7.12.11

Chiến trường Thái Bình Dương

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của TQ trong thời gian gần đây đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới. Mặc dù cho đến nay cả 2 nước vẫn đang là đối tác kinh tế lớn của nhau và cả 2 chính quyền đều chưa bao giờ công khai xem nhau là kẻ thù, nhưng nhiều người cho rằng khi TQ phát triển đến 1 mức nào đó, sự xung đột về lợi ích có thể đẩy 2 nước đến xung đột.

Giới quân sự Mỹ nhận định nếu có xung đột xảy ra giữa Mỹ và TQ, nhiều khả năng nó sẽ diễn ra ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Thứ nhất bởi vì đây là khu vực chiến lược ở ngay 'mặt tiền' của TQ, Thứ hai khu vực này tập trung các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và cả 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này đều là những khúc mắc với TQ. Nhật và Hàn Quốc có các tranh chấp về lãnh hải với TQ, trong khi đó TQ vẫn thường xuyên nhấn mạnh việc sẵn sàng dùng vũ lực với Đài Loan trong vấn đề độc lập. Giới quân sự Mỹ cũng giả định rằng TQ sẽ là phía ra tay trước trong cuộc xung đột đó.  

CHIẾN LƯỢC CỦA TQ

Trong một cuộc xung đột với Mỹ, hiển nhiên TQ sẽ ở thế 'chiếu dưới', do đó TQ sẽ phải xây dựng chiến lược của mình dựa trên cách thức tiến hành chiến tranh của Mỹ, sao cho ít nhất là có thể kiềm chế được sức mạnh của Mỹ.

Một trong những trụ cột quan trọng nhất cho vị thế siêu cường của Mỹ là khả năng triển khai sức mạnh quân sự đến mọi nơi trên thế giới, cho dù là cách xa hàng ngàn km. Lí do thứ nhất là do sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ đối với các nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, do đó Mỹ phải bảo vệ các tuyến hàng hải của mình. Thứ hai là với vai trò siêu cường, các lợi ích của Mỹ trải dài trên quy mô toàn cầu, do đó Mỹ cần có khả năng bảo vệ các lợi ích đó. Và cuối cùng, Mỹ có nhiều đồng minh rải rác khắp nơi trên thế giới và cũng cần có thể bảo vệ những nước này khi cần.

Khả năng này được xây dựng dựa vào 2 yếu tố chính. Đầu tiên là một mạng lưới rộng lớn các căn cứ  quân sự hải ngoại, đóng vai trò như những trạm trung chuyển nhân lực và hậu cần, là nơi để Mỹ tập trung quân trước khi phát động chiến tranh, và để duy trì hoạt động trong thời gian chiến tranh. Thứ 2 là sức mạnh vượt trội của hải quân Mỹ so với các nước khác. Ngay cả Liên Xô trong thời kì đỉnh cao của mình cũng không thể cạnh tranh với Mỹ về lực lượng hải quân viễn chinh. Kể từ sau Thế chiến thứ 2 cho đến nay, hải quân Mỹ liên tục duy trì sự hiện diện của mình tại mọi vùng biển chính trên thế giới. Nhờ vào ưu thế này, hải quân Mỹ có thể trực tiếp tham chiến nhờ vào nguồn hoả lực khổng lồ của mình, gồm các chiến đầu cơ từ tàu sân bay, tên lửa hành trình từ các tàu nổi và tàu ngầm, hoặc hỗ trợ lực lượng thuỷ quân lục chiến đổ bộ. Ngoài ra, Mỹ có thể tự do di chuyển nhân lực và vật lực của mình từ chính quốc đến các chiến trường ở hải ngoại bằng đường biển.

Dựa trên 2 yếu tố trên, cách thức tiến hành chiến tranh hiện đại của Mỹ về cơ bản là giống nhau trong mọi cuộc xung đột lớn mà Mỹ tham gia kể từ sau thế chiến thứ 2 đến nay:

-Nhanh chóng triển khai một lực lượng quân sự lớn cả trên bộ, trên không, trên biển đến các căn cứ tiền phương và vùng biển gần điểm nóng xung đột.

-Thiết lập và đảm bảo một vùng hậu phương an toàn cho việc tiếp tục tập trung nhân lực và vật lực.

-Thường xuyên thu thập thông tin trinh sát, tình báo về đối phương; đồng thời ngăn đối phương làm điều tương tự.

-Chủ động bắt đầu chiến tranh tại thời gian và địa điểm mà Mỹ chọn.

-Luôn duy trì thế thượng phong trên không.

Do đó, để đối phó với sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, chiến lược của Trung Quốc nhắm vào việc vô hiệu hoá 2 yếu tố sức mạnh này của Mỹ. Chiến lược này bao gồm 2 mục tiêu chính: vô hiệu hoá các căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực thông qua một đợt tấn công phủ đầu chớp nhoáng, và thứ hai là ngăn chặn sự hoạt động tự do của hải quân Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương, đẩy các hạm đội Mỹ ra xa hơn khỏi tầm tác chiến của mình. Mục đích cuối cùng là nhằm ngăn Mỹ không thể triển khai sức mạnh quân sự tại khu vực này trong trường hợp có xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực này, như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.

Căn cứ tiền phương ở hải ngoại, như đã phân tích ở trên, cho đến nay là một điểm mạnh của sức mạnh quân sự Mỹ. Nhưng nó cũng đồng thời là 'gót chân Achilles' người Mỹ. Điểm yếu này đã được chính người Mỹ cũng như các nước khác nhìn thấy kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, do sự phát triển và phổ biến của các loại vũ khí tấm xa. Đặc biệt là hiện nay Trung Quốc đang sở hữu một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, có sức vươn xa đến hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, hải quân là nguồn sức mạnh chính của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương khi có xung đột xảy ra, đặc biệt là các tàu sân bay, vì diện tích rất lớn của khu vực này nên các chiến đấu cơ của không quân hoạt động từ các sân bay trên đất liền sẽ không tầm bay để hoạt động hiệu quả.

TQ hiểu rõ rằng trong hiện tại và tương lai gần, họ chưa đủ sức để có thể hoàn toàn đánh bại Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, do đó mục tiêu chiến lược của TQ là khiến cho Mỹ phải trả một chi phí rất cao khi quyết định tham chiến, như vậy sẽ tạo một sự răn đe cho chính phủ và người dân Mỹ không nên dính vào một cuộc xung đột quân sự với TQ.

Kế hoạch tổng thể của TQ trong trường hợp có xung đột vũ trang với Mỹ như sau. 

Trong giai đoạn đầu, TQ sẽ tấn công vô hiệu hoá các vệ tinh quân sự của Mỹ ở quỹ đạo tầm thấp, đặc biệt là các vệ tinh trinh sát và liên lạc.

Tiếp theo là những đợt tấn công phủ đầu các căn cứ chính của Mỹ tại các nước đồng minh trong khu vực như căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Andersen ở Guam bằng các tên lửa đạn đạo tầm xa. Làm tê liệt toàn bộ hoặc 1 phần các căn cứ này.

Khi  Mỹ đưa các đội tàu sân bay của mình vào khu vực, TQ sẽ đáp trả các hạm đội này bằng tên lửa đạn đạo diệt hạm, tên lửa hành trình diệt hạm được phóng đi từ đất liền, máy bay, và tàu ngầm. Mục đích là ép hạm đội Mỹ ra cách xa bờ biển  TQ ít nhất 1000 hải lý, vì khoảng cách đó lớn hơn tầm hoạt động (nếu không được tiếp nhiên liệu trên không) của các máy bay từ tàu sân bay, và cũng lớn hơn tầm bay của tên lửa hành trình phóng đi từ các tàu chiến khác.

Tiếp đó, các tên lửa phòng không tầm xa và tiêm kích cơ của TQ sẽ tập trung giành giật quyền kiểm soát bầu trời, đẩy lùi các máy bay Mỹ, đặc biệt là trên vùng trời của eo biển Đài Loan và gần nội địa TQ.

Cùng lúc với các đòn tấn công 'cứng' là các đòn tấn công 'mềm' trên không gian mạng và tác chiến điện tử nhằm làm triệt tiêu hơn nữa năng lực tác chiến của Mỹ.

Chống vệ tinh

Mỹ sở hữu một hệ thống vệ tinh quân sự hiện đại và dày đặc nhất hiện nay, tạo cho quân đội Mỹ một lợi thế khổng lồ. Các vệ tinh này đóng rất nhiều vai trò khác nhau, bao gồm do thám, thông tin liên lạc, dẫn đường, và cung cấp toạ độ cho các loại vũ khí thông minh. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc lớn của quân đội Mỹ vào các vệ tinh này cũng là 1 điểm yếu mà TQ có thể khai thác.

Năm 2001, tình báo Mỹ dự đoán rằng đền 2015, TQ sẽ có được khả năng chống vệ tinh. Sau đó dự đoán này được sửa lại thành 2010, nhưng trên thực tế đến ngày 11/1/2007 thì TQ đã thử nghiệm thành công việc dùng tên lửa từ mặt đất phá huỷ 1 vệ tinh khí tượng cũ cách Trái đất 850 km. Ngoài ra, nhiều người còn tin rằng TQ từng thử nghiệm việc dùng tia laser để làm loá cảm biến trên một vệ tinh của Mỹ, mặc dù cả Mỹ và TQ đều ko chính thức tuyên bố gì về việc này.

Nếu TQ có khả năng bắn hạ các vệ tinh của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột, nó có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả của cuộc chiến. Đa số các loại vũ khí chính xác của Mỹ hiện nay dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS. GPS cũng giúp định hướng các loại phương tiện trên biển và trên không. Từ ngày 8/2/2010, hải quân Mỹ đã cho ngừng hoạt động hệ thống dẫn đường dựa vào các đài phát đặt ở bờ biển, do đó hiện nay việc định hướng trên biển hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống GPS. GPS còn giúp việc tinh chỉnh thời gian chính xác để các hệ thống mạng có thể làm việc với nhau.

Một số loại UAV, máy bay không người lái, của Mỹ cũng phụ thuộc vào các đường truyền vệ tinh để nhận chỉ thị từ trạm điều khiển. Quân đội Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào vệ tinh cho việc thông tin liên lạc. Nhu cầu truyền dữ liệu qua vệ tinh của quân đội Mỹ đã tăng với tốc độ chóng mặt trong 2 thập niên qua. Nếu như chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), tổng băng thông qua vệ tinh là 12 megabit/giây, thì hiện nay con số này cho 2 chiến trường Iraq và Afghanistan cộng lại lên tới 10 gigabit/giây, gấp gần 1,000 lần.

Tất nhiên ngay cả TQ cũng sử dụng vệ tinh trong quân sự, và nếu TQ bắn hạ các vệ tinh Mỹ trước thì Mỹ cũng có thể trả đũa tương tự. Nhưng mức độ phụ thuộc của TQ vào vệ tinh thấp hơn Mỹ, hơn nữa nếu chiến tranh xảy ra thì nó ở ngay cạnh TQ, trong khi Mỹ phải tác chiến từ cách nửa vòng Trái đất, do đó TQ có nhiều lựa chọn khác để thay thế vệ tinh hơn.

Chiến tranh mạng

Hiện nay, không gian mạng (hay không gian điều khiển) đã trở thành 1 không gian chiến tranh mới bên cạnh các không gian chiến tranh cổ điển (trên bộ, trên không và trên biển). Những cuộc tấn công ảo hiện nay đã có thể gây ra những thiệt hại vật chất to lớn không khác gì bom đạn thật. TQ nằm trong số những nước có năng lực chiến tranh mạng đáng kể nhất hiện nay, và thường xuyên sử dụng nó để tấn công các mạng máy tính của các quốc gia khác, trong đó Mỹ là mục tiêu chủ yếu. Trong thời bình, mục tiêu chính của những cuộc tấn công này chủ yếu là để đánh cắp thông tin mật. Tuy nhiên trong thời chiến, TQ có thể sử dụng khả năng này nhằm làm gián đoạn các mạng thông tin chỉ huy tác chiến của quân đội Mỹ.

Căn cứ tiền phương

Các lực lượng Mỹ đã quen với việc được hỗ trợ và tiếp tế từ các căn cứ lớn xung quanh khu vực chiến sự mà đối phương hầu như không thể tấn công. Ví dụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh, Iraq chỉ có thể bắn 1 số tên lửa Scud sang các căn cứ Mỹ ở A rập Saudi, nhưng đa số là không chính xác, và chỉ gây tác dụng về tinh thần hơn là vật chất. TQ giờ đây muốn đánh vào yếu huyệt này. Con bài chính của TQ trong kế hoạch dùng đòn tấn công phủ đầu vào các căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực là tên lửa đạn đạo. Đối diện với Đài Loan là hơn 1 nghìn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, từ 300-600km. Trong khi đó các tên lửa tầm trung và tầm xa mới, với tầm bắn từ 1,000 - 3,000km, có thể vươn xa đến tận Guam, là tiền đồn chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Hạm đội trên biển

Trong nhiệm vụ hoá giải sức mạnh hải quân Mỹ TQ đặt trọng tâm vào việc tiêu diệt các tàu sân bay. Trước tiên họ dựa vào các loại vũ khí và chiến thuật của Liên Xô, do trong Chiến tranh lạnh Hải quân LX cũng xem tàu sân bay là mục tiêu ưu tiên cao, trong đó chủ yếu dựa vào các tên lửa diệt hạm phóng từ tàu ngầm hoặc máy bay. Phương thức này có nhược điểm là cần các phương tiện trung gian để chuyên chở các tên lửa diệt hạm như máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm. Trong khi đó, TQ hiện nay chưa thật sự mạnh tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa, vì vật TQ đặt cược nhiều vào việc dùng các tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm trung. Với loại vũ khí này, TQ có thể nhắm bắn tàu sân bay Mỹ khi chúng còn cách Trung hoa đại lục từ 1,000 đến 1,600 hải lý chỉ bằng cách phóng tên lửa từ đất liền ra, thay vì phải dùng các phương tiện chuyên chở khác như máy bay, tàu ngầm để phóng tên lửa.

Cho đến nay chưa có nước nào thực sự triển khai việc sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung cho vai trò chống tàu chiến. TQ được cho là đã cải tiến tên lửa Đông Phong 21, vốn là tên lửa đất đối đất tầm trung, cho vai trò này. Đông Phong 21 được cho là có tầm bắn trên 1,000 hải lý, mang bên trong các đầu đạn con tự hành. Mỗi đầu đạn con này có mang theo cảm biến riêng (radar hoặc cảm biến hồng ngoại) để tự phát hiện và tấn công mục tiêu. Chúng có thể được trang bị chất nổ thông thường, hoặc phóng ra những chùm mũi xuyên để gây hư hại cho tàu sân bay, hay thậm chí là đầu đạn xung điện từ để vô hiệu hoá radar và các thiết bị điện tử khác.

Đông Phong 21 có thể được phóng đi từ các xe cơ giới, do đó tăng tính cơ động và bí mật của nó. Cho đến nay, TQ chưa thực hiện bất kì cuộc thử nghiệm hoàn chỉnh nào của hệ thống này, có lẽ là do không muốn tạo căng thẳng, tuy nhiên nhiều người tin rằng TQ đã hoàn thành việc thử nghiệm từng phần của nó.

Tuy nhiên, trước khi TQ có thể sử dụng loại tên lửa này thì điều kiện tiên quyết là họ phải có khả năng phát hiện ra hạm đội Mỹ từ xa, theo dõi, và dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu. Đây là 1 nhiệm vụ không đơn giản, nếu TQ muốn tấn công từ khoảng cách trên 1,000 hải lý. Do đó TQ cũng đang dồn sức vào việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm và dẫn đường tầm xa, trọng tâm bao gồm các radar ngoại biên tầm xa, và vệ tinh viễn thám. Hiện nay TQ đang tăng tốc việc thiết kế và phóng các vệ tinh viễn thám, thông tin, dẫn đường, thời tiết, tất cả nhằm hoàn thiện chuỗi trình tự từ lúc phát hiện đến lúc tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Lực lượng máy bay tầm xa của TQ tuy còn ở quy mô nhỏ và ít kinh nghiệm tác chiến nhưng cũng không phải là hoàn toàn vô hại. Loại máy bay tấn công hàng hải chủ lực của TQ là H-6K, với tầm hoạt động 1,600 hải lý, nó có thể mang theo 6 tên lửa diệt hạm. TQ có thể dùng các chiến đấu cơ Su-30 MMK để  hộ tống H-6K. Su-30MMK nếu được tiếp nhiên liệu trên không có thể có tầm hoạt động tương đương H-6K.

Lực lượng tàu ngầm của TQ hiện nay chủ yếu vẫn là các tàu ngầm diesel điện. Loại tàu ngầm này có thể rất yên lặng khi chạy bằng động cơ điện, nhưng bù lại nó phải thường xuyên trồi lên để nạp lại pin, tầm hoạt động ngắn, và tốc độ rất thấp, do đó tàu ngầm diesel điện chủ yếu được dùng trong vai trò phòng thủ, 'phục kích' các hạm đội Mỹ tại 1 khu vực nào đó. Chủ lực của lực lượng này là 12 tàu ngầm Kilo mà TQ đặt mua của Nga, một trong những loại tàu ngầm diesel điện hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Nguy hiểm hơn chính bản thân Kilo là những loại ngư lôi và tên lửa diệt hạm đi kèm với loại tàu ngầm này, vốn hiện đại hơn nhiều so với những gì TQ có trước đó.

Công nghệ chế tạo tàu ngầm của TQ hiện nay tuy vẫn còn rất khiêm tốn nhưng có tốc độ phát triển khá cao. Đặc biệt TQ đã tự phát triển công nghệ tàu ngầm chu trình kín. Với các tàu ngầm diesel điện thông thường, sau khoảng vài ngày, khi pin đã cạn, tàu sẽ phải chạy động cơ diesel để nạp lại điện. Khi đó nó sẽ phải trồi lên sát mặt nước, và dùng các ống thông hơi để hút khí và động cơ và thoát khí thải. Với công nghệ chu trình kín, tàu có thể hoạt động liên tục hàng tuần.

Ngoài ra, TQ còn sở hữu hàng chục ngàn mìn hải quân hiện đại. Trên thực tế, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, mìn là loại vũ khí gây ra nhiều thiệt hại nhất cho hải quân Mỹ, chứ không phải các loại vũ khí khác như máy bay, tên lửa...

Phòng không

Mục tiêu chính của lực lượng phòng không TQ là ngăn chặn việc máy bay Mỹ có thể hoạt động tự do trong vùng trời trên eo biển Đài Loan. Át chủ bài là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 PMU2 mua của Nga, với tầm hoạt động tối đa 400km, nghĩa là trên lý thuyết có thể bao trùm gần như toàn bộ eo biển Đài Loan. Hiện nay TQ cũng đang thuyết phục Nga bán thế hệ mới hơn S-400. Dọc bờ biển đối diện với Đài Loan, TQ đã xây dựng một hệ thống dày đặc các radar, trận địa tên lửa, chúng được kết nối với nhau bằng hệ thống thông tin cáp quang để chống việc gây nhiễu.

Yếu tố địa lý

Trong chiến tranh lạnh, chiến trường chính là lục địa châu Âu, nơi mà khối NATO và khối Warsaw chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực giữa 2 bên. Trong khi đó, chiến trường Tây Thái Bình Dương có 2 đặc điểm chính, thứ nhất nó chủ yếu là chiến trường trên biển và trên không, khác với chiến trường châu Âu chủ yếu trên không và trên bộ. Thứ hai, khu vực Tây Thái Bình Dương có một diện tích khổng lồ, lớn hơn cả lục địa châu Âu, và lớn gấp nhiều lần khu vực Trung Đông.

Trong khu vực này, TQ xác định có 2 cột mốc địa lý chiến lược quan trọng, là 'Chuỗi đảo thứ nhất' và 'Chuỗi đảo thứ hai'. Chuỗi đảo thứ 1 chạy từ phía nam Nhật Bản, qua đảo Okinawa, đến Đài Loan, và chạy xuống đến Phillipines và đảo Borneo (Indonesia). 'Chuỗi đảo' này ôm trọn Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông. Chuỗi đảo thứ 2 chạy từ miền trung Nhật Bản, quan quần đảo Marinas, đảo Guam, quần đảo Caroline, ôm trọn Biển Phillipines.

Diện tích khổng lồ của khu vực này đặt ra cho Mỹ một bất lợi lớn, khi phải di chuyển nhân lực và vật lực qua một quãng đường lớn trong khi chiến trường này lại nằm ngay cạnh TQ. Ví dụ từ San Diego, California, quân cảng chính của Mỹ trên bờ Thái Bình Dương, đến đảo Guam, là hơn 10,300 km. Từ căn cứ không quân Elmendorf, Alaska, một trong những nơi đóng quân của chiến đấu cơ tàng hình F-22, đến căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản, là hơn 5,500km.

Không những vậy, Mỹ còn có 1 bất lợi nữa là chỉ có 1 số ít các cơ sở quân sự trong khu vực, do đó TQ có thể tập trung hoả lực với mật độ lớn nhằm vô hiệu hoá chúng. Những căn cứ này lại cách xa nhau và bị ngăn cách bởi biển.Trong khi đó, TQ có thể rải đều lực lượng ra nhiều căn cứ khác nhau ở chính quốc, và đều nằm trong đất liền.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy sự hỗ trợ của các đồng minh trong khu vực có tầm quan trọng đặc biệt nếu Mỹ phải tham chiến tại đây. Đặc biệt là Nhật Bản, vì đây là nước có tiềm lực lớn nhất, có diện tích lớn nhất, và nằm xa TQ nhất,  trong số các đồng minh.

CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ

Chiến lược đối phó của Mỹ với TQ gồm các bước sau:

-Chống chọi với đợt tấn công phủ đầu của TQ, hạn chế tối đa thiệt hại cho các căn cứ quân sự hải ngoại
-Làm tê liệt các hệ thống thông tin chỉ huy của TQ
-Duy trì thế hoạt động trên của các vệ tinh và trên không gian mạng
-Tiêu diệt các hệ thống trinh sát và tấn công tầm xa của TQ
-Thực hiện các hoạt động phong toả hàng hải từ xa
-Duy trì hoạt động cung cấp hậu cần từ nội địa Mỹ đến chiến trường
-Động viên ngành công nghiệp trong nước để sản xuất bù vào trang thiết bị tiêu hao do chiến tranh, đặc biệt là các loại vũ khí chính xác.


Theo đó, Mỹ sẽ cần những bước chuẩn bị sau:

-Kiên cố hoá các công trình phòng thủ tại những căn cứ hải ngoại trong khu vực
-Tiếp tục hoàn thiện công nghệ phòng thủ tên lửa
-Phát triển các loại vũ khí tấn công tầm xa có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ mật độ cao
-Tăng cường khả năng tác chiến tàu ngầm
-Phát triển các phương án có thể thay thế vệ tinh
-Tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ trên không gian mạng
-Phát triển công nghệ vũ khí năng lượng định hướng (laser, pháo điện từ)

Kiên cố hoá các căn cứ

Từ 2010, Mỹ bắt đầu đầu tư bổ sung nhiều boong-ke, hầm ngầm kiên cố tại Guam, điểm tập kết quân sự quan trọng nhất trong khu vực. Một mặt là để tiếp nhận 8,000 lính thuỷ đánh bộ chuyển từ Okinawa đến, một mặt là để chuẩn bị cho trường hợp bị TQ tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo. Toàn bộ dự án này tiêu tốn 8 tỷ dollar và sẽ kéo dài trong 3 năm.

Phòng thủ tên lửa

Át chủ bài trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa là các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng không AEGIS cải tiến và tên lửa Standard. Chúng có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung (loại có tầm bắn từ 3,500 - 5,500 km) khi chúng còn đang ở ngoại tầng khí quyển. Hệ thống này còn có ưu điểm ở tính linh hoạt, do được đặt trên tàu nên có thể được di chuyển đến những điểm nóng tuỳ theo tình hình thực tế.

Hiện nay hải quân Mỹ có tổng cộng 18 tàu chiến trang bị AEGIS cải tiến có thể bắn hạ tên lửa, và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong tương lai, bằng việc đóng thêm tàu mới hoặc cải tiến các tàu có sẵn. Đây sẽ là lớp phòng thủ đầu tiên của các căn cứ của Mỹ tại Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc,  cũng như bảo vệ các đội tàu sân bay. Cho đến nay hệ thống này đạt tỷ lệ thành công 84% trong các lần thử nghiệm, với tổng cộng 21 lần. Nó có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao trên 200km, với khoảng cách 500km. Hải quân Mỹ cũng từng dùng hệ thống này để bắn trúng 1 vệ tinh đang rơi. Ngoài ra, hệ thống này còn có nhiệm vụ bảo vệ các đội tàu sân bay trước các tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa (ASBM) của TQ.

Lớp bảo vệ tiếp theo là của các tên lửa THAAD và Patriot PAC-3 đặt trên đất liền. THAAD có  tầm bắn tối đa 200km, độ cao tối đa 150km. Đây lá chắn thứ 2 nếu tên lửa đạn đạo của TQ lọt qua được AEGIS. Cuối cùng là Patriot PAC-3, với tầm bắn 20km. Nó được dùng để bảo vệ những mục tiêu cụ thể, thay vì bảo vệ một khu vực lớn như AEGIS hay THAAD.

Bằng việc kết hợp giữa phòng thủ thụ động (kiên cố hoá các công trình) và chủ động (bắn hạ tên lửa) Mỹ có thể giảm thiểu được thiệt hại nếu bị TQ tấn công bất ngờ kiểu 'Trân Châu Cảng'. Đồng thời buộc TQ phải tiêu tốn nhiều tên lửa hơn.

Trên thực tế, cách chống tên lửa hiệu quả nhất là theo nguyên tắc 'giết cung thủ thay vì tìm cách chặn mũi tên', hay nói cách khác là tìm diệt các giàn phóng tên lửa. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, vì các giàn phóng tên lửa của TQ đa số là có khả năng cơ động. Ngoài ra, máy bay Mỹ sẽ còn phải đối phó với hệ thống phòng không dày đặc của TQ.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, mặc dù hoàn toàn làm chủ bầu trời, không quân Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu diệt các giàn phóng tên lửa Scud di động của Iraq. Trong báo cáo tổng kết sau cuộc chiến, đây được xem là một trong những thất bại lớn nhất của không quân Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến.

Để bảo vệ hạm đội Mỹ, các chiến đấu cơ của hải quân và không quân Mỹ sẽ có 2 nhiệm vụ chính là quét sạch vùng trời trên eo biển Đài Loan (nếu xung đột giữa Mỹ và TQ có liên quan đến Đài Loan), và ngăn máy bay TQ trước khi chúng lại đủ gần hạm đội Mỹ để phóng tên lửa diệt hạm.

Lớp bảo vệ cuối cùng cho các hạm đội Mỹ là các hệ thống phòng không tầm gần. Những hệ thống này không nhằm vào các máy bay mà để bắn hạ chính các tên lửa khi chúng đến gần tàu chiến.

Hiện nay hải quân Mỹ đang tập trung phát triển công nghệ laser để thay thế tên lửa dùng trong nhiệm vụ bảo vệ tầm gần. Các thử nghiệm cho thấy một tương lai khá hứa hẹn, tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế và áp lực cắt giảm ngân sách quân sự khiến cho chương trình này có nguy cơ không thể hoàn thành trong tương lai gần.

ISR

Cách triệt để nhất để ngăn chặn hoả lực tầm xa của TQ là vô hiệu hoá hệ thống thông tin trinh sát (ISR) của TQ. Hệ thống này có vai trò như tai mắt cho các vũ khí khác. Để làm điều này, Mỹ sẽ đồng thời sử dụng 2 phương thức tấn công bằng hỏa lực và tấn công gián tiếp.

Tấn công bằng hỏa lực nghĩa là Mỹ sẽ sử dụng các loại vũ khí thông minh có độ chính xác cao để tấn công các điểm nút quan trọng trong hệ thống ISR của TQ. Trong đó ưu tiên cao nhất là vô hiệu hoá các hệ thống cảnh báo tầm xa của TQ, bao gồm các trung tâm phóng vệ tinh, trạm điều khiển vệ tinh mặt đất, các radar tầm xa.

Cũng như Mỹ, TQ phụ thuộc vào các vệ tinh viễn thám trong việc cảnh báo sớm từ xa. Nếu Mỹ có thể tiêu diệt các trạm điều khiển, tiếp nhận tín hiệu mặt đất, sẽ giảm được đáng kể hiệu quả của các vệ tinh này. Ngoài ra, tấn công các trung tâm phóng vệ tinh cũng giúp ngăn TQ phóng bổ sung những vệ tinh mới trong trường hợp có chiến tranh.

Các radar tầm xa ngoại biên (OTH) có khả năng 'nhìn' xa hơn giới hạn những loại radar thường, tuy vậy thường có độ chính xác kém, nên chỉ dùng trong vai trò cảnh báo sớm. Những hệ thống OTH mà TQ đang triển khai được cho là có tầm hoạt động từ 800km cho đến 3,000km, cho phép TQ phát hiện được hạm đội Mỹ trước khi các hạm đội này có thể tấn công nội địa TQ. Tuy vậy, chúng có nhược điểm là kích thước rất lớn, được đặt cố định trên một diện tích lớn, do đó có thể trở thành những mục tiêu ngon ăn.

Để vượt qua được mạng lưới phòng thủ dày đặc của TQ và tấn công các mục tiêu chiến lược này, Mỹ có 2 lựa chọn: hoặc dùng các máy bay tàng hình đột nhập sâu vào lãnh thổ TQ hoặc dùng các loại vũ khí tấn công tầm xa.

Đối với lựa chọn thứ 1, hiện nay Mỹ chỉ có 1 loại máy bay tàng hình phù hợp là B-2. B-2 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, đủ sức bay từ các sân bay quân sự Mỹ tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ TQ, tuy nhiên số lượng có hạn, tổng cộng chỉ khoảng 20 chiếc. Một loại máy bay tàng hình nữa là F-22, tuy nhiên loại này chủ yếu có vai trò tấn công trên không. Trong tương lai gần, Mỹ có thể có thêm loại máy bay tàng hình thứ 3 là F-35. Tuy vậy, tầm hoạt động của nó không đủ để có thể xâm nhập sâu bên trong TQ, ngoài ra khả năng tàng hình của nó cũng không bằng F-22 và B-2.

Do đó, với phương án này, có thể Mỹ chỉ sử dụng máy bay tàng hình B-2 cho 1 số ít mục tiêu quan trọng, đặc biệt là những mục tiêu nằm sâu dưới mặt đất, vì B-2 có khả năng mang theo MOP, loại bom xuyên mạnh nhất thế giới hiện nay. MOP nặng gần 15 tấn và có khả năng xuyên sâu hơn 60m dưới mặt đất.

Ngoài ra, B-2 nếu được trang bị bom thông minh cũng có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu. Không quân Mỹ đã thử nghiệm việc dùng 1 chiếc B-2 để ném bom chính xác 80 mục tiêu khác nhau chỉ với 1 lần thả bom. Với khả năng này B-2 có thể được dùng để tấn công các mục tiêu có diện tích lớn, ví dụ sân bay quân sự, trong đó 1 chiếc B-2 có thể đồng thời tấn công đường băng, đài chỉ huy, kho xăng, kho vũ khí, nhà để máy bay...

Xét đến số lượng hạn chế các máy bay tàng hình mà Mỹ đang có, việc dùng các loại vũ khí tấn công từ xa sẽ là phương án chính mà Mỹ sẽ sử dụng. Khi đó các phương tiện mang vũ khí (máy bay, tàu chiến...) sẽ không cần phải xâm nhập bên trong mạng lưới phòng thủ dày đặc của TQ mà có thể phóng vũ khí từ xa.

Loại vũ khí chủ đạo là tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ các tàu nổi và tàu ngầm. Mặc dù đã hơn 20 năm tuổi, Tomahawk vẫn là một loại vũ khí rất hiệu quả nhờ vào việc được cải tiến thường xuyên. Thế hệ tên lửa mới nhất được bổ sung đường truyền vệ tinh 2 chiều, do đó cho phép cập nhập thay đổi mục tiêu trên đường bay, nó cũng có thể truyền hình ảnh trực tiếp từ camera gắn trên tên lửa về trung tâm chỉ huy. Thế hệ Tomahawk mới nhất cũng được trang bị cảm biến laser, do đó lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất hoặc UAV có thể dùng tia laser chiếu vào mục tiêu, và hướng Tomahawk vào chính xác mục tiêu đó, kể cả khi mục tiêu đang di chuyển. Tomahawk càng nguy hiểm hơn nếu được phóng đi từ tàu ngầm, do TQ rất khó có thể dò ra được vị trí hiện tại của các tàu ngầm Mỹ, cho phép chúng có thể lặng lẽ áp sát bờ biển TQ trước khi khai hỏa.

Bổ sung cho Tomahawk là 2 loại vũ khí tầm xa phóng từ máy bay chiến đấu, JSOW và JASSM. JSOW trên thực tế là một loại 'bom bay', bom thông minh có gắn thêm cánh để lướt trong không trung, nhờ đó có tầm xa hơn. Tầm hoạt động tối đa là 130km, và sử dụng cơ chế dẫn đường bằng GPS. JSOW có nhiều loại đầu đạn khác nhau. Nó có thể mang 6 đầu đạn con chống tăng, mỗi đầu đạn này có thể tự tìm kiếm và đánh trúng các phương tiện cơ giới trong bán kính 600m sau khi được thả ra từ bom mẹ. Hoặc nó cũng có thể mang đầu đạn đơn có khả năng xuyên phá bêtông, đầu đạn này còn được trang bị 1 cảm biến hình ảnh ở đầu để có thể đánh trúng những mục tiêu nhỏ hoặc những mục tiêu di động.

JASSM gần giống JSOW, nhưng được trang bị thêm 1 động cơ tên lửa nên có tầm hoạt động xa hơn, từ 400km-900km. JASSM sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp giữa GPS và cảm biến hình ảnh. Ngoài ra, cả JSOW và JASSM còn có 1 điểm đặc biệt nữa là hình dáng bên ngoài của chúng được thiết kế dựa trên các nguyên tắc tàng hình, giúp tránh bị phát hiện khi đang trên đường di chuyển tới mục tiêu. Các loại bom, tên lửa thông thường hầu như đều có dạng hình trụ tròn và phản xạ sóng radar rất tốt, do vậy rất dễ bị phát hiện từ xa.

JASSM mới vừa hoàn tất quá trình phát triển, chưa được sử dụng trong thực tế. Còn JSOW đã từng được sử dụng tại Iraq và Afghanistan, tuy nhiên số lượng rất hạn chế. Vấn đề là vì cả JSOW và JASSM đều có giá thành cao hơn so với bom thông minh thông thường (JDAM). JDAM là loại bom rơi tự do, tầm hoạt động khoảng dưới 100km, nhưng do tại cả Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ hoàn toàn làm chủ bầu trời do đó máy bay của họ có thể di chuyển đến bất cứ đâu và thả bom vào mục tiêu.

Ngược lại, nếu có xung đột với TQ, máy bay Mỹ sẽ phải đối mặt với lưới phòng không dày đặc, do đó tốt nhất là giữ một khoảng cách an toàn với mục tiêu và tấn công từ xa, khi đó JSOW và JASSM sẽ có vai trò không thể thiếu.

Bên cạnh việc tấn công bằng hỏa lực, Mỹ còn có thể dùng tác chiến điện tử để làm tê liệt hệ thống ISR của TQ. Tác chiến điện tử cũng là 1 trong những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế lớn so với TQ. Mỹ là quốc gia tiên phong trong công nghệ tác chiến điện tử và hiện nay vẫn duy trì một khoảng cách lớn so với các đối thủ. Trước kia tác chiến điện tử chủ yếu xoay quanh việc gây nhiễu cho hệ thống radar hoặc thông tin liên lạc của đối phương. Hiện nay nó đã phát triển lên 1 mức độ cao hơn, bao gồm khả năng tạo ra mục tiêu giả, bằng cách thu nhận tín hiệu radar của đối phương, số hoá và tái tạo lại tín hiệu đó, tạo ra 1 phiên bản copy của tín hiệu radar đối phương. Khi radar nhận được tín hiệu copy này, nó sẽ không thể phân biệt được đây chỉ là tín hiệu giả, và do đó sẽ hiển thị 1 mục tiêu giả trên màn hình radar. Mỹ có thể tạo ra những tàu sân bay giả hiển thị trên màn hình radar của TQ để đóng vai trò chim mồi thu hút tên lửa TQ vào đó, thay vì các tàu sân bay thật.
 
Đối phó với các tàu chiến của TQ trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông

Lực lượng tàu chiến mặt biển của TQ không phải là điểm mạnh của nước này. Mặc dù đa số tàu chiến TQ có sức tấn công lớn do được trang bị tên lửa diệt hạm, nhưng lại yếu về khả năng phòng thủ trước máy bay và tàu ngầm, mà đây lại là những thế mạnh của hải quân Mỹ. Các tàu chiến TQ thường có kích thước từ nhỏ đến trung bình, do đó không đủ không gian cho các radar và tên lửa phòng không cỡ lớn. Hạn chế về kích thước cũng đồng thời không cho phép lắp đặt các giàn sonar lớn, làm giảm khả năng phát hiện tàu ngầm. Công với hạn chế và mức độ tinh vi của công nghệ và thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, TQ nhiều khả năng sẽ tự hạn chế việc sử dụng tàu chiến trong xung đột nếu không muốn hứng chịu thiệt hại lớn. Trong chiến tranh Falklands 1982, Argentina cũng không đưa lực lượng tàu chiến của mình tham chiến, đặc biệt sau khi 1 chiến hạm của họ bị tàu ngầm Anh đánh chìm.

Tác chiến tàu ngầm

Không như các tàu chiến mặt biển, các tàu ngầm TQ là mối đe dọa thực sự cho hạm đội Mỹ, vì chúng không dễ để bị phát hiện và tiêu diệt. Một trong những ưu tiên lớn nhất của hải quân Mỹ bảo vệ các tàu sân bay hoạt động ở Tây Thái Bình Dương khỏi tàu ngầm TQ, đặc biệt là các tàu ngầm diesel-điện, vì chúng cực kỳ yên lặng khi sử dụng động cơ điện. Được trang bị ngư lôi hạng nặng và tên lửa diệt hạm, các tàu ngầm này có thể là những sát thủ giấu mặt đối với tàu sân bay Mỹ. Do đó chống tàu ngầm được xem là một trong những thách thức

Đặc điểm địa lý khu vực này tạo ra một số lợi thế nghiêng về phía Mỹ và đồng minh, do các đảo của Phillipnes, Đài Loan, và các đảo của Nhật Bản tạo thành một bức tường ngăn tàu ngầm di chuyển từ vùng biển nội địa ra Thái Bình Dương. Tàu ngầm TQ sẽ phải di chuyển qua các nút cổ chai, cho phép Mỹ và đồng minh có thể tập trung lực lượng đối phó. Chiến thuật chính sẽ là ‘phục kích’ các tàu ngầm TQ khi chúng qua lại các nút cổ chai này.

Tại khu vực nằm giữa chuỗi đảo thứ 1 và thứ 2, đảm nhiệm việc săn tàu ngầm sẽ chủ yếu là máy bay và tàu chiến. Các máy bay tuần tra hàng hải như P-3 (máy bay cánh quạt), P-8 (máy bay phản lực) có ưu thế và tốc độ, và có thể bao quát một khu vực lớn bằng cách thả các phao sonar. Các phao này sẽ phát hiện tín hiệu âm thanh từ tàu ngầm quanh đó và gửi về cho máy bay mẹ.

Bên cạnh đó, trực thăng săn tàu ngầm cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Vì trực thăng có thể di chuyên nhanh hơn nhiều so với tàu chiến hay tàu ngầm. Và mặc dù chậm hơn máy bay tuần tra hàng hải, trực thăng lại có thể lơ lửng bên trên mặt nước trong khi thả phao sonar xuống để dò tìm tàu ngầm.

Nhật Bản sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ Mỹ chống tàu ngầm, không chỉ bởi vì vị trí địa lý của Nhật giống như bức hàng rào ngăn giữa vùng biển nội địa TQ và Thái Bình Dương mà còn vì năng lực của hải quân Nhật Bản. Hiện nay hải quân Nhật đang trong quá trình trang bị 4 tàu sân bay hạng nhẹ lớp Hyuga. Những tàu này, có thể chở theo các trực thăng săn tàu ngầm. Trong thời kì Chiến tranh lạnh, trong phân công nhiệm vụ giữa các thành viên NATO, hải quân Anh cũng được giao nhiệm vụ chống tàu ngầm Liên Xô, bảo vệ cho các hạm đội Mỹ. Do đó Anh cũng phát triển lớp tàu sân bay hạng nhẹ Invincible chuyên mục tiêu chống tàu ngầm.

Bên trong chuỗi đảo thứ 1, chủ yếu là do các tàu ngầm hạt nhân, vì khu vực này gần với nội địa TQ do đó khá nguy hiểm cho sự hoạt động của máy bay và tàu chiến. Riêng khu vực Biển đông, do nằm khá xa so với nội địa TQ, cũng có thể có sự phối hợp hoạt động giữa tàu ngầm, máy bay và tàu chiến Mỹ và đồng minh.

Điểm yếu lớn nhất đối với các tàu ngầm diesel-điện là thời gian hoạt động ngắn, chúng phải thường xuyên quay về cảng nhà để tiếp tế. Ngoài ra, vận tốc của chúng cũng rất thấp. Do đó, thời gian hành quân từ cảng ra chiến trường và ngược lại là thời điểm mà tàu ngầm diesel-điện dễ bị tấn công nhất. Mỹ có thể dùng máy bay để rải mìn thông minh tự hành phong toả các hướng ra vào cảng của tàu ngầm. Loại mìn này nằm ở đáy biển, và được trang bị cảm biến riêng. Khi phát hiện tàu ngầm đối phương di chuyển gần đó, nó sẽ phóng ra 1 ngư lôi mini tự động bám theo mục tiêu.

Mỹ có thể dùng các máy bay ném bom tầm xa của mình để rải mìn  chống tàu ngầm, hoặc dùng chính tàu ngầm của mình. Thông thường các tàu ngầm hạt nhân, như của Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, được thiết kế để tác chiến ở những vùng biển sâu. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới của Mỹ cũng được thiết kế để hoạt động tốt trong vùng duyên hải, do đó có thể tham gia săn lùng các tàu ngầm TQ ra nó ra vào cảng hoặc dùng để rải mìn.

Song song với việc đánh bại lực lượng tàu ngầm TQ, hải quân Mỹ cũng đặt ưu tiên tận dụng tối đa sức mạnh lực lượng tàu ngầm của mình. Có thể nói dưới mặt biển là nơi Mỹ có ưu thế khá rõ rệt, do sự vượt trội về công nghệ và kinh nghiệm tác chiến thực tế. Cho tới nay Mỹ vẫn luôn dẫn đầu về công nghệ tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt là về mức độ yên lặng, sonar, xử lý tín hiệu, và mức độ an toàn (tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng gần nhất của Mỹ xảy ra cách đây hơn 40 năm). Kể từ sau Chiến tranh lạnh, do thiếu kinh phí Nga phải cắt giảm nhiều số các chuyến tuần tra dài ngày bằng tàu ngầm trong khi đó Mỹ vẫn duy trì mức độ hoạt động cao cho lực lượng tàu ngầm của mình, và do đó sở hữu những đội thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm.

Tàu ngầm sẽ đóng 1 vai trò quan trọng khi Mỹ thực hiện việc phong toả đường biển từ xa với TQ, ngăn chặn các tuyến vận tải hàng hải đến TQ, đặc biệt là các tàu chở nguyên nhiên liệu. Trên thực tế, đây chính là cách người Mỹ đã làm trong thế chiến thứ 2, dùng tàu ngầm để đánh chìm hơn 5 triệu tấn tải trọng, 60% của tổng tải trọng đội tàu vận tải của Nhật Bản, qua đó ngăn không cho người Nhật chuyển tài nguyên từ các thuộc địa ở châu Á-Thái Bình Dương về chính quốc, và dần dần, Nhật Bản trở nên kiệt quệ.

Cũng giống như Nhật Bản trước đây, TQ hiện nay cũng phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên chủ chốt từ nước ngoài. Mỹ có thể phong toả những điểm nút giao thông hàng hải quan trọng, nằm cách xa TQ. Tiêu biểu như eo Malacca, nơi phần lớn nguồn dầu thô cung cấp choTQ đi qua. Trong khi đó, hải quân TQ, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, lại chưa đủ trình độ công nghệ và kinh nghiệm để tác chiến ở những nơi xa chính quốc như vậy, do đó khó có thể bảo vệ các tàu hàng của mình trước tàu ngầm Mỹ. Về lâu dài, phong toả từ xa có thể sẽ là nhân tố quyết định chiến thắng cho người Mỹ.

Các tuyến vận tải đường biển quan trọng với TQ bao gồm các tuyến liên Thái Binh Dương nối TQ với Mỹ, Nhật Bản, các tuyến vận chuyển quặng, khoáng sản từ Úc sang TQ, và các tuyến qua vùng nam Biển Đông. Nếu Mỹ và đồng minh có xung đột với TQ thì đương nhiên việc vận chuyển thương mại đường biển giữa những nước này với TQ sẽ dừng lại, do đó khu vực nam Biển Đông sẽ là điểm nóng trong chiến lược phong toả đường biển từ xa mà Mỹ áp dụng với TQ.

Ngoài các nhiệm vụ trên, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ còn có thể được dùng để săn các tàu chiến nổi, phóng tên lửa hành trình, thu thập thông tin tình báo, di chuyển các nhóm đặc nhiệm đột nhập vào nội địa TQ. Có thể nói tàu ngầm sẽ là át chủ bài của Mỹ nếu có xung đột nổ ra tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tầm ảnh hưởng của nó sẽ tương đương, thậm chí có thể cao hơn cả tàu sân bay.

Không gian

Để giành ưu thế trong không gian, chiến lược của Mỹ gồm những bước sau:

-Nhanh chóng các phương án thay thế cho các vệ tinh bị TQ bắn hạ

-Vô hiệu hoá hệ thống diệt vệ tinh của TQ

-Tấn công các vệ tinh TQ

Các công nghệ thay thế cho vệ tinh co thế bao gồm những UAV (máy bay không người lái) có thời gian hoạt động siêu dài, có thể lên tới hàng năm. Những UAV này được làm từ vật liệu siêu nhẹ, có sải cánh lớn, và sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động. Chúng sẽ lượn vòng liên tục trong thời gian dài, ở độ cao lớn, khoảng 20 km, vì ở độ cao này bầu khí quyền ổn định, không có các hiện tượng thời tiết, và tín hiệu có thể bao phủ một khu vực rộng lớn. Hiện nay chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên dự kiến trong tương lai gần chúng sẽ sẵn sàng được sử dụng chính thức.

Tương tự, các khí cầu dự báo thời tiết cũng có thể được sử dụng trong vai trò này, vì chúng hoạt động ở độ cao lớn trong thời gian dài. Thay cho các thiết bị quan trắc thời tiết sẽ là các thiết bị chuyển tiếp tín hiệu, thiết bị định vị thay cho GPS, hoặc thiết bị trinh sát. Những khí cầu như vậy, khi hoạt động ở độ cao trên 30km, có thể cung cấp tín hiệu cho một khu vực có bán kính lên tới 1,000km. Tuy nhiên chúng thường chỉ ở trên không khoảng nửa ngày trước khi khí cầu bắt đầu xẹp bớt và từ từ hạ cánh.

Ngoài ra cũng có thể sử dụng những máy bay cỡ lớn như B-52 hay KC-135 cho vai trò này, tuy rằng chúng bao phủ một khu vực nhỏ hơn, và phải thường xuyên hạ cánh để tiếp nhiên liệu và đổi phi hành đoàn.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo các vệ tinh mini có kích thước nhỏ, giá rẻ, để có thể nhanh chóng phóng lên thay thế các vệ tinh chính khi chúng bị TQ tiêu diệt.

Một mặt khác, Mỹ cũng cần tăng cường huấn luyện chiến đấu trong điều kiện không có hoặc có giới hạn băng thông vệ tinh. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng từng thường xuyên huấn luyện như vậy. Nhưn sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng bị lãng quên do Mỹ mặc định rằng các vệ tinh quân sự của mình là bất khả xâm phạm.

Song song với việc đối phó, Mỹ cũng có thể chủ động tấn công lại các vệ tinh và chính hệ thống diệt vệ tinh của TQ . Khả năng chống vệ tinh của TQ có 1 điểm yếu là tên lửa diệt vệ tinh được phóng đi từ các giàn phóng cố định lớn, xây dựng sẵn, do đó Mỹ luôn có thể biết chính xác vị trí các mục tiêu quan trọng này.

Trên thực tế khả năng tiêu diệt vệ tinh của TQ không có gì mới, vì cả Mỹ và Liên Xô đã thực hiện điều này trong Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên 2 nước sau đó không tiếp tục theo đuổi nó nữa như một phần của nỗ lực giảm chạy đua vũ trang, cũng như tránh việc quân sự hóa không gian. Ngoài ra, việc thử nghiệm bắn hạ các vệ tinh sẽ tạo ra vô số các mảnh vỡ nhỏ bay lang thang trong quỹ đạo và có thể gây thiệt hại cho các vệ tinh quân sự của cả 2 bên.

Do đó, nếu cần Mỹ vẫn có thể phát triển một hệ thống chống vệ tinh của riêng  mình. Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ từng thử nghiệm thành công phóng tên lửa diệt vệ tinh từ chiến đấu cơ, thay vì phải từ các giàn phóng cố định như của TQ hiện nay. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa để tiêu diệt các vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Mỹ từng dùng hệ thống này để bắn hạ 1 vệ tinh hỏng của mình ở độ cao hơn 220km.

Phân chia nhiệm vụ giữa Hải và không quân

Do đặc điểm địa lý, trong trường hợp một cuộc xung đột với TQ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, nhiệm vụ tác chiến sẽ chủ yếu do hải quân và không quân phối hợp thực hiện.

Không quân và hải quân cùng phối hợp vô hiệu hoá các vệ tinh viễn thám hàng hải của TQ, nhằm ngăn chặn TQ có thể phát hiện sớm và theo dõi hạm đội Mỹ từ không gian.

Hải quân, với hệ thống phòng không AEGIS và tên lửa Standard, đóng vai trò chính trong việc phòng thủ chống tên lửa đạn đạo từ TQ.

Hoả lực tầm xa từ tàu ngầm và tàu sân bay tấn công hệ thống phòng không của TQ, làm giảm hiệu năng của nó và mở đường cho các máy bay ném bom của không quân có thể hoạt động với độ an toàn cao hơn. Lúc này nhiệm vụ của các máy bay này là tấn công và hệ thống trinh sát, các giàn phóng tên lửa được dùng để tấn công các tàu chiến và căn cứ trên bộ của Mỹ.

Các chiến đấu cơ từ tàu sân bay của hải quân bảo vệ các máy bay hỗ trợ của không quân như máy bay tiếp nhiên liệu trên không, cảnh báo sớm trên không, trinh sát…

Không quân hỗ trợ hải quân trong việc chống tàu ngầm và phong toả đường biển bằng việc dùng máy bay để rải mìn và dùng máy bay không người lái để tuần tra liên tục.

2 comments:

KodkodNapsu said...

Xin chào, cảm ơn vì bài viết.
Bạn có thể post bài viết nào đó về RQ-170 Sentinel vừa bị Iran chiếm được không?

Mili-Tec said...

Bạn có thể xem bài của mình tại đây

http://bee.net.vn/channel/2981/201112/Giai-ma-tang-hinh-moi-nhat-cua-My-roi-vao-tay-iran-1820795/