26.2.09

Tiền khách hậu chủ

F-16 E/F


F-16I


F-16 là một trong những máy bay chiến đấu được nâng cấp và biến đổi nhiều nhất hiện nay. Mặc dù hiện nay đa số được coi là phiên bản F-16C, nhưng thực tế thì nó lại bao gồm 6 phiên bản cải tiến chính, xác định bởi số lô (32, 40, 42, 50, 52, 60). Ngoài ra còn có F-16I, là một phiên bản đặc biệt của Israel nâng cấp từ lô 52 và F-16E, nâng cấp từ lô 60, cho UAE. Bên cạnh đó là F-16D dùng cho huấn luyện. Những bản cải tiến này kết hợp nhiều đợt nâng cấp lớn với nhiều bộ phận mới: 5 động cơ, 4 bộ điện tử hàng không, 5 thế hệ tác chiến điện tử, 5 radar cùng nhiều cải tiến khác về cơ khí, phần mềm, buồng lái và điện.

F-16 là chiến đấu cơ được sản xuất nhiều nhất thời hậu chiến tranh lạnh, với hơn 4,200 chiếc và vẫn đang tăng lên. Trong chiến tranh lạnh, hơn 10,000 Mig-21 và 5,000 F-4 được chế tạo. Nhưng kể từ sau khi LX sụp đổ, không quân các nước suy giảm nhanh, song F-16 vẫn giữ được sự ưa chuộng rộng rãi.

F-16 là một máy bay đa năng, có thể tấn công mục tiêu trên không và mặt đất. Nó có khả năng mang 4 tấn bom cho các phi vụ oanh kích. Trong vai trò không đối không, nó đã bắn hạ tất cả 69 máy bay đối phương và chưa để bị bắn rơi lần nào.

Một điều đặc biệt là những chiếc F-16 hiện đại nhất hiện nay lại không phải của không quân Mỹ mà là F-16I của Israel và F-16E của UAE. F-16E dựa trên lô 52 nhưng được trang bị công nghệ radar AESA, là công nghệ radar tiên tiến nhất hiện nay cùng rất nhiều thiết bị mới khác. F-16E được thiết kế chuyên về không đối không và được gọi là Chim ưng sa mạc. UAE có 80 chiếc.

F-16I lại được tối ưu hóa cho các phi vụ oanh kích. Thực chất nó là một loại máy bay ném bom chiến đấu, nghĩa là một máy bay ném bom nhưng có khả năng tự bảo vệ mình trong các tính huống không chiến. Nó cũng là một bản nâng cao của lô 52, trang bị công nghệ AESA và có khả năng mang các loại vũ khí của Israel như tên lửa không đối không Python, tên lửa không đối đất Popeye. F-16I có một hệ thống dẫn đường hoàn hảo, cho phép nó bay cách mặt đất chỉ vài trăm mét mà không cần nhiều nỗ lực của phi công, và trong mọi điều kiện thời tiết. Nó có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 1,600km, nghĩa là bao gồm Iran. Nó có một hệ thống máy tính cực mạnh cho phép lưu trữ lại mọi thông tin về chuyến bay một cách chi tiết, rất hữu ích cho huấn luyện. Chức năng chủ yếu của F-16I là mang bom thông minh đi tấn công các mục tiêu trên bộ bất cứ đâu, cho dù nơi đó có hệ thống phòng không mạnh. Israel sẽ có 102 F-16I trong 5 năm tới.

25.2.09

Phòng thủ trước Iran

AMRAAM

Sparrow



Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) đang đặt mua 224 tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar AMRAAM. Loại UAE mua là phiên bản mới nhất, C7, có khả năng chống nhiễu tốt hơn. Giá mỗi cái là 1 triệu dollar. UAE sẽ sử dụng nó trên máy bay F-16E, là phiên bản tiêm kích hiện đại nhất của F-16.

AMRAAM chính thức được sử dụng từ 1992, hơn 30 năm sau khi loại tên lửa không đối không bằng radar đầu tiên ra đời, Sparrow. Kinh nghiệm thực tế từ Việt Nam cho thấy Sparrow không thể hiện tốt như mong đợi. Sau vài lần cải tiến, Sparrow có lần tham chiến thứ 2 trong chiến trang vùng Vịnh. 88 Sparrow được sử dụng, 28% trúng đích.

AMRAAM được chế tạo để khắc phục những vấn đề của Sparrow. Không như Sparrow, vốn đòi hỏi phi công phải liên tục dùng radar của máy bay khóa vào mục tiêu, AMRAAM được trang bị một radar riêng cho phép nó tự động dò tìm mục tiêu trong giai đoạn cuối cùng. Từ khi ra đời đến nay, AMRAAM chỉ có một vài cơ hội được đem ra sử dụng, trong 13 lần phóng, 77% trúng đích.

UAE cũng đặt hàng 9 khẩu đội Patriot, cùng với 288 tên lửa PAC-3, chuyên để chống tên lửa và 216 PAC-2. Một giàn phóng Patriot có thể chứa 4 PAC-2, tầm bắn 70km hoặc 16 PAC-3, tầm bắn 20km.

23.2.09

Laser và vệ tinh



Israel đang mua loại bom thông minh mới LJDAM của Mỹ. Nó là một JDAM, bom định vị bằng vệ tinh, được gắn thêm một đầu dẫn đường bằng laser. Nói cách khác, LJDAM kết hợp 2 phương pháp dẫn đường thông dụng nhất cho bom thông minh là dùng hệ thống GPS và laser.

Cả 2 có những ưu và nhược điểm riêng. Điều khiển bằng laser có độ chính xác rất cao, có thể đánh trúng mục tiêu trong khoảng từ 1 đến 2m, trong khi của JDAM là khoảng 10m. Nhưng tia laser có thể bị mưa, bụi, mây mù cản trở. LJDAM sẽ là một loại vũ khí kết hợp được ưu điểm của cả 2, và đặc biệt thích hợp khi tấn công các mục tiêu di động.

Năm ngoái, Đức là khách hàng nước ngoài đầu tiên của LJDAM.