4.4.09

DRFM - Bước tiến lớn trong chế áp điện tử

Cùng với sự phát triển không ngừng radar của máy bay và tên lửa không đối không dẫn bằng radar, các công nghệ chế áp điện tử (ECM) cũng phải phát triển theo. Trước kia, việc gây nhiễu (jamming) được coi là nền tảng của ECM. Tuy vậy, các tên lửa ngày càng thông minh hơn, thậm chí chúng còn có thể truy ra nguồn gây nhiễu (tức máy bay đối phương) và nhắm vào đó.

DRFM là kỹ thuật ghi nhớ tín hiệu radio kỹ thuật số. Về cơ bản, nó sẽ nắm bắt và số hóa một tín hiệu radio về tần số và băng thông để có thể tái hiện lại chính xác tín hiệu đó. Thông tin số hóa này được lưu vào bộ nhớ, để khi cần có thể đem ra để tái tạo lại tín hiệu đó và phát đi. Nói đơn giản nhất, nó là cách ta copy tín hiệu gốc.

Khi máy bay đối phương dùng radar chiếu vào mục tiêu, tín hiệu sẽ phản xạ lại, nếu máy bay của chúng ta có trang bị DRFM, nó có thể phát ra tín hiệu copy y hệt tín hiệu từ radar của máy bay đối phương. Khi đó, đối phương không thể nào phân biệt được đâu là tín hiệu phản xạ thật, đâu là tín hiệu do ta chủ động phát ra. Kế quả là ta có thể tạo ra mục tiêu giả trên màn hình radar đối phương. Ngoài ra, bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ về tần số, ta có thể tạo ra thông số lỗi về tốc độ. Bị đánh lừa cả về vị trí và tốc độ, tên lửa đối phương sẽ chệch hướng rất xa. DRFM không phát ra tín hiệu nhiễu, nên đối phương không thể dùng tên lửa trang bị bộ theo dầu nhiễu.

KJ 2000 trên không trung



Hình ảnh một chiếc KJ 2000 được vệ tinh chụp lại khi đang bay. Bóng mờ của máy bay là lỗi thường thấy của quá trình xử lý hình ảnh đối với các vật thể di chuyển nhanh. KJ 2000 là máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của TQ, dựa trên mẫu máy bay vận tải IL-76 của Nga.

Xe tăng mới cho Ukraina


Phiên bản cải tiến của xe tăng chủ lực Oplot vừa chính thức được đưa vào biên chế sau khi trải qua đợt thử nghiệm thành công. Đợt đặt hàng đầu tiên trong năm nay là khoảng 10 chiếc.

Bản mới này khác biệt với bản cũ ở một số điểm: chỉ huy xe có trang bị thiết bị quan sát toàn cảnh với cảm biến nhiệt, trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ mới, đặc biệt chú trọng tăng cường giáp ở 2 bên nhằm thích hợp với chiến tranh đô thị, động cơ diesel 1200 mã lực thân thiện với môi trường hơn, hệ thống lái mới, bảng điều khiển kỹ thuật số cho lái xe, bộ cấp điện thứ cấp mạnh hơn, từ 8kW lên 10kW.

Oplot là một thiết kế của Ukraina dựa trên mẫu T-80UD của Nga. Nó được trang bị một pháo nòng trơn 125mm, súng máy đồng trục 7.62mm, súng máy phòng không 12.7mm. Xe có cơ chế nạp đạn tự động, với 40 đầu đạn và thuốc phóng, 28 trong đó đặt trong máy nạp đạn tự động, bao gồm các loại đạn xuyên động năng, hiệu ứng nổ lõm, đạn mảnh, và tên lửa laser phóng từ nòng pháo. Tên lửa này có thể đánh trúng mục tiêu cánh xa 5km và trang bị đầu đạn 2 tầng cho phép vô hiệu hóa giáp phản ứng nổ (tầng đầu tiên kích nổ giáp và tầng 2 xuyên qua lớp giáp chính của xe). Tên lửa cũng có thể được dùng để chống trực thăng.

Lớp giáp của Oplot gồm giáp liên hợp chính và lớp giáp phản ứng nổ thế hệ 3 bên ngoài. Ngoài ra còn có hệ thống bảo vệ chủ động Varta, gồm 3 hệ thống con: bộ cảnh báo laser để phát hiện khi xe đang bị ngắm bắn bởi tên lửa dẫn bằng laser, bộ gây nhiễu hồng ngoại, và máy tạo khói.

Các thiết bị quang học của xe được trang bị cơ chế bảo vệ mắt của lính tăng khi đối phương dùng vũ khí laser. Nó được trang bị cơ chế bảo vệ khỏi bức xạ hạt nhân, tác nhân hóa sinh cả trong và ngoài xe. Các nhà thiết kế cũng chú trọng việc giảm khả năng bị phát hiện. Các thiết bị cách nhiệt được sử dụng để giảm bức xạ nhiệt thoát ra. Xe được phủ bằng vật liệu hấp thụ sóng radar, tháp pháo được bọc bằng 1 vành cao su.

Một số thông số chính: dài x rộng x cao = 9664 x 3775 x 276 (mm). Khoảng cách gầm 515mm. Tổ lái 3 người. Tỷ số công suất 26 mã lực/tấn. Tốc độ tối đa, trung bình = 70, 50 km/h. Tầm hoạt động tối đa 450km. Trọng lượng 48 tấn. Độ sâu có thể vượt qua không cần chuẩn bị trước, có chuẩn bị trước (ống thông hơi): 1.8 và 5m. Vượt dốc 36%. Độ cao chướng ngại vật tối đa 1m. Vượt hào tối đa 2850mm. 7 số tiến, 5 số lùi.

Một đầu đạn hạt nhân có thể 'xóa sổ' nước Mỹ?


Sức tàn phá của vũ khí hạt nhân thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng ý niệm về việc chỉ một đầu đạn hạt nhân có thể xóa sổ một quốc gia rộng lớn như nước Mỹ thì vẫn rất khó tin. Tuy nhiên, đó lại là một nỗi lo lớn của nhiều nhà phân tích khi đề cập đến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Iran hay Bắc Hàn.

Điều họ lo lắng chính là việc khi một vụ nổ hạt nhân xảy ra ở độ cao lớn thì hậu quả 'gián tiếp' do xung điện từ (EMP) gây ra có thể cực kỳ lớn.

Trong một vụ nổ hạt nhân, năng lượng được chuyển thành 3 dạng chính: nhiệt năng, cơ năng (sóng xung lực) và bức xạ hạt nhân (các tia anpha, beta, gamma). Khi một đầu đạn hạt nhân phát nổ ở ngoài bầu khí quyển trái đất (trong không gian) thì các hiệu ứng về nhiệt, cơ hay bức xạ lên bề mặt trái đất không thật sự đáng kể nhưng những tia bức xạ gamma có thể kích hoạt một sự hỗn loạn điện từ khổng lồ trên các tầng khí quyển trên cao. Xung điện từ này có thể làm đoản mạch các thiết bị điện, mạng lưới năng lượng, các chip điện tử. Có chuyên gia ước tính rẳng chỉ cần 3 đầu đạn hạt nhân là đủ để quét sạch hệ thống điện và điện tử trên nước Mỹ.

Các quốc gia càng phát triển thì càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Một khi các chip điện tử bị vô hiệu hóa, tất cả sẽ sụp đổ, từ thị trường chứng khoán, các kho dữ liệu, các hệ thống điều phối điện năng, giao thông, máy móc công nghiệp, mạng máy tính, cho đến các thiết bị điện tử cá nhân. Thậm chí có nghiên cứu còn cho rằng 90% dân số Mỹ sẽ diệt vong sau 1 năm.

3.4.09

Google Earth History


3 tàu ngầm đang trong quá trình tháo dỡ tại cảng Severodvinsk, Nga. Chiếc trong cùng là Typhoon, loại tàu ngầm lớn nhất thế giới, hiện đã nghỉ hưu.


Hình ảnh về một trận địa tên lửa phòng không S-300PMU gần Bắc kinh

Những máy bay F-14 Tomcat và F-18 Hornet của hải quân Mỹ sau khi được rút khỏi biên chế được đưa về cất trữ trên sa mạc. Hàng trên cùng là Hornet. Ta có thể thấy logo của các phi đoàn mà các máy bay này từng phục vụ ở phía tay trái.



Công nghệ máy bay chong chóng đĩa




Một trong những giấc mơ lớn nhất của các kỹ sư hàng không là chế tạo ra một loại máy bay có thể kết hợp được tốc độ của máy bay cánh bằng và sự linh hoạt của trực thăng. Một trong số những giải pháp là máy bay chong chóng xoay,với V-22 là mẫu đầu tiên và duy nhất cho tới nay chính thức hoạt động. Khi cất và hạ cánh, 2 chong chóng của nó hướng lên và biến nó thành 1 chiếc trực thăng. Còn trong hành trình, chong chóng sẽ xoay ngang và V-22 trở thành 1 máy bay cánh quạt.

Tuy vậy, cũng có những giải pháp khác đang được nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chong chóng đĩa. Về cơ bản, máy bay có chong chóng phía trên giống trực thăng, nhưng có thể được rút gọn vào trong một cái đĩa lớn sau khi cất cánh. Đĩa này khi đó cũng đóng vai trò như 1 cánh máy bay, tạo lực nâng khi nó bay về phía trước. Khi hạ cánh, các chong chóng lại được bung ra và nó lại trở thành 1 chiếc trực thăng.

TQ và giấc mơ tên lửa đạn đạo diệt hạm

Từ tháng 7/1995 đến tháng 3/1996, TQ liên tiếp thực hiện 3 đợt thử nghiệm phóng tên lửa, với các điểm rơi càng ngày càng gần Đài loan. Trong đợt cuối, tên lửa TQ rơi ngay bên trong lãnh hải Đài loan, khiến cho tàu thuyền và máy bay dân sự phải đổi hướng, thị trường chứng khoán Đài loan tụt dốc, luồng vốn chảy ra khỏi đảo quốc này dưới sự lo lắng về một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Mục đích chính của hành động gây hấn này là cảnh cáo Đài loan về việc độc lập cũng như gây sức ép lên công chúng Đài loan không bỏ phiếu cho tổng thống đương nhiệm, vốn là người ủng hộ chủ trương độc lập, trong kỳ bầu cử ngày 23/3. TT Mỹ khi đó là Bill Clinton, mặc dù là người theo đuổi chính sách thân thiện với TQ, nhưng với hành động không thể chấp nhận trên của chính quyền đại lục, đã ra lệnh cho 2 Hải đội Hàng không mẫu hạm là Independence và Nimitz lập tức triển khai tại khu vực. Nhận thức rõ ràng rằng mình không đủ sức đối phó với lực lượng này, sự hung hăng của TQ nhanh chóng xẹp xuống. Đồng thời, mục tiêu chính trị của họ cũng không đạt được, người dân Đài loan thay vì sợ hãi lại trở nên phẫn nộ và dồn phiếu cho tổng thống đương nhiệm.

Kể từ đó, TQ đặt ưu tiên cho việc tìm ra cách đối phó với tàu sân bay của hải quân Mỹ.Trong đó, đặc biệt tham vọng là kế hoạch dùng tên lửa đạn đạo trong vai trò diệt hạm. Trên lý thuyết, 1 tên lửa DF-21 với tầm bay 2000km, trang bị đầu đạn có độ chính xác 10m và lao xuống mục tiêu với vận tốc Mach 10 có thể coi là một nguy cơ thật sự cho bất cứ ai, cho dù đó là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới.

Điều đặc biệt là ý tưởng này của TQ bắt nguồn từ chính một hệ thống vũ khí của Mỹ. Đó là tên lửa hạt nhân tầm trung Pershing II, được triển khai ở châu Âu đầu những năm 80. Trái với suy nghĩ thông thường về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Pershing II có độ chính xác đáng kinh ngạc, với khả năng đánh trúng trong vòng 30m quanh mục tiêu. Độ chính xác này đạt được nhờ vào MARV, hay đầu đạn có khả năng cơ động. MARV thực chất là một loại đầu đạn con trang bị trên tên lửa có khả năng cơ động độc lập. Sau khi tên lửa bay đến một vị trí nhất định, thường là ở độ cao tối đa, MARV sẽ tách ra, quay trở lại bầu khí quyển và tự bay đến các mục tiêu đã được lập trình trước. MARV trên Pershing II được trang bị một radar dẫn đường, nó sẽ quét khu vực quanh mục tiêu, so sánh với dữ liệu trong bộ nhớ và điều khiển tên lửa vào mục tiêu. Pershing II chứng minh rằng tên lửa đạn đạo có thể đạt được độ chính xác đủ để tấn công 1 mục tiêu kích thước nhỏ, như một con tàu trên đại dương.

TQ bắt đầu nghiên cứu công nghệ MARV ngay sau khi Pershing II được triển khai. Cho tới nay, rất có thể là họ đã làm chủ công nghệ này. Loại tên lửa mà TQ dùng để mang MARV có thể là DF-21. Nó dùng động cơ đẩy nhiên liệu rằn, là mức phát triển cao nhất cho động cơ tên lửa quân sự, vì độ tin cậy và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn nhiên liệu lỏng. Nó có thể được phóng đi từ các giàn phóng di động trên xe cơ giới. Tầm bắn khoảng 2000km đủ để bao phủ khu vực mà tàu sân bay có thể triển khai nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài loan. Ngoài ra, đầu đạn của nó cũng lớn hơn so với DF-15, cho phép gây ra thiệt hại đáng kể cho tàu sân bay.

Để tăng khả năng đánh trúng, phiên bản DF-21 dùng cho mục đích này được tăng thêm 1 tầng tên lửa đẩy, nhằm tăng tính khó phán đoán của đường bay. Đầu đạn được thay đổi để giảm diện tích phản xạ radar. Ngoài ra, họ thêm vào đó một đầu dò đa chế độ: radar chủ động, thụ động và hồng ngoại.


Tuy nhiên, trước khi phóng tên lửa, TQ sẽ phải ít nhất là phát hiện được sự có mặt của tàu sân bay, xác định được vị trí chung của nó. Dữ liệu sẽ đến từ một trong các nguồn sau:

Vệ tinh trinh sát: các loạt vệ tinh Ziyuan, Yaogan được trang bị cảm biến quang điện tử, CCD, radar mặt đất SAR. Đặc biệt quan trọng là hệ thống FY, về cơ bản nó là một loạt vệ tinh quan sát trái đất. TQ từng tuyên bố sẽ phóng lên 100 vệ tinh quan sát. Một khả năng khác là phóng những vệ tinh mini, tuổi thọ ngắn khi xung đột xảy ra. TQ được tin là có khả năng phóng lên 1 vệ tinh 100kg 5 tiếng sau khi có chiến tranh. Trong một cuộc thử nghiệm, vệ tinh mini hoạt động trong 27 ngày.

Radar tầm xa ngoại biên, tầm hoạt động 800 - 3000km, độ chính xác từ 20-30km. Nếu sử dụng thuật toán tốt hơn có thể giảm xuống còn 2-3km.

UAV: TQ có những dự án UAV copy theo các dự án của Mỹ, bao gồm loại hoạt động ở độ cao lớn như Global Hawk và trung bình như Predator. Thời gian hoạt động khoảng 20 giờ.

Cơ chế hoạt động có thể theo những bước sau:

Khi xung đột nổ ra, TQ trước tiên sẽ phóng một số vệ tinh mini trang bị cảm biến quang điện tử để tăng khả năng thám sát. Họ sẽ cho các UAV cỡ lớn bay ra trinh sát. Radar tầm xa ngoại biên sẽ cung cấp những thông tin so khởi về vị trí của hạm đội. Thông tin này được cung cấp cho vệ tinh để chúng tập trung tìm kiếm khu vực đó và xác định tọa độ chính xác. Tên lửa khi được phóng lên, sẽ mất chừng 12 phút để bay đến mục tiêu cách 2000km. Trong giai đoạn giữa, nó sẽ phải được cập nhật vị trí mới của mục tiêu. Khi tiếp cận mục tiêu, sẽ có 3 giai đoạn: dẫn hướng trên cao, lướt đi và dẫn hướng ở độ cao thấp. Ý nghĩa chính có thể là làm giảm vận tốc của đầu đạn trong giai đoạn cuối để đầu dò có thêm thời gian tìm kiếm mục tiêu.

Tất cả những thông tin trên vẫn chỉ ở mức phỏng đoán, TQ không đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào một cách chính thức, đặc biệt là về việc hệ thống đã sẵn sàng hoạt động. Tuy vậy, một vấn đề khác không kém phần khó khăn so với vấn đề kỹ thuật là DF-21 là tên lửa chiến lược được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Khi một tên lửa được phóng lên, không ai có thể biết chắc nó là tên lửa mang đầu đạn diệt hạm hay hạt nhân. Người Mỹ hoàn toàn có thể nghĩ rằng TQ đang tiến hành chiến tranh hạt nhân và trả đũa. Tình huống tương tự cũng đã xảy ra khi Nga kịch liệt phản đối kế hoạch của Mỹ hoán chuyển một số tên lửa chiến lược Trident trên tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio từ đầu đạn hạt nhân sang đầu đạn thường để dùng trong những cuộc tấn công chớp nhoáng và bất ngờ vào những mục tiêu có giá trị cao và thường đòi hỏi phản ứng nhanh. Ví dụ như khi vị trí của một trùm khủng bố được phát hiện ở một vùng xa xôi hẻo lánh, và không có không gian hay thời gian đủ để máy bay bay đến đó và không kích.

2.4.09

Falkland

Vào ngày này cách đây 27 năm, cuộc chiến Falkland giữa Anh và Argentina chính thức nổ ra nhằm giành chủ quyền của quần đảo Falkland, theo cách gọi của người Anh, hay Malvinas theo người Argentina. Đó là lần giao tranh trên không-trên biển lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, và cho tới tận ngày nay. Diễn ra ngay giữa thời kì chiến tranh lạnh, nhưng lại không liên quan gì đến sự đối địch giữa 2 hệ thống lúc đó, cuộc chiến Falkland có thể được coi là một ví dụ tiêu biểu về chiến tranh quy ước thời hiện đại. Đó là nơi mà kỹ thuật đóng một vai trò ngày càng quan trọng, nhưng đến tận cùng, bản chất của chiến tranh vẫn không thay đổi, đó là chính lòng dũng cảm và sự yếu đuối của con người vẫn là chìa khoá của thành công hay thất bại kể cả trong thời đại kỹ thuật cao.

KTCNQS sẽ lần lượt thuật lại các diễn biến chính của cuộc chiến này trong các bài tiếp theo, với sự tham gia đóng góp của CTV.

D9 Black Thunder



Quân đội Israel đang dự định sẽ gấp đôi số lượng phiên bản điều khiển từ xa của máy ủi D9, được gọi là Black Thunder. D9, sản xuất bởi nhà chế tạo nổi tiếng Caterpilla (CAT), là một loại xe ủi cỡ lớn, nặng gần 50 tấn. Khi được quân đội Israel sử dụng, nó được trang bị thêm giáp, tăng trọng lượng lên hơn 60 tấn, nghĩa là tương đương một xe tăng chủ lực như Leo 2. Công suất động cơ là 450 mã lực.

Black Thunder là một dự án bí mật nhằm biến D9 thành một robot điều khiển từ xa khổng lồ. Đây là một bước đi cần thiết, bởi vì xe ủi đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến. Nó được dùng để dọn dẹp các chướng ngại vật, cho dù đó là cây cối hay nhà cửa. Điều đó có nghĩa là xe ủi thường sẽ là đơn vị tiến lên trước tiên, và dễ dàng thu hút hỏa lực đối phương cũng như vướng mìn. Black Thunder được sử dụng rất thành công trong chiến dịch Cast Lead vừa qua ở Gaza, giúp dọn dẹp các thiết bị nổ, chướng ngại vật, bẫy cho bộ binh. Trong thực tế chiến tranh, vai trò quan trọng của xe ủi đã được biết đến từ lâu. Ít người biết rắng 1 đô đốc Mỹ thời thế chiến từng liệt xe ủi vào 1 trong 3 loại vũ khí quan trọng nhất giúp người Mỹ giành chiến thắng trước người Nhật (2 loại kia là radar và tàu ngầm).

1.4.09

Cập nhật về vụ không kích tại Sudan

Trái với những phỏng đoán ban đầu, đóng vai trò chính trong vụ không kích của Israel nhằm vào đoàn xe chở vũ khí của Iran tại Sudan không phải là UAV mà vẫn là máy bay có người lái. Theo đó, có hàng chục máy bay tham gia chiến dịch. Những chiến đấu cơ ném bom F-16 đảm nhận nhiệm vụ tấn công đoàn xe. Còn F-15 sẽ bay vòng phía trên đề phòng máy bay đối phương. Sau đợt tấn công đầu tiên, UAV trang bị camera độ phân giải cao được điều đến để kiểm tra thiệt hại. Sau khi nhận thấy đoàn xe chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, F-16 thực hiện đợt tấn công thứ hai.

Đêm ở Zabul



Cảnh bầu trời đêm tại căn cứ tiền phương Lane, tỉnh Zabul, Afghanistan.

USS Bendold



Tàu khu trục USS Bendold đang phóng tên lửa SM-2 trong một cuộc thử nghiệm trong khuôn khổ cuộc tập trận Stella Daggers hôm 26/3 ở Thái Bình Dương. Mục tiêu là kiểm tra khả năng cùng lúc đối phó với nhiều loại mục tiêu. USS Bendold đã dùng 2 phiên bản khác nhau của SM-2 để cùng lúc tiêu diệt một tên lửa hành trình tầm thấp và một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Lahore



Vụ đột kích vào một trung tâm huấn luyện cảnh sát ở Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab, Pakistan là một bước nữa kéo nước này vào sâu hơn trong vòng xoáy bạo lực của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan.

Robot của Israel tại Sudan

Sau khi Israel xác nhận một cuộc không kích nhắm vào đoàn xe chở tên lửa từ Iran qua cho Hamas trên lãnh thổ Sudan, đã có nhiều phỏng đoán về chi tiết vụ việc. Có khả năng rất lớn là Israel đã sử dụng UAV cho vụ tấn công này. Họ có thể có đặc tình ở cảng Sudan và báo tin về chuyến hàng. Mất khoảng 10 tiếng để một chiếc UAV bay từ Israel đến biên giới Ai cập - Sudan.

Dùng UAV cho những phi vụ này là một lựa chọn hợp lý. Vì nó rẻ hơn sử dụng máy bay có người lái. Ngoài ra, nó có thời gian hoạt động lâu hơn, cho phép UAV bay vòng quanh trên bầu trời và chờ đợi mục tiêu xuất hiện.

Loại UAV được sử dụng có thể là Heron TP, một loại UAV cỡ lớn, nặng 4.6 tấn, trang bị động cơ mạnh đến 1200 mã lực. Nó có thể hoạt động ở độ cao 15km, cao hơn trần bay của các phi cơ dân dụng, do đó không phải lo lắng về các quy định an toàn hàng không. Heron có sức tải 1 tấn, thời gian hoạt động lên đến 36 tiếng. Nó có thể được trang bị 8 tên lửa Spike ER hoặc Hellfire. Rất có thể có nhiều chiếc Heron được sử dụng cùng lúc để có thể tiêu diệt toàn bộ đoàn công voa như vậy.

EMALS: Bệ phóng điện từ trường

CVF


CVN-21
Một trong số những thiết bị quan trọng nhất trên một tàu sân bay chính là máy phóng máy bay. Vì trên tàu sân bay, không thể nào có một đường băng đủ dài cho một máy bay có thể đạt được tốc độ cần thiết để cất cánh. Do đó, máy phóng được sử dụng để cung cấp thêm gia tốc cho máy bay, giúp đạt được vận tốc cần thiết chỉ trong thời gian ngắn.

Nếu không có máy phóng, tàu sân bay sẽ phải sử dụng dốc phóng. Khi đó phần đường băng ở mũi tàu sẽ dốc lên, máy bay khi qua khỏi dốc phóng sẽ có đủ lực nâng. Tuy vậy, khả năng hỗ trợ của nó bị giới hạn rất nhiều. Máy bay khi đó sẽ không thể bay với đầy đủ nhiên liệu và tải trọng vũ khí.

Cho đến nay, các máy phóng đều sử dụng hơi áp suất cao. Chúng được sử dụng trên các tàu sân bay của Mỹ và chiếc Charles De Gaulle của Pháp, vốn cũng mua công nghệ từ Mỹ. Hơi nước được cung cấp từ lò phản ứng hạt nhân của tàu. Công nghệ này cũng có một số hạn chế, đặc biệt là yêu cầu cao về bảo trì, bảo dưỡng.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đang dự tính sẽ chuyển sang sử dụng máy phóng dùng điện từ trên lớp tàu sân bay mới của mình, CVN - 21 Gerald Ford. Công nghệ này được gọi là EMALS. Và nó cũng được dự tính trang bị cho lớp tàu sân bay mới của Hải quân Anh, Nữ hoàng Elizabeth hay CVF. Công nghệ mới này hứa hẹn sẽ hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Hiện nay, mỗi lần phóng máy bay cần khoảng 615kg hơi áp suất cao, cùng với đó là rất nhiều hệ thống thủy lực, và nước để hấp thụ va chạm và giảm tốc cho máy phóng. Cả hệ thống nói chung là rất lớn, phức tạp. Ngoài ra, một khuyết điểm lớn của nó là tạo ra gia tốc rất lớn, sự tăng tốc rất đột ngột đó tạo ra sức ép rất lớn lên khung máy bay. Do đó các mẫu máy bay của hải quân thường có yêu cầu rất cao về độ bền so với của không quân, và làm tăng chi phí.

EMALS sử dụng cùng nguyên lý như của súng điện từ. Nó giúp cho việc phóng máy bay diễn ra nhẹ nhàng hơn (gia tốc nhỏ hơn), với 30% tăng thêm về lực phóng. Nó cũng nhỏ gọn và ít yêu cầu về bảo trì. Công suất cực đại của nó là 60 MW, cung cấp một năng lượng lên tới 60 megajun, đủ để thắp sáng 12,000 căn hộ.

SBX



SBX là hệ thống radar băng tần X trên biển, thường được gọi là quả bóng golf khổng lồ, vì hình dáng bên ngoài của nó. Cao tương đương tòa nhà 10 tầng, nó được đặt trên một bệ giàn khoan nổi khổng lồ. Bản thân radar nặng đến 1800 tấn, với 22000 module thu phát thể rắn. Nó được cung cấp điện bởi 6 máy phát, tổng công suất 12MW. Nó được mô tả là có khả năng phát hiện và theo dấu một quả bóng bầu dục ở khoảng cách 4700km.

Năm 2006, SBX, vẫn còn trong quá trình thử nghiệm, được huy động để theo dõi vụ thử tên lửa Taepodong 2 của Bắc Hàn, vụ thử khi đó thất bại. Lần này, Bắc Hàn lại chuẩn bị phóng Taepodong 2 một lần nữa, nhưng lần này SBX đang ở tại Hawaii và trải qua một đợt sửa chữa.