7.12.11

"Thứ nhất sợ kẻ anh hùng…"

Cùng nhìn lại 2 sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây từ nhiều góc độ.

Phân tích kỹ thuật về vụ tàu Cheonan

Vào ngày 26/03/2010, tàu Cheonan của hải quân Hàn Quốc nổ tung và chìm xuống đáy biển cùng với 46 thuỷ thủ. Nghi phạm chính là Bắc Triều Tiên, sử dụng ngư lôi loại Yu-3G của Trung Quốc.

Một trong những giả thiết cho rằng vụ nổ là một tai nạn liên quan đến tháp pháo 76mm ở đuôi tàu, có thể là do hoả hoạn. Đó loại pháp tự động tốc độ cao do hãng OTO MELARA (Ý) chế tạo, một loại pháo rất phổ biến trên các chiến hạm phương tây. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật giả thiết này rất khó có thể xảy ra. Gần như chỉ có 1 khả năng khiến cho cơ số đạn pháo này bị kích nổ là do một vụ nổ lớn khác, ví dụ như khi tháp pháo bị trúng đạn của đối phương. Còn trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, số thuốc nổ trong đạn pháo cũng không phát nổ ngay lập tức mà sẽ tiếp tục cháy 1 thời gian. Ngoài ra, các tháp pháo loại này còn được thiết kế với phần đáy được gia cố chắc chắn hơn, do đó trong trường hợp xảy ra nổ thì lực nổ cũng sẽ được hướng lên trên.

Một khả năng khác là vụ nổ gây ra bởi mìn chạm nổ sót lại từ thời chiến tranh Triều Tiên. Loại mìn này trôi nổi trên mặt biển hoặc được gắn dưới đáy biển bằng dây cáp và sẽ bị kích nổ khi va chạm với tàu. Tuy nhiên như vậy thì vụ nổ đáng lẽ phải xảy ra ở phần đầu con tàu thay vì phần đuôi như thực tế.

Nói chung các giả thiết liên quan đến các loại khí tài còn sót lại từ chiến tranh Triều Tiên khó có thể xảy ra khi xét đến việc vị trí xảy ra vụ nổ rất gần bờ, nghĩa là đã có nhiều tàu thuyền khác có thể đã đi ngang khu vực đó trong hơn nửa thế kỷ qua. Theo cư dân sinh sống quanh đó, mỗi ngày có đến khoảng 200 tàu thuyền các loại đi qua khu vực đó. Ngoài ra, mọi loại vũ khí đều có 1 tuổi thọ nhất định. Sau hơn 50 năm thì nhiều khả năng những quả mìn trên không còn hoạt động nữa.

Một khả năng khác được nhắc đến là đội người nhái cảm tử của hải quân BTT. Thông tin này đến từ một số binh sĩ BTT đào ngũ sang phía nam cung cấp. Theo đó, đơn vị này được tuyển chọn từ những thành viên ưu tú nhất của lực lượng đặc công thuỷ, được trang bị và đãi ngộ rất tốt, nhưng cùng với đó là 1 chế độ huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt. Đơn vị này ra đời sau cuộc xâm lăng chớp nhoáng của quân đội Mỹ nhằm vào Iraq năm 2003. Theo đó lãnh đạo Kim Nhật Thành cho rằng việc sử dụng các lực lượng phi chính quy, như các đội đánh bom cảm tử hồi giáo, là cách hiệu quả hơn để chống lại bộ máy quân sự của Mỹ. Do đó cả 3 quân chủng hải lục  không quân đều thành lập những đội cảm tử riêng của mình. Mật danh của đơn vị cảm tử không quân là "bất bại", của lục quân là "bom sống" và của hải quân là 'ngư lôi sống'. Trong đó, các đơn vị của hải quân được đặc biệt coi trọng, vì sau cuộc hải chiến năm 1999, phía BTT nhận định rằng mình không thể đánh bại hải quân Hàn Quốc bằng các phương cách chính quy. Chiến thuật chính của các đơn vị này là dùng các tàu ngầm mini chở các cảm tử quân vào vùng biển Hàn Quốc và những người này sau đó sẽ gắn mìn vào tàu chiến Hàn của đối phương.

Có 2 vấn đề lớn đối với giả thiết này. Thứ nhất là lượng thuốc nổ mà một thợ lặn có thể đem theo quá nhỏ để có thể bẻ gãy 1 con tàu. Thứ hai là vùng nước mà tàu Cheonan bị chìm rất nguy hiểm cho việc lặn, với các dòng hải lưu chảy xiết, và nhiệt độ nước thấp vào thời điểm trên. Một bằng chứng rõ ràng là việc một thợ lặn của hải quân Hàn Quốc đã thiệt mạng trong quá trình trục vớt con tàu.

So với các loại khí tài khác, ngư lôi hiện đại là cách hiệu quả nhất để đánh đắm một con tàu. Ngư lôi cổ điển, cũng như đa số các loại mìn, dùng cơ chế chạm nổ để đục một lỗ thủng trên thân tàu bên dưới mớn nước để làm ngập con tàu. Do các tàu chiến luôn được chia thành nhiều khoang riêng biệt, không thấm nước, do đó thường phải dùng nhiều ngư lôi để đánh đắm 1 con tàu, và cũng thường mất khá nhiều thời gian trước khi con tàu bị ngập đủ nước để chìm.Ví dụ như lớp tàu Pohang, mà Cheonan là 1 trong số đó, có đến khoảng 100 ngăn kín không thấm nước, mặc dù Pohang không phải là một tàu chiến loại lớn.  Ngư lôi hiện đại dùng cơ chế hoàn toàn khác. Nó sẽ phát nổ ngay bên dưới con tàu, cách đáy tàu khoảng vài mét, và bẻ gãy con tàu làm đôi và nhấn chìm nó trong nháy mắt. Nhưng chính xác thì bằng cách nào nó có thể làm được như vậy?

Khi một ngư lôi nổ bên dưới và cách con tàu 1 khoảng, nó tạo ra 3 hiệu ứng, hay 3 giai đoạn khác nhau. Nếu hệ thống dẫn đường của ngư lôi hoạt động tốt, nó sẽ phát nổ ở vị trí ngay giữa con tàu. Trong giai đoạn đầu, vụ nổ tạo ra 1 'bong bóng' khổng lồ ngay bên dưới con tàu, bong bóng này giãn nở với tốc độ cực nhanh và ép vào lớp nước giữa nó và con tàu, do đó phần thân tàu ngay bên trên vụ nổ sẽ bị nâng lên, và làm sống tàu bị bẻ cong. Trong giai đoạn 2, lúc này bong bóng khí đã giãn nở tối đa, nó bị vỡ và giải phóng toàn bộ năng lượng đang bị nhốt bên trong. Năng lực này khi được giải phóng sẽ ép lớp nước bên dưới tàu và bắn nó lên trên, xuyên qua những vết nứt ở đáy tàu tạo ra trong giai đoạn 1, giống như một con dao bằng nước cắt xuyên qua con tàu. Hiệu ứng này cũng gần giống hiệu ứng luồng xuyên của các đầu đạn chống tăng. Giai đoạn này tạo sẽ ra 1 cột nước khổng lồ đặc trưng. Trong giai đoạn 3, sau khi bong bóng vỡ và bắn 1 lượng nước lớn lên không trung, nó sẽ 'khoét' 1 lỗ ngay bên dưới con tàu, khi mà nước chưa kịp lấp vào, và phần giữa của con tàu sẽ 'rơi' lại vào cái lỗ này, khiến cho sống tàu bị bẻ cong 1 lần nữa, lần này ngược hướng với giai đoạn 1. Phần lớn thiệt hại gây ra trong giai đoạn 1 và 3, khi mà con tàu bị bẻ cong lên và xuống. Sự kết hợp của 2 hiệu ứng này gần như chắc chắn làm cho cả con tàu bị gãy làm đôi.

Như vậy sự tham gia của lớp nước giữa con tàu và ngư lôi có tác dụng cộng hưởng làm tăng sức công phá của ngư lôi, làm cho nó hiệu quả hơn so với các loại vũ khí khác (bom, tên lửa…) với cùng 1 khối lượng chất nổ.

Ngoài ra, một loại khí tài nữa có thể gây tác dụng tương tự là mìn cảm ứng. Loại mìn này được đặt dưới đáy biển hoặc lơ lửng trong nước và được cố định bằng 1 sợi cáp gắn vào đáy biển. Khi tàu chạy qua bên trên khu vực đó mìn sẽ được kích nổ bằng cảm biến từ trường, hoặc âm thanh…Do mìn cũng nổ bên dưới con tàu, hiệu quả mà nó tạo ra cũng gần giống với ngư lôi. Tuy nhiên, theo thống kê chính thức hiện nay thì Bắc Triều Tiên sử dụng các loại mìn M-8, M-12, M-16, M-26, tất cả đều là mìn chạm nổ. Ngoài ra các loại mìn này thường có lượng thuốc nổ khá nhỏ, không đủ tạo hiệu ứng có thể cắt đôi con tàu.

Ngoài ra, tất cả các giả thiết liên quan đến mìn đều có 1 điểm yếu là không ai có thể biết chính xác con tàu sẽ đi qua vị trí nào và do đó xác suất chỉ một quả mìn mà có thể đánh trúng con tàu là cực thấp và không đáng phải mạo hiểm để làm.

Khả năng cuối cùng liên quan đến mìn là mìn tự hành. Loại này được đặt dưới đáy biển, khi có tàu chiến đối phương đi ngang qua gần đó, một phần của thiết bị sẽ được phóng ra đuổi theo con tàu. Trên thực tế, loại vũ khí này gần giống một ngư lôi tự hành hơn là 1 loại mìn. Tuy nhiên, thường thì chúng được thiết kế để chống tàu ngầm, và không phù hợp với vùng nước nông như khu vực tàu Cheonan bị chìm.

Một điều đặc biệt là từ lời kể của những người sống sót trên tàu và cư dân trên đảo, không ai nhận thấy có ánh lửa từ vụ nổ mặc dù khi đó đang là buổi tối. Không ai trong số những thuỷ thủ sống sót bị phỏng, hoặc ngửi thấy mùi chất nổ. Điều này khẳng định việc vụ nổ xảy ra dưới nước. Nếu vụ nổ xảy ra ngay bên trong lòng con tàu, hoặc khi có một thiết bị nổ được gắn vào đáy tàu, chắc chắn nó sẽ gây ra cháy và các nhân chứng sẽ phải thấy ánh sáng từ vụ nổ. Chi tiết này giúp củng cố việc loại bỏ các giả thuyết về tai nạn liên quan đến đạn pháo trong con tàu hoặc người nhái gắn mìn vào bên dưới đáy tàu, hoặc một thiết bị nổ được lén đưa lên tàu. Tương tự, một tàu tuần duyên Hàn Quốc cũng có mặt ở gần nơi xảy ra vụ việc và đã đến ngay sau khi xảy ra vụ nổ để cứu thuỷ thủ đoàn tàu Cheonan. Theo đoạn video quay từ tàu tuần duyên đó, có thể thấy không hề có khói và lửa tại hiện trường.

Cũng theo lời thuật lại của những người sống sót, bao gồm cả thuyền trưởng, con tàu đã bị nhấc bổng khỏi mặt nước ít nhất nửa mét, đặc điểm quan trọng của một vụ nổ do ngư lôi.

Ngoài ra còn có một bằng chứng khác khẳng định nhận định trên. Một thuỷ thủ khác cho biết anh ta bị đánh thức bởi tiếng nổ và thấy phần đuôi tàu cách anh ta chưa đầy nửa mét đã biến mất. Nếu vụ nổ xảy ra bên trong con tàu, áp lực chắc chắn sẽ giết chết người này. Nhân chứng này trên thực tế còn sống sót mặc dù ở rất gần vụ nổ là nhờ lớp nước giữa ngư lôi và con tàu đóng vai trò 1 lớp đệm chặn sức ép của vụ nổ không cho nó lan truyền vào bên trong tàu.

Trên thực tế, sau khi con tàu được trục vớt, có thể nhận thấy rõ các cấu trúc kim loại bên trên của Cheonan đều bị uốn cong lên trên, một bằng chứng rõ ràng cho thấy vụ nổ xảy ra bên dưới tàu.

Tại hiện trường các thợ lặn còn thu thập được các mẫu kim loại hợp kim nhôm - manhê được sử dụng làm vỏ ngoài của ngư lôi. Người ta còn tìm thấy dấu vết của RDX, loại chất nổ dùng trong ngư lôi.

Trong báo cáo cuối cùng, nhóm điều tra đa quốc gia xác nhận nguyên nhân gây ra vụ Cheonan là do 1 ngư lôi hạng nhẹ loại CHT-02D của BTT. Một phần của ngư lôi, bao gồm chân vịt, động cơ đẩy và 1 phần bánh lái được trục vớt.

Như vậy sau khi xem xét các yếu tố kỹ thuật, ta có thể gần như chắc chắn rằng loại vũ khí được dùng để đánh đắm tàu Cheonan là ngư lôi. Câu hỏi còn lại là ai đã thực hiện vụ tấn công, bằng phương tiện gì, và nó diễn ra như thế nào.

Theo báo cáo chính thức thì một tàu chiến khác của Hàn Quốc, chiếc Sokcho, ở gần đó đã nã pháo suốt 15 phút liền vào một mục tiêu trên radar, với tổng cộng 130 phát đạn, mà theo phía Hàn Quốc thì đó chỉ là một bầy chim. Tuy nhiên có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng đẩy chỉ là một sự che đậy, vì mọi lực lượng quân sự chính quy đều có các quy tắc giao chiến chặt chẽ, nhất là tại một khu vực nhạy cảm như tại vùng ranh giới giữa 2 miền Triều Tiên. Không một thuyền trưởng nào có thể pháo kích 15 phút liên tục trong 1 tình huống không rõ ràng. Chỉ có một khả năng duy nhất là tàu Cheonan đã bị tấn công từ bên ngoài.

Một số thuỷ thủ đang liên lạc với người thân bằng điện thoại di động khi vụ việc xảy ra. Họ phải chấm dứt cuộc gọi vào khoảng 21h16 phút vì có một tình huống khẩn cấp đang diễn ra. Còn vụ nổ xảy ra vào khoảng 21h21. Vào khoảng 21h25, thuyền trưởng Choi Won-il gửi một tin nhắn bằng điện thoại di động đến Bộ tư lệnh Hạm đội 2 thông báo rằng Cheonan bị tấn công

Loại phương tiện đáng nghi nhất được sử dụng là các loại tàu ngầm mini mà Bắc Triều Tiên thường sử dụng để chuyên chở các nhóm đặc tình đột nhập vào trong lãnh thổ Hàn Quốc. Những tàu ngầm mini này, một số thực chất là những tàu cao tốc có khả năng chạy ngầm dưới mặt nước. Khi nổi lên, chúng có thể di chuyển với vận tốc rất lớn, gần 80 km/h, ví dụ như loại Taedong của Bắc Triều Tiên. Tốc độ này cũng tương đương với tốc độ một đàn chim đang bay.

Chỉ ngay sau tàu Cheonan bị đánh đắm, tư lệnh hạm đội Tây của hải quân Bắc Triều Tiên, Jeong Myung Do được thăng chức lên đại tướng, tư lệnh hải quân. Trước đó, hạm đội này đã được đặt trong tình trạng báo động từ tháng 3, mọi ngày phép đều bị huỷ bỏ. Theo lời một số lính miền Bắc bỏ ngũ sang miền Nam thì một hội nghị đã được tổ chức tại Nampo, nơi đặt tổng hành dinh của hạm đội Tây, vào ngày 16/2 (cũng là ngày sinh nhật của lãnh đạo Kim Young IL). Kết quả của hội nghị là quyết định phải trả thù cho thất bại trong cuộc hải chiến diễn ra vào tháng 11/2009, mà trong đó 10 thuỷ thủ BTT thiệt mạng, đồng thời khiến tư lệnh hạm đội Tây khi đó bị mất chức.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao tàu Cheonan lại bị một tàu ngầm đánh chìm khi mà bản thân nó là một tàu chống tàu ngầm? Sự thật thì mặc dù được gọi như vậy, Cheonan nói riêng và toàn bộ lớp Pohang nói chung không được trang bị tốt cho vai trò này. Thông thường tàu chống tàu ngầm được trang bị 2 loại sonar: 1 là loại được gắn cố định vào thân tàu, và 2 là loại sonar dưới dạng 1 sợi cáp dài được kéo theo phía sau tàu. Cheonan chỉ được trang bị loại thứ nhất, và cũng chỉ với kích thước nhỏ. Vấn đề chính là kích thước của con tàu đã hạn chế việc trang bị những loại sonar lớn hơn, mạnh hơn. Lớp Pohang chỉ có lượng choán nước 1,200 tấn, trong khi loại tàu được dự kiến sẽ thay thế nó trong tương lai có lượng choán nước tới 2,300 tấn. Trên thực tế, nó chỉ thích hợp đối với việc săn tìm những tàu ngầm loại cũ thời chiến tranh lạnh của của BTT ngoài biển xa. Đối với những tàu ngầm mini loại mới, hoạt động gần bờ, Cheonan gần như không hiệu quả. Vùng biển duyên hải gần bờ luôn gây rất nhiều khó khăn cho việc săn tìm tàu ngầm. Những dòng nước chảy xiết, mật độ hoạt động cao của tàu bè gần bờ, âm vang do sự phản xạ của sóng âm thành vào đáy biển và bờ biển…tất cả những yếu tố trên kết hợp tạo ra rất nhiều nhiễu loạn cho thiết bị sonar.

Trên thực tế thì đây không phải là lần đầu mà cả 2 bên che đậy những sự việc như vậy. Trong thực tế kể từ sau khi ký hiệp định ngừng bắn, một cuộc chiến cường độ thấp vẫn âm thầm diễn ra tại các khu vực giáp ranh giữa 2 miền. Theo ước tính cho tới năm 1989 chỉ riêng số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong các trận giao tranh như vậy là hơn 140 người. Đó là chưa tính đến những vụ khủng bố, phá hoại nổi tiếng khác của phía Bắc Hàn, bao gồm việc tấn công vào Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cho nổ tung một máy bay chở khách hay đặt bom nhắm vào 1 đoàn quan chức cao cấp của HQ tại Miến Điện. Nói chung trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những vụ va chạm giữa các lực lượng quân sự của 2 phía đối địch là khá phổ biến, bao gồm cả giữa Mỹ và Liên Xô, với nhiều vụ kết thúc với thiệt hại về phương tiện hay cả nhân mạng. Tuy nhiên công chúng đa số không biết về những sự việc này. Sự kiện Cheonan tuy vậy không giống các vụ việc tương tự trong quá khứ, với con số thiệt hại nhân mạng rất lớn và thông tin đến với công chúng gần như ngay lập tức.

Khu vực tàu Cheonan bị chìm là một vị trí hoàn hảo cho những cuộc đụng độ như vậy. Con tàu bị chìm ở vùng biển quanh đảo Baengnyeong, một trong những phần lãnh thổ xa nhất của Hàn Quốc, rất gần bờ biển BTT. Trên thực tế hòn đảo này còn nằm gần Bình Nhưỡng hơn Seoul. BTT cho rằng hòn đảo này, cùng 1 đảo khác là Daecheong, đáng lẽ phải thuộc về mình, lí do là nếu đường phân chia 2 miền trên bộ được kéo dài ra biển thì 2 hòn đảo này cùng vùng biển quanh đó sẽ thuộc về miền bắc. Chỉ riêng trong 1 thập niên qua đã có 3 cuộc đụng độ giữa hải quân 2 miền tại khu vực này, mà trong đó ưu thế thường nghiêng về miền Nam.

Có thể thấy rõ sự lúng túng và mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ Hàn Quốc giữa việc che đậy vụ việc như những lần khác và việc công bố sự thật. Tiêu biểu trong nhóm thứ 2 là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Kim Tae-Young. Là 1 cựu quân nhân và theo đường lối cứng rắn với miền Bắc, ông này trước kia từng 2 lần cảnh báo rằng nếu biết chắc rằng phía BTT sắp tấn công, miền Nam sẽ ra tay trước.  Trong khi mà mọi quan chứ cấp cao khác trong nội các, thậm chí ngay cả tướng Walter Sharp - tư lệnh lực lượng Mỹ đồn trú tại HQ, tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì Kim Tae-Young không hề ngần ngại trong việc chỉ đích danh BTT như nghi phạm chính. Ngày 29/3, trong buổi điều trần trước QH, ông này cho rằng có thể miền Bắc đã cố tình đặt mìn. Bốn ngày sau, cũng trước QH, ông này cho rằng ngư lôi là nguyên nhân hợp lý hơn. Trong lúc đó, các nguồn chính thức khác từ nội các đề cập đến vô số các giả thiết khác nhau, kể cả các giả thiết phi lý nhất như tàu bị mắc cạn, va phải 1 rặng san hô... Đến ngày 6/4, một tờ báo của HQ chụp được 1 bức ảnh từ phía sau ông Kim Tae-Young, lúc đó đang cầm 1 bản ghi nhớ được viết tay. Nội dung trong đó là "nhớ nói rằng ông chỉ biết về nguyên nhân sau khi con tàu được trục vớt, đúng như những gì chúng ta đã đồng ý. Và quân đội đang điều tra mọi khả năng và ông không nghiêng về bất cứ giả thiết nào. Tổng thống Lee muốn ông nói rằng việc2 tàu ngầm của miền Bắc biến mất khỏi căn cứ chỉ có nghĩa là quân đội không biết chúng đang ở đâu, và không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa sự kiện này và vụ chìm tàu".

Sự khác biệt về quan điểm giữa Bộ trưởng BQP và các thành viên dân sự của nội các cho thấy sự bất mãn âm ỉ của giới quân sự Hàn Quốc trước việc phải thường xuyên kiềm chế trước các hoạt động khiêu khích của BTT từ trước cho tới nay. Khác với đồng minh Mỹ, chức vụ Bộ trưởng BQP tại HQ vẫn do các tướng lĩnh quân đội nắm giữ thay vì các quan chức dân sự, do đó việc "lệch pha" ngay trong nội bộ chính phủ HQ là ko thể tránh khỏi.

Trên thực tế, ngay sau khi tàu Cheonan bị chìm, tình báo quân đội HQ đã gửi 1 báo cáo cho Tổng thống Lee Myung-bak, khẳng định chắc chắn sự dính líu của phía BTT vào sự kiện Cheonan. Thậm chí trong báo cáo còn nêu rõ rằng tình báo quân đội tin rằng ngư lôi là thủ phạm làm chìm tàu

Điều trớ trêu là những chính sách ưu đãi của HQ cho BTT theo chính sách Ánh Dương cũng trực tiếp tăng cường sức mạnh quân sự của miền Bắc. Ví dụ như một số cáp quang mà miền Nam cung cấp cho miền Bắc để sử dụng cho đường dây liên lạc giữa 2 miền đã bị chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự. Việc này khiến cho HQ gặp rất nhiều khó khăn trong việc do thám BTT.

Có một thực tế rõ ràng là Hàn Quốc không ở trong điều kiện có thể thực hiện các hành động quân sự. Seoul, thủ đô và là trung tâm kinh tế chính của Hàn Quốc với 25% dân số, nằm trọn trong tầm pháo kích của pháo binh BTT, đặc biệt là từ Quân đoàn pháo binh 620 và Kangdong. Mỗi quân đoàn có từ 6 đến 12 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có từ 35 - 70 pháo các loại, tổng cộng là gần 1,200 đơn vị. Nói cách khác, BTT có thể nhấn chìm Seoul trong biển lửa trong nháy mắt.

Vụ pháo kích đảo Yeonpyeong

Khi vụ việc Cheonan vừa lắng dịu, ngày 23/11/2010, Bắc Triều Tiên bất ngờ pháo kích dữ dội Yeonpyeong, một hòn đảo nhỏ của HQ gần ranh giới trên biển của 2 miền. Vụ pháo kích làm 2 thường dân và 2 lính thuỷ đánh bộ HQ thiệt mạng, cùng nhiều thiệt hại về vật chất. Khác với vụ Cheonan, chính Bắc Triều Tiên xác nhận mình đã thực hiện vụ pháo kích này và mục tiêu bao gồm cả dân thường.

Trước tiên hãy xem lại chi tiết sự việc xảy ra

Bản đồ bên dưới cho thấy vị trí của đảo Yeonpyeong, đường ranh phân chia trên biển (màu xanh), và đường ranh mới mà Bắc Triều Tiên tự đặt ra từ 1999. Khung chữ nhật màu đỏ là khu vực triển khai các khẩu đội pháo của Bắc Triều Tiên. Khu vực này có thể được xem rõ hơn trong hình chụp vệ tinh ngay bên dưới.



Trong ảnh vệ tinh, là nơi BTT triển khai khẩu đội pháo hoả tiễn BM-21 dùng để tấn công đảo Yeonpyeong. Khẩu đội có 6 xe pháo, mỗi xe chứa 40 hoả tiễn cỡ 122mm. Tổng cộng có 170 hoả tiễn được phóng về phía đảo Yeonpyeong. Trong đó 80 quả rơi trúng đảo, số còn lại rơi xuống vùng biển chung quanh. 20 trong số 80 quả đó không phát nổ.



Vụ pháo kích làm 2 thường dân và 2 lính thuỷ đánh bộ đóng quân trên đảo thiệt mạng. Một trong số 2 lính thuỷ đánh bộ khi đó vừa được nghỉ phép và đang đợi ở bến tàu để về đất liền. Khi vụ tấn công xảy ra, người này liền quay trở lại doanh trại và tử thương do bị trúng đạn pháo.

Lực lượng HQ đồn trú trên đảo phản pháo kích 13 phút sau đó, sử dụng pháo tự hành K-9. Tổng cộng khoảng 80 phát đạn được phía HQ bắn đi. Một số rơi phía sau vị trí khẩu đội BM-21, cách khoảng 80m. Trong hình dưới, những vòng tròn màu vàng đánh dấu vị trí các hố đạn do đợt phản pháo kích của phía HQ. Nhiều khả năng phía BTT không chịu nhiều thiệt hại vì có thể các giàn pháo hoả tiễn đã kịp di chuyển ra khỏi đó, và khu vực nơi đạn pháo HQ rơi chủ yếu là đất bùn.

Trong ảnh vệ tinh có thể thấy rõ 6 công sự đất được đắp để bảo vệ cho các giàn hoả pháo. Vào thời điểm ảnh được chụp thì tất cả xe đã di chuyển ra khỏi vị trí, nhưng vẫn còn có thể thấy các vệt cháy xém (được đánh dấu mà xanh lục) gây ra do luồng phản lực của hoả tiễn. Vị trí số 6, ở dưới cùng, không thấy có vết cháy xém, chứng tỏ khẩu đội đã di chuyển đi trước khi sử dụng toàn bộ hoả lực của mình, có thể là do phía BTT phát hiện đợt phản pháo kích của phía HQ.



Có thể thấy khả năng tác chiến của pháo binh BTT qua cuộc tấn công này là không cao. Hơn phân nửa số tên lửa không rơi trúng đảo, một mục tiêu có kích thước rất lớn. Tỷ lệ đạn lép cao. Đặc biệt là không thể phối hợp để tất cả số phi pháo đến mục tiêu cùng lúc. Đối với hoả lực pháo binh, đa số thương vong gây ra trong khoảng thời gian rất ngắn lúc đầu, sau đó binh lính tại vị trí bị pháo kích đã kịp tìm nơi ẩn nấp. Do đó lý tưởng nhất là phối hợp sao cho tất cả số đạn pháo đều đến mục tiêu gần như cùng lúc.

Ngoài ra, còn phải xét đến yếu tố đây là một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước, nghĩa là phía BTT có nhiều thời gian để chuẩn bị, cũng như có thể tuyển chọn, sử dụng phương tiện, con người tốt nhất cho chiến dịch này. Do đó, kết quả của cuộc pháo kích này để lại dấu hỏi lớn về năng lực thật sự của lực lượng quân sự BTT. Cần nhớ sức mạnh pháo binh đóng vai trò trung tâm trong khả năng răn đe của phía BTT đối với HQ.

Trên thực tế, chắc chắn phía BTT cũng đã tính đến khả năng của pháo binh HQ, đặc biệt là K-9, pháo tự hành cỡ 155mm do HQ tự sản xuất. Pháo hoả tiễn được chọn để thực hiện cuộc tấn công vì chúng có ưu điểm là nhịp bắn và tính cơ động cao. Các giàn hoả pháo có thể di chuyển đến vị trị chọn sẵn, khai hoả toàn bộ hoả lực của mình và di chuyển đi chỉ trong 1 thời gian ngắn.

Tuy nhiên pháo hoả tiễn có điểm yếu là độ chính xác kém. Nó chỉ phù hợp trong việc tiêu diệt sinh lực đối phương trong một khu vực rộng lớn, ngoại lệ duy nhất hiện nay là hệ thống GMLRS của quân đội Mỹ, do sử dụng cơ chế dẫn đường bằng vệ tinh nên có độ chính xác tương đương bom thông minh. BTT phải trả giá cho độ chính xác kém bằng việc dân thường chiếm đến 1 nửa thương vong cho dù mục tiêu chính của cuộc tấn công là nhằm vào lực lượng thuỷ quân lục chiến đang đồn trú trên đảo, đặc biệt là đơn vị pháo binh K-9, vì nếu vô hiệu hoá được lực lượng này thì BTT cũng loại bỏ được nguy cơ bị phản pháo kích. Tuy nhiên rõ ràng mục tiêu đó đã không đạt được, khi chỉ gây ra hư hại nhẹ cho một số pháo K-9 trong khi lại gây thiệt hại nặng cho các mục tiêu dân sự.

Đối với các nước có liên quan

Hàn Quốc

Trong vụ Cheonan, sau khi chính phủ HQ công bố kết quả điều tra chính thức của đội điều tra quốc tế, ngay trong dân chúng HQ cũng có rất nhiều người không tin rằng BTT là thủ phạm. Không ít người theo thuyết âm mưu còn tin rằng chính Mỹ và chính phủ HQ đã dàn dựng lên vụ việc. 60 năm đã qua đi và còn rất ít người HQ còn nhớ tới chiến tranh Triều Tiên. Đa số giới trẻ cũng không nhớ, hay không biết tới những vụ tấn công tương tự của BTT, vốn chủ yếu xảy ra từ những năm 70 trở về trước. Một bộ phận khá lớn người dân HQ hiện nay có tư tưởng chống sự hiện diện của quân đội Mỹ, cho rằng đó là nguồn gốc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và có sự thông cảm giành cho BTT. Tuy nhiên, sau vụ tấn công vào đảo Yeonpyeong ít ai có thể nghi ngờ sự đồng thuận trong nội bộ chính phủ và người dân HQ trong việc lên án BTT.

Cuộc pháo kích vào Yeonpyeong chắc chắn sẽ tạo sự liên tưởng đến vụ chìm tàu Cheonan chỉ vài tháng trước và vô tình càng khiến nhiều người tin rằng chính BTT là thủ phạm vụ tàu Cheonan. Lần đầu tiên trong hơn 1 thập niên, truyền thông và công chúng Hàn Quốc công khai gọi BTT là 'kẻ thù'.

2 vụ việc trên có thể coi như những giọt nước làm tràn ly, khi mà sự thông cảm của người dân Hàn Quốc dành cho BTT đã bị bào mòn dần qua việc BTT, bất chấp chính sách thân thiện 'Ánh Dương', vẫn tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của mình. Chính sách 'Ánh Dương' thực chất là việc HQ cố gắng 'mua' hoà bình từ miền Bắc thông qua các chương trình viện trợ rộng rãi. Việc ông Lee Myung-bak, người theo đường lối cứng rắn được bầu lên làm TT, đã đánh dấu sự thất bại của chính sách Ánh Dương và sự thay đổi thái độ của người dân HQ đối với BTT.

Quân đội HQ đặc biệt bị chỉ trích nặng nề trong cả 2 vụ tấn công. Trên thực tế ngay từ năm ngoái, sau vụ tàu Cheonan, Uỷ ban thanh tra và kiểm toán quốc gia HQ đã công bố một bản báo cáo, trong đó chỉ trích nặng nề quân đội HQ. Trong đó bao gồm việc không tăng cường cảnh giác sau vụ giao tranh trên biển hồi tháng 11/2009, phớt lờ yếu kém trong khả năng tác chiến chống tàu ngầm trong khu vực duyên hải. Bản báo cáo đề nghị kỷ luật 25 sĩ quan cao cấp có trách nhiệm trong vụ chìm tàu Cheonan.

Còn trong vụ Yeonpyeong, đây không phải là lần đầu đảo này bị tấn công. Tháng 1/2010, phía BTT cũng đã một lần pháo kích, nhưng không trúng đảo mà rơi xuống vùng biển xung quanh. Ngay sau đó Quốc hội HQ tổ chức 1 buổi điều trần, trong đó các tướng lĩnh bảo đảm rằng nếu phía BTT pháo kích một lần nữa, pháo binh HQ sẽ phản pháo lại ngay lập tức với số lượng pháo gấp 3 đến 4 lần số pháo của BTT. Nhưng thực tế diễn ra không đúng như vậy và uy tín của quân đội HQ một lần nữa bị sứt mẻ nghiêm trọng.

2 sự kiện Cheonan và Yeonpyeong bộc lộ những điểm yếu nội tại nghiêm trọng của quân đội Hàn Quốc cho dù trong những thập niên gần đây, sức mạnh quân sự của HQ đã có sự phát triển vượt bậc nhờ vào nền kinh tế thịnh vượng của mình. Sự chỉ trích đặc biệt nhắm vào các tướng lĩnh chỉ huy. Nhiều người HQ vẫn không quên thời kỳ độc tài quân sự từ những năm 60 đến đầu những năm 90. Mặc dù sự lãnh đạo của giới tướng lĩnh với đất nước đã kết thúc nhưng những người này vẫn còn giữ lại rất nhiều đặc quyền cho mình, và không bao giờ chấp nhận việc mình mắc sai lầm.

Tuy nhiên đã có sự thay đổi lớn lần này, khi chính quyền dân sự quyết định mạnh tay hơn trong việc cải tổ bộ máy lãnh đạo của quân đội. 60 trong số 440 tướng và đô đốc được dự kiến cắt giảm, sau đó con số này được giảm còn 30. Cuộc cải tổ còn bao gồm việc nâng cao chất lượng sĩ quan nói chung, ví dụ như từ nay các sinh viên sau khi hoàn thành khoá huấn luyện sĩ quan dự bị sẽ nghiễm nhiên trở thành sĩ quan ngay như trước nữa mà phải trải qua quá trình tuyển lựa. Việc huấn luyện cũng được thay đổi để giống với thực tế hơn. Nhiều binh sĩ trước kia được phân công vào các vị trí phục vụ cho các sĩ quan nay được chuyển sang các vị trí chiến đấu hoặc hỗ trợ chiến đấu. Một thay đổi lớn nữa là việc HQ chủ động yêu cầu hoãn quá trình chuyển giao quyền chỉ huy tối cao quân đội khi có chiến tranh từ Mỹ sang HQ.

Về một mặt nào đó, có thể xem các vấn đề của quân đội HQ một phần là do tác dụng phụ của thành công. Kể từ những năm 70 cho đến nay, khoảng cách về tiềm lực quốc phòng giữa 2 miền càng ngày càng được mở rộng, đến mức HQ cho rằng miền Bắc không còn là đối thủ chính của mình nữa, và bắt đầu hướng đến các mục tiêu xa hơn. Tiêu biểu chính là với hải quân Hàn Quốc. Nước này giờ đây có thể tự đóng những tàu khu trục có lượng choán nước gần 1 vạn tấn, còn lớn hơn cả các tàu cùng loại của hải quân Mỹ, và được trang bị những công nghệ hiện đại nhất, bao gồm cả hệ thống phòng không hợp nhất Aegis. Tham vọng của hải quân HQ là vươn lên trở thành lực lượng hải quân viễn dương, có khả năng tác chiến tầm xa, cạnh tranh với Nhật Bản và TQ. Tuy nhiên, chính vì vậy mà hải quân HQ đã xao lãng năng lực chống  các tàu ngầm mini trong khu vực duyên hải, vốn là thế mạnh của hải quân BTT, mà vụ tàu Cheonan là hậu quả trực tiếp.

Hàn Quốc tất nhiên không hề mong muốn chiến tranh liên Triều lại tái diễn. Cho dù HQ hiện nay có tiềm lực mạnh hơn người anh em miền Bắc của mình và nhiều khả năng giành chiến thắng cuối cùng thì BTT cũng sẽ kịp gây ra những thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế HQ. Tuy nhiên, còn 1 vấn đề lớn hơn nữa. Đó là chi phí khổng lồ cần thiết cho việc tái thống nhất 2 miền. Sự chênh lệch về trình độ là quá lớn, và việc phải gánh trách nhiệm tái thiết miền Bắc sẽ kéo lùi nền kinh tế HQ ít nhất là 1 thập niên. Vấn đề không chỉ nằm ở những sự chênh lệch về vật chất, mà còn là sự khác biệt về văn hoá, lối sống. Người dân BTT chắc chắn sẽ rất khó thích nghi với 1 xã hội hoàn toàn khác với những gì mình đã trải qua. Khi 2 miền nước Đức thống nhất, tuy có cũng có sự khác biệt, nhưng ít nhất thì cả 2 đều là những xã hội công nghiệp phát triển. Thống kê đối với những người tị nạn BTT đang sống ở HQ cho thấy có đến 30% trong số họ muốn rời HQ và đi đến sinh sống ở 1 nơi nào đó khác, 70% không có việc làm. Mỗi người tị nạn BTT khi đến HQ làm tiêu tốn của chính phủ nước này 100,000 dollar để ổn định ăn ở cho những người này.

Bắc Triều Tiên

Câu hỏi đặt ra là tại sao BTT lại thực hiện những vụ tấn công trên. Đối với vụ Cheonan, nguyên nhân trực tiếp là việc trả đũa cho thất bại trong trận hải chiến hồi tháng 11 năm 2009. Còn trong vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, khó có thể chỉ rõ đâu là nguyên nhân trực tiếp. Tuy nhiên, có thể thấy cả 2 sự kiện trên đều có chung các các nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, đây gần như là 1 dạng 'tống tiền' của BTT, nhằm gây sức ép đối với TT Lee Myung-bak phải nối lại những ưu đãi như dưới thời kì 'Án Dương'. Thông điệp của miền Bắc là rất rõ ràng, nếu miền Nam không muốn rắc rối, hãy nối lại viện trợ ngay. Lí do thứ 2 liên quan đến việc lãnh đạo Kim Young IL chỉ định con út Kim Young Un lên làm người kế vị của mình. Bằng cách tạo sự căng thẳng với bên ngoài, Kim Young IL có thể tập trung sự ủng hộ trong nội bộ đất nước cho con mình. Hoặc có thể đưa chính Kim Young Un ra chỉ đạo những chiến dịch trên nhằm xác lập sự lãnh đạo của vị lãnh đạo trẻ với quân đội.

Mối lo lớn nhất của là Kim Young IL là đảm bảo được quyền lực của con trai sau khi mình qua đời. Kim Young Un vẫn còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng. Khi không còn cái bóng của cha mình thì vị thế rất dễ lung lay. Hơn ai hết, bản thân Kim Young IL hiểu rõ điều này. Kể từ khi được cha mình, Kim IL-Sung, chỉ định làm người kế vị (1974) cho đến khi chính thức nắm quyền (1994), Kim Young IL có đến 20 năm dưới sự dìu dắt của cha mình. Thời gian đó đủ dài để Kim Young IL tích luỹ kinh nghiệm, tập hợp đủ sự ủng hộ cho bản thân mình. Trong khi với tình hình sức khoẻ hiện nay, Kim Young IL khó có cơ hội dành nhiều thời gian như vậy cho con trai mình. Do đó Kim Young IL phải hành động một cách gấp gáp, và mắc sai lầm nghiêm trọng khi ra lệnh pháo kích đảo Yeonpyeong.

Tuy nhiên phải thấy rằng về bản chất, BTT cũng hoàn toàn không muốn phải lao vào cuộc chiến liên Triều một lần nữa. Vì lần này họ cũng khó có thể giành chiến thắng. Tất cả những gì mà giới lãnh đạo BTT mong muốn là duy trì được quyền lực của mình.

Trung Quốc

TQ là chỗ dựa duy nhất của BTT hiện nay. Có thể ví sự ủng hộ của TQ đối với nước này giống như 1 ống thở oxy đối với 1 người bệnh nặng. Thái độ của TQ đối với BTT trong 2 sự kiện trên phản ánh sự phức tạp trong vai trò của TQ đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.

Về cơ bản, chính sách của TQ là ngăn không cho chiến tranh lại nổ ra và giữ không cho chính thể của BTT sụp đổ. Bởi vì hậu quả nhãn tiền sẽ là hàng triệu người tị nạn tràn vào TQ. Một cuộc chiến cũng sẽ tàn phá nền kinh tế HQ, một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của TQ hiện nay. Và chiến tranh xảy ra, nhiều khả năng phía HQ sẽ là người chiến thắng, khi đó TQ sẽ có 1 nước đồng minh của Mỹ ngay sát biên giới của mình. Ngoài ra, phần lãnh thổ TQ giáp với BTT có đa số dân chúng là người gốc Triều Tiên. Sự thống nhất của 2 miền Triều Tiên có thể là chất xúc túc cho 1 phong trào li khai trong khu vực này. Giới lãnh đạo TQ hiện nay đã đủ đau đầu với các phong trào li khai khác.

Đối với vụ Cheonan, mặc dù không công khai chỉ trích, TQ cho thấy mình không hài lòng đối với hành động này của BTT. ngay sau vụ việc xảy ra, Kim Jong IL có 1 chuyến thăm nước này. Khi đó, phía TQ khá chắc chắn rằng chính BTT gây ra vụ này, nhờ vào mạng lưới tình báo sâu rộng trong lòng BTT. Tuy nhiên, Kim Jong IL liên tục phủ nhận trước các câu hỏi của các quan chức cấp cao TQ. Thay vào đó, Kim Jong IL lại yêu cầu được cung cấp 30 máy bay cường kích hải quân JH-7A cùng với các tên lửa diệt hạm C-801 và C-802. Nhưng phía TQ đã từ chối các yêu cầu này. Vài tháng sau đó, Kim Jong IL lại có một chuyến thăm TQ nữa, và tiếp tục đưa ra yêu cầu này. Phía TQ một lần nữa từ chối. Một phần lí do là vì bản thân hải quân TQ cũng đang rất cần những máy bay này, nhưng một phần khác là do TQ cảm thấy bất an trước cách hành xử hồ đồ của phía BTT.

Ba tháng sau vụ Cheonan là dịp kỷ niệm 60 năm ngày nổ ra chiến tranh Triều Tiên, 25/06/1950. Trong một bài viết trên tờ tạp chí International Herald Leader có đoạn "Quân đội BTT vượt qua biên giới 2 miền ngày 25/6 và Seoul bị chiếm 4 ngày sau đó". Bài báo này nhanh chóng lan truyền trước khi bị gỡ bỏ. Đây thực sự là 1 cú sốc trong giới truyền thông TQ vì từ trước đến nay trong mọi tài liệu TQ vẫn luôn khẳng định rằng chính Mỹ và HQ đã phát động chiến tranh trước. Tờ tạp chí này là một ấn bản thuộcTân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của TQ. Liệu đây là chỉ là kết quả của một sơ suất hay là một hành động ngầm nhắc nhở BTT?

Đối với vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, TQ lại công khai ủng hộ BTT khi cho rằng Mỹ và HQ đã khiêu khích khi thực hiện một cuộc tập trận hải quân chung. Lí do cho sự thay đổi này không phải liên quan đến chính sách với bán đảo Triều Tiên mà đến từ sự phản đối ngày càng gay gắt của TQ đối với sự hiện diện của hải quân Mỹ trong vùng biển quanh TQ.

Mỹ

Chính sách của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên bao gồm 2 mục tiêu chính là ngăn không cho BTT sở hữu vũ khí hạt nhân và ngăn không cho chiến tranh liên Triều lại xảy ra. Việc này không chỉ bao gồm việc ngăn miền Bắc tràn xuống miền Nam mà còn ngược lại. Hiện nay Mỹ đang phải căng sức cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, nên điều cuối cùng mà một tổng thống Mỹ muốn là phải giúp đồng minh trong một cuộc chiến quy mô lớn tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Tóm lại, điều kỳ lạ là cả 4 bên đều có chung 1 mục tiêu, đó là giữ nguyên hiện trạng càng lâu càng tốt. Chỉ có cách thức mà mỗi bên sử dụng để đạt tới mục tiêu trên là khác nhau. Trong đó, HQ đang ở thế bất lợi nhất, không phải vì họ yếu nhất, mà vị họ có quá nhiều thứ để mất.

No comments: