14.8.09

Mk 48


Ngư lôi hạng nặng Mk 48 chứng tỏ uy lực trong một cuộc tập trận. Cũng như mọi ngư lôi hiện đại khác, nó được thiết kế để phát nổ phía dưới thân tàu thay vì chạm vào thành tàu. Sức nổ sẽ làm gãy sống tàu và 'bẻ' con tàu thành 2 mảnh, bảo đảm chắc chắn sẽ làm chìm nó. Ý tưởng này xuất hiện từ thế chiến thứ 2 và đã từng được sử dụng nhưng chưa bao giờ thành công, vì công nghệ chưa hoàn thiện. Kể từ sau thế chiến kết thúc tới nay, cũng chỉ có 2 lần ngư lôi được sử dụng thực tế, trong xung đột giữa Ấn độ và Pakistan, và trong cuộc chiến Falkland, tuy vậy trong cả 2 lần thì người ta vẫn sử dụng ngư lôi công nghệ cũ còn lại từ thế chiến. Do đó, những cảnh tượng như trên vẫn mới chỉ xuất hiện trong tập trận.

13.8.09

Mỹ - Công nghệ trong Transformer (P.2)

Phần 1

Khẩu đại liên mà Starcream sử dụng là M61A2, 6 nòng, cỡ đạn 20mm. Tốc độ bắn tối đa 7200 viên/phút, thường trong thực tế tốc độ được chỉnh từ 4000 - 6000 viên/phút. Với tốc độ này thì một loạt đạn trong 1 giây là đủ để hạ máy bay đối phương. Dòng M61 có độ tin cậy cao và đã được sử dụng trong hầu như mọi chiến đấu cơ của Mỹ từ hơn nửa thế kỷ qua, gồm F-104, F-105, F-106, F-111, F-4, B-47, B-52, B-58, F-15, F-16, F-22, F-18, F-14.



M61 có một phiên bản 3 nòng, gọi là M197, tốc độ bắn từ 750-1500 phát/phút, thường được trang bị trên trực thăng vũ trang AH-1Z Cobra của thủy quân lục chiến. Nó xuất hiện trong phần 2 của bộ phim, ở đoạn đầu, gắn trên một số xe cơ giới của lực lượng NEST trong chiến dịch ở Thượng Hải.



Blackout cũng được trang bị một đại liên 6 nòng, nhưng nhỏ hơn, là M134, dùng đạn cỡ 7.62mm. M134 có một phiên bản cá nhân, nổi tiếng khi xuất hiện trong Kẻ hủy diệt 2. Trong Transfomer 2, nó được 1 lính NEST sử dụng trong đợt càn ở Thượng hải.




Tuy vậy, uy lực nhất trong những đại liên đa nòng là khẩu GAU-8/A Avenger, bắn đạn cỡ 30mm với nhịp bắn 3900 viên/phút, sơ tốc đầu đạn hơn 1km/s. Nó được trang bị trên máy bay A-10, loại máy bay tấn công mặt đất chuyên dùng để diệt tăng. Không một loại thiết giáp nào có thể chịu được một loạt đạn 30mm dùng đầu đạn uranium nghèo. Trong phần 1 có 2 chiếc A-10 xuất hiện. Chúng là những máy bay đầu tiên được không lực cử tới để hỗ trợ hỏa lực cho nhóm biệt động của thiếu tá Lennox khi họ bị Skorponok tấn công ở Qatar. Trong phần 2, ở cuộc chiến tại Ai cập cũng có 1 đoạn ngắn quay 2 chiếc A-10 bay ngang qua, tuy không có cảnh chiến đấu của chúng.


Trên thực tế thì A-10 có thể được xem như một trường hợp đặc biệt mà trong đó cả chiếc máy bay được thiết kế xoay quanh loại vũ khí chính của nó (GAU-8/A) thay vì ngược lại, mặc dù ngoài khẩu đại liên thì nó còn có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác, chủ yếu là tên lửa không đối đất Maverick, với 3 phiên bản điều khiển bằng vô tuyến, hồng ngoại và laser.


Trước kia A-10 chỉ được thiết kế để hoạt động vào ban ngày. Chỉ trong một số ít trường hợp đặc biệt mà A-10 hoạt động vào ban đêm. Đó là khi nó tham gia vào một chiến dịch tìm kiếm và giải cứu phi công lâm nạn trong lãnh thổ đối phương. Đôi khi trong các nhiệm vụ đó A-10 được giao nhiệm vụ hỗ trợ các trực thăng trong việc đối phó với lực lượng trên bộ của đối phương. Nếu vì lí do nào đó nhiệm vụ bị kéo dài cho đến đêm thì A-10 vẫn có thể được yêu cầu ở lại, khi đó phi công sẽ phải 'nhìn' thông qua thiết bị hồng ngoại gắn trên đầu tên lửa Maverick của mình.


Ra đời từ 1976, với nhiệm vụ chính là chặn đứng "làn sóng thép" của lực lượng thiết giáp khối Warsaw trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa khối này và Nato. Và với những chiến tích ở 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Kosovo và Afghanistan, A-10 đã chứng tỏ mình là loại máy bay yểm trợ trực tiếp cho lục quân tốt nhất hiện có. Không có tốc độ và khả năng tăng tốc như các chiến đấu cơ, A-10 với đôi cánh dài và thẳng cho phép tạo lực nâng lớn, và cực kỳ linh hoạt khi bay ở tốc độ chậm và thấp, những yếu tố cần thiết cho một máy bay yểm trợ hỏa lực tầm gần (CAS). Nó thường bay quanh trận địa với những vòng ngoặt gấp và thấp, thường chỉ ở độ cao của ngọn cây để săn tìm xe tăng đối phương. Nó được thiết kế để có thể hoạt động từ những đường băng dã chiến. Nó có 11 điểm treo vũ khí, với tổng tải trọng hơn 7 tấn. Tốc độ tối đa 725km/h, tốc độ trung bình 555km/h.


Do hoạt động ở độ cao thấp như vậy nên nguy cơ chính của nó không phải là tên lửa phòng không mà là hỏa lực bắn thẳng của các loại súng pháo phòng không. Do đó, A-10 còn là một trong những máy bay có lớp giáp vững chắc nhất. Xung quanh buồng lái là một lớp titan dày đến 38mm để bảo vệ phi công và các thiết bị điện tử. Nhiên liệu được giữ trong những thùng đặc biệt với một lớp bọt bao quanh, ngăn không cho nhiên liệu bay hơi và tạo thành hỗn hợp nổ trong trường hợp nó bị bắn thủng.


A-10 được thiết kế với những cánh liệng (bề mặt điều khiển) tách hẳn khỏi cánh để tăng độ ổn định khi nó nhắm bắn mục tiêu bằng khẩu đại liên của mình. Nó vẫn có thể bay được với một động cơ bị bắn rời, một cánh lái bị mất hoặc một mảng cánh lớn bị bắn lìa.


Không lực Mỹ từng có kế hoạch ngừng sử dụng A-10, nhưng nó tỏ ra quá hữu dụng, đối với bộ binh thì A-10 chính là loại máy bay mà họ tin tưởng nhất. Do đó, thay vì cho nó về hưu, không quân quyết định nâng cấp nó lên thành A-10C, với những thiết bị định vị và xác định mục tiêu hiện đại nhất, biến nó thành một máy bay tấn công hoạt động cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, và sử dụng hầu như mọi loại vũ khí không đối đất hiện đại nhất, gồm cả bom điều khiển bằng vệ tinh JDAM.




Thực ra thì có lẽ chỉ cần A-10 là đủ để giúp xử lý Skorponok mà không cần gọi thêm AC-130. Nhưng nếu vậy thì chúng ta đã không thể xem một trong những cảnh ấn tượng nhất của bộ phim khi AC-130 rải mưa đạn xuống robot Decepticon. Là phiên bản đặc biệt của máy bay vận tải C-130, nó được trang bị một pháo 105mm, một pháo 40mm, cải tiến từ pháo cao xạ, và một đại liên đa nòng 25mm. AC-130 chỉ hoạt động về đêm do hoạt động ở độ cao thấp và tốc độ chậm. Nó cũng là một phương tiện thường được sử dụng để hỗ trợ các nhiệm vụ đặc biệt. Nó bay theo vòng tròn quanh mục tiêu để vũ khí đặt bên hông nhả đạn. Trong các phiên bản mới, việc kết hợp giữa cảm biến hồng ngoại và thiết bị ngắm bắn điện tử cho phép sĩ quan điều khiển chọn mục tiêu chỉ bằng cách 'click' chọn nó và hỏa lực sẽ được tự động duy trì vào mục tiêu. Ngoài ra, pháo 40mm cũng được thay bằng loại 30mm. Trong phim, nhịp bắn của hỏa lực từ AC-130 rõ ràng cao hơn nhiều so với thực tế, đặc biệt là từ khẩu pháo 105mm.




Hoàn thiện cho bộ ba phương tiện trên không có nhiệm vụ CAS là Apache AH-64, xuất hiện một đoạn ngắn đầu phần 2, trong cuộc vây ráp ở Thượng Hải. Cũng như A-10, AH-64 được thiết kế trong thời kì chiến tranh lạnh với mục đích tìm diệt thiết giáp của khối Warsaw. Nó hoạt động ở độ cao ngang các ngọn cây và bất ngờ vọt lên, tấn công mục tiêu bằng tên lửa Hellfire điều khiển bằng laser. Và cũng như A-10. AH-64 được thiết kế rất vững chắc để có thể chịu được hư hại do hỏa lực từ mặt đất. Động cơ turbin phản lực của nó có thể hoạt động trong 30 phút trong tình trạng khô dầu, và đã được kiểm chứng trong thực tế chiến tranh ở cuộc chiến Vùng Vịnh lần 2. Một điều về Apache mà ít người biết là trong những tình huống bắt buộc, nó cũng có thể đóng vai trò tải thương, cho dù trên trực thăng chỉ có 2 chỗ ngồi cho phi công. Khi đó cáng cứu thương, cùng với y sĩ, sẽ được gắn trên chiếc cánh ngắn bên hông, vốn để gắn vũ khí.


Kể từ khi ra đời đến nay, Apache đã trải qua nhiều đợt cải tiến quan trọng. Đặc biệt là sự ra đời của phiên bản Longbow, với một radar được gắn thêm vào phía trên chong chóng chính, dùng cho việc xác định mục tiêu trên bộ, và kết hợp với Hellfire 2, dẫn bắn bằng radar thay vì laser. Tuy vậy, khi hoạt động ở những nơi có địa hình núi, phải hoạt động ở độ cao lớn, đôi khi radar được tháo bỏ nhằm giảm trọng lượng. Khó nhận thấy hơn là việc tăng khả năng kết nối của nó, cho phép một máy bay phát hiện mục tiêu và một chiếc khác tiêu diệt nó, hay khả năng chia sẻ hình ảnh video thời gian thực giữa nó và các phương tiện khác, cũng như với bộ binh trên thực địa. Thế hệ mới nhất của nó sẽ thậm chí có thể điều khiển một trực thăng không người lái khác làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ điểm, hay trực tiếp tiêu diệt mục tiêu mà không cần trực thăng mẹ phải lộ diện.


Không chỉ về kỹ thuật, những thay đổi lớn không kém xuất hiện trong chiến thuật sử dụng chúng. Ban đầu Apache hoạt động theo nhóm lớn, thực hiện những cuộc đột kích lớn vào sau lưng chiến tuyến đối phương theo những kế hoạch định trước vào những mục tiêu cụ thể, chịu sự điều động của cấp chỉ huy trên cao, thường là sư đoàn (Apache được biên chế vào các sư đoàn lục quân). Nhưng hiện nay, tại Iraq và Afghanistan, Apache thường được sử dụng theo nhóm nhỏ, trực tiếp hỗ trợ lực lượng mặt đất bằng cách bay vòng phía trên, và sẵn sàng hỗ trợ hỏa lực khi mặt đất yêu cầu, không phải thông qua cấp chỉ huy ở trên nữa.


Trong phần 2, có rất nhiều cảnh xuất hiện C-17, máy bay vận tải hạng nặng mới nhất của không lực Mỹ, và là phương tiện di chuyển chính của lực lượng NEST. So với những tiền bối thời chiến trang lạnh như C-5, An-124…thì C-17 có sức tải không bằng, nhưng điểm mạnh của nó là nó chỉ cần đường băng dài bằng 1 nửa so với các máy bay thế hệ trước, cho phép nó cất và hạ cánh trên những sân bay dã chiến sát với chiến trường, do đó rất hữu dụng và linh hoạt trong việc tiếp tế cho lực lượng trên bộ. Được ứng dụng những thành tựu mới nhất của ngành hàng không dân dụng, C-17 có độ tin cậy cao hơn nhiều so với các máy bay trước đó. Khi quân đội Mỹ đang phải chiến đấu ở 2 mặt trận và đều cách chính quốc nửa vòng trái đất thì hạm đội hơn 200 chiếc C-17 là một trong những loại phương tiện được sử dụng nhiều nhất. Việc có được 2 chiếc tham gia vào quá trình quay phim chứng tỏ sự ưu ái mà không lực Mỹ dành cho bộ phim này.


Một loại máy bay cỡ lớn nữa xuất hiện trong phim là máy bay tuần tra trên biển P-3 Orion của hải quân, xuất hiện một đoạn ngắn trong đoạn khi Megatron được hồi sinh từ đáy đại dương. Ngoài ra, trong cả 2 tập phim có sự xuất hiện của máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS) Sentry để phối hợp và điều động các máy bay đến hỗ trợ cho đơn vị của thiếu tá Lennox ở Qatar (phần 1) và Ai cập (phần 2). Được coi như một sở chỉ huy trên không, AWACS tạo ra một cuộc cách mạng trong không chiến, trong tương lai, những mẫu AWACS dùng radar quét bằng cơ dạng xoay như vậy sẽ dần được thay thế bởi những máy bay mang radar quét điện tử, gọn nhẹ và cho tốc độ quét nhanh hơn như Wedgetail. Thật ra quan trọng không kém radar chính là hệ thống điện tử đi kèm và khả năng xử lý lượng dữ liệu mà radar cung cấp để cho ra thông tin hữu ích. Nếu máy tính mang theo trên máy bay không đủ sức, nó sẽ phải truyền 1 phần dữ liệu về lại mặt đất để xử lý. Ví dụ như trường hợp của A-50 Mainstay, AWACS của LX ra đời sau Sentry. Do đó khi Ấn độ quyết định mua cho mình 1 hệ thống AWACS riêng, họ chỉ sử dụng phần máy bay của A-50, là chiếc IL-76 và gắn vào đó hệ thống radar và thiết bị xử lý đi kèm Phalcon của Israel.





(Còn tiếp)