28.5.09

Hành trình dài của Su-27









Hôm 5/5 vừa qua, hãng Pride Aircraft vừa chính thức xác nhận việc 2 chiếc Su-27 đã được chở tới Mỹ trên máy bay vận tải An-124 từ vài tháng trước đó. Về nguyên tắc thì chúng thuộc sở hữu tư nhân, do công ty Pride Aircraft mua từ Ukraina. Nhưng sau khi được sửa chữa và nâng cấp, chúng sẽ được chuyển cho không lực Mỹ để dùng trong các phi đội aggressor. Aggressor là tên gọi những đơn vị đặc biệt trong không quân Mỹ được dùng để đóng vai không quân LX/Nga trong huấn luyện. Chỉ những phi công đặc biệt xuất sắc mới được chọn vào đây. Trong hình dưới là F-15 và F-16 trong vai trò aggressor. Những aggressor sẽ mô phỏng tối đa các trang thiết bị, chiến thuật mà không quân Nga sử dụng. Ví dụ như qua bức hình trên, một chi tiết nhỏ mà ta có thể nhận thấy là màu sơn của máy bay. Máy bay Mỹ thường dùng màu đơn sắc, ví dụ như xám, trắng hay xanh đậm. Máy bay Nga thường được sơn theo hoa văn ngụy trang.


Su-27 là mẫu máy bay thế hệ thứ tư, được ra đời với yêu cầu về một máy bay tiêm kích có tầm hoạt động rộng, đủ sức đương đầu với những chiến đấu cơ thế hệ 4 của Mỹ như F-15, F-16, F-14 và F-18. Có thể nói ít có dự án phát triển vũ khí nào trải qua nhiều thăng trầm như Su-27. Chương trình bắt đầu từ 1970, với tên gọi khi đó là dự án T-10. Mẫu thử nghiệm đầu tiên T-10-1 bay chuyến đầu tiên 7 năm sau đó. Dự án gặp rất nhiều khó khăn, và sau một vụ tai nạn chết người vào 7/5/1978 thì nó bị buộc phải thay máu hoàn toàn.

Mikhail Somonov được đưa về làm tổng công trình sư ở Sukhoi, và thiết kế T-10 lại hoàn toàn. Theo Mikhail thì ông chỉ giữ lại 2 thứ từ thiết kế trước, là bộ bánh đáp và ghế phi công! Mẫu mới được gọi là T-10S. T-10S-1 bay chuyến đầu tiên vào 1981. Tuy vậy, việc nghiên cứu vẫn rất trắc trở về đến 23/11/1983 thì vụ tai nạn chết người thứ 2 xảy ra. Cho đến 1983, vấn đề vẫn không được cải thiện. Nhưng điều bất ngờ là một sai lệch thông số nhỏ khi chuyển từ mẫu thu nhỏ sang máy bay thật khiến cho máy bay đạt được những khả năng tốt hơn mong đợi. Những phi công thử nghiệm khi đó đã tưởng rằng mình đọc sai các chỉ số trên bảng điều khiển. Su-27 bắt đầu tham gia biên chế không quân LX vào 1984. Sự xuất hiện của Su-27 đánh dấu thời kì hoàng kim của Sukhoi trong khi Mig, từ chỗ là biểu tượng của của hàng không LX rơi vào cảnh nợ nần.

Thiết kế của Su-27 có rất nhiều điểm tương đồng với F-14 và F-16, hay có thể nói là kết hợp của cả 2. Một số người cho rằng LX đã tiếp cận được số F-14 của Iran sau cuộc cách mạng hồi giáo 1979, tuy vậy không có bằng chứng xác thực cho việc này.

Su-27 được thiết kế với tính bất ổn định theo cả trục dọc và ngang. F-16, ra đời trước đó, là thiết kế tiên phong với nguyên lý bất ổn định. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, vì tại sao lại thiết kế một chiếc máy bay luôn có xu hướng không ổn định. Bởi vì như vậy thì nó sẽ linh hoạt, dễ xoay trở hơn. Một máy bay có tính ổn định cao, như máy bay chở khách, rất khó xoay trở. Tuy vậy, trước kia người ta không thể thiết kế theo nguyên lý này là vì phi công sẽ phải giành toàn bộ thời gian, sức lực của mình chỉ để giữ cho chiếc máy bay không bồ nhào xuống đất. Và khả năng của phi công cũng có hạn, khi thiết kế của máy bay vượt 1 ngưỡng nào đó thì nó chỉ đơn giản là không thể điều khiển được.

Do đó, F-16 cũng đồng thời tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ điều khiển qua máy tính, hay còn gọi là 'bay bằng dây dẫn'. Gọi là vậy bởi vì nó thay thế những cơ cấu điều khiển cơ học trước kia bằng dây dẫn tín hiệu. Trước kia, máy bay sử dụng các thiết bị cơ học như dây cáp, hệ thống thủy lực để truyền lệnh điều khiển từ phi công. Nay các cơ cấu nặng nề này được thay thế bằng cách dây truyền dẫn tín hiệu điện gọn nhẹ và đáng tin cậy hơn. Tuy vậy, ý nghĩa thật sự của hệ thống này là việc thêm máy tính vào giữa phi công và các bề mặt điều khiển. Giờ đây lệnh của phi công sẽ được đưa vào máy tính trước, máy tính sẽ xử lý yêu cầu và truyền lệnh cụ thể đến các bề mặt điều khiển trên cánh máy bay. Như vậy, thật sự điều khiển trực tiếp máy bay là máy tính chứ không phải phi công. Do đó, những máy bay có thiết kế không ổn định giờ đây vẫn có thể bay được bình thường, vì máy tính sẽ liên tục đưa ra những lệnh, thực hiện những điều chỉnh nhỏ để giữ cho máy bay cân bằng. Mỗi giây có thể có tới hàng ngàn lần điều chỉnh nhỏ như vậy, và đối với phi công thì đơn giản là họ không cảm nhận được những thay đổi đó. Ngoài ra, máy tính sẽ giữ cho máy bay hoạt động trong giới hạn của mình, cho dù phi công có điều khiển hơi 'quá tay'. Vì mỗi máy bay có một giới hạn lực mà cấu trúc của nó có thể chịu được, chưa kể bản thân phi công cũng chỉ chịu được gia tốc đến 1 mức nào đó.

F-16 được thiết kế bất cân bằng theo trục xoay dọc (giúp nó lật cánh dễ dàng hơn), còn Su-27 sau này còn bất ổn định theo phương xoay ngang (góc nâng của mũi máy bay). Do đó Su-27 có thể thực hiện những động tác nhào lộn trên không rất ấn tượng. Nổi tiếng nhất là động tác 'Rắn hổ mang' nổi tiếng của Pugachev. Khi được trình diễn lần đầu ở hội chợ hàng không Paris, nhiều người đã mô tả cảm giác của mình khi đó như đang trong một 'thời khắc thần thánh'.

Tuy vậy, đối thủ trực tiếp của Su-27 là F-15. Kích thước của Su-27 hơi lớn hơn (dài 21m, sải cánh 14m) so với F-15 (19m-13m). Hai loại này chưa từng đối đầu nhau trong thực tế. F-15 hiện giữ kỷ lục về không chiến, với 104 lần bắn hạ đối phương mà chưa thua lần nào. Còn Su-27 chưa có nhiều dịp tham chiến.

Quay lại việc 2 chiếc Su-27 đến Mỹ. Một trong những thắc mắc lớn hiện nay là liệu người Mỹ có được cung cấp đủ phụ tùng để duy trì hoạt động của chúng trong thời gian dài. Theo như Pride Aircraft thì họ nhận được hỗ trợ kỹ thuật và phụ tùng đầy đủ. Còn nếu không thì người Mỹ sẽ phải cải biến thiết bị của mình. Trong đó khó nhất là động cơ. Su-27 dùng động cơ AL-31F (sức đẩy tối đa 12510kg) còn F-15 dùng F100PW229 (13211kg). Cả 2 có kích thước gần giống nhau. Nhưng AL-31F có hộp số phía trên, còn F100 có hộp số phía dưới, như trong hình. Do đó việc gắn động cơ F100 vào Su-27 là rất khó.

AL-31F

F100PW229








No comments: