18.12.09

Việt Nam có thể trở thành một khách hàng chính của Nga?

Hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 'cải tiến' ( mẫu thuộc Dự án 636) trị giá 1.8 tỷ dollar đã chính thức được ký kết. Mỗi năm sẽ giao 1 chiếc. Giá trị hợp đồng bao gồm chi phí đào tạo, chuyển giao, xây dựng cơ sở trên bờ…Ngoài ra, có thông tin rằng trong tương lai, Việt Nam có thể mua thêm tàu ngầm loại Amur, là phiên bản xuất khẩu của lớp Lada (dự án 677), với lớp phủ chống sonar mới, tăng tầm hoạt động và được trang bị các loại vũ khí mới. Ngoài ra, 2 bên cũng được cho là sắp ký một hợp đồng trị giá ít nhất 600 triệu dollar chuyển 12 chiếc Su-30MK2 cho Việt Nam, thêm vào hợp đồng 8 chiếc trước đó mà dự kiến sẽ được giao vào năm sau, chia làm 2 đợt. Việt Nam đã thanh toán trước 1 phần giá trị hợp đồng. Ngoài ra Việt Nam cũng có thể mua một số trực thăng Mi-17.

Hôm 14/12 vừa qua, tại Tatarstan, chiếc khinh hạm Gepard 3.9 mà Nga đóng cho Việt Nam đã được hạ thủy. Đây là chiếc đầu tiên trong hợp đồng 2 chiếc. Nó sẽ trải qua các cuộc chạy thử trước khi về Việt Nam vào mùa thu năm sau. Giá trị hợp đồng không được công bố chính thức nhưng có lẽ vào khoảng 200 triệu dollar/chiếc. Tàu có lượng choán nước 2100 tấn, dài 102m, gồm 10 khoang riêng biệt. Thủy thủ đoàn 100 người. Tốc độ tối đa 27-28 hải lý/h, tốc độ hành trình 20 hải lý/h. Tầm hoạt động 5000 dặm. Thời gian trên biển 20 ngày. Tàu được trang bị tên lửa diệt hạm Uran-E, pháo 76.2mm AK-176M, hệ thống pháo phòng không Palma. 2 súng 30mm AK-630M, giàn phóng tên lửa chống tàu ngầm RBU-6000, 2 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm. Nó có thể chở theo 1 trực thăng Ka-28 hoặc Ka-31.




Những hợp đồng gần đây và trong tương lai có thể đưa Việt Nam trở thành 1 khách hành quan trọng của ngành CNQP Nga, nhất là trong bối cảnh giá trị hợp đồng từ 2 khách hàng lớn nhất là TQ và Ấn độ có thể giảm xuống.

15.12.09

Bơi trong bọt


Vừa qua, hệ thống dập lửa tự động của một nhà chứa máy bay thuộc Không lực lục quân Anh gặp sự cố khiến cho 6 chiếc trực thăng Apache bị bao phủ hoàn toàn trong bọt chữa lửa. Mất một ngày để lau rửa và kiểm tra toàn bộ số may bay này trước khi chúng được phép bay trở lại.

Vụ này khiến người ta nhớ lại một sự kiện tương tự cách đây 4 năm tại một căn cứ không quân Mỹ. Ngày 23/8/2005, hệ thống dập lửa trong 1 nhà chứa máy bay B-1B được thử nghiệm sau khi vừa lặp đặt xong. Theo yêu cầu thì trong 1 phút nó phải tạo ra được 1 lớp bọt dày 1m. Nhưng hệ thống hoạt động 'hơn' cả mong đợi khi chạy suốt 4 phút và bao phủ tòa nhà trong bọt. Dù sao thì vậy vẫn tốt hơn là không tạo đủ bọt để nhanh chóng dập tắt lửa. (Xem hình). Bọt chữa lửa ra đời cách đây hơn 60 năm, loại chuyên dùng để chống lại đám cháy gây ra bởi nhiên liệu phản lực được hải quân Mỹ phát triển thành công vào những năm 1960.




14.12.09

Pháp tiến vào tương lai với Felin

Lục quân Pháp vừa đặt hàng 22,588 bộ Felin, viết tắt của "Bộ các thiết bị tích hợp và kết nối cho bộ binh". Felin là một hệ thống hoàn chỉnh trang bị cho từng bộ binh, bao gồm quân phục và các trang thiết bị đi kèm. Với đặc tính nổi bật là khả năng kết nối, phù hợp với triết lí chiến tranh kết nối hiện đại của quân đội phương tây. Pháp mất hơn 10 năm để phát triển nó, và đang bỏ ra 1,5 tỷ dollar để bắt đầu sản xuất hàng loạt và sẽ trang bị cho tất cả lính bộ binh của mình.

Tổng cộng, Felin có tới 150 thiết bị khác nhau. Trang bị tiêu chuẩn gồm 73. Trang bị đầy đủ nặng khoảng 26kg. Trọng tâm thiết kế của Felin là dùng cho bộ binh khi vận động, do đó trọng lượng được phân bố rất đều.

Felin có 5 phiên bản chính. Trong hình dưới, từ trái qua phải, hàng đứng trước: Tuần tra trong đô thị, chiến tranh hạt nhân-sinh hóa, giáp nhẹ, giáp hạng nặng, tác chiến cường độ cao.


Felin được tích hợp với 3 phương tiện cơ giới chính của bộ binh Pháp và xe thiết giáp bánh hơi VBCI, VAB và xe thiết giáp bánh xích AMX 10P.

Trong quá trình thiết kế, ưu tiên được tập trung vào các thiết bị phụ trợ cho súng, quân phục và C4I, theo đó mọi người lính đều được kết nối với nhau.

Quân phục mới của Felin có nhiều túi hơn, một đặc điểm chung của bộ binh hiện đại vì họ mang theo nhiều loại thiết bị điện tử khác nhau. Ngoài ra nó cũng có vẻ rộng và không được đẹp, gọn gàng như quân phục cũ (xem hình), nhưng đó là nhằm tăng sự thoải mái của binh lính. Bộ quân phục chống thấm, chống muỗi và chịu lửa.


Đặc biệt các tấm chống đạn được gắn chặt vào quân phục bằng khóa kéo. Do đó, nó vẫn cố định khi binh lính di chuyển. Đối với áo giáp truyền thống mặc bên ngoài quân phục thường, khi chạy nhảy, nó sẽ xóc lên xuống và va vào cằm hay gáy của người mặc. Ban đầu, các nhà thiết kế định sử dụng 1 phiên bản được uốn cong cho nữ quân nhân, nhưng họ nhận thấy các đường uốn cong làm giảm độ bảo vệ của áo giáp, nên quyết định cả nam nữ sẽ dùng chung.

Bộ giáp được thiết kế theo nguyên tắc module, cho phép tùy biến mức độ bảo vệ. Không chỉ bảo vệ thân mình mà còn cổ, xương chậu, đầu gối, cùi chỏ, và vai. Bộ giáp có thể hỗ trợ tới 11 thiết bị điện tử khác nhau, có thể tùy biến phù hợp với người thuận tay trái hay phải. Bộ trang bị cho đầu gồm 13 món, như mũ bảo vệ, ống nhóm chống laser, tấm che mặt chống mảnh đạn, miếng bảo vệ cằm, kính hiển thị kết nối với camera trên súng đề lính có thể ngắm bắn tại các góc chướng ngại vật mà không cần phải đưa đầu ra (xem hình), kính nhìn đêm, và tai nghe qua xương (nghĩa là âm thanh từ tai nghe truyền qua xương, do đó người lính vẫn có thể nghe âm thanh xung quanh bằng tai bình thường). Nước uống được đựng trong túi đệm sau lưng, gọn gàng hơn.


Tuy vậy có 1 sự cố hy hữu. Không hiểu vì lí do gì chính phủ Pháp đã bán đấu giá tần số sóng vô tuyến được sử dụng cho việc liên lạc giữa các Felin. Do đó, Felin chỉ có thể sử dụng tần số thiết kế của nó, 802-862 Mhz đến 2013. Sau đó nó phải đổi sang tần số cao hơn. Điều này không chỉ tăng chi phí mà còn giảm tầm hoạt động khoảng vài %. Hiện nay tầm liên lạc giữa các Felin là 1000m ở địa hình trống, 600m trong đô thị và 100m trong nhà.

ABV



Thủy quân lục chiến Mỹ vừa đặt mua 33 xe dọn mìn ABV. Thực ra nó là 1 chiếc xe tăng chủ lực M-1 được tháo bỏ phần tháp pháo. Thay vào đó là hệ thống pháo dây kích nổ. Đó là 1 sợi cáp dày, chứa đầy thuốc nổ được pháo vào bãi mìn. Khi nổ, nó sẽ kích hoạt mìn nằm gần đó. Phía trước ABV được gắn các lưỡi quét mìn. ABV có thể được điều khiển từ xa không cần người lái.




IFV mới của Hàn Quốc

Lục quân HQ vừa nhận chiếc K-21 đầu tiên của hợp đồng cung cấp khoảng 1000 chiếc. Được chế tạo trong nước, K-21 khá giống với mẫu M-2 Bradley của Mỹ. Tuy vậy trọng lượng của nó lại nhẹ hơn khá nhiều, 26 tấn so với 33 tấn. Đó là do khung gầm của K-21 được làm từ sợi thủy tinh thay vì kim loại.

K-21 có thể chở theo tổ lái 3 người và 9 lính bộ binh. Vũ khí của nó gồm 1 pháo tự động 40mm, 1 súng máy đồng trục 7.62mm, 2 tên lửa chống tăng. Tốc độ tối đa là 70km/h.

Pháo chính của K-21 có nhịp bắn tối đa 300 viên/phút. Đạn xuyên thép của nó có sức xuyên 220mm. Ngoài ra nó còn sử dụng đạn đa năng, pháo thủ có thể tùy chọn chế độ nổ như: nổ gần mục tiêu, nổ trên không, chạm nổ…

Lớp giáp của nó có thể chống lại đạn 30mm ở phía trước và 14.5mm ở 2 bên hông. Ngoài ra, nó còn được trang bị rất nhiều thiết bị điện tử cực kỳ tân tiến. Vẫn còn sớm để có thể đưa ra đánh giá chính xác nhưng nhiều người đã cho rằng K-21 nằm trong số những mẫu IFV hiện đại nhất TG hiện nay. Nó có mức giá không quá cao, khoảng 3 triệu dollar.