22.4.09

Một thất bại nữa của Rafale





MMRCA là hợp đồng cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa năng hạng trung mới cho không quân Ấn độ (IAF). Với giá trị hơn 10 tỷ dollar, nó là gói thầu cung cấp chiến đấu cơ lớn nhất kể từ những năm 90, theo lời một quan chức Boeing. Tầm quan trọng của nó không chỉ là bản thân giá trị của hợp đồng, mà còn là việc Ấn độ là một trong những thị trường quốc phòng béo bở nhất hiện nay mà bất cứ ai cũng muốn chen chân vào. Trước đây Ấn độ hầu như chỉ sử dụng vũ khí của Nga, nhưng những năm gần đó, họ chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vũ khí khác nhau, và đã mua rất nhiều vũ khí từ phương Tây.

Các đối thủ cạnh tranh với nhau gồm: Mig-35 từ Nga, F-16 và F-18E/F từ Mỹ, Typhoon của dự án liên kết Eurofighter, Rafale của Pháp, Gripen từ Thụy Điển. Có thể nói hầu như tất cả anh tài của lớp chiến đấu cơ hạng trung đều có mặt.

Tuy vậy, mới đây danh sách đó đã ngắn lại khi mà Ấn độ vừa tuyên bố loại Rafale ra khỏi cuộc đua, thậm chí ngay khi mà các cuộc bay thử còn chưa bắt đầu với lí do nó không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và giá thành cao. Sự việc này gây chú ý không chỉ vì Rafale là đấu thủ đầu tiên ngã ngựa và còn vì một lần nữa nó nhắc mọi người nhớ rằng Rafale là chiến đấu cơ duy nhất của phương tây mà chưa có bất cứ một hợp đồng xuất khẩu nào (tất nhiên không tính tới những máy bay bị cấm xuất khẩu như F-22) mặc dù nếu xét về mặt kỹ thuật, nó là một máy bay rất đáng nể.

Từ khi xuất hiện vào những năm 90, Rafale đã trở thành một mốc son của công nghệ hàng không Pháp, thay thế cho dòng Mirage nổi tiếng. Rafale tích hợp những công nghệ mới nhất thời đó về radar quét điện tử, vật liệu composite, khí động học, tác chiến điện tử…Rafale trở thành một máy bay đa năng thế hệ 4+ với rất nhiều tính năng ưu việt.

Trang bị cánh tam giác, một chi tiết tiêu biểu của các máy bay của nhà chế tạo Dassault, cùng với 2 cánh phụ ở mũi và hệ thống điều khiển vi tính ("bay bằng dây") khiến cho nó cực kỳ linh hoạt trong cơ động. Nó có khả năng đạt đến giới hạn cơ động 11G (gấp 11 lần gia tốc trọng trường) 2 động cơ M88 cung cấp sức đẩy 10 tấn.

Các thông số chính: tốc độ tối đa 2125 km/h, tầm hoạt động 1850 km, trần bay 17km.

Rafale có 3 phiên bản chính: C là loại chuyên dùng không đối không, B là máy bay ném bom chiến đấu, M là loại dùng trên tàu sân bay. Thiết kế của Rafale có nhấn mạnh đến yếu tố diện tích phản xạ radar. Thân máy bay làm từ vật liệu tổng hợp. Hỗn hợp carbon và kevlar (vật liệu trong áo chống đạn) được phủ trên bề mặt máy bay. Hợp kim titan và nhôm-lithium cũng đượ sử dụng nhiều. Rafale vẫn thường được gọi là máy bay 'bán tàng hình'.

Hệ thống điện tử của nó cũng rất đáng nể. Radar quét điện tử thụ động RBE2 có khả năng theo dõi cùng lúc 8 mục tiêu, phân tích và xác định mức độ ưu tiên của các mục tiêu đó. Nó còn có thể quét và tái tạo hình ảnh 3 chiều của địa hình bên dưới cho phép máy bay bay ở độ thấp, bám sát địa hình mặt đất. Nó có thể đồng thời theo dõi một mục tiêu trên không cùng lúc với việc tìm kiếm mục tiêu dưới mặt đất. Radar quét điện tử thụ động của Rafale tuy vậy không có tầm hoạt động và độ nhạy tốt như các radar quét điện tử chủ động ra đời sau này, hay các radar quét cơ thế hệ mới trên Gripen hay Typhoon.

Mũi máy bay có gắn thiết bị cảm biến hồng ngoại OSF, dùng để phát hiện bức xạ nhiệt từ các máy bay khác, nếu như radar bị vô hiệu hóa. Thực tế, nó gồm 2 cảm biến. Ở bên phải là cảm biến tầm xa, dùng để xác định nguồn phát nhiệt. Bên trái là cảm biến tầm gần, dùng cảm biến hình ảnh, cho phép phóng lớn hình ảnh của mục tiêu lên màn hình để phi công có thể xác định mục tiêu bằng mắt thường, giúp giảm nguy cơ bắn nhầm đồng đội.

Hệ thống tác chiến điện tử Spectra là niềm tự hào của Rafale, nó là một phần trong tính năng 'tàng hình' của Rafale. Nó bao gồm các bộ phát hiện tín hiệu vô tuyến, cảm biến phát hiện tên lửa, cảm biến cảnh báo laser, và bao phủ 360 độ quanh máy bay. Các bộ phát hiện tín hiệu có thể xác định góc tới của tia radar với độ chính xác chưa tới 1 độ. Spectra còn có tính năng gây nhiễu chủ động với độ chính xác cao nhắm vào nguồn phát radar.

Tuy vậy, tính năng độc đáo nhất của Spectra là 'triệt tiêu tín hiệu chủ động". Theo đó, khi máy bay bị đối phương chiếu radar vào, nó sẽ phát ra một tín hiệu mô phỏng tín hiệu radar đối phương bị phản xạ lại, nhưng lệch 1 nửa bước sóng, do đó nó sẽ triệt tiêu với tính hiệu thật và radar đối phương không nhận được gì. Cơ chế này cũng tạo ra rất ít năng lượng, giúp máy bay khó bị phát hiện hơn.

Một đặc tính nữa của Rafale là khả năng tổng hợp cảm biến. Theo đó, thông tin từ tất cả các nguồn cảm biến: radar, OSF, Spectra…sẽ được tổng hợp, trộn chung lại và hiển thị ra một màn hình duy nhất, cung cấp một góc nhìn toàn cảnh 360 độ với tất cả thông tin cần thiết. Buồng lái được trang bị các màn hình cảm ứng lớn, với diện tích hiển thị 160 inch vuông, chỉ thua 180 inch vuông của F-22. Nó còn có điều khiển bằng giọng nói. Thông tin có thể được hiển thị ngay trên kính của mũ bảo hiểm, cho phép phi công có thể theo dõi và khóa mục tiêu chỉ bằng cách xoay đầu.

Rafale là một máy bay khá nhỏ nhưng sức chở đáng nể, với khoảng 10 tấn. Khi không có nhiên liệu hay vũ khí, nó nặng hơn F-16C 1.5 tấn, nhưng trọng lượng cất cánh tối đa của nó thì hơn tới 5 tấn. Nó có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Các loại trang bị chính của nó gồm:

Tên lửa không-không MICA, phiên bản trang bị đầu dẫn hồng ngoại, nó có khả năng nhận thông tin cập nhật về mục tiêu từ máy bay mẹ và tính năng cơ động rất tốt.

Bom bay AASM, tầm tối đa 50km, dẫn đường bằng GPS, kết hợp cảm biến hồng ngoại.

Tên lửa hành trình Storm Shadow, tầm 250km, dẫn đường bằng GPS, radar địa hình, hồng ngoại.

Ngoài ra nó còn có thể được trang bị hầu hết các loại vũ khí của các thành viên NATO khác.

Rafale được thiết kế tối ưu cho việc bay rất thấp, hạn chế sử dụng radar (tránh bị phát hiện) xuyên qua hệ thống phòng không của Liên Xô và tấn công các mục tiêu bằng vũ khí tầm xa. Rafale rất mạnh về các loại cảm biến thụ động, giúp nó có thể di chuyển rất 'yên lặng'.

Rafale là sản phẩm của tư duy quân sự độc lập với Mỹ, vốn có từ thời De Gaulle. Do đó, nó được thiết kế để có thể thực hiện rất nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Tuy vậy, chính do sự ôm đồm đó mà nó trở thành 1 loại vũ khí tuy có rất nhiều tính năng, nhưng không có cái nào thật sự vượt trội, và giá thành rất đắt (gần 100 triệu dollar). Đó là lí do cho đến nay chưa có nước nào đặt mua nó.

Và trong trường hợp MMRCA cũng không phải là ngoại lệ. Trước đó, Dassault đề nghị phương án nâng cấp Mirage 2000 mà Ấn độ đang sử dụng. Nhưng một lần nữa cái giá cao ngất 40-50 triệu dollar đã khiến Ấn độ từ chối. Dassault sau đó đưa ra Rafale. Nhưng rồi việc cũng không thành.

Trở lại với MMRCA, ban đầu yêu cầu của Ấn độ là các máy bay hạng nhẹ thay thế cho số Mig-21 về hưu. Nhưng rồi họ nâng yêu cầu lên thành hạng trung, lấp vào khoảng trống trong cơ cấu của IAF trong tương lai, với Su-30MKI là hi-end và dưới cùng là Tejas LCA, một loại chiến đấu cơ hạng nhẹ do Ấn độ tự thiết kế.

Thử điểm qua điểm mạnh yều của các đối thủ còn lại:

F-16, lô 70 là sự nâng cấp từ phiên bản "Chim ưng sa mạc" bán cho UAE, trang bị radar quét điện tử chủ động (AESA), đa năng, gọn nhẹ, với độ tin cậy cao, thời gian hoạt động và số lượng ấn tượng (4000 chiếc cho tới nay). Tuy vậy, nó hơi nhỏ so với yêu cầu 'hạng trung', và nó cũng là máy bay được Pakistan sử dụng.

Gripen, mới hơn so với F-16, giá hợp lý, khả năng cất và hạ cánh trên đường bộ thông thường. Tuy vậy, nó cũng khá nhỏ, tầm hoạt động nhỏ.

Mig-35, thực chất là một phiên bản cải tiến từ Mig-29. Do đó, nó có lợi thế do Ấn độ đang sử dụng Mig-29 và quen thuộc với nó. Nó có radar và hệ thống điện tử cải tiến, động cơ sử dụng cơ chế lực đẩy vector cho độ linh hoạt cao. Điểm mạnh nữa là người Nga luôn sẵn lòng chuyển giao công nghệ, không như phương tây. Điểm yếu là hiện nay Ấn độ không hài lòng lắm với một số hợp đồng quân sự với Nga, đặc biệt là vụ mua lại tàu sân bay. Ngoài ra, hiện nay nhà sản xuất Mig đang gặp rất nhiều khó khăn, uy tín bị ảnh hưởng nhiều và đội máy bay Mig của Ấn độ cũng không có độ tin cậy cao trong thời gian hoạt động.

Typhoon, là một máy bay chuyên về không đối không, nhưng đợt nâng cấp gần đây khiến nó trở thành 1 máy bay đa năng. Được coi là chỉ đứng sau F-22 và ngang ngửa Su-30. Tuy vậy, giá thành cao, hơn 100 triệu dollar.

F-18E/F Super Hornet, trang bị radar AESA, cộng với khả năng chia sẻ thông tin, cho phép nó đóng vai trò như kẻ chỉ điểm, phối hợp hoạt động các máy bay khác. Nó còn có thể hoạt động trên tàu sân bay. Nó có thành tích tác chiến thực tế tốt. Ngoài ra nó còn có phiên bản tác chiến điện tử Growler rất ấn tượng. Điểm yếu là giá thành khá cao, khả năng cơ động không linh hoạt như Typhoon và Rafale.

Hình dưới đây là cơ cấu hiện tại của IAF, từ trái qua là Jaguar, Mirage 2000, Su-30, Mig-27, Mig-21 Bison.






No comments: