24.1.10

Thực chất hay hào nhoáng

Gần đây, báo giới Nhật Bản vừa trải qua một scandal nhỏ khi một số tờ báo của nước này đăng tin về việc hải quân TQ sắp thay thế vai trò của hải quân Nhật tại khu vực Ấn độ dương trong việc tiếp tế nhiên liệu cho các tàu chiến của liên quân (chủ yếu là Mỹ) tham gia các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Bất chấp ý nghĩa về việc hải quân Mỹ đồng ý để các chiến hạm của mình được tiếp tế bởi tàu TQ nghe có vẻ vô lý đến đâu thì ít nhất vẫn có 2 tờ nhật báo của NB đăng tin này. Tờ Sankei Shimbun đăng tin này đầu tiên trên trang nhất, sau đó là Youmiuri Shimbun. Tuy nhiên, hóa ra cái gọi là nguồn giấu tên trong chính phủ mà các báo này trích dẫn trong bài viết thực ra chỉ là một cuộc nói chuyện phiếm giữa phóng viên tờ Sankei và 1 quan chức cấp trung của Bộ quốc phòng NB, một người rõ ràng là có óc tưởng tượng khá phong phú cộng với một chút động lực trong việc thổi phồng các nguy cơ từ TQ.

Tuy vậy, câu chuyện trên đồng thời cũng minh họa thêm phần nào nỗi lo sợ ngấm ngầm trong lòng các nước châu Á trước sự phát triển quốc phòng chóng mặt của TQ, đặc biệt là tham vọng hải quân của nước này. Trong chuyến thăm khu vực đông nam á hồi năm ngoái của ngoại trưởng Mỹ H.Clinton, các nước đã đồng thanh kêu gọi Mỹ hướng sự chú ý của mình trở lại khu vực này để kiềm chế TQ. Và đồng thời các đơn đặt hàng tàu ngầm tới tấp đổ về khu vực này. Ngược lên phía bắc, 2 cường quốc châu Á là HQ và NB cũng không chậm trễ trong việc nâng cấp sức mạnh quốc phòng của mình, điều mà trước đây họ vẫn tháo khoán cho nước Mỹ.

Mặc dù những bài viết trên Youmiuri và Sankei nhật báo có thể khiến độc giả tương rằng ngày cá tháng tư năm nay đến sớm thì không hẳn mọi chi tiết của nó là vô lý. Sự thật thì TQ càng ngày càng tỏ rõ tham vọng muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn độ dương. Bởi vì đây là vị trí của tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất đối với TQ, vận chuyển dầu thô từ khu vực Vùng Vịnh cung cấp cho cỗ máy kinh tế khổng lồ của TQ. Việc này tất nhiên làm Ấn độ hết sức khó chịu, khi mà đối với họ, cái tên 'Ấn độ dương' đã có một hàm ý rất rõ ràng về việc ai mới là 'chủ nhân' khu vực này.

Một trong những gót chân Asin của kinh tế TQ, nền kinh tế vừa được xem là đã soán ngôi á quân của NB, là sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thô từ nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ. Do đó, hải quân TQ được giao nhiệm vụ chiến lược là phát triển khả năng tác chiến viễn dương nhằm có thể bảo vệ các tuyến vận tải trên biển. Trong đó, như đã nói ở trên, tuyến đường vận chuyển dầu thô đi qua Ấn độ dương được xem là quan trọng nhất. Đó là lí do vì sao TQ rất sốt sắng trong việc gửi tàu chiến tham gia chiến dịch chống cướp biển Somali. Vì đây cũng đồng thời là một cữ dợt quan trọng đối với khả năng tác chiến viễn dương của hải quân TQ. Đó cũng là lần triển khai lực lượng xa chính quốc nhất của hải quân TQ. Tuy vậy, khi một tàu chở hàng TQ bị hải tặc bắt giữ, chính phủ TQ rốt cuộc cũng phải trả một khoản tiền chuộc kỷ lục (đối với cỡ tàu đó) là 4 triệu dollar, trong khi truyền thông trong nước thì chỉ đưa tin ngắn gọn đó là một 'giải cứu'. Mục đích trực tiếp là bảo vệ tàu bè TQ khỏi bọn hải tặc không đạt được, nhưng rõ ràng TQ cũng không có gì phải buồn phiền nhiều khi mà họ đã thu được những kinh nghiệm quý giá sau lần triển khai này.

Trở lại vấn đề chiến lược bành trướng của hải quân TQ nói chung. Vừa qua, vì một lí do nào đó hải quân Mỹ vô tình đăng trên mạng những thông tin được bảo mật về ước tính của họ về quy mô của hải quân TQ. Thông tin này nhanh chóng được gỡ xuống, nhưng trước đó đã nhanh chóng bị copy và lan truyền. Những thông tin này tuy không quá chi tiết, nhưng có thể xem là những thông tin gần đúng nhất là số lượng các loại phương tiện của hải quân TQ. Theo đó, TQ có 62 tàu ngầm, trong đó gồm 53 tàu ngầm tấn công diesel điện, 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Số tàu khu trục là 26. Khu trục hạng nhẹ là 48. 58 tàu đổ bộ. Số tàu tuần tiễu ven bờ trang bị tên lửa đối hạm là ít nhất 80.

Trong khi sự lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng trên biển của TQ hiển hiện từ Tokyo cho đến New Dehli thì trong lòng hải quân TQ, mọi chuyện không phải đều xuôi chèo mát mái. Thật ra vấn đề lớn nhất mà họ đang phải đối mặt hiện nay cũng không phải là điều gì quá mới mẻ: đó là việc xác định các mức độ ưu tiên cho các chương trình khác nhau. Cái khó của TQ hiện nay là đồng thời họ phải đối mặt với những thách thức, đối thủ khác nhau, mà trong đó, vị thế của họ không phải lúc nào cũng như nhau. Thách thức đầu tiên là việc đối mặt trực tiếp với hải quân Mỹ, lúc này vị thế của họ là kẻ ở chiếu dưới, trong thế thủ. Xét trong hoàn cảnh này, ưu tiên nên là tập trung vào lực lượng tàu ngầm tấn công, cả hạt nhân và thông thường. Phát triển khả năng dùng tên lửa đạn đạo trong vai trò diệt hạm, mặc dù đây thực ra không phải là 1 chương trình của riêng hải quân. Ngoài ra, ở một mức độ thấp hơn là các khinh hạm trang bị tên lửa diệt hạm và công nghệ tàng hình. Thách thức thứ 2 là đối với các nước láng giềng, lúc này TQ sẽ ở thế thượng phong, trong thế công. Thách thức thứ 3 là khả năng triển khai lực lượng ở các vùng biển xa để bảo đảm các tuyến giao thông hàng hải huyết mạch như với ví dụ ở Ấn độ dương ở trên. Hai thách thức này đặt ra những ưu tiên gần giống nhau, bao gồm phát triển sức mạnh không lực hải quân, tàu sân bay, các tàu hỗ trợ đổ bộ cỡ lớn, các khinh hạm trang bị tên lửa diệt hạm có ứng dụng công nghệ tàng hình…Thách thức cuối cùng là phát triển khả năng răn đe hạt nhân của hải quân, hay cụ thể hơn là lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược (SSBN), mà mục tiêu chủ yếu là nước Mỹ.

Từ những thách thức nói trên, tựu chung lại, hiện nay trong nội bộ hải quân TQ đang diễn ra cuộc đấu đá chính giữa 2 phái. Một bên là những đô đốc ủng hộ việc tập trung vào lực lượng tàu ngầm, gồm cả tàu ngầm tấn công (SSN) và SSBN. Phe bên kia là những đô đốc muốn đưa tàu sân bay làm ưu tiên cao nhất. Và theo tình hình hiện nay, phe tàu sân bay đang chiếm ưu thế và có lẽ sẽ đạt được mục đích của mình.

Phe 'tàu ngầm' chỉ ra rằng hiện nay công nghệ tàu ngầm hạt nhân của TQ vẫn còn kém xa Nga, Mỹ. Trong khi đó tàu ngầm là loại vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất một khi phải đối đầu với các đội tàu sân bay hùng hậu của hải quân Mỹ. Ngoài ra, đây còn là một yêu cầu chiến lược khi mà các phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân của TQ hiện nay chưa đủ sức răn đe Mỹ. Nếu có chiến tranh hạt nhân xảy ra giữa 2 nước, TQ chỉ có thể phóng 1 vài đầu đạn hạt nhân chạm đến bờ biển phía tây của Mỹ trong khi Mỹ có thể tự do nhắm bắn tới mọi điểm trong lãnh thổ TQ.

Phe tàu sân bay thì cho rằng với mối quan hệ kinh tế khắng khít giữa TQ và Mỹ như hiện nay, nguy cơ một cuộc chiến tổng lực giữa Mỹ và TQ là rất ít. Ưu tiên hiện nay phải là bảo vệ các huyết mạch kinh tế trên biển, đồng thời răn đe các nước láng giềng. Tuy nhiên, 'ưu thế' lớn nhất của phe tàu sân bay so với tàu ngầm lại không phải là vấn đề quân sự, mà là vấn đề về hình ảnh, chính trị, và ngoại giao. Tàu sân bay, với vẻ 'oai phong' của nó, sẽ là viên kim cương lớn trên chiếc vương miện 'siêu cường' mà TQ đang dày công đẽo gọt. Nó là biểu tượng cho sức mạnh của một cường quốc. Điều trớ trêu là điểm mạnh nhất của tàu ngầm, sự 'yên tĩnh', lại là điểm yếu nhất của nó khi xét theo khía cạnh này. Bạn không thể đe dọa, hay gây ấn tượng mạnh với ai đó bằng một thứ mà không ai có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, liệu đó có phải là một lựa chọn đúng cho TQ?

Lực lượng hải quân có khả năng tác chiến bằng tàu sân bay gần với hải quân Mỹ nhất là Hải quân hoàng gia Nhật, nhưng đó là đã cách đây hơn nửa thế kỷ, từ thời chiến tranh thế giới thứ 2. Ngoài ra, lần duy nhất có một hải quân khác sử dụng tàu sân bay trong một cuộc chiến lớn là Hải quân hoàng gia Anh với 2 tàu sân bay lớp Invincible, trong cuộc chiến Falkland. Tuy nhiên đó chỉ là loại tàu sân bay nhỏ, lượng choán nước khoảng 20,000 tấn, và được thiết kế cho máy bay phản lực lên thẳng (Harrier). Điều trớ trêu là nếu không vì cuộc chiến đó nổ ra thì những tàu sân bay trên đã được cho về hưu trong cơn lốc cắt giảm ngân sách quốc phòng thời đó của Anh. Ngoài ra, Pháp cũng sử dụng tàu sân bay hỗ trợ cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan. Tàu sân bay Charles De Gaulle có thể coi là tàu sân bay gần giống các tàu sân bay của Mỹ nhất hiện nay. Mặc dù kích thước chỉ bằng khoảng một nửa, nhưng nó cũng chạy bằng năng lượng hạt nhân, và có trang bị máy phóng. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo và vận hành, Charles De Gaulle đã gặp không ít vấn đề và gặp không ít chỉ trích. Ngoài ra, người Pháp vẫn phải sử dụng công nghệ máy phóng từ Mỹ. Một số nước khác cũng có tàu sân bay, nhưng chỉ là loại nhỏ và không có lịch sử tác chiến thực tế nào đáng chú ý. Trong thời chiến tranh lạnh, LX cũng từng có tham vọng chế tạo một tàu sân bay tương đương với các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ, với lượng choán nước khoảng 90,000 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân, và trang bị máy phóng máy bay. Tuy nhiên, do các thách thức về kỹ thuật nên dự án này co lại thành 1 con tàu 65,000 tấn, sức đẩy thông thường, và không có máy phóng. Cho tới nay, con tàu này (chiếc Kunetzsov) cũng trải qua phần lớn thời gian của mình ở neo tại cảng. Nói chung, việc chế tạo và vận hành một con tàu sân bay là một thách thức không lồ cả về công nghệ và kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm vận hành, tác chiến. Từ những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt như việc điều hành các hoạt động trên boong (được coi là một trong những môi trường làm việc nguy hiểm nhất thế giới) cho đến việc phối hợp hoạt động của toàn bộ hải đội tàu sân bay và các tàu chiến yểm trợ xung quanh. Chính những tàu yểm trợ này cũng là 1 điểm yếu mà TQ không dễ gì vượt qua. Hiện nay họ không có một hệ thống phòng không có thể so với hệ thống Aegis của Mỹ, chưa tính đến các tàu trang bị Aegis nâng cấp có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo. Công nghệ chống tàu ngầm của TQ vẫn còn lạc hậu rất xa so với Mỹ, điều tương tự khi đề cập đến khả năng tác chiến điện tử. Tàu sân bay tuy có hỏa lực khủng khiếp, nhưng cũng đồng thời là một mục tiêu khổng lồ. Trên thực tế, do không có được các tàu bảo vệ hiệu quả, cộng với sự giới hạn về kích thước và số lượng máy bay (khả năng TQ có thể chế tạo được tàu sân bay có kích thước lớn như của Mỹ là gần như bằng 0) thì nguy cơ tàu sân bay của TQ trở thành một cỗ máy 'không công', nghĩa phải sử dụng gần như mọi máy bay chỉ để bảo vệ cho chính mình, là không nhỏ.

Đối với hải quân Mỹ, việc TQ tập trung phát triển tàu sân bay thay vì tàu ngầm chắc chắn là một tin vui. Giàn trận đối đầu trực tiếp với lực lượng tàu sân bay vượt trội cả về số lượng và chất lượng của hải quân Mỹ, cộng với yếu tố kinh nghiệm dày dạn của các phi công hải quân Mỹ, vượt trội về chất lượng phi cơ, tàu hỗ trợ…rõ ràng là tự sát với hải quân TQ. Ngược lại, hải quân Mỹ sẽ đau đầu hơn rất nhiều nếu như TQ tập trung cải tiến sự yên lặng và tăng cường số lượng của các sát thủ giấu mặt, tàu ngầm.

Ngoài ra, về mặt chiến lược, Mỹ cũng không phải quá lo lắng về khả năng tấn công hạt nhân của TQ trừ khi họ có khả năng chế tạo được những SSBN có chất lượng có thể tuần tra thường xuyên tại vùng biển gần nội địa Mỹ.

Đối với các nước láng giềng quanh TQ, việc phải tác chiến hiệu quả với hải đội tàu sân bay của hải quân TQ cũng không phải là việc không thể. Vì như đã nói ở trên, TQ không có được hệ thống phòng không và chống tàu ngầm hiệu quả. Việc dùng tên lửa diệt hạm từ nhiều phương tiện bao gồm khinh hạm ven bờ, tàu ngầm, máy bay xuất phát từ nhiều hướng, tên lửa trên đất liền gây rất nhiều khó khăn. Hải quân TQ sẽ cần một con tàu sân bay rất lớn hoặc nhiều tàu nhỏ mới đủ số lượng máy bay để có thể vừa đồng thời ngăn chặn các máy bay mang tên lửa diệt hạm từ khoảng cách xa, vừa đồng thời tấn công các mục tiêu trên biển, trên đất liền…

Mặc dù đối với giới truyền thông cũng như đa số công chúng, hạm đội 11 siêu tàu sân bay nguyên tử là biểu tượng cho sức mạnh hại quân Mỹ, nhưng thực sự thì chính đội tàu ngầm hạt nhân mới là nền tảng cơ bản cho ưu thế hải quân, một cách hết sức thầm lặng. Đó là lí do vì sao lực lượng tàu ngầm hầu như ít được nhắc đến nhất trong cơn bão cắt giảm ngân sách quốc phòng dưới thời TT Obama.


Nếu muốn nâng cao sĩ diện quốc gia, tàu sân bay là một lựa chọn không thể tốt hơn. Nhưng muốn kiểm soát đại dương, thì tốt nhất là hãy tập trung vào lực lượng tàu ngầm trước. Do đó, nếu TQ thực sự dồn nguồn lực vào việc phát triển tàu sân bay thì đó không hẳn là một tin xấu.

No comments: