Ngày 10/6 vừa qua là kỷ niệm 10 năm ngày hệ thống THAAD lần đầu đánh chặn thành công mục tiêu của mình, một tên lửa đạn đạo. THAAD viết tắt cho Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối tầm cao cho khu vực lớn.
Đúng như tên gọi của nó, THAAD là hệ thống phòng không cơ động chuyên dùng để bắn chặn tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung trong giai đoạn cuối của chúng. Như đã biết, tên lửa đạn đạo có 3 giai đoạn: giai đoạn đầu khi nó vừa rời bệ phóng, giai đoạn giữa khi tên lửa rời bầu khí quyển và di chuyển trong không gian và giai đoạn cuối khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển.
Tuy vậy, THAAD khác với Patriot PAC-3 ở chỗ tuy chúng cùng bắn chặn tên lửa ở giai đoạn cuối, THAAD có tầm bắn xa hơn nhiều, lên tới 200km, so với 20km của PAC-3. Nó có thể bắn chặn tên lửa ngay từ bên ngoài bầu khí quyển. Do đó, THAAD dùng để bảo vệ một khu vực rộng lớn, còn PAC-3 bảo vệ một mục tiêu cụ thể. Cho tới này, THAAD là hệ thống phòng không duy nhất có thể tấn công mục tiêu cả bên trong và bên ngoài bầu khí quyển.
Một hệ thống THAAD gồm radar băng tần X, trung tâm chỉ huy, giàn phóng di động và tên lửa. Radar của THAAD có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 1000km. Thông tin được chuyển đến trung tâm chỉ huy, đặt trên 1 chiếc Humvee. Nó có thể phối hợp hoạt động của THAAD với các hệ thống phòng không khác. Mỗi giàn phóng có thể chứa 10 tên lửa, và có thể được không vận bằng máy bay C-130. Thời gian để nạp lại tên lửa là 30 phút. Bản thân tên lửa dài 6.17m, nặng 900kg, trang bị đầu dò hồng ngoại.
THAAD còn gắn với một công nghệ đặc biệt: tiêu diệt mục tiêu bằng động năng. Thông thường các tên lửa phòng không đều có một đầu đạn chứa thuốc nổ, khi đến gần mục tiêu, nó sẽ kích nổ và tiêu diệt hoặc làm hư hại mục tiêu. THAAD hoàn toàn không chứa chất nổ và tiêu diệt mục tiêu bằng cách lao thẳng vào nó. Điều này đòi hỏi một độ chính xác tuyệt đối, nhưng bù lại tên lửa sẽ rất gọn nhẹ, tiết kiệm được trọng lượng và không gian.
Điều trùng hợp là ngày 10/6 cũng là kỷ niệm 25 năm ngày công nghệ này lần đầu thành công trong việc tiêu diệt một tên lửa đạn đạo, cũng do hãng Lockheed Martin, hãng chế tạo THAAD, thực hiện. Công nghệ tiêu diệt bằng động năng đã mở ra một chương mới trong khái niệm phòng thủ tên lửa. Sau buổi thuyết trình giới thiệu công nghệ này lần đầu, các tướng lĩnh đã trực tiếp đến gặp những kỹ sư để cảm ơn vì nếu không có nó, họ buộc phải dùng đầu đạn hạt nhân trong hệ thống phòng thủ tên lửa (như hệ thống SDI).
Trong hình, tên lửa để lại một cuộn khói hình xoắn ốc là do tầm bắn của nó quá lớn so với căn cứ thử nghiệm vũ khí, do đó khi vừa rời giàn phóng, nó sẽ bay theo hình xoắn ốc như vậy trước để đốt bớt năng lượng và giảm nguy cơ nó rơi ra ngoài khu quân sự.
No comments:
Post a Comment