18.1.10

Tăng cường hỏa lực của IFV


Lục quân Anh đang thực hiện một chương trình nâng cấp lớn đối với 440 xe bọc thép chiến đấu chở bộ binh (IFV) Warrior của mình. Bao gồm việc nâng cấp tháp pháo, cảm biến, thiết bị thông tin liên lạc, bảo vệ…Đặc biệt là việc sử dụng loại đại liên 40mm mới, CT40. Điểm nổi bật nhất của CT40 là việc nó dùng loại đạn hộp thay cho loại đạn truyền thống. Đạn hộp có hình dáng bên ngoài giống như một lon bia. Đầu đạn của nó nằm hoàn toàn bên trong vỏ đạn, được bao quanh bởi thuốc phóng, thay vì đầu đạn nằm riêng biệt ở phần trước còn thuốc phóng ở nửa sau như với các loại truyền thống. Thiết kế này cho phép giảm không gian chiếm dụng của đạn. Trước kia, Warrior sử dụng đạn 30mm, tới tầm bắn hiệu quả khoảng 1500m, còn CT40 có tầm gấp đôi, cộng với sức sát thương mạnh hơn.


CT40 là một hệ thống hoàn chỉnh gồm đạn và súng, với thiết kế mang tính cách tân. Đối với súng, điểm khác biệt nổi bật nhất là cơ chế nạp đạn, nhằm phù hợp với loại đạn hộp. Trung tâm của cơ chế này là việc sử dụng khóa nòng xoay. Theo đó, bộ phận nạp đạn nằm vuông góc với nòng súng, khi nạp đạn, khóa nòng sẽ xoay ngang, đạn được đẩy vào khóa nòng. Sau đó, khóa nòng sẽ xoay 90 độ và nằm dọc theo trục của nòng súng, đạn được khai hỏa, phóng đầu đạn đi. Sau đó, khóa nòng lại xoay ngang, viên đạn tiếp theo được đẩy vào, đồng thời vỏ đạn cũ cũng sẽ bị đạn mới đẩy ra ngoài.

 
Vỏ đạn rỗng CT40 đang được đẩy ra ngoài qua một lỗ nhỏ bên cạnh tháp pháo

Một trong những lợi điểm chính của cơ chế này là giảm được chiều dài của súng tính từ trục xoay trở về phía sau, do cơ chế nạp đạn giờ đây nằm vuông góc với súng. Việc này sẽ giúp làm giảm phần không gian bị chiếm dụng phía trong xe. Bởi vì khi súng thay đổi góc nâng và xoay quanh trục, thì phần chiều dài nằm phía sau trục xoay sẽ di chuyển bên trong phần không gian của xe. Phần này càng dài thì càng chiếm dụng nhiều không gian và do đó giảm số lính có thể đi theo. Ngoài ra cơ chế này cũng có độ tin cậy cao hơn do vị trí tương đối giữa cơ chế nạp đạn và khóa nòng là không đổi bất kể góc xoay hay góc nâng của nòng súng. Tuy vậy, thiết kế này cũng có nhược điểm là cần nhiều năng lượng hơn để chỉnh góc nâng của súng, nòng súng chịu nhiều hao mòn hơn, và chi phí cho loại đạn hộp cũng lớn hơn.



Còn đối với đạn, loại đạn hộp của CT40 tăng hiệu quả sử dụng không gian lên 30% so với đạn cùng cỡ với thiết kế truyền thống, do nó có chiều dài ngắn hơn đáng kể. Đạn hộp CT40 có 2 loại chính, với 4 mục đích khác nhau. Loại thứ nhất là đạn xuyên thép động năng, dùng để tấn công các loại xe thiết giáp khác. Loại thứ 2 là đạn đa dụng, dùng để chống lại các công trình, phương tiện không bọc thép, bộ binh và mục tiêu trên không.

Loại đạn xuyên thép sử dụng một đầu xuyên bằng hợp kim tungsten và dựa vào động năng, có thể xuyên thủng lớp giáp của các IFV khác và một số phần của các xe tăng chủ lực thế hệ cũ. Sức xuyên của nó được cho là gấp đôi loại đạn 30mm cũ.




Loại đạn đa dụng sử dụng kíp nổ khả biến, có thể tùy chọn 2 chế độ: chạm nổ dùng để chống công trình hoặc nổ trên không nhằm tăng tầm sát thương.



Nói chung, hỏa lực trên IFV, hay các loại xe thiết giáp chiến đấu khác, được dùng cho 2 mục đích chính: tiêu diệt các mục tiêu cùng loại, và đối phó với loại xe cơ giới thông thường, công trình, vật cản, bộ binh. Và xu hướng phát triển chung là việc sử dụng súng có cỡ nòng ngày càng lớn.

Trong quá khứ, phổ biến là cỡ đạn 20 x 139mm, dùng trên súng Rheinmetall Rh 202. Tuy nhiên loại này đã không còn được sử dụng từ khá lâu. Thay vào đó là cỡ 25x137mm, chủ yếu dùng cho súng ATK M242 Bushmaster, như loại được trang bị cho IFV M-2 Bradley. Hiện nay, cỡ nòng 30mm được coi là tiêu chuẩn. Ví dụ như loại súng cũ của Warrior, mà sẽ được thay thế bằng CT40, là Rarden L21A2, dùng đạn 30 x 170mm, hay như súng trên BMP của Nga (30x165).

 


Tiếp tục phát triển lên, ta có đạn cỡ 35x228 của Oerlikon dùng trên IFV Type 89 của Nhật. Hà lan và Đan mạch cũng sử dụng loại đạn này cho IFV CV0935 của mình. Quân đội Thụy Điển, sử dụng CV9040, dùng đạn 40x364R, và súng Bofors L70 (L70 nghĩa là chiều dài của nòng súng, tính từ khóa nòng đến đầu nòng = 70x40mm). Loại đạn này cũng được sử dụng trên loại IFV mới của Hàn quốc. Trong những năm 70, Đức thậm chí dự tính dùng đạn cỡ 57mm cho IFV Marder cũng mình, nhưng không thành công.

Ý và Israel cũng từng hợp tác chế tạo súng cỡ 60mm cho IFV, nhưng cũng không thành công. Hợp đồng duy nhất cho tới nay là cho Chile, nhưng là để nâng cấp một số xe tăng cũ của mình. Hiện nay cỡ đạn lớn nhất cho IFV là loại dùng cho tháp pháo AU-220 của Nga, dùng đạn cỡ 57x347. Ban đầu nó được dùng trên xe tăng lội nước PT-76, nhưng cũng được cho là có thể trang bị trên các loại xe thiết giáp chiến đấu khác.

Cho mục đích xuyên thép, các bước phát triển đi từ đạn xuyên thép lõi cứng, cho đến đạn dùng đầu xuyên dạng mũi tên (APDS), và sau đó là đầu xuyên mũi tên có cánh đuôi (APFSDS). Những bước phát triển này cũng tương tự các loại đạn xuyên thép dùng động năng của xe tăng chủ lực, chỉ khác là kích thước nhỏ hơn. Đa số dùng hợp kim tungsten, tuy vậy Mỹ cũng có sử dụng loại đạn từ uranium nghèo cho M2 Bradley.

2 hình bên trái và APDS có và không có vỏ bọc, bên phải là APFSDS

Một trong những động lực chính thúc đẩy việc phát triển liên tục của hỏa lực trên IFV là việc lớp giáp của bản thân loại phương tiện này cũng ngày càng đồ sộ. Vi dụ như M2 Bradley, trong vòng đời của mình có trọng lượng tăng từ 23 đến 30 tấn. Warrior từ 25 lên 32 tấn, CV90 từ 21 tấn của nguyên mẫu thử nghiệm lên 35 tấn, Marder từ 27.5 lên 37.5 và Puma, loại IFV mới của Đức thay cho Marder, nặng tới 43 tấn, gần tương đương với 1 xe tăng chủ lực.

Đối với việc tiêu diệt mục tiêu là các công trình xây dựng, loại đạn được sử dụng là đạn chạm nổ, hoặc nổ chậm, cho phép đầu đạn kích nổ sau khi nó đã bay vào bên trong công trình, nhằm tối đa hóa sức tàn phá. Tuy vậy, trọng tâm phát triển hiện nay là loại đạn nổ trên không, sử dụng kíp nổ định giờ, nhằm tiêu diệt bộ binh nấp sau các vật cản. Ngoài ra, nó còn cho phép gây sát thương trên diện rộng, và cuối cùng là cho phép tấn công các mục tiêu trên không.


Một ngoại lệ hiếm hoi cho xu thế chung này là Nemer, loại IFV mới của Israel. Hiện nay nó chỉ được trang bị một súng máy 12.7mm điều khiển từ xa. Nguyên nhân là do quân đội Israel muốn dùng khối lượng tiết kiệm được từ việc trang bị hỏa lực nhẹ để sử dụng cho việc tăng cường lớp giáp bảo vệ. Ngoài ra, việc không có tháp pháo còn làm tăng không gian bên trong xe cho bộ binh.

Súng trường hải-lục mới của hải quân Nga

Những đơn vị người nhái chiến đấu của hải quân Nga đang bắt đầu được trang bị loại súng trường mới, ADS, dùng cho cả trên cạn và dưới nước, sử dụng loại đạn tiêu chuẩn 5.45 x 39mm của Nga. Nó sẽ thay thế cho súng APS, vốn đã được sử dụng từ 1975. APS có tầm sát thương khi dưới nước là 30m, ở độ sâu 5m. Nó sử dụng đạn cỡ 5.66mm với 1 đầu đạn thép dài, 120mm, có đầu tù (phẳng) để tạo ra một bong bóng khí lớn bao quanh viên đạn khi nó di chuyển trong nước. Đầu đạn có độ dài lớn để tăng độ ổn định, do APS dùng nòng trơn, không có khương tuyến do đó viên đạn không tự xoay quanh trục. Do đó, APS rất không thích hợp cho tác chiến trên cạn, với tầm bắn hiệu quả chỉ 100m. Ngoài ra, do được thiết kế chuyên cho môi trường nước, nên hoạt động trong môi trường không khí, các bộ phận của súng rất nhanh chóng và hao mòn. Do đó, các người nhái phải mang đồng thời 2 loại súng khác nhau.


Do đó, ADS được thiết với khả năng tác chiến cả trên cạn và dưới nước. Để đạt được mục đích cần có những thay đổi của cả đạn và súng. Loại đạn mới, PSP, có kích thước tương tự loại đạn tiêu chuẩn 5.45 x 39mm của AK-74, và cũng có thể được bắn đi từ súng có nòng xẻ rãnh. PSP được cho là có hiệu quả tương đương APS. Đối với súng, nó được thiết kế lại từ A-91. Đây là một loại súng trường tự động sử dụng thiết kế bullpup, tức là đưa các cơ phận và hộp đạn ra phía sau cò súng, do đó giảm được chiều dài của vũ khí. A-91 còn được tích hợp sẵn 1 súng phóng lựu 40mm. Một số bộ phận của nó được thay đổi để phù hợp với điều kiện dưới nước. Nói chung điểm chính yếu của ADS là nó có thể đồng thời sử dụng 2 loại đạn dùng cho dưới nước và trên cạn.