31.7.09

Bulava

Vụ thử thất bại của tên lửa liên lục địa trên tàu ngầm Bulava vào hồi giữa tháng đã là lần thất bại thứ 6 trong tổng số 11 lần thử nghiệm. Lần này đặc biệt đáng thất vọng vì tên lửa mới bay được 28 giây và lỗi xuất hiện ngay ở tầng động cơ đẩy thứ nhất và khiến cho cả tên lửa phát nổ.

Nguyên nhân được cho là do yếu kém trong quản lý chất lượng, nhưng theo các quan chức thì không loại trừ khả năng phá hoại. Phá hoại ở đây có thể được hiểu được gây ra bởi sự thiếu trách nhiệm ở mức độ truy cứu hình sự.

Do vụ thất bại này mà Yuri Solomonov, giám đốc và là tổng công trình sư của viện kỹ thuật nhiệt Moscow MITT, cơ quan thiết kế các tên lửa chiến lược của Nga, đã phải từ chức. Tuy vậy, Nga sẽ không từ bỏ chương trình Bulava vì nó quá quan trọng. Theo tư lệnh hải quân Nga thì bản thân Bulava vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu mà chỉ như một bước đệm, vì vậy càng phải quyết tâm hoàn thành dự án vì nó đóng vai trò bản lề trong việc cải tổ sức mạnh hạt nhân Nga.

Về mặt kỹ thuật, Bulava sẽ là tên lửa hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Nga/LX sử dụng nhiên liệu rắn. Đối với tên lửa đạn đạo, nhiên liệu rắn có nhiều ưu thế so với nhiên liệu lỏng. Đặc biệt là sự ổn định, độ tin cậy và tuổi thọ cao, cùng với ít yêu cầu về việc theo dõi, bảo dưỡng. Tuy vậy, chế tạo nhiên liệu rắn dùng cho những tên lửa lớn như vậy là một công việc khó khăn và đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Người Mỹ sử dụng thành công nhiên liệu rắn trên cả tên lửa chiến lược trên bộ và trên tàu ngầm từ những năm 60 với Minuteman và Polaris. Liên Xô đến giữa những năm 80 mới có tên lửa nhiên liệu rắn đầu tiên của mình là Topol-M, tuy vậy nó vẫn lớn hơn và có tầm ngắn hơn so với Minuteman III, chứng tỏ công nghệ động cơ nhiên liệu rắn của Nga vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Bulava thực chất là một phiên bản 'hải quân hóa' của Topol-M, được cắt ngắm để vừa với tàu ngầm. Tuy vậy nó vẫn khá lớn, khiến cho sức chứa của tàu ngầm lớp Borei giảm từ 16 như dự kiến còn 12.

Về mặt chiến lược, Bulava là trọng tâm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. 40% ngân sách mua sắm mới của bộ quốc phòng là dành cho chương trình này. Trong bộ ba hạt nhân chiến lược, tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa chiến lược trên bộ, thì lực lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân được coi là đáng tin cậy nhất, vì rất khó để dò ra chúng. Do đó đây cũng là ưu tiên của Nga. Tuy vậy, trong khi việc phát triễn lớp tàu ngầm mới Borei diễn ra khá suôn sẻ thì Bulava lại liên tục gặp thất bại. Không có tên lửa thì các tàu ngầm cũng vô dụng.

Do đó, sự yếu kém của chương trình Bulava khiến nhiều chuyên gia quân sự Nga hết sức lo lắng. Theo lời một người thì "vũ khí hạt nhân có vai trò răn đe. Do đó nếu chúng không thực sự hoạt động thì bạn có thể giả vờ rằng chúng hoạt động tốt và như vậy là cũng đã đủ, tuy nhiên với Bulava thì bạn thậm chí không thể giả vờ được".

No comments: