9.5.09

Chống tàu ngầm kiểu Ý


Hiện nay ngày càng có nhiều nước xem tàu ngầm điện-diesel là một lựa chọn tốt để phòng thủ. Tuy vậy, bản thân nó cũng là một vũ khí tấn công rất nguy hiểm, chủ yếu vì nó cực kỳ yên lặng, nhất là khi được trang bị AIP. Do đó, khi mà số nước sở hữu tàu ngầm diesel-điện ngày càng tăng thì việc phát triển khả năng chống lại nó cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Một trong những ví dụ tiêu biểu trên thế giới hiện nay là hải quân Ý.

Lí do đầu tiên khiến cho hải quân Ý có nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại tàu ngầm diesel-điện là họ chủ yếu hoạt động ở biển Địa trung hải, là nơi đặc trưng cho môi trường hoạt động chính của tàu ngầm diesel-điện. Và trong CT Lạnh, hải quân Ý được NATO giao cho đảm nhận trách nhiệm chính trong tác chiến chống tàu ngầm ở Địa trung hải. Ngoài ra, không như các cường quốc Nato khác, Ý không có tàu ngầm hạt nhân. Tất cả tàu ngầm của họ là diesel điện, nên họ rất quen thuộc với loại tàu này.

Ý có truyền thống sử dụng những tàu ngầm loại nhỏ, yên lặng. Thế hệ mới nhất là U-212A, cùng hợp tác với Đức. Nặng 1800 tấn, nó được trang bị công nghệ AIP mới nhất, pin nhiên liệu, nên cực kỳ yên lặng.

Giữa tháng 3 và 12 năm ngoái, chiếc U-212A đầu tiên của Ý, Todaro, vượt Đại tây dương trong một hải trình 13000 hải lý tham gia cuộc tập trận Conus-08. Nó tham gia rất nhiều bài tập với hải quân Mỹ. Trong đó bao gồm cả các bài huấn luyện trong quy trình kiểm chứng khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải đội hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và hải đội viễn chinh Iowa Jima. Ngoài ra, nó còn tham gia các bài tập chống lại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles. Kết quả cụ thể của những chiến dịch trên được giữ bí mật, nhưng trong nhiều trường hợp, thủy thủ đoàn Torado lên bờ với những 'nụ cười mãn nguyện'. Đang có kế hoạch tiếp tục lặp lại những bài tập tương tự, một dấu hiệu nữa cho thấy sự thành công của U-212A.

Với kinh nghiệm bản thân về tàu ngầm diesel-điện, Ý phát triển phương thức tác chiến chống lại nó dựa vào sự kết hợp giữa các phương tiện trên không và trên biển.

Chìa khóa ở đây là các hệ thống nhị nguyên và đa nguyên, phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa tàu chiến nổi, trực thăng và máy bay tuần tra hàng hải.

Các cảm biến như radar hay sonar thường theo nguyên tắc đơn nguyên, nghĩa là giàn phát và thu (tín hiệu phản xạ lại từ mục tiêu) nằm chung trong 1 thiết bị. Trong hệ thống nhị nguyên, giàn thu và phát nằm tách biệt nhau trong 2 thiết bị, phương tiện khác nhau. Một ví dụ chính là các hệ thống radar tầm xa OTH.

Đối với hệ thống nhị nguyên dưới nước, giàn sonar chủ động gắn trên tàu hay máy bay phát ra tín hiệu, sóng âm khi phản xạ lại từ mục tiêu được nhận và xử lý bởi một giàn sonar thụ động trên 1 tàu hay máy bay khác.

Phương thức đa nguyên là bước cao hơn của nhị nguyên, sử dụng nhiều giàn thu và phát khác nhau. Nó cho phép áp dụng phép đo tam giác và xem xét mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau, nhờ đó xác định chính xác hơn bản chất, vị trí, độ sâu, tốc độ, hướng đi của tàu ngầm.

Trực thăng đóng vai trò chính trong tác chiến chống tàu ngầm của hải quân Ý là AW101, được mệnh danh là 'tàu chiến bay' vì khả năng hoạt động trong thời gian dài và tính đa năng. Nó được trang bị radar, hệ thống thám sát điện tử và quang học, nhưng quan trọng nhất là Helras, hệ thống sonar chủ động tần số thấp, 1.5Khz. Sonar trên tàu chiến chủ yếu là loại được kéo thả theo sau tàu, thay vì loại gắn trên thân tàu. Hoạt động ở tần số 0.95 - 2.1 Khz.

Phương thức tác chiến đa nguyên mà người Ý đang phát triển chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa Helras và các phao nổi gắn cảm biến thả từ máy bay tuần tra hàng hải.

No comments: