17.4.09

Kịch bản về một cuộc không kích của Israel vào Iran?


Tình hình liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang nóng bỏng khi mà nước này vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Israel đã nhiều lần úp mở về khả năng sẽ thực hiện một cuộc đột kích bất ngờ vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong quá khứ, họ đã 2 lần thực hiện điều này và đã chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iraq và Syria. Gần đây nhất, Israel đã không kích tiêu diệt một đoàn xe chở tên lửa từ Iran qua cho Hamas trên lãnh thổ Sudan. Khoảng cách mà máy bay Israel phải bay qua trong chiến dịch này gần tương đương với khoảng cách đến các mục tiêu của Iran. Cho tới giờ, Mỹ vẫn tỏ ý phản đối ý định trên của Israel, trong khi sự hỗ trợ của Mỹ cho một chiến dịch như vậy là cực kỳ cần thiết, ví dụ như mở cửa không phận Iraq, hỗ trợ máy bay tiếp nhiên liệu, AWACS…

Tuy nhiên, với việc các đảng có đường lối cứng rắn, tiêu biểu là cựu thủ tướng Netanyahuh, giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Israel ngày càng tỏ ý sẵn sàng đơn phương hành động. Đặc biệt khả năng Iran nhận được hệ thống phòng không tầm xa S-300 ngày càng gần khiến cho Israel không còn nhiều thời gian.

Học thuyết an ninh quốc gia của Israel giả định rằng các quốc gia A-rập luôn có ý định tiêu diệt Israel, và rằng nước này không có bất cứ đồng minh nào đáng tin cậy và phải tự mình đối phó với mọi nguy cơ. Và có một sự bất cân bằng lớn về tài nguyên và nguồn lực giữa Israel và kẻ thù. Còn học thuyết quân sự của Israel quy định rằng quốc gia này phải có khả năng răn đe để kẻ thù không thể nghĩ tới việc tấn công Israel. Nếu sự răn đe này không có tác dụng và chiến tranh nổ ra, Israel phải giành chiến thắng một cách nhanh chóng và hoàn toàn. Chiến tranh phải được nhanh chóng đẩy sang lãnh thổ đối phương và dựa vào khả năng cơ động thần tốc. Chiến lược để ngọn lửa chiến tranh cháy trên đất kẻ thù đã được Israel áp dụng rất thành công trong chiến tranh 6 ngày khi mà họ chủ động ra tay trước khi biết rằng các nước a rập chuẩn bị tấn công mình, và đã giành chiến thắng tuyệt đối.

Bản thân Israel cũng có chương trình hạt nhân của riêng mình và người ta ước tính nước này có từ 100-200 đầu đạn hạt nhân. Chính sách hạt nhân của Israel là không thừa nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu hạt nhân và coi sự 'mập mờ' đó cũng là một dạng 'răn đe'. Israel coi việc các nước láng giềng có vũ khí hạt nhân và mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của mình.

Một khi Israel quyết định không kích Iran, sử dụng tên lửa đạn đạo có vẻ là giải pháp được xem xét đầu tiên, vì nó 'an toàn', không phải lo lắng về các phi công như khi sử dụng chiến đấu cơ. Hiện Israel đang sở hữu tên lửa đạn đạo Jericho với nhiều phiên bản khác nhau.

Jericho I là tên lửa tầm ngắn, có thể mang đầu đạn 450kg hay đầu đạn hạt nhân 20 kiloton (tương đương quả bom ở Hiroshima) đi xa 500km.

Jericho II là tên lửa tầm trung, tầm bắn 1500km và có thể mang đầu đạn hạt nhân 1 megaton (1000 kiloton).

Jericho III, tên lửa tầm xa, tầm bắn từ 4800-6500km. Với lực lượng trên, tên lửa Israel có thể bao phủ toàn bộ khu vực vùng Vịnh.

Những mục tiêu quan trọng nhất có thể được chọn để tấn công có thể là: Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Esfahan, nhà máy làm giàu uranium Natanz, nhà máy nước nặng và sản xuất plutonium Arak. Tiêu diệt những mục tiêu này có thể dừng hay trì hoãn chương trình hạt nhân Iran.

Sức ép tương đương 3 psi từ vụ nổ là đủ đển phá sập các công trình dân dụng. 5 psi sẽ phá sập hầu hết mọi tòa nhà. Mức 10 psi có thể phá hủy các công trình được bảo vệ bởi bê tông gia cường.

Nếu sử dụng chiến đấu cơ, có thể chúng sẽ dùng bom điều khiển bằng laset để đảm bảo tính chính xác.

GBU-27, nặng 1 tấn, có thể xuyên qua 3m bê tông, với 240kg thuốc nổ. GBU-28, 2.5 tấn, mang đầu đạn xuyên 2 tấn với 300kg thuốc nổ. Nó có thể xuyên qua 6m bê tông, 30m đất. GBU-10 mang đầu đạn chứa 500kg thuốc nổ.

Ngoài ra, người ta có thể dùng 2 quả bom đánh cùng 1 điểm để tăng khả năng xuyên thủng. Xác suất 2 quả bom laser được nhắm chính xác vào 1 điểm là 50%.

Lực lượng không quân Israel hiện có: 80 F-16I, 136 F-16C/D, 108 F-16 A/B, 25 F-15E, 34 F-15 A/B, 28 F-15 C/D. Tổng cộng 411.

Lực lượng tham gia không kích Iran sẽ là F15E và F-16I. F-15E là loại máy bay ném bom chiến đấu 2 chỗ ngồi, có khả năng xâm nhập tấn công lãnh thổ đối phương trong mọi điều kiện thời tiết và có khả năng đánh trả máy bay đối phương nếu bị phát hiện. F-16I là phiên bản hiện đại nhất của F-16, cũng là một máy bay ném bom chiến đấu.

Trang bị của mỗi chiếc F-15E có thể gồm 4 tên lửa phòng không, 2 GBU-28, mỗi chiếc F-16I có thể gồm 2 tên lửa không đối không, 2 GBU-27.

Ngoài ra, F-16C và F-15 C/D cũng có thể tham gia để chống lại máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không của Iran.

Tổng số chiến đấu cơ tham gia có thể vào khoảng 90 chiếc, cùng với khoảng 10 máy bay tiếp nhiên liệu. Nếu như 90 chiến đấu cơ chỉ tương đương 20% sức mạnh của không quân Israel thì 10 máy bay tiếp dầu lại tương đương toàn bộ số máy bay cùng loại mà Israel hiện có.

(còn tiếp).

No comments: