30.1.10

Một vài suy nghĩ về Raptorov

Đầu tiên, có vẻ đa số họ trong tiếng Nga kết thúc bằng ov/ev thay vì ski, do đó Raptorov có lẽ là một cái tên thích hợp hơn cho PAK-FA. Tuy vậy, nói chung về hình dạng bên ngoài thì PAK-FA trông giống như một sự kết hợp giữa cả Su-27, F-22, YF-23 và một ít Su-47. YF-23 là nguyên mẫu từng cạnh tranh với F-22 để chọn ra mẫu thiết kế cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, tất nhiên là nó đã thất bại, nguyên nhân chủ yếu là tính năng tàng hình của nó không được như mẫu YF-22.

Cũng phải lưu ý rằng vẫn còn một đoạn đường rất dài từ khi bay chuyến bay đầu tiên cho tới khi máy bay thực sự được đưa vào sử dụng rộng rãi. Và từ nay đến đó, bất cứ thay đổi lớn nào cũng có thể xảy ra. Nguyên mẫu bay ngày hôm nay sử dụng động cơ của mẫu Su-35, và hiển nhiên là cũng chưa lắp radar cùng nhiều thiết bị điện tử khác, vốn vẫn chưa tồn tại vào thời điểm này. Tất cả những gì có thể được phân tích vào thời điểm này chỉ là thiết kế hình dạng bên ngoài của nó, vốn cũng không có gì bảm đảm sẽ giữ được giữ nguyên.

Như đã nêu trong phần nhận xét sơ bộ, PAK-FA là mẫu máy bay đầu tiên Nga hướng đến việc giảm thiểu tối đa diện tích phản xạ radar. Tuy nhiên, việc nó có giảm đến mức có thể được gọi là 'tàng hình' hay không thì lại là một vấn đề khác. Một số nguồn tin cho biết diện tích phản xạ của nó là 0.5m2. Đây là một bước tiến rất lớn nếu so với các Su-27/30, vốn có con số này từ 10-20m2. Tuy nhiên, nó vẫn còn cách quá xa để được gọi là một máy bay tàng hình. Để so sánh, diện tích phản xạ radar của F-22 là khoảng 0.0001m2, của F-35 là 0.001m2. Không có định nghĩa chính xác thế nào một máy bay 'tàng hình'. Tuy nhiên theo logic thì nó phải có diện tích phản xạ radar tương đương với F-117A, thế hệ máy bay tàng hình đầu tiên, trở xuống, nghĩa là dưới 0.01m2. Con số 0.5m2 thậm chí nếu so sánh với các máy bay thế hệ thứ 4 thì cũng chỉ tương đương với Gripen của Thụy điển, nhưng không bằng Rafale của Pháp (0.1m2), hay Typhoon của châu âu (0.05m2). Cả Rafale và Typhoon đều chỉ được coi là máy bay 'bán tàng hình'.

Thật ra điều này cũng dễ hiểu khi mà người Mỹ đã phát triển đến thế hệ máy bay tàng hình thứ 4, trong khi đây mới là thế hệ đầu tiên của Nga. Trên nguyên mẫu bay thử hôm nay vẫn còn nhiều chi tiết thiết kế bất lợi cho việc giảm tín hiệu radar phản xạ. Ví dụ như thiết bị cảm biến hồng ngoại nổi lên rất rõ phía trước buồng lái. Một mặt cầu nổi bật lên như vậy hoàn toàn không tốt cho tính năng tàng hình. Bản thân buồng lái vẫn sử dụng khung kim loại thay vì hoàn toàn trong suốt như F-22, tuy nhiên nhiều khả năng điều này sẽ thay đổi trong quá trình phát triển. Toàn bộ phần mũi máy bay vẫn còn hơi tròn, không mang thiết kế dạng kim cương một cách rõ nét. Thiết kế dạng gờ hình nêm nối giữa phần mũi và cánh máy bay, một đặc trưng của máy bay tàng hình, cũng không thật sự rõ. Ngoài ra, như trong phần nhận xét sơ bộ, phần đuôi máy bay, đặc biệt là 2 ống xả, vẫn là thiết kế cổ điển, đậm chất "Su", không phải thiết kế cho tàng hình. Điểm yếu nhất có lẽ là phần bụng máy bay, thay vì chỉ là một mặt phẳng duy nhất thì nó lại khá 'gồ ghề, khoang động cơ và thân máy bay vẫn tách biệt thành 3 phần rất rõ, vẫn đậm chất "Su-27",c hứ không tích hợp hoàn toàn với nhau.

Một chi tiết thiết kế cực kỳ quan trọng nữa khi xét tới tính năng tàng hình là vị trí tương đối giữa cửa hút gió và động cơ. Nhìn bên ngoài thì chưa thể kết luận chúng có thẳng hàng hay không (vốn sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar rất đáng kể), mặc dù trông thì có vẻ thế. Tuy nhiên có lẽ các nhà thiết kế Nga sẽ không bỏ qua một vấn đề cơ bản như vậy trong thiết kế.


Tổng hợp chung, nếu chỉ nhìn vào thiết kế bên ngoài, thì thật sự mẫu thiết kế này vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của dòng Su-27/30 danh tiếng. Các đặc điểm của Flanker vẫn phảng phất rất rõ trong thiết kế này như phần thân với cái 'bướu' rất đặc trưng, 2 khoang động cơ lớn, đuôi... Đó cũng là lí do vì sao vẫn còn 1 số dè dặt nhất định trong cộng đồng quân sự khi nhận xét về mẫu này. Khi YF-22, YF-23 xuất hiện, người ta có thể cảm thấy nó đến từ 1 thế giới khác so với F-15, F-16. Hay T-10S (nguyên mẫu của Su-27) thực sự là một cuộc cách mạng so với Mig-23, Su-17. Dù sao, như đã nói, đây mới chỉ là một nguyên mẫu khá sơ khai, và vẫn có thể vẫn còn nhiều điều bất ngờ phía trước.

Cũng phải nói thêm là nguyên mẫu này có 1 vài đặc điểm độc nhất, đó là phần cánh đuôi và phần diện tích mở rộng của cánh máy bay có thể di chuyển được.

5 comments:

Unknown said...

Có thể thấy rằng người viết chỉ đọc cảm nhận của các blog nước ngoài chứ không dưa ra dược chủ kiến (dựa trên kiến thức)của mình:
- Đầu tiên sự nhầm lẫn là mẫu YF-23 bị loại do khả năng tàng hình. Thực ra, khả năng tàng hình radar và IR cao hơn mẫu YF-22 (do kết cấu thân, cửa hút, đuôi khí mang tính cách mạng hơn, ống xả được che làm giảm khả năng phát tín hiệu IR).
- Nếu phải so sánh về chi tiết, khả năng tàng hình của T-50 không phải thấp hơn hẳn so với F-22:
+ Đuôi đứng thấp hơn nhiều, ngiêng ra ngoài và có diện tích nhỏ hơn hẳn. Hơn nữa, lại là ĐUÔI ĐỨNG TOÀN ĐỘNG (quay toàn bộ)! Thiết kế mang tính cách mạng này giúp giảm khả diện tích phản xạ hiệu dụng hơn hẳn F-22.
+ Mẫu T-50 đầu tiên là mẫu thử nghiệm khả năng khí động,chưa lắp radar, do chưa lắp chụp mũi chất bằng điện môi, nên chưa có gờ hình nêm là dẽ hiểu. Để ý các chi tiết khác: của các khoang vũ khí, cửa nắp bánh mũi, cần tiếp dầu trên không đề có dạng nêm, đièu đó chứng tỏ gì!
+ Ống hút khí uốn theo hai chiều (lên trên và cong hình S theo chiều ngang)mà vẫn cách xa thân chính, vừa che được cánh quạt động cơ, vừa cho phép mang 02 khoang vũ khí ở phần thân (so với 1 của F-22)!
+ Khoang vũ khí chính với 2 cửa mở, so với 02 của mở kép(gập đôi)do chiều rộng khoang lớn hơn của F-22 cho diện tích phản xạ nhở hơn hẳn KHIMÁY BAY PHÓNG VŨ KHÍ!!!
+ Tương tự, thiết kế khoang vũ khí tầm ngắn (vũ khí được thả thẳng xuống thay vì giá phóng nghiêng thò ra)cùng các cửa của nó (nhỏ hơn)!
Nhìn tổng thể, thiết kế này mang tính cách mạng hơn nhiều so với kế mang tính "cổ điển" của F-22, có cơ sở để hy vọng rằng đáp ứng được cả 2 yêu cầu của không chiến hiện đại: tàng hình và cơ động!

Anonymous said...

Thực ra cả 2 tác giả viết bài đều có ý chủ quan. tuy nhiên hình dạng của F22 phẳng lỳ còn T50 thì nhiều đường cong, đây là ý đổ của nhà sản xuất mà người xem chỉ nhìn thấy và đánh giá nó mơ hồ mà thôi.

Mili-Tec said...

Việc cánh đuôi cố định hay di động không làm ảnh hưởng đến tính năng 'tàng hình' của máy bay. Phần gờ dạng nêm của máy bay tàng hình là một phần của toàn bộ thiết kế máy bay chứ không phải là một phần của mũi máy bay để lắp vào sau này. Xin nhắc lại là để đạt được mức độ tàng hình như của F-22 hay F-35 yêu cầu một thiết kế hợp nhất của tất cả các phần tử: cánh, thân, diện tích mở rộng...Chứ không phải chỉ là gắn thật nhiều các 'hình nêm' (hay các cấu trúc dạng kim cương) vào một thân máy bay thế hệ thứ 4.

T-50 tuy có 2 khoang vũ khí chính nhưng không có nghĩa là sức chở của nó lớn hơn F-22, hiển nhiên vì 2 khoang này có bề rộng rất hẹp. Ngoài ra có thể thấy 2 cửa khoang vũ khí không có dạng răng cưa.

Về cửa hút gió và động cơ, chúng tôi sẽ có bài cụ thể hơn, nhưng về tổng thể, do vẫn dựa vào thiết kế dòng Su-27, với 2 khoang động cơ tách rời, T-50 không có nhiều không gian để có thể che lấp hoàn toàn bề mặt động cơ, và chắc chắn phải sử dụng bộ chặn radar như trên F-18E/F. Và tất nhiên chưa kể đến những chi tiết 'phi tàng hình' rất hiển nhiên mà chúng tôi đã đề cập, đặc biệt là phần bụng không phẳng, khoang động cơ dạng trụ tròn, ống xả dạng cổ điển...Cho thấy thông số diện tích phản xạ radar từ 0.5-0.05 là hợp lý.

Tất nhiên đây mới chỉ là một nguyên mẫu phát triển. Nhưng xét đến việc Nga không có nhiều thời gian và nguồn lực, có thể nói sẽ khó có những thay đổi lớn về thiết kế. Và thực tế mẫu T-50 này không mang một thiết kế mới nào về tàng hình. Những điểm mới như cánh đuôi di động hay lerx di động tuy tốt cho khả năng vận động nhưng không tốt cho khả năng tàng hình.

ngoccup said...
This comment has been removed by the author.
Unknown said...

Thiết kế máy bay tàng hình của Mỹ đi theo hai trường phái:
1. Thiết kế dạng "kim cương", tiêu biểu là F-117A, F-22. Hiểu một cách nôm na là thân máy bay bị "bóp bẹp" theo chiều thẳng đứng(có tiết diện hình thoi hay tam giác) sao cho có nhiều mặt phẳng không "vuông góc" với sóng ra đa dội tới!Vì vậy các mặt phảng thẳng đứng lớn như đuôi đứng cần đượclàm ngả ra và càng nhỏ càng tốt, đuôi đứng toàn động chính là đáp ứng được yêu cầu này (F-117), thậm chí không đuôi đứng với B-2. Hiểu thiết kế dạng "kim cương" đồng nhất với các tiểu tiết dạng "hình nêm", e rằng "mới thấy cây mà chẳng thấy rừng"!
2. Thiết kế dạng "cánh bay", tiêu biểu là YB-49 và B-2. Hiểu một cách nôm na là thân máy bay bị "bóp bẹp" theo chiều ngang (thân lẫn vào cánh và làm luôn chức năng nâng của cánh), để sóng ra đa dội tới phản xạ lên trên hoặc xuống dưới, không trở về đài phát.
Thiết kế mẫu YF-23 đi theo hướng này, với cửa hút khí gắn vào cánh cách xa thân, đuôi đứng kết hợp đuôi ngang và là đuôi toàn động(không còn đuôi ngang nữa), cửa xả khí nằm phía trên thân (hoàn toàn không phát lộ tín hiệu IR xuống phía dưới). Và kết quả đạt được là độ tàng hình cao hơn, nhưng khả năng cơ động kém F-22, nên đã bị loại!
Thiết kế của T-50 gần với YF-23 và B-2 hơn F-22, sao lại nói là "gắn thật nhiều các 'hình nêm' (hay các cấu trúc dạng kim cương) vào một thân máy bay thế hệ thứ 4".
Vì sao cứ phải giống với F-22 thì mới là máy bay tàng hình, sự quy chuẩn này ngay ở Mỹ vẫn không tồn tại, vì ai cũng hiểu " All roads lead to Rome", có rất nhiều con đường để dẫn đến TÀNG HÌNH!