp tế, và bắn dây cáp qua. Sau khi dây cáp đã được nối giữa 2 tàu, ống dẫn nhiên liệu sẽ được kéo qua và nối vào tàu nhận tiếp tế. Ngoài ra các kiện hàng hóa khác cũng sẽ được kéo qua. Hải quân Mỹ có truyền thống tác chiến viễn dương từ hơn một thế kỷ, và từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, đã duy trì hoạt động thường xuyên tại mọi vùng biển lớn quanh thế giới. Do đó, việc tiếp tế trên biển được họ thực hiện rất thường xuyên và rất thành thạo về việc này. Tuy nhiên không vì thế mà những nguy hiểm mất đi.

 

Khi 2 tàu chạy song song với khoảng cách gần, chúng rất dễ bị 'hút' vào nhau và gây ra va chạm. Đó là do khi 2 tàu di chuyển ở khoảng cách gần, luồng nước giữa 2 tàu sẽ có tốc độ chảy lớn hơn phần nước xung quanh. Theo định luật về động lực thì tốc độ chảy của chất lỏng càng cao thì áp suất của chúng sẽ giảm xuống. Vì vậy áp suất của nước ở giữa 2 con tàu sẽ thấp hơn. Sự mất cân bằng này khiến 2 con tàu bị đẩy về phía nhau.

Do đó, khi thực hiện việc tiếp tế trên biển, 2 tàu phải tuân theo những yêu cầu rất khắt khe. Khoảng cách duy trì trong khoảng 30-60m, tốc độ khoảng 25km/h. Đặc biệt cả 2 phải duy trì được tốc độ tương đương với nhau. Thậm chí cả 2 phải đồng bộ hóa vòng quay của các chân vịt để có thể duy trì được tốc độ ngang nhau. Vấn đề với LCS là nó không có chân vịt. Để đạt được tốc độ cao, LCS sử dụng các động cơ thủy phản lực. Nước được hút vào và bơm ra phía sau với tốc độ cao, đẩy tàu về phía trước. Bù lại, LCS có thể kiểm soát tốc độ của mình tốt hơn các tàu truyền thống, do đó việc duy trì vị trí tương đối với tàu tiếp liệu cũng không quá khó khăn.

Một vấn đề nữa với tốc độ cao của LCS là nó có thể đâm vào…cá voi. Chuyện này đã từng xảy ra với các tàu chiến khác, với kết quả thường là cá voi bị chết. Nhưng với LCS do có tốc độ cao, cộng với kích thước nhỏ, va chạm loại này có thể diễn ra thường xuyên hơn và thiệt hại gây ra cho tàu có thể rất lớn.

LCS có 2 thủy thủ đoàn khác nhau. Thủy thủ đoàn cơ bản gồm 40 người, chịu trách nhiệm vận hành con tàu. Và thủy thủ đoàn tác chiến 35 người, chịu trách nhiệm điều khiển module nhiệm vụ. LCS được thiết kế theo nguyên tắc module. Khoảng 40% không gian trên tàu là trống. Tùy vào nhiệm vụ được giao (phòng không, chống tàu ngầm, hỗ trợ lực lượng đặc biệt, tác chiến trên biển…) mà các khoang chứa các thiết bị tương ứng sẽ được gắn vào trong tàu, đi kèm là thủy thủ đoàn tác chiến chuyên biệt. Bản thân thủy thủ đoàn cơ bản được chia ra làm 2 đội Xanh và Vàng thay phiên nhau vận hành tàu. Do đó LCS có thể duy trì hoạt động xa căn cứ trong 1 thời gian dài.

21.12.09

Hải quân Nga đối mặt với tương lai u ám

Đô đốc Vyacheslav Popov, cựu tư lệnh hạm đội Phương bắc trong một bài viết của mình đã cảnh báo rằng đến năm 2015, nếu tình hình hiện thời của ngành đóng tàu Nga không cải thiện, thì khả năng chiến đấu của hải quân Nga sẽ suy giảm nghiêm trọng do việc một loạt chiến hạm chủ lực phải đến hạn thải hồi.

Theo đô đốc Popov, nguyên nhân là do hải quân không được cấp ngân sách để đóng mới các tàu chiến viễn dương, có khả năng tác chiến xa, cũng như duy trì hạm đội hiện có. Phần lớn số tàu chiến của hải quân Nga hiện nay đã được đóng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, và đã đến gần giới hạn tuổi thọ.

Hiện Hải quân Nga có khoảng 30 chiến hạm viễn dương, có khả năng tác chiến xa. Nhưng tất cả sẽ phải được thay thế trong vòng 10-15 năm tới, nếu không hải quân Nga sẽ bị giảm cấp xuống thành 1 lực lượng hải quân duyên hải như của 1 nước thuộc thế giới thứ 3, chỉ đủ sức bảo vệ vùng biển gần bờ của nó.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm vừa qua, hải quân Nga không nhận thêm được bất kì một tàu viễn dương mới nào, chỉ có 1 tàu hạng nhẹ loại 2000 tấn. Thậm chí trong chiến lược hiện đại hóa quân đội cho đến 2015, cũng không có kế hoạch nhằm đóng mới tàu chiến cỡ lớn.


Với tốc độ đóng mới hiện tại, dự tính đến 2025, Nga chỉ có 15-20 khinh hạm và 8 khu trục hạng nhẹ, thậm chí không đủ để bảo vệ toàn bộ đường bờ biển rất dài của Nga.

Đại phẫu không quân Nga

Không quân Nga, cũng giống như toàn bộ lực lượng vũ trang nói chung, đang trải qua một đợt tái cấu trúc lớn. Số lượng các đơn vị giảm từ 340 xuống còn 180. Số lượng phi công giảm từ 12,000 còn 7,000. Số sĩ quan giảm từ 65,000 còn 38,000. Khoảng một nửa số máy bay hiện tại sẽ được cho về hưu hoặc bán. Và 70% số còn lại sẽ được thay thế hoặc nâng cấp dần trong hơn 10 năm tới. Sẽ có tất cả 33 căn cứ không quân và 13 lữ đoàn phòng không. Các đơn vị máy bay đánh chặn và tên lửa sẽ được nằm dưới quyền chỉ huy của 4 bộ tư lệnh vùng đặt tại St.Petersburg, Novosibirsk, Khabarovsk, và Rostov trên sông Đông.

Lá chắn vô hình

Một trong những nguyên nhân thành công của Chiến dịch Phản kích bình định Iraq là việc sử dụng rộng rãi các thiết bị gây nhiễu nhằm vô hiệu hóa việc kích nổ bom tự tạo (IED) từ xa. IED là nguyên nhân gây thương vong lớn nhất cho lính Mỹ tại Iraq. Nó thường được kích nổ từ xa, vì đó là cách an toàn nhất. Thiết bị được sử dụng có thể là điện thoại di động, hay thậm chí là công tắc mở cửa cuốn từ xa. Do đó BQP Mỹ đã đầu tư nhiều công sức cho việc phát triển các thiết bị gây nhiễu này.

Thiết bị đầu tiên là Warlock, gắn trên xe cơ giới. Một khi được kích hoạt, nó sẽ tạo thành một vùng an toàn xung quanh phương tiện. Tín hiệu kích nổ bị vô hiệu hóa. Thường khi đó quả bom sẽ phát nổ phía sau chiếc xe, vì người điều khiển liên tục gửi tín hiệu vì nghĩ rằng thiết bị gặp trục trặc.

Hiện nay các thiết bị này đã được phát triển đến thế hệ thứ 3, có tên JCREW. Nó giờ đây đủ nhỏ gọn để người lính bộ binh có thể đeo theo người. Do đó rất hữu dụng tại Afghanistan, nơi mà phải dựa nhiều vào những cuộc tuần tra bộ hơn Iraq. JCREW cho phép việc thêm các tần số vào dễ dàng hơn, nó giảm thiểu việc xung đột với các thiết bị điện tử khác, cùng nhiều cải tiến khác được giữ bí mật.

Ngoài các thiết bị gây nhiễu gắn trên xe hay lính bộ binh, hải quân và không quân cũng có 1 số máy bay tác chiến điện tử có khả năng tương tự, với tác dụng trên một khu vực rộng lớn.


Một nhược điểm của các thiết bị này là nó cũng đồng thời làm tê liệt mạng điện thoại di động dân sự. Ngoài ra, nó cũng có thể xung đột với các thiết bị điện tử quân sự khác.

20.12.09

Tiếp xăng cho hoàng gia


4 máy bay F-16 thuộc Không lực Hoàng gia Đan Mạch được 1 chiếc KC-135 tiếp liệu trên không

V-22 trên boong


Máy bay chong chóng xoay V-22 Osprey trên boong tàu hỗ trợ đổ bộ Nassau. Có thể thấy rõ 2 chiếc bên phải đã được xếp gọn lại để tiết kiệm không gian trên boong. Những chiếc V-22 này thuộc biên chế Phi đoàn không vận 162, Thủy quân lục chiến Mỹ.