23.5.09

Tương lai bắt đầu từ hôm nay


Cả Bộ trưởng BQP Mỹ Robert Gates và chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân (tổng tham mưu trưởng), đô đốc hải quân Mullen, đều đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng UAV, máy bay không người lái, sẽ là tương lai của không quân Mỹ. Nó đánh dấu một cột mốc rất quan trọng của công nghệ hàng không quân sự Mỹ, xác định ưu tiên chính cho các dự án sau này. Cột mốc tương đương trước đó là việc biến không quân Mỹ thành một lực lượng 'toàn tàng hình', với tất cả các thiết kế đều ứng dụng công nghệ giảm diện tích phản xạ radar và coi đó là ưu tiên cao nhất, bao gồm B-2, F-22, F-35.

Trước mắt, thế hệ máy bay ném bom chiến lược mới, NGB, có thể sẽ là UAV. Mullen thậm chí tin tưởng rằng F-35 sẽ là mẫu máy bay chiến đấu có người lái cuối cùng được thiết kế. Việc một đô đốc lại rất nhiệt tình với UAV không có gì lạ vì hải quân Mỹ cho tới nay đặt rất nhiều kỳ vọng vào UAV, vì lực lượng máy bay của họ đặt trên tàu sân bay, nơi mà không gian rất có hạn. UAV nhỏ gọn hơn máy bay có người lái, đồng thời sẽ tiết kiệm được những không gian trước đây dành cho phi công.




X-47B

Vài năm trước, dự án J-UCAS, máy bay chiến đấu không người lái đa quân chủng, được khởi động với mục tiêu là chế tạo một mẫu UAV chiến đấu chung cho cả hải quân và không quân Mỹ. 2 thiết kế cạnh tranh với nhau là X-45 của Boeing và X-47 của Northrop Grunman, hãng chế tạo B-2. X-47 chiến thắng, tuy vậy dự án J-UCAS sau đó bị hủy bỏ vì 2 quân chủng nhận thấy rằng họ cần những thiết kế riêng phù hợp nhu cầu của mình.

Năm ngoái, hải quân Mỹ chính thức giới thiệu mẫu UAV chiến đấu đầu tiên của mình, X-47B. Đây mới chỉ ở dạng mẫu thử nghiệm, dự kiến cuối năm nay nó sẽ bay chuyến đầu tiên và đến năm sau sẽ thực hiện một cuộc hạ cánh trên tàu sân bay. Với sải cánh 20m, nặng 8 tấn, có thể chở theo 2 tấn vũ khí, nó có thể hoạt động liên tục tối đa 12 tiếng đồng hồ. Nó sử dụng bản cải tiến của động cơ phản lực F100, loại dùng trên F-16 và F-15. X-47B hoàn toàn tự động, từ lúc cất cánh tới hạ cánh, bao gồm cả việc tiếp nhiên liệu trên không.







X-45A

Mặc dù thua cuộc trong J-UCAS, Boeing với X-45 vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng vào thiết kế của mình, và tự bỏ tiền ra để tiếp tục nghiên cứu. Dự án giờ đây có tên mới là Phantom Ray.

X-45A cũng có thiết kế tàng hình, sải cánh 10m, sức tải 700kg. Hoàn toàn tự động từ lúc cất tới hạ cánh, trần bay 10km, vận tốc hành trình Mach 0.75. Thiết kế X-45A cho phép cánh được tháo rời ra dễ dàng để máy bay có thể được xếp gọn vào trong một container chuyên dụng. Một máy bay vận tải C-17 có thể chở theo 6 container như vậy đến bất cứ đâu trên thế giới.



X-45C

X-45C, phiên bản nâng cao của X-45A, lớn hơn và có thiết kế khác. Nặng 19 tấn, sải cánh 18m. Trần bay 13km, sức tải tối đa là hơn 2 tấn. Tầm hoạt động 2300km với vận tốc hành trình Mach 0.85. Một chiếc X-45C có thể mang theo 8 bom SDB trong khoang chứa kín của mình.

Những UAV chiến đấu như vậy ban đầu sẽ được dùng cho những nhiệm vụ nguy hiểm, đặc biệt là tấn công hệ thống phòng không của đối phương.

Tuy vậy, cho tới nay, người ta vẫn ít khi đề cập đến việc dùng máy bay không người lái trong vai trò không đối không. Vấn đề không chỉ là về mặt kỹ thuật mà còn là việc nó đồng nghĩa với sự 'biến mất' của các phi công chiến đấu. Tuy nhiên, trước khi UAV có thể tham gia không chiến, nó cần đạt được 2 yếu tố sau.

Thứ nhất là khả năng nhận thức về tình huống, môi trường bên ngoài. Và thứ hai và khả năng xử lý những thông tin đó là tự đưa ra quyết định, hay có thể 'suy nghĩ' như một con người. UAV nếu được dùng trong không chiến sẽ có lợi thế là không bị giới hạn về gia tốc. Cơ thể con người chỉ có thể chịu được 1 mức gia tốc nào đó, trên lý thuyết là 9G, gấp 9 lần gia tốc trọng trường. Nếu gia tốc quá lớn, phi công sẽ dần mất ý thức và có thể tử vong. Ngoài ra, UAV cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm sinh lý, ngay cả trong tình huống khó khăn, và thời gian hoạt động dài hơn nhiều so với máy bay có người lái.

Việc chuyển từ máy bay có người lái sang UAV cũng sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ dùng cho đào tạo, trả lương cho phi công. Tuy vậy, từ đây cho đến lúc đó vẫn còn một đoạn đường dài. Mặc dù đã quyết định đẩy nhanh việc robot hóa lực lượng chiến đấu cơ của mình sớm 20 năm so với kế hoạch vạch ra trước đây, BQP Mỹ dự tính rằng phải đến 2020 thì chiếc UAV đầu tiên có tính năng tương đương F-35 mới xuất hiện.

Nguyên nhân tai nạn của Su-35

Các kỹ sư Nga xác định rằng nguyên nhân khiến họ mất một trong 2 mẫu thử nghiệm hiện tại của Su-35 là một lỗi kỹ thuật của 1 trong 2 động cơ của máy bay. Trước đó có phỏng đoán cho rằng nguyên nhân là do bộ càng đáp hay đường dẫn nguyên liệu. Loại động cơ sử dụng trên Su-35 là AL-41.

Hiện Nga sử dụng 2 loại động cơ chính cho các chiến đấu cơ của mình là AL-31 cho dòng Su-27/30 và RD33/93 cho Mig-29. AL-41 là một bản nâng cấp từ AL-31, có sức đẩy khoảng 15,000kg. Trước kia động cơ phản lực của Nga/LX thường có độ tin cậy và tuổi thọ thấp hơn của phương tây, song những năm gần đây họ đã cố gắng thu hẹp khoảng cách lại.

Nhân đây ta cũng có thể bàn qua về sự khác biệt trong cách đặt tên máy bay giữa Nga và Mỹ. Nga và LX trước đây thường đặt tên khác nhau cho những thiết kế được phát triển lên dựa vào một mẫu nguyên thủy. Su-30, Su-35 là những phiên bản nâng cao của Su-27 với nhiều cải tiến khác nhau. Ngược lại, Mỹ chỉ đặt tên mới cho máy bay của mình nếu đó là một thiết kế hoàn toàn mới. Do đó, nếu Sukhoi là 1 hãng Mỹ thì ta sẽ có Su-27, Su-27E hay Su-27H…thay vì Su-27/30/35. Ngược lại, nếu Boeing là hãng Nga thì ta sẽ có F-18, F-24 thay vì F-18, F-18E/F. Một điểm lưu ý nhỏ là 2 mẫu máy bay này (F-18 và F-18E/F) mặc dù có bề ngoài rất giống nhau, nhưng thật sự là 2 thiết kế rất khác nhau, chúng chỉ có 25% điểm tương đồng.

Sở dĩ có sự khác biệt này do nhiều lí do. Quan trọng nhất có lẽ là lí do sau: đối với ngành CNQP Nga, ưu tiên cao là dành cho xuất khẩu. Đặt những tên mới cho thiết kế của mình sẽ giúp nó dễ bán hơn, vì rõ ràng Su-30 nghe 'hiện đại' hơn so với Su-27E. Ngược lại, ngành CNQP Mỹ gồm nhiều hãng cạnh tranh với nhau, và nội bộ các quân chủng cũng cạnh tranh rất dữ dội về việc phân bổ ngân sách từ QH. Gọi tên F-18E/F sẽ tạo ấn tượng đó chỉ là một đợt nâng cấp, còn F-24 sẽ khiến người ta cho rằng đây là một dự án hoàn toàn mới và rất tốn kém, do đó khó xin ngân sách từ QH hơn.

Chế độ bật - tắt cho nhiên liệu rắn



Một điểm yếu của nhiên liệu rắn so với nhiên liểu lỏng là nó khó điều chỉnh mức độ sản sinh năng lượng. Đối với nhiên liệu lỏng, bằng việc điều chỉnh lượng nhiên liệu cho vào buồng đốt, người ta có thể đạt được mức năng lượng mong muốn, và có thể bật tắt động cơ tùy ý. Ví dụ tiêu biểu là các động cơ đẩy trên các tàu vũ trụ. Với nhiêu liệu rắn, một khi đã được đánh lửa thì sẽ không thể dừng lại.

Tuy vậy, hãng Digital Solid State Propulsion vừa phát triển thành công công nghệ có thể bật tắt động cơ nhiên liệu rắn. Động cơ này cũng an toàn hơn, không nhạy với tia lửa và các tác nhân kích thích.

Công nghệ này sẽ cho phép tạo ra những động cơ tên lửa nhiên liệu rắn linh hoạt và dễ điều khiển hơn. Không chỉ vậy, nó còn một ứng dụng lớn nữa là tạo ra các đầu đạn có sức công phá có thể điều chỉnh được. Nói chung chất nổ và nhiên liệu động cơ tên lửa về cơ bản là như nhau, chỉ khác về tốc độ giải phóng năng lượng và khả năng kiểm soát năng lượng đó.

21.5.09

Ember

Những người bạn nhỏ của Tom Cruise trên chiến trường




iRobot là một hãng chế tạo robot nổi tiếng, đã cung cấp hơn 2000 robot cho quân đội. Đa số là mẫu Packbot, vừa đủ nhét trong balo. Những hiện nay hãng đang chuẩn bị tung ra mẫu mới, Ember, chỉ nặng chưa tới nửa kí và có thể nhét vừa túi quần.

Chế tạo một robot có kích thước như vậy không phải là quá khó, nhưng để đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe để bảo đảm sự tin cậy cao trong thực tế chiến đấu không phải là dễ. Giống như sự khác nhau một trời một vực giữa 1 chiếc BMW và 1 chiếc Landwind của TQ, dù rằng về cơ bản thì chúng cũng là một thứ.

Tuy vậy, đó không phải là thách thức chủ yếu của dự án này, mà là cách thức chúng sẽ hoạt động. Những robot trước đây hoạt động riêng lẻ và thường phải có người điều khiển. Còn Ember sẽ hoạt động theo từng đàn, phối hợp với nhau và hoàn toàn tự động.

Nếu đã từng xem phim "Minority Report" (Ý kiến thiểu số), có lẽ ai cũng biết cảnh khi mà đội cảnh sát Tiền tội phạm săn lùng nhân vật chính, do Tom Cruise đóng, trong một khu chung cư lớn. Họ đã dùng một đàn những robot mini dạng nhện. Sau khi được thả ra, chúng tự động tản ra, phân chia công việc với nhau và phối hợp rất ăn khớp.

Đó không phải chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thật sự là một trong những mục tiêu lớn nhất của ngành chế tạo robot: tạo ra những nhóm robot có khả năng tự phân chia và phối hợp thực việc công việc với nhau.

Những Ember sau khi được kích hoạt sẽ lập ra một mạng không dây để kết nối với nhau. Hiện nay dự án đã có thể thiết lập được những đàn robot gồm 9 con hoạt động chung với nhau. Mục tiêu cuối cùng là biến Ember thành một trang bị tiêu chuẩn cho mọi lính bộ binh trong tương lai.

20.5.09

Cảm ơn Senor Chavez!


Như đã biết, 6 chiếc tàu ngầm Kilo mà Nga bán cho VN thuộc về một hợp đồng với Venezuela, nhưng hợp đồng này sau đó bị hủy. Nguyên nhân chính xác thì không ai có thể chắc chắn. Những nguyên nhân chính mà đa số tin chắc là sự sụt giảm của giá dầu, nguồn thu chính của nước này, sự nồng ấm đột ngột giữa Chavez với Mỹ. Mới đây lại có thêm một giả thuyết nữa. Theo một số nguồn tin thì khi một đoàn tàu chiến Nga thăm Venezuela, đã có một cuộc ẩu đả giữa thủy thủ Nga và các vệ sĩ của Chavez khi họ bị ngăn không cho lên tàu. Mặc dù nghe có vẻ khó tin, nhưng cũng không phải là không thể xảy ra, vì trong quá khứ, việc xung đột giữa lực lượng an ninh sở tại và an ninh của phái đoàn nước ngoài không phải là chưa từng xảy ra. Nếu sự kiện xảy ra thật, thì có lẽ nó cũng chỉ đóng góp vào chứ không phải là lí do duy nhất của việc hủy hợp đồng. Nhưng cho dù thế nào thì nó vẫn là một điều may mắn cho VN.

Yêu cầu ngoại ngữ


Rover


Cũng như những người khác, quân đội Pháp hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của những vũ khí chính xác như bom thông minh và tên lửa có điều khiển của không quân hỗ trợ cho lực lượng mặt đất. Tuy vậy, trong thực tế phối hợp tác chiến với Nato tại Afghanistan, họ gặp nhiều khó khăn và không tận dụng được hết khả năng của chúng. Thứ nhất, họ không có đủ FAC, là đội phối hợp không lực tiền phương. Họ được không quân biệt phái theo các đơn vị lục quân và báo thông tin về vị trí mục tiêu cho máy bay bắn phá.

Thứ hai, những FAC có sẵn lại không thông thạo tiếng Anh, là ngôn ngữ chung trong tác chiến của Nato. Những phi công Pháp thì có thể giao tiếp bằng tiếng Anh không mấy khó khăn, nhưng các FAC thì ít có cơ hội thực hành hơn. Ngoài ra, Pháp cũng chưa có Rover. Nó là một thiết bị giống như một máy tính xách tay loại nhỏ có khả năng kết nối vệ tinh. Nó sẽ truyền hình ảnh từ các cảm biến của máy bay trực tiếp xuống cho các FAC, nghĩa là họ sẽ nhìn thấy những gì phi công đang nhìn thấy. Được phát minh theo yêu cầu trực tiếp của lính đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan từ 2002, Rover là một bước tiến lớn trong phối hợp tác chiến giữa không quân và lục quân. Trước kia thông tin chỉ theo 1 chiều, nghĩa là FAC cung cấp thông tin tọa độ cho máy bay. Rover cung cấp khả năng thông tin 2 chiều, khi mà FAC giờ đây có thể kiểm tra xem phi công có đang nhắm đúng mục tiêu mà mình muốn hay không. Ngoài ra, với những thế hệ sau, FAC có thể chỉ đơn giản nhìn vào màn hình cảm ứng và click vào mục tiêu trên đó để chỉ điểm cho phi công mà không cần phải mất thời gian đọc toạn độ hay chiếu tia laser vào mục tiêu. Ngoài ra, với khả năng truy cập trực tiếp vào các cảm biến của máy bay (gồm cả UAV), Rover giúp các đơn vị mặt đất tiếp cận với những thông tin trinh sát, thám sát theo thời gian thực mà không phải qua các cấp trung gian khác.

Đa số những vấn đề trên của người Pháp là do họ đã rút khỏi các cơ cấu quân sự của Nato từ những năm 60. Pháp vẫn là thành viên Nato, nhưng quân đội của họ không tập luyện chung và theo các quy trình chuẩn hóa của tổ chức này nữa. Trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, Pháp được giao riêng cánh phía tây, không lo việc phải phối hợp với các nước khác, nhưng ở Afghanistan lại là chuyện khác.

19.5.09

Chảy xăng


Một lính không quân Mỹ đang ở trên một máy bay thương mại bay từ Chicago qua Nhật khi anh này phát hiện ra nhiên liệu đang bị thoát ra ngoài. Đội bay ngay lập tức được thông báo và cho chuyển hướng. Điều trùng hợp là người này là một nhân viên trên máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Tích tiểu thành đại


Chỉ vài ngày sau khi một hợp đồng mua 12 chiếc Su-30MK2 của Việt nam được công bố, giá mỗi chiếc khoảng hơn 40 triệu dollar, con số này được giảm xuống còn 8 chiếc vì lí do khó khăn kinh tế. Tuy vậy, điều này cũng không có ý nghĩa nhiều lắm vì đằng nào VN cũng khó có thể cùng lúc mua 12 chiếc máy bay với tổng giá trị nửa tỷ dollar mà sẽ chia làm nhiều đợt.

Hợp đồng này sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ trên biển của VN vì phiên bản này của Su-30 có các hệ thống điện tử chuyên dùng cho tên lửa diệt hạm. Su-30 là phiên bản nâng cao phát triển lên từ Su-27, là loại máy bay mà VN đã sử dụng trong gần 1 thập niên nay. Ngoài ra, VN cũng đang sử dụng (Su-30MKK) Su-30MK2V. Là một trong những loại chiến đấu cơ cường kích hiện đại nhất thế giới hiện nay, sự bổ sung của Su-30MK2 là một bước đi cần thiết trong việc nâng cấp sức mạnh quân sự của Việt nam.

Tuy vậy, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Không phải việc VN mua được bao nhiêu máy bay mới, mà chính là số giờ bay trung bình hàng năm của các phi công sẽ cho thấy sức mạnh thật sự của không quân. Bên cạnh đó, một chiếc máy bay dù hiện đại đến đâu, nhưng nếu tỷ lệ sẵn sàng thấp, nghĩa là đa số thời gian nó phải nằm 'đắp chiếu', hoặc thiếu vũ khí, trang thiết bị kèm theo thì cũng không có tác dụng. Vũ khí càng hiện đại thì việc duy tu, bảo dưỡng càng phức tạp và tốn kém. Nhất là khi mà đó là máy bay của Su, không phải Mig.

Trước kia, Mig gần như đồng nghĩa với phi cơ Liên xô. Những chiếc Mig được thiết kế với triết lý là chế tạo những mẫu máy bay giá rẻ, sử dụng cho những lực lượng không quân có trình độ phi công không quá cao, vì phương thức tác chiến trên không của LX và đồng minh dựa rất nhiều vào sự chỉ huy từ đài điều khiển mặt đất. Điều này có nghĩa là máy bay không cần có độ tin cậu quá cao, vì nó sẽ ít được dùng trong huấn luyện. Ví dụ như Mig-29 chỉ được thiết kế với mức 100 giờ bay mỗi năm. Ngoài ra, Mig cũng không yêu cầu quá cao về vấn đề bảo dưỡng, duy tu. Hình ảnh những chiếc Mig phơi sương gió tại những sân bay dã chiến đã rất quen thuộc. Trong khi đó, Sukhoi, với Su-27, đã chuyển sang triết lý khác, họ thiết kế những máy bay với ý nghĩ trong đầu rằng nó sẽ được dành cho những phi công hạng nhất, đồng thời nó cũng đòi hỏi cao về vấn đề hậu cần, duy trì. Do đó, ít máy bay hơn nhưng phi công được huấn luyện tốt hơn, thực hiện việc bảo trì đầy đủ và sẵn sàng chiến đấu cao thì vẫn tốt hơn.

Cỗ máy chiến tranh vận hành như một hệ thống hoàn chỉnh, không đơn giản là vũ khí X vs. vũ khí Y. Do đó, không chỉ những loại vũ khí trực tiếp tham chiến (chiến đấu cơ, chiến hạm…) mà các loại khí tài hỗ trợ khác cũng đóng vai trò quyết định. Trước đó, VN đã mua 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga của Ukraina. Mỗi hệ thống gồm 3 cảm biến, cho phép thực hiện phép đo tam giác để xác định vị trí mục tiêu, cả trên không và trên biển, tối đa 32 mục tiêu. Ngoài ra còn có 3 máy bay tuần tra và thám sát hàng hải CASA C212 của TBN với radar của Thụy điển, 10 máy bay huấn luyện Yak-52, 4 máy bay huấn luyện L-39 đã qua sử dụng.

Ngoài việc đầu tư một cách khá toàn diện thì những hợp đồng trên còn cho thấy sự đa dạng hóa trong nguồn cung. Khi nói đến vũ khí, thì không phải lúc nào cũng chỉ là những cái tên như Nga, Mỹ, Anh…mà còn rất nhiều những nước khác cũng xuất khẩu vũ khí. Mỗi nước đều có những 'đặc sản', thế mạnh riêng của mình. Đôi khi những nước không được nổi tiếng lắm lại ít bị những ràng buộc và toan tính chính trị trong vấn đề mua bán vũ khí. Ngoài ra, dùng thiết bị của nhiều nước trong cùng 1 hệ thống vũ khí cũng là một xu hướng phổ biến. Ngay cả Nga khi chào bán máy bay của mình cũng thường đi kèm option trang bị thiết bị điện tử của phương tây cho dễ bán hơn.

Do đó, việc tăng cường sức mạnh quốc phòng với điều kiện ngân sách hạn chế tuy khó, nhưng không phải là không thể, quan trọng là có một chiến lược, kế hoạch đúng đắn.

Hack vệ tinh quân sự


Mỹ và Brazil vừa phối hợp bắt giữ một số người đã sử dụng trái phép các vệ tinh liên lạc thuộc hệ thống FLTSATCOM. Hệ thống này gồm 8 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo từ 1979-1989. Đến những năm 90, nó được thay thế bởi UFO, một hệ thống mới hơn. Cả 2 đều đóng vai trò là vệ tinh liên lạc cho hải quân Mỹ. Mặc dù không còn được sử dụng, và tuổi thọ theo thiết kế là 7 năm, vẫn còn 2 vệ tinh thuộc FLTSATCOM còn hoạt động được, sau hơn 20 năm kể từ ngày được phóng lên.

Không lâu sau khi hải quân Mỹ ngưng dùng FLTSATCOM, các tay chơi radio nghiệp dư ở Brazil khám phá ra rằng chỉ cần một chảo vệ tinh và biết đúng tần số, họ có thể sử dụng 2 vệ tinh còn lại của hệ thống. Khi nhận được tín hiệu từ mặt đất đúng tần số, chúng sẽ tự động chuyển tiếp xuống 1 khu vực rộng lớn bên dưới. Nhờ đó, những người chơi radio có thể liên lạc với nhau qua một khoảng cách rất xa.

Một người Brazil nhập cư vào Mỹ và vẫn sử dụng cách này đã bị phát hiện và phạt 20,000 dollar. Sau đó phía Mỹ yêu cầu nhà chức trách Brazil can thiệp, vì đó vẫn còn là tài sản của chính phủ Mỹ, hơn nữa, chúng vẫn có thể hữu dụng trong trường hợp khẩn cấp.

18.5.09

Cuộc chiến Falkland - P3

Cuộc chiến lớn trên bộ bắt đầu vào ngày 21/5, khi 1000 lính thủy đánh bộ Hoàng gia đổ bộ lên đảo Đông Falkland. Với lực lượng tăng viện, họ dựng nên công sự trên bờ biển đầu tiên của quân Anh, gần khu dân cư nhỏ xíu tên là Port San Carlos, trên bờ biển phía tây của đảo. 5 tàu của Anh bị hư hại nặng trong cuộc đổ bộ,bao gồm khinh hạm Ardent, sau đó bị chìm, làm 22 người chết.
Từ 21 đến 25 tháng 5, Argentina và Anh giao tranh dữ dội trên không và trên bộ. Tổng cộng, phía Anh mất 5 trong số 40 phi cơ Harrier, cả 5 phi công đều thiệt mạng. Phía Argentina mất hơn 2 tá A-4 Skyhawk và Mirage vì tên lửa Sidewinder, Rapier, Blowpipe phóng từ máy bay, tàu chiến và mặt đất. Khinh hạm Antelope của Anh bốc cháy và bị bỏ lại ngày 23/5.
Trận không-hải chiến chính diễn ra ngày 25/5, nay là ngày lễ của Argentina. Phi công Argentina xuất kích những phi vụ mà sau này được so sánh với những cuộc tấn công cảm tử của đội Kamikaze, Nhật Bản, đánh chìm khu trục hạm Coventry, và tàu vận tải Atlantic Conveyor. 24 thủy thủ Anh thiệt mạng.
Cuộc chiến trên bộ: đến cuối tháng 5, sự chú ý chuyển sang cuộc chiến trên bộ. Quân Anh rời khỏi công sự tại Port San Carlos và chiếm lại Darwin, Goose Green. Cùng lúc, một số lớn quân tăng viện tới ngoài khơi quần đảo, bao gồm 3000 lính di chuyển tới Falkland bằng chiếc du thuyền sang trọng Queen Elizabeth 2, vốn đã được chính phủ Anh trưng dụng vào đầu tháng 5. Trên tàu QE2 là Lữ đoàn bộ binh số 5, bao gồm những đon vị kỳ cựu: Vệ binh Scotland, Vệ binh xứ Wales, và đơn vị Gurkha.
Suốt đầu tháng 6, phía Anh chuyển đại pháo, súng cối, và những thiết bị khác lên vùng đất cao gần Stanley, và tàu chiến tiếp tục rót đạn pháo vào các vị trí của quân Argentina. Những đơn vị biệt kích tinh nhuệ của Anh di chuyển ngang qua hòn đảo từ Darwin, Goose Green tới chiếm lĩnh những vị trí gần Stanley, xuyên qua bão tuyết, địa hình lởm chởm, và sự tiếp tế không đầy đủ.
8/6, với chiến thắng đã trong tầm tay, người Anh lại chịu cuộc phản công đầy tính coi thường nhất của Argentina. Từng đợt,từng đợt máy bay Skyhawk, Mirage tấn công những vị trí mới được thiết lập của Gurkha và Vệ binh ở Bluff Cove và Fitzroy, 15 dặm về phía tây nam của Stanley. Trong đợt không kích, một tàu chở lính, chiếc Sir Galahad, đang di chuyển binh lính từ cảng San Carlos, bị hỏng nặng, 50 người chết, 57 bị thương. Một chiếc khác, chiếc Sir Tristam, cũng bị hư hại. Phía Anh nói họ đã bắn rơi 11 máy bay Argentina.
Bắt đầu bằng một cuộc tấn công bất ngờ đêm 11, rạng sáng 12/6, những đơn vị Gurkha và Vệ binh dày dặn trận mạc tiến về Stanley, băng qua vài dặm còn lại. 14/6, lính Anh bắt đầu tiến vào thủ phủ Stanley, Chuẩn tướng Mario Benjamin Menendez đầu hàng Thiếu tướng Jeremy Moore, tư lệnh lực lượng trên bộ của Anh. Điện báo chiến thắng của Moore viết “Quần đảo Falkland một lần nữa trở lại với chính phủ mà được mong muốn bởi cư dân của nó. Cầu chúa phù hộ nữ Hoàng”.
Sau này, những nhà phân tích cho rằng nước Anh nợ chiến thắng của họ đối với những đơn vị tinh nhuệ Gurkha, Vệ binh Scotland, Vệ binh xứ Wales, khi họ đã mở một cuộc tấn công rất ác liệt vào một vị trí pháo binh của Argentina trông xuống Stanley. Những cuộc phỏng vấn lính Argentina sau đó đã xác định, chìa khoá cho chiến thắng của Anh là do những đơn vị kinh nghiệm của nước này đụng với một đội quân khố rách áo ôm của những tân binh trẻ, được huấn luyện kém của Argentina. Những binh lính Argentina sau này cay đắng kể cho những phóng viên họ đã phải chui rúc trong chiến hào trong thời tiết băng giá như thế nào khi không có ủng cao su, và cố gắng một cách vô ích để nhóm lửa với dầu hoả đã bị pha loãng với nước bởi những tên đầu cơ chiến tranh ở Argentina. quần áo ấm , thực phẩm, đạn dược cũng thiếu thốn. Sau chiến tranh, theo những nhà báo Anh, binh lính Anh tìm thấy một nhà kho tại Stanley chứa đầy ủng cao su, dầu hoả, và đạn dược.

Tổn thất: Trong suốt cuộc chiến, 2 bên đưa ra rất nhiều báo cáo khác nhau về tổn thất, và có thể sẽ chẳng ai có thể khẳng định con số chính xác. Nhưng theo ước đoán gần nhất thì số thiệt hại nhân mạng về phía Anh là 260, và phía Argentina là 800.
Phía Anh công bố đã tiêu diệt 74 máy bay Argentina. Anh mất 5 tàu chiến: khu trục hạm Coventry và Sheffield, khinh hạm Ardent và Antelope, tàu vận tải Atlantic Conveyor. Một số khác bị hư hỏng khá nghiêm trọng. Argentina mất 5 tàu : tuần dương hạm Tướng Belgrano, tàu tiếp tế Isla de los Estados, tàu ngầm Santa Fe, một tàu tuần tiễu không tên, và một tàu đánh cá Narwal ( bị nghi là đang do thám).

Phân tích: Trong khi tìm kiếm những bài học từ chiến tranh, cuộc tranh luận sôi nổi nhất là những có phải trận giao chiến trên biển chỉ ra rằng tốt hơn là nên có một số lượng lớn hơn những con tàu nhỏ hơn chứ không phải một số ít hơn những con tàu lớn hơn. Một số chuyên gia biện luận rằng nếu một tên lửa Exocet trị giá 200.000 dollar có thể phá hủy một khu trục hạm 50 triệu dollar như chiếc Coventry thì một vũ khí tương tự có thể phá hủy một tuần dương hạm trang bị hệ thống Aegis trị giá 1 tỷ dollar của hải quân Mỹ, một chiếc tàu cũng có nhiều cấu trúc làm bằng nhôm ( trên thực tế, hiện nay các tàu của Hải quân Mỹ đều không còn sử dụng nhôm).Những người này nói tốt hơn là nên chế tạo nhiều hơn những chiếc tàu rẻ hơn, thay vì những chiếc kiểu Aegis hay tàu sân bay lớn.
Những người khác lại phản bác rằng những tổn thất của Hải quân Anh đã không xảy ra nếu họ có một loại tàu sân bay lớn (như lớp Nimitz của Mỹ) để bảo vệ hạm đội bằng những tiêm kích cơ F-14, máy bay cảnh báo sớm và radar. Nhớ đó, có thể phát hiện và phá hủy phi cơ đối phương rất lâu trước khi nó kịp khai hỏa.
Tuy vậy, bài học chung nhất có thể rút ra từ cuộc chiến Falkland là lòng dũng cảm và sự yếu đuối của con người vẫn là chìa khoá của thành công hay thất bại kể cả trong thời đại kỹ thuật cao.

17.5.09

Israel huấn luyện F-16 vs. Mig-29


Không quân Israel được cho là đã thuê một số chiếc Mig-29 và đang dùng nó trong những bài tập không chiến tầm gần với F-16 của mình. Chúng sẽ được gắn rất nhiều cảm biến đặc biệt tại khắp các vị trí và hệ thống của máy bay và sẽ truyền dữ liệu thời gian thực về mặt đất trong suốt bài tập. Ngoài ra, không quân Israel còn đang thực hiện những bài huấn luyện trong đó cho F-16 bay với tải trọng tối đa. Những động thái cho thấy khả năng Israel sẽ không kích Iran ngày càng lớn.

NBS -Tấm khiên trên không



Ngày 13/5 vừa qua, quốc hội Đức chấp thuận việc mua 2 hệ thống NBS với giá 185 triệu dollar. NBS là một hệ thống C-RAM của hãng Rheinmetall AG cũng của Đức, được phát triển lên từ hệ thống Skyshield. C-RAM là tên gọi chung của những hệ thống phòng không tầm gần chuyên chống lại hỏa tiễn, pháo, pháo cối. Hiện hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất là Phalanx của Anh, Mỹ.

Một hệ thống của nó gồm 1 trạm điều khiển, 2 trạm cảm biến gồm radar và thiết bị quang điện tử, và 6 ụ súng 35mm. Toàn bộ hệ thống có mức độ tự động hóa cao, đây là đặc điểm chung của các C-RAM, vì nó chống lại các mục tiêu có tốc độ rất cao và ở tầm gần. Người vận hành hầu như chỉ có nhiệm vụ giám sát tình trạng chung, việc phát hiện và tiêu diệt mục tiêu diễn ra tự động. Nó còn có thể được kết nối vào các hệ thống phòng không khác nếu muốn.

Đạn 35mm của nó chứa 152 đạn con làm bằng tungsten, mỗi cái nặng 3.3g. Một ngòi nổ điện tử sẽ kích nổ viên đạn khi cách mục tiêu khoảng 20m tạo thành một 'đám mây' kim loại dày đặc và phá hủy mục tiêu khi nó bay qua.