11.7.09

5 và 6


Việc phát triển các chiến đấu cơ, đặc biệt là những mẫu hoàn toàn mới, mất rất nhiều thời gian. Do đó, chúng được phát triển theo chu kỳ khép kín. Ngay sau khi một thiết kế mới bắt đầu được chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt thì việc phát triển cho thế hệ tiếp theo cũng sẽ bắt đầu. Việc chuyển tiếp từ thế hệ 5 sang 6 cũng không phải là ngoại lệ.

Hiện nay, khi mà F-22 vẫn còn đang trong dây chuyền sản xuất và F-35 ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển thì việc phát triển thế hệ thứ 6 cũng đi những bước đầu tiên, hiện chủ yếu ở dạng phác thảo ý tưởng.

Boeing vừa giới thiệu một ý tưởng của mình về một chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, sử dụng cho hải quân. Nó vẫn chưa được đặt tên chính thức mà chỉ được gọi là F/A -XX. Những công nghệ dự tính cho thế hệ 6 có thể bao gồm tùy chọn có người lái hoặc bay tự động (UAV), động cơ kép (kết hợp giữa động cơ turbo và ramjet hoặc scramjet), tàng hình với mắt thường, sử dụng nhiều hơn vật liệu tổng hợp và khả năng tấn công sử dụng vũ khí điện từ…

Thực ra mẫu ý tưởng này là kết quả chỉnh sửa thì một mẫu ý tưởng hồi tháng 6/2008. Mẫu trước có thiết kế hoàn toàn dạng cánh bay. Những mẫu này cho thấy rằng không chiến là lãnh địa cuối cùng mà giới quân sự vẫn còn chưa có sự tin tưởng hoàn toàn vào công nghệ máy bay không người lái. Trong phần lớn các nhiệm vụ khác, việc UAV thay thế máy bay không người lái gần như đã là một xu hướng. Tuy nhiên, trong việc chiến đấu chống lại máy bay đối phương, UAV vẫn chưa được hoàn toàn tin tưởng sẽ thay thế con người. Do đó, yêu cầu đưa ra là tính năng tùy chọn giữa 2 chế độ có và không có người lái.

Trong khi đó, việc phát triển PAK-FA hay T-50, máy bay thế hệ 5 đầu tiên của Nga vẫn hoàn toàn trong vòng bí mật. Chưa ai có bất kì thông tin gì, ít nhất là trông nó như thế nào. Những mẫu phác họa trên được công bố đều là những phỏng đoán. Tuy vậy, đa số đều trông khá giống…F-22, cũng là một việc dễ hiểu vì T-50 cũng được dự tính là một máy bay tàng hình. Và Nga dù sao cũng có lợi thế của người đi sau.

Theo những công bố trước kia của Sukhoi thì T-50 sẽ bay chuyến đầu tiên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tại hội chợ hàng không Paris vừa qua, giám đốc Sukhoi là Pogosyan cho biết mốc này nhiều khả năng không thể đạt được. Ngoài ra, ông này cũng cho biết rằng sẽ không có một dự án JSK-ski, tức là mẫu tương ứng của F-35 như dự đoán trước đây. Thay vào đó, Su-35 và T-50 sẽ cùng tồn tại, trong ít nhất là một thập kỷ.

Có thể nói thông tin này gây khá nhiều bối rối. Vì cả Su-35 và T-50 là những máy bay cùng loại, không được thiết kế để bổ sung cho nhau. Nhìn lại thế hệ thứ 4, cả Mỹ và LX có cơ cấu chiến đấu cơ tương đối giống nhau. Mỹ sử dụng cơ cấu 'hi-low', gồm một máy bay cỡ lớn, tính năng cao, giá thành đắt, số lượng ít, và chuyên về không chiến là F-15 và một mẫu đa năng hạng nhẹ, giá rẻ, số lượng nhiều là F-16. Sau này F-15 được nâng cấp để có thể đóng vai trò một máy bay ném bom (F-15E). LX đi sau 10 năm và cũng với cơ chế tương tự, với Su-27 tương ứng với F-15 và Mig-29 tương ứng với F-16. Những mẫu Su-30, 33, 35 thực chất vẫn thuộc dòng Su-27 nâng cấp lên.

Khi lên thế hệ thứ 5, F-22 thay thế cho F-15 và F-35 thay thế cho F-16 (cùng một số mẫu khác nữa). Tương ứng, T-50 thay thế cho dòng Su-27 và là đối thủ trực tiếp của F-22. Như vậy Nga cần thêm một mẫu thế hệ thứ 5 đa năng, với tính năng và giá thấp hơn T-50 để bổ sung cho nó. Bản thân Su-35 trước giờ luôn được coi là giải pháp tạm thời, nhằm lấp khoảng trống khi mà T-50 chưa ra đời chứ không phải là sự bổ sung cho T-50 trong tương lai.

Điều này có thể là do một số lí do sau. Bản thân việc phát triển Su-35 đến giờ vẫn chưa xong, và không quân Nga cũng không tỏ ra quyết tâm trong việc sẽ đặt mua nó. Vì nếu đúng với vai trò là giải pháp tạm thời, đáng lẽ Su-35 đã phải được sản xuất hàng loạt từ lâu. Tình hình hiện nay có thể đẩy không quân Nga vào tình thế khó xử là liệu có nên đổ tiền vào mua Su-35 khi mà họ cần tập trung cho T-50. Và nếu mua Su-35 với tư cách là một 'giải pháp tình thế' thì liệu có phải là một sự phí phạm khi mà có thể chúng sẽ được đưa vào sử dụng trước T-50 không đáng là bao vì đến nay chưa ai chắc chắn là bao giờ quá trình phát triển Su-35 sẽ hoàn tất. Do đó, giải pháp tốt nhất là gỡ cái mác 'giải pháp tình thế' và chấp nhận rằng cả 2 sẽ được sản xuất đồng thời.

Ngoài ra, Pogosyan cũng cho biết rằng Sukhoi đang rất nóng lòng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi, vốn là một điểm yếu cố hữu từ thời Liên Xô. Việc này cũng có nghĩa là Sukhoi sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài, cũng đồng nghĩa với việc những dự án nghiên cứu mới sẽ bị rút bớt ngân sách. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, rõ ràng Sukhoi cũng như mọi công ty khác phải dùng cách tiếp cận ít rủi ro nhất.

Tuy vậy, nó minh họa rõ hơn một lần nữa một mối lo lớn của giới quân sự Nga. Đó là việc ngành công nghiệp quốc phòng nước này phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu. Sukhoi là ví dụ điển hình nhất. Điều này đặc biệt khó khăn cho không quân vì Sukhoi giờ đây đã nắm độc quyền trong việc chế tạo chiến đấu cơ, Mig trên thực tế hầu như đã bị Sukhoi thôn tính.


No comments: