2.1.10

Rủi ro có tính toán

Gần đây trên báo chí xuất hiện một tin giật gân về việc các phiến quân tại Iraq và Afghanistan có thể 'hack' vào tín hiệu của các UAV mà quân đội Mỹ sử dụng tại các chiến trường này. Vậy bản chất của sự việc này là như thế nào?

Tín hiệu mà phiến quân tiếp cận được không phải là tín hiệu dùng để điều khiển UAV mà là tín hiệu hình ảnh từ các camera của chúng truyền xuống hơn 4000 thiết bị ROVER của bộ binh. Đây là những tín hiệu dạng analog (băng tần FM) và không được mã hóa, và do đó việc bắt được tín hiệu này không có gì quá khó khăn. Thực tế thì tất cả những gì các phiến quân phải làm là sử dụng một phần mềm thương mại có tên SkyGrabber, có giá 26 dollar. Tất nhiên, BQP Mỹ hiểu rõ hơn ai hết về việc sử dụng tín hiệu analog không mã hóa sẽ đồng nghĩa với việc trước sau gì cũng có ai đó bắt được tín hiệu này, nhưng tại sao Lầu Năm Góc không mã hóa tín hiệu ngay từ đầu. Đó là vì do họ chấp nhận đánh đổi rủi ro này để đạt được các lợi ích khác.

Các tín hiệu này dùng cho các thiết bị ROVER. Đây là thiết bị cho phép lính bộ binh tiếp cận trực tiếp và theo thời gian thực vào hình ảnh thu được từ các UAV. Sự ra đời của ROVER tạo nên một cuộc cách mạng nhỏ trong cách thức tác chiến của bộ binh và đã tận dụng được sự phổ biến ngày càng nhiều của UAV.

Chúng ta có 1 tình huống tiêu biểu, khi một đơn vị bộ binh đang tiếp cận mục tiêu và phía trên có 1 UAV đang hoạt động. Nếu theo cách cổ điển, thì hình ảnh mà UAV thu được sẽ được truyền về trạm điều khiển. Người điều khiển UAV từ đó sẽ cung cấp thông tin, thường chỉ dưới dạng lời nói, về tình hình chiến trường cho cấp chỉ huy của đơn vị bộ binh, để từ đó truyền đạt tới những người lính thông qua radio. Như vậy, mặc dù có UAV hoạt động ngay phía trên mình, người lính chỉ có thể tiếp cận thông tin theo đường vòng. Như vậy vừa mất thời gian, đồng thời chất lượng thông tin cũng suy giảm nhiều, do từ chỗ là hình ảnh trực tiếp đã trở thành những thông tin dạng lời nói qua radio. Đó là chưa kể nếu người lính trên thực địa muốn có một yêu cầu nào đó cho UAV, như lượn vòng quanh 1 điểm cụ thể, thì cũng sẽ phải thông qua nhiều cấp chỉ huy và hệ thống liên lạc khác nhau. Nhưng với ROVER, người lính sẽ được tiếp cận trực tiếp với hình ảnh từ UAV theo thời gian thực, và hơn nữa, cho cho phép việc thông tin 2 chiều, nghĩa là người lính cũng có thể thông qua ROVER để ra mệnh lệnh cho UAV.

Nếu mã hóa các tín hiệu hình ảnh này, sẽ làm tăng thêm chi phí và trọng lượng của thiết bị, nhưng quan trọng quan trọng hơn hết là sẽ làm tăng băng thông cần thiết. Những yếu tố này sẽ hạn chế sự phổ biến của ROVER mà lục quân đang rất cần. Do đó Lầu Năm Góc đã quyết định không mã hóa và chấp nhận rủi ro rằng phiến quân có thể cũng tiếp cận được tín hiệu hình ảnh này. Tuy vậy, ngay cả khi điều này xảy ra thì thực ra lợi ích của nó cũng không lớn như nhiều người tưởng tượng. Vì tuy thấy được những gì camera của UAV đang quan sát, nhưng không biết được vị trí của chính UAV đó, phiến quân cũng rất khó để có thể nhận ra những hình ảnh chúng đang quan sát là ở đâu. Tuy vậy, để tránh các rắc rối từ phía công chúng, BQP Mỹ đã quyết định rằng từ nay sẽ mã hóa tất cả các tín hiệu này.

Lịch sử của ROVER bắt đầu 7 năm trước, khi một lính đặc nhiệm trở về từ Afghanistan, bước vào Trung tâm hệ thống hàng không tại căn cứ không quân Wright Patternson và hỏi các kỹ sư ở đây rằng tại sao mình và đồng đội không thể có một thiết bị mà có thể tiếp cận trực tiếp vào hình ảnh từ các cảm biến của máy bay có người lái và không người lái đang bay phía trên. Khi đó, hình ảnh từ camera của UAV Predator có thể truyền trực tiếp đến các máy bay vũ trang hạng nặng AC-130, và khi có mục tiêu bị phát hiện thì AC-130 sẽ bay tới đó và tiêu diệt. Lính đặc nhiệm trên bộ cũng muốn có được tín hiệu 'truyền hình trực tiếp' này, thay vì phải liên lạc với bên không quân để lấy thông tin.

Trước yêu cầu đó, các kỹ sư gấp rút vào việc và chỉ sau 2 tuần, bản thử nghiệm ROVER I ra đời. Khi đó nó được đặt trên 1 chiếc Humvee. ROVER II ra đời vài tháng sau, và có kích thước bằng 1 chiếc laptop. Đến cuối 2004, ROVER III xuất hiện, nặng khoảng 5.5kg, nó có thể được đeo vào balô.

ROVER III có giá 60,000 dollar, và có 700 thiết bị được sản xuất. Được sử dụng tại cả Iraq và Afghanistan, nó có thể thu nhận tín hiệu hình ảnh từ mọi UAV cũng như các máy bay ném bom.

ROVER IV ra đời vào 2005, với tính năng mới cho phép người lính bộ binh chỉ thị mục tiêu cần tiêu diệt cho máy bay bằng cách click thẳng trên màn hình. ROVER V, thế hệ mới nhất, có giá 35,000 dollar, có kích thước chỉ bằng 1 PDA. Với ROVER V, người lính giờ đây thậm chí có thể điều khiển camera của các UAV theo ý của mình.


Ban đầu ROVER chủ yếu được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm hoặc các nhân viên điều khiển không lực. Hiện nay với số lượng lớn hơn nhiều, ROVER có thể được trang bị đại trà cho đến cấp trung đội trưởng, đại đội trưởng.

Khinh hạm tàng hình Visby

Sau một thập niên phát triển và thử nghiệm, hải quân Thụy điển vừa chính thức đưa vào hoạt động 2 chiếc đầu tiên thuộc lớp khinh hạm tàng hình lớp Visby, HMS Helsingborg và HMS Härnösand. Đây có thể coi là những chiến hạm thực thụ đầu tiên trên thế giới. Trước đó đã có rất nhiều tàu chiến có thiết kế nhắm tới việc giảm diện tích phản xạ radar, tuy nhiên chưa có thiết kế nào toàn diện như của Visby.

Tàu dài 80m, rộng 11m, tải trọng 650 tấn, với mớn nước khoảng 2.5m. Vỏ tàu làm bằng vật liệt sợi carbon, cùng với các bề mặt được thiết kế để tán xạ sóng radar; Visby rất khó bị radar phát hiệb. Nếu tàu chạy với tốc độ thấp, khoảng 22km/h khi biển êm hay 13km/h khi biển động, thì nó gần như vô hình với radar.

Tàu được trang bị một pháo 57mm, 8 tên lửa diệt hạm RBS-15 có tầm tối đa 70km. Ngư lôi, mìn, khối nổ chống tàu ngầm. Cảm biến bao gồm radar, sonar và cảm biến hình ảnh nhiệt. Thủy thủ đoàn chỉ gồm 43 người. Tốc độ tối đa trong mọi điều kiện thời tiết là 70km/h.

Visby có thể mang theo trực thăng. Nó được trang bị các giàn sonar gắn dọc thân tàu và kéo theo cáp phía sau tàu nhằm săn tìm các tàu ngầm Nga vốn hay hoạt động ngoài khơi Thụy điển. Tàu không sử dụng chân vịt mà dùng bơm thủy phản lực nhằm đạt tốc độ cao mà giảm khả năng bị tàu ngầm phát hiện. Tổng cộng sẽ có 5 chiếc Visby được hải quân Thụy điển đặt hàng.