24.12.09

USS Independence





 Hay còn được gọi là LCS 2, sẽ chính thức được đưa vào biên chế chính thức tháng 1 tới. Đây là một trong 2 mẫu thiết kế đang cạnh tranh cho một hợp đồng đóng 55 chiếc chiến hạm vùng duyên hải (LCS) của hải quân Mỹ. Mẫu đầu tiên, LCS 1, đã được đưa vào biên chế vài tháng trước với tên gọi USS Freedom.


Trong khi chiếc Freedom (3000 tấn) có thiết kế thông thường thì Independence (2800 tấn) sử dụng thiết kế 3 thân, tương tự như chiếc Stiletto. Thiết kế này có ưu thế là tạo ra diện tích sử dụng rất, và giúp tàu ổn định trong điều kiện biển động.  Trong khi đó Freedom có đáy phẳng để có thể hoạt động tại những vùng nước nông do đó không có được sự ổn định như những con tàu cùng kích thước.

LCS là một dự án ra đời nhằm đáp ứng những thay đổi về yêu cầu tác chiến của hải quân Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, trọng tâm của họ tập trung chủ yếu vào tác chiến viễn dương, sử dụng những chiến hạm cỡ lớn, với giá trị cả tỷ dollar. Hiện nay, hải quân Mỹ ngày càng được yêu cầu tác chiến tại những vùng duyên hải, gần bờ, không thích hợp cho những chiến hạm loại lớn. LCS được yêu cầu có tốc độ lớn, trên 80km/h (gần 50 hải lý/h), tầm hoạt động 6,300km, thời gian hoạt động khoảng 21 ngày. Mớn nước ở tải trọng tối đa khoảng dưới 3m.

Trang bị tiêu chuẩn của LCS 2 gồm 1 pháo 57mm, 4 súng máy 12.7mm, và 1 giàn phóng tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRam. Đây là một hệ thống phòng thủ chống lại máy bay và tên lửa diệt hạm, thay thế cho hệ thống cũ Phalanx, vốn sử dụng súng máy đa nòng 20mm. Nó có tầm xa hơn, 7.5km so với 2km.


Việc đưa LCS vào sử dụng dự kiến sẽ đặt ra một số thách thức mới về vấn đề vận hành. Những tàu chiến cỡ nhỏ tương đương với LCS được sử dụng bởi các hải quân khác chủ yếu là để phòng thủ, bảo vệ vùng biển nội địa, gần bờ. Còn LCS phải theo truyền thống của hải quân Mỹ từ trước đến giờ là tác chiến ở các vùng biển hải ngoại, xa căn cứ. Cộng với thời gian hoạt động ngắn ( do kích thước nhỏ), nó sẽ phải được tiếp tế trên biển rất thường xuyên, một công việc nhiều nguy hiểm và khó khăn.

Khi thực hiện việc tiếp tế trên biển, tàu tiếp tế sẽ chạy song song với tàu nhận tiếp tế, và bắn dây cáp qua. Sau khi dây cáp đã được nối giữa 2 tàu, ống dẫn nhiên liệu sẽ được kéo qua và nối vào tàu nhận tiếp tế. Ngoài ra các kiện hàng hóa khác cũng sẽ được kéo qua. Hải quân Mỹ có truyền thống tác chiến viễn dương từ hơn một thế kỷ, và từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, đã duy trì hoạt động thường xuyên tại mọi vùng biển lớn quanh thế giới. Do đó, việc tiếp tế trên biển được họ thực hiện rất thường xuyên và rất thành thạo về việc này. Tuy nhiên không vì thế mà những nguy hiểm mất đi.

 

Khi 2 tàu chạy song song với khoảng cách gần, chúng rất dễ bị 'hút' vào nhau và gây ra va chạm. Đó là do khi 2 tàu di chuyển ở khoảng cách gần, luồng nước giữa 2 tàu sẽ có tốc độ chảy lớn hơn phần nước xung quanh. Theo định luật về động lực thì tốc độ chảy của chất lỏng càng cao thì áp suất của chúng sẽ giảm xuống. Vì vậy áp suất của nước ở giữa 2 con tàu sẽ thấp hơn. Sự mất cân bằng này khiến 2 con tàu bị đẩy về phía nhau.

Do đó, khi thực hiện việc tiếp tế trên biển, 2 tàu phải tuân theo những yêu cầu rất khắt khe. Khoảng cách duy trì trong khoảng 30-60m, tốc độ khoảng 25km/h. Đặc biệt cả 2 phải duy trì được tốc độ tương đương với nhau. Thậm chí cả 2 phải đồng bộ hóa vòng quay của các chân vịt để có thể duy trì được tốc độ ngang nhau. Vấn đề với LCS là nó không có chân vịt. Để đạt được tốc độ cao, LCS sử dụng các động cơ thủy phản lực. Nước được hút vào và bơm ra phía sau với tốc độ cao, đẩy tàu về phía trước. Bù lại, LCS có thể kiểm soát tốc độ của mình tốt hơn các tàu truyền thống, do đó việc duy trì vị trí tương đối với tàu tiếp liệu cũng không quá khó khăn.

Một vấn đề nữa với tốc độ cao của LCS là nó có thể đâm vào…cá voi. Chuyện này đã từng xảy ra với các tàu chiến khác, với kết quả thường là cá voi bị chết. Nhưng với LCS do có tốc độ cao, cộng với kích thước nhỏ, va chạm loại này có thể diễn ra thường xuyên hơn và thiệt hại gây ra cho tàu có thể rất lớn.

LCS có 2 thủy thủ đoàn khác nhau. Thủy thủ đoàn cơ bản gồm 40 người, chịu trách nhiệm vận hành con tàu. Và thủy thủ đoàn tác chiến 35 người, chịu trách nhiệm điều khiển module nhiệm vụ. LCS được thiết kế theo nguyên tắc module. Khoảng 40% không gian trên tàu là trống. Tùy vào nhiệm vụ được giao (phòng không, chống tàu ngầm, hỗ trợ lực lượng đặc biệt, tác chiến trên biển…) mà các khoang chứa các thiết bị tương ứng sẽ được gắn vào trong tàu, đi kèm là thủy thủ đoàn tác chiến chuyên biệt. Bản thân thủy thủ đoàn cơ bản được chia ra làm 2 đội Xanh và Vàng thay phiên nhau vận hành tàu. Do đó LCS có thể duy trì hoạt động xa căn cứ trong 1 thời gian dài.

No comments: