30.1.10

Cái khó ló (hay bó) cái khôn?

Thêm một hình ảnh nữa về T-50, lần này là chụp trực diện từ dưới lên. Nó cho thấy rõ hơn đặc trưng không thể nhầm lẫn của dòng Su-27 với cách bố trí các khoang động cơ và phần thân trung tâm, phần đuôi 'hải ly'…Ngoài ra, nó còn cho thấy rõ hơn phần cuối của khoang động cơ vẫn giữ hình dạng trụ tròn, một điểm trừ lớn khi xét đến tính năng tàng hình. Cấu trúc thẳng nối từ cửa hút gió đến động cơ thực sự là một thách thức không nhỏ trong việc tối thiểu diện tích phản xạ radar. Trong các thiết kế tàng hình như F-22, F-35, cửa hút gió và động cơ không bao giờ thẳng hàng. Cộng với một số chi tiết thiết kế có hại cho tính năng tàng hình khác, có thể nói T-50 không phải là một thiết kế tàng hình. Nó có thỏa mãn yêu cầu về giảm thiểu diện tích phản xạ radar, nhưng tàng hình không phải là yêu cầu tiên quyết. Điều này ngược với F-22 hay F-35, với tàng hình là yếu tố quan trọng nhất, mà các yếu tố khác có thể phải hy sinh để bảo đảm sự hoàn hảo về tính năng tàng hình.

Hiện nay vừa mới xuất hiện thêm thông tin từ các nguồn của Nga cho biết diện tích phản xạ radar của T-50 là 0.05m2 thay vì 0.5m2 như trước kia. Tuy có giảm 10 lần nhưng thực tế thì mức này vẫn chỉ nằm trong khoảng 'bán tàng hình' tương đương các máy bay thế hệ 4.5 của châu Âu như Typhoon và Rafale. Với con số 0.05m2 thì T-50 vẫn là một mục tiêu lớn hơn F-22 đến 500 lần, đối với radar.


Nếu nhìn vào 2 hình trên, có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về thiết kế giữa F-22 và T-50. Với F-22, cửa hút gió không 'gắn' vào thân (như F-16, F-15) hay cánh (như Su-27) mà hoàn toàn được hợp nhất vào thân. Do đó F-22 có phần bụng rất phẳng. Trong khi đó, thiết kế của T-50 vẫn theo kiểu Su-27, với cửa hút gió gắn vào cánh.

Một nhận xét nữa là vòm radar của T-50 có kích thước khá nhỏ, ngược hẳn với các mẫu máy bay trước kia của Nga/LX.  

Tuy nhiên, không thể không đề cập đến sự khác biệt về triết lý thiết kế giữa F-22 và T-50. Rõ ràng là người Nga không xem tàng hình là mục tiêu tối thượng. Họ thừa hiểu mình không thể đuổi kịp người Mỹ với kinh nghiệm của 4 thế hệ máy bay tàng hình khác nhau. Thay vào đó, họ lấy lại những gì tinh túy nhất của dòng Su-27 và làm mọi cách để làm giảm diện tích phản xạ radar của nó mà không hy sinh điểm mạnh truyền thống của dòng Su-27. Có thể thấy rằng khả năng vận động linh hoạt vẫn là trọng tâm thiết kế T-50. Các cánh đuôi di động, chúng không sử dụng các tấm liệng vì bản thân đã là một tấm liệng lớn. Phần diện tích mở rộng của gốc cánh cũng di động. Ống xả phản lực định hướng 3 chiều. Có thể thấy rõ ràng các cánh đuôi của T-50 có kích thước khá nhỏ so với kính thước tổng thể của máy bay, cho thấy người Nga rất tự tin với khả năng của ống xả định hướng có thể thay thế một phần các chức năng của cánh đuôi. Tóm lại, T-50 chắc chắn sẽ hứa hẹn thực hiện những màn vận động trên khônh cực kỳ ngoạn mục đúng như truyền thống của dòng Su-27.



Ngoài ra, còn phải kể đến sự khác nhau về yêu cầu tác chiến. F-22 được thiết kế để tác chiến trong môi trường thù địch, phải đồng thời chiến đấu với phi cơ đối phương mà còn phải đột nhập sâu vào bên mạng lưới phòng không liên hợp của kẻ địch. T-50 ngược lại có yêu cầu tác chiến chính là phòng thủ trong lãnh thổ Nga, nơi nó được sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không, thay vì phải chống lại.


Và cũng không thề không nhắc đến hạn chế về nguồn lực mà dự án này gặp phải. Lần cuối cùng Nga có một dự án máy bay lớn như vậy là khi LX vẫn còn tồn tại. Tình hình nay hoàn toàn khác. Mỹ có thể chi 150 tỷ dollar cho dự án F-22. Nga có thể chi khoảng 1/10 con số đó. Một điều mà không phải ai cũng nhớ ra, đó là ưu tiên cao nhất của ngân sách quốc phòng Nga vẫn là cho các hệ thống vũ khí chiến lược, tiêu biểu như tên lửa Bulava, tàu ngầm lớp Borei. Trong hoàn cảnh đó, buộc Nga không thể mạo hiểm với một thiết kế hoàn toàn mới, hoàn toàn đột phá như họ đã từng làm với T-10 (nguyên mẫu của Su-27). Thay vào đó họ vẫn lấy một xuất phát điểm có sẵn là dòng Su-27 nhằm giảm thiều rủi ro.

Một vài chi tiết độc đáo của (nguyên mẫu) PAK-FA

Hình bên trên: trong vòng tròn trên cùng là phần diện tích mở rộng của gốc cánh máy bay. Phần diện tích này có chức năng giúp duy trì sức nâng khi máy bay có góc tấn lớn. Góc tấn là góc giữa máy bay và luồng khí tới. Nói đơn giản góc này càng lớn thì mũi máy bay ngóc lên càng cao so với hướng di chuyển. Do đó, phần diện tích mở rộng này giúp máy bay có thể thực hiện các động tác khó như Rắn hổ mang hay Kulbit. Trong hình, phần diện tích này của PAK-FA không cố định mà có thể di chuyển được. Thuật ngữ tiếng Nga của nó là PChN. Trong 2 vòng tròn dưới, có vẻ như là máy bay có tới 2 khoang chứa vũ khí kín chính thay vì 1 như F-22.

Hình dưới: một chi tiết hình nêm khá lạ nằm dưới cánh. Đó có thể là một phần của khoang chứa bánh đáp, hoặc một thiết bị điện tử vô tuyến, thậm chí có thể là radar phụ hoặc 1 khoang chứa vũ khí phụ.

Một vài suy nghĩ về Raptorov

Đầu tiên, có vẻ đa số họ trong tiếng Nga kết thúc bằng ov/ev thay vì ski, do đó Raptorov có lẽ là một cái tên thích hợp hơn cho PAK-FA. Tuy vậy, nói chung về hình dạng bên ngoài thì PAK-FA trông giống như một sự kết hợp giữa cả Su-27, F-22, YF-23 và một ít Su-47. YF-23 là nguyên mẫu từng cạnh tranh với F-22 để chọn ra mẫu thiết kế cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, tất nhiên là nó đã thất bại, nguyên nhân chủ yếu là tính năng tàng hình của nó không được như mẫu YF-22.

Cũng phải lưu ý rằng vẫn còn một đoạn đường rất dài từ khi bay chuyến bay đầu tiên cho tới khi máy bay thực sự được đưa vào sử dụng rộng rãi. Và từ nay đến đó, bất cứ thay đổi lớn nào cũng có thể xảy ra. Nguyên mẫu bay ngày hôm nay sử dụng động cơ của mẫu Su-35, và hiển nhiên là cũng chưa lắp radar cùng nhiều thiết bị điện tử khác, vốn vẫn chưa tồn tại vào thời điểm này. Tất cả những gì có thể được phân tích vào thời điểm này chỉ là thiết kế hình dạng bên ngoài của nó, vốn cũng không có gì bảm đảm sẽ giữ được giữ nguyên.

Như đã nêu trong phần nhận xét sơ bộ, PAK-FA là mẫu máy bay đầu tiên Nga hướng đến việc giảm thiểu tối đa diện tích phản xạ radar. Tuy nhiên, việc nó có giảm đến mức có thể được gọi là 'tàng hình' hay không thì lại là một vấn đề khác. Một số nguồn tin cho biết diện tích phản xạ của nó là 0.5m2. Đây là một bước tiến rất lớn nếu so với các Su-27/30, vốn có con số này từ 10-20m2. Tuy nhiên, nó vẫn còn cách quá xa để được gọi là một máy bay tàng hình. Để so sánh, diện tích phản xạ radar của F-22 là khoảng 0.0001m2, của F-35 là 0.001m2. Không có định nghĩa chính xác thế nào một máy bay 'tàng hình'. Tuy nhiên theo logic thì nó phải có diện tích phản xạ radar tương đương với F-117A, thế hệ máy bay tàng hình đầu tiên, trở xuống, nghĩa là dưới 0.01m2. Con số 0.5m2 thậm chí nếu so sánh với các máy bay thế hệ thứ 4 thì cũng chỉ tương đương với Gripen của Thụy điển, nhưng không bằng Rafale của Pháp (0.1m2), hay Typhoon của châu âu (0.05m2). Cả Rafale và Typhoon đều chỉ được coi là máy bay 'bán tàng hình'.

Thật ra điều này cũng dễ hiểu khi mà người Mỹ đã phát triển đến thế hệ máy bay tàng hình thứ 4, trong khi đây mới là thế hệ đầu tiên của Nga. Trên nguyên mẫu bay thử hôm nay vẫn còn nhiều chi tiết thiết kế bất lợi cho việc giảm tín hiệu radar phản xạ. Ví dụ như thiết bị cảm biến hồng ngoại nổi lên rất rõ phía trước buồng lái. Một mặt cầu nổi bật lên như vậy hoàn toàn không tốt cho tính năng tàng hình. Bản thân buồng lái vẫn sử dụng khung kim loại thay vì hoàn toàn trong suốt như F-22, tuy nhiên nhiều khả năng điều này sẽ thay đổi trong quá trình phát triển. Toàn bộ phần mũi máy bay vẫn còn hơi tròn, không mang thiết kế dạng kim cương một cách rõ nét. Thiết kế dạng gờ hình nêm nối giữa phần mũi và cánh máy bay, một đặc trưng của máy bay tàng hình, cũng không thật sự rõ. Ngoài ra, như trong phần nhận xét sơ bộ, phần đuôi máy bay, đặc biệt là 2 ống xả, vẫn là thiết kế cổ điển, đậm chất "Su", không phải thiết kế cho tàng hình. Điểm yếu nhất có lẽ là phần bụng máy bay, thay vì chỉ là một mặt phẳng duy nhất thì nó lại khá 'gồ ghề, khoang động cơ và thân máy bay vẫn tách biệt thành 3 phần rất rõ, vẫn đậm chất "Su-27",c hứ không tích hợp hoàn toàn với nhau.

Một chi tiết thiết kế cực kỳ quan trọng nữa khi xét tới tính năng tàng hình là vị trí tương đối giữa cửa hút gió và động cơ. Nhìn bên ngoài thì chưa thể kết luận chúng có thẳng hàng hay không (vốn sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar rất đáng kể), mặc dù trông thì có vẻ thế. Tuy nhiên có lẽ các nhà thiết kế Nga sẽ không bỏ qua một vấn đề cơ bản như vậy trong thiết kế.


Tổng hợp chung, nếu chỉ nhìn vào thiết kế bên ngoài, thì thật sự mẫu thiết kế này vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của dòng Su-27/30 danh tiếng. Các đặc điểm của Flanker vẫn phảng phất rất rõ trong thiết kế này như phần thân với cái 'bướu' rất đặc trưng, 2 khoang động cơ lớn, đuôi... Đó cũng là lí do vì sao vẫn còn 1 số dè dặt nhất định trong cộng đồng quân sự khi nhận xét về mẫu này. Khi YF-22, YF-23 xuất hiện, người ta có thể cảm thấy nó đến từ 1 thế giới khác so với F-15, F-16. Hay T-10S (nguyên mẫu của Su-27) thực sự là một cuộc cách mạng so với Mig-23, Su-17. Dù sao, như đã nói, đây mới chỉ là một nguyên mẫu khá sơ khai, và vẫn có thể vẫn còn nhiều điều bất ngờ phía trước.

Cũng phải nói thêm là nguyên mẫu này có 1 vài đặc điểm độc nhất, đó là phần cánh đuôi và phần diện tích mở rộng của cánh máy bay có thể di chuyển được.

29.1.10

Kiểm soát không lưu tại Haiti


Hình trên: các kiểm soát viên không lưu dã chiến của Không quân Mỹ đang điều phối hoạt động của các máy bay tại trên bay quốc tế Toussaint L'Ouverture, Haiti. Trong những ngày đầu sau động đất, mật độ hoạt động của các máy bay tại đây tương đương với chiến dịch cầu không vận Berlin, cứ 5 phút có một máy bay hạ cách.

Hình dưới: Cơ quan hàng không liên bang (FAA) vận chuyển một đài không lưu cơ động tới Haiti trên 1 máy bay An-124 thuê bao.

Clip về chuyến bay đầu tiên của PAK-FA



Hình ảnh của PAK-FA do Sukhoi công bố

Những cảm nhận đầu tiên về PAK-FA

Từ những hình ảnh đầu tiên về chuyến bay của nó. Có thể đưa ra một vài nhận xét ngắn như sau:

Đúng như đa số đã dự đoán trước đó. PAK-FA là mẫu máy bay tàng hình đầu tiên của Nga, với thiết kế bên ngoài khá giống F-22 (hay như cách gọi của nhiều người rằng PAK-FA là một Raptorski). Có thể thấy khá rõ các chi tiết đặc trưng của một mẫu máy bay tàng hình như cách dạng kim cương, cánh đuôi hình chữ V, cửa hút gió hình thoi, loại bỏ tất cả các góc vuông. Tuy nhiên, từ những chi tiết thiết kế bên ngoài có thể đưa ra nhận xét rằng nhiều khả năng PAK-FA không có được mức độ 'tàng hình' như F-22, thậm chí là F-35. Một điểm khác biệt lớn nữa giữa F-22 và PAK-FA là ống xả phản lực của PAK-FA vẫn theo dạng tròn hay vì dạng dẹt như của F-22. Có lẽ các nhà thiết kế Nga quyết định hy sinh một ít khả năng tàng hình để có thể sử dụng ống xả định hướng luồng phản lực 3 chiều (của F-22 là 2 chiều). 


Cập nhật hình ảnh về chuyến bay đầu tiên của PAK-FA


Hình ảnh được cho là từ chuyến bay đầu tiên của PAK-FA. 

Cập nhật

Những hình ảnh trong clip rõ ràng chỉ mới là 1 lần chạy thử trên đường băng(có lẽ là từ lần thử cách đây vài ngày), nhưng ít nhất thì ta cũng có thể lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc PAK-FA thật.

PAK-FA cất cánh

Mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga, PAK-FA, được cho là đã cất cánh thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình vào sáng nay. Chưa có hình ảnh nào về sự kiện này. Cho tới nay Sukhoi vẫn giữ kín mọi thông tin về dự án này. Trước đây người ta dự kiến chuyến bay sẽ diễn ra vào 2007, sau đó dời lại sang 2009. Trong hội chợ hàng không Paris năm ngoái, Sukhoi xác nhận lại về việc trì hoãn sang năm 2010. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về sự kiện này. 

Cập nhật

Chuyến bay kéo dài 45 phút, được mô tả là thành công. Không có thêm bất kì chi tiết nào khác ngoài việc nó cực kỳ linh hoạt.

26.1.10

Cầu không vận Berlin 1948-1949

[Bài đóng góp bởi CTV]

Đó là một câu hỏi kỳ lạ, và người nghe không chắc vào những gì mình đã nghe: “Anh có thể chở than bằng máy bay không ?” . “Thưa ngài,” thiếu tướng Curtis LeMay trả lời, “Không quân có thể chở mọi thứ”. LeMay gác máy, và bắt đầu suy nghĩ. Người vừa hỏi là tướng Lucius D.Clay , Toàn quyền Mỹ ở Đức, và yêu cầu đặt ra là lập một cầu hàng không từ vùng chiếm đóng của Mỹ đến Berlin , cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 2,5 triệu người.Đó là một thử thách khủng khiếp , nhưng LeMay phải bắt đầu làm quen với những nhiệm vụ như vậy. Không ai từ TT Truman trở xuống mong rằng Bộ Tư lệnh Không quân Châu Âu (USAFE command) của LeMay có thể đáp ứng yêu cầu đó.Họ chỉ mong không quân có thể giúp Berlin cầm cự một thời gian trong khi họ cố gắng với LX . Không ai biết cuộc đàm phán đó kéo dài bao lâu. Nhưng họ đã đánh giá thấp LeMay và USAFE, những người đã hết mình ngay từ những cố gắng đầu tiên.

Toàn cảnh Berlin

 Berlin đứng một mình, bị bao quanh bởi vùng chiếm đóng của Liên Xô. Người Nga chỉ cho phép hạn chế một vài tuyến đường sắt và ôtô tiếp cận Berlin,cùng 3 hành lang bay rộng 32 km , hướng về phía tây tới vùng chiếm đóng của Anh, Pháp, Mỹ. Những điểm kiểm soát của LX mọc như nấm ở mọi hướng vào và ra Berlin . Máy bay Hồng quân tuần tiễu dày đặc sát cạnh hành lang bay .Những sự hạn chế như vậy bắt đầu ngay từ khi việc chiếm đóng bắt đầu. Đầu năm 1948, nó bắt đầu trở nên khắc nghiệt hơn, Liên xô dùng nó như một dấu hiệu bày tỏ sự phản đối những cải cách được phương Tây hậu thuẫn. 31/3, Liên xô tuyên bố giao thông đường sắt và đường bộ sẽ bị lính gác kiểm tra chặt chẽ.

Phương Tây không chấp nhận, và dừng giao thông trên bộ, trừ chuyên chở thực phẩm. Cũng như mọi thành phố trung tâm khác, Berlin phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài đối với thực phẩm, nhiên liệu.Mối đe dọa của sự bao vây thật sự nghiêm trọng. Anh, Pháp, Mỹ quyết định tiếp tục những cải cách của mình. Đồng mark mới được lưu hành, với giá trị bằng 10 đồng tiền cũ.Liên xô phản ứng tức thì, cấm lưu hành đồng tiền mới trong khu vực của họ. Đồng thời ra lệnh dừng tất cả những chuyến xe lửa và ôtô chở khách từ Berlin sang phía Tây từ nửa đêm 18/6/1948.

6 ngày sau, LX lại tiếp tục leo thang. Lúc đó, xe lửa chở thực phẩm vẫn được chạy từ Helmstedt đến Berlin . Bây giờ, LX thông báo có những “trục trặc kỹ thuật” và đường sắt cần được sửa chữa. Để bảo đảm, họ cho phá dỡ gần 100 mét đường ray.

 Phương Tây chỉ có 2 lựa chọn. hoặc đứng yên và để Berlin chết đói, hoặc di tản và bỏ mặc Berlin cho Liên Xô. Nhưng phương Tây cũng thấy rõ điều gì sẽ đến nếu họ xuôi tay. Và họ thề rằng sẽ ở lại Berlin với bất cứ giá nào.Những tính toàn cẩn thận lúc ấy chỉ ra rằng 2,5 triệu người Berlin (chỉ tính trong khu vực của phương Tây kiểm soát) cần 4500 tấn thực phẩm và nhu yếu phẩm để tồn tại . Và hiện giờ, chỉ còn một cách duy nhất:dùng đường không , qua 3 tuyến hành lang trên.

LeMay hiện có 102 C-47, và 2 C-54. Mỗi chiếc C-47 chở 3 tấn hàng , còn C-54 là 10 tấn.Tức là nhu cầu mỗi ngày của Berlin tương đương 1500 chuyến bay của C-47.Có một sân bay của Mỹ ở Templehof, một của Anh ở Gatow.Không lực Hoàng gia Anh RAF có một số C-47 , nhưng  cộng với USAFE thì vẫn còn thua xa nhu cầu.

 Tận dụng tất cả những gì mình có, LeMay có thể chở 80 tấn hàng tiếp tế vào Berlin ngày 26/6. 2 ngày sau, RAF cũng bắt đầu vào cuộc .Trong 2 tuần , qua hành lang bay , họ chở nhu yếu phẩm cho Berlin . Liên Xô bắt đầu gây hấn, và những mối nguy mới bắt đầu lộ diện.
 
Tăng cường lực lượng

 USAF bắt đầu tăng cường 2 liên đội B-29 thuộc đội ném bom 301, cùng một liên đội có sẵn ở Furstenfeldbruck, gần Munich, trong khu vực của Mỹ. Triển khai thêm khoảng 2 đội B-29, 60 chiếc, đến sân bay của Anh. USAF cũng công bố sẽ triển khai một phi đoàn chiến đấu cơ F-80 tới Đức vào tháng Tám .20/7, 16 F-80 đầu tiên từ căn cứ Selfridge , Michigan , hạ cánh xuống Anh trên đường tới Furstenfeldbruck.
 
Tới lúc đó, “Dịch vụ phân phối than và thực phẩm LeMay” đã vượt ngưỡng 1000 tấn một ngày. Các chỉ huy cao cấp tin rằng chiến dịch nên được chuyển từ tay LeMay sang Binh chủng không vận quân sự MATS. Vì đây là chuyên môn của nó, còn sở trường của LeMay là chiến đấu. Nếu LX có sự gây hấn lộ liễu nào, LeMay sẽ rảnh tay để đối phó.

 23/7, Đội đặc nhiệm cầu không vận ATF được thành lập bởi MATS. MATS nhanh chóng triển khai 8 liên đội hàng không C-54 Skymaster với 72 máy bay tới Đức. Cầu hàng không bắt thay đổi rõ rệt. Thiếu tướng William H.Tunner là chỉ huy của ATF, ông nhanh chóng bay đến Đức để nhận sự bàn giao từ LeMay. “Tôi chờ đợi màn trình diễn của ông”, LeMay nói.Tunner không để tốn một từ ngữ nào “Tôi đang dự tính làm nó đây”.

 Tunner sau này tả lại tình hình lúc đó “…thật sự là một chiến dịch kiểu cao bồi.”. Phi hành đoàn và đội mặt đất không được lên kế hoạch kỹ, C-47 trong tình trạng kém. Hiệu quả thấp.Thời gian bảo trì thấp, tuyến bay tất hạn chế. 7 sân bay liên Xô bao quanh Berlin, trong khi Templehof và Gatow chỉ cách nhau 4 phút bay . Không có chỗ để vận động trong khoảng không chờ hạ cánh nằm ngay trên đầu mỗi sân bay. Thậm chí Templehf không có đường băng , người Đức trước đây cất cánh trên đồng cỏ , sau này USAF lát thêm những tấm thép dã chiến.

 Điểm mấu chốt, Tunner nhận thức, là hiệu quả cao. Sẽ dễ dàng điều hành hơn nhiều khi sử dụng một số lượng ít hơn những máy bay lớn hơn , và tận dụng tối đa số lần hành trình. Nó đơn giản hoá việc kiểm soát bay cũng như phục vụ mặt đất. Nhưng lại tăng gánh năng bảo trì, vì tăng số lần cất cánh , sẽ là cực hình đối với động cơ và lốp. Nhưng dù sao, nó cũng khả thi…

Cầu hàng không liên hợp

Hành lang bay từ khu vực của Mỹ tới Templehof dài hơn 50% so với 2 hành lang còn lại. Căn cứ của RAF ở FassBerg và Celle cách Berlin 260 km theo đường chim bay.Trong khi từ căn cứ Rhein-Main ở khu vực của Mỹ tới Templehof xa 470km. 2 máy bay ở Fassberg có thể làm công việc của 3 chiếc ở Rhein-Main.Tunner đề nghị một chiến dịch liên hợp với người Anh.Từ 21/8 , máy bay Mỹ được triển khai ở Fassberg.15/10, các chiến dịch của USAF và RAF chính thức được liên kết trong Đội đặc nhiệm không vận liên hợp CATF .Tunner là tư lệnh, chuẩn tướng Không quân Anh J.W.F Mercer là phó. C-47 được cấp tốc thay bằng C-54. Khoảng 275 chiếc máy bay 4 động cơ này từ các căn cứ khắp nơi trên Thế giới tập trung lại. Hải quân Mỹ cũng gởi 24 chiếc R5D, loại tương đương với C-54 ,và tham gia cầu không vận đến phút cuối. Một chiếc C-74 đã lập một chuyến bay kỷ lục, và 5 chiếc C-82 dùng để vận chuyển những xe chuyên dùng lớn.
 
Người Anh chở muối cho Berlin bằng thủy phi cơ Short Sunderland.Nó được thiết kế cho những chiến dịch ngoài khơi, và có khả năng chống ăn mòn tuyệt vời , thích hợp để chở muối .

Số lượng máy bay cụ thể không cố định, nhưng vào khoảng 300 chiếc C-54, vào bất cứ lúc nào cũng có 225 chiếc hoạt động và 75 chiếc đang bảo dưỡng. Người Anh có khoảng 100 chiếc đủ loại. Và họ đã luôn , theo đúng phong cách của RAF, làm được nhiều hơn những gì người ta yêu cầu.

Thực thi nhiệm vụ
 
Những chiếc C-54 khởi hành ở Wiesbaden, chất đầy hàng tiếp tế cho Berlin. Những chuyến bay về phía đông mang mật mã “Easy”, những chuyến về phía tây mang mã “Willie”. Những C-54 sẽ là “Big Easy” hoặc “Big Willie”. Hàng tiếp tế, nếu là dân sự, sẽ mang mã “New York”. Nếu là hàng quân sự của Mỹ sẽ là “Chicago”, đối với Pháp sẽ là “Paris”. Nếu hàng hoá dùng cho bảo trì đường băng hoặc xây dựng công trình sẽ mang mã “Engineer”.

Một phi hành đoàn của Big Easy với New York sẽ được phát một lịch trình bay cụ thể, chính xác tới từng giây. Họ biết về tín hiệu radio và số hiệu đuôi của 3 máy bay trước họ và 2 chiếc sau họ.Họ được phát một bản tường trình thời tiết được cập nhật mỗi 30 phút., cùng một báo cáo trên đường đi của điện đài viên , cứ mỗi 7 chiếc đến Berlin một lần. Sau khi cất cánh , họ sẽ tăng độ cao với tốc độ  150m/phút và bắt đầu bước đầu tiên của một quy trình chuẩn hoá giúp họ dễ dàng chia sẻ một hành lang duy nhất với những máy bay từ Rhein-Main.

Họ bay qua Dramstadt, Aschaffenberg, trước khi rẽ ngoặt tới Fulda, điểm kiểm soát cuối cùng  trong khu vực của Mỹ. Trên Fulda ,mỗi máy bay sẽ phát sóng số hiệu máy bay của họ để những máy bay khác có thể kiểm tra vị trí và khoảng cách của họ . Từ Fulda, hành lang bay sẽ dẫn họ thẳng đến Templehof., máy bay sẽ bay với tốc độ chính xác là 170dặm/h.Tới đó, họ sẽ rẽ trái để tới cột mốc Wedding, bắt đầu quá trình hạ cánh .Ở Wedding, họ hướng xuống theo hướng gió, tiếp tục quy trình chặt chẽ đó để đưa máy bay xuống 460m vào lúc bước vào chặng hạ cánh cuối cùng.

Sau khi hạ cánh xuống Templehof, phi cơ sẽ gặp một xe jeep “Follow-me” cùng một thang xuống. Phi hành đoàn xuống máy bay, gặp một sĩ quan tác chiến, người sẽ đưa họ giấy phép quay về và bản chỉ thị thời tiết.Một chiếc xe jeep của Hội chữ thập đỏ Đức dừng lại, được điều hành bởi những cô gái “dễ thương nhất Berlin”, nó sẽ phân phát cà phê, bánh rán và snack cho phi công.Trong lúc đó, một nhóm bốc dỡ người Đức và người tị nạn (từ phía Đông) sẽ dỡ hàng từ máy bay xuống xe tải.

Thời gian quay vòng giữa 2 chuyến bay chỉ khoảng 30 phút, thời gian ngắn như vậy là nhờ 2 lí do. Một là vì Tunner bảo đảm phi công sẽ ở lại bên máy bay thay vì phải vào nhà ga ăn uống, nhận giấy phép, chỉ thị .Tất cả dịch vụ sẽ được đem ra tận máy bay. Ngoài ra, những công nhân bốc dỡ hiểu rõ tầm quan trọng của việc máy bay thực hiện được càng nhiều phi vụ càng tốt, vì vậy họ rất cố gắng làm việc.

Tiêu chuẩn hoá

MATS và Tunner tuyệt đối tin vào sự tiêu chuẩn hoá, khi mọi thứ đã được chuẩn hoá, không có chỗ cho sai lầm. Nó bắt đầu từ khoá huấn luyện được chuẩn hoá ở trường “Little Corridor” ở Great Falls, Montana.Mỗi C-54 có một bảng điều khiển chuẩn hoá. Một phi đội chuẩn gồm 3 người : Cơ trưởng , phi công phụ , kỹ sư máy .Quy trình khởi hành , từ căn cứ chính , bay qua hành lang , tiếp cận và đáp xuống Templehf hoặc Gatow được chuẩn hoá.

Những giới hạn bay là Trần mây 120m, tầm nhìn 1,6 km ở Templehof . Còn ở Gatow là 60m và 0,8 km . Sự chênh lệch là do gần Templehof có nhiều nhà cao tầng.Trên thực tế, đã không xảy ra sự ùn tắc do thời tiết xấu, có rất ít chuyến hạ cánh bị hủy, ngay cả trong thời tiết xấu nhất.

Máy bay được xuất phát cách nhau 180 giây .Do đó đường băng ở Templehof và Gatow được sử dụng mỗi 90 giây cho những chuyến cất cánh và hạ cánh xen kẽ. Trong hành lang bay, máy bay duy trì một hướng bay và tốc độ cố định. Và mỗi chiếc giữ một khoảng cách về độ cao là 500ft (150 m) so với chiếc dẫn đầu trong nhóm 3 chiếc. Thông thường, chiếc bay đầu sẽ ở độ cao 2000ft., chiếc thứ 2, 3 phút phía sau, ở 2500 ft. Chiếc thứ 3 ở 3000ft, và chiếc thứ 4 ( chiếc đầu của nhóm kế tiếp) lại ở 2000ft.

Như đã dự đoán, động cơ và lốp máy bay thực sự bị thử thách. C-54 được thiết kế để bay đường dài. Nghĩa là nó sẽ cất cánh từ một đường băng bằng phẳng, bay qua một quãng đường dài, và sau khi đốt hết số nhiên liệu , nó sẽ tiếp đất nhẹ nhàng. Những chiếc C-54 của MATS phải cất cánh với tổng trọng lượng 33 tấn, và hạ cánh gần như không đổi 32,2 tấn . Trong khi đó, trọng lượng tiếp đất tối đa cho phép trong một chuyến bay dân sự đối với cùng máy bay là 29 tấn.

Sự tra tấn với máy bay

Với một tỷ lệ số lần hạ cánh trên số giờ bay cao hơn hẳn bình thường (vì quãng đường ngắn), và phần lớn được thực hiện trên những đường băng dã chiến gồ ghề, lốp máy bay xuống cấp nhanh chóng. Và cũng vì tỷ lệ cất cánh cao, động cơ phải làm việc cật lực với cường độ cao hơn, sự hao mòn do đó tăng theo.Tunner phải cho chở lốp dự phòng từ Mỹ qua.

Mỗi chiếc C-54 bay trung bình đến 8,5 giờ mỗi ngày. Nó thật sự cần được duy tu thường xuyên, từ hệ thống điện, điều hoà trong cabin, thủy lực cho tới thay lốp, động cơ dự phòng. Không có đủ người để thay 90 động cơ một tháng, cũng như 23 chiếc lốp mỗi ngày.

Tunner cho phép tái tuyển mộ đối với những cựu thợ máy của Luftwaffe (Không quân Đức) làm việc ở Templehof. Cũng dễ hiểu là ban đầu, có rất nhiều khó khăn đối với chính sách này. Lúc đó, một thiếu tướng Luftwaffe, người từng phục vụ trong lực lượng không vận, hiểu rõ vấn đề . Hans Detlev von Rohden là người biết tiếng Anh, ông đã dịch các bản hướng dẫn kỹ thuật ra tiếng Đức, và những thợ máy mới bắt đầu đến. Và đến cuối chiến dịch, số kỹ thuật viên Đức vượt số đồng nghiệp Mỹ.

Sau khi bay 200 giờ, C-54 sẽ tới kho của USAF ở Burtonwood, Anh để kiểm tra. Sau 4 lần kiểm tra , nó sẽ quay về Mỹ, trải qua 44 ngày đại tu chính ở một trong 4 xưởng đại tu dân sự. Sau khi đã được thay thế một số bộ phận ,nó quay lại Đức.

Chiến dịch Little Vittles

 Chiến dịch này, cho đến nay, mang tên chiến dịch Vittles, từ mà sau này trở thành một từ đặc Mỹ ở vùng nông thôn, chỉ đồ ăn thức uống dự trữ. Nhưng song song với nó còn có một chiến dịch Little Vittles nữa. Nó bắt nguồn từ anh Trung uý Gail Halvorsen, một người yêu trẻ con. Có những đám trẻ thường tụ tập gần Templehof để xem máy bay, một lần, tình cờ trong lúc đi dạo quanh sân bay, Halvorsen gặp bọn trẻ , anh cho chúng kẹo và kẹo cao su. Từ đó, anh thường vẫy cánh của chiếc C-54 mỗi khi nó bay thấp trên đầu bọn trẻ, và chúng vẫy tay lại.Thế là Halvorsen quyết định sẽ thả kẹo cho chúng, anh làm một cái dù nhỏ bằng những cái khăn tay, và đồng đội của anh ném chúng ra ngoài khi máy bay thực hiện vòng lượn cuối cùng trước khi hạ cánh.

Nhanh chóng, nhiều người biết đến sự kiện này. Bọn trẻ ngày một đông.Và Halvorsen đã là người thành lập bất đắc dĩ của Chiến dịch Little Vittles. Người Mỹ gửi những thùng khăn tay, những người bốc dỡ cẩn thận cắt những cái dù quá hạn thành những miếng nhỏ. Những phi công quyên góp bánh kẹo. Nếu so sánh về quy mô, thì Little Vittles chẳng là gì so với Vittles, nhưng nó vẫn luôn được mọi người nhớ và nhắc đến.

Cầu hàng không liên tục mở rộng về quy mô. Người Pháp cũng tham gia chiến dịch , mặc dù họ không có máy bay . Nhưng họ có một sân bay khác ở Berlin, ở Tegel, và họ đưa nó vào sử dụng. Tuy nhiên có một trở ngại, một đài radio của người Nga, nó gây nhiễu các thiết bị và gây nguy hiểm cho việc cất và hạ cánh. Người Anh và Mỹ đàm phán với Liên Xô để tháo dỡ nó, nhưng thất bại. Cho đến nay, có nhiều giai thoại được thêu dệt, nhưng có một việc chắc chắn là chính người Pháp đã giải quyết vấn đề. Họ mở một bữa tiệc ở Tegel để khai trương sân bay, mời các lực lượng của USAF và RAF tới. Không khí vui vẻ của bữa tiệc bị phá vỡ phải một tiếng nổ chói tai, tháp radio bị phá hủy. Người Pháp đã phá hủy nó? Nhưng tất nhiên là cả USAF và RAF cũng ở đó, có thể chính họ làm lắm chứ? Người Nga hiểu điều đó, họ phàn nàn nhưng chẳng làm gì cả.

Thông điệp rõ ràng

 Là Berlin không bị chết đói. Khẩu phần ăn được tăng lên từng ngày. Người Berlin có than cho mùa đông, có sữa cho bọn trẻ, có thuốc men cho người ốm và có thực phẩm cho tất cả. Người Nga phải lùi bước, 9/5/1949, Liên Xô tuyên bố vòng phong toả sẽ bị dỡ bỏ một phút sau nửa đêm ngày 12/5/1949. Cầu hàng không vẫn tiếp tục, để tăng cường thêm cho đường bộ, cũng như đề phòng LX thay đổi quyết định.Quy mô giảm từ từ cho đến khi chấm dứt hẳn vào 30/9/1949.

Những con số thống kê đã nói lên tất cả. Những máy bay của USAF, RAF cùng với khoảng 40 máy bay tư nhân thuê bao của Anh đã chở trung bình 1 tấn hàng cho một người Berlin. Trừ một khoảng thời gian 15 tiếng đồng hồ vào tháng 11/1948, tháng của sương mù dày đặc, cầu hàng không đã hoạt động suốt ngày đêm không nghỉ, 7 ngày trong tuần. Giữa tháng 4/1949, người ta lập một kỷ lục về chuyên chở trong một ngày. 13000 tấn hàng được chuyển bởi 1389 chuyến bay trong cái gọi là Cuộc diễu hành Lễ phục sinh. Mục tiêu ban đầu là trung bình 4500 tấn một ngày bị vượt qua, và đạt mức 5620 tấn vào 10/1948. Từ 26/6/1948 đến 30/9/1949, đã có 2.325.000 tấn hàng được chuyển. Trong đó 1.783.000 được chuyển bởi USAF.

24.1.10

Thực chất hay hào nhoáng

Gần đây, báo giới Nhật Bản vừa trải qua một scandal nhỏ khi một số tờ báo của nước này đăng tin về việc hải quân TQ sắp thay thế vai trò của hải quân Nhật tại khu vực Ấn độ dương trong việc tiếp tế nhiên liệu cho các tàu chiến của liên quân (chủ yếu là Mỹ) tham gia các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Bất chấp ý nghĩa về việc hải quân Mỹ đồng ý để các chiến hạm của mình được tiếp tế bởi tàu TQ nghe có vẻ vô lý đến đâu thì ít nhất vẫn có 2 tờ nhật báo của NB đăng tin này. Tờ Sankei Shimbun đăng tin này đầu tiên trên trang nhất, sau đó là Youmiuri Shimbun. Tuy nhiên, hóa ra cái gọi là nguồn giấu tên trong chính phủ mà các báo này trích dẫn trong bài viết thực ra chỉ là một cuộc nói chuyện phiếm giữa phóng viên tờ Sankei và 1 quan chức cấp trung của Bộ quốc phòng NB, một người rõ ràng là có óc tưởng tượng khá phong phú cộng với một chút động lực trong việc thổi phồng các nguy cơ từ TQ.

Tuy vậy, câu chuyện trên đồng thời cũng minh họa thêm phần nào nỗi lo sợ ngấm ngầm trong lòng các nước châu Á trước sự phát triển quốc phòng chóng mặt của TQ, đặc biệt là tham vọng hải quân của nước này. Trong chuyến thăm khu vực đông nam á hồi năm ngoái của ngoại trưởng Mỹ H.Clinton, các nước đã đồng thanh kêu gọi Mỹ hướng sự chú ý của mình trở lại khu vực này để kiềm chế TQ. Và đồng thời các đơn đặt hàng tàu ngầm tới tấp đổ về khu vực này. Ngược lên phía bắc, 2 cường quốc châu Á là HQ và NB cũng không chậm trễ trong việc nâng cấp sức mạnh quốc phòng của mình, điều mà trước đây họ vẫn tháo khoán cho nước Mỹ.

Mặc dù những bài viết trên Youmiuri và Sankei nhật báo có thể khiến độc giả tương rằng ngày cá tháng tư năm nay đến sớm thì không hẳn mọi chi tiết của nó là vô lý. Sự thật thì TQ càng ngày càng tỏ rõ tham vọng muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn độ dương. Bởi vì đây là vị trí của tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất đối với TQ, vận chuyển dầu thô từ khu vực Vùng Vịnh cung cấp cho cỗ máy kinh tế khổng lồ của TQ. Việc này tất nhiên làm Ấn độ hết sức khó chịu, khi mà đối với họ, cái tên 'Ấn độ dương' đã có một hàm ý rất rõ ràng về việc ai mới là 'chủ nhân' khu vực này.

Một trong những gót chân Asin của kinh tế TQ, nền kinh tế vừa được xem là đã soán ngôi á quân của NB, là sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thô từ nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ. Do đó, hải quân TQ được giao nhiệm vụ chiến lược là phát triển khả năng tác chiến viễn dương nhằm có thể bảo vệ các tuyến vận tải trên biển. Trong đó, như đã nói ở trên, tuyến đường vận chuyển dầu thô đi qua Ấn độ dương được xem là quan trọng nhất. Đó là lí do vì sao TQ rất sốt sắng trong việc gửi tàu chiến tham gia chiến dịch chống cướp biển Somali. Vì đây cũng đồng thời là một cữ dợt quan trọng đối với khả năng tác chiến viễn dương của hải quân TQ. Đó cũng là lần triển khai lực lượng xa chính quốc nhất của hải quân TQ. Tuy vậy, khi một tàu chở hàng TQ bị hải tặc bắt giữ, chính phủ TQ rốt cuộc cũng phải trả một khoản tiền chuộc kỷ lục (đối với cỡ tàu đó) là 4 triệu dollar, trong khi truyền thông trong nước thì chỉ đưa tin ngắn gọn đó là một 'giải cứu'. Mục đích trực tiếp là bảo vệ tàu bè TQ khỏi bọn hải tặc không đạt được, nhưng rõ ràng TQ cũng không có gì phải buồn phiền nhiều khi mà họ đã thu được những kinh nghiệm quý giá sau lần triển khai này.

Trở lại vấn đề chiến lược bành trướng của hải quân TQ nói chung. Vừa qua, vì một lí do nào đó hải quân Mỹ vô tình đăng trên mạng những thông tin được bảo mật về ước tính của họ về quy mô của hải quân TQ. Thông tin này nhanh chóng được gỡ xuống, nhưng trước đó đã nhanh chóng bị copy và lan truyền. Những thông tin này tuy không quá chi tiết, nhưng có thể xem là những thông tin gần đúng nhất là số lượng các loại phương tiện của hải quân TQ. Theo đó, TQ có 62 tàu ngầm, trong đó gồm 53 tàu ngầm tấn công diesel điện, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Số tàu khu trục là 26. Khu trục hạng nhẹ là 48. 58 tàu đổ bộ. Số tàu tuần tiễu ven bờ trang bị tên lửa đối hạm là ít nhất 80.

Trong khi sự lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng trên biển của TQ hiển hiện từ Tokyo cho đến New Dehli thì trong lòng hải quân TQ, mọi chuyện không phải đều xuôi chèo mát mái. Thật ra vấn đề lớn nhất mà họ đang phải đối mặt hiện nay cũng không phải là điều gì quá mới mẻ: đó là việc xác định các mức độ ưu tiên cho các chương trình khác nhau. Cái khó của TQ hiện nay là đồng thời họ phải đối mặt với những thách thức, đối thủ khác nhau, mà trong đó, vị thế của họ không phải lúc nào cũng như nhau. Thách thức đầu tiên là việc đối mặt trực tiếp với hải quân Mỹ, lúc này vị thế của họ là kẻ ở chiếu dưới, trong thế thủ. Xét trong hoàn cảnh này, ưu tiên nên là tập trung vào lực lượng tàu ngầm tấn công, cả hạt nhân và thông thường. Phát triển khả năng dùng tên lửa đạn đạo trong vai trò diệt hạm, mặc dù đây thực ra không phải là 1 chương trình của riêng hải quân. Ngoài ra, ở một mức độ thấp hơn là các khinh hạm trang bị tên lửa diệt hạm và công nghệ tàng hình. Thách thức thứ 2 là đối với các nước láng giềng, lúc này TQ sẽ ở thế thượng phong, trong thế công. Thách thức thứ 3 là khả năng triển khai lực lượng ở các vùng biển xa để bảo đảm các tuyến giao thông hàng hải huyết mạch như với ví dụ ở Ấn độ dương ở trên. Hai thách thức này đặt ra những ưu tiên gần giống nhau, bao gồm phát triển sức mạnh không lực hải quân, tàu sân bay, các tàu hỗ trợ đổ bộ cỡ lớn, các khinh hạm trang bị tên lửa diệt hạm có ứng dụng công nghệ tàng hình…Thách thức cuối cùng là phát triển khả năng răn đe hạt nhân của hải quân, hay cụ thể hơn là lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược (SSBN), mà mục tiêu chủ yếu là nước Mỹ.

Từ những thách thức nói trên, tựu chung lại, hiện nay trong nội bộ hải quân TQ đang diễn ra cuộc đấu đá chính giữa 2 phái. Một bên là những đô đốc ủng hộ việc tập trung vào lực lượng tàu ngầm, gồm cả tàu ngầm tấn công (SSN) và SSBN. Phe bên kia là những đô đốc muốn đưa tàu sân bay làm ưu tiên cao nhất. Và theo tình hình hiện nay, phe tàu sân bay đang chiếm ưu thế và có lẽ sẽ đạt được mục đích của mình.

Phe 'tàu ngầm' chỉ ra rằng hiện nay công nghệ tàu ngầm hạt nhân của TQ vẫn còn kém xa Nga, Mỹ. Trong khi đó tàu ngầm là loại vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất một khi phải đối đầu với các đội tàu sân bay hùng hậu của hải quân Mỹ. Ngoài ra, đây còn là một yêu cầu chiến lược khi mà các phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân của TQ hiện nay chưa đủ sức răn đe Mỹ. Nếu có chiến tranh hạt nhân xảy ra giữa 2 nước, TQ chỉ có thể phóng 1 vài đầu đạn hạt nhân chạm đến bờ biển phía tây của Mỹ trong khi Mỹ có thể tự do nhắm bắn tới mọi điểm trong lãnh thổ TQ.

Phe tàu sân bay thì cho rằng với mối quan hệ kinh tế khắng khít giữa TQ và Mỹ như hiện nay, nguy cơ một cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và TQ là rất ít. Ưu tiên hiện nay phải là bảo vệ các huyết mạch kinh tế trên biển, đồng thời răn đe các nước láng giềng. Tuy nhiên, 'ưu thế' lớn nhất của phe tàu sân bay so với tàu ngầm lại không phải là vấn đề quân sự, mà là vấn đề về hình ảnh, chính trị, và ngoại giao. Tàu sân bay, với vẻ 'oai phong' của nó, sẽ là viên kim cương lớn trên chiếc vương miện 'siêu cường' mà TQ đang dày công đẽo gọt. Nó là biểu tượng cho sức mạnh của một cường quốc. Điều trớ trêu là điểm mạnh nhất của tàu ngầm, sự 'yên tĩnh', lại là điểm yếu nhất của nó khi xét theo khía cạnh này. Bạn không thể đe dọa, hay gây ấn tượng mạnh với ai đó bằng một thứ mà không ai có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, liệu đó có phải là một lựa chọn đúng cho TQ?

Lực lượng hải quân có khả năng tác chiến bằng tàu sân bay gần với hải quân Mỹ nhất là Hải quân hoàng gia Nhật, nhưng đó là đã cách đây hơn nửa thế kỷ, từ thời chiến tranh thế giới thứ 2. Ngoài ra, lần duy nhất có một hải quân khác sử dụng tàu sân bay trong một cuộc chiến lớn là Hải quân hoàng gia Anh với 2 tàu sân bay lớp Invincible, trong cuộc chiến Falkland. Tuy nhiên đó chỉ là loại tàu sân bay nhỏ, lượng choán nước khoảng 20,000 tấn, và được thiết kế cho máy bay phản lực lên thẳng (Harrier). Điều trớ trêu là nếu không vì cuộc chiến đó nổ ra thì những tàu sân bay trên đã được cho về hưu trong cơn lốc cắt giảm ngân sách quốc phòng thời đó của Anh. Ngoài ra, Pháp cũng sử dụng tàu sân bay hỗ trợ cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan. Tàu sân bay Charles De Gaulle có thể coi là tàu sân bay gần giống các tàu sân bay của Mỹ nhất hiện nay. Mặc dù kích thước chỉ bằng khoảng một nửa, nhưng nó cũng chạy bằng năng lượng hạt nhân, và có trang bị máy phóng. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo và vận hành, Charles De Gaulle đã gặp không ít vấn đề và gặp không ít chỉ trích. Ngoài ra, người Pháp vẫn phải sử dụng công nghệ máy phóng từ Mỹ. Một số nước khác cũng có tàu sân bay, nhưng chỉ là loại nhỏ và không có lịch sử tác chiến thực tế nào đáng chú ý. Trong thời chiến tranh lạnh, LX cũng từng có tham vọng chế tạo một tàu sân bay tương đương với các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ, với lượng choán nước khoảng 90,000 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân, và trang bị máy phóng máy bay. Tuy nhiên, do các thách thức về kỹ thuật nên dự án này co lại thành 1 con tàu 65,000 tấn, sức đẩy thông thường, và không có máy phóng. Cho tới nay, con tàu này (chiếc Kunetzsov) cũng trải qua phần lớn thời gian của mình ở neo tại cảng. Nói chung, việc chế tạo và vận hành một con tàu sân bay là một thách thức không lồ cả về công nghệ và kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm vận hành, tác chiến. Từ những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt như việc điều hành các hoạt động trên boong (được coi là một trong những môi trường làm việc nguy hiểm nhất thế giới) cho đến việc phối hợp hoạt động của toàn bộ hải đội tàu sân bay và các tàu chiến yểm trợ xung quanh. Chính những tàu yểm trợ này cũng là 1 điểm yếu mà TQ không dễ gì vượt qua. Hiện nay họ không có một hệ thống phòng không có thể so với hệ thống Aegis của Mỹ, chưa tính đến các tàu trang bị Aegis nâng cấp có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo. Công nghệ chống tàu ngầm của TQ vẫn còn lạc hậu rất xa so với Mỹ, điều tương tự khi đề cập đến khả năng tác chiến điện tử. Tàu sân bay tuy có hỏa lực khủng khiếp, nhưng cũng đồng thời là một mục tiêu khổng lồ. Trên thực tế, do không có được các tàu bảo vệ hiệu quả, cộng với sự giới hạn về kích thước và số lượng máy bay (khả năng TQ có thể chế tạo được tàu sân bay có kích thước lớn như của Mỹ là gần như bằng 0) thì nguy cơ tàu sân bay của TQ trở thành một cỗ máy 'không công', nghĩa phải sử dụng gần như mọi máy bay chỉ để bảo vệ cho chính mình, là không nhỏ.

Đối với hải quân Mỹ, việc TQ tập trung phát triển tàu sân bay thay vì tàu ngầm chắc chắn là một tin vui. Giàn trận đối đầu trực tiếp với lực lượng tàu sân bay vượt trội cả về số lượng và chất lượng của hải quân Mỹ, cộng với yếu tố kinh nghiệm dày dạn của các phi công hải quân Mỹ, vượt trội về chất lượng phi cơ, tàu hỗ trợ…rõ ràng là tự sát với hải quân TQ. Ngược lại, hải quân Mỹ sẽ đau đầu hơn rất nhiều nếu như TQ tập trung cải tiến sự yên lặng và tăng cường số lượng của các sát thủ giấu mặt, tàu ngầm.

Ngoài ra, về mặt chiến lược, Mỹ cũng không phải quá lo lắng về khả năng tấn công hạt nhân của TQ trừ khi họ có khả năng chế tạo được những SSBN có chất lượng có thể tuần tra thường xuyên tại vùng biển gần nội địa Mỹ.

Đối với các nước láng giềng quanh TQ, việc phải tác chiến hiệu quả với hải đội tàu sân bay của hải quân TQ cũng không phải là việc không thể. Vì như đã nói ở trên, TQ không có được hệ thống phòng không và chống tàu ngầm hiệu quả. Việc dùng tên lửa diệt hạm từ nhiều phương tiện bao gồm khinh hạm ven bờ, tàu ngầm, máy bay xuất phát từ nhiều hướng, tên lửa trên đất liền gây rất nhiều khó khăn. Hải quân TQ sẽ cần một con tàu sân bay rất lớn hoặc nhiều tàu nhỏ mới đủ số lượng máy bay để có thể vừa đồng thời ngăn chặn các máy bay mang tên lửa diệt hạm từ khoảng cách xa, vừa đồng thời tấn công các mục tiêu trên biển, trên đất liền…

Mặc dù đối với giới truyền thông cũng như đa số công chúng, hạm đội 11 siêu tàu sân bay nguyên tử là biểu tượng cho sức mạnh hại quân Mỹ, nhưng thực sự thì chính đội tàu ngầm hạt nhân mới là nền tảng cơ bản cho ưu thế hải quân, một cách hết sức thầm lặng. Đó là lí do vì sao lực lượng tàu ngầm hầu như ít được nhắc đến nhất trong cơn bão cắt giảm ngân sách quốc phòng dưới thời TT Obama.


Nếu muốn nâng cao sĩ diện quốc gia, tàu sân bay là một lựa chọn không thể tốt hơn. Nhưng muốn kiểm soát đại dương, thì tốt nhất là hãy tập trung vào lực lượng tàu ngầm trước. Do đó, nếu TQ thực sự dồn nguồn lực vào việc phát triển tàu sân bay thì đó không hẳn là một tin xấu.