28.3.09

Đăng ký bản quyền B-3

Hãng Northrop Grumman, nơi chế tạo ra B-2, vừa đăng ký bằng sáng chế cho thiết kế cho máy bay ném bom thế hệ kế tiếp (NGB) mà họ hy vọng sẽ được chấp thuận. Bản đăng ký chỉ mang tính ý tưởng sơ khai và vẫn còn xa mới đến được một thiết kế hoàn chỉnh, khi đó chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Tuy vậy, ta cũng có thể có một vài nhận xét sơ bộ về thế hệ máy bay ném bom kế tiếp của Mỹ.

Một điều chắn chắn là NGB sẽ thừa hưởng rất nhiều từ các thế hệ trước, đặc biệt là B-2, nhằm tiết kiệm chi phí phát triển. Người Mỹ thường phát triển các dự án máy bay mới của mình hoàn toàn mới so với các thế hệ trước, sử dụng những công nghệ mà thậm chí chưa xuất hiện tại thời điểm lên kế hoạch. Tuy vậy, việc thắt chặt chi phí quốc phòng cùng với việc lực lượng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ hiện vẫn chưa có đối thủ cả về công nghệ, số lượng và kinh nghiệm đã khiến không quân Mỹ chọn cách tiếp cận tiết kiệm và ít rủi ro hơn.

Hình dạng của NGB gần giống với B-2, bởi vì nó vẫn theo mô hình 'cánh bay', nghĩa là toàn bộ máy bay có hình dạng của 1 cánh lớn, thay vì chia ra thân máy bay, cánh máy bay như các máy bay thông thường. Điểm khác biệt là phần rìa không xuôi dài từ mũi xuống hết như B-2 mà được bẻ ra tạo thành 2 phần nhỏ. Trên thực tế, nó rất giống với mẫu máy bay ném bom không người lái X-47B mà Hải quân đang theo đuổi. Trên hình, X-47B bên trái, lưu ý là 2 hình không cùng tỷ lệ, X-47B nhỏ hơn NGB nhiều vì nó được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay.

Một điều nữa là NGB sẽ nhỏ hơn so với các thế hệ máy bay ném bom trước đó. Tải trọng của nó sẽ vào khoảng 80 - 100 tấn, 1 nửa so với B-2. Sở dĩ như vậy là vì NGB sẽ là máy bay ném bom đầu tiên được thiết kế sau sự ra đời và phổ biến của bom thông minh. Bom thông minh như JDAM hay SDB hiệu quả gấp nhiều chục lần so với bom không có điều khiển, do đó số lượng bom mang theo cũng giảm xuống. NGB sẽ thừa hưởng thiết kế khoang bom của B-2, nhưng chỉ có 1, thay vì 2 như B-2. Bản thân B-2 cũng đang trải qua một đợt nâng cấp ở thiết bị phóng trục xoay, cho phép nó mang theo cùng lúc nhiều loại vũ khí khác nhau.

Việc chỉ sử dụng 1 khoang bom và tạo ra 2 phần 'cánh' riêng biệt có 1 số lợi ích, nó cho phép kéo dài và mở rộng phần trung tâm dễ dàng hơn, vì việc điều chỉnh lại trọng tâm khí động học có thể được làm bằng việc thay đổi chiều dài và góc nghiêng của 2 phần 'cánh'. Thiết kế liền 1 mảnh như của B-2 không có được sự linh hoạt này. Kết quả cuối cùng có thể là một thiết kế dài hơn B-2, nhưng với sải cánh ngắn hơn, 40m thay vì 60m.

Tầm hoạt động có lẽ từ 2000 hải lý trở lên (không tính tiếp nhiên liệu trên không). NGB tiếp tục nhấn mạnh về khả năng tàng hình, đặc biệt là trước các radar sử dụng sóng dài, vốn vẫn được coi là vấn đề lớn nhất với máy bay tàng hình.

Ngoài ra, còn hàng loạt công nghệ khác mà NGB sẽ thừa hưởng và nâng cao từ B-2 như: radar AESA, liên lạc bảo mật vệ tinh, tự động phát hiện nguy hiểm và tránh né, cấu trúc sử dụng đa số là vật liệu composite. Nó sẽ không chỉ là một máy bay ném bom, mà còn có thể đóng vai trò trinh sát, tác chiến điện tử, trạm chuyển phát tín hiệu, hay thậm chí là một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Ngoài ra, trong tương lai, khi các loại vũ khí laser, sóng điện từ được chính thức sử dụng, NGB là ứng viên được trang bị đầu tiên.

Điều đặc biệt là 1 tuần sau, Grumman tiếp tục đăng ký một bằng sáng chế mới, với một thiết kế giống như thiết kế trước nhưng có thêm 2 cánh phụ ở mũi máy bay. Việc thêm vào này có thể ảnh hưởng nhiều đến khí động học cũng như khả năng tàng hình, do đó có thể đoán rằng chúng có thể cụp lại và xếp gọn vào trong thân máy bay.

Nhưng tại sao lại cần 2 cánh phụ này? Lí do có thể là vì đối với thiết kế 'cánh bay', tải trọng tối đa khi cất cánh nhỏ hơn tải trọng tối đa mà nó có thể mang theo. B-2, sau khi cất cánh và được tiếp nhiên liệu trên không, có thể đạt trọng lượng đến 122 tấn, 15 tấn nhiều hơn tải trọng cất cánh. Đó là vì nó không có đuôi, do đó khi cất cánh nó không thể có đủ lực để nâng mũi máy bay lên góc đủ để máy bay bay lên. Cánh phụ có thể cung cấp thêm lực nâng khi cất cánh, cho phép tăng tải trọng cất cánh tối đa.

Hiện nay, B-52 vẫn là máy bay ném bom hiệu quả nhất, vì nó có chi phí vận hành rẻ nhất. Tuy vậy, khi phải đối phó với những đối thủ có hệ thống phòng không hiện đại, B-1, B-2 hay NGB vẫn là sự lựa chọn. Hiện số giờ bay trung bình của B-52 là 16,000h, và nó được cho là vẫn có thể hoạt động tốt đến mức 28,000h, trong hơn 20 năm tới. Kể từ sau thế chiến, Mỹ đã phát triển 6 loại máy bay ném bom hạng nặng khác nhau: B-52, 240 tấn, năm 1955; B-58, 74 tấn, 1960; FB-111, 47 tấn, 1969; B-70, 260 tấn, 1960; B-1, 236 tấn, 1985; B-2, 181 tấn, 1992. Chương trình B-70 bị hủy giữa chừng.

Lực lượng máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ hiện có 19 B-2, 67 B-1, 76 B-52.

No comments: