Chiến lược quân sự mới của Mỹ vừa được công bố sẽ có những tác động to lớn không chỉ với nước Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới. Hãy cùng tóm lược các thay đổi lớn mà chiến lược này có thể đem đến. Hai điểm chính xuyên suốt chiến lược này là tái định vị ưu tiên về lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thích ứng với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Cuộc chiến chống khủng bố
Chiến lược mới khẳng định “trong tương lai gần, nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chủ động chống lại các nguy cơ” gây ra bởi chủ nghĩa khủng bố. Trong đó nhiệm vụ cụ thể là “làm rối loạn, vô hiệu hoá, và đánh bại hoàn toàn Al-Qaeda và ngăn không cho Afghanistan trở lại thành thiên đường của các tổ chức khủng bố”. Việc dùng cụm từ “trong tương lai gần” cho thấy Mỹ đã dần đưa cuộc chiến chống khủng bố ra khỏi vị trí ưu tiên cao nhất trong chiến lược quân sự của mình. Việc Bin Laden bị tiêu diệt và Mỹ ấn định thời gian biểu triệt thoái khỏi Afghanistan có thể là những sự kiện đánh dấu sự kết thúc của mô hình “chiến tranh toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố” mà Mỹ theo đuổi từ sau vụ 11/9 cho tới nay.
Tất nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chống khủng bố, nhưng chỉ bằng các chiến dịch quy mô nhỏ trong trường hợp cần sử dụng biện pháp quân sự, không phải bằng chiến tranh toàn diện như tại Aghanistan hay Iraq nữa. Theo đó, quân đội Mỹ cũng sẽ không còn hướng tới việc “thực hiện những chiến dịch bình ổn an ninh lớn và lâu dài” nữa. Có thể xem đây là do sự kết hợp của tình hình ngân sách bị cắt giảm và dư âm của cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Trong cả 2 cuộc chiến đó, giai đoạn đầu diễn ra rất nhanh chóng, quân đội Mỹ dễ dàng đánh bật chế độ cầm quyền Saddam Hussein và Taliban. Nhưng khoảng thời gian sau đó, khi Mỹ chịu rất nhiều tổn thất khi phải đóng quân lâu dài để đảm bảo an ninh, hỗ trợ quá trình xây dựng chính quyền mới. Quá trình này tiêu tốn không chỉ nguồn lực cho các hoạt động quân sự mà còn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, việc làm...
Thay đổi trọng tâm ưu tiên
Thay đổi được chú ý nhất trong chiến lược này là việc Mỹ sẽ “...hướng trọng tâm trở về lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do các nhu cầu thực tế...”. Các nhu cầu thực tế ở đây được định nghĩa là “...những lợi ích kinh tế và an ninh của nước Mỹ gắn liền với sự phát triển của vòng cung Đông Á - Tây Thái Bình Dương - Nam Á - Ấn Độ Dương...”
Trong đó Mỹ nêu đích danh Trung Quốc là “...một cường quốc khu vực có tiềm năng gây ảnh hưởng lên các lợi ích an ninh, kinh tế của nước Mỹ...”. Như vậy tuy không xem Trung Quốc là đối thủ như đối với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng đã công khai xem Trung Quốc là một đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong chiến lược quân sự mới của mình.
Đặc điểm địa lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và yêu cầu phải kiềm chế Trung Quốc đòi hỏi sử dụng chủ yếu là không quân và hải quân, ngược với 2 cuộc chiến lớn vừa qua của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Vì vậy quân đội Mỹ sẽ phải hy sinh các lực lượng trên bộ. Lục quân và thuỷ quân lục chiến sẽ bị cắt giảm 100,000 người. Đổi lại, hải quân Mỹ vẫn sẽ có thể duy trì 11 tàu sân bay hạt nhân hạng nặng của mình. Những tàu sân bay này vẫn luôn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, ngay từ khá lâu trước khi có bản chiến lược mới này, đã có nhiều phỏng đoán về việc con số này trong tương lai sẽ bị giảm xuống 10, thậm chí 9 chiếc, để tiết kiệm chi phí. Việc giữ nguyên số tàu sân bay cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Để cân bằng với sự tăng cường ở Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ cần cắt giảm mạnh lực lượng tại châu Âu. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi kể từ sau khi Liên Xô tan rã thì không còn mối đe doạ quân sự lớn nào đối với các đồng minh của Mỹ tại châu Âu. Lực lượng đồn trú thường trực của Mỹ tại châu Âu sẽ bị cắt giảm còn 1 nửa. Hiện nay vai trò thực tế của các căn cứ Mỹ tại đây chủ yếu để hỗ trợ các chiến dịch tại Trung Đông và Afghanistan.
Việc triệt thoái khỏi Iraq không có nghĩa là khu vực Trung Đông sẽ suy giảm tầm quan trọng trong chính sách quân sự của Mỹ. “...ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran...đảm bảo cho an ninh của Israel...” vẫn là những mục tiêu chiến lược của nước này. Dầu mỏ và quan hệ đồng minh với Israel là 2 lí do chính gắn chặt quyền lợi của Mỹ với khu vực này, và chúng không thể thay đổi trong tương lai gần. Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương sẽ là 2 trọng điểm ưu tiên của chính sách quốc phòng Mỹ.
Cắt giảm ngân sách quốc phòng và các hệ quả
Một thay đổi lớn nữa liên quan đến chiến lược “Chiến tranh kép”. Chiến lược này được đề xướng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc bởi tướng Collin Powell, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ phải có thể cùng lúc chiến đấu, và chiến thắng, trong 2 cuộc chiến tranh lớn.
Mục đích chính thật sự đằng sau “Chiến tranh kép” là tránh việc ngân sách cho quốc phòng bị cắt giảm quá nhiều. Sự kiện Liên Xô sụp đổ đồng nghĩa với sự biến mất của đối thủ ngang tầm duy nhất của quân đội Mỹ. Các quốc gia khác khi đó đều có tiềm lực quân sự quá yếu so với Mỹ. Vì vậy khoản ngân sách khổng lồ hàng năm cho quốc phòng là không còn cần thiết. Nhờ có chiến lược “Chiến tranh kép”, ngân sách cho quân đội Mỹ tuy cũng bị cắt giảm so với Chiến tranh lạnh, nhưng không quá nghiêm trọng.
Nhiều đời bộ trưởng quốc phòng liên tiếp đã tìm cách thay đổi chiến lược này nhưng không thành công. Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế vừa qua buộc Mỹ phải cắt giảm mạnh ngân sách cho quốc phòng trong những năm sắp tới, do đó chiến lược “chiến tranh kép” không còn phù hợp. Thay vào đó, theo chiến lược mới này thì “...ngay cả khi quân đội Mỹ đang tham chiến trong một cuộc chiến quy mô lớn, nó vẫn có thể ngăn cản một quốc gia gây hấn khác thực hiện mưu đồ của mình tại một khu vực khác trên thế giới, hoặc buộc quốc gia gây hấn đó phải trả 1 cái giá rất đắt...”
Như vậy, mục tiêu quân đội Mỹ hiện nay là chiến đấu, và chiến thắng, trong 1 cuộc chiến tranh quy mô lớn, thay vì 2 như trước đây, và cùng lúc đó có thể cầm chân đối phương nếu có 1 cuộc chiến tranh khác nổ ra. So sánh một cách dễ hiểu thì trước đây, quân đội Mỹ sẽ cần 1 nguồn lực là 2X, trong đó X là nguồn lực cần thiết để chiến thắng trong 1 cuộc chiến tranh lớn, thì sắp tới con số này sẽ còn khoảng 1.5X. Thay đổi này có nghĩa là trong tương lai Mỹ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi sử dụng các biện pháp quân sự.
Chiến lược mới kêu gọi chống lại việc “hy sinh mức độ sẵn sàng chiến đấu để duy trì quy mô quân đội như hiện nay”. Nói cách khác, trước viễn cảnh ngân sách quân sự bị cắt giảm, quân đội Mỹ chấp nhận giảm số lượng để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng sẽ “xây dựng lại khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với những phương thức tác chiến đã bị xem nhẹ vì yêu cầu thực tế trong thập niên qua”. Yêu cầu thực tế được nói đến ở đây là các chiến dịch an ninh, chống phiến loạn tại Iraq và Afghanistan. Từ nay quân đội Mỹ sẽ tập trung trở lại vào khả năng chiến đấu với các quân đội chính quy lớn, ví dụ như với Trung quốc.
Sức mạnh hạt nhân
Chiến lược mới cho rằng “có thể duy trì khả năng răn đe hạt nhân với một số lượng vũ khí hạt nhân ít hơn hiện nay”. Điều này có nghĩa là sắp tới Mỹ sẽ tiếp tục thu nhỏ quy mô lực lượng hạt nhân của mình. Hiện nay mỗi năm Lầu Năm Góc phải chi hơn 1 tỷ dollar để bảo quản, lưu trữ kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, mặc dù không được sử dụng trong thực tế thì chúng vẫn cần được nâng cấp, thay thế, với một cái giá không hề rẻ. Một ví dụ là dự án thay thế 3,000 đầu đạn hạt nhân loại trang bị cho các tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân. Được đề xuất cách đây 4 năm, nó dự kiến tiêu tốn đến 100 tỷ dollar. Do đó quân đội Mỹ quyết định vẫn giữ lại các đầu đạn cũ và chỉ nâng cấp chúng. Hiện nay Mỹ còn khoảng 7,000 đầu đạn hạt nhân các loại, Nga cũng có số lượng tương tự. Trong 20 năm qua, 2 cường quốc này đã loại bỏ hơn 15,000 đầu đạn thông qua các hiệp ước giải trừ hạt nhân. Mục tiêu của 2 nước là giảm số lượng đầu đạn ở mỗi nước xuống còn 2,000 đơn vị.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment