18.2.10

Chính xác+



Pháo hỏa tiễn là một thành phần quan trọng của hỏa lực pháo binh, trở nên nổi tiếng với uy lực mà những giàn Katioucha của Hồng quân LX giáng xuống quân phát xít Đức trong thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là độ chính xác không cao, trong tác chiến thường được sử dụng với số lượng lớn nhằm tiêu diệt sinh lực, phương tiện đối phương trên một diện tích rộng lớn. Với sự xuất hiện của GMLRS, pháo hỏa tiễn giờ đây có thể đạt được độ chính xác của các loại bom thông minh. Cùng với pháo thông minh như Excalibur, GMLRS đã tạo nên một cuộc cách mạng trong hỏa lực pháo binh. Giờ đây, GMLRS sẽ trở nên hoàn thiện hơn với phiên bản cải tiến GMLRS+.

Tiền thân của GMLRS là MLRS (G là viết tắt của Guided - có điều khiển), loại pháo hỏa tiễn mà lục quân Mỹ phát triển trong thời kì chiến tranh lạnh, mục đích khi đó là tạo ra loại hỏa lực nhằm giúp cân bằng với sự vượt trội về binh lực của phe Warsaw so với Nato ở chiến trường châu Âu. Do đó, nó chủ yếu dùng hỏa tiễn mang đạn chùm để có thể tiêu diệt mục tiêu ở diện tích lớn nhất có thể. Thực tiễn chiến trường trong cuộc chiến chống khủng bố đầu thế kỷ 21 nhấn mạnh sự hiệu quả và tính chính xác, và từ đó ra đời GMLRS, được trang bị công nghệ dẫn đường bằng GPS. Tầm bắn tối thiểu của nó là 15km, và tầm bắn tối đa vừa đạt được là 92km. Thay cho đạn chùm, GMLRS dùng tên lửa M-31 với đầu đạn đơn chứa 89kg chất nổ, nhưng có 3 chế độ sát thương: chạm nổ, nổ chậm (sau khi xuyên qua lớp chắn mục tiêu) và nổ trên không. Trong năm 2009 vừa qua có tổng cộng 1,500 tên lửa được bắn đi từ hệ thống GMLRS. Thông số về độ chính xác của nó không được công bố chính thức, nhưng được cho là vào khoảng 2m quanh mục tiêu. Đối với các giàn pháo hỏa tiễn thông thường, nó có thể phủ chụp toàn bộ một khu vực có bán kính 1km quanh mục tiêu. Trong thực tế chiến trường, GMLRS có thể được sử dụng ngay cả khi đồng đội chỉ cách mục tiêu có 50m. 

Hai thay đổi lớn của GMLRS+ là nâng tầm bắn và thêm vào đầu dẫn laser. Để nâng tầm bắn lên trên 110km (con số chính xác chưa được tiết lộ), nhiều thay đổi lớn được thực hiện với hỏa tiễn, đặc biệt là việc thêm vào 2 cánh rộng trên thân hỏa tiễn. 2 cánh này sẽ gấp lại khi hỏa tiễn được chứa bên trong ống phóng. Ngoài ra, GMLRS+ sẽ sử dụng thêm cơ chế dẫn đường giai đoạn cuối bên cạnh dẫn bằng GPS như trước kia nhằm tăng thêm độ chính xác. Hỏa tiễn của GMLRS+ được trang bị một đầu dò laser bán chủ động, sẽ nhận tia laser phản xạ lại từ mục tiêu. Việc chiếu laser vào mục tiêu được thực hiện bằng phương tiện khác, ví dụ như UAV, trực thăng, chiến đấu cơ hay các bộ chỉ thị mục tiêu của bộ binh trên mặt đất. Ngoài ra, GMLRS+ còn tăng độ linh hoạt và an toàn trong tác chiến. Một loại tên lửa 12 quả được bắn hết trong khoảng 5 giây có thể tấn công một mục tiêu cùng 1 lúc, nhưng từ những hướng khác nhau nhằm làm giảm hiệu quả phản pháo kích do đối phương gặp khó khăn hơn trong việc xác định tọa độ của hỏa lực.

Bổ sung cho radar



Cho tới nay, radar vẫn là loại cảm biến chủ yếu dùng trên tàu chiến. Tuy nhiên, hiện đang có xu hướng dựa nhiều hơn vào các cảm biến thụ động, quang học do chúng không chịu tác động của các phương thức chế áp điện tử. Các thiết bị cảm biến hồng ngoại tầm xa ngày càng gọn nhẹ, rẻ và đáng tin cậy hơn. Chúng có thể bổ sung, thậm chí thay thế các radar cảnh báo tầm trung, và có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau.

Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống SASS mà hải quân Ý đang bắt đầu trang bị cho các chiến hạm của mình. SASS có thể được dùng cho nhiều mục đích khác nhau: định hướng, phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên biển và trên không tầm xa, phát hiện và phòng thủ tên lửa diệt hạm, và an ninh, bảo vệ tàu trước các cuộc tấn công khủng bố bằng thuyền nhỏ tương tự như vụ tàu USS Cole. Hệ thống cũng có thể phát hiện các mục tiêu trên bộ. 

SASS chính thức được sử dụng trên tàu sân bay Cavour từ 2008, và sẽ được sử dụng trên loại tàu khu trục lớp FREMM mới của liên doanh Ý-Pháp. SASS là một hệ thống gọn nhẹ, gồm 3 thành phần chính. Bộ cảm biến và năng lượng nặng 140kg, bộ điều khiển nặng 160kg và buồng điều khiển 230kg. Hệ thống thu nhận dữ liệu đồng thời từ  2 cảm biến hồng ngoại hoạt động ở 2 bước sóng khác nhau, từ 3-5 micromet và 8-12 micromet. Việc dùng 2 cảm biến khác nhau cho phép tăng độ tin cậy (vẫn có thể hoạt động khi 1 cảm biến hỏng) và giảm ảnh hưởng của thời tiết lên hiệu quả của thiết bị, vì mỗi loại thời tiết có ảnh hưởng khác nhau lên những bước sóng khác nhau.


Hệ thống có thể quét 360 độ theo phương ngang và từ -20 đến 35 độ theo phương thẳng đứng. SASS sử dụng một hệ thống ổn định 5 trục, cho phép giữ ổn định trong mọi điều kiện biển động. Dữ liệu được xử lý tự động, tìm kiếm, phát hiện và định dạng mục tiêu dựa vào các thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu và phân tích chuyển động của mục tiêu. SASS có thể theo dõi 100 mục tiêu cùng lúc.