7.6.09

Máy bay tiếp nhiên liệu lớn nhất?


Trong tác chiến, các hệ thống hỗ trợ, mặc dù không trực tiếp đóng góp hỏa lực, đóng vai trò không hề kém quan trọng hơn các hệ thống trực tiếp tham chiến. Đối với không quân, những hệ thống như cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS), tiếp dầu, tác chiến điện tử, tuần tra hàng hải…là một phần không thể thiếu của các lực lượng không quân hiện đại. Không quân Ấn độ (IAF) cũng không phải ngoại lệ. Một phần trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, Ấn độ trong thời gian qua đã có nhiều hợp đồng để nâng cấp các hệ thống hỗ trợ của không quân.

Họ đặt hàng AWACS Phalcon, hệ thống này sử dụng máy bay IL-76 của Nga và gắn radar Phalcon của Israel, MC-130, một phiên bản đặc biệt của mẫu máy bay C-130, chuyên dùng cho các chiến dịch đặc biệt. Poseidon P-8, máy bay tuần tra hàng hải tầm xa. Đồng thời trong tương lai, họ sẽ đặt mua thêm AWACS và máy bay tuần tra hàng hải loại trung.

Với máy bay tiếp dầu, hiện Ấn độ đang sử dụng 6 chiếc IL-78MK của Nga, đây là một phiên bản của máy bay vận tải IL-76. Ấn độ muốn mua thêm 6 chiếc nữa, nhưng thay vì tiếp tục mua IL-78, họ quyết định quay sang A330 MRTT. MRTT là viết tắt của máy bay bay vận tải-tiếp dần đa năng. Giá mỗi chiếc khoảng 160 triệu dollar. Dựa trên mẫu máy bay 2 động cơ A 330-300, loại máy bay mất tích ở Brazil gần đây, MRTT nặng 233 tấn, có thể mang theo 111 tấn nhiên liệu, cộng với 43 tấn hàng hóa. Nếu dùng để chở người, sức tải là 238 người. Sự linh hoạt là một trong những điểm mạnh nhất của MRTT.

IL-78 có 4 động cơ, nặng 220 tấn, chỉ có thể chở theo nhiên liệu (138 tấn). Ngoài việc kém linh hoạt hơn MRTT, tính tin cậy và hỗ trợ bảo trì kém là những nguyên nhân khiến Ấn độ chọn Airbus.

Ilyushin không phải là kẻ duy nhất bị Airbus hớt tay trên. Boeing cũng suýt bị đấu thủ từ châu Âu thắng ngay trên sân nhà. Trong một hợp đồng khổng lồ để thay thế cho đội máy bay tiếp dầu của mình, không quân Mỹ đã chọn KC-30 của Airbus (cũng dựa trên mẫu A 330-300) thay vì KC-767 của Boeing. Tuy nhiên Boeing sau đó đã kiện lại và hiện quá trình đấu thầu sẽ bắt đầu lại từ đầu. KC-30 lớn hơn so với KC-767, chở nhiều hơn 20% số nhiên liệu. Điểm mạnh của KC-767, dựa trên mẫu Boeing 767, là nó có kích thước gần giống như KC-135, là mẫu máy bay tiếp dầu chính của không quân Mỹ hiện nay, do đó tận dụng được các cơ sở vật chất cũ mà không cần sửa đổi nhiều.

KC-135 cũng do Boeing sản xuất, với hơn 2000 chiếc xuất xưởng cho tới nay. Nó có thể mang theo 90 tấn nhiên liệu, 68 tấn trong số đó là để tiếp cho các máy bay khác. Ngoài ra, không quân Mỹ còn sử dụng một số chiếc KC-10, dựa trên mẫu DC-10. Lớn hơn so với KC-135, với sức tải 160 tấn, chỉ có khoảng 70 chiếc KC-10 trong biên chế, so với hơn 500 chiếc KC-135.

Ngoài ra, còn có mẫu Tristar của không quân Anh, với sức tải 136 tấn nhiên liệu. Tuy vậy, không phải KC-10, KC-30, IL-78 hay Tristar là mẫu máy bay tiếp dầu lớn nhất. Loại lớn nhất, đáng ngạc nhiên, lại thuộc về không quân Iran. Đó là KC-747, tất nhiên là dựa trên loại máy bay chở khách nổi tiếng Boeing 747.

Trước cách mạng hồi giáo 1979, Iran là đồng minh của Mỹ, và đã mua khoảng 4 chiếc KC-747. Trong khi đó, không quân Mỹ lại chọn KC-10 thay vì KC-747. Do đó, Iran là nước duy nhất có KC-747. Điều thú vị là khi đó, 2 mẫu DC-10, của McDonnell Douglas, và Boeing 747 cùng cạnh tranh nhau trong phân khúc máy bay thân rộng. Phần thắng nghiêng về Boeing, và sau này đã mua lại chính đối thủ của mình. KC-747 có thể chở theo 170 tấn nhiên liệu và 54 tấn hàng hóa. Tuy vậy, do cấm vận, Iran hầu như không thể duy trì hoạt động của phi đội này. Hiện nay người ta cho rằng Iran chỉ còn 1 chiếc còn có thể bay được.
MRTT (KC30)
IL-78

KC-767

KC-135


KC-10


Tristar



KC-747







No comments: