11.12.09

Nga chính thức xác nhận về vụ thử Bulava

Một ngày sau khi phủ nhận có bất kì vụ thử tên lửa nào, BQP Nga hôm nay đã chính thức xác nhận rằng họ đã thực hiện một vụ phóng thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm vào đúng thời điểm xuất hiện của quầng sáng xanh lạ trên bầu trời Nauy, và vụ thử đã thất bại. Mặc dù không đề cập đến sự kiện này nhưng việc xác nhận vụ phóng có thể coi như là bằng chứng xác thực nhất về mối liên hệ giữa quầng sáng xanh và Bulava đúng như KTCNQS đã dự đoán. Việc ban đầu BQP Nga phủ nhận việc thực hiện bất kì vụ phóng nào khiến cho các hãng tin lớn cả quốc tế và tại VN như CNN hay VnEXpress đều bác bỏ khả năng hiện tượng này là do hoạt động quân sự.

BQP Nga cũng đồng thời xác nhận việc đúng là vấn đề lần này nằm ở tầng tên lửa thứ 3, khi mà tên lửa đã ra khỏi tầng khi quyển, như KTCNQS đã dẫn lại sự phân tích của các chuyên gia.

Bulava là loại tên lửa hạt nhân chiến lược liên lục địa phóng từ tàu ngầm. Điều đặc biệt là nó sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, thay vì nhiên liệu lỏng như loại Nga đang dùng (Sineva). Theo kế hoạch thì Bulava và Topol-M, loại tên lửa liên lục địa dùng nhiên liệu rắn đầu tiên của LX/Nga, sẽ là trụ cột của sức mạnh hạt nhân Nga. Tầm bắn khoảng trên 8,000km. Tổng trọng lượng là 36.8 tấn. Nó có 3 tầng tên lửa và có thể mang theo từ 6-10 đầu đạn con tự hành, mỗi cái có sức công phá từ 100-150kt. 2 tầng đầu của tên lửa dùng để đẩy nó vào không gian, tầng thứ 3 để chỉnh hướng, trước khi các đầu đạn tự hành được thả ra và tự bay đến các mục tiêu một cách độc lập.

Việc phát triển Bulava bắt đầu từ 1998, và được giao cho Việc kỹ thuật nhiệt Moscow (MITT). Họ tuyên bố rằng có thể nhanh chóng phát triển Bulava dựa trên Topol-M. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp đơn giản hóa việc triển khai tên lửa cho hải quân và giảm chi phí bảo trì.

Tuy vậy, trong 12 lần thử thì có 7 lần thất bại, trong 5 lần còn lại thì chỉ có 3 lần được xem là thành công hoàn toàn, 2 lần là thành công 1 phần. Con số này chưa tính đến những lần tên lửa nhận lệnh phóng nhưng không đáp ứng. Vấn đề lớn nhất có lẽ nằm ở khâu sản xuất, lắp ráp, kiểm soát chất lượng. Chi phí không phải là 1 vấn đề, vì Bulava là 1 chương trình ưu tiên, chiếm đến 40% ngân sách mua sắm mới của BQP.

Theo một số chuyên gia Nga thì nước này nên bắt đầu 1 chương trình tên lửa mới, bao gồm nhiều viện nghiên cứu tham gia và chọn mẫu nào tốt nhất thay vì chỉ giao cho 1 mình MITT. Họ cũng yêu cầu đích thân TT Nga giám sát quá trình phát triển, và yêu cầu trừng phạt nặng các quan chức liên quan đến dự án Bulava, thay vì chỉ là từ chức như trước kia.


No comments: