4.9.09

Internet hóa chiến trường (P.1)

Quân đội Mỹ vừa tổ chức cuộc tập trận mang tên Empire Challenge 09. Mục đích chính là tiếp tục kiểm tra và hoàn thiện khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống vũ khí trên chiến trường với nhau. Đồng thời, họ cũng muốn chứng minh và thuyết phục các đồng minh NATO về hiệu quả của việc áp dụng chúng.

Trọng tâm của EC09 là kiểm tra khả năng kết nối, chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa máy bay (cả có người lái và không người lái) của 3 quân chủng hải-lục-không quân với nhau, giống như cách mà Internet hoạt động. Trong quá trình tập trận, 1 máy bay JSTARS của không quân, 1 chiếc E-2 của hải quân đã chia sẻ dữ liệu với các UAV và các đơn vị mặt đất. JSTARS là loại máy bay thám sát mặt đất, nó sử dụng radar quét điện tử để theo dõi và phát hiện các mục tiêu trên bộ trên 1 khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, còn E-2 là một máy bay cảnh báo sớm trên không, sử dụng trên tàu sân bay. Năm ngoái, không quân Mỹ cũng từng thử nghiệm việc chia sẻ hình ảnh thu trực tiếp từ các cảm biến trên 1 chiếc AC-130 cho các máy bay khác.

Về cơ bản, mục tiêu lâu chính của khái niệm kết nối chiến trường là xây dựng một hệ thống hoạt động tương tự như mạng Internet hiện nay. Là một mạng phi tập trung, Internet cho phép 1 người dùng bất kỳ có thể chỉ bằng 1 cái click chuột kết nối với 1 máy tính khác ở bất cứ đâu trên thế giới. Và ngược lại, thông tin được 1 người dùng upload lên cũng có thể được tiếp cận bởi hàng triệu người khác từ khắp nơi. Áp dụng khái niệm tương tự trên chiến trường, có nghĩa là mỗi một máy bay, xe tăng, chiến hạm…thậm chí là từng cá nhân người lính, sẽ vừa đóng vai trò thu thập thông tin và chia sẻ nó, đồng thời cũng có thể nhận thông tin được chia sẻ từ những nguồn khác.

Trên thực tế thì khái niệm trên không còn chỉ là lý thuyết mà đã được áp dụng trên thực tế chiến trường trong nhiều hệ thống riêng biệt. Lấy ví dụ như ROVER. Chúng ta có 1 tình huống tiêu biểu, khi một đơn vị bộ binh đang tiếp cận mục tiêu và phía trên có 1 UAV đang hoạt động. Nếu theo cách cổ điển, thì hình ảnh mà UAV thu được sẽ được truyền về trạm điều khiển. Người điều khiển UAV từ đó sẽ cung cấp thông tin, thường chỉ dưới dạng lời nói, về tình hình chiến trường cho cấp chỉ huy của đơn vị bộ binh, để từ đó truyền đạt tới những người lính thông qua radio. Như vậy, mặc dù có UAV hoạt động ngay phía trên mình, người lính chỉ có thể tiếp cận thông tin theo đường vòng. Như vậy vừa mất thời gian, đồng thời chất lượng thông tin cũng suy giảm nhiều, do từ chỗ là hình ảnh trực tiếp đã trở thành những thông tin dạng lời nói qua radio. Đó là chưa kể nếu người lính trên thực địa muốn có một yêu cầu nào đó cho UAV, như lượn vòng quanh 1 điểm cụ thể, thì cũng sẽ phải thông qua nhiều cấp chỉ huy và hệ thống liên lạc khác nhau. Nhưng với ROVER, người lính sẽ được tiếp cận trực tiếp với hình ảnh từ UAV theo thời gian thực, và hơn nữa, cho cho phép việc thông tin 2 chiều, nghĩa là người lính cũng có thể thông qua ROVER để ra mệnh lệnh cho UAV. Một ví dụ khác là hệ thống BTF…Tuy vậy, cho đến nay, chúng mới dừng ở mức các hệ thống đơn lẻ. Tham vọng được đặt ra là 1 hệ thống chung duy nhất sử dụng cho tất cả các loại vũ khí trên chiến trường.

Ba năm trước, một cuộc thử nghiệm đã thành công trong việc kết nối 1 trực thăng Blackhawk của lục quân, 1 chiếc F-18 của hải quân và 1 chiếc F-15 của không quân, cùng 1 trạm mặt đất chung trong 1 mạng không dây kỹ thuật số. Những cuộc thử nghiệm tiếp theo tăng số lượng các hệ thống trong mạng, và cũng thử nghiệm việc phương tiện (máy bay, bộ binh…) phát hiện mục tiêu và 1 phương tiện khác khai hỏa.

Xương sống của công nghệ này là định dạng Link 16 của không lực Mỹ, dùng để truyền dữ liệu số qua các mạng không dây. Link 16 hiện đã trở nên rất phổ biến trong các nước NATO, một thuận lợi trong việc phổ biến công nghệ mới mẻ này.

Cho đến nay, người ta hầu như đã hoàn thiện cơ chế hoạt động của công nghệ này. Vấn đề còn lại chỉ là đảm bảo rằng nó sẽ hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt của chiến tranh. Một công nghệ dù có tiên tiến đến đâu, nhưng nếu thiếu độ tin cậy thì cũng trở nên vô dụng.

Link 16 còn cho phép 1 ứng dụng quan trọng khác, đó là tổng hợp thông tin. Nghĩa là thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ được 'trộn' với nhau và trình bày cho các sĩ quan chỉ huy dưới dạng 1 nguồn thông tin thống nhất và dễ hiểu. Trước kia, việc phối hợp thông tin như vậy thường ở dưới dạng lời nói, vừa không đầy đủ, vừa dễ gây nhầm lẫn.


Thực tế thì khái niệm và lợi ích của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên chiến trường không phải là điều quá mới mẻ. Ví dụ thành công nhất cho tới nay có lẽ là chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của phát xít Đức mà đã làm cả thế giới kinh sợ trong giai đoạn đầu thế chiến thứ 2. Trong đó, sự cơ động của lực lượng thiết giáp đóng vai trò trung tâm, về mặt kỹ thuật thì yếu tố quan trọng nhất không phải nằm ở công nghệ của bản thân những chiếc xe tăng mà chính là việc người Đức đã trang bị radio cho tất cả những chiếc xe tăng của mình, cho phép chúng liên lạc trực tiếp với nhau, một điều mà cho tới khi đó chưa có ai áp dụng.

(Còn tiếp)

No comments: